Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 33

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Trời bắt đầu trở bấc, chiều chiều gió lạnh thổi từng cơn, đàn muỗi đói cũng di tản hay đã chết lạnh gần hết. Mùa cắm câu qua đi nên mấy tuần rồi Long và cô Hoa không được đi mua cá bán. Anh thấy nao nao trong lòng như thiếu đi cái gì đó khó tả...
Cô vừa dạy xong thì anh qua rủ:
- Chiều nay mình xuống 2 ấp Vàm sáng và Cán Gáo thị sát "mặt trận" thử coi ở đó có cái gì có thể mua về chợ bán được hông, chứ chờ tới ngày đi mua gạo  bán thì lâu quá.
Cô Hoa cũng đồng tình:
- Em cũng định rủ anh đi lòng vòng hết mấy ấp trong đó chơi cho biết cuộc sống của các bạn khác thế nào, sẵn đó tìm xem coi có hàng nào mua bán được thì mình làm thử. Hay là mình chở khóm bán đi anh.

Khóm là nông sản đứng thứ nhì sau lúa ở Thứ 11 và những vùng phụ cận. Người ta đào mương 2 bên rồi lấy đất đấp lên thành cái líp, một líp để trồng khóm có chiều ngang chừng 2, 3 mét còn chiều dài khoảng trên 20 mét, tới đó người ta đào một cái mương cắt ngang. Một cái rẫy khóm tùy theo khả năng từng gia đình có khi vài chục líp cũng có thể hàng trăm líp không chừng.
Đất rừng U Minh do lá cây mục lâu đời mà thành hình nên toàn là phân hữu cơ do vậy mà trái khóm ở Thứ 11 rất lớn nó lớn gấp rưởi khóm Tắc Cậu hay Bến Lức có điều đất đó còn quá nhiều phèn nên vị khóm không được ngọt như khóm ở những vùng trên có nước ngọt.
Giá khóm thì rẻ rề dân chúng tự do mua bán nếu chở qua trạm tụi công an kinh tế chỉ ước tính rồi đóng một vài đồng thuế có khi ít quá cũng được miễn thuế luôn để chúng khỏi ra biên lai mất công. 
Những người đi buôn khóm họ chuyên chở bằng những chiếc ghe lớn mỗi lần chở từ vài chục ngàn trái trở lên như vậy chi phí vận chuyển mới nhẹ. Còn những bạn hàng nhỏ dùng vỏ máy chở đi mỗi lần vài trăm hay vài ngàn trái, nếu chèo ghe bằng tay thì tốn cả ngày công mới về tới chợ, còn đi bằng máy thì tiền xăng dầu ăn hết giá thành sẽ cao bằng giá khóm tại chợ. Bán không có lời nhiều... 
Cũng bởi "đường xa mắt mờ" lại nữa lá khóm gai góc cùng mình nó đâm trúng tay đau thấu trời...
Ra chợ có khi bị đụng hàng thì rất khó tìm người sang lại mà cũng không lời bao nhiêu tiền, vậy thì đi làm gì cho mệt xác. Cho nên Long mới nói:
- Chở khóm hổng có ăn đâu. Mình đi xuống mấy ấp đó xem chơi thôi, biết đâu có hàng nào ngon lành đang tiềm ẩn mà mình chưa biết.
- Vậy để em nấu cơm trưa ăn liền rồi mình đi nghen...

Điểm trường Vàm Sáng năm rồi khai giảng được 4 lớp. Niên khóa 1976-1977 có thêm 2 lớp 3 nữa. Hai chị em bạn dì Phương và Thúy từ Đông Yên xuống được Long giao cho phụ trách 2 lớp 3 mới mở. 
Hôm cất thêm một phòng học người ta cũng dựng cho 2 cô giáo một căn nhà nhỏ kế bên. 
Học sinh lớp 3 ở đây tương đối  lớn tuổi nên chúng cũng biết chuyện. Củi, cá, gạo, rau... chúng thường đem tới cho. Hai cô giáo chỉ việc nấu ăn lâu lâu mới lên chợ Thứ 11 mua thêm ít đồ gia vị cho nên cuộc sống được khá hơn ở Đông Yên đôi chút...
Điểm trường trong ấp Cán Gáo nhỏ hơn, năm rồi có 2 lớp 1& 2 năm mới nầy tăng thêm được 1 lớp 3 nữa do thầy Trần khóa 3 đảm nhiệm.
Thầy Trần lớn lên ở bên bờ Hậu Giang nên biết nhiều cách bắt cá, bắt tôm lắm...
Ấp Cán Gáo đường đi rạch ngòi chằn chịch, cầu khỉ cheo leo khó di chuyển nên Trần đã mua một chiếc xuồng con để làm chân mà đi đó đi đây. 
Tháng nầy gió bấc ít bắt được cá anh ta quay qua câu tôm dưới sông.

Quá trưa hôm đó Long đến điểm Vàm Sáng, anh ghé vào căn nhà tập thể của 2 nàng. Cô Thúy đang dạy lớp chiều cùng với Sơn và Đực.
Cô Phương đang ngồi trên cái giường cây chống càm mơ màng ngó ra bờ kinh sáng.
Long cột vỏ máy rồi bước lên bờ từ từ đi đến gần sát bên mà cô ta vẫn chưa hay, tới chừng anh cách cô độ 5 thước thì nàng ta mới giựt mình đứng lên hỏi:
- Anh đến kiểm tra trường tụi em hả? Sao không cho hay trước để tụi em chuẩn bị dzị?
Long cười lớn:
- Đi kiểm tra mà còn cho cô hay trước thì kiểm tra cái nổi gì? Bộ cô tưởng tôi quởn lắm sao mà đi kiểm tra các cô? Muốn dạy sao thì tùy ý đi. Ai thèm xía vô làm gì.
Cô Phương nghe vậy thì cười tươi hỏi lại:
- Sao mỗi lần họp nội bộ trường anh nói đủ thứ chuyện dzị? Nào là ty GD bắt buộc làm như vầy, phòng GD biểu làm cái kia tùm lum tá lả hết trơn nghe không cũng muốn xỉu rồi...
- Ty với phòng quy định như vậy còn trường đâu có quy định cái gì đâu. Cô sợ ty, sợ phòng kiểm tra thì cứ làm theo, tôi đâu có cấm, còn không làm mà bị phòng bắt dính thì nghe họ giủa chứ mắc mớ gì tôi mà tôi lo...
- Bộ anh hổng sợ cán bộ phòng đi kiểm tra hả? Thằng cha hiệu trưởng cũ trên Đông Yên của em cứ tới kiểm tra tụi em hoài.
Long cười lớn:
- Sợ chớ sao không cô, tôi sợ tụi nó muốn chết, tụi nó mà xuống trường thường thì tôi hổng còn tiền ăn xôi, mà ruột gan phèo phổi bị ông thần men làm nát bấy như tương bầm...
- Vậy là hôm nay anh xuống chỗ tụi em kiếm chuyện gở gạt lại hả?
Cô Hoa thanh minh dùm liền:
- Sao bà nghĩ quấy cho ảnh dzậy? Ảnh rủ tui xuống thăm mấy ông bà chơi cho biết cuộc sống ra sao thôi mà, không ai đi đòi lại tiền đò đâu mà bà lo.
Ba người ngồi tám chuyện một hồi thì cô Thúy và 2 thầy kia đến giờ tan học cũng tấp vô tham gia cho xôm tụ...
Hai ấp nầy ngoài lúa và khóm ra thì lâu lâu người ta mới đi rừng lấy củi vì đường vô rừng khá xa nên không có người đi gác ong hay đặt bẫy vậy là không có cái gì bán được hết.
Đang chuyện trò vui vẻ thì Trần bơi xuồng ghé ngang. 
Cô Phương ở trên nhà nói vói xuống:
- Hôm nay nhà có khách rồi không đi câu tôm với anh được đâu.

Con kinh Cái Sắn nơi mà Long sinh sống ghe tàu, xuồng bè qua lại dập dìu nên không có người câu tôm, Vàm Sáng, Cán Gáo ít người di chuyển, nhất là về đêm nên câu tôm rất có ăn. Nhưng lại kẹt một điều muỗi quá nhiều vì vậy cũng ít có người dám đi câu tôm. 
Trần cho ra một sáng kiến độc đáo để chống muỗi. Anh ta lấy áo mưa mặc kín từ đầu tới chân, 2 bàn tay và 2 bàn chân cho vô bao nylon rộng rồi quấn thung lại chỉ có cái đầu thì còn tróng hể muỗi tấp vô mặt thì lấy tay đập. Nhưng vào mùa gió bấc muỗi cũng bớt tới chín phần nên mấy hôm nay Trần thường đến rủ cô Phương theo câu tôm chơi cho biết...
Trần vừa cột xuồng xong thì bước lên bờ hỏi:
- Khách nào dzậy? 
- Tụi tôi xuống chơi chớ khách khứa nào đâu. Long bước ra trả lời.
Căn nhà tập thể nhỏ đó không đủ chổ chứa cho các cô thầy giáo của 2 điểm trường nên cả bọn kéo rốc trở về Thứ 11 chơi.
Long nhờ cô Hoa mua 2 con gà mái tơ còn Trần thì mang theo hơn 2 kí tôm mà anh ta câu được đêm qua.
Ba điểm trường hợp lại mở tiệc họp mặt đột xuất không tính trước. 
Có chút xíu rượu vào hứng chí nên Đực lên tiếng:
- Tui đố quý vị tiệc vui hôm nay mang ý nghĩa gì ai trả lời đúng thì tui sẽ mua thêm 1 lít gụ nữa.
Sơn dành trả lời liền:
- Đây là buổi họp mặt để giới thiệu cặp tình nhân đẹp nhất của trương Đông Hưng chúng ta. Đó là 2 bạn Nga & Đực
Cô Nga mặt đỏ hây hây phản pháo lại tức thời:
- Nhưng chưa đẹp bằng cặp tình Bắc duyên Nam Dược & Sơn đâu các bạn.

Sống xa gia đình mà lại ở trong vùng quê hẻo lánh với lứa tuổi đang mộng mơ thì chuyện phải lòng nhau rất phổ thông 3 điểm trường đông người nhất ở gần nhau có hơn 20 nam nữ nên tình cảm nảy sinh là chuyện rất bình thường. 
Người nầy khai người kia người kia khai người nọ đến lúc phát hiện ra lúc đó đã có 4 cặp đang yêu nhau. Thị Xã Rạch Giá thì có cặp Nga & Đực, cặp bờ Hậu giang Phương & Trần, Bắc Nam giao duyên Dược & Sơn , Sài Gòn Thứ Ba Định & Minh.
Bọn họ tố nhau người nầy bắt gặp người kia đang vui vẻ tình tự nhau kẻ ngoài chợ người trong quê um trời dậy đất cười nói huyên thuyên thật là vui...
Bỗng nhiên cô Kim lên tiếng:
- Xin các anh chị một phút im lặng nghen. Tui đố các anh chị vậy chớ thủ trưởng nhà mình để ý thương ai? Người nào đoán trúng tui sẽ đem ký đường của mình ra nấu chè đãi...
Cô Đào cũng phụ họa thêm:
- Ừ phải đó. Trong gần chục đứa cu ki tụi em anh để ý ai vậy? Nói thử nghe coi?
Long cười giòn:
- Các cô ai cũng đẹp như tiên nên tôi đâu dám để ý. Rủi thương người ta mà người ta hổng thương lại mình thì đời buồn lắm. Hồi còn đi học tui bị vụ đó rồi nên bây giờ hổng thèm để ý thương thầm làm chi cho khổ thân...
Kim Thư nghe vậy thì lên tiếng liền:
- Hay là anh muốn làm rể xứ Đông Hưng như anh Bình trong kinh Thứ 10?
Long còn chưa kịp trả lời cho cô Thư thì cả bọn nhao nhao lên:
- Bình nó cặp bồ với ai trong Thứ 10 dzị? Cô thấy hả kể lại cho tụi nầy nghe coi...

(Mời quý vị xem tiếp kỳ 34)

Lanh Nguyễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét