Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 35

Truyên ngắn của Lanh Nguyễn


Trường học trong chế độ CS có rất nhiều đoàn thể chánh trị trong đó. 
Đảng CS, đoàn thanh niên CS, Công đoàn, đội thiếu nhi quàng khăn đỏ...
Vào thời điểm của đầu năm 1977 thì trường Đông Hưng chưa có đảng CS cũng như chưa thành lập đội thiếu nhi quàng khăn đỏ trong trường.
Chỉ có 2 tổ chức bù nhìn có tên có người nhưng chưa hoạt động, chưa sinh hoạt hay làm bất cứ việc gì.
Long không nhớ chính xác cái hôm mà vừa họp hàng tháng để nghe các trường báo cáo tình hình và nhận chỉ thị mới từ phòng GD xong thì Út Nhứt kêu anh và 5 tên hiệu trưởng khác tiếp tục ở lại họp đoàn.
Út Nhứt cho biết trên nguyên tắc căn bản muốn gia nhập đoàn thanh niên CS phải làm đơn xin gia nhập và cần có 2 đoàn viên cũ hoặc là 1 đảng viên CS giới thiệu thì "đàn quỉ" cơ quan mới thu nạp. Nhưng với tình hình cấp bách hiện tại lúc đó tỉnh ủy Kiên Giang ra lịnh đoàn thể hóa tất cả các cán bộ ngoài "quần chúng" cho nên phòng GD An Biên quyết định làm thử 6 trường để rút kinh nghiệm trước.
Y giới thiệu một cán bộ mới tên Lâm từ ngoài Bắc vào chi viện làm bí thư đoàn còn thằng Mạnh thì giữ chức phó "bí đá...". Nhiệm vụ mới của 6 người là về trường mình thành lập đoàn TNCS làm thí điểm. 
Nếu các giáo viên mới nào đã là đoàn viên trong trường sư phạm rồi thì mời tham gia hoạt động cho chi bộ đoàn của trường. 
Nếu như trường nào chưa có thì người đoàn viên cũ xét lý lịch và những thành tích công tác trong thời gian qua của GV mà giới thiệu vô đoàn.
Thời buổi đó người ta chỉ nghe phong phanh "rằng thì là" muốn có được chức vụ trong cơ quan ít ra cũng phải là đảng viên CS hay là đoàn viên CS thì mới được cho giữ, còn không có thì đừng có hòng.
Công đoàn thì lại càng tức cười hơn. Tất cả giáo viên đều được yêu cầu vô công đoàn GD. Người thư ký công đoàn GD của trường lúc đó chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là phân phối nhu yếu phẩm mà thôi.
Tuy là được chỉ thị phải xem xét lý lịch và thành tích công tác nhưng trường Đông Hưng thì không cần 2 điều kiện đó. Long chỉ thông báo ai muốn gia nhập đoàn thì nộp đơn và  lý lịch rồi Long và Mạnh sẽ giới thiệu thành đoàn viên liền tay...
Thật ra đoàn TNCS chỉ là một công cụ tiên phong phục vụ cho đảng CS mà thôi.

Chi bộ đoàn của trường Đông Hưng thành lập chưa được bao lâu thì huyện đoàn của phòng GD ra văn thư chỉ thị cho toàn bộ các đoàn viên của trường Đông Hưng phải tận lực hiệp sức giúp cho đảng bộ xã Đông Hưng hoàn thành công tác lập sổ hộ khẩu cho dân.
Quyển sổ gia đình của thời VNCH được CS đổi tên thành sổ hộ khẩu. 
Chánh quyền không căn cứ vào cuốn sổ gia đình cũ để lập hộ khẩu mà họ lại căn cứ vào quyển sổ thống kê trình độ văn hóa trước đó đã làm. Những tên tổ đảng hoặc trưởng ấp có bổn phận xét lại coi anh chị em đoàn viên có ghi đúng với số người đang hiện hữu trong tất cả gia đình của dân chúng hay không.
Nếu ở ngoài thị trấn, thị xã thì chuyện lập sổ hộ khẩu cho dân chúng nó dễ dàng như uống một ly cà phê, nhưng với Đông Hưng không dễ chút nào. 
Từ tổ đảng cho tới chủ tịch xã đọc không thông, ký tên không được thiệt là một vấn nạn khó khăn. 
May mà 51 GV còn lại đều được kết nạp thành đoàn viên với lực lượng đông như vậy nên những cuốn sổ hộ khẩu được viết mau lẹ...
Số hộ khẩu viết mau nhưng được gom về ủy ban chất đống đó chứ chưa thể hoàn tất để phát lại cho dân chúng. 
Mấy tổ đảng ở ấp chưa duyệt được, nên chưa ký tên vì vậy mà ban thường vụ sau khi họp lại đã quyết định nhờ Long đọc lại cho từng ông tổ đảng so sánh với thực tế. Sau đó ông ta sẽ ký tên rồi chuyển qua cho ủy ban xã ký tên đóng dấu.
Nhiệm vụ duyệt dùm sổ hộ khẩu thấy thì dễ dàng mau lẹ nhưng xã Đông Hưng có cả ngàn nóc gia ở trong 9 ấp mà 9 ông tổ đảng hai tay chỉ quen cầm cây phản phát cỏ, cây búa đốn tràm chứ chưa từng cầm qua cây viết cho nên chuyện ký cái tên mình thiệt tình không dễ chút nào. 
Giấy tờ hộ tịch của toàn xã chả lẽ 9 ông đều gạch chữ thập cho nên dù khó tới đâu Long cũng phải ráng tập cho họ ký được cái tên vào. Nhưng tập hoài mà làm không xong vậy nên thay vì ký nguyên cái tên vô sổ, anh chỉ tập cho họ ký 1chữ đầu tên hoặc là chữ cuối tên nếu có trùng nhau...
Thí dụ như Ba rắn hổ có tên là Trần Văn Ba chữ B khó viết hơn chữ A cho nên Long chỉ tập cho anh ta một chữ A in  ở sau cuối mà thôi...

Cái số của Long chắc là sanh ra nhầm vào "cung móc" cho nên lập sổ hộ khẩu cũng phải móc ngoéo mới làm xong. 
Đầu tiên thì cô Hoa đến nhờ:
- Anh à! Anh làm dùm em một cái hộ khẩu "ma" cho chị Hương em đi.
Long giật mình:
- Làm sao làm được? Mà làm để chi chứ? Ở chỗ nào thì người ta đến chỗ đó làm cần gì tới mình giúp.
Cô Hoa nói nhỏ:
- Hổng dễ dzị đâu. Ở chợ khó hơn ở đây nhiều. Nhà anh Hạnh ở Sài Gòn người ta tống bớt xuống vùng kinh tế mới, đâu có dễ gì họ làm hộ khẩu cho người đã ra đi mấy tháng rồi. Ở Rạch Sỏi cũng vậy dân cố cựu nơi đó thì họ làm, còn mình đến ở tạm thì họ đâu có làm cho mà mong.
- Nhưng tôi làm sao mà ghi được tên chị cô vô sổ bộ của xã được. Đọc tên lạ hoắc họ đời nào chịu ký vô mà cô nhờ.
Cô Hoa đến sát bên cười duyên nói nhỏ:
- Ai nhờ anh vô sổ bộ làm gì? Em viết xong rồi thì mình ký đại tên của cha chủ ấp nào đó cũng được, em chỉ nhờ anh để chung vô đó rồi đưa cho ủy ban ký tên đóng mộc là xong. Dễ ẹt hè, làm dùm em nghen...
Không chỉ mình cô Hoa mà cô Tuyết dân y cũng qua nhờ làm dùm cho mấy người quen đã bỏ về Sài Gòn không còn nơi ở nữa...

Ăn Tết Nguyên Đán xong Long hồi họp trở lại trường. Lòng anh mâu thuẫn vô cùng không biết là mình mong gặp lại cô Kim hay là mong cho cô vượt thoát khỏi nơi nầy...
Anh về tới Đông Hưng lúc chiều nhá nhem tối. Căn nhà tập thể của anh cửa vẫn còn khóa, chứng tỏ Danh Quyền và Danh Sa Manh chưa đến, còn bên mấy cô giáo thì ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu cũng vừa đốt lên. 
Long nhẹ nhàng đi qua dãy hàng lang, bên trong các nàng đang xì xầm:
- Giờ nầy mà mấy ổng còn chưa tới thì chừng nào mình mới mở được cửa để vô nấu cơm. Con nhỏ Hoa nầy hổng chịu làm thêm một cái chìa khóa xe cua.
Long mang ba-lô thò đầu vô cửa :
- Mấy cô nói lén gì tui vậy? Tới hồi nào mà chưa ăn cơm chiều hả. Nhưng mà giờ nầy rồi ngoài chợ đóng cửa đâu còn đồ gì có thể mua được để ăn đâu mà đòi nấu cơm. Nhịn đói đi cho nó ốm bớt, hổm rày nghỉ Tết ăn nhiều rồi...
- Tết năm nay buồn hiu đâu ai còn tiền dư mà chuẩn bị ăn Tết lớn. Mới vừa hết mùng ba là trở lại ăn khô quẹt nữa rồi. Hổng có đồ ăn thì ăn chao, nhà mình chao để dành sẵn nhiều mà lo gì. Cô Đào nói.

Ngày hợp mặt sau Tết buồn hiu lại ăn uống kham khổ hình như là cái điềm báo trước những chuỗi ngày không may mắn sắp tới...
Một tuần lễ nặng nề trôi qua không có tin xấu nào về cô Kim như vậy là cô đã an toàn rời khỏi quê hương rồi. Long cũng bớt lo. Sáng hôm chủ nhật anh đang ngồi uống cà phê với Hoàng thì thằng Thắng công an bước vô kéo ghế ngồi kế bên hỏi nhỏ:
- Bà vợ hụt của anh đi theo ông Hai ghe cào vượt biên rồi phải hông?
Hoàng giật mình ngạc nhiên nhìn Long trong khi anh trầm tỉnh trả lời:
- Bà vợ nào mà tui hổng biết dzậy?
Thắng cười lớn:
- Làm bộ hoài, cái bà mà hôm 29 tết ông đưa gia đình cô ta qua Vân Khánh ăn đám giỗ đó. Họ làm đám giỗ rồi tối hôm đó tổ chức vượt biên luôn.
Long vổ đùi đứng lên nói:
- Hèn gì mà cả tuần nay cô ta không trở lại trường để dạy, tui cứ tưởng cô ta kẹt chuyện gì nên chưa xuống kịp ai dè đi vượt biên. 
Ừa! Mà sao ông biết chắc dzị? Bộ bắt lại được rồi hả?
- Bắt được cái khỉ gì. Thấy nhà đóng cửa mới đầu tưởng họ ra chợ ăn Tết nên đâu có ai để ý tới mùng 7 hạ nêu cửa cũng chưa mở nên công an Vân Khánh vô coi thì mới biết là họ vượt biên. Hên cho tui hôm đó không có theo ông qua đó nhậu nếu không thì dính chấu với tụi bên Vân Khánh rồi. Mà hình như hôm đó ông không có ở lại phải hông?
- Hỏi lãng xẹt, ông không đi tui qua đó trễ buổi sáng người ta cúng xong rồi tui ở lại nhậu với ai? Cho nên tui cũng vọt về nhà luôn. Thiệt là hú hồn...
Buổi họp GV hôm đó không những vắng mặt cô Kim mà còn thiếu mất Phạm Công Bình. Cô Kim được công bố bỏ nhiệm sở vượt biên còn Bình thì theo lời Lưu cho biết, anh ta đang bị bệnh nên chưa trở lại nhiệm sở được...
Tuy Lưu nói Bình đang lâm bịnh nhưng linh tính cho Long biết chắc không phải dzậy thanh niên sức lực sung mãn ít khi nào bịnh lâu được cho nên lúc báo cáo tình hình nhân sự ở phòng anh không hề dấu diếm chuyện của 2 người không trở lại nhiệm sở.

Gần ngày bãi trường bộ GD lại phát động chiến dịch dạy bổ túc văn hóa cho dân chúng để xóa nạn mù chữ. Xã Đông Hưng có hơn 95% người mù chữ. 
Người bị mù chữ có rất nhiều nguyên nhân khiến lúc nhỏ họ không đi học được, đại khái như là không có trường học, nhà nghèo, không thích đi học...
Hồi nhỏ đã không học bây giờ lớn rồi làm sao mà chịu đi học ??? 
Chưa nói đến người dân bận công việc ruộng đồng quanh năm suốt tháng dầm mưa dãi nắng, ban ngày đi làm chiều về mệt nhừ tử, tối lại phải cầm tập tới trường cho muỗi cắn chứ học hành cái giống gì???
Người dạy cũng rất khó khăn ban ngày thì phải lo phụ trách làm tròn nhiệm vụ chính cho đám học sinh của mình, chiều tối lại cũng phải đem mình làm mồi hiến máu cho muỗi...
Ấy vậy mà từ bộ xuống ty, từ ty xuống phòng đều đổ cái nhiệm vụ không thể thực hiện được đó lên đầu của đám GV với đồng lương chết đói thì thiệt là tình hết chỗ nói.
Giáo viên thì không ai dám phản kháng rồi nhưng làm sao để cho bà con nông dân chịu đi học, đó mới là điều đáng nói...

(Mời bà con xem tiếp kỳ 36)

Lanh Nguyễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét