Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

Tản Mạn Đời Thường - Kỳ 1

Tùy bút của Thanh Hà Switzerland

1/
Thức đêm mới biết đêm dài …

Mới chưa đầy 8 giờ tối hai mi mắt tôi đã nhíp lại dù có lắc mạnh đầu từ trái qua phải như con vịt sau khi lặn dưới sông ngoi lên giủ cho nước văng ra, tôi hy vọng làm thế thì “cục” buồn ngủ cũng sẽ bị rớt đi, nhưng vài giây sau thì mi mắt vẫn cứ sụp, cái đầu vẫn cứ gục. 
Thanh Hà Switzerland


Có lẽ sau cuộc hành trình bỏ nhà đi chơi quá xa quá lâu, múi giờ thay đổi cả nửa vòng quay trái đất, bên nớ đại dương mọi người đã ngáy khò khò từ lâu, cơ thể tôi chưa thích nghi lại với thời khắc bên ni.
Thế là như gà vào chuồng lúc chạng vạng tôi cũng vào giường nằm ôm gối ôm nhè nhẹ đưa hồn vào mộng thật nhanh chóng dễ dàng.

Lúc thức giấc xem đồng hồ thì vẫn chưa qua nửa đêm. Tức là mới mơ màng giấc điệp chỉ hơn một trống canh gì đó. Con mắt giờ muốn nhắm thì lại cứ mở thao láo nhìn lên cây đèn treo trên trần nhà. Từ cây đèn lại liên tưởng chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm, mong ông thần đèn hiện ra cho mình ba điều ước, thế là bắt đầu ước: ước chồng tôi sống lại và cùng nằm bên cạnh để tôi kể chuyến du lịch ba tháng vừa qua (hẹn kiếp sau mới có cảnh này); ước sức khoẻ vẫn duy trì như hiện nay (vậy mới du lịch được); ước sống ít nhất 80 tuổi mà trí óc vẫn minh mẫn đừng có mắc bịnh đãng trí (kẻo đi ra ngoài rồi không nhớ nhà ở đâu mà về); ước sao gặp được thêm nhiều bạn mới và tốt qua mỗi chuyến viễn du; ước…ước và ước …một hồi cái danh sách đã dài hơn ba điều, thật là tham lam quá. Thế mà hai con mắt vẫn cứ lỳ ra không chịu khép mi.

Khăn thương nhớ ai, khăn chùi (chùi) nước mắt
Khăn thương nhớ ai, khăn giặt (giặt) chẳng phai

Đèn thương nhớ ai, mà đèn (đèn) không tắt
Mắt thương nhớ ai, mắt ngủ (ngủ) chẳng sâu
                 Thương Ai Nhớ Ai (Phạm Duy)

Tức quá! Lúc cần thức thì nó lại nhắm tịt. Lúc muốn ngủ say thì nó cứ mở tỉnh bơ không thèm đếm xỉa gì tới mệnh lệnh từ dây thần kinh ngủ ban ra, không thèm đếm xỉa gì tới thời khắc mà vầng thái dương cũng phải tuân phục nhường không gian cho màn đêm bao trùm. 

Thử đếm: một con cừu, hai con cừu, ba con cừu, bốn con cừu, năm con cừu… đếm hoài đếm huỷ lúc đầu thì còn đủ câu “một trăm lẻ một con cừu”, sau rút ngắn còn “hai trăm năm mươi cừu”, rồi chỉ còn đếm số "bốn trăm mười lăm” , chữ “con cừu” rụng mất tiêu. Đếm đến gần cả ngàn con rồi mà cô- miên-giấc vẫn chơi trò cút bắt với tôi chứ. Giận quá là giận. Giờ nghĩ cách khác xem có hiệu quả không nghe.
Thử ngắt thời gian thành nhiều điệp khúc tự ru mình ngủ như các nhạc sĩ xem sao:

Trời làm cho mưa giăng giăng mây tím dệt thành sầu
Từng đêm ấp ủ trong tim
Từng đêm khe khẽ gọi
Anh nhớ thương em từng giờ
Mẹ Việt Nam ơi ! Ai chia ly tan tác cả ngàn đời

Tiếng hát hát trên môi
Giấc ngủ ngủ trong nôi
Một đàn, đàn chim nhỏ bay khắp trời Việt Nam mến yêu
Ôi tiếng chim muông gọi đàn
Mẹ Việt Nam ơi, con xin dâng xin hiến trọn cả đời
                             Tám Điệp Khúc (Anh Việt Thu)

Đang nằm mà hát lúc gần nửa đêm, cổ họng thì khô khốc, không dám hát to vì sợ thức dậy hàng xóm tưởng có vấn đề gọi cảnh sát nên nó cứ eo éo nhất là ở đoạn nốt cao, giọng không lên nổi, tắt tị tiếng được tiếng mất, ư ử chả phải mèo kêu cũng không phải bò rống, chán ơi là chán.

Chắc lao tâm lao lực đếm cừu và làm ca sĩ soprano mệt muốn đứt hơi nên cơn buồn ngủ cũng kéo đến. Tôi chìm vào mơ cho tới lúc…tỉnh dậy. Ngó đồng hồ, thêm được một trống canh nữa. Qua lớp kính cửa sổ, bầu trời tối đen chỉ có mấy ngọn đèn đường và đèn trong các cửa hàng rọi ánh sáng vàng vọt hắt hiu vào đêm đông lạnh lẽo. 
Ái chà, thế nầy thì bao giờ mới thấy rạng đông đây?

Bỏ cái trò lẩm nhẩm đếm cừu với hát ca, tôi lò mò mở ipad để đọc truyện và tin tức, bắt chước làm..thức-giả vậy (vì thức đọc truyện ban đêm). Bàng hoàng đọc tin nhạc sĩ Đại Tá VNCH Nguyễn văn Đông qua đời. Một nén hương thắp bằng tấm lòng thành sâu sắc gởi đến người về cõi vĩnh hằng. Cảm nghe đâu đây văng vẳng giọng dịu dàng mà buồn rười rượi của ca sĩ Hà Thanh:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
Người về bơ vơ …
              Chiều Mưa Biên Giới (Nguyễn Văn Đông)

Như đoạn phim quay chậm sượt qua trước mắt. Ngậm ngùi đếm thầm, thời gian gần đây có bao nhiêu người của một thuở hoàng kim hào hùng trong mọi tầng lớp sĩ nông công thương đã rời bỏ cõi tạm trở về cát bụi. Cứ một người ra đi là coi như một trang đời trong quyển sách lịch sử quí giá bị xé dần, đến ngày nào đó không còn lại chứng nhân nào cho hậu thế hướng về, quyển sách chỉ còn trơ cái bìa hoen ố lấm lem. Xót xa !!!

Tưởng việc đọc làm mình mỏi mắt sẽ dỗ giấc dễ dàng, nào ngờ đọc ngay tin buồn khiến tôi nghĩ lan man đủ thứ. Nhớ chuyện xưa chuyện nay, chuyện xa chuyện gần, loanh quanh một hồi thì cũng quay về một mối, là nhớ đến chồng rồi…khóc. Tôi biết khóc thì cũng không thay đổi được hoàn cảnh, nhưng mỗi giọt nước mắt rơi có tác dụng làm vơi bớt bể sầu chứa nặng trong lòng, và còn có tác dụng kéo theo cơn buồn ngủ nữa. 

Nhớ hồi mới lớn, một người em họ tôi chết bất đắc kỳ tử khi tuổi đời vừa chớm đôi mươi trong trường hợp rất lãng xẹt khiến ai nấy đều thương tiếc. Đám tang của cậu đầu trên xóm dưới cả ngàn người tiễn đưa về nơi hạ huyệt. Chả cậu là công tử nhà giàu,đẹp trai, học..dở nhưng tài ăn nói và quyến rũ con gái thì rất giỏi nên nam phụ lão ấu đều quí mến. Phút lâm chung chúng tôi chứng kiến cảnh mẹ cậu ôm con trong vòng tay khóc vật vã, nấc từng cơn tưởng như đứt hơi theo cậu, nhìn cảnh ấy ai cũng đau lòng không cầm được nước mắt. Chúng tôi cứ tưởng bà sẽ cứ ngồi ôm xác con mà thức ngày đêm, thân hình tiều tuỵ hốc hác… Ấy thế mà chỉ chốc lát sau bà leo lên chiếc giường cạnh xác con nằm lăn quay ra ngủ say sưa mặc chung quanh tiếng ồn kèm tiếng khóc của người khác nỉ non ai oán. Lúc đó tôi cứ ngạc nhiên tự hỏi sao mà bà có thể vừa mới khóc la nghẹn ngào thảm thiết xong thì lăn ra ngủ ngon lành vô tư thế nhỉ. 

Chị tôi giải thích là sau khi khóc, tuyến lệ động đến dây thần- kinh-ngủ (?) khiến người ta ngủ rất ngon !!! Cái nầy chưa nghe giới khoa học nói tới, mà khoa học chưa công nhận thì chắc là chị tôi đoán mò. Chị nói chị đã có kinh nghiệm quan sát từ nhiều người rồi, mà hổng chừng chính bản thân chị đã từng cũng nên.

Ủa, mà từ khi nghe chị nói, tôi để ý thì thấy thật sự là vậy đó nghe. Bằng chứng ở chính bản thân tôi đây nè. Có điều giấc ngủ không đến ngay như thím tôi đâu. Tôi còn nằm nghiêng bên trái xoay bên phải nhiều lần lắm, lầm thầm đọc thêm một đống câu ca dao, đồng dao kiểu như: Cái ngủ mầy ngủ cho lâu. Mẹ mầy đi cấy đồng sâu chưa về. Bắt được con trắm con trê. Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn (trích ca dao).

Mỏi mòn chờ đợi, chờ đợi mỏi mòn, rốt cuộc giấc ngủ cũng đến hồi nào chẳng biết. 
Khi tôi thức giấc lần nữa thì hai cây kim đồng hồ chỉ theo chiều thẳng đứng 6h sáng. Đêm sao dài tưởng chừng vô tận; ngủ thức, ngủ thức, ngủ thức đến ba chương đoạn thì đêm mới tàn.

 2/
Nhớ hồi xưa ở VN sau khi ăn cơm chiều xong, ngoại uống trà.Trời chạng vạng là ngoại vào mùng đánh giấc nam kha trong khi con cháu mới bắt đầu tụ  lại xem phim Nô Tỳ Isaura hay Tề Thiên Đại Thánh nhiều tập. Có những đoạn tếu gây nên trận cười nghiêng ngữa bể nhà mà ngoại vẫn phớt lờ… ngủ với cái tâm bình thản tự tại. Đến lúc sắp hết phim, ai nấy ngáp dài ngáp vắn chuẩn bị chun vô mùng thì ngoại mới lọ mọ vạch mùng ra ngoài, vấn điếu thuốc rê bập bập trên môi, rót trà uống tiếp. Hỏi han con cháu mỗi đứa một câu với giọng sang sảng tỉnh táo của một lão ông khí chất cường tráng. 

Mở ngoặc: 
Ngoại tôi mất năm ông 91 tuổi. Sinh thời thể lực ngoại rất khoẻ, ngoại hút thuốc lá tự vấn ngày vài điếu, thỉnh thoảng tôi còn thấy ngoại uống rượu đế hoặc rượu nếp than một ly nhỏ mỗi bửa ăn cho tới ngày ngoại mất, các nhà khoa học nói mỗi một điếu thuốc hút vào phổi là giảm đi 14 phút tuổi thọ gì đó. Ngoại tôi ngày nào cũng hút thuốc đen tự vấn không đầu lọc, đã vậy còn uống rượu đế một hoặc hai ly thế mà sống đến 91 tuổi. Nếu ngoại không hút thuốc, không uống rượu chắc sẽ sống đến 150 tuổi hay là ngang với ông Bành Tổ nhỉ.

Thôi không châm biếm các khoa học gia nữa, ý tôi kể về ngoại là người rất siêng năng chăm chỉ, thích hoạt động chân tay chứ không chịu ngồi yên một chỗ như các đấng nam phụ nữ ấu thời nay lúc nào cũng châu đầu vào màn hình ipad, iphone, smartphone để chơi game hoặc facebook (bảo sao mà không đau lưng,đau cổ, đau cột sống, thấp khớp,mỏi mắt). Hết mùa lúa thì xoay qua đan bẫy bắt tôm hùm, trồng rẫy, ủ nấm rơm. Nấm ngoại ủ bằng chính rơm vừa tuốt hết hạt lúa xong nên ăn vào có vị thơm và ngọt, ngon đến nổi đôi khi gặp ngày mưa không đi chợ được chỉ đem nấu nồi canh nấm xuông không cần thịt, tôm gì nhưng chị em chúng tôi vẫn chan vào chén ăn hết chén này qua chén kia vậy. Giờ nấm rơm có bán nhiều ngoài chợ nhưng hoàn toàn không có chút hương vị nào hết. 

Càng nhắc đến việc ăn uống càng nhớ ngoại tôi da diết (hic hic). Rồi tôi sẽ có dịp kể về ông ngoại của tôi trong bài khác mới đủ tả được phần nào hình ảnh của ngoại.

Ngoại tôi có bàn tay xanh, hể cây gì, hạt gì đụng vào tay ngoại là y như rằng sẽ đơm hoa kết quả tươi non mơn mởn. Nhìn giàn bầu, bí, mướp, dưa leo, khổ qua lúc la lúc lẽo những trái là trái mà ham gần chết. Ngoại phải bao lưới canh phòng kỷ lắm chứ không thì thiên hạ có tật lạ là không chịu làm lụng trồng trọt gì hết, chỉ chực ngoại tôi trồng gì ngon mắt là táy máy chân tay lợi
dụng trời tối giở nghề đạo chích giỏi quá trời luôn.

Tuy hai bàn tay ngoại tôi sần sù chai sạn cục mịch vì lao động với cuốc cày, dao phay nhưng trồng hoa gì cũng nở đẹp tuyệt hết, ngay cả hoa huệ trắng
Trước ngôi mộ bà ngoại đất khá khô cằn, thế mà với sự chăm sóc bằng tình yêu thương của ông, cây mọc thành cụm và từng cánh hoa trắng mướt hương thơm nhẹ nhàng tinh khiết lan toả trong không gian. Những buổi hoàng hôn còn vương trên ngọn dừa sau hè chúng tôi ra mộ ngoại ngắm nhìn thành quả của ông, một cách bày tỏ chân tình dành cho bà mà sinh thời ông không biểu lộ qua lời nói. Cánh hoa rung nhẹ theo làn gió như thể linh hồn bà hiện về chứng giám tấm lòng của ông vậy.

Chúng tôi tự hào về ông ngoại của tôi vô cùng.

Thế rồi: Hữu xa tự nhiên hương
              Hà tất đương phong lập

Chính vì mùi hương huệ trắng lan toả xa quá nên lôi kéo lũ đạo chích đến bẻ sạch cả cụm. Ngoại tôi như chết đứng trước ngôi mộ của bà mà mới hôm qua những chùm hoa còn kiêu sa đài các vươn mình trong nắng, nay chỉ trơ gốc xù xì tan nát. Ăn trộm ơi là ăn trộm, sao tán tận lương tâm đến độ chỉ có mấy nhánh hoa trước phần mộ người yên nghỉ cũng không chừa!

3/
Lúc chúng tôi sửa soạn ngủ thì ngoại đã…xong được một giấc. Lúc chúng tôi còn khò khò thì ngoại đã xong giấc kế tiếp, lại rót trà uống khi gà chưa gáy báo sáng. Hồi ấy đã mấy chục năm nước chảy qua cầu rồi, má nói người già nào cũng vậy, chỉ ngủ ngon lúc đầu hôm, tới khuya là tỉnh táo. 

Bây giờ tôi cũng thế. Hoảng hồn nhận ra “chân lý” trên. Thôi chết rồi, mình già rồi à. Vì mình cũng ngủ sớm lúc 8g tối (có khi đang xem thời sự mà đầu đã gật gù từ trước ra sau, nếu các nhân vật trong màn hình mà thấy thì tưởng là tôi lễ phép hoặc có quen biết nên mới gật đầu chào họ). Đến 3,4 giờ sáng là thức tỉnh queo.

Suy ra: hể cơ thể già thì trí óc cũng già theo. Trí óc già đồng nghĩa với chứng quên, nói văn chương là đãng trí, nói trần tục là lú lẫn, nói theo danh từ khoa học là Alzheimer. Đây mới là con quái vật đáng sợ hơn cả cái chết.

Con quái vật Alzheimer bắt đầu lẽo đẽo theo tôi rồi. 

Trên chuyến bay về thăm nhà hồi năm trước, tôi có một kỷ niệm khó quên (lại kỷ niệm khó quên, hình như tôi có duyên với các chuyến bay hay sao ấy). Khi về nhà kể lại cho mọi người nghe, ai nấy đều cười theo cách của họ: có người bị ứ nghẹn tưởng hết thở nổi, có người cười ha hả ha hả từng tràng như súng liên thanh, có người cười mà nước mắt chảy ràn rụa, có người há to mồm mà chả phát ra âm thanh nào hai tay ôm lấy bụng gập người xuống tưởng bao tử có vấn đề. Tôi là nhân vật chính của câu chuyện, thế mà cũng không nén được tiếng cười lúc khúc khích lúc ha ha đến đau điếng cả cơ hàm tưởng không khép môi lại được.

Số là khi về gần tới “quê hương chùm khế ngọt” của chúng mình thì mỗi hành khách được cô tiếp viên phát cho tờ giấy để khai báo về sức khoẻ gì đó. Tôi cũng lục tìm cây viết, passport, vé máy bay để điền vào câu hỏi. Khi bắt đầu viết thì mới nhớ là không mang kính nên lại mở xắc tay ra lục lọi, lần giở từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, bên phải bên trái…ủa cái kính đâu mất tiêu rồi, mới để chỗ nầy mà. Tôi kéo cái mền họ phát cho để đắp chân, kéo cái gối dựa sau lưng ra, giủ giủ áo thử xem có mắc kẹt, mò tìm trong đôi giầy cởi ra để chân được thoải mái. Chả ăn thua. Thế là mở dây thắt lưng an toàn, quì gối ở lối đi giữa lom khom nhìn xuống sàn ghế xem có lọt đó. Nhìn lung tung vẫn biệt tăm biệt tích cái kính của tôi. Cậu thanh niên trẻ trẻ ngồi cạnh hỏi tôi tìm chi đó, tôi nói tìm cái kính mắt tôi cởi ra giờ đâu mất rồi. Thế là cậu cũng phụ với tôi tìm dáo dác qua cả bên ghế của cậu. Tôi leo lên ghế ngồi tiếp tục tìm, không tăm hơi. Lại quì gối ở lối đi nghiêng ngó vào sàn ghế thêm hai lượt nữa. Cái kính nầy giúp hai con mắt cận tôi nhìn “nhân gian”mới rõ. Không có nó thì kể như 
Soi bóng đời bằng gương vỡ nát, 
nghe xót xa ngời lên tròng mắt …
           (Thói Đời, nhạc sĩ Trúc Phương ) 
chắc tôi chả thấy lối ra cửa hải quan mất.

Cả 10’ trôi qua. Đang vừa bối rối vừa ngạc nhiên không hiểu cái kính bự tổ chảng vậy mà biến đi đàng nào thì nghe cậu thanh niên trẻ trẻ nói tỉnh queo:
—Cái kính ở trên mắt của chị ấy.
Tôi nghe rõ lời cậu nói từng chữ mà vẫn không hiểu ý cậu định nói gì hết. Ngẩm nghĩ :
— Cậu ta nói gì mà kính trên mắt mình, mình đang đi tìm tự nãy giờ bộ
không thấy sao mà nói kính nằm trên mắt mình, vớ vẩn quá.

Thế là tôi cứ tiếp tục …tìm. 

Lát sau, thấy tôi vẫn quờ quạng lặng lẽ trong ánh sáng tranh tối tranh sáng, cậu nhắc:
—Kính ở trên mắt chị ấy.
Kính? Kính nào trên mắt tôi chứ? Ngạc nhiên tôi hỏi lại:
—Em nói sao?
Cậu chỉ lên mắt tôi:
—Em nói cái kính ở trên mắt chị.

Lần nầy thì tôi hiểu ý nghĩa lời cậu nói (!). Đưa tay lên ngang mắt . Aaaaaaa cái kính nằm nghênh ngang trên sóng mũi như vốn đã có tự thuở nào đây mà. Tôi cười chửa thẹn:
—Hi hi, vậy mà chị cứ tìm nãy giờ, tưởng nó rơi đâu mất, đúng là già lẩm cẩm.
Cậu tỉnh bơ không cười, hoặc cố nhịn cười hoặc chờ về nhà kể lại cho ba mẹ cậu rồi mới cười, đáp lời:
—Quên là chuyện bình thường thôi chị à.

Trời, may là chỉ có mỗi mình cậu biết tôi bò càng bò niểng dò tìm cái kính đang nằm chễm chệ trên mặt, chứ nếu những người chung quanh mà biết nữa thì….Ơ mà cái cậu nầy cũng lẩn thẩn chẳng kém gì tôi đâu. Khi tôi báo mất kính, cậu cũng nhanh nhẩu đoảng sốt sắng ngó quanh ngó quất tìm giúp. Phải chi cậu chịu khó nhìn lên gương mặt tôi ngay từ đầu thì có phải đỡ mất công cho cả hai không chứ. (cái này là ăn nói ngang ngược đây. Kính của mình mà trách người ta không chịu coi giùm).

Sau khi cười lăn cười lóc, cười rung rinh cả toàn thân, mệt quá mọi người dần dần lấy lại nhịp thở đều đặn thì em tôi hỏi:
—Vậy khi cậu này nói cho chị hay cái kính mang trên mắt, chị có thấy mắc cở không ?
Tôi trả lời:
—Ngộ cái là chị không mắc cở mới lạ chớ, chỉ nói một câu chửa gọn thế thôi.
—Há há há, há há há, há há há…
 Em tôi và mọi người lại phá lên cười âm vang chấn động cả trần nhà luôn. 

Ừ nhỉ. Sao tôi không hề thẹn chút nào hết. Đúng là mặt dạn mày dầy mà. Tôi phân tích trạng thái chai lỳ của mình như sau:
—Có lẽ vì tôi xem cậu trẻ này chỉ là hàng em út nhỏ hơn mình nên không xấu hổ, chứ nếu ngược lại là một đàn ông từ bằng tuổi tôi trở lên thì chắc quê lắm lắm.

4/
Đây là một trong nhiều lần chạy đôn chạy đáo tìm những món đồ tưởng thất lạc như cây bút, chìa khoá, điện thoại di động, quyển sách đang đọc, bánh đang ăn dở... mà thật ra nó nằm trên tay, trong ví, trong hộc bàn, bên cạnh…kiếm hoài không được rồi la toáng lên hỏi sao kỳ vậy, nó biến đi đàng nào. Hoặc đi vào bếp hay vào phòng bên cạnh để lấy gì đó, nhưng vào rồi thì khựng lại chả nhớ mình định tìm cái chi. Nghe các nhà khoa học (lại khoa với học) khuyên mình nên vận động trí óc giống như tập thể dục thân thể bằng cách chơi đố chữ, học ngôn ngữ ngoại quốc, đọc sách báo… cho các neurone hoạt động để giảm hoặc ngừa chứng quên, tôi liền áp dụng ngay.
Được cái may mắn tôi rất thích đọc. Tôi vẫn học và đọc mỗi ngày. 

Tin giờ chót: Dù đã thực hành mọi điều như trên, thế mà hôm vừa rồi lúc lấy chuyến bay trở về Thuỵ Sĩ, đến phi trường Tân Sơn Nhất, lúc lôi valise từ xe xuống tôi chợt nhớ là bỏ quên cái xách đựng áo manteau, khăn quàng cổ, mũ len, bao tay để về bên nầy thì có mà mặc (vì xứ tôi ở đang có tuyết rơi dầy đặc). Mà tôi đã chuẩn bị sẳn để cạnh với đống hành lý rồi đấy. May có các cháu tiễn ra nên tôi nhờ một cháu chạy về nhà lấy mang ra giùm, chứ đợi đến lúc phi cơ cất cánh mới nhớ là mình... quên thì sang đây chắc rét cóng trước khi mò về đến nhà. Hôm ấy không phải cuối tuần nên bạn không ra đón được. Hú hồn. 

Xin Ông Thần Đèn cho ba điều ước: Ước chồng tôi sống lại, ước sống đến 80 tuổi mà trí óc vẫn minh mẫn, ước luôn luôn mạnh khoẻ để còn du lịch dài dài, ước gia đình mãi thương yêu đoàn kết với nhau như thời thơ dại, ước… Thôi, đã quá ba điều rồi đó. Tham vừa thôi nhé.

La Chaux-de-Fonds, le 08.03.2018

Thanh Hà Switzerland




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét