Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Gom Nhặt Lá Hoa - Bis 2 (Phần Cuối)

Bút ký của Thanh Hà Switzerland


1/-

Những năm cuối thế kỷ 20 cái thời mới chân ướt chân ráo đặt chân tới quê hương thứ hai Thuỵ Sĩ mà nhiều người mệnh danh là thiên đường trên trần gian, tôi vẫn còn đặc sệt bản tính Cô Bé Lọ Lem Cendrillon (Cinderella) gốc Rạch Sỏi. 

Mặc dù nhiều năm trước đó chúng tôi đã có may mắn theo đuổi đèn sách ở Sài Gòn, cái nôi của nền văn minh Đông Nam Á mà các quốc gia lân bang ao ước, xem như kim chỉ nam để vươn tới.

Thời ấy được đến trường học đồng nghĩa với được tiếp nhận một nền giáo dục hoàn hảo, nhân bản, tinh hoa phát huy hết mực từ các Thầy Cô ngay lớp vỡ lòng rồi, huống chi vào đại học, lại ở ngay thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông.
Trong khuôn viên trường ĐH chúng tôi có dịp làm quen với rất nhiều các đàn anh đàn chị lớp trên, và các bạn học cùng trang lứa đến từ mọi nơi thành thị lẫn thôn quê. Ngoài ra còn nhiều chàng các trường ĐH khác lẻn sang “học hè” (đó là danh từ mà các chàng ấy tự đặt cho việc siêng năng vào trường Văn Khoa tôi để… làm gì thì có trời và chính họ biết).

Sinh viên là thành phần ưu tú, là tương lai của đất nước nên cách cư xử cũng ra vẻ …sinh viên lắm rồi ! Tức là sinh viên nữ thì hoặc áo dài các màu tha thướt hoặc áo đầm, quần pattes d’elephant à la mode, nghĩa là được vận trang phục theo ý thích chứ không chỉ đơn điệu một màu trắng như ở trung học. Dáng dấp thanh nhã, nói năng dịu dàng, quyến rũ nhất là các nàng xuất thân ở Saigon hoặc Huế. 

Sinh viên nam thì phong cách lịch lãm, trí thức, galant chẳng khác dân Tây ấy. Họ cũng biết nhường các cô đi trước; kéo ghế cho các cô ngồi khi vào quán rồi mới đến phiên mình; dắt xe từ bãi đậu, cầm ví, cặp xách, vật nặng… cho bạn gái. Và hầu như tất cả họ đều biết chơi không piano thì cũng guitar, thổi sáo…và hát những bản tình ca (chắc là chút xảo thuật để đi “cua bồ” đây, có đúng không các ông anh cựu sinh viên, cựu học trò của thời xa xưa ấy?)

Tôi may mắn được hấp thụ kiến thức từ nền văn minh tuyệt hảo trên. Tuy chương trình khó hơn thời trung học, thức trắng đêm để gạo bài là chuyện thường tình, nhưng với tôi đó là thời kỳ đẹp nhất trong đời. Ở nấc vừa chấm dứt “thời con nít”, ngấp nghé trước ngưỡng cửa người lớn mà chưa hẳn trưởng thành chín chắn. Đáng yêu sao “thời chớm lớn” đôi lúc rộn ràng niềm vui bất chợt đôi lúc khóc buồn vu vơ không tên gọi hoặc lòng thoáng xôn xao khi bắt gặp ánh mắt ai đó nhìn trộm…

Đoạn đời hoa mộng của tôi bị bóp chết non một cách tàn nhẫn vội vàng hối hả. Tự dưng bỗng nhớ lại mảnh giấy viết vội và trao vội của ai đó 42 năm trước giữa cơn sóng thần hung hãn:
“Với tôi, người như một giấc mơ. Và giấc mơ đến đây là chấm dứt !“

Phải , không chỉ một giấc mơ của “ai đó” bị chấm dứt mà hàng triệu triệu giấc mơ bị chấm dứt cùng lúc. Ngơ ngác hoảng loạn. Thời gian có làm nhoà nhạt những cay đắng, có vá liền vết sẹo nhưng thỉnh thoảng ngoảnh nhìn về quá khứ vẫn ngậm ngùi tiếc nuối, như khi ta tua lại cuộn băng nhạc mà đến đoạn yêu thích nhất lại bị hư hại xoá mất lời lẫn nhạc chỉ nghe kêu lẹt kẹt lịt kịt vậy.

Thôi qua rồi em một thời thanh xuân
Trí tuệ tài năng đua nhau nẩy mầm
Đôi mắt nai vàng nhìn đời trong sáng
Ai cũng thiên thần như chính bản thân

Thôi đã qua rồi tiếc nuối ích gì
Sức sống tuổi trẻ phai tàn còn chi
Em đứng cuối đường ngoảnh nhìn đầu phố
Ngỡ là cơn mộng nhiều năm lạ kỳ

Thôi đừng đêm đêm nằm khóc nữa em
Thương nhớ kỷ niệm hồi còn sinh viên
Tờ lịch lật qua—trở thành trang sử
Tập sống thức thời quên thuở hoàng kim
…….
                (Tiếc tuổi thanh xuân, Th.H )

Rồi để được tồn tại, mọi người tập thay hình đổi sắc như con tắc kè, tập sống thu mình như con rùa rụt cổ, tập che giấu ý nghĩ thật, tập ẩn trốn như loài cỏ cây hoang dại hay côn trùng giun dế …Lâu dần bản chất tốt đẹp rơi rụng với thời gian (nơi một số chứ không phải tất cả). 

Về quê. Hoà mình làm một cô thôn nữ thật sự. Bạn bè dần thu hẹp đếm không hết một bàn tay. Không còn môi trường áp dụng và tiếp xúc nên kiến thức thui chột .Trở lại thuở hồng hoang. 

Vì vậy thời gian đầu tiếp xúc với nền văn minh châu Âu, tôi đặc sệt nhà quê .Bởi bao nhiêu năm sống thụt lùi lại thời kỳ đồ đá nên quên là đã có một thời mình cũng từng được sống trong bầu không khí như thế.
Những ngôn từ hoa mỹ bỗng nhiên được nghe lại. Những cử chỉ thanh lịch trân trọng bỗng nhiên được đối đãi. Mọi người nhường nhịn lẫn nhau ở mọi nơi công cộng không hề thấy cảnh chen lấn giành giựt. Ôi sung sướng hạnh phúc làm sao khi thấy phẩm giá con người được tôn trọng.

Ủa ? Thế hệ chúng ta ngày xửa ngày xưa cũng đã là như vậy rồi mà? Đâu cần phải sang đến đây mới thấy. Tôi tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời: Đó là ngày xửa ngày xưa thời của chúng mình , giờ kể cho lớp trẻ ở quê nhà, chúng sẽ nghĩ đó là truyện cổ tích đấy.

Như thực vật , nếu được ủ trong đất giống phù hợp đầy đủ ánh sáng độ ẩm được chăm sóc cẩn thận thì sẽ nẩy mầm vươn lên tươi tốt, cho hoa xinh trái ngọt. Ngược lại nếu bị đè nén trong đất xấu, tối tăm lạnh lẽo thì sẽ èo uột méo mó mang toàn sâu bệnh và lây lan cho các cỏ cây lân cận. 

2-/ 
Trong một người mà phân thân ra làm hai, tạm đặt tên A và B. Nghe hai đứa dùng thần giao cách cảm nói với nhau:

A nói:—Nhập đề dài dòng quá. Để mần răng rứa? Muốn chi thì cứ nói đại ra cho rồi. Thời đại @ mà cứ ỡm ờ theo lối lung khởi, chán quá đi.

B trả lời:—À ừ, vậy thì ta theo lối trực khởi đây. 
Chẳng qua vì cạn chữ rồi, chả lẽ chỉ viết có hai trang giấy là hết chuyện sao nên phải giả vờ triết lý cùn ăn gian ấy mà. 
Nói vậy chứ phần mở đầu với phần dưới đây là có liên quan với nhau cả đấy. Tự mà suy luận phán đoán nhé, ta không huỵt toẹt ra đâu.
Thôi giờ ta kể chuyện “ Người Tốt Việc Tốt “ tiếp theo nè. Có điều những chuyện này bối cảnh chỉ ở Tây phương thôi à nghe. 

A:— Đồ mất gốc. Mi sinh ra từ đâu mà toàn khen người ngoại quốc không hỉ?
B:—Có nhắc đến người mình chứ, mà để kể ở đoạn cuối. Giờ im đi, nghe ta kể đây.

*Câu chuyện thứ nhất : 

Có lần vợ chồng tôi đi chơi trên đảo Mainau bên Đức. Toàn thể đảo là một khu vườn cây xanh cổ thụ, nhiều loại hoa nở theo mùa . Không có cư dân sinh sống, chỉ chuyên cho khách du lịch. Khỏi nói là tôi không thiếu cơ hội để chụp nhiều bức ảnh kỷ niệm, tôi vốn yêu thích thiên nhiên. 
Đi hết một vòng đảo khoảng 5km, thời tiết mùa hè rất nóng, du khách từ nhiều quốc gia đổ xô đến đông đúc nhộn nhịp. Khá mệt, chúng tôi ngồi nghỉ ở băng ghế dưới bóng mát tàng cây. Băng dài đủ chỗ cho bốn người nên lát sau có đôi nam nữ người Âu đến xin ngồi cạnh. 
Thời ấy vẫn còn xử dụng máy chụp hình và bằng film Kodak, còn cellphone mới chỉ bắt đầu ra đời, chưa có mấy người xài mà to như cục gạch hoặc cây đập nước đá chỉ dùng để gọi điện chứ không chụp ảnh được.

Tôi đặt máy chụp hình Canon trên băng ghế. Nghỉ mệt xong đứng dậy tiếp tục thơ thẩn dạo chơi. Mười phút trôi qua, đi một đoạn khá xa bỗng nghe sau lưng có người kêu madame monsieur rõ to. Quay lại thấy cô gái ngồi chung băng với chúng tôi khi nãy hấp tấp chạy nhanh đến trên tay cầm theo chiếc máy ảnh Canon của mình. Thì ra tôi bỏ trên ghế rồi khi đi thì quên luôn do đãng trí. May nhờ đôi bạn trẻ nhớ mặt chúng tôi và cô gái chịu khó luồn lách giữa đám đông hàng ngàn người đi lại ngược xuôi tìm chúng tôi để trao lại. Chỉ đến khi đó chúng tôi mới biết là mình bỏ quên máy, đoản vị quá ! Chúng tôi —nhất là tôi —cám ơn cô gái tốt bụng rất nhiều. Thầm nghĩ suýt chút nữa mất của thì tiếc rồi, mà mất cuộn film công tình mình chụp cả ngày để làm kỷ niệm mới đáng tiếc hơn nữa. 

Ở xứ của mình mà bỏ quên như vậy thì cầm bằng một đi không trở lại bao giờ !

Nghe trái tim rung lên bồi hồi 
Mong gì gặp lại lần thứ hai (cái máy ảnh của tui đó)
          (Linh hồn tượng đá, Mai Bích Dung)

Thật vậy, mỗi lần giở album cũ ra xem những tấm hình chụp ở Mainau, thì trái tim tôi bồi hồi nhớ lại nếu không nhờ cô gái người Âu xinh đẹp tốt bụng chạy đuổi theo mình đưa dùm chiếc máy bỏ quên thì đâu có những tấm hình kỷ niệm của vợ chồng tôi ở chuyến đi đó. Sau nầy tôi còn trở lại thêm ba lần nữa nhưng chỉ với gia đình bạn bè thôi.

3/-
Nhỏ A nhận xét :
—Ừ, đúng là dân Tây lương thiện thật. Đã không tham mà còn bỏ công chạy kiếm nhà mi giữa rừng người dầy đặc nữa chứ.
Nhỏ B đồng tình:
—Đúng vậy, để ta kể tiếp chuyện ni.

*Câu chuyện thứ nhì :

Rồi có lần vợ chồng tôi đi chơi núi Thuỵ Sĩ. Đậu xe vào parking xong mới đến lấy
xe lữa và telecabine lên Gornergrat 3089m để ngắm ngọn núi Cervin cao 4478m. Vé đã đặt mua trước nên chúng tôi chỉ việc leo lên xe ngồi để nó đưa mình tới nơi thôi. Dạo chơi, nhìn ngắm phong cảnh hùng vĩ của dãy núi Alpes với các đỉnh núi phủ tuyết trắng vạn niên, chụp hình (tiết mục nầy thì không bao giờ thiếu), cảm thấy đói bụng mới vào restaurant ăn trưa. 

Khi ăn xong chồng tôi kêu tính tiền rồi thò tay ra túi quần sau lấy bóp thanh toán mới giật mình tá hoả là cái bóp đâu mất tiêu rồi. Trời, chả lẽ bị móc túi ở quốc gia mà thế giới ca tụng là thiên đường trên trần thế? Người bàng hoàng nhiều nhất là chồng tôi vì anh chưa bao giờ gặp chuyện này trong đời. Thật vậy, chính tôi cũng kinh ngạc vì từ khi sang Thuỵ Sĩ đến thời gian câu chuyện xảy ra tôi chưa hề thấy bóng một môn đồ Cái Bang nào hành hiệp hết, huống chi ngũ- độc-chỉ (danh từ tôi đặt, là trò năm ngón. Tôi cũng biết sơ sơ truyện kiếm hiệp Kim Dung đó chớ ).

May là tôi có mang ví theo chứ nếu anh đi một mình thì không biết làm sao thanh toán cho nhà hàng đây, thức ăn thì vào nằm yên trong bao tử hết rồi.

Chiều, khi chúng tôi trở xuống parking để lấy xe thì …ô kìa.. cái bóp bằng da màu đen quen thuộc của chồng tôi đang bình thản ngự trên nóc xe một cách vô tư lự kìa. Mở xem bên trong, mọi thứ nguyên vẹn : tiền, ID, thẻ ngân hàng… thì ra lúc lái xe vì cái bóp nằm túi quần sau bị cộm , anh lấy để bên cạnh. Lúc ra khỏi xe anh cầm đặt lên nóc để sửa sang lại quần áo chỉnh tề , rồi quên luôn. Vậy đâu chỉ mình tôi bị đãng trí nhỉ. 

Parking có hàng trăm xe đến đi liên tiếp không ngừng, thế mà chả ai buồn quan tâm cái bóp khá dầy đầy hấp dẫn phơi trước bàn dân thiên hạ cả ngày chứ.

Thế mà dám nghi oan là bị Ngũ-Độc-Chỉ. Chồng tôi cười yên tâm, suýt lòng tự trọng của anh bị tổn thương vì cứ ngỡ dân của mình cũng có tật táy máy mấy ngón tay thì xấu hổ với cô vợ xuất thân từ xứ nhược tiểu nhưng best of (hay bad of cũng được )về sở trường này rồi. Ha ha…

4-/
Nhỏ A gầm gừ :
—Grrrừ, mi lại bêu xấu dân mình hỉ ? Đồ khôn nhà dại chợ.
—Bêu xấu gì, có sao nói vậy chứ ta “nỏ” có đạo đức giả mô. 
Nhỏ A xí và háy cái rõ dài :
—Xời, bầy đặt nói tiếng Huế nữa chứ, điệu chi mà điệu tề. Mi là dân “ bắt cá gô bỏ trong gỗ nhảy gồ gồ” giờ giả giọng Huế nghe dị quá.
—Nói không biết ngượng. Ai bầy đặt nói trước hỉ ? Thôi nghe ta kể tiếp chuyện thứ ba nì.
—Ừ ta nghe đây.
—Chuyện nầy ở tận Canada lận. Số là bửa nọ ta đi với người em trai từ Vancouver đến Calgary….
….Thôi hẹn lần sau đi, vì bỗng dưng ta nhớ thêm vài giai thoại khác nữa. Nếu kể luôn lần nầy thì dài , làm biếng quá. 
Nhỏ A lại nguýt một cái làm nhỏ B muốn té ngửa :
—Răng chừ con ni xí xọn như mấy o, mấy mệ tề. Kể thì kể luôn cho rồi, khiến ta tò mò rồi hẹn với hò.

Cái nầy là tôi bắt chước nàng Scheherazade trong truyện Ngàn Lẻ Một Đêm, mỗi đêm kể một chuyện cho vua nghe và ngưng ở đoạn gần kết hẹn đêm sau kể tiếp để khơi tánh hiếu kỳ của vua khiến vua hoãn tử hình để nghe phần cuối. Đêm sau nàng kể nốt đoạn chót của truyện đầu và bắt sang truyện thứ nhì rồi cũng bỏ lửng phần kết, hẹn đêm sau kể tiếp. Và cứ đêm nầy lập lại y như đêm trước, đến 1001 đêm thì vua …cưới nàng luôn không bắt tội chết nữa. 
Nhưng nhỏ A ngắt véo nguýt háy quá chịu không thấu nên ngủ sáng dậy kể tiếp cho xong đây.

*Câu chuyện thứ ba:

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
                   ( Chinh phụ ngâm, Đoàn thị Điểm )
Chắc em tôi thời trai trẻ thích được làm lính mà không toại nguyện hay sao ấy, tự dưng ngoài chiếc xe đi làm đi chơi còn rinh về chiếc jeep cổ lỗ sĩ thời thủ- tướng- cha Pierre Elliott Trudeau mặc tã.
Em dâu tôi chỉ ngồi xe ấy có 1 lần duy nhất rồi dứt khoát không chịu đi nữa, còn cậu em thì hí hửng khoe nào là đồ cổ mới quí,nào là máy vẫn tốt number one, bao nhiêu người săn lùng không ra, em phải trả cái giá khá cao từ một người cần tiền gấp mới chịu nhượng lại chớ đâu có rẻ..v..v..

Không được dung dăng dung dẽ với vợ trên chiếc xe-hiếm thì nhân dịp tôi sang chơi cậu liền “mời”chị mình hưởng cái vinh hạnh cùng nhau làm chuyến viễn hành từ nhà ở Vancouver đến Calgary 1000km thăm con gái.

Khi đã an toạ trên xe rồi tôi mới hiểu vì sao em dâu không chịu đi chiếc xe nầy. Sợ làm mất hứng của em, tôi không dám ý kiến. Trời ơi, chỉ nghe tiếng động cơ nổ cũng điếc lỗ tai, đã vậy cánh cửa còn rung lắc như người động kinh ấy. Coi mòi không ổn, mới chạy được một đoạn tôi yêu cầu cậu quay về lấy mấy cái gối để lót lưng và dựa đầu. 
Khởi hành trở lại. Nhớ ra chuyện khác, tôi hỏi cậu đem theo đồ nghề để lỡ có gì còn có dụng cụ mà sửa chữa, đường thiên lý nghìn dặm xe hư ngủ đêm dọc highway, gấu hoặc thú dữ từ trong rừng hai bên đường mò ra thịt thì tiêu. Chưa kể con người tấn công nữa.
Quay về lần thứ nhì. Khởi hành lại lần thứ nhì.
Nhất quá tam, câu nói này ít khi sai. Chạy hơn 10’, có lẽ chính em tôi cũng nghi ngờ chiếc jeep hiếm thì có hiếm nhưng chưa chắc là quí, cần phải bổ sung thêm nhiều dụng cụ sửa chữa nữa cho chắc ăn nên lại quay về lần thứ ba. 
Sau khi kiểm soát thấy tạm đầy đủ, chúng tôi mới yên tâm lên đường.

Coi bộ dạng cũ kỷ ầm ỉ run rẩy vậy mà vận tốc nhanh ra phết, qua mặt nhiều chiếc xe đời mới tinh tươm, những chiếc camion hạng nặng dài ngoằng vĩ đại. Tôi khen khiến cậu em khoái chí nói ừ chỉ cần mình sơn lại với thay cửa kính là nó đẹp lắm. Thỉnh thoảng cậu chỉ tôi xem các chiếc jeep lác đác trên đường, có chiếc đã được tân trang, có chiếc còn giữ nguyên tình trạng nguyên thuỷ như chiếc của cậu. 

Chạy chừng hơn tiếng,tâng bốc chiếc jeep chưa khô cổ thì nó bắt đầu có dấu hiệu ..cà giựt. Hình như cái thắng xe có vấn đề, mà cậu nói đã thay thắng mới rồi. Ối ối, ghê thế.
Bèn dừng lại bên vệ đường. Cậu em nhanh nhẹn chui xuống gầm xe dò tìm cái gì đó, xong chui ra mở capot trước xem xét. Loay hoay một hồi thì tìm được cơn bịnh của cụ jeep nhà ta , giải thích khi nào cậu kêu thì tôi vặn cái nắp của cái bình nước cho chảy xuống tí ti thôi, rồi khi cậu bảo đóng thì đóng. 
Tôi nói ok, cậu chui trở vào gầm xe rồi ra hiệu, tôi thực hiện đúng như cậu dặn. Sau đó khởi động chạy thử thì thấy ngon lành, hai chị em thở phào cái… ào. Chả hiểu sao có ít nước làm ướt cái thắng thì nó lại hoạt động bình thường?

Em tôi tức giận càu nhàu tên bạn chủ garage trung gian bán chiếc xe vừa mắc, phải thay mấy món mới thế mà vẫn bị kẹt thắng may là cậu tìm ra giải pháp tạm tự sửa chứ không thì phải nằm ngủ dọc đường. 

Tưởng đã giải quyết xong chứng bịnh mè nheo tuổi già của cụ jeep, ai dè cứ khoảng hơn một giờ là phải ngừng xe, lập lại động tác người thì chui vào gầm xe người thì kéo capot lên rồi vặn nút mở , đóng bình nước trên suốt chặng đường ngàn cây số.
Những chiếc xe mà chúng tôi qua mặt trước đó giờ lần lượt qua mặt lại chúng tôi. Và cứ như trò chơi cút bắt, thỉnh thoảng chúng tôi qua mặt họ rồi họ qua mặt lại chúng tôi nhiều lần nữa.
Không sao, du ngoạn mà. Thời tiết rất dễ chịu, mùa hè ấm áp. Sẵn xuống đường thư giãn gân cốt, vì với tiếng ồn của động cơ cùng nhịp rung của nó...

Rời tiểu bang British Columbia sang địa phận Alberta thì trời trở nên xấu, mây đen kéo đến báo hiệu sẽ có mưa to. Ước chừng 100km nữa là đến nhà cháu, chiều mặt trời lặn từ lâu. Lại dừng, em tôi nói lần dừng xe này là lần chót vì trời sắp tối với mưa lại sắp đổ rồi.

Chúng tôi mở cửa xe xuống đường làm vài động tác thể dục, đi lại cho đỡ mỏi thì nghe tiếng còi ngắn phát ra từ chiếc camion vừa chạy ngang như thể gởi lời chào. Ngẩng nhìn theo thấy mang bảng B.C (British Columbia), em tôi bảo:
— Chiếc camion nầy cũng xuất phát từ Vancouver một lượt với chúng mình. Từ sáng đến giờ em thấy qua mặt mình nhiều lần rồi.
Tôi suy luận :
—Hèn gì họ bóp còi để chào tụi mình đây. Cũng vui .
Nghỉ ngơi vài phút , ăn tạm biscuit với mấy trái chery đem theo cho đỡ đói xong  hai chị em bắt tay vào việc bổn cũ soạn lại. Đang hý hoáy, đúng ra là chỉ có em tôi mới cực khổ chun vô chun ra nằm bẹp dưới lườn xe chứ tôi chỉ việc đứng trước capot em tôi kéo lên sẵn , chờ cậu ra hiệu là mở nhẹ cái nắp cho nước chảy chừng hai muỗng canh xong vặn lại là xong phần thì tôi thấy bóng một người từ xa đi lại phía chị em tôi. Hơi lo ngại, vì đây là highway sao lại có người đi bộ, không biết họ toan tính gì đây. Tôi báo cho em biết cũng vừa lúc cậu xong việc chui ra. Càng gần mới nhìn rõ , người thanh niên khoảng 35- 40 ,da  nâu có lẽ gốc Trung Đông, tướng mạnh khoẻ cao ráo gương mặt khá đẹp trai thẳng thắn. Hai bên chào nhau hello how are you , trò chuyện thân mật như thể quen biết từ lâu. Người thanh niên giơ tay chỉ về chiếc camion đổ cách đó khoảng hơn 800 m rồi nói một tràng tôi chỉ hiểu loáng thoáng. Em tôi trả lời cũng một tràng, chắc giải thích về tình trạng cụ jeep nhà ta. Sau cùng người thanh niên từ giã còn chúc cuộc hành trình tốt đẹp, chị em tôi cũng cám ơn sự quan tâm lo lắng của anh ta thật nhiều. 
Sau khi anh thanh niên đi rồi, em tôi kể:
—Người nầy quá tử tế dễ thương. Anh ta là tài xế chiếc camion đằng kia, sáng giờ thấy tụi mình ngừng xe để sửa nhiều lần từ Vancouver lận. Hỏi chiếc jeep bị hư sao, mình định đi đâu, em nói Calgary, ảnh nói ảnh cũng đến đó, có cần anh ta sẽ giúp chở mình vào thành phố vì trời sắp tối rồi, lo xe hư mình bị ngủ dọc đường nguy hiểm .
—Thảo nào mà lúc nảy cậu ta nhấn còi chào mình. 
—Xe lớn lại chạy nhanh muốn thắng phải mất một quãng xa mới ngừng được, vậy mà còn chịu khó cuốc bộ cả cây số để kêu cho tụi mình có giang. 
—Ừ, rồi cuốc bộ quay về gần cây số nữa. Cậu nầy tốt quá dù không biết mình là ai, không cùng nguồn gốc dân tộc với nhau mà không ngại ngần gì.
—Bởi vậy. Nên mình đừng trông mặt mà bắt hình dong vội phán xét, thành kiến với ai trước khi hiểu rõ họ.

Nghĩa cử của chàng trai lái chiếc camion không hề quen biết ở Canada là một bằng chứng đẹp về tình người vậy.

5-/
Nhỏ A nói :
—Đồng ý với mi là người thanh niên này tốt thật hỉ. Còn chuyện nào thì kể nốt, hình như mi có nói sẽ kể chuyện người tốt ở VN .
—Có chứ, rất rất nhiều. Những người thân, họ hàng, bạn bè…
Nhưng như chủ đề bài này, ta chỉ kể về những người xa lạ mình hoàn toàn không quen biết thôi. 
Chẳng hạn tính lương thiện của cậu bé bị câm và điếc bán vé số ngang nhà các chị tôi mỗi ngày. Một hôm chị tôi mang tặng quần áo cho cậu, cậu chỉ nhận quần và từ chối không nhận áo . Chị tôi cố giải thích cho cậu hiểu, cậu bèn ra dấu cần giấy bút và viết rằng:” con chỉ cần quần, áo con đã có đủ mặc rồi”. Một lần khác chị tôi mang phần quà gồm gạo, mì, bánh kẹo, sữa… cậu mở xem rồi trả gạo lại, viết rằng :”con không có nấu cơm nên không lấy gạo”. Tôi tôn trọng cậu bé tật nguyền nầy vô cùng qua cử chỉ tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng chứa đựng một nhân cách lớn. 
—Hay ! Ta xin nghiêng mình trước lòng tự trọng của cậu bé, chỉ nhận những gì xét thấy cần cho nhu cầu chứ không tham. Nhỏ A đạo mạo phán. 

6-/
—Để kết thúc loạt bút ký , ta vạch cho mi xem chiếc lá bị con sâu đụt khoét nham nhở đây. Hồi còn sống ở VN, có lần ta với má ta sắp hàng chờ mua vé đi từ Saigon về Rạch Sỏi …
Nhỏ A la làng chói lói :
—Ngưng lại ngưng lại, ta xin mi đó. Đừng làm hoen ố trang bút ký nầy với con sâu con bọ gì đó.
Hãy quẳng chiếc lá hỏng đi, nhường chỗ cho Chân, Thiện, Mỹ ngự trị hoàn toàn trong khu vườn ký ức của chúng ta , được không ? 
Đúng, nhỏ ni có lý.

Thanh Hà 

July 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét