Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 26

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Hơn sáu giờ chiều chiếc ghe của Sang mới về tới nhà. Long định moi cây đèn pin trong ba-lô ra để lội bộ về trường còn đồ đạc thì gởi lại đó, ngày mai sẽ đem vỏ máy xuống chở về. Chú Mười lên tiếng cản lại:
- Chời tối mò lại chưa có hột cơm nào chong bụng mà thầy giáo định đi dzìa chển sao? Ở lại đây đi tui đã kêu vợ thằng Sang làm thịt con gà mái tơ gồi, mình làm lai gai sáng mai tụi nhỏ sẽ đưa thầy về...

Ở Miệt Thứ ban đêm mà muốn ăn uống nhậu nhẹt thì phải ung khói cho bớt muỗi còn không biết cách ung thì hổng tài nào ngồi yên với tụi nó...
Nhưng dù cho có giỏi cách mấy đi nữa lâu lâu khói hạ bớt một tí là bị họ hàng nhà muỗi đột kích liền. Mỗi lần bất ngờ bị đột kịch là Long nhảy dựng lên y như hồi nhỏ đi chích thuốc ngừa dzị. Nhưng mà muỗi Miệt Thứ dù có dữ tới đâu cũng không bằng rượu đế. Hể vớt vô từ 1 sị trở lên là muỗi không dám tới gần, mà dù cho nó có tới gần bu cả bầy đi nữa thì chúng cũng bị gục tại chỗ mà thôi. Dân nhậu không hề hấn gì hết vẫn cười nói rân trời dậy đất...
Chú Mười từ hôm "giải phóng" tới nay cũng chở mấy chuyến củi rồi nhưng vì lớp tiền dầu chợ đen mắc mỏ lại thêm phải đóng 25% thuế xuất huyện nên cũng chả có còn lời lóm bao nhiêu, chú kẹt phải đi bán củi là vì tình nghĩa lối xóm, bà con cần "thanh tán" dùm số củi mà họ đã bỏ công vô rừng đốn về. Bởi vì lúc đó thương lái mua bán củi không thấy đâu nữa.
Vì vậy mà khi nghe Long kể tới đoạn bớt được phân nữa tiền thuế chú mừng lắm:
- Lần sau chở củi đi bán tui sẽ tìm nó mà thương lượng, đỡ được đồng nào hay đồng nấy...

Chú Mười đóng xong 2 cái chõng cây thì Long đã chuẩn bị xong căn nhà tập thể ở trong trường. 
Danh Quyền rất giỏi về các chuyện lặt vặt anh ta theo Long đi vào trạm kiểm lâm trong kinh Hản xin mớ cây tràm rồi dọn sạch cỏ cái mương sau trường bắt cầu làm chỗ lấy nước tắm giặt, mua 2 cái phuy không, cưa nắp làm thùng chứa nước, mua 1 cái kiệu chứa nước mưa để uống.
Dân y sở hữu cái bồn chứa nước mưa của thời VNCH để lại lớn vô cùng mà chỉ có 4 người xài nên Long cũng qua xin về uống ké...
Chỗ ở ổn định xong rồi Long mới trở lên Thứ 10 bàn về bộ cột còn lại. 
Rút kinh nghiệm kỳ trước lần nầy Long nhờ chú đốn cho 100 cây tràm mới chất đầy trên mặt, phủ dầy lên bộ cột tới mấy lớp. Dầy tới độ kéo sơ 2, 3 cây phía trên cũng chưa thấy tăm hơi bộ cột phía dưới.
Vậy mà khi tới trạm thằng Tâm vẫn định giá $400 tiền thuế:
Nó cười hì hì:
- Người khác thì tui hổng chắc nhưng mà ai quen với anh tui cũng bảo đảm phía dưới đáy ghe là bộ cột nhà, còn bộ cột đó lớn hay nhỏ phải moi lên mới biết được. Nhưng thôi mình tính y như kỳ rồi đi nghen.
Long không có ý định qua mặt dân kiểm lâm chuyên nghiệp mà chỉ lo tụi công an kinh tế hay kiểm soát thị trường của huyện Châu Thành kêu lại xét thì có chuyện phiền phức rắc rối. Cho nên anh cười cười trả lời:
- Ai mà vẽ bùa trước cửa lỗ ban bao giờ. Tui đâu có nói cái ghe nầy chở toàn là tràm cừ không đâu. Chuyện tui lo là tụi công an ở mấy cái trạm trên huyện Châu Thành kìa. Nó mà buồn buồn kêu lại hỏi biên lai thuế thì bỏ bú. Cho nên tui định nói với ông. Ông cứ xem như đây là ghe tràm cừ đi, rồi ra biên lai thuế cho tui $100 thôi. Nếu nó có hỏi mình có giấy mà trình.
Thằng Tâm trợn mắt hỏi lại:
- Vậy thì anh đưa cho tui bao nhiêu?
- Hồi nảy bồ mới nói "Tính như kỳ rồi đi". Vậy thì tui phải đưa riêng cho bồ $200 chứ ít hơn thì coi sao được?
Thằng Tâm khóai chí cười vang:
- Vậy mới đúng điệu bạn bè chứ...

Cái lo của Long hơi thừa cho nên $100 rơi xuống sông không sủi bọt. Ghe cây về tới nhà không có thằng công an nào thèm ngó ngàn tới. Chỉ có bà Bầu Anh thì khóai chí cười không khép miệng.
Thiệt tình mà nói tiền móc ngoặc không đổ mồ hôi, không mệt mỏi người ta xài không hề đắn đo suy tính. Chắc là Long cũng không ngoại lệ.
Cô Anh móc bốn ngàn đưa cái rụp cũng không cần đếm xem Long có giao đủ số cột đã ghi trong giấy hôm trước hay không.
Còn lại 100 cây tràm cừ Long đem ngâm nước để phía sau nhà mình.
Anh đưa cho má mình giữ hai ngàn để chi xài trong nhà, một ngàn dấu lại chỗ cũ trong mấy cuốn sách vì hơn năm tháng nay, sau ngày đổi tiền chỉ có chi ra chứ không hề có cất vô lần nào, tuy là có móc đầu nầy sờ đầu kia chút đỉnh nhưng nó lại nằm tùm lum, tùm la không nhớ hết chỗ nào để mà rờ.
Số tiền còn lại thì nhét vô cái ngăn bí mật trong ba-lô một ít dằn túi đem theo xài...
Chở cột đem bán thấy dễ ăn nhưng lại không tìm ra người mua cho nên sau 2 chuyến hàng Long lại thất nghiệp nằm không ở trường.

Năm học đầu tiên thời CS họ chưa phân phát sách giáo khoa cho học sinh mà chỉ phát cho GV thôi. 
Ở An Biên Mạnh đang làm cán bộ phổ thông, Tường phụ trách bổ túc văn hóa. Nhưng mà trường lớp còn xây dựng chưa xong thì nói chi tới cái chuyện xem xét hay kiểm tra coi các cô thầy dạy dỗ tới đâu. Hơn nữa học sinh ở thôn quê học theo mùa. 
Lúc vào mùa lúa dù là mùa cấy hay mùa gặt thì học sinh cũng nghỉ học liên tục có đứa ở nhà cả nửa tháng để phụ gia đình. Hết đứa nầy đến đứa khác luân phiên nhau cho nên vào ngày mùa là lớp học vắng hoe còn không đầy phân nửa lớp.
Vùng quê đa số dân chúng chỉ yêu cầu dạy cho con mình biết đọc, biết viết biết làm bốn phép tính là đủ rồi. Còn những môn học khác họ đều không quan tâm tới. 
Sách giáo khoa mới. 
Trời ơi! Đọc vài bài là đã phát điên rồi. Những bài tập đọc cho con nít lớp 2 nặng mùi chém giết, không tìm đâu ra một bài học có tính cách giáo dục hay một ý tưởng về lòng nhân ái con người. Vì vậy mà Long không hề xem xét thử xem các cô thầy dạy dỗ ra sao. Cái yêu cầu đơn giản được nêu ra trong những buổi họp GV toàn trường là chỉ dạy đọc viết và toán mà thôi...

Ở không quởn quá sanh tật. Mới đầu Long chỉ qua dân y đi uống cà phê chơi với Dữ sau thì đi nhậu có khi về cửa hàng thuốc tây ngủ trưa cho êm, bởi vì cái nhà tập thể ban ngày học sinh làm ồn ào vô cùng.
Dân ở thôn quê kể cả Long mỗi khi trái gió trở trời nhức đầu sổ mũi, nhẹ thì xức dầu nhị thiên đường, nặng hơn chút thì cạo gió xông hơi, còn bịnh nặng thì ra tiệm thuốc bắc hay tiệm tạp hóa mua chai thuốc "ngoại cảm lộ" hiệu Thần Nông uống vào là xong ngay. Nặng lắm nằm liệt giường liệt chiếu thì mua "tiêu ban lộ" hiệu con nai đen. Nếu không hết bịnh nữa thì mới chở ra bệnh viện trị thuốc tây. Rất ít người sử dụng thuốc tây mà trị những bịnh thông thường...
Cửa hàng thuốc tây của Dữ có cũng như không. Nó vắng tanh như chùa bà Đanh không có ma nào tới viếng cho nên vô đó ngủ trưa là thượng sách.

Cuộc đời đang an nhàn thư thái thì đùng một cái cô Hoa xích mích với bà chị dâu đòi ra riêng. Mà hể cô ra khỏi nhà anh Khải thì phải kéo theo cô Bắc Kỳ Như.
Nhưng chuyện cô ra riêng chả có gì quan trọng vì hôm mua  giường để ngủ Long đã dự trù trước nên đặt tới 6 cái giường, mới lấy có 2 còn gởi lại nhà chú Mười 4 cái. Dụng cụ nhà bếp thì bên nhà Long có sẵn chàng chỉ ra điều kiện là 4 người thay phiên nhau nấu ăn chung nhưng cô Thư nói:
- Mấy anh đàn ông con giai làm sao biết làm đồ ăn. Hai đứa em nấu ăn còn hai anh lo dọn dẹp...
Vậy là điểm Thứ 11 lúc đó có 2 căn nhà tập thể.
Đầu tháng kỳ nầy Long về phòng thì có hơn chục người xin quá giang để về thăm nhà.
- Lượt đi thì được lượt về thì phải đi đò à nghen. Trường mình bây giờ đông người lắm, chở gạo không là đã khẳm vỏ máy rồi. Chở thêm mười mấy mạng nữa các bạn chắc phải đeo theo hai bên ghe để đi quá...
Nhưng các cô thầy đâu ai có ý định quá giang lượt về. Họ đều muốn ở nhà chơi đến hết tuần mới xuống cho nên tất cả đồng ca bản "hổng thèm"...

Chiều thứ 7 họp phòng, mua nhu yếu phẩm xong Long và Quyền trở qua nhà cô Hoa để rước nàng về thì gặp vợ chồng chị Hương đến thăm.
Gia đình bên chồng Hương ở Sài Gòn trước năm 75 chồng chị là cán sự Y Tá nên đi học cải tạo chỉ có mấy ngày thôi. Nhưng mà ở đất Sài Gòn dính chân Ngụy lại không có việc làm cho nên 2 vợ chồng rụt rịch bị đưa đi kinh tế mới. Sợ quá họ cuốn gói về quê vợ...
Gặp được dân Ngụy đội lốp thầy giáo anh Hạnh chồng chị Hương mừng lắm nên rủ ở lại nhậu làm quen. 
Còn ba cô Hoa cũng nghe cô ta nhắc nhiều về Long lắm, ông cũng hết lòng lên tiếng mời ở lại chơi. 
Hết đường từ chối Long và Quyền bèn khiêng hết đồ đạt  lên nhà, anh sợ để nguyên dưới bến thiên hạ ghét mà lấy đi thì báo đời...
Trong bốn người thì Danh Quyền thuộc hàng cao thủ rượu đế. Uống hết chai 1 lít mà mặt vẫn đen mun không hề đổi sắc trong khi ông hai Thiên đã rút dù:
- Tụi cháu cứ tự do uống đi bác không hợp thứ nầy. Rượu Pháp hay Mỹ thì được, nước mắt quê hương thì bác đầu hàng.
Anh Hạnh và Long mặt đỏ như Quan Công. Hạnh  bắt đầu than vắn thở dài chuyện khó khăn từ ngày mất nước tới nay. Con đường "bát đi" không lối thoát trước mắt. Anh tâm sự:
- Nhà tui hồi trước có tiệm bán thuốc tây lẻ, tuy nó nhỏ ở trong hẻm nhưng mà cũng đủ sống còn bây giờ thuốc tây bị quản lý sạch sẽ không mua được nên phải dẹp tiệm. Tui đành theo bà xã về quê coi có làm được cái gì không. Gia đình tui trên đó hổng có quen ai theo "cách mạng" hết nên mấy đứa em tui không vô được cơ quan nào cả. Chắc là phải đem tụi nó về đây đăng ký học sư phạm khóa tới cho rồi...

Còn lại 3 người vừa uống lai rai vừa tâm sự chuyện đời, uống chưa hết nửa chai mới thì anh Hạnh quẹo ngang trên bàn đúng là "cuộc vui chưa trọn". Long và Quyền đành phải trải cao su ngủ trên sạp cái vỏ máy của mình. 
Cái vỏ máy đó các GV thường đi quá giang nên Long đã nhờ chú Mười đóng cho cái sạp bằng ván tràm, lót bằng phẳng từ mũi đến tận lái.
Hai người đánh một giấc dài cho đến khi người đi xay lúa ồn ào vang dậy thì mới giật mình thức giấc.
Quán cà phê kế bên nhà cô Hoa đã mở cửa đón khách đi xay lúa từ lâu. Long và Quyền leo lên làm đỡ tô cháo lòng lót bụng rồi mới trở lại nhà cô Hoa chờ cô ta thức giấc để cùng nhau lên đường về Thứ 11.
Anh Hạnh cũng đã thức giấc đang ngồi bóp trán hỏi má vợ:
- Má Năm có thuốc nhức đầu hông cho con 2 viên coi. Sao mà nó nhức như búa bổ dzậy hổng biết nữa.
- Chắc hôm qua anh đi đường mệt, lại lâu ngày không uống gụ đế nên bị nhức ̣đầu chứ gì. Má Năm còn thuốc hông dzị. Chị Hương hỏi.
-Thuốc Tây hả? Bây giờ muốn mua thuốc mất công lắm phải lội lại nhà thằng cha trưởng ấp cho nó chứng đơn rồi mới qua cửa hàng thuốc tây bên chợ mua mới được. Thôi bây xức đỡ dầu cù là đi.
Anh Hạnh vừa thoa miếng dầu cù là lên 2 bên thái dương vừa lắc đầu:
- Vậy mà tui tưởng trong nầy đỡ hơn trên Sài Gòn chứ ai dè cũng "địch xà nia" y chang như hình vẽ.
Thấy tình cảnh đó Long chợt nhớ tới cái cửa hàng thuốc tây của thằng Dữ đang bị ế chỏng gọng nên vội lên tiếng:
- Bác muốn mua thuốc nhức đầu loại gì? Nói cho cháu biết đi, hôm nào trở lên cháu mua cho một mớ để dành xài. Cửa hàng thuốc tây chỗ cháu ở có nhiều lắm...
Má Năm chưa kịp trả lời thì anh Hạnh hỏi tới:
- Có những thứ thuốc khác hông vậy? Rồi anh có quen với người ta hông mà đòi mua dùm? 
Long cười cười:
- Thuốc thì nhiều thứ lắm, nghe thằng bạn tôi nói nó bán cũng ế, ở dưới đó không ai xài thuốc tây người ta quen thuốc tàu rồi. Còn mua được nhiều hay ít giá cả bao nhiêu thiệt tình tôi không thể nói trước được.
Anh Hạnh nghe tới đó thì hết nhức đầu:
- Anh về dưới nói nhỏ với bạn anh bán mớ thuốc tây đó cho tui đi.
Chuyện luồng lách đồ trong cửa hàng đem ra ngoài bán bây giờ Long đã quen rồi và cũng có chút kinh nghiệm nên anh thông thả nói:
- Chuyến nầy tôi về dưới đó sẽ ghi cho anh tất cả các thứ thuốc mà bạn tôi có, rồi gởi lên cho anh xem, anh cho tôi cái giá mà anh có thể mua vô để tôi xem thử coi có bán cho anh được không...

Trưa hôm đó về đến trường sau khi phát lương và phân phối nhu yếu xong Long ra của hàng thuốc tây tìm Dữ anh hỏi nhỏ:
- Ê bồ Tèo! Bạn có biết thuốc tây để lâu quá không xài sẽ bị quá hạn sử dụng hông dzậy?
Thằng Dữ cười rân:
- Tôi dân Ngụy còn sót lại mà, ông tưởng chuyện đó tui hổng biết sao? Nhưng mà dân mình dù cho có hết hạn cũng uống như thường nó chỉ kém hiệu nghiệm thôi chứ đâu có gì dữ dội. Nhưng tôi đâu có dám lấy nhiều để cho nó quá hạn lâu ngày. Kỳ tới chắc là không đi nhận thuốc nữa rồi. Đâu có ai xài thuốc tây mà đem về đây cho mất công, lãnh rồi cũng mang trả lại chứ tiền đâu mà thanh toán cho ty?

Nghe Dữ trả lời như vậy Long khoái chí tử:
- Nói nghe nè! Ông bán hết mấy thứ thuốc đó cho tui đi. Tui sẽ tìm mối bán ra chợ. Tiền lời chia đôi chịu hông?

Cô Hoa phụ Long chép lại tất cả các thứ thuốc có trong hóa đơn mà Dữ đưa cho vào quyển tập học trò. Chiều tối Long đến nhà anh chủ đò Rạch Sỏi nhờ chuyển dùm cuốn tập đó về Thứ Ba cho anh Hạnh...

(Mời các bạn xem tiếp kỳ 27)

Lanh Nguyễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét