Tùy bút của Nguyễn Kim Hoa
Mỗi năm, khoảng cuối tháng Ba đã bắt đầu có những cơn mưa sớm. Những cơn mưa bất chợt, tình cờ như mang hơi thở cho hai hàng bạch đàn dẫn vào sân trường trổ hoa. Hoa bạch đàn từng chùm tủa trắng trinh nguyên treo hai bên đường vào lớp học. Ngôi trường nhỏ nhắn, nằm khuất phía sau cánh cổng mùa xanh như khoắc lên chiếc áo mới thật đơn sơ, dịu dàng của người con gái mới lớn. Trường có nam có nữ, nhưng chừng như thấy toàn là con gái. Giờ chơi, giờ về lúc nào cũng vậy, toàn là đám con gái bọn tôi chiếm ngự cả trường. Có lẽ đám con trai thường lẽo đẽo phía sau, nên lúc nào cũng lép vế, đếm hoài hổng thấy được bao nhiêu. Lại thêm tóc dài cao lén đám con gái bọn tôi lấn lướt cũng là chuyện thường tình. Mà cũng ngộ, bọn họ lúc nào cũng chơi mạnh bạo, ăn nói lớn tiếng nhưng khi đối diện với đám liễu yếu đào tơ chúng tôi cứ thộn mặt ra, lúng ta lúng túng nói chẳng thành lời.
Nhưng hề gì, chẳng bận lòng chi chuyện đám con trai nắng mưa hoa nở, “nắng mưa là bệnh của trời…”. Bận lòng chăng là mấy hàng quán phía bên kia cổng trường có những món ăn nào cho buổi học sớm, những buổi trưa ở lại học thêm hoặc hôm chiều “lao động”. Phải ăn lắt nhắt, ăn ngon và ăn hạp số tiền ít ỏi của má cho trong thời kỳ “thắt lưng buột bụng” này. Không nhiều hàng quán để đến nổi quên, nhưng cũng không ít để có thể nhớ hết. Thôi thì nhớ gì, ghi lại trong bài viết này như những hồi ức, những kỷ niệm đẹp khó quên một thời cổng trường con gái bọn tôi…
Chuối Nếp Nướng
Không biết tự bao giờ, hàng chuối nếp nướng và xôi bắp của bà Tư đã có trước cổng trường. Nằm hơi khuất bên hông con ngõ nhỏ, hàng chuối nếp nướng của bà Tư lúc nào cũng được đám học trò chiếu cố nhiều nhất, nhất là chị em bạn gái chúng tôi. Từ lớn đến nhỏ, lớp 10 đến lớp đàn chị 12, đều là khách hàng trung thành của nó. Sáng sớm, từ xa đã nghe mùi khen khét của lá chuối, mùi nếp nướng bay loáng thoáng một góc đường. Tôi vẫn còn nhớ như in, trái chuối xiêm chín tới, sau khi lột vỏ sẽ được áo một lớp nếp vừa phải, bọc trong lá chuối xanh rồi nướng trên vĩ than đỏ hồng. Nhờ có lớp lá chuối này mà bên trong nếp và chuối không bị khét nhẹt. Vị ngọt lịm của chuối chín quyện với độ dẻo thơm của nếp nướng thơm ngon từng miếng nhai nóng ơi là nóng trong miệng. Rồi thêm vị béo ngậy của cốt dừa được chan dọc theo viền võ bọc nếp bên ngoài, có chàng nào lỡ liếc mắt đưa tình cũng phải đành lòng mà nuốt nước miếng. Mỗi buổi sáng, chỉ cần một trái chuối nếp nướng chan nước cốt dừa là tôi có thể cầm cự hết cả bốn giờ học chẳng hề hấn gì! Buổi sáng thì mua vội mang vào lớp, vừa ăn vừa ôn sơ bài vỡ hay tán chuyện hôm qua. Buổi trưa thì ngồi ăn tại chỗ, vừa ăn vừa đưa mắt nhìn mấy đứa con trai đi qua lại, mắt liếc ghẹo tình.
Bánh Lá Dừa
Đây là món bánh thân thương suốt một thời đi học của tôi. Không nhiều chất liệu bên ngoài như chuối nếp nướng chan nước cốt dừa, bánh lá dừa cũng không kém phần ngon tươi, hấp dẫn. Bánh nhỏ, quấn lá dừa gọn nhẹ nên ăn dễ dàng không sợ “bầy hầy”, dính tay. Sau khi mở lớp lá dừa đã bị nấu chin, bên trong là lớp nếp trộn dừa và chen lẫn đậu đen vừa béo lại vừa bùi. Chính giữa bánh lá dừa có hai loại: nhân đậu xanh và nhân chuối được phân biệt bằng màu dây buột bên ngoài. Bánh có thể ăn nóng hay nguội, phần lớn là ăn nguội và có thể để dành một thời gian nhất định. Bánh bán không cần gian hàng riêng, treo đâu bán cũng được, tiện lợi vô cùng. Ngoài hương vị tuổi thơ, bánh lá dừa cũng đã vượt thời gian trải dài một thời con gái mới lớn, một món ăn đặc trưng của miền tây sông nước:
“Mời anh mua bánh lá dừa
“Bánh này em gói nếp mùa thiệt ngon
“Anh mua về đãi bà con
“Bánh em nóng hổi ngọt ngon hơn đường
Quả thật không quá đáng khi nói bánh lá dừa “gói” nhiều mối tình của một thời mới lớn. Là những món “quà” tặng cho ai đó trong buổi ăn trưa phải ở lại trường cho lớp học thêm buổi chiều. Kín đáo, không quá sỗ sàng để có thể bị người ấy từ chối ngượng ngùng. Vừa có bánh ăn ngon ngọt béo, no lâu chắc bụng, lại làm cho người kia cũng có nhiều cơ hội nhớ mong! Vẫn cứ như hôm qua, tôi không thể quên món bánh lá dừa một cặp hai chiếc của bao mối tình học trò ngày đó đã tặng trao.
Bánh Tầm Bì
Gánh bánh tầm bì bà Sáu nằm xeo xéo và hơi xa cổng trường. Đây là món ăn “truyền thống” của đám con gái bọn tôi, tuy có hơi xa xỉ và tốn chút thời gian thưởng thức. Thường thì tôi và đám bạn chỉ ăn sau buổi chiều lao động ở trường thấm đói, trước khi lấy sức đạp xe về nhà. Những cọng bánh tầm tươi còn thơm mùi bột, phía dưới là rau thơm và dưa leo bầm nhỏ, trải lớp bì hương vị thím, chan nước cốt dừa và nước mắm ớt là cả một trời ký ức. Ăn bánh tầm bì không được ăn nhanh, mà phải gắp từng đũa, từng đũa. Phải thưởng thức vị béo mặn đầu lưỡi, phải hít hà với vị cay xè của nước mắm ớt và nhai từng cọng bánh tầm, bì trong mọi kẻ răng. Món ăn thành quen, quen thành ghiền. Con gái có thể trễ một buổi hẹn, nhưng không thể lướt qua gánh bánh tầm bì mà không ngồi xuống kêu cho mình một dĩa!
Đậu Đỏ Bánh Lọt
Quán cà-phê dì Năm là một chái lợp lá che dài phía trước hiên nhà. Chia làm hai phần: phía trong là hàng cà-phê dành cho đàn ông con trai, phía lấn ra ngoài mặt đường là hàng bán món chè đậu đỏ bánh lọt cho bọn học trò nữ. Đây là điểm nhân chứng biết bao lá thư tình trao tay và những hẹn hò một thời mới lớn của tuổi học trò, trong đó có cả tôi. Còn nhớ rất rõ, đậu đỏ nấu mềm với những cọng bánh lọt mà xanh mùi lá dứa, hoặc màu trắng thêm nước cốt dừa béo ngọt. Tất cả trộn lẫn hòa tan với nhau, vừa thơm vừa ngọt béo bùi, có chút đá bào để phía trên thì mọi trưa nắng nóng hay chiều đổ mưa đều đậm đà bên bạn bè, hay anh chàng nào đó mà “mắt chớp”, môi tươi từng muỗng! Không hiểu sao, ở tuổi học trò thuở nọ, đám con gái bọn tôi ăn uống thứ gì cũng ngon, cũng một đời để nhớ.
Thấm thoát 40 năm trôi qua. Tất cả chợt xa rồi những ngày xưa thân ái. Mái tóc ngày nào đã rụng dần, ngả trắng màu thời gian. Ký ức vẫn nguyên vẹn với trái chuối nếp nướng, chiếc bánh lá dừa, dĩa bánh tầm bì và ly chè đâu đỏ bánh lọt đã theo tôi đi qua bao miền đất lạ, bao nhiêu năm tháng quê người. Người ta có thể trở lại nơi chốn, tìm về góc phố cổng trường ngày xưa dù biết bao vật đổi sao dời, nhưng không thể mang theo trờ lại dòng thời gian đã vĩnh viễn trôi xa. Nhớ về một hàng quán bên đường, một gánh chuối nếp nướng trước cổng trường thời con gái năm nào là nhớ đến những khuôn mặt, những nụ cười nay đã còn đã mất:
“Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?
“Tìm đâu những ngày xinh như mộng?
“Tìm đâu những ngày thơ?
“Tìm đâu những chiều mơ?
“Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ? (Những Ngày Thơ Mộng – Hoàng Thi Thơ)
Ngày 25 tháng 3, 2019
Nguyễn Kim Hoa
Mỗi năm, khoảng cuối tháng Ba đã bắt đầu có những cơn mưa sớm. Những cơn mưa bất chợt, tình cờ như mang hơi thở cho hai hàng bạch đàn dẫn vào sân trường trổ hoa. Hoa bạch đàn từng chùm tủa trắng trinh nguyên treo hai bên đường vào lớp học. Ngôi trường nhỏ nhắn, nằm khuất phía sau cánh cổng mùa xanh như khoắc lên chiếc áo mới thật đơn sơ, dịu dàng của người con gái mới lớn. Trường có nam có nữ, nhưng chừng như thấy toàn là con gái. Giờ chơi, giờ về lúc nào cũng vậy, toàn là đám con gái bọn tôi chiếm ngự cả trường. Có lẽ đám con trai thường lẽo đẽo phía sau, nên lúc nào cũng lép vế, đếm hoài hổng thấy được bao nhiêu. Lại thêm tóc dài cao lén đám con gái bọn tôi lấn lướt cũng là chuyện thường tình. Mà cũng ngộ, bọn họ lúc nào cũng chơi mạnh bạo, ăn nói lớn tiếng nhưng khi đối diện với đám liễu yếu đào tơ chúng tôi cứ thộn mặt ra, lúng ta lúng túng nói chẳng thành lời.
Nhưng hề gì, chẳng bận lòng chi chuyện đám con trai nắng mưa hoa nở, “nắng mưa là bệnh của trời…”. Bận lòng chăng là mấy hàng quán phía bên kia cổng trường có những món ăn nào cho buổi học sớm, những buổi trưa ở lại học thêm hoặc hôm chiều “lao động”. Phải ăn lắt nhắt, ăn ngon và ăn hạp số tiền ít ỏi của má cho trong thời kỳ “thắt lưng buột bụng” này. Không nhiều hàng quán để đến nổi quên, nhưng cũng không ít để có thể nhớ hết. Thôi thì nhớ gì, ghi lại trong bài viết này như những hồi ức, những kỷ niệm đẹp khó quên một thời cổng trường con gái bọn tôi…
Chuối Nếp Nướng
Không biết tự bao giờ, hàng chuối nếp nướng và xôi bắp của bà Tư đã có trước cổng trường. Nằm hơi khuất bên hông con ngõ nhỏ, hàng chuối nếp nướng của bà Tư lúc nào cũng được đám học trò chiếu cố nhiều nhất, nhất là chị em bạn gái chúng tôi. Từ lớn đến nhỏ, lớp 10 đến lớp đàn chị 12, đều là khách hàng trung thành của nó. Sáng sớm, từ xa đã nghe mùi khen khét của lá chuối, mùi nếp nướng bay loáng thoáng một góc đường. Tôi vẫn còn nhớ như in, trái chuối xiêm chín tới, sau khi lột vỏ sẽ được áo một lớp nếp vừa phải, bọc trong lá chuối xanh rồi nướng trên vĩ than đỏ hồng. Nhờ có lớp lá chuối này mà bên trong nếp và chuối không bị khét nhẹt. Vị ngọt lịm của chuối chín quyện với độ dẻo thơm của nếp nướng thơm ngon từng miếng nhai nóng ơi là nóng trong miệng. Rồi thêm vị béo ngậy của cốt dừa được chan dọc theo viền võ bọc nếp bên ngoài, có chàng nào lỡ liếc mắt đưa tình cũng phải đành lòng mà nuốt nước miếng. Mỗi buổi sáng, chỉ cần một trái chuối nếp nướng chan nước cốt dừa là tôi có thể cầm cự hết cả bốn giờ học chẳng hề hấn gì! Buổi sáng thì mua vội mang vào lớp, vừa ăn vừa ôn sơ bài vỡ hay tán chuyện hôm qua. Buổi trưa thì ngồi ăn tại chỗ, vừa ăn vừa đưa mắt nhìn mấy đứa con trai đi qua lại, mắt liếc ghẹo tình.
Bánh Lá Dừa
Đây là món bánh thân thương suốt một thời đi học của tôi. Không nhiều chất liệu bên ngoài như chuối nếp nướng chan nước cốt dừa, bánh lá dừa cũng không kém phần ngon tươi, hấp dẫn. Bánh nhỏ, quấn lá dừa gọn nhẹ nên ăn dễ dàng không sợ “bầy hầy”, dính tay. Sau khi mở lớp lá dừa đã bị nấu chin, bên trong là lớp nếp trộn dừa và chen lẫn đậu đen vừa béo lại vừa bùi. Chính giữa bánh lá dừa có hai loại: nhân đậu xanh và nhân chuối được phân biệt bằng màu dây buột bên ngoài. Bánh có thể ăn nóng hay nguội, phần lớn là ăn nguội và có thể để dành một thời gian nhất định. Bánh bán không cần gian hàng riêng, treo đâu bán cũng được, tiện lợi vô cùng. Ngoài hương vị tuổi thơ, bánh lá dừa cũng đã vượt thời gian trải dài một thời con gái mới lớn, một món ăn đặc trưng của miền tây sông nước:
“Mời anh mua bánh lá dừa
“Bánh này em gói nếp mùa thiệt ngon
“Anh mua về đãi bà con
“Bánh em nóng hổi ngọt ngon hơn đường
Quả thật không quá đáng khi nói bánh lá dừa “gói” nhiều mối tình của một thời mới lớn. Là những món “quà” tặng cho ai đó trong buổi ăn trưa phải ở lại trường cho lớp học thêm buổi chiều. Kín đáo, không quá sỗ sàng để có thể bị người ấy từ chối ngượng ngùng. Vừa có bánh ăn ngon ngọt béo, no lâu chắc bụng, lại làm cho người kia cũng có nhiều cơ hội nhớ mong! Vẫn cứ như hôm qua, tôi không thể quên món bánh lá dừa một cặp hai chiếc của bao mối tình học trò ngày đó đã tặng trao.
Bánh Tầm Bì
Gánh bánh tầm bì bà Sáu nằm xeo xéo và hơi xa cổng trường. Đây là món ăn “truyền thống” của đám con gái bọn tôi, tuy có hơi xa xỉ và tốn chút thời gian thưởng thức. Thường thì tôi và đám bạn chỉ ăn sau buổi chiều lao động ở trường thấm đói, trước khi lấy sức đạp xe về nhà. Những cọng bánh tầm tươi còn thơm mùi bột, phía dưới là rau thơm và dưa leo bầm nhỏ, trải lớp bì hương vị thím, chan nước cốt dừa và nước mắm ớt là cả một trời ký ức. Ăn bánh tầm bì không được ăn nhanh, mà phải gắp từng đũa, từng đũa. Phải thưởng thức vị béo mặn đầu lưỡi, phải hít hà với vị cay xè của nước mắm ớt và nhai từng cọng bánh tầm, bì trong mọi kẻ răng. Món ăn thành quen, quen thành ghiền. Con gái có thể trễ một buổi hẹn, nhưng không thể lướt qua gánh bánh tầm bì mà không ngồi xuống kêu cho mình một dĩa!
Đậu Đỏ Bánh Lọt
Quán cà-phê dì Năm là một chái lợp lá che dài phía trước hiên nhà. Chia làm hai phần: phía trong là hàng cà-phê dành cho đàn ông con trai, phía lấn ra ngoài mặt đường là hàng bán món chè đậu đỏ bánh lọt cho bọn học trò nữ. Đây là điểm nhân chứng biết bao lá thư tình trao tay và những hẹn hò một thời mới lớn của tuổi học trò, trong đó có cả tôi. Còn nhớ rất rõ, đậu đỏ nấu mềm với những cọng bánh lọt mà xanh mùi lá dứa, hoặc màu trắng thêm nước cốt dừa béo ngọt. Tất cả trộn lẫn hòa tan với nhau, vừa thơm vừa ngọt béo bùi, có chút đá bào để phía trên thì mọi trưa nắng nóng hay chiều đổ mưa đều đậm đà bên bạn bè, hay anh chàng nào đó mà “mắt chớp”, môi tươi từng muỗng! Không hiểu sao, ở tuổi học trò thuở nọ, đám con gái bọn tôi ăn uống thứ gì cũng ngon, cũng một đời để nhớ.
Thấm thoát 40 năm trôi qua. Tất cả chợt xa rồi những ngày xưa thân ái. Mái tóc ngày nào đã rụng dần, ngả trắng màu thời gian. Ký ức vẫn nguyên vẹn với trái chuối nếp nướng, chiếc bánh lá dừa, dĩa bánh tầm bì và ly chè đâu đỏ bánh lọt đã theo tôi đi qua bao miền đất lạ, bao nhiêu năm tháng quê người. Người ta có thể trở lại nơi chốn, tìm về góc phố cổng trường ngày xưa dù biết bao vật đổi sao dời, nhưng không thể mang theo trờ lại dòng thời gian đã vĩnh viễn trôi xa. Nhớ về một hàng quán bên đường, một gánh chuối nếp nướng trước cổng trường thời con gái năm nào là nhớ đến những khuôn mặt, những nụ cười nay đã còn đã mất:
“Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?
“Tìm đâu những ngày xinh như mộng?
“Tìm đâu những ngày thơ?
“Tìm đâu những chiều mơ?
“Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ? (Những Ngày Thơ Mộng – Hoàng Thi Thơ)
Ngày 25 tháng 3, 2019
Nguyễn Kim Hoa
Bài viết quá hay,nhìn hình đính kèm quá hấp dẫn làm mình nhớ lại thời gian của tuổi học trò ngày nào Cám ơn cô Hoa .
Trả lờiXóaThông nguyen