Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 28

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Hai tuần lễ để chuẩn bị khai giảng đối với GV thì dư thời gian, nhưng với Long cũng vẫn còn lu bu lắm, anh phải chạy tới chạy lui mua dụng cụ học sinh về phân phối lại. Phải xem xét 14 điểm trường thử xem có cần sửa chữa hay là cất thêm phòng cho những lớp mới không, bởi vì mỗi nơi cần mở thêm lớp cho học sinh cũ lên học lớp kế tiếp.
Chỉ có 2 nơi khỏi cần phải làm thêm gì cả đó là điểm chợ thứ 11 và Kinh 15. Các GV ở hai nơi đó được cho qua phụ những điểm trường kế bên cất thêm phòng mới.
Đông Hưng có những lợi điểm hơn các nơi khác. Nguyên vật liệu dựng trường cây, lá, ván đều có, người dân cũng khá giả hơn nên việc cất thêm phòng mới chuẩn bị để khai giảng cũng dễ dàng hơn.
Mười một phòng học mới được anh chị em GV vận động dựng lên đồng loạt. Ngày khai giảng cũng đồng loạt như các nơi khác trong tỉnh nhà. 
Út Nhứt, Năm Dồi được đảng ủy Đông Hưng mời dự lễ khai giảng tại chợ Thứ 1. Cùng đi với họ còn có vài người trong tỉnh ủy Kiên Giang...
Tất cả mọi người đều đi xem thực tế của 14 điểm trường mà Đông Hưng đang có...
Vì có 12 lớp 3 và 1 lớp 5 mới nên trường Đông Hưng phải cần thêm 13 GV nữa nâng tổng số nhân sự của trường lên tới 49 người coi như là đông nhất ở An Biên...
Những GV được đưa về Đông Hưng lần nầy gồm 4 người từ Đông Yên A chuyển xuống còn 9 người là các GV khóa 3 của sư phạm cấp tốc...
Út Nhứt khi giải quyết cho 4 người xin chuyển trường đã hỏi Long:
- Tao thấy mấy đứa khác từ Vân Khánh, Đông Thạnh, Đông Hòa xin đổi về Thị Chấn hay Tây Yên, Đông Yên sao 4 đứa nầy từ Đông Yên lại xin xuống chường mầy lạ dzậy?
Long cười cười trả lời:
- Sao chú hổng hỏi tụi nó mà hỏi tôi? Biết đâu chừng 4 đứa nó điên điên khùng khùng giống tôi hồi năm rồi cũng không chừng...
Việc của trường vừa xong Long qua cửa hàng thuốc tây của Dữ định làm một chuyến hàng mới để gở vốn vì hổm rày ra vô, tới lui từ Thứ Ba tới chợ Rạch Giá để mua dụng cụ cho học sinh, để rước các GV mới ăn xài tốn khá bộn bạc...
Nhưng lại được Dữ cho biết:
- Thuốc tây lúc nầy không có nhiều như lúc trước nữa nên tôi không thể bán cho anh được rồi.
Long cười hỏi lại:
- Sao dzị? Hơn tháng nay tui bận không lấy thuốc đem đi bán được ông có mối khác rồi hả.
Thằng Dữ gải đầu trả lời:
- Đúng có phân nữa thôi. Đúng là bán cho mối khác rồi nhưng không phải tôi mà là thằng Vũ nó tìm ở đâu ra không biết, bây giờ mỗi lần nó lấy thuốc bán cho người ta nó chỉ cho tui có $20 thôi. Nhưng có còn hơn không mà...
Vậy là bị vuột móc nữa rồi, trận nầy không muốn lấy tiền dấu trong ba-lô ra xài cũng hổng được. Trường thì đông người hết người nầy đến tìm là có kẻ khác tới kiếm, ăn uống của người ta khi nầy thì phải mời họ lại khi khác chứ, anh em GV cũng chỉ có $50 tiền lương thôi mà, để họ bao mình thì đúng là kẻ lợi dụng quá đáng...
Năm nay là năm ở không chẳng có chuyện gì làm cả, đi hướng dẫn cho GV soạn giáo án thì Long không thích lại cũng chẳng muốn làm. Anh chỉ nói hờ với họ 
- Ai muốn soạn giáo án cho đúng quy định thì cứ soạn còn không thích thì thôi, tôi không đi kiểm tra, nhưng nếu có cán bộ phòng xuống kiểm tra thì tôi sẽ cho các bạn biết trước 1 tuần lễ để chuẩn bị.
Nhưng mà An Biên có hơn 100 điểm trường lại chỉ có vỏn vẹn 2 cán bộ phổ thông thôi, Đông Hưng lại là nơi xa nhứt hơn nữa thằng Mạnh không muốn làm mích lòng Long nên nó không bao giờ đi kiểm tra giáo án trường anh hết. Mỗi lần công tác Vân Khánh nó chỉ ghé Đông Hưng để nhậu mà thôi. 
Tỉnh rượu rồi thì nằm trên giường ghi báo cáo cho Đông Hưng.
Cuộc sống mỗi ngày an nhàn đến độ nhàm chán bổng một hôm Long bị mời qua ủy ban xã họp có chuyện khẩn. 
Ba người trong ban thường vụ thấy Long vừa đến thì Ba Mập bí thư liền cất giọng ồ ồ:
- Chúng tôi có chuyện cần bên giáo viên giúp sức. 
Long từ từ ngồi xuống trả lời:
- Trường tôi mới vừa khai giảng công việc còn bề bộn lắm các anh chị em GV đang bận bù đầu đâu có ai rảnh mà qua ủy ban làm giúp. Nhưng chủ tịch cứ nói thử đi tôi sẽ cố gắng nhín thời gian qua giúp cho.
Sáu Siêng nóng nảy la lên:
- Một mình đ/c thì làm ăn được con mẹ gì mà đòi giúp. Chuyện nầy phải nhờ tất cả các đ/c GV mới mong làm xong.
- Nhưng mà chuyện gì dữ dội dzị?
Ba Mập từ từ giải thích:
- Ở chên vừa có chỉ thị kiểm cha dân số và chình độ văn hóa của dân chúng toàn quốc...
Rồi y ta nhỏ giọng nói tiếp: 
- Mà đ/c chí biết gồi 3 người chúng tôi thì làm sao mà hoàn thành công tác nầy được? Một mình đ/c đi làm kiểm cha toàn xã có khi 3 tháng chưa xong thì làm sao mà báo cáo? Dzậy cho nên cách tốt nhứt là huy động toàn bộ GV của đ/c ga giúp thì mới hoàn thành đúng kỳ hạn được.
Chuyện nghe thì dễ dàng như ăn tô bún cá. Nhưng mà với kinh nghiệm bị đày đi vì giúp họ quá lẹ làng nên Long trả lời theo hướng khác:
- Giáo viên bây giờ theo phương pháp giáo dục mới phải soạn bài, lập giáo án lu bu tốn nhiều thời gian lắm bắt anh chị em gánh thêm việc khác nữa thì thật tình khó mở lời.
Sáu Siêng đưa ra đề nghị:
- Thì cho học chò nghỉ học ít hôm đi, làm xong thì chúng chở vô học lại chứ có gì mà lo?
- Nghỉ học thì đâu có kịp chương trình của ty đưa xuống?
Hai bên cứ ý kiến qua lại Tư Khá lên tiếng:
- Vậy thì đ/c có cách nào giúp chúng tôi hoàn thành công tác đúng thời gian không?
Long thuật chuyện ủy ban xã Đông Yên ngày trước cho GV được mua thêm 1 phần nhu yếu phẩm cho nên họ nhờ chuyện gì anh em GV ở đó cũng nhiệt tình vui vẻ chấp nhận giúp đỡ.
Ba Mập cười lớn:
- Mẹ kiếp! Tưởng chuyện gì khó khăn lắm chứ thêm 1 phần nhu yếu phẩm thì nhầm nhò gì. Lúc làm thống kê thì mầy biểu tụi nó ghi luôn tên tụi nó vô danh sách dân chúng là được gồi. Dzậy chừng nào mầy kêu tụi nó làm dùm đây?
- Thì chủ nhựt họp nội bộ trường tôi mới nhờ họ làm được. Dạy 1 buổi còn buổi kia đi làm thống kê 3 ngày là xong rồi...
Sáu Siêng hớn hở:
- Còn bây giờ thì qua bên công an đi tụi nó vừa lụm 4 can gụ lậu chên đò Thới Bình ngày hôm qua,..

Anh chị em GV Đông Hưng còn kiêm luôn việc làm thư ký cho Xã, Ắp để phân phối các mặt hàng nhu yếu phẩm nhờ vậy mà họ được 3 phần, một từ chế độ của phòng GD, một từ ủy ban xã, một từ chánh quyền ấp nơi mà mình đang dạy, lại được thay phiên nhau 2 tháng về nhà 1 tuần chẳng những vậy mà họ lại khỏi phải gò lưng soạn giáo án. Anh chị em trong trường thân thiết gần gủi nhau hơn cho dù là có nhiều thành phần trong đó...
Một buổi chiều đẹp trời vợ chồng chị Hương xuống thăm cô Hoa, anh Hạnh rủ Long lại nhà anh Ba Khải của cô Hoa nhậu chơi. 
Hổm rày từ lúc không có thuốc tây để bán vợ chồng anh chẳng có việc gì làm ra tiền vì thế họ định về Đông Hưng xem thử coi chuyện ruộng rẫy hay bán buôn ra sao liệu có thể về đó lập nghiệp được không.
Anh Ba Khải nói:
- Buôn bán thì chắc là không được rồi còn làm ruộng thì tui không có ý kiến vì tui còn có một tay thì làm được cái gì. Tiệm tạp hóa của tui chả có mua hàng được nên đâu có gì để bán ra...
Long hể uống xỉn xỉn mà gặp ai có hoàn cảnh khó khăn thì hỏi tới bến:
- Anh ở Sài Gòn làm sao mà biết làm ruộng?
- Hổng biết thì học khó khăn gì? Hạnh trả lời.
Long cười lớn:
- Thấy dzậy mà hổng phải dzậy đâu nghen có nhiều thứ không quen làm không được đâu. Anh muốn biết thì tôi cho anh theo tụi tôi xuống tiếp xúc trực tiếp với những bà con từ Sài Gòn đến lập nghiệp trong vùng kinh tế mới kìa. Hỏi cho rõ rồi nhắm thử xem coi khả năng mình thế nào. Tụi tôi đang thực hiện công tác kiểm kê dân số...
Hôm sau 2 vợ chồng anh Hạnh theo bọn Long vô kinh Hản nơi còn lại khoản 40 gia đình trong vùng kinh tế mới. 
Con kinh Hản bề ngang cũng hẹp lắm độ chừng hơn chục thước, cây lá mọc đầy kín hai bên bờ kinh làm lòng kinh hơi hẹp. 
Từ vàm sáng vô chừng 5 cây số thì còn có nhà cửa ở lai rai vô sâu chút nữa căn nầy cách căn kia hàng 5, 6 chục thước. Vô gần trong ngọn là vùng kinh tế mới chạy dài đụng đến mé rừng tràm.
Chánh quyền CS đào đất đấp nền cất những cái nhà lá khá lớn cách đều nhau chừng 50 mét cặp 2 bên bờ kinh hằng mấy cây số. Đợt đầu đem dân từ Sài Gòn về gần 200 gia đình, họ cấp cho mỗi gia đình 1 mẫu đất sậy dụng cụ làm rẫy trồng khóm, còn đất ruộng thì ai có khả năng khai khẩn được bao nhiêu thì canh tác bấy nhiêu. 
Nhưng dân Sài Gòn vốn không biết nghề ruộng rẫy, đất thuộc đã được canh tác nhiều năm không biết họ có làm ruộng được chưa nữa nói chi là đất hoang, chỉ toàn là một rừng sậy là sậy thì họ chỉ biết nhìn nhau mà khóc thôi. Cho nên những tháng đầu được cung cấp gạo họ còn ở, hết 6 tháng không còn phân phối gạo nữa thì họ rụt rịch rút dù đi mất hết, bây giờ còn lại không đầy 40 gia đình có gốc gác là dân ruộng trong lúc chiến tranh họ bỏ ruộng vườn mà chạy về thành phố nay phải quay trở lại về quê nhưng đất ở quê mình bị người khác chiếm mất từ lâu vì vậy họ đành vô khu kinh tế mới mà khởi sự lại nghiệp làm ruộng rẫy.
Học trò ở đầu kinh thì ra điểm Thứ 11 học cho nên vào sâu trong kinh chừng 5 cây số Long mới dựng ở đó một điểm trường. 
Hai người thầy từ kinh Bắc được phân công dạy ở đó.
Bọn Long vô tới nơi đã gần 11 giờ sáng. 
Bằng thì đang dạy cho lớp 1, Thành đi làm thống kê vừa về tới nhà đang cùng gia đình anh Năm Mận chuẩn bị cơm trưa.
Ở ngoài trục lộ hay thị xã hồi xưa học sinh có 4 giờ học cho một ngày nhưng trong vùng sâu học sinh chỉ được học có 3 giờ thôi vì nhiều lý do trong đó có lý do nếu cho học sinh học nhiều giờ quá khi tan học về những đứa học sinh nhà xa lội bộ về nhà đói bụng chịu không nổi.
Trong khi chờ đợi Bằng ăn cơm trưa Long dắt vợ chồng anh Hạnh và cô Hoa ra xem rẫy khóm của nhà Năm Mận.
Gia đình anh Năm là dân cố cựu trong kinh Hản nên anh biết đủ nghề, tháng nào trong năm anh cũng đều có việc làm. 
Mùa khô đào mương vét mương vô đất cho rẫy khóm, đi rừng bẫy thú gác ong lấy mật. 
Mùa mưa cấy lúa, cắm câu bắt cá, đặt trúm bắt lươn vô rừng lấy củi cưa đem bán...
Xung quanh nhà anh cây ăn trái xum xuê anh chị có cả chục công rẫy khóm vừa thu hoạch trong mùa hè.
Nhìn rẫy khóm của gia chủ anh Hạnh mê lắm nhưng khi vào nhà tiếp chuyện với Năm Mận thì anh như quả bong bóng bị xì hơi.
- Muốn làm được vài công khóm cũng cần một số vốn khá lớn. Mùa khô miệt trên không có việc làm có nhiều người tìm xuống tận nơi đây làm mướn. 
Trước tiên phải đốn sạch đám sậy trải đều phơi khô rồi đốt cho nó cháy rụi tận gốc sau đó mới đào mương lên líp đợi mưa xuống mà xuống cây con...
Đất ở đây tuy có phân nhiều nhưng mà phèn cũng còn nhiều lắm làm ruộng cũng cần phải mua phân hạ phèn mà rải thêm thì mới có lúa mà ăn v..v...
Anh Năm giảng giải thêm về chuyện đi rừng về việc cắm câu bắt cá làm anh Hạnh ngẩn tò te...
- Trời ơi! Điệu nầy thì tui đầu hàng chứ làm gì nổi...
Năm Mận cười lớn:
- Làm từ từ rồi nó cũng quen dần thôi, nghề dạy nghề mà. Có điều anh có chịu nổi sự vắng vẻ ở đây không thôi, nhất là muỗi, muỗi dữ lắm đó nghen.
Vậy cho nên bà con ở Sài Gòn xuống đây lập nghiệp chịu không nổi 5 phần thì bỏ chạy hết 4 còn một phần không biết chừng nào dong đây...
Long chở vợ chồng anh đi xem vài căn nhà bỏ hoang cỏ mộc đầy kín cả nền chị Hương lắc đầu:
- Thầy cho tui về chợ đi, xứ nầy có cho vàng tui cũng không dám vô ở nữa...
Buôn bán không xong, làm ruộng rẫy không nổi trở về Sài Gòn thì sợ bị ép buộc đẩy đi vùng kinh tế mới khác, vợ chồng anh Hạnh như ngồi trên đống lửa. 
Suy đi tính lại nát nước cùng đường chỉ có một cách là chạy hàng rong để kiếm tiền mà sống tạm nhưng mua đầu chợ bán cuối chợ thời chưa giải phóng thì còn được, bây giờ người làm nghề nầy cũng đông lắm mà hàng hóa lại hiếm hoi nên không biết phải mua thứ gì để bán cho nên anh dặn Long:
- Ở dưới đây anh thấy có thứ nào bán được có lời thì cho tôi biết để tôi làm thử kiếm tiền nuôi vợ con chứ kiểu nầy chắc 4 mạng nhà tui chết đói quá...
Ba ngày đi làm thống kê đã xong xuôi rồi nhưng ấp Kinh 15 hôm đó Danh Quyền không có thông báo nên Quyền không ra họp vì vậy Long và Danh Sa Manh phải tự vào đó mà làm thống kê, Cô Hoa xin theo:
- Cho em đi theo vô đó chơi cho biết đi, luôn tiện em mua vài lít mật để dành cho bà con ngoài Rạch Sỏi.
Long định nói " Mua mật ong thì tôi mua dùm cô cũng được đi theo chi cho muỗi cắn sưng mình".
Nhưng thôi nói làm gì, có một bóng hồng trên ghe sẽ làm Kinh 15 rực rở thêm một tí...
Ba người vào tới nhà anh Ba Rắn Hổ cùng với Danh Quyền chia đôi ra mỗi cặp đi một phía. Danh Quyền mượn xuồng của nhà anh Ba cùng với Danh Sa Manh bơi đi ra phía ngoài kinh, Long và cô Hoa dùng vỏ Máy chạy vô phía ngọn xa hơn chút. Mười bảy gia đình làm xông cấp kỳ. Lúc từ giã ra về cô Hoa ngỏ ý mua 4 lít mật ong của nhà anh Ba, anh nói:
- Mùa nầy trúng mật nhưng mà chưa bán được. Hồi xưa cha chệt Ba ngoài chợ Thứ 11 thầu hết rồi y đem phân phối lại ngoài Rạch Sỏi, Rạch Giá, năm ngoái chả đi vượt biên bây giờ bà con ở đây chưa tìm ra người mua, nên tui không biết giá cả ra sao mà bán cho cô giáo.
Long góp ý:
- Hồi đó anh bán cho ông chệt Ba bao nhiêu thì bây giờ tính bấy nhiêu hoặc là nhích lên chút đỉnh cũng được.
- Chú nói dzậy cũng phải, thôi thì tui tính y giá cũ đi. Hồi đó 1 lít mật có giá là $500 còn tiền mới là $1.
Từ giả nhà anh để về thì Danh Quyền đem xuống vỏ máy nửa thùng thiết cá lóc, con nào con nấy cở nửa kí lô trở lên:
- Anh đem về ngoải ăn đi. Hôm qua em cấm bậy mấy chục cần câu vòng vòng sau hè chơi mà dính bây nhiêu đó.
- Sao không để lại nhà ăn hay là cân cho người ta để họ đem ra chợ bán? 
Anh Ba cười lớn:
- Nhà nầy tụi nhỏ nó cắm câu cá còn dư để làm mắm nữa kìa. Ở đây ai mà mua cá còn đem ra chợ mà bơi xuồng bận đi bận về mất 3, 4 tiếng đồng hồ mà bán 5,10 kí cá hổng đủ tiền mua bánh ăn, còn như đi bằng vỏ máy thì cũng chưa đủ tiền xăng. Ai đi làm chuyện lỗ lả dzậy nè. Chú cứ mang về ngoài đó ăn đi. 
Anh đi tìm ít bụi lục bình cắt lấy rễ rồi bỏ cá xuống khoan vỏ máy cho Long, vừa làm vừa giải thích:
- Muốn cho cá sống phải làm như vậy, chú rộng cá dưới xuồng hay vỏ máy mà đổ nước linh binh đi một hồi lường cá bị nhám chúng nó sẻ chết sạch nhách còn như chú chỉ nhúng nước cho ướt rễ lục bình thì con cá nó năm im re mấy ngày cũng chả hề hấn gì.
Một ý nghĩ vừa chạy thoáng ngang qua đầu nhưng Long chưa nắm rỏ tình hình nên anh không nói gì chỉ cám ơn anh Ba và Danh Quyền rồi ra về trước khi mặt trời xuống thấp...


(Xem tiếp kỳ 29)
Lanh Nguyễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét