Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Miền Nhớ

Tùy bút của Nguyễn Tuấn
                   ***Viết riêng cho những người bạn miền tây...
                                                               Nguyễn Tuấn


Chiếc xe chạy thật êm trên đường cao tốc mới đưa vào khai thác. Hai bên đường là đồng ruộng ngút ngàn tầm mắt. Buổi chiều xuống cảnh vật thật thanh bình, xa xa những cánh cò trắng như điểm xuyến trên nền xanh mơn mởn của mạ non.Những con trâu già nằm nhẫn nha nhai cỏ. Những người nông dân đang chuẩn bị về nhà sau một ngày vất vả, nhưng trông họ thật bình thản và hài lòng với công việc của mình. Cuộc sống với họ thật đơn giản, những buổi ăn đạm bạc, những toan tính vụn vặt đến từng lon gạo, từng con cá, cọng rau, nhưng họ lại rất hào phóng, nhiệt tình khi khách. Có lẽ đặc tính đó cũng đã đi theo tôi gần cả phần đời, dù tôi đã rời bỏ vùng đất nơi tôi sinh ra, miền tây sông nước. Những suy nghĩ của tôi rất nông dân: hồn hậu, chất phát, không lo gì đến ngày mai; hào phóng và nhiệt tình với mọi người; sống an phận, không có ý chí vươn lên (chắc vì vậy mà nghèo hoài). Mỗi lần về miền tây tôi luôn có những cảm xúc rất đặc biệt, cảnh vật, con người và luôn gợi nhớ trong tôi những ký ức tuổi thơ có ông bà, cha mẹ, chú bác. . .  Bến nước, con đò làm tôi nhớ lại ngày xưa khi còn nhỏ. Mỗi ngày tôi cùng lũ bạn lặn ngụp dưới làn nước đục ngầu phù sa làm mình mẫy đen nhẽm, mùi bùn đặc trưng của miệt ruộng đồng, kênh rạch theo tôi vào giấc ngủ. Ngày ấy tôi thích nhất là đi theo những đứa bạn trong xóm ra ngoài ruộng, lấy bùn và rơm chặn hai đầu con lạch nhỏ, lấy thùng thay phiên tát cho đến khi cạn nước rồi ngụp lặn trong bùn để mò cua, bắt cá. Chiến lợi phẩm chúng tôi ủ vào đống rơm đang cháy, ăn với muối hột chưa rửa sạch bùn. Những con cá để lên lá chuối, ăn bóc bằng tay, hết sức giản đơn, chóng vánh,  nhưng sao tôi thấy ngon ngọt vô cùng. Sau này khi lớn lên thỉnh thoảng tôi vẫn ăn cá lóc nướng với đầy đủ gia vị, đặt trang trọng trên những chiếc đĩa trắng tinh, nhưng tôi vẫn không thấy mùi vị ngày xưa.
Giọng hát ngọt ngào của Cẩm Ly đang phát ra từ những chiếc loa trên xe với những bản nhạc mang âm hưởng dân ca nghe thật quen thuộc, êm ái làm tôi cảm thấy trong lòng thanh thản. Thỉnh thoảng như bắt gặp một mảnh vụn nào đó của ký ức, rời rạc, chấp vá nhưng đầy hoài niệm. Có khi là một kỷ niệm của ngày còn đi học, khi thì bắt gặp những cảm xúc cũ của tình yêu ngày mới lớn. Tạm quên công việc, không khí ngột ngạt khói bụi của thị thành, quên hết những khó khăn, bận bịu trong cuộc mưu sinh, tôi đang tận hưởng những giây phút thư giãn mình đang có và thầm cảm ơn đời còn cho tôi được niềm vui, dù chỉ là một chuyến trở về vùng sông nước miền tây.

 Tôi ngồi sát bờ sông, dòng nước đục ngầu chở phù sa bù đắp cho vùng đất, con người nơi đây. Chung quanh là những giề lục bình xen vào đám rễ của những cây bần mọc hoang dưới mé nước. Những cây bần thô ráp, có rễ chỉa thẳng từ dưới lên trông rất “hình ảnh” nhưng trái bần thì đủ sức quyến rũ những đứa trẻ như tôi thời nghèo khó. Ngày ấy, những buổi trưa khi tắm sông, trong những lúc nghỉ ngơi giữa hai lần tắm chúng tôi thường hái những trái bần đem chấm với muối, dù chỉ chua chua, chát chát nhưng cũng là món quà cho những đứa trẻ quê. Nhưng “ ngày ấy đâu rồi?”, bây giờ con nít chắc cũng chẳng còn đứa nào thèm hái những trái bần nghèo túng, lam lũ ấy nữa bởi đã có đủ những loại trái cây ở vùng đất mầu mỡ này: những trái dâu vừa chua vừa ngọt, mận xoài, mít, sầu riêng. . .Trò chơi của trẻ nhỏ thời ấy cũng thật giản đơn, buổi trưa tắm sông, mò cua, bắt cá, khi chiều về thì cùng nhau chơi thả diều. Những con diều tự làm bằng khung tre dán lên những tờ giấy báo cũ, vậy mà khi bay lên cao tôi thấy chúng thật kiêu hãnh, uy nghi. Rồi bắt cá lia thia, chơi đá dế, trò chơi dân gian thì còn nhiều lắm, chơi chán chê với bọn con nít tôi gia nhập với nhóm lớn tuổi hơn để hành nghề “xách cá”. Ở quê của tôi có nhiều vựa cá đồng nằm sát mé sông, tôi chỉ việc lội dưới nhà sàn, xách theo cái thùng, khi họ nhặt được cá thì ra hiệu cho tôi đưa cái thùng ra cho họ bỏ cá vào, đến chiều họ trả công cho tôi bằng cách dẫn cho đi coi miễn phí cải lương (mỗi khi có gánh hát về) hoặc xem phim Ấn Độ . Tôi mê lắm, có lẽ vì vậy mà tôi biết nghe cải lương, thuộc nhiều tuồng tích, và từng mơ ước được trở thành Hoàng Tử, Vua chúa, với áo quần lấp lánh, xa hoa. Tôi đã đắm mình trong cổ tích, mộng mị để vượt qua cái giá rét của những cơn gió bấc đang thổi ù ù trên vách lá, trong dáng nằm co ro tìm giấc ngủ nhọc nhằn thời tuổi thơ khốn khó.

Một người bạn thân kể cho tôi nghe nhiều chuyện khác ở quê của cậu ấy. Ngày còn nhỏ, cũng như những đứa trẻ khác ở miệt đồng cậu ta cũng phải ra đồng nhổ cỏ, cấy lúa, thiếu thốn và vất vả, ấy là so sánh với trẻ em bây giờ chứ ngày xưa chắc ai cũng vậy nên chẳng ai buồn phiền hay phàn nàn gì. - “ Hồi nhỏ cậu có thường ăn mắm không? Mắm sống ăn với cơm nguội và trái bần ấy?”- Người bạn  hỏi tôi- món đó thì ngày xưa tôi chưa ăn, mãi sau này khi đã lớn có một lần tôi về quê ngoại được chủ nhà đãi món ăn “ đặc sản., Mắm sặc để nguyên con, trộn với dấm, đường, ớt, ăn kèm với các loại rau thơm, khế, chuối chát. Ban đầu tôi hơi ngần ngại (trước đó tôi gần như không ăn mắm) nhưng với sự động viên và cũng vì cả nể tôi cũng ăn. Trái với cái mùi không thân thiện khi ngửi, mùi vị của vị giác khác hẳn, vừa mặn, chua, ngọt, hơi béo (không phải như dầu mở), khi nhai vừa dai, vừa dòn – tất cả cộng hưởng tạo nên cái mùi vị tổng hợp rất lạ, tôi không cho là ngon nhưng mùi vị ấy tôi vẫn nhớ mãi về sau này.
Buổi trưa, không khí vắng lặng, dòng nước gần như đứng yên. Tôi có cảm giác như dòng chảy của cuộc sống ở đây thật chậm rãi, bình dị nhưng cũng thật sâu lắng. Cuộc sống đôi khi cũng cần những nốt lặng để người ta có đủ thời gian chiêm nghiệm lại những được, mất của cuộc đời. Nhưng với tôi thì không có mục tiêu gì phải vươn tới trong cuộc sống, mà đơn giản chỉ là tìm sự thư thái cho đầu óc, sự an ổn cho tâm hồn. Tôi đang ngồi bên những người bạn thân trong khung cảnh hoang sơ chưa bị tác động quá nhiều của con người. Qua câu chuyện của họ tôi phát hiện ra giữa chúng tôi có rất nhiều điểm tương đồng. Các bạn cũng đã trãi qua những ngày thơ ấu giống như tôi, cũng thích khung cảnh thiên nhiên, thích chăm sóc cây cỏ và thông cảm được với nổi khổ cực của người dân quê. Có thể ăn được những món ăn đặc trưng của miền quê: lẫu mắm, bánh xèo, óc bươu, thịt rắn, thịt chuột (tôi thích ăn thịt chuột chặt nhỏ, rồi ướp gia vị, đem nấu rim với củ hành, hoặc để nguyên con nhúng vào chão dầu đang sôi tạo ra những tiếng nổ lốp bốp, văng tứ tung làm mọi người phải né, nên người ta gọi là món “chuột né”). Bánh xèo ở đây người ta làm rất đơn giản: chỉ có bột với nhân là giá và những con tép, không như ở Saigon bánh xèo rất cầu kỳ, bột phải pha với trứng gà, nhân thì có rất nhiều thứ: thịt, tôm, đậu, giá. . . . và đủ các loại rau sống. Nhưng tôi nghĩ sự giản đơn lại phù hợp với không gian và con người nơi đây. Ngồi nhâm nhi với những món đặc trưng miền sông nước, vừa thưởng thức những bản vọng cổ ê a từ những cô thôn nữ duyên dáng, dịu dàng trong những chiếc áo bà ba của miền “gạo trắng nước trong”, khoan thai, chậm rãi đúng phong cách miền Tây. Tôi không biết khoảng mười năm, hai mươi năm nữa, khi đô thị hóa diễn ra ở mọi nơi thì lấy đâu ra khung cảnh hoang sơ này. Chỗ nào cũng là thành thị thì còn có ai chịu nghe những lớp Nam Ai, Sâm thương, Trăng thu dạ khúc? Đời sống thị dân xô bồ, vội vả nên người ta chỉ thích nghe nhạc Rap, nhạc Rock thời thượng chứ mấy ai còn thích nghe vọng cổ? Tự dưng tôi cảm thấy ngậm ngùi như một nhà khảo cổ nhìn cổ vật quý giá sắp bị đánh mất, lãng quên.
Nhìn chếch qua phía bên phải là chiếc cầu treo mới vừa khánh thành với hình dáng hiện đại. Một biểu hiện sinh động giữa hai mặt đối lập: lạc hậu và tiên tiến, nghèo khó và giàu sang, cũ và mới. Nhưng chắc rằng sự cân bằng mong manh này sẽ bị phá vỡ bỡi cuộc sống luôn vận động. Thắng lợi bao giờ cũng thuộc về cái mới, cái hiện đại. Không biết rồi những “người năm cũ” như tôi rồi sẽ về đâu trong thế giới đầy hãnh tiến và cạnh tranh này? Chiếc tàu cao tốc du lịch phóng như bay phá vỡ cảnh trầm mặc  của ốc đảo cắt đứt dòng suy tưởng của tôi. Vẻ mặt của những người thưởng ngoạn trông thỏa mãn, họ hài lòng với vận tốc của chiếc tàu và cảm giác háo hức, mới mẻ bởi ít khi họ đi tàu, đặc biệt là những đứa trẻ thị thành. Bất chợt tôi lại nhớ đến những ngày bềnh bồng sông nước khi tôi còn nhỏ đi theo ba tôi chở lúa thu mua của những người nông dân, rồi chở ra chợ để bán lại cho những người “hàng sáo”. Quãng đường chỉ khoảng hơn hai mươi cây số nhưng là một hành trình rất gian nan, bởi khi ấy xăng rất hiếm. Khi nào ba quá mệt mới cho tôi điều khiển bằng chiếc máy Koler4 có gắn đuôi tôm nhỏ xíu vận tốc chắc khoảng 6 cây số một giờ! Chừng một ngày thì mới đến nơi, một ngày với đứa trẻ như tôi thật là dài và tù túng, chưa kể những lúc trời nóng bức hoặc mưa tầm tả thật là khổ (sau này khi lớn lên tôi mới biết ba tôi còn cực khổ hơn tôi rất nhiều). Cảm giác chậm chạp đó cứ đeo đẳng theo tôi cho đến tận bây giờ mỗi lần tôi bước xuống tàu, ghe.

Lứa tuổi của chúng tôi lớn lên trong buổi giao thời, đất nước sau cuộc chiến với bao thiếu thốn, khó khăn. Những buổi cơm độn ngô khoai. Những chiếc áo vá vai hàng ngày đến lớp. Có lẽ lúc đó ai cũng như ai nên mối đồng cảm giữa con người rất sâu sắc, và có thể san sẻ cho nhau mọi thứ có được. Cùng chung nổi vui, buồn, trăn trở, chắc vì vậy mà dù bao năm xa cách nhưng tình bạn của chúng tôi vẫn bền chặt, thủy chung. Tình yêu ngày ấy cũng rất trong sáng, không hề toan tính, so đo và thường là lãng mạn (bởi ước mơ thì thường đẹp đẻ và không mất tiền). Lúc ấy, chúng tôi thường nhẫm những câu thơ của Nguyễn Tất Nhiên như những câu kinh nhật tụng: 
“Tình cũng khó theo thời cơm áo, khó
Ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần
Em bắt đầu thấy ân hận, chưa em?
Vì lỡ nói thương anh, cái thằng quanh năm túng thiếu
Ân hận, có, thì hãy nên, ráng chịu
Hãy xem như cảnh ngộ đã an bài
Như địa cầu không thể ngược vòng quay
Như Chúa, Phật phải gay go trước giờ lên ngôi Phật, Chúa
Tình cũng khó theo thời cơm áo, khó
Nên mới yêu, mà cư xử rất vợ chồng
Rất thiệt tình khi lựa quán bình dân
Khi nói thẳng: "Anh gọi cà phê đen bởi hụt tiền uống cà
phê đá"

Mùi lẫu mắm cá linh non mùa nước nổi, nhúng với bông điên điển, khô sặc trộn lá sầu đâu sực nức kéo tôi trở về thực tại: “ Nào ta bắt đầu thôi, cậu suy nghĩ gì mà ngồi trầm tư vậy?”. Mùi rượu gạo thơm nồng gợi nhớ nhiều kỷ niệm. Từ những ngày tập tành làm quen với men cay cho tới những đêm say vùi men rượu, bao nhiêu người quen, bao nhiêu bạn bè đã đi qua đời nhau. Những ai còn, ai mất? Chắc không ai nhớ nổi. Nhưng mùi rượu gạo, thứ rượu mà ngày xưa chúng tôi hay gọi là “ nước mắt quê hương” thì luôn gắn bó thân thuộc , mãi mãi chẳng phôi pha.
Chiều đã dần buông. Chúng tôi phải chia tay với vùng đất cù lao. Chia tay với dòng sông hiền hòa ngầu đục phù sa. Tôi bỗng cảm thấy quyến luyến với cảnh vật nơi đây, và muốn giữ lại mãi những hình ảnh này.Những giề lục bình, những cây bần nơi mé nước, tàn cây trứng cá rợp bóng, chỡ che, và những người bạn thân. Tôi muốn không gian và thời gian dừng lại: để khoảnh khắc này còn mãi; để những âm hưởng của làn điệu tài tử cải lương mãi hòa quyện, tan chảy vào hoang sơ, vào ngập tràn ký ức. Một ký ức tuổi thơ luôn bình dị, ngọt ngào nhưng đã xa ngát nghìn trùng nơi miền thương nhớ.

                  Sài Gòn, ngày 20 tháng 5 năm 2010.

NGUYỄN TUẤN


                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét