Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 52

Tự truyện của Hình Toàn 

 
Hình Toàn
Ăn cơm xong ngủ một giấc, rồi mới sửa soạn về Rạch Giá, nước uống đun sôi chú cũng đem theo uống dọc đường, không cho tôi ăn uống linh tinh trên bến bắc, sao mà chu đáo quá, dọc đường xe chạy mỗi khi thấy bóng những bộ đồ màu vàng (da bò) của công an tôi rất ngại, chắc là do ảnh hưởng tâm lý những tháng năm tôi sống dưới chế độ (vì đã bị bắt hai lần về tội vượt biên), nên dù muốn dù không lần đầu về tôi cũng lo âu 


     Tôi về đến nhà cũng 9 giờ đêm, đường đi sao dài quá đoạn từ lộ tẻ về Tân Hiệp có nhiều ổ gà, cuối cùng rồi tôi cũng về đến nhà má tôi và chế hai mừng vui khôn xiết, bà con chòm xóm bu quanh hỏi han rôm rả, chú trở ra Rạch Sỏi về nhà thăm ba má KLiên, và ở Rạch Giá một ngày rồi trở lại sg, dặn tôi chờ chú về Rạch Giá đón tôi lên Sài gòn, tôi bảo không cần thiết vì khi trở lại Mỹ tôi bắt buộc phải lên sg, tại sao chú phải về đón tôi lên, nhưng chú không chịu sợ tôi đi dọc đường không an toàn .... đúng là lo con bò trắng răng .... xuống tàu vượt đại dương còn nguy hiểm hơn nhiều, không có chú tôi cũng đã vượt qua (xá chi đoạn đường Rạch Giá -Sài Gòn mà chú phải đưa với đón) . ÔI..một người quá nhiệt tình ....còn một kẻ lại vô tình ....

            Ngôi nhà tôi vẫn như xưa cũng ở trên đường Thủ Khoa Nghĩa, nhưng trước nhà giờ có trồng thêm hai cây phượng vĩ, mùa hè hoa phượng nở rực bên đường ...ÔI đẹp làm sao ... làm tôi nhớ tuổi học trò ngày xưa ... tôi, Liên, Diệu  thường đi lượm những cánh phượng về ép trong quyển lưu bút ngày xanh 

       Phượng hồng nở đỏ trên sân
       Làm tôi chợt nhớ tình tôi thuở nào
       Lào xào gió thổi bên song 
       Mưa rơi tí tách sao nghe lạnh lùng 
       Tương phùng chi để biệt ly
        Khi đi ai biết có mong ngày về .....
  
Ôi ... nay dòng đời đổi thay, lòng người thay đổi, bạn bè xưa giờ cũng không còn, mỗi người đi mỗi hướng, và Diệu giờ không ở trên cỏi đời này.... Diệu .. đã quyên sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, tại sao bạn tôi khờ quá, mình làm việc cho nhà nước, khi có gì thất thoát thì đợi họ điều tra, mình không có biển thủ thì thôi (kế toán chỉ trên mặt giấy tờ, thì chỉ là mấy con số, chớ đâu có nắm giữ đồng tiền, nói cho cùng... thì chỉ ở tù thôi sao bạn sợ, mà kết liễu đời mình bằng cách uống thuốc rầy) .
      Nhà tôi vẫn cũ kỹ như xưa, tôi hỏi má sao chị em tôi gởi tiền về không sơn sửa lại, để nhà sau nấu bằng bếp củi, khói ám đen thui, nhưng chế hai nói thời buổi khó khăn càng nghèo càng dễ sống, nhà cũ không ai dòm ngó, ít ai để ý đến mình ....ôi .. đi với phật mà áo cà sa đi với ma mặc áo giấy ...
Hình Toàn chiên chả giò với bếp dầu làm bằng vỏ đạn -
Chiếc ghế mây ngày xưa nay thiếu bóng cha già
       Căn nhà vẫn thế không có gì thay đổi, chỉ thiếu bóng cha già (Còn lại chiếc ghế mây mà lúc đi buôn rg-sg tôi đã mua về, giờ chiếc ghế còn đây mà cha tôi đã mất), tội ba tôi suốt đời cơ cực, bỏ quê hương tha phương cầu thực nay gởi nấm xương tàn nơi đất khách, sau này cuộc đời bốn chị em tôi (những người vb) chắc cũng giống cha gởi thân nơi đất lạ (giờ lại thân quen) nơi đó tôi còn mái ấm gia đình, còn chồng con chờ đợi, tôi thương những đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau.

    Giờ này mà chế hai tôi còn xài cái bếp dầu lửa làm bằng vỏ đạn.. trời ..mấy chục năm rồi mà cũng còn tốt quá chừng, nên hôm sau nhà nấu mâm cơm cúng ba tôi, gia đình nấu vài món ăn, tôi lãnh phần chiên chả giò bằng bếp dầu lửa ...Các bạn thấy xài đồ kiểu này kinh tế sao phát triển ...

     Những người sống ở VN hay lễ nghĩa, để khoe hay hãnh diện với xóm làng, má tôi nấu mâm cơm cúng ba tôi gọi là ra mắt, cũng đãi tiệc năm ba bàn (nấu năm ba món) thường tôi thấy họ hay nhìn mình từ đầu xuống đến gót chân, xem đeo đồ trang sức nhiều hay ít để thẩm định nghèo giàu ... ôi  Chỉ thích nhìn vẽ ngoài hào nhoáng (bởi thế nên có những người về thăm quê nổ quá chừng, vì mình cũng có, vì gia đình cũng có, tôi thấy có nhiều bà mẹ khoe con quá đổi, nhưng đâu biết rằng cuộc sống con mình ở xứ người cũng lắm nhọc nhằn, có nhiều khi con đứng chụp hình trước một quán ăn, mà khoe với thiên hạ con làm chủ nhà hàng (thế mới chết)
     
        Riêng tôi trước khi đi đeo bông, dây chuyền cũng tháo ra chỉ có đồng hồ đeo tay (loại rẻ tiền) và chiếc nhẫn cưới, nhưng má tôi nói bà có đôi bông cẩm thạch tiền điếu muốn nhận hột xoàn mà không có tiền mua, cả đời má chưa từng đeo hột xoàn ...ôi ... bà mẹ quê một nắng hai sương nuôi đàn con 7 đứa thôi mẹ già rồi nhẫn cưới thì nhẫn cưới (nên tôi gởi mẹ làm quà) chắc ông xã chẳng trách gì tôi, nhưng đó lại là nguyên nhân tôi bị làm khó dễ khi làm thủ tục xuất cảnh trở lại Hoa kỳ, vì lúc nhập cảnh mình phải kê khai, nên họ mượn cớ đòi tôi đóng thuế...tiền đâu tôi đóng về thăm quê mười người như một, vét sạch hồ bao để mà cho, vì bà con gia đình ai ai cũng nghèo.... thế là tôi phải trình bày năn nỉ cảm thông ... em út và con gái tôi sợ quá, cuối cùng rồi mọi việc cũng xong vì phi cơ sắp cất cánh... lạy chúa tôi...

       Về vn nhầm mùa mưa nên tối ngày nghe mưa nhỏ trên mái tôn tí tách cũng buồn, làm tôi nhớ thằng con nhỏ tám tháng của tôi, tôi về thăm mẹ thăm quê hương để thỏa lòng nhung nhớ, nhưng khi về thì lại nhớ gia đình nhỏ của mình thế mới hiểu tâm tư một người có đến hai quê để nhớ.

  Quê tôi chỉ hai mùa mưa nắng
  Nắng chói chang sạm nám da người
  Nhọc nhằn những giọt mồ hôi 
  Vì cơm nợ áo quản gì xác thân 
  ....
  Mưa dầm ướt áo người thương 
  Phong sương lắm nỗi đoạn trường ai hay
  Hỏi rằng ai đúng ai sai ?
  Tôi say hay tỉnh? lỡ duyên lỡ tình 

        Hôm sau tôi dẫn con gái tôi vào Tà Niên thăm gia đình bên nội, gia đình chồng tôi ở trong xóm nhỏ đường mòn đi vào bằng đất, mùa này trời mưa nên rất trơn trợt và phải đi qua chiếc cầu khỉ bắt ngang con kinh nhỏ bằng thân cây dừa, có đóng thêm vài thanh tre làm tay vịn, vì trời mưa nên cây cầu dừa rất trơn, con gái tôi không dám đi, nó ngồi xuống định bò qua cầu, nhưng các cô nó vội lấy xuồng ba lá ra đón mẹ con tôi qua sông .


Cây Cầu Dừa
   Đã lâu lắm rồi, em về thăm lại chốn xưa 
   Đã lâu lắm rồi, em về đi qua cây cầu dừa
   Cầu dừa trơn trợt lắm em ơi
   Đi mà không khéo té như chơi 

     Tôi không biết ông nhạc sĩ Hàn Châu, có về nơi sông nước miền tây, mà sao rành dữ dzậy, và các bạn có từng đi qua cầu dừa vào mùa mưa chưa ?
bảo đảm hỏng té hỏng ăn tiền. (Nên năm sau chồng tôi gởi tiền về, chung tay giúp xây cầu xi măng bắc ngang kinh rạch đường vô nhà nội)
   
     Nhưng đoạn đường đi sình quá (đất sét nên rất trơn) tôi đi bị chụp ếch mấy lần làm tụi con nít ở xóm vỗ tay cười quá chừng:

- Ê ... Việt kiều chụp ếch ... Việt kiều chụp ếch tụi bây ơi ...

Thiệt là xấu hổ, nên tôi lột dép cầm tay, ruộng đồng tôi còn hỏng ngán xá gì con đường đất sình này ....ôi ..lần đầu cô dâu về ra mắt mẹ chồng với bộ đồ lấm lem bùn đất, đầu thì đội nón lá bạc màu, trông tôi giống một cô gái quê vừa đi thăm ruộng về, lúc trước nhà chồng tôi vách lá cột cây thế nào thì tôi không biết, nhưng tôi vào đến đây thì nhà đang cất sửa còn chưa xong, vì chồng tôi gởi tiền sửa nhà cho kịp mẹ con tôi về, bảo phải cất nhà tắm nhà vệ sinh đàng hoàng, vì hôm tết chồng tôi về thì nhà tắm ở sau hè chỉ có bốn vách dựng xung quanh mà không có nóc, còn muốn đi vệ sinh phải ra cầu công cộng bên bờ sông, ông đi qua bà đi lại đều thấy mặt mình ngồi trong ngóc .... thời xưa lúc nhỏ mình thấy cảnh cầu cá vồ và cầu tiêu ven sông thì bình thường quá, giờ mười năm xa xứ, sống nơi xứ người văn minh, thì lại nghĩ ô nhiễm môi trường, đúng là quan niệm cũng đổi thay theo từng góc nhìn và thời gian ....ôi quê hương tôi nước mặn đồng chua...nhà ai cũng nghèo ... sao lòng nghe chua xót 

       Như tôi đã nói, nhìn cảnh biệt thự nguy nga lộng lẫy, nhà lầu xe hơi hào nhoáng lòng tôi không cảm xúc, nhưng nhìn cảnh nghèo tôi lại xót xa ....
Ôi ... quê tôi đã nghèo ... quê chồng tôi lại nghèo hơn ... mẹ chồng tôi hiền quá con bỏ họ mình mang họ người mà chẳng chút rầy la, nhà không có đồng hồ để xem giờ, một lần tôi hỏi mấy giờ ... má đi ra ngoài nhìn ánh nắng xem bóng ngã về hướng nào mà đoán giờ, nếu bóng cây đứng bóng là đúng ngọ, còn nếu trời mưa như hôm nay thì sao hở má ....

   Bà hỏi mỗi ngày hai mẹ con vô Tà Niên tiền xe bao nhiêu...thôi để má ra ở nhà bà ngoại Như, chừng nào tụi bây đi thì má về nhà, khỏi đi tới đi lui cho tốn kém 
Ôi mẹ chồng của tôi sao hiền quá đổi, tôi bảo bà khỏi mang theo quần áo, vì tôi đi chợ mua vải về mướn thợ may, mỗi ngày đem giao một bộ cho bà có đồ thay (cũng sắm cho má tôi y chang như dzậy) khăn tắm khăn đội đầu tôi mua cả lố. Còn vật dụng trong nhà tôi thay đồ mới mua hết, mua nồi cơm điện đồng hồ treo tường để khỏi coi giờ bằng ánh mặt trời, bà con hàng xóm nói bà bảy có con dâu xịn quá... bà cười lõn lẽn ... thấy mà thương 


Má Hình Toàn và má chồng
      Tháng bảy Việt nam mưa nhiều, có khi một hai ngày nhìn cảnh chế hai hứng từng thùng nước mà đổ vào bồn (si tẹt) và mỗi buổi sáng ngồi giặt từng thau quần áo thấy mà thương nên tôi cũng phụ chị giặt đồ..... ÔI bao năm rồi mà chế tôi vẫn nhọc nhằn như xưa (có nhiều khi tôi trách chế: chuyến ấy nếu chế ra đúng điểm hẹn bến đò Triệu Xuân Triều thì chị em đã gặp nhau tại tàu sắt trên biển đông mà chuyến vb tôi có kể) nhưng thôi âu cũng là số mạng. Cũng giống như chú ... đưa người đi mà cuối cùng lại không đi được.
     Đúng là muôn sự tại người, mà thành sự tại thiên (người tính hỏng bằng trời tính) người ta ai cũng có số, nghèo giàu cũng phải có phần) 

     Tôi về vn cả tháng mà không có đi đâu, chỉ luẩn quẫn trong tỉnh, tháng này mưa dầm nên chẳng vui cứ nhìn mưa rơi róc rách.. xong gần đến ngày về ghi trong vé máy bay nhưng trước 10 ngày phải gọi confrim vé (thời đó nhà nhà đều không có điện thoại, tôi phải ra bưu điện gọi hỏi vé chuyến về, nhưng họ bảo vì tình trạng núi lửa phun trào nên các chuyến bay xáo trộn và ứ đọng rất nhiều, có sự thay đổi, chỉ còn trống vài ghế cho chuyến về trước ngày của tôi hoặc sau vài ngày tuỳ tôi chọn, thôi tôi chọn về sớm hơn ... nên tôi phải mướn xe trở lên sg trước ngày tôi nói với chú...không có phone làm sao báo tin, hy vọng mình lên sớm hơn chú về ....
      Ôi ... tôi và chú cứ chơi trò cút bắt, nên suốt đời khó thấy mặt nhau...

Xin hẹn kỳ 53 ngày tôi quay trở lại với gia đình nhỏ của tôi.

Hình Toàn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét