Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Long (Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng)
1.
Căn nhà nằm lưng chừng núi, nhìn xuống lòng thung lũng thấp. Chung quanh là những cụm rừng thưa, chạy dài theo dãy núi Smocky Mountain hình vòng cung. Dân số cả thị trấn miền núi không quá một ngàn người. Hai trạm xăng, một siêu thị loại bỏ túi và vài ba quán ăn lụp xụp của người da đỏ. Đi bác sĩ, khám bệnh phải lái xe hơn cả giờ mới xuống tới thành phố Asheville của bang North Carolina. Nhà cửa đất đai rất rẻ và không khí trong lành quanh năm. Phần lớn dân chúng trong vùng sống nhờ lượng du khách của mùa hè, và nhất là mùa thu. Trung dọn hẳn lên căn nhà mướn nầy vào cuối mùa hạ. Những cơn nắng dội lửa đã giảm dần, nhường cho vài cơn mưa bụi loáng thoáng, bất ngờ. Buổi sáng Trung bàng hoàng trước vẽ đẹp của núi rừng phủ kín trong lớp mây mù dưới chân núi. Khí trời chợt chùng lạnh, se sắt mù sương đủ để khu rừng thưa khẻ chuyển mình thay lá. Những chiếc lá xanh nâu đã cong mình vàng lên sắc đỏ.
Mùi thảm hăng hắt và ẩm thấp, chứng tỏ căn nhà đã vắng hơi người từ lâu. Nipa muốn ở lại lau chùi, dọn dẹp nhưng Trung bảo không cần. Ông có nhiều thời gian để bận rộn. Người đàn bà chìu ý Trung nhưng vẫn sắp xếp những thứ cần thiết trong tủ lạnh và nhà bếp. Nàng cũng không quên ghi chú cẩn thận số lượng thuốc men của ông trên đầu giường ngủ. Chuyến đi dài không làm Trung mệt mỏi, trái lại, ông thấy mình tỉnh táo và phấn khởi hẳn lên. Ít nhất ông cũng có những chuỗi ngày trước mặt thong dong, tự tại trong cảnh thiên nhiên của núi rừng. Một mình, niềm cô đơn sẽ lớn hơn. Nhưng trong cùng tận cô đơn, ông sẽ có dịp đối diện với chính mình nhiều và thành thật hơn. Đến lúc mà mọi sự hiện diện của tha nhân đều tạo cho ông niềm sợ hãi thực tại.
Nipa, cô y tá người Phi-líp-pin có khuôn mặt và nụ cười thật trẻ con. Bệnh viện đã cử cô đến chỉ dẫn cách tự chích thuốc cầm đau và theo dõi bệnh tình của ông sau khi rời viện. Lúc đầu Nipa rất dè dặt trước thái độ buông xuôi, chờ chết của ông. Cô chỉ giúp ông thành thạo việc tự chính giảm đau chớ không tỏ ra thân thiện với bệnh nhân. Vài tuần lễ sau đó, một lần Thảo dẫn con đến thăm, Nipa mới có dịp hiểu sự lựa chọn đầy nghị lực của ông Trung. Cô đã ứa nước mắt trước cảnh chia tay. Tưởng như tạm bợ bề ngoài mà đã nghìn trùng xa cách tận tâm. Ông cô đơn trong hạnh phúc. Ông chờ đợi cái chết bình thản như chờ một chuyến đâu đó đi xa. Con người rất can đảm trong lời nói, rất sâu sắc với bao nhiêu triết lý cao xa. Nhưng khi đối diện với hiện thực hy sinh có máu, bằng mạng sống chính bản thân thì họ lại có nhiều phương tiện để biện minh cho hành động yếu hèn... Nên đứng trước người đàn ông như yếu đuối, vô tư nhưng Nipa thấy cả dòng biển ngầm mạnh mẽ. Có khi một vũng nước trong nhìn tận đáy, lại nhận chìm những kẻ vô tình. Lắm lúc vũng nước như đục ngầu đe dọa, lại không qua khỏi mắt cá đôi bàn chân... Họ trở thành đôi bạn, giữa làn ranh cận kề sinh tử... Đến một hôm Trung nhờ Nipa giúp ông tìm mướn căn nhà nhỏ, rẽ tiền trên vùng núi. Càng cao, càng sâu vào rừng núi càng tốt. Ông thao thao nói với cô y tá cách chữa bệnh ung thư thiên nhiên của người Nhật. Không thuyết phục, nhưng Nipa hứa giúp ông tìm nhà. Vả lại cũng vào thu, cảnh núi rừng lá chuyển, biết đâu tái tạo cho ông mầm sống mới.
Nipa đặt chiếc xe lăn và cây gậy cuối góc nhà rồi chuẩn bị từ giả Trung. Ông ngập ngừng cám ơn. Nipa chần chừ, không nở. Trong ánh mắt của người đàn bà tràn đầy niềm cảm thương, nuối tiếc. Tất cả rồi cũng qua, một lần gặp gỡ. Như kiếp người, thoáng chốc mà hệ lụy cưu mang tưởng chừng bất tận. Bắt đầu đã khó, chấm dứt cũng không phải dễ dàng. Nipa nhìn quanh, nhiều lần, căn nhà gỗ đơn độc giữa lưng chừng núi. Nàng đến như cơn gió lướt qua đời ông, không dừng lại. Niềm hy vọng cuối cùng một đời người chính là sự trở về, trở về với chính mình trên dòng sông bản ngã. Chạm đáy đời ông, Nipa như bắt gặp đời mình. Khác biệt góc thời gian, soi cùng đời mặt phẳng. Nàng đã không giữ được lời hứa, mặc cho giòng nước mắt rơi thấm mặn khóe môi khô. Người đàn bà Phi-líp-pin quay nhìn căn nhà lần cuối, trước khi ngược xuống lòng đường. Đầu mùa thu, buổi trưa miền núi ngây ngất như ly rượu mạnh.
Sau gần một tháng chemo-therapy, Trung quyết định không tiếp tục nữa. Lần cuối cùng khám bệnh, bác sĩ đã cho ông biết:
- Tiếp tục điều trị tại bệnh viện và chemo-therapy, ông có thể kéo dài sự sống từ một đến hai năm. Nếu khước từ, chúng tôi không dám đảm bảo cho sinh mạng ông trong vòng sáu tháng. Mong ông suy nghĩ thật kỷ lưỡng. Tuy nhiên mọi sự quyết định đều tùy vào ông và gia đình.
Ông biết rõ số phận của mình. Hơn nữa, sự tàn phá những tế bào sống trong cơ thể khiến những ngày còn lại của ông sẽ tệ hại hơn. Ông muốn mình phải thật sáng suốt và tỉnh táo cho mọi chuẩn bị, mọi sự lựa chọn cần thiết. Thảo đã đưa mấy đứa nhỏ về sống với gia đình ở Dallas. Trẻ con nhiều nước mắt nhưng cũng dễ lãng quên. Mười bốn năm chung sống vợ chồng, chia nhau từng tháng ngày khổ đau, hạnh phút. Tình yêu ông với Thảo lớn hơn sự hèn nhát và lòng ích kỷ. Nàng và các con ông còn phải sống, cho hôm nay, cho ngày mai. Có chăng với ông, là từng ngày cuộn trôi gần cái chết. Mấy tháng qua, Thảo đã khóc cạn một đời nước mắt. Ông không để chứng bệnh ung thư giết chết ông và dần mòn giết chết niềm tin và hy vọng ngày mai của những người ông thương yêu hết mực. Tất cả những đau đớn dù lớn lao đến đâu, rồi cũng qua đi. Thời gian trôi xuôi giữa dòng đời không trở lại. Tình yêu Thảo và các con lớn hơn sự hèn nhát và lòng ích kỷ. Với Trung, tiền bạc không mua được hạnh phúc và niềm hy vọng. Nhưng tương lai của gia đình và các con ông không thể lệ thuộc nỗi đau và cái chết dần mòn của ông. Thôi thì một lần chia ly còn hơn những ám ảnh truyền kiếp.
Tất cả cuộc ly dị đều bắt đầu và kết thúc bởi những thất vọng và oán hận. Trừ trường hợp của ông và Thảo. Cuộc chia tay, dù trên pháp lý, của họ bắt đầu bằng những yêu thương và lòng hy sinh vô bờ. Của ông. Của Thảo. Của các con. Nước mắt họ không chảy xuôi theo giòng đời thường tục. Những giòng nước mắt của họ chảy ngược vào tận cùng giòng đời hệ lụy cưu mang. Số tiền quá lớn cho sự giành co cái chết, rồi cũng phải đến, đủ đem lại cho mọi người một mai nầy tốt đẹp. Cuối cùng rồi Thảo cũng hiểu. Trong cùng tận của đời người, cái chết không phải là sự chia lìa vĩnh viễn. Mà chính cuộc sống vạch ra nhiều đường ranh của biệt ly. Cánh cửa mở rộng cho mọi nghịch cảnh, là cõi vĩnh hằng phía bên kia. Sông có chảy trăm dòng cũng xuôi về biển mặn. Không ai đứng trước biển xanh mơ về con lạch nhỏ bao giờ. Trong nỗi đau cùng tận, ông vẫn ước mơ một ngày nào đó Thảo sẽ tìm thấy hạnh phúc. Một hạnh phúc có thật cho nàng. Như đời nầy, con người không chỉ đến để chết mà để chiêm nghiệm hạnh phúc trong cái chết vĩnh hằng.
2.
Ông choàng tỉnh trong tiếng hú vang vọng rừng núi. Tiếng hú hãi hùng, tuyệt vọng. Trong giấc mơ ông hay ngoài kia thăm thẳm núi rừng. Ông cố nhớ lại, nhưng tất cả chỉ là khoảng trống của tiềm thức miên man. Đầu hôm Trung đã uống hai thuốc ngủ. Nằm nghiêng tai, ông lắng nghe từng tiếng động thênh thang của đêm. Một con sói gọi đàn hay của một đàn thú nào đó vang tiếng thách thức nhau. Tiếng hú phải mang một cường độ ghê gớm, đẩy mất hiệu nghiệm của hai viên thuốc ngủ cực mạnh. Con số màu đỏ thẩm trên mặt bàn, hai giờ sáng. Ông chợt cảm thấy cơn lạnh chạy khắp cơ thể. Hay là tiếng hú vọng từ cõi " âm ", của thế giới bên kia. Nhắm chặc mắt, ông thở ra hít vào nhiều lần, ngầm kiểm soát toàn bộ cơ thể. Tất cả đều bình thường, không có triệu chứng gì của cơn bạo bệnh. Cái chết vẫn còn xa ông, ít nhất là đêm nay. Ngày mai rồi sẽ tốt đẹp hơn, cứ tin như vậy, ông xoay trở tìm một thế nằm thoải mái, chờ giấc ngủ.... Tiếng hú lại vang lên, thiết tha, đau đớn. Tiếng hú vang vọng như đánh thức cả thung lũng thấp. Ông ngồi bật dậy, khoắc chiếc áo choàng và bước ra ngoài. Ánh trăng thu sáng lạnh, soi dọc con đường mòn dẫn xuống dốc núi.
Có tiếng người, cười nói phía dưới con suối nhỏ. Ông nghĩ đến những nàng tiên xuống tắm suối đêm trăng trong truyện thần thoại, cổ tích. Cuộc sống giết chết trong ông bao nhiêu ước vọng. Gần kề cái chết lại mở bao nhiêu cánh cửa tin yêu trong mỗi giấc mơ. Khoảng đất và trời. Mặt thật và giả. Giữa thực và ảo. Chỉ là những cụm từ ngữ nói lên sự bất lực của con người và kiếp sống. Ông dò dẫm những bước chân, giữ gìn từng hơi thở. Ánh trăng thu sánh bạc, phả lớp mù sương phủ kín rừng. Tiếng cười nói bỗng lặng im, chìm khuất. Rồi từng tiếng nấc khẻ vang. Ngậm ngùi, trẻ dại.
Không biết tự bao giờ ông đã đứng đối diện với chiếc bóng đang khóc cười, nhảy múa. Dưới trăng là khuôn mặt tuyệt đẹp của người con gái với mái tóc vàng, dài óng ả. Nàng chợt quay lại nhìn ông, không chút ngạc nhiên, sợ hãi. Chừng như đã quen, đã biết từ lâu.
- Sao ông đến muộn vậy? Em đã chờ đợi nơi nầy quá nhiều năm tháng... Người con gái vừa nói vừa di động theo cùng những vệt sáng tủa vây.
- Cô đã đợi tôi..? Tại sao cô biết tôi sẽ đến nơi nầy?
- Phải. Bất cứ điều gì, nếu ông chờ đợi, rồi nó sẽ tới... Như em đợi ánh trăng. Có lúc tưởng nó đi mất. Em cứ đợi, rồi ánh trăng cũng đến.
- Nhưng nếu cô không đợi, trăng cũng tới mỗi tháng kia mà...
- Ông lầm rồi. Biết bao nhiêu người không hề biết trăng về mỗi bận. Chỉ có những người chờ đợi như em thôi... Như em chờ và ông cũng đã tới.
- Không. Nhất định là tôi không đến đây vì sự chờ đợi của cô. Tôi đến đây bởi sự chờ đợi của cái chết.
- Thì hẳn vậy đi. Em là cái chết của ông. Đã sao đâu? Con người đến cuộc đời nầy chỉ để chờ đợi cái chết kia mà... Thôi, đêm sắp tàn, đến ngồi xuống đây với em.
Nàng nắm tay ông, ngồi xuống bờ đá. Mùi hương con gái thoang thoảng, ngây ngất mọi xúc giác của ông. Tự lúc nào, toàn thân ông như căng tràn sự sống. Những cảm giác sượng đau ông cưu mang bấy lâu nay chợt tan biến. Tất cả nhẹ tênh, mênh mông nỗi hạnh phúc không cùng. Phiến đá ấm áp sương đêm như bàn tay ông đang ấm áp trong lòng tay con gái. Ông chợt nhận ra toàn thân nàng chỉ phủ một lớp vải mong manh tơ trời mờ nhạt. Ngả đầu vào vai, ông nghe từng hơi thở nhẹ thơm của nàng phả vào bên má. Chung quanh họ, chỉ còn thế giới của trăng.
Người con gái nằm ngữa mặt trên hai chân ông dựa theo bờ đá. Con suối đêm mùa thu chở ngập đầy một dòng trăng. Cũng từ đó, mỗi đêm ông đều cùng người con gái gặp nhau dưới bờ thung lũng thấp. Có lúc họ chuyện trò. Lắm khi họ lặng im, chừng để lắng nghe sự giao hòa của tâm hồn con người và đất trời huyền diệu. Ông không biết mình đang sống trong giấc mộng, hay chính giấc mơ ông đang trở thành hiện thực đời mình. Tự hỏi. Hoài nghi. Sợ hãi. Đôi lúc ông luôn mở trừng đôi mắt, sợ một chớp mắt vô tình sẽ đánh mất những gì có thật chung quanh... Khuôn mặt đẹp tuyệt trần người con gái như tỏa ra một lớp ánh sáng dìu dịu, mơ hồ. Như hiểu lòng ông, áp bàn tay ông lên má, người con gái muốn ông nhận thức sự hiện hữu có thật của mình. Tất cả lung linh, mầu nhiệm. Ông đưa tay nâng niu khuôn mặt và vuốt từng lọn tóc vàng óng tơ trời... Đôi mắt mở to, người con gái nhìn ông đắm say như nhìn vào giấc mơ tiến kiếp.
- Tại sao lại có ánh trăng, lúc đi lúc về? Tại sao sông xuôi về biển, sông đậm nâu ngọt ngào còn biển xanh mặn bao la..?
Một hôm người con gái vô tình, chợt hỏi. Trầm ngâm phút chốc, ông khẻ kể cho nàng nghe câu chuyện tình huyền hoặc, tựa chừng ẩn khuất đâu đó trong tiềm thức.
" ... Ngày xưa, thuở trời đất giao hoà. Đêm chỉ ngàn sao lấp lánh và chưa có mặt trăng hiện hữu. Mặt trời ngự trị toàn bộ giang sơn của hệ thái dương. Shiva là con trai thần mặt trời. Tính tình phóng khoáng và lãng mạn, Shiva luôn có nhiều ước vọng khác thường. Năm mười chín tuổi, tục lệ bắt Shiva phải chọn một người con gái làm vợ. Tất cả người đẹp của xứ mặt trời không làm cho Shiva rung động. Thần mặt trời lo lắng, còn Shiva thì ngày đêm buồn bã, u sầu. Một hôm Shiva xin cha cho mình tự đi tìm vợ. Thần mặt trời đồng ý với hai điều kiện. Một, không được rời khỏi xứ mặt trời. Hai, thời gian đi tìm chỉ trong vòng ba mươi ngày. Sau đó, nếu không tìm ra, Shiva phải tuân lệnh cha lấy người con gái do chính thần mặt trời lựa chọn. Shiva cúi đầu đồng ý.
Lang thang khắp nơi trong xứ mặt trời, Shiva chưa lần nào gặp người con gái trong mộng. Thất vọng, nhiều đêm Shiva thao thức nhìn những dãy ngân hà lấp lánh bao quanh. Chàng tự nhủ, biết đâu trái tim mình đang ở nơi chân trời xa xăm đó. Quên mất lời cha dặn, Shiva rời xứ mặt trời và bay về một hành tinh khác. Vô tình, Shiva ghé vào trái đất. Choáng ngộp trước vẻ đẹp lạ kỳ, xanh thẳm của phần đất nầy, Shiva quyết định ở lại để tìm người con gái trong giấc mộng.
Không phải tìm lâu, Shiva yêu tha thiết ngay người con gái đầu tiên gặp mặt bên bờ con suối nhỏ. Thùy Dương, tên nàng. Shiva say đắm với mối tình Thùy Dương quên hẳn lời cha dặn. Ba mươi ngày lướt qua thoáng chốc. Sứ giả của thần mặt trời tìm kiếm Shiva khắp cả chân mây góc trời. Cuối cùng, họ vời được Shiva trở về. Trước mặt cha, Shiva xin được cưới Thùy Dương làm vợ. Thần mặt trời lắc đầu và nhắc lại điều kiện đặt ra. Shiva không được rời khỏi xứ mặt trời, vì chàng không thể cưới làm vợ bất cứ người con gái nào ngoài xứ mặt trời. Shiva hỏi, tại sao. "Con là mặt trời chỉ sống với sinh thể mặt trời. Những sinh thể của các hành tinh khác không thể cùng tác hợp", thần mặt trời trả lời.
Tuyệt vọng và buồn chán, Shiva đã chết trong mối tình thiên thu đó. Hồn u uất không tan, kết đọng thành một vầng sáng vằng vặc, suốt đời ôm trọn lấy trái đất nầy. Con người gọi vầng sáng đó là mặt trăng.
Nơi trái đất, Thùy Dương chờ đợi người yêu đến héo mòn hương sắc. Thùy Dương đã khóc, khóc mãi đến cạn khô nguồn nước mắt. Mãi đến lúc vầng trăng chiếu sáng trần ai thì nàng gục chết bên bờ suối ngày xưa gặp gỡ. Người đời truyền tụng, nước mắt của Thùy Dương đã nhuộm xanh và thấm mặn mọi mặt biển thế gian... ".
- Chuyện tình thần thoại thật tuyệt vời và thật đẹp, phải không ông.
Thật là tuyệt vời và đẹp. Chính ông cũng không ngờ mình "bịa" ra câu chuyện thần thoại lãng mạn đến như vậy? Hơn nữa, bổng dưng khả năng Anh ngữ của ông hôm nay vượt ra ngoài chính sự tưởng tượng của mình. Bình thường ông nói tiếng Anh thuộc loại "ăn đong", lắm khi cô y tá người Nipa phải gặn đi gạn lại nhiều lần mới hiểu nổi ông nói gì ! Hưng phấn, thừa thắng xông lên, ông tâm sự.
- Phải. Tôi tin rằng mọi sự hiện hữu trên thế gian nầy đều bắt đầu từ một chuyện tình. Nói chi đến con người và các sinh vật, mà ngay cả sỏi đá vô tri. Một nhạc sĩ nước tôi đã nói, "... ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau ! ". (1)
- Tại sao vậy ông?
- Vì mọi sự vật đều là hóa thân của nhau. "Em là tôi và tôi cũng là tôi..." (2).
- Ông càng giải nghĩa, em lại càng khó hiểu. Mà cần hiểu làm gì, có ai đang yêu lại phân tích và định nghĩa tình yêu? Ông hãy hôn môi em, tình yêu sẽ lên tiếng.
Người con gái nghiêng mặt, hiến dâng. Ông cúi xuống, hôn lên đôi môi óng vàng, mật ngọt. Niềm lạc hoan mảnh liệt tràn vào thân thể, nâng cao vút mọi xúc cảm cùng tận trong ông. Mọi nỗi đau tan biến. Mọi cái chết chìm sâu. Chỉ còn lại thực tại là niềm hạnh phúc mơ hồ, chất ngất. Ông chợt thấy ánh trăng hạ xuống thấp dần. Thật thấp, chiếu vàng rực rỡ khuôn mặt ông và thân thể người con gái. Muôn vàn mạch máu cuộn tràn, ông như nhập vào ánh trăng rồi vút cao lên bầu trời bát ngát. Người con gái chợt cong người hú lên. Tiếng hú vang vọng khắp cả kiếp người. Ông cũng nghiêng người nhìn lại bóng mình. Chiếc bóng rời khỏi ông, vươn cao, rồi cũng hú vang niềm hạnh phúc mông lung. Hai tiếng hú quyện vào nhau, cuốn hút núi rừng trong mơ truyền kiếp ngàn đời.
3.
Nipa ngạc nhiên khi thấy mấy ống thuốc cầm đau còn nhiều trên kệ. Thường khi chỉ còn vài lọ cuối cùng. Ông Trung có thể không sợ chết, nhưng ông cần chống lại những cơn đau. Hơn ai hết, Nipa hiểu rõ điều nầy. Hay là ông đã cạn rồi sự phản kháng, đã quyết định bước cùng... Căn nhà vắng lặng. Nipa nhìn quanh, chiếc gậy vẫn ở góc giường và tách trà trên bàn chưa uống cạn. Nắm hồ sơ bệnh lý và chăm sóc ông thời gian qua, Nipa hiểu từng chuyển biến của cơ thể ông. Dù có một nghị lực phi thường đi nữa, ông Trung cũng không thể vượt ra ngoài những tàn phá của chứng ung-thư nầy. Nói chi ông đang ở trong thời kỳ cuối cùng. Bao giờ đi ra khỏi nhà ông đều mang hờ theo cây gậy, phòng những cơn đau tấn công bất ngờ. Nipa chợt nhận ra tờ giấy nhỏ dán trên tủ lạnh, với giòng chữ của ông: "Tôi tập yoga và thiền, con suối dưới thung lũng. Trung".
Buổi trưa mùa thu, khí trời tĩnh mịch và nhẹ tênh. Nipa bàng hoàng với vẻ đẹp của rừng núi. Thung lủng thấp như được phủ tấm vãi tơ lụa màu đỏ, tím và vàng sặc sỡ. Như bức tranh vẽ trong truyện cổ tích mà cô đã đọc say sưa thuở ấu thơ. Bây giờ trước mặt là cả một tặng phẩm tuyệt vời của tạo hóa có thật. Nipa như nhận ra được sự mất mát to lớn của đời sống xã hội và ý thức thiên nhiên chung quanh. Con người không những đã tự hủy tâm cảnh mà ngay cả hiện thực bên ngoài. Giá trị thẩm mỹ nhường chỗ cho giá trị kỹ thuật và tiện nghi. Con người xa lạ dần với thiên nhiên và lệ thuộc vào ảo giác. Tính thích nghi cũng từ đó mất dần, sự phản kháng cơ thể dựa vào trợ lực hoá chất của dược phẩm. Từ cỏ hoa, thảo mộc. Nipa đã tận mắt nhìn thấy những điều đó xảy ra cho bệnh nhân do chính cô chăm sóc.
Từ thận chứng di-căn của ông Trung đã chuyển đến cả gan và phổi. Cái chết, với ông, chỉ còn là phút chốc thời gian. Điều đó không làm cho Nipa ái ngại, cảm thương. Con người rồi ai cũng một lần chết, như thể một lần sinh ra đến với đời nầy. Đôi khi cái chết lại là một giải thoát hoàn mỹ nhất của đời người. Cho ông. Cho Nipa. Cho cả kiếp người vay tạm... Nhưng là những cơn đau. Những cơn đau khủng khiếp cho thân thể sống trong chờ sự chấm dứt, ra đi. Những cơn đau mà mọi con người không đủ sức chống trả. Sự hiện diện của cô là chỉ nhằm giúp ông vượt qua những giây phút hãi hùng nầy. Nipa tin vào nghị lực và lòng can đảm cho mọi hành động của ông đối với gia đình, vợ con. Nhưng còn ông, ông không thể dùng thứ nghị lực đó chống lại những cơn đau nghiệt ngã để sớm chấm dứt một kiếp người. Không nói, nhưng cả Nipa và ông điều biết phương pháp chích không khí vào mạch máu. Như một giải pháp cuối cùng. Điều nầy ám ảnh Nipa nhiều hơn khi nhìn thấy những ống thuốc cầm đau còn nguyên nhiều trên kệ.
Đã cuối đường mòn, gần con suối trong thung lũng thấp. Nipa kinh ngạc, mở trừng đôi mắt. Người đàn ông khỏe mạnh, trẻ trung đang tung tăng nhảy múa trước mặt. Chừng như ông không ý thức gì sự có mặt của cô, "Ông Trung. Ông Trung, Nipa đây. Tôi đây mà..!". Thỉnh thoảng, ông dừng lại, cúi nhìn xuồng chiếc bóng của mình rồi cất tiếng cười vang cả núi rừng tĩnh mịch. Không còn một dấu hiệu nào của người đàn ông đang mang chứng bệnh ung-thư chờ chết. Sức sống tràn ngập trên khuôn mặt, trong thân hình di động nhanh nhẹn của ông. Nhiều năm kinh nghiệm cho phép Nipa tự tin vào cặp mắt định bệnh của mình. Người đàn ông ngồi xuống bờ suối vắng, miệng lầm thầm như nói chuyện với ai. Tay Nipa chạm vào xách đồ nghề trên tay. Ý nghĩ thoáng qua thật nhanh. Cô cần ống máu cũa ông cho lần trở về.
Núi rừng mùa thu vẫn rực rỡ sắc màu, hanh hanh màu nắng nhẹ tênh.
4.
Ông cúi xuống đặt thân thể người con gái lên trên bờ đá, cạnh bờ suối nhỏ. Hơi thở ra từng hồi nhè nhẹ, đứt khoảng nàng mở trừng đôi mắt thật to nhìn ông, môi mấp máp. Ông cố nghiêng tai thật sát, lắng nghe. Chừng như chỉ là những lời vô nghĩa. Ông ôm chặc cơ thể nàng mong chuyền sang hết sự sống. Tại sao không phải là ông, người mãi đợi chờ cái chết. Mà lại là nàng, người con gái của giấc mơ ông, thu mùa tâm tưởng. Buổi chiều hình như lá rụng nhiều hơn trên mấy lối mòn xuống suối. Đã cuối mùa thu rồi thần thoại mối tình ông. Không hiểu sao, dưới những đêm trăng, khuôn mặt người con gái đôi lúc mang nhiều đường nét của Thảo. Rồi nhạt mờ đâu đó bóng dáng của biết bao người con gái đã qua đời ông. Họ vẫn quanh đây trong dáng hình hiện tại. Tất cả bàng hoàng, nuối tiếc. Như không hiểu từ tiền kiếp nào đưa ông về khu rừng thu lũng thấp mờ sương nầy. Trong tận cùng sự sống, ông hiểu nghĩa chia ly nghiệt ngã vô cùng cho người ở lại. Đứng trước cái chết, ông thấy thăm thẳm hơn ý nghĩa tình yêu của sự ra đi... Ông cúi hôn lên đôi môi lạnh giá, ơ hờ. Nàng đã ra đi như ông rồi cũng tới. Như tình yêu, không có điểm bắt đầu và không có nơi chấm dứt... Ông đứng lên cất tiếng hú đớn đau, như đánh thức cả núi rừng. Ánh trăng cuối thu vằng vặc, đâu đây tiếng hát ai như ru giấc ngủ yên một kiếp người.
"... ta nghiêng vai soi lại tình người
" thì bóng chiều chìm xuống đôi môi
" đang mân mê cho đời nở hoa
" chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối
" đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy,
" bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay
...
" mang ơn em trao tình một lần
" là kỷ niệm dù không đầm thấm
" mang ơn em đau khổ thật đầy
" là nắng vàng dù nhốt trong tay
" mang ơn Trên cho cuộc đời ta
" vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ
" trăm cơn đau, một vầng nhang khói
" kéo ta về, về cõi hư vô... (3)
Một cột tin nhỏ trên trang nhất của tờ báo địa phương: Một Hiện Tượng Y -Học Khó Giải Thích.
" Asheville, NC... Sáng hôm qua, người ta tìm thấy xác người đàn ông nằm trên vực đá, dưới một thung lũng của dãy Great Smokey Mountain. Được biết nạn nhân mang chứng bệnh ung-thư trong thời kỳ cuối, từ chối mọi chửa trị của bệnh viện để chờ đợi cái chết. Điều gây sôi nổi trong dư luận là, sau khi thử nghiệm xác nạn nhân, các bác sĩ và bệnh viện không tìm được dấu vết nào của chứng bệnh ung-thư hiểm nghèo đã giết chết ông. Kết luận của nhóm khảo nghiệm, nạn nhân chết vì kiệt sức, không ăn uống trong nhiều ngày đêm bên bờ đá tảng.
Hiện nay hội đồng y khoa Hoa Kỳ đang thương lượng với gia đình và thân nhân nạn nhân để phân chất các nhiễm thể của ông mong sẽ tìm ra được nguyên nhân trên. Đây là một hiện tượng y học đầu tiên có thể sẽ làm thay đổi tận gốc rễ các lý thuyết chửa trị chứng ung-thư của con người. Chúng tôi hứa sẽ theo dõi thường xuyên và đưa những tin tức mới nhất cho cuộc thử nghiệm lịch sữ nầy đến với bạn đọc!
Nguyễn Vĩnh Long
(1),(2):Diễm Xưa & Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng - Trịnh Công Sơn (3): Tưởng Niệm - Trầm Tử Thiêng
1.
Căn nhà nằm lưng chừng núi, nhìn xuống lòng thung lũng thấp. Chung quanh là những cụm rừng thưa, chạy dài theo dãy núi Smocky Mountain hình vòng cung. Dân số cả thị trấn miền núi không quá một ngàn người. Hai trạm xăng, một siêu thị loại bỏ túi và vài ba quán ăn lụp xụp của người da đỏ. Đi bác sĩ, khám bệnh phải lái xe hơn cả giờ mới xuống tới thành phố Asheville của bang North Carolina. Nhà cửa đất đai rất rẻ và không khí trong lành quanh năm. Phần lớn dân chúng trong vùng sống nhờ lượng du khách của mùa hè, và nhất là mùa thu. Trung dọn hẳn lên căn nhà mướn nầy vào cuối mùa hạ. Những cơn nắng dội lửa đã giảm dần, nhường cho vài cơn mưa bụi loáng thoáng, bất ngờ. Buổi sáng Trung bàng hoàng trước vẽ đẹp của núi rừng phủ kín trong lớp mây mù dưới chân núi. Khí trời chợt chùng lạnh, se sắt mù sương đủ để khu rừng thưa khẻ chuyển mình thay lá. Những chiếc lá xanh nâu đã cong mình vàng lên sắc đỏ.
Mùi thảm hăng hắt và ẩm thấp, chứng tỏ căn nhà đã vắng hơi người từ lâu. Nipa muốn ở lại lau chùi, dọn dẹp nhưng Trung bảo không cần. Ông có nhiều thời gian để bận rộn. Người đàn bà chìu ý Trung nhưng vẫn sắp xếp những thứ cần thiết trong tủ lạnh và nhà bếp. Nàng cũng không quên ghi chú cẩn thận số lượng thuốc men của ông trên đầu giường ngủ. Chuyến đi dài không làm Trung mệt mỏi, trái lại, ông thấy mình tỉnh táo và phấn khởi hẳn lên. Ít nhất ông cũng có những chuỗi ngày trước mặt thong dong, tự tại trong cảnh thiên nhiên của núi rừng. Một mình, niềm cô đơn sẽ lớn hơn. Nhưng trong cùng tận cô đơn, ông sẽ có dịp đối diện với chính mình nhiều và thành thật hơn. Đến lúc mà mọi sự hiện diện của tha nhân đều tạo cho ông niềm sợ hãi thực tại.
Nipa, cô y tá người Phi-líp-pin có khuôn mặt và nụ cười thật trẻ con. Bệnh viện đã cử cô đến chỉ dẫn cách tự chích thuốc cầm đau và theo dõi bệnh tình của ông sau khi rời viện. Lúc đầu Nipa rất dè dặt trước thái độ buông xuôi, chờ chết của ông. Cô chỉ giúp ông thành thạo việc tự chính giảm đau chớ không tỏ ra thân thiện với bệnh nhân. Vài tuần lễ sau đó, một lần Thảo dẫn con đến thăm, Nipa mới có dịp hiểu sự lựa chọn đầy nghị lực của ông Trung. Cô đã ứa nước mắt trước cảnh chia tay. Tưởng như tạm bợ bề ngoài mà đã nghìn trùng xa cách tận tâm. Ông cô đơn trong hạnh phúc. Ông chờ đợi cái chết bình thản như chờ một chuyến đâu đó đi xa. Con người rất can đảm trong lời nói, rất sâu sắc với bao nhiêu triết lý cao xa. Nhưng khi đối diện với hiện thực hy sinh có máu, bằng mạng sống chính bản thân thì họ lại có nhiều phương tiện để biện minh cho hành động yếu hèn... Nên đứng trước người đàn ông như yếu đuối, vô tư nhưng Nipa thấy cả dòng biển ngầm mạnh mẽ. Có khi một vũng nước trong nhìn tận đáy, lại nhận chìm những kẻ vô tình. Lắm lúc vũng nước như đục ngầu đe dọa, lại không qua khỏi mắt cá đôi bàn chân... Họ trở thành đôi bạn, giữa làn ranh cận kề sinh tử... Đến một hôm Trung nhờ Nipa giúp ông tìm mướn căn nhà nhỏ, rẽ tiền trên vùng núi. Càng cao, càng sâu vào rừng núi càng tốt. Ông thao thao nói với cô y tá cách chữa bệnh ung thư thiên nhiên của người Nhật. Không thuyết phục, nhưng Nipa hứa giúp ông tìm nhà. Vả lại cũng vào thu, cảnh núi rừng lá chuyển, biết đâu tái tạo cho ông mầm sống mới.
Nipa đặt chiếc xe lăn và cây gậy cuối góc nhà rồi chuẩn bị từ giả Trung. Ông ngập ngừng cám ơn. Nipa chần chừ, không nở. Trong ánh mắt của người đàn bà tràn đầy niềm cảm thương, nuối tiếc. Tất cả rồi cũng qua, một lần gặp gỡ. Như kiếp người, thoáng chốc mà hệ lụy cưu mang tưởng chừng bất tận. Bắt đầu đã khó, chấm dứt cũng không phải dễ dàng. Nipa nhìn quanh, nhiều lần, căn nhà gỗ đơn độc giữa lưng chừng núi. Nàng đến như cơn gió lướt qua đời ông, không dừng lại. Niềm hy vọng cuối cùng một đời người chính là sự trở về, trở về với chính mình trên dòng sông bản ngã. Chạm đáy đời ông, Nipa như bắt gặp đời mình. Khác biệt góc thời gian, soi cùng đời mặt phẳng. Nàng đã không giữ được lời hứa, mặc cho giòng nước mắt rơi thấm mặn khóe môi khô. Người đàn bà Phi-líp-pin quay nhìn căn nhà lần cuối, trước khi ngược xuống lòng đường. Đầu mùa thu, buổi trưa miền núi ngây ngất như ly rượu mạnh.
Sau gần một tháng chemo-therapy, Trung quyết định không tiếp tục nữa. Lần cuối cùng khám bệnh, bác sĩ đã cho ông biết:
- Tiếp tục điều trị tại bệnh viện và chemo-therapy, ông có thể kéo dài sự sống từ một đến hai năm. Nếu khước từ, chúng tôi không dám đảm bảo cho sinh mạng ông trong vòng sáu tháng. Mong ông suy nghĩ thật kỷ lưỡng. Tuy nhiên mọi sự quyết định đều tùy vào ông và gia đình.
Ông biết rõ số phận của mình. Hơn nữa, sự tàn phá những tế bào sống trong cơ thể khiến những ngày còn lại của ông sẽ tệ hại hơn. Ông muốn mình phải thật sáng suốt và tỉnh táo cho mọi chuẩn bị, mọi sự lựa chọn cần thiết. Thảo đã đưa mấy đứa nhỏ về sống với gia đình ở Dallas. Trẻ con nhiều nước mắt nhưng cũng dễ lãng quên. Mười bốn năm chung sống vợ chồng, chia nhau từng tháng ngày khổ đau, hạnh phút. Tình yêu ông với Thảo lớn hơn sự hèn nhát và lòng ích kỷ. Nàng và các con ông còn phải sống, cho hôm nay, cho ngày mai. Có chăng với ông, là từng ngày cuộn trôi gần cái chết. Mấy tháng qua, Thảo đã khóc cạn một đời nước mắt. Ông không để chứng bệnh ung thư giết chết ông và dần mòn giết chết niềm tin và hy vọng ngày mai của những người ông thương yêu hết mực. Tất cả những đau đớn dù lớn lao đến đâu, rồi cũng qua đi. Thời gian trôi xuôi giữa dòng đời không trở lại. Tình yêu Thảo và các con lớn hơn sự hèn nhát và lòng ích kỷ. Với Trung, tiền bạc không mua được hạnh phúc và niềm hy vọng. Nhưng tương lai của gia đình và các con ông không thể lệ thuộc nỗi đau và cái chết dần mòn của ông. Thôi thì một lần chia ly còn hơn những ám ảnh truyền kiếp.
Tất cả cuộc ly dị đều bắt đầu và kết thúc bởi những thất vọng và oán hận. Trừ trường hợp của ông và Thảo. Cuộc chia tay, dù trên pháp lý, của họ bắt đầu bằng những yêu thương và lòng hy sinh vô bờ. Của ông. Của Thảo. Của các con. Nước mắt họ không chảy xuôi theo giòng đời thường tục. Những giòng nước mắt của họ chảy ngược vào tận cùng giòng đời hệ lụy cưu mang. Số tiền quá lớn cho sự giành co cái chết, rồi cũng phải đến, đủ đem lại cho mọi người một mai nầy tốt đẹp. Cuối cùng rồi Thảo cũng hiểu. Trong cùng tận của đời người, cái chết không phải là sự chia lìa vĩnh viễn. Mà chính cuộc sống vạch ra nhiều đường ranh của biệt ly. Cánh cửa mở rộng cho mọi nghịch cảnh, là cõi vĩnh hằng phía bên kia. Sông có chảy trăm dòng cũng xuôi về biển mặn. Không ai đứng trước biển xanh mơ về con lạch nhỏ bao giờ. Trong nỗi đau cùng tận, ông vẫn ước mơ một ngày nào đó Thảo sẽ tìm thấy hạnh phúc. Một hạnh phúc có thật cho nàng. Như đời nầy, con người không chỉ đến để chết mà để chiêm nghiệm hạnh phúc trong cái chết vĩnh hằng.
2.
Ông choàng tỉnh trong tiếng hú vang vọng rừng núi. Tiếng hú hãi hùng, tuyệt vọng. Trong giấc mơ ông hay ngoài kia thăm thẳm núi rừng. Ông cố nhớ lại, nhưng tất cả chỉ là khoảng trống của tiềm thức miên man. Đầu hôm Trung đã uống hai thuốc ngủ. Nằm nghiêng tai, ông lắng nghe từng tiếng động thênh thang của đêm. Một con sói gọi đàn hay của một đàn thú nào đó vang tiếng thách thức nhau. Tiếng hú phải mang một cường độ ghê gớm, đẩy mất hiệu nghiệm của hai viên thuốc ngủ cực mạnh. Con số màu đỏ thẩm trên mặt bàn, hai giờ sáng. Ông chợt cảm thấy cơn lạnh chạy khắp cơ thể. Hay là tiếng hú vọng từ cõi " âm ", của thế giới bên kia. Nhắm chặc mắt, ông thở ra hít vào nhiều lần, ngầm kiểm soát toàn bộ cơ thể. Tất cả đều bình thường, không có triệu chứng gì của cơn bạo bệnh. Cái chết vẫn còn xa ông, ít nhất là đêm nay. Ngày mai rồi sẽ tốt đẹp hơn, cứ tin như vậy, ông xoay trở tìm một thế nằm thoải mái, chờ giấc ngủ.... Tiếng hú lại vang lên, thiết tha, đau đớn. Tiếng hú vang vọng như đánh thức cả thung lũng thấp. Ông ngồi bật dậy, khoắc chiếc áo choàng và bước ra ngoài. Ánh trăng thu sáng lạnh, soi dọc con đường mòn dẫn xuống dốc núi.
Có tiếng người, cười nói phía dưới con suối nhỏ. Ông nghĩ đến những nàng tiên xuống tắm suối đêm trăng trong truyện thần thoại, cổ tích. Cuộc sống giết chết trong ông bao nhiêu ước vọng. Gần kề cái chết lại mở bao nhiêu cánh cửa tin yêu trong mỗi giấc mơ. Khoảng đất và trời. Mặt thật và giả. Giữa thực và ảo. Chỉ là những cụm từ ngữ nói lên sự bất lực của con người và kiếp sống. Ông dò dẫm những bước chân, giữ gìn từng hơi thở. Ánh trăng thu sánh bạc, phả lớp mù sương phủ kín rừng. Tiếng cười nói bỗng lặng im, chìm khuất. Rồi từng tiếng nấc khẻ vang. Ngậm ngùi, trẻ dại.
Không biết tự bao giờ ông đã đứng đối diện với chiếc bóng đang khóc cười, nhảy múa. Dưới trăng là khuôn mặt tuyệt đẹp của người con gái với mái tóc vàng, dài óng ả. Nàng chợt quay lại nhìn ông, không chút ngạc nhiên, sợ hãi. Chừng như đã quen, đã biết từ lâu.
- Sao ông đến muộn vậy? Em đã chờ đợi nơi nầy quá nhiều năm tháng... Người con gái vừa nói vừa di động theo cùng những vệt sáng tủa vây.
- Cô đã đợi tôi..? Tại sao cô biết tôi sẽ đến nơi nầy?
- Phải. Bất cứ điều gì, nếu ông chờ đợi, rồi nó sẽ tới... Như em đợi ánh trăng. Có lúc tưởng nó đi mất. Em cứ đợi, rồi ánh trăng cũng đến.
- Nhưng nếu cô không đợi, trăng cũng tới mỗi tháng kia mà...
- Ông lầm rồi. Biết bao nhiêu người không hề biết trăng về mỗi bận. Chỉ có những người chờ đợi như em thôi... Như em chờ và ông cũng đã tới.
- Không. Nhất định là tôi không đến đây vì sự chờ đợi của cô. Tôi đến đây bởi sự chờ đợi của cái chết.
- Thì hẳn vậy đi. Em là cái chết của ông. Đã sao đâu? Con người đến cuộc đời nầy chỉ để chờ đợi cái chết kia mà... Thôi, đêm sắp tàn, đến ngồi xuống đây với em.
Nàng nắm tay ông, ngồi xuống bờ đá. Mùi hương con gái thoang thoảng, ngây ngất mọi xúc giác của ông. Tự lúc nào, toàn thân ông như căng tràn sự sống. Những cảm giác sượng đau ông cưu mang bấy lâu nay chợt tan biến. Tất cả nhẹ tênh, mênh mông nỗi hạnh phúc không cùng. Phiến đá ấm áp sương đêm như bàn tay ông đang ấm áp trong lòng tay con gái. Ông chợt nhận ra toàn thân nàng chỉ phủ một lớp vải mong manh tơ trời mờ nhạt. Ngả đầu vào vai, ông nghe từng hơi thở nhẹ thơm của nàng phả vào bên má. Chung quanh họ, chỉ còn thế giới của trăng.
Người con gái nằm ngữa mặt trên hai chân ông dựa theo bờ đá. Con suối đêm mùa thu chở ngập đầy một dòng trăng. Cũng từ đó, mỗi đêm ông đều cùng người con gái gặp nhau dưới bờ thung lũng thấp. Có lúc họ chuyện trò. Lắm khi họ lặng im, chừng để lắng nghe sự giao hòa của tâm hồn con người và đất trời huyền diệu. Ông không biết mình đang sống trong giấc mộng, hay chính giấc mơ ông đang trở thành hiện thực đời mình. Tự hỏi. Hoài nghi. Sợ hãi. Đôi lúc ông luôn mở trừng đôi mắt, sợ một chớp mắt vô tình sẽ đánh mất những gì có thật chung quanh... Khuôn mặt đẹp tuyệt trần người con gái như tỏa ra một lớp ánh sáng dìu dịu, mơ hồ. Như hiểu lòng ông, áp bàn tay ông lên má, người con gái muốn ông nhận thức sự hiện hữu có thật của mình. Tất cả lung linh, mầu nhiệm. Ông đưa tay nâng niu khuôn mặt và vuốt từng lọn tóc vàng óng tơ trời... Đôi mắt mở to, người con gái nhìn ông đắm say như nhìn vào giấc mơ tiến kiếp.
- Tại sao lại có ánh trăng, lúc đi lúc về? Tại sao sông xuôi về biển, sông đậm nâu ngọt ngào còn biển xanh mặn bao la..?
Một hôm người con gái vô tình, chợt hỏi. Trầm ngâm phút chốc, ông khẻ kể cho nàng nghe câu chuyện tình huyền hoặc, tựa chừng ẩn khuất đâu đó trong tiềm thức.
" ... Ngày xưa, thuở trời đất giao hoà. Đêm chỉ ngàn sao lấp lánh và chưa có mặt trăng hiện hữu. Mặt trời ngự trị toàn bộ giang sơn của hệ thái dương. Shiva là con trai thần mặt trời. Tính tình phóng khoáng và lãng mạn, Shiva luôn có nhiều ước vọng khác thường. Năm mười chín tuổi, tục lệ bắt Shiva phải chọn một người con gái làm vợ. Tất cả người đẹp của xứ mặt trời không làm cho Shiva rung động. Thần mặt trời lo lắng, còn Shiva thì ngày đêm buồn bã, u sầu. Một hôm Shiva xin cha cho mình tự đi tìm vợ. Thần mặt trời đồng ý với hai điều kiện. Một, không được rời khỏi xứ mặt trời. Hai, thời gian đi tìm chỉ trong vòng ba mươi ngày. Sau đó, nếu không tìm ra, Shiva phải tuân lệnh cha lấy người con gái do chính thần mặt trời lựa chọn. Shiva cúi đầu đồng ý.
Lang thang khắp nơi trong xứ mặt trời, Shiva chưa lần nào gặp người con gái trong mộng. Thất vọng, nhiều đêm Shiva thao thức nhìn những dãy ngân hà lấp lánh bao quanh. Chàng tự nhủ, biết đâu trái tim mình đang ở nơi chân trời xa xăm đó. Quên mất lời cha dặn, Shiva rời xứ mặt trời và bay về một hành tinh khác. Vô tình, Shiva ghé vào trái đất. Choáng ngộp trước vẻ đẹp lạ kỳ, xanh thẳm của phần đất nầy, Shiva quyết định ở lại để tìm người con gái trong giấc mộng.
Không phải tìm lâu, Shiva yêu tha thiết ngay người con gái đầu tiên gặp mặt bên bờ con suối nhỏ. Thùy Dương, tên nàng. Shiva say đắm với mối tình Thùy Dương quên hẳn lời cha dặn. Ba mươi ngày lướt qua thoáng chốc. Sứ giả của thần mặt trời tìm kiếm Shiva khắp cả chân mây góc trời. Cuối cùng, họ vời được Shiva trở về. Trước mặt cha, Shiva xin được cưới Thùy Dương làm vợ. Thần mặt trời lắc đầu và nhắc lại điều kiện đặt ra. Shiva không được rời khỏi xứ mặt trời, vì chàng không thể cưới làm vợ bất cứ người con gái nào ngoài xứ mặt trời. Shiva hỏi, tại sao. "Con là mặt trời chỉ sống với sinh thể mặt trời. Những sinh thể của các hành tinh khác không thể cùng tác hợp", thần mặt trời trả lời.
Tuyệt vọng và buồn chán, Shiva đã chết trong mối tình thiên thu đó. Hồn u uất không tan, kết đọng thành một vầng sáng vằng vặc, suốt đời ôm trọn lấy trái đất nầy. Con người gọi vầng sáng đó là mặt trăng.
Nơi trái đất, Thùy Dương chờ đợi người yêu đến héo mòn hương sắc. Thùy Dương đã khóc, khóc mãi đến cạn khô nguồn nước mắt. Mãi đến lúc vầng trăng chiếu sáng trần ai thì nàng gục chết bên bờ suối ngày xưa gặp gỡ. Người đời truyền tụng, nước mắt của Thùy Dương đã nhuộm xanh và thấm mặn mọi mặt biển thế gian... ".
- Chuyện tình thần thoại thật tuyệt vời và thật đẹp, phải không ông.
Thật là tuyệt vời và đẹp. Chính ông cũng không ngờ mình "bịa" ra câu chuyện thần thoại lãng mạn đến như vậy? Hơn nữa, bổng dưng khả năng Anh ngữ của ông hôm nay vượt ra ngoài chính sự tưởng tượng của mình. Bình thường ông nói tiếng Anh thuộc loại "ăn đong", lắm khi cô y tá người Nipa phải gặn đi gạn lại nhiều lần mới hiểu nổi ông nói gì ! Hưng phấn, thừa thắng xông lên, ông tâm sự.
- Phải. Tôi tin rằng mọi sự hiện hữu trên thế gian nầy đều bắt đầu từ một chuyện tình. Nói chi đến con người và các sinh vật, mà ngay cả sỏi đá vô tri. Một nhạc sĩ nước tôi đã nói, "... ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau ! ". (1)
- Tại sao vậy ông?
- Vì mọi sự vật đều là hóa thân của nhau. "Em là tôi và tôi cũng là tôi..." (2).
- Ông càng giải nghĩa, em lại càng khó hiểu. Mà cần hiểu làm gì, có ai đang yêu lại phân tích và định nghĩa tình yêu? Ông hãy hôn môi em, tình yêu sẽ lên tiếng.
Người con gái nghiêng mặt, hiến dâng. Ông cúi xuống, hôn lên đôi môi óng vàng, mật ngọt. Niềm lạc hoan mảnh liệt tràn vào thân thể, nâng cao vút mọi xúc cảm cùng tận trong ông. Mọi nỗi đau tan biến. Mọi cái chết chìm sâu. Chỉ còn lại thực tại là niềm hạnh phúc mơ hồ, chất ngất. Ông chợt thấy ánh trăng hạ xuống thấp dần. Thật thấp, chiếu vàng rực rỡ khuôn mặt ông và thân thể người con gái. Muôn vàn mạch máu cuộn tràn, ông như nhập vào ánh trăng rồi vút cao lên bầu trời bát ngát. Người con gái chợt cong người hú lên. Tiếng hú vang vọng khắp cả kiếp người. Ông cũng nghiêng người nhìn lại bóng mình. Chiếc bóng rời khỏi ông, vươn cao, rồi cũng hú vang niềm hạnh phúc mông lung. Hai tiếng hú quyện vào nhau, cuốn hút núi rừng trong mơ truyền kiếp ngàn đời.
3.
Nipa ngạc nhiên khi thấy mấy ống thuốc cầm đau còn nhiều trên kệ. Thường khi chỉ còn vài lọ cuối cùng. Ông Trung có thể không sợ chết, nhưng ông cần chống lại những cơn đau. Hơn ai hết, Nipa hiểu rõ điều nầy. Hay là ông đã cạn rồi sự phản kháng, đã quyết định bước cùng... Căn nhà vắng lặng. Nipa nhìn quanh, chiếc gậy vẫn ở góc giường và tách trà trên bàn chưa uống cạn. Nắm hồ sơ bệnh lý và chăm sóc ông thời gian qua, Nipa hiểu từng chuyển biến của cơ thể ông. Dù có một nghị lực phi thường đi nữa, ông Trung cũng không thể vượt ra ngoài những tàn phá của chứng ung-thư nầy. Nói chi ông đang ở trong thời kỳ cuối cùng. Bao giờ đi ra khỏi nhà ông đều mang hờ theo cây gậy, phòng những cơn đau tấn công bất ngờ. Nipa chợt nhận ra tờ giấy nhỏ dán trên tủ lạnh, với giòng chữ của ông: "Tôi tập yoga và thiền, con suối dưới thung lũng. Trung".
Buổi trưa mùa thu, khí trời tĩnh mịch và nhẹ tênh. Nipa bàng hoàng với vẻ đẹp của rừng núi. Thung lủng thấp như được phủ tấm vãi tơ lụa màu đỏ, tím và vàng sặc sỡ. Như bức tranh vẽ trong truyện cổ tích mà cô đã đọc say sưa thuở ấu thơ. Bây giờ trước mặt là cả một tặng phẩm tuyệt vời của tạo hóa có thật. Nipa như nhận ra được sự mất mát to lớn của đời sống xã hội và ý thức thiên nhiên chung quanh. Con người không những đã tự hủy tâm cảnh mà ngay cả hiện thực bên ngoài. Giá trị thẩm mỹ nhường chỗ cho giá trị kỹ thuật và tiện nghi. Con người xa lạ dần với thiên nhiên và lệ thuộc vào ảo giác. Tính thích nghi cũng từ đó mất dần, sự phản kháng cơ thể dựa vào trợ lực hoá chất của dược phẩm. Từ cỏ hoa, thảo mộc. Nipa đã tận mắt nhìn thấy những điều đó xảy ra cho bệnh nhân do chính cô chăm sóc.
Từ thận chứng di-căn của ông Trung đã chuyển đến cả gan và phổi. Cái chết, với ông, chỉ còn là phút chốc thời gian. Điều đó không làm cho Nipa ái ngại, cảm thương. Con người rồi ai cũng một lần chết, như thể một lần sinh ra đến với đời nầy. Đôi khi cái chết lại là một giải thoát hoàn mỹ nhất của đời người. Cho ông. Cho Nipa. Cho cả kiếp người vay tạm... Nhưng là những cơn đau. Những cơn đau khủng khiếp cho thân thể sống trong chờ sự chấm dứt, ra đi. Những cơn đau mà mọi con người không đủ sức chống trả. Sự hiện diện của cô là chỉ nhằm giúp ông vượt qua những giây phút hãi hùng nầy. Nipa tin vào nghị lực và lòng can đảm cho mọi hành động của ông đối với gia đình, vợ con. Nhưng còn ông, ông không thể dùng thứ nghị lực đó chống lại những cơn đau nghiệt ngã để sớm chấm dứt một kiếp người. Không nói, nhưng cả Nipa và ông điều biết phương pháp chích không khí vào mạch máu. Như một giải pháp cuối cùng. Điều nầy ám ảnh Nipa nhiều hơn khi nhìn thấy những ống thuốc cầm đau còn nguyên nhiều trên kệ.
Đã cuối đường mòn, gần con suối trong thung lũng thấp. Nipa kinh ngạc, mở trừng đôi mắt. Người đàn ông khỏe mạnh, trẻ trung đang tung tăng nhảy múa trước mặt. Chừng như ông không ý thức gì sự có mặt của cô, "Ông Trung. Ông Trung, Nipa đây. Tôi đây mà..!". Thỉnh thoảng, ông dừng lại, cúi nhìn xuồng chiếc bóng của mình rồi cất tiếng cười vang cả núi rừng tĩnh mịch. Không còn một dấu hiệu nào của người đàn ông đang mang chứng bệnh ung-thư chờ chết. Sức sống tràn ngập trên khuôn mặt, trong thân hình di động nhanh nhẹn của ông. Nhiều năm kinh nghiệm cho phép Nipa tự tin vào cặp mắt định bệnh của mình. Người đàn ông ngồi xuống bờ suối vắng, miệng lầm thầm như nói chuyện với ai. Tay Nipa chạm vào xách đồ nghề trên tay. Ý nghĩ thoáng qua thật nhanh. Cô cần ống máu cũa ông cho lần trở về.
Núi rừng mùa thu vẫn rực rỡ sắc màu, hanh hanh màu nắng nhẹ tênh.
4.
Ông cúi xuống đặt thân thể người con gái lên trên bờ đá, cạnh bờ suối nhỏ. Hơi thở ra từng hồi nhè nhẹ, đứt khoảng nàng mở trừng đôi mắt thật to nhìn ông, môi mấp máp. Ông cố nghiêng tai thật sát, lắng nghe. Chừng như chỉ là những lời vô nghĩa. Ông ôm chặc cơ thể nàng mong chuyền sang hết sự sống. Tại sao không phải là ông, người mãi đợi chờ cái chết. Mà lại là nàng, người con gái của giấc mơ ông, thu mùa tâm tưởng. Buổi chiều hình như lá rụng nhiều hơn trên mấy lối mòn xuống suối. Đã cuối mùa thu rồi thần thoại mối tình ông. Không hiểu sao, dưới những đêm trăng, khuôn mặt người con gái đôi lúc mang nhiều đường nét của Thảo. Rồi nhạt mờ đâu đó bóng dáng của biết bao người con gái đã qua đời ông. Họ vẫn quanh đây trong dáng hình hiện tại. Tất cả bàng hoàng, nuối tiếc. Như không hiểu từ tiền kiếp nào đưa ông về khu rừng thu lũng thấp mờ sương nầy. Trong tận cùng sự sống, ông hiểu nghĩa chia ly nghiệt ngã vô cùng cho người ở lại. Đứng trước cái chết, ông thấy thăm thẳm hơn ý nghĩa tình yêu của sự ra đi... Ông cúi hôn lên đôi môi lạnh giá, ơ hờ. Nàng đã ra đi như ông rồi cũng tới. Như tình yêu, không có điểm bắt đầu và không có nơi chấm dứt... Ông đứng lên cất tiếng hú đớn đau, như đánh thức cả núi rừng. Ánh trăng cuối thu vằng vặc, đâu đây tiếng hát ai như ru giấc ngủ yên một kiếp người.
"... ta nghiêng vai soi lại tình người
" thì bóng chiều chìm xuống đôi môi
" đang mân mê cho đời nở hoa
" chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối
" đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy,
" bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay
...
" mang ơn em trao tình một lần
" là kỷ niệm dù không đầm thấm
" mang ơn em đau khổ thật đầy
" là nắng vàng dù nhốt trong tay
" mang ơn Trên cho cuộc đời ta
" vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ
" trăm cơn đau, một vầng nhang khói
" kéo ta về, về cõi hư vô... (3)
Một cột tin nhỏ trên trang nhất của tờ báo địa phương: Một Hiện Tượng Y -Học Khó Giải Thích.
" Asheville, NC... Sáng hôm qua, người ta tìm thấy xác người đàn ông nằm trên vực đá, dưới một thung lũng của dãy Great Smokey Mountain. Được biết nạn nhân mang chứng bệnh ung-thư trong thời kỳ cuối, từ chối mọi chửa trị của bệnh viện để chờ đợi cái chết. Điều gây sôi nổi trong dư luận là, sau khi thử nghiệm xác nạn nhân, các bác sĩ và bệnh viện không tìm được dấu vết nào của chứng bệnh ung-thư hiểm nghèo đã giết chết ông. Kết luận của nhóm khảo nghiệm, nạn nhân chết vì kiệt sức, không ăn uống trong nhiều ngày đêm bên bờ đá tảng.
Hiện nay hội đồng y khoa Hoa Kỳ đang thương lượng với gia đình và thân nhân nạn nhân để phân chất các nhiễm thể của ông mong sẽ tìm ra được nguyên nhân trên. Đây là một hiện tượng y học đầu tiên có thể sẽ làm thay đổi tận gốc rễ các lý thuyết chửa trị chứng ung-thư của con người. Chúng tôi hứa sẽ theo dõi thường xuyên và đưa những tin tức mới nhất cho cuộc thử nghiệm lịch sữ nầy đến với bạn đọc!
Nguyễn Vĩnh Long
(1),(2):Diễm Xưa & Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng - Trịnh Công Sơn (3): Tưởng Niệm - Trầm Tử Thiêng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét