Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 24

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Long về đến nhà đã hơn 5 giờ chiều. Sau gần 3 tiếng đồng hồ chạy máy chạy xe mà mùi rượu còn phản phất chưa hết hẳn. 
Mẹ anh hỏi:
- Con đi nhậu hả. Tắm lẹ rồi lên ăn cơm chiều. Tự nảy giờ cả nhà nhóng nhóng chờ con đó chứ như mọi hôm thì đã ăn trước rồi.
- Vậy thì ăn luôn đi, ăn xong rồi tắm sau cũng được mà. 
Em chàng nhắc:
- Thím Hai Bầu chắc đang chờ anh đó.
Cơm nước xong Long lận theo cây đèn pin rồi thả bộ xuống xóm dưới. Nhà chú Hai Bầu ở cùng phía nhà Long, hai nhà cách nhau hơn 2 cây số Long đến nơi thì trời đã nhá nhem tối. Vừa bước vào nhà chưa kịp chào hỏi là cô Anh đã la chói lói:
- Anh đi đâu mà giờ nầy mới về hả? Hẹn người ta chiều gặp mà tối mò mới dzìa tới.
Long phân trần:
- Con Nhanh chỉ nói thím Hai muốn gặp tôi chiều nay thôi, còn mấy giờ thì đâu có nói rõ, hơn nữa tôi cũng đâu có biết cô về nhà chơi, vậy làm sao tôi biết đường mà mò. Với lại bạn bè lâu lâu mới gặp lại có đứa nào chịu để cho tôi về sớm? Thím Hai còn ở nhà không? Hay là có chuyện ra ngoài rồi?
Cô Anh vẫn còn cằn nhằn:
- Tìm má tôi làm gì? Nói chuyện đó với tôi cũng được dzậy. 
- Nói với cô cũng được nhưng mà nói đứng hay nói ngồi đây?
Cô Anh phì cười:
- Anh bắt lỗi người ta cũng ác lắm chớ chơi sao. Quên mời vô nhà ngồi cũng cự nữa. Vậy thì mời anh vô nhà ngồi, có cần uống nước trà hông thì tôi đi pha?
Long muốn không cười cũng hổng được mời nước cho khách như cô Anh thì trên đời chỉ có một mà thôi. Cho nên anh vừa ngồi xuống ghế vừa nói:
- Cám ơn cô, uống nước trà của cô pha tôi sợ phỏng miệng lắm. Cho phép tôi hút thuốc là được rồi...
Long bắt đầu trình bày từng chi tiết nhỏ về 2 bộ cột mà chú Mười có, anh kể lại y chang như cái hợp đồng đã nói qua với cô hiệu trưởng Lài ở trường anh Tấn, cuối cùng Long nói thêm:
- Bộ cột mà chú Mười nhờ tôi tìm dùm người mua đó, nó lớn gấp đôi bộ cột nhà cô đang ở mà nó suông đuột lại cao hơn nhiều. Ta nói nhìn thấy là mát con mắt liền. Cô hiệu trưởng của thằng bạn tôi đồng ý mua 4 ngàn rồi đó. Nếu cô thích thì tôi đem bộ còn lại về cho cô xem, còn như xem rồi mà không muốn mua cũng hổng sao. Có điều cô muốn xem thì phải xin cái giấy giới thiệu mua cây về cất nhà do phường chứng thì tôi mới chở cột đến cho cô xem được...
Cô Anh nghe xong thì mĩm cười nửa miệng:
- Bốn ngàn thôi mà anh làm như nhiều lắm dzậy. Còn mấy cái giấy giới thiệu đó thì có gì đáng nói đâu? Anh muốn lấy giờ nào thì tôi đem về cho anh giờ đó. Nếu mà bộ cột của anh giới thiệu nó tốt thiệt thì bao nhiêu tôi cũng mua...
Long quên là cô nầy hôm đổi tiền đã ôm hơn chục ngàn, mà tiền làm không mệt thì xài đâu có xót dạ, đâu cần phải suy tính. 
Anh hơi hối hận gì đã ra giá quá thấp...
Tám giờ sáng hôm sau Long tới nhà Tấn. Hai cô giáo còn đến sớm hơn anh đang ngồi ăn bún cá. Cô Phấn kéo tay áo ra xem đồng hồ:
- Trể 2 phút rồi đó. Phạt anh 2 tô bún cá ăn hết 2 tô thì khỏi trả tiền còn ăn không hết thì cảm phiền trả tiền 4 tô nghen.
Long nghe cá độ như vậy thì cười ngất:
- Trời ơi! Ai mà đem lúa đổ vô bồ tui dzậy ta? Nói thiệt với cô hôm qua nhậu xỉn quá nên sáng nầy thức hơi trễ một tí bởi dzị tui chưa có ăn sáng
ai dè tới đây được cô bao cho một lượt 2 tô thì còn gì bằng. Cám ơn nghen.
- Mới sáng sớm mà anh ăn nổi 2 tô bún hả? Cô Phụng lên tiếng.
- Sợ rồi à? Muốn rút lại lời nói còn kịp mà còn như muốn tiếp tục đấu thì tui hoan hô 2 tay...
Cô Phụng cười:
- Cá thì cá chứ sợ anh à? Hai đứa em có thua thì mỗi đứa trả thêm cho anh một tô là cùng. Em sợ anh thua thì hết tiền ăn xôi đó.
Chị Sáu cũng phụ họa:
- Hay là chị làm cho chú tô nhỏ nhỏ thôi coi bộ chắc ăn hơn. Tô đầy quá coi chừng chú thua thiệt à...
- Chị làm tô bình thường đi, cho thêm cá nhiều nhiều một chút nó mà ngon như hôm qua thì 3 tô em dứt cũng hết chứ 2 tô mà nhằm nhò gì. Mấy ngày nay hên thiệt...
Ăn xong 2 tô bún Long đang ngồi nhâm nhi cà phê thuốc hút thì Tấn về tới:
- Giấy giới thiệu nè, chừng nào mầy mới trở lên đây?
- Để coi. Nhưng chắc chắn là trong tuần nầy...
Hai cô giáo đang đi lại trả tiền cho chị Sáu nhưng Long cản lại:
- Chị lấy tiền bún của 2 cô đó thôi, phần của em để em trả...
Khoảng 11 giờ là bọn chàng đã về tới Thứ Ba:
- Hai cô lên chợ chơi chút đi cho giãn gân giãn cốt, tôi đến phòng GD một lát rồi mình về trường. Muốn ăn gì thêm dằn bụng thì ăn, mình còn chừng 4 tiếng đồng hồ nữa mới về tới nhà.
Long trở lại phòng GD Thằng Mạnh đi Tây Yên, thằng Tường đi Đông Thạnh công tác chỉ có Út Nhứt ở nhà thôi vừa thấy mặt Long Út Nhứt lên tiếng liền:
- Tình hình chường mầy thế nào gồi? Nhắm nhận nuôi dùm tao 4 GV mới nữa được hông. Cái thằng Năm Tu hổng làm được tích sự gì hết hôm qua tao xuống dưới thấy tụi nó còn một đống đang ở không cho nên tao để thằng Tường ở lại giúp tụi nó, mà cái thằng đó cũng lờ khờ lắm hổng biết làm nên cơm cháo gì hông nữa nên tao đem 4 đứa về đây.
- Tôi về đây là để báo cáo với chú. Ấp Cán Gáo vừa dựng xong 1 phòng học nhưng tôi chưa có GV, vậy để tôi lấy bớt 2 người, chừng nào lo xong Kinh 15 thì lên rước thêm nữa. Bây giờ đem về hết 4 người rồi 2 người kia để đâu đây? Dân Y hay ủy ban cũng đều không được. Còn nhà dân thì lúc nầy kinh tế khó khăn dễ gì họ chịu nuôi không. Cực chẳng đả họ mới nuôi dùm thầy cô giáo của con mình, còn cô giáo thầy giáo ở nơi khác thì vô phương nhờ...
Út Nhứt cố vớt vát:
- Hay là cho tụi nó ở tạm chong mấy cái nhà tập thể đi. Được hông? 
- Nhà tập thể còn chết lớn nữa. Nó nhỏ bằng cái bụm tay, giường ngủ chôn chưn đống tạm bằng cây tràm và ván vụn, hay bằng tre chẻ miếng mà nó lại nhỏ xíu bằng cái lổ mũi con chuột lắc hai người ngủ là đã chật rồi cho thêm 2 người nữa có nước nằm chồng lên nhau chứ ngủ nghê gì được.
- Hay là mầy lấy 1 phòng học ở Thứ 11 làm thêm cái nhà tập thể đi, ở đó mầy dư tới 4 phòng trống lận mà...
Hết đường từ chối Long đành phải dắt về thêm 2 cô Bắc Kỳ nho nhỏ dễ thương tên Thy và Mi cùng với 2 anh chàng người Việt gốc dân tộc Khơ-Me có cái tên bất hủ Danh Sa Manh và Danh Quyền.

Đến thứ 10 Cô Phấn và Cô Phụng ghé nhà trọ. Còn lại năm người vừa về đến chợ Thứ 11 là đã nghe chuyện không hay rồi. 
Hoàng kể:
- Cô Thư không biết đụng độ thế nào với bà Quý bên dân y mà 2 người chửi nhau tắt bếp. 
Long cười ngất:
- Cô giáo ốc tiêu đó làm sao mà dám chửi lộn với người ta, mà cho dù có đi gây lộn thì có nước nghe người ta chửi chứ làm sao mà chửi bằng người ta được.
- Anh lầm rồi đó. Mà lần nầy lầm nặng nữa là khác. Cô ta nhỏ con nhưng rộng họng chửi lại thanh tao có dần có điệu làm thiên hạ bu lại coi như coi hát cải lương dzậy, đã ghê...
Vậy là mình đã rơi vào cảnh chẳng đặng đừng rồi. Không muốn làm nhà tập thể cũng phải làm. Không còn mặt mũi nào để nhờ người ta cho ăn nhờ ở đậu thêm nữa. Chàng cũng không muốn truy cứu xem phần lỗi về ai mà chỉ lặng lẽ qua dân y xin lỗi rồi đem cô Thư gởi tạm chung với cô Hoa.
Còn 2 cô Bắc Kỳ nho nhỏ cũng đem tới nhà dì của Hoàng mà gởi đỡ một đêm.
Hai anh chàng Khơ-Me thì Long kêu họ đâu bàn lại làm chỗ cho 3 người ngủ tạm một đêm trong phòng học...
Sáng hôm sau Long dắt 4 người xuống ấp Cán Gáo thu học trò và chọn ngày khai giảng. 
Hai cô Bắc Kỳ được phân công dạy ở ấp Cán Gáo còn lại Danh Sa Manh và Danh Quyền đành cho ở tạm trong cái phòng học trống vài hôm.

Kinh 15 không nhớ là người ta tính như thế nào khi đặt tên nó. 
Miệt Thứ thì đến thứ 11 là hết rồi cũng không nghe nói có thứ 12 ở đâu, lại cũng không biết có kinh 14 hay kinh 16 không nữa mà chỉ biết vỏn vẹn có Kinh 15 thôi. 
Từ Thứ 11 đi về hướng Thới Bình chừng 6 cây số thì đụng vàm kinh 15 quẹo vô khoảng hơn 4 cây số mới có nhà dân. 
Ấp Kinh 15 chỉ vỏn vẹn với 17 căn nhà, có chừng một trăm người lớn nhỏ đang sống ở đó mà thôi. 
Dân ở đây chuyên sống nhờ rừng tràm họ chỉ làm ruộng ít công để có đủ gạo ăn trọn năm, cây ăn trái hay khóm cũng được trồng rất ít, họ chuyên môn đi rừng tùy theo mùa có khi gác ong lấy mật, bẫy thú rừng, đốn cây, lấy củi. Nhà cửa bằng cây tràm và lá tàu nhưng lại rất khang trang. Vậy mà từ lớn tới nhỏ một chữ bẻ đôi cũng không có.
Nếu bạn là dân Sài Gòn hay ở một tỉnh lỵ nào đó được phân công về dạy ở Kinh 15 thì cầm bằng coi như bị đày đi Côn Đảo. 
Chưa nói tới vấn đề nước uống dưới kinh thì nước đỏ au vì màu của vỏ và lá cây tràm, không mặn mà có vị hơi chát chát phản phất chút hương thơm, có người cho đó là mùi hôi hôi do lá cây mục gây ra, thơm hay hôi cũng tùy theo khứu giác của từng người. 
Người ta đào giếng để lấy nước uống và xài. Nước giếng trong hơn và có màu nhạt hơn nhiều...
Muỗi ở chợ Thứ 11 đã khủng khiếp rồi vô kinh 15 thì không còn gì để nói, để tả nữa. 
Đường đi xa xôi vạn dặm. Từ Sài Gòn về Rạch Giá mất hết một ngày xe. Thêm 1 ngày đi đò nữa mới về tới Thứ 11 lại phải chờ thêm 1 ngày sau nữa mới bơi xuồng vô Kinh 15 được bởi vì chiều xuống mà bơi xuồng dưới kinh thì thế nào cũng bị muỗi rinh đi mất xác...
Những người dân trong kinh 15 nhà nào cũng có vỏ máy và ít nhất cũng có một hay hai chiếc xuồng...
Long ngừng ở căn nhà thứ 5 từ ngoài đếm vô theo như lời Sáu Siêng chỉ dẫn đó là nhà của Ba Rắn Hổ tổ đảng kinh 15. 
Anh không vội lên bờ mà tới nói với 2 người GV Khờ-Me:
- Chắc tôi không cất trường ở đây đâu. Đường đã xa mà lại vắng tanh nữa, ở trong nầy buồn chết đi được ai mà chịu nổi. Hay là mình trở về chợ Thứ 11 đi rồi tính sau.
Danh Sa Manh phản đối liền:
- Thì lên đó đại đi, cất được trường thì tụi tui ở lại dạy cũng được mà, chỗ quê nội tui ra tới chợ cũng hơn chục cây số vậy mà họ sống cũng được có chết ai đâu? Chỉ khác ở đó không có rừng còn ở đây thì rừng cây mịch mùng. 
Long đưa mắt nhìn Danh Quyền anh ta cũng nói:
- Thì thử lên đại đi coi sao đã. Hổm nay chạy từ trường nầy qua trường khác mà hổng được gì, tui cũng nản lòng quá. Hổng lẽ bỏ về nhà sao? 
Ba người leo lên nhà Ba Rắn Hổ. 
Anh ta trạc ngoài 30 tuổi có nghề bắt rắn hổ cha truyền con nối với bài thuốc trị rắn cắn hay thần sầu quỷ khóc. Nếu người nào chẳng may bị rắn độc cắn mà chở tới nhà anh lúc còn nuốt nước miếng được thì anh đổ thuốc hết liền tức khắc, còn như cái miệng cứng đờ phải cạy ra đổ thuốc nửa trong nửa ngoài thì năm ăn năm thua. Hên xui...
Anh Ba cho biết:
- 17 Gia đình sống ở ấp nầy đều là bà con thân thuộc bạn bè chí cốt với nhau không có người lạ nào vô đây hết. 
Từ hôm các ấp khác ở ngoài bờ sáng có chường học tới nay người nào cũng chông chờ trên phòng GD cử người đến đây để dạy học, nhưng mà như nắng hạn chờ mưa, thầy giáo vẫn bặt vô âm tính, không thấy bóng dáng đâu...
Long phân bua:
- Các cô thầy giáo đa số sống ở tỉnh thành họ khó có thể sống nổi nơi đây cho nên phòng GD lựa mãi mới có được 2 anh thầy giáo nầy tương đối có thể ở đây lâu dài mà dạy dỗ cho các em bé. Vậy mọi sự nhờ bà con giúp đỡ chỗ ăn, chỗ ở và cất cho một cái phòng học...
17 Gia đình tuy sống riêng rẽ nhưng lại rất đồng lòng hiếm thấy. 
Họ không cần xin giấy vô rừng tràm đốn cây vì nó ở sát một bên nhà cách chừng vài trăm mét. Ở đó còn có 3 trại cưa, cưa củi đem ra chợ bán.
Dưới kinh cây lá mộc lềnh khênh cho nên người ta hứa trong vòng 3 ngày sẽ cất xong một phòng học. 
Ba người đến từng nhà để ghi tên học sinh. Có em đã 16, 17 tuổi rồi mà vào học cùng các em 6,7 tuổi thì chúng hơi mắc cở hổng muốn vô rốt cuộc chỉ thu được 21 em mà thôi.
Với số lượng học sinh quá ít như vậy Long chỉ có thể phân công 1 người ở lại đó để dạy. Nhưng mà 2 anh thầy giáo người Khơ-Me hình như đều khoái Kinh 15 nên ai cũng muốn ở lại. Vì vậy Long nói:
- Mỗi bạn luân phiên ở trong nầy 1 tháng. Một tháng ở chợ Thứ11 làm GV dự khuyết thế lớp khi cần. Đầu tháng tôi chở người vào đổi chỗ...
Long đem Danh Quyền đến giao cho Hoàng rồi dặn:
- Hỏi dì em cho gởi nhờ vài bữa. Tôi xuống Thứ 10 có chuyện cần làm, chừng nào trở về thì mới tính tới chỗ ở lâu dài được. Muốn phân công anh ta làm việc gì tạm đỡ thì tùy em.
Long đến nhà chú Mười để bàn tính chuyện đem bộ cột đi bán. Chú đang xả cây đống chỏng anh hỏi:
- Chú bán một cái chỏng ngủ nầy bao nhiêu vậy?
- Gẻ mà. Cái lớn $7 cái nhỏ $5 có vạt tính thêm vạt lớn $1,50 vạt nhỏ $1. Dân mình ở đây ít ai xài chỏng nhỏ lắm, lâu lâu mới có người đặt mua...

Bộ cột được chất lên chiếc tam bản mui trần của chú. Phía trên để 20 cây mầm tươi vừa mới đốn mấy hôm trước. Long đưa trước cho chú $1000:
- Chú lấy trước bây nhiêu đây được hông? Tôi phải thủ theo nhiều nhiều một chút hổng biết tụi kiểm lâm nó chặt bao nhiêu tiền thuế nữa.
Chú Mười vui vẻ trả lời:
- Hổng sao đâu, tui còn tưởng thầy giáo chở lại mới chả tiền chứ, đâu có vè đưa chước cũng bộn quá chớ chơi sao.
Long cười cười:
- Mua bán phải tiền trao cháo múc chứ chú. Trả thiếu là tui đã ngại rồi nhưng mà mượn của ông già được có bây nhiêu thôi nên đành phải xin thiếu lại. À mà chú cho tui đặt 6 cái chỏng nhỏ có vạt luôn nghen...

(Mời các bạn xem tiếp kỳ thứ 25)
Lanh Nguyễn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét