Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Những Người Năm Ấy

Thơ Kim Khánh

Chuyện năm 1954, Khi hiệp định Geneve vừa ký xong. Lúc đó, hai miền Nam Bắc đợi trong 55 ngày (?) sẽ đi đến tổng tuyển cử.
Tập kết ra Bắc 1954
Và trong thời gian chờ đợi ấy. Ai theo về Bắc thì ra, ai vào Nam thì tự do vào. Nhưng không biết lý do gì hai chính quyền 2 miền Nam Bắc không đồng nhứt đi đến tổng tuyển cử thống nhứt đất nước để trở thành một dãy sơn hà! Họ ích kỷ chăng? Hung hăng chăng? Sợ tổng tuyển cử sẽ bị thua chăng?... Hay vì một lý do nào nhỏ nhen hẹp hòi hơn và với lòng tham lam hung hăng cứ đánh và chém giết, hận thù, thẳng tay với người anh em và cả triệu người Việt Nam đã phải chết tức tưởi cho những tham vọng nhỏ nhen ấy? (Mở ngoặc kiên cường với anh em ruột thịt giết nhau không nương tay, nhưng với ngoại xăm,Trung Quốc chẳng hạn, thì co cổ rút đầu, chịu nhục? Thật ngán ngẫm ư...

Trong hoàn cảnh này, họ hàng tôi kẻ Nam người Bắc, gia đình Bác tôi có người tập Kết ra Bắc trên dòng sông ngã Ba này (trong bài thơ). Em của người anh này ở lại miền Nam theo VNCH và đã bị chịu hứng cái chết do chiến hữu của anh mình (người anh đi tập kết... và năm 1975 trở về trong chiến thắng! Anh đã thắng những đứa em chính mình !) Ôi buồn thay!

Nhưng thời gian đã trôi... Bây giờ Những vị lãnh tụ già nua, những tham vọng... rồi cũng đã được đưa tiễn vào đất lạnh. Và hôm nay còn gì cho quê hương, còn chăng một sự kém tiến bộ, nghèo nàn, hối tiếc.... bao nhiêu tiền tài vật chất chỉ là những nắm mồ nằm trơ ra... mặc đời phán xét ai đúng, ai sai. Cái khổ là những thế hệ theo sau cứ ngổn ngang gánh chịu vì những ý đồ ngông cuồng ích kỷ .

Ôi dòng sông ơi! Những người năm ấy ơi... nay còn hay mất?. Xin mời đọc:

Kim Khánh


NHỮNG NGƯỜI NĂM ẤY 

Những người năm ấy, đang và đã,
Họ ra đi quên lời từ giã....!
Và để lại ngổn ngang cho tất cả,
Cho những người còn cùng khổ trên quê hương .
Tôi nhớ lại, khi tôi còn bé lắm,
Ba dẫn qua cầu, tiễn con bác ra đi...!
Con tàu đậu chờ những đoàn thanh niên ra Bắc,
Tập kết, theo đoàn người đi cứu quê hương?

***
Chiều hôm ấy bên dòng sông lăng tăng sóng!
Bóng con tàu, còi "sup-lê" rời bến 
Tôi reo vui nào biết gì đâu!
Tôi nào biết anh tôi đi sau này sẽ là bể dâu!
Và chiến tranh bắt đầu từ dòng phân ly Bến Hải 
Kẻ ra Bắc, người vào Nam...
Và bắt đầu từ đó,
Hòa bình không lập lại!
Tổng tuyển cử không thành!
Người dân khắp nơi bắt đầu lo sợ!
Tiếng súng trong quê, đêm đêm lẹt đẹt!
sáng lại trên đường mìn đặt nổ tung!
Trong thành phố, rập rềnh tuyển mộ!
Binh chủng... Dù, Lục, Hải, Không Quân!
...........................................................!
Và, 
Tôi theo năm tháng đã là tuổi thanh niên!
Vẫn mãi theo vận mệnh quê hương!
Rồi Mậu Thân, rồi mùa hè đỏ lửa!
Rồi bao Hiệp Định Paris, không tôn trọng
Ngưng bắn chẳng ngưng!
Rồi Trường Sơn, Nam lào đường mòn Nam Tiến!
Các anh vào... và có cả anh tôi!
Đánh trở về Nam, tìm về quê cũ!
Năm một chín bảy năm 
Miền Nam thất thủ!
Rồi,
Mấy người em trai của anh ở lại miền Nam,
Cũng chịu cảnh cùng chung thất thủ
Chết dưới lằn đạn quân thù... là chiến hữu của anh!
Xuân năm nay tôi về lại dòng sông ngày cũ.
Tôi nhớ cảnh ngày anh đi tập kết!
Thôi hết rồi anh... cảnh cũ còn!
Nhưng, người và tham vọng đã tiêu tan!

KIM KHÁNH (Tết 2011về thăm quê, đi ngang cầu sắt Ngã Ba, huyện Trà Cú, nơi tàu tập kết neo đợi chở người đi Bắc 1954).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét