Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

Bài Ca Kỷ Niệm

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng 



        " Ai cho tôi tình yêu
Của ngày thơ ngày mộng
Tôi xin dâng vòng tay mở rộng
Và đón người đi vào tim tôi
Bằng môi trên bờ môi

Nhưng biết chỉ là mơ ...
Nên lòng nức nở, thương còn đi yêu thì chưa đến
Tên gọi tên tình chưa đỗ bến nẻo mô mà tìm?..."   (*)


Thời gian gần đây, làm việc tại nhà tôi ít thường xuyên theo dõi và nghe nhạc trên các Blogs hơn. Công việc chiếm quá nhiều thời gian, bất kể sáng, trưa, chiều hay tối. Sinh hoạt gia đình, ăn ngủ xáo rộn nói đâu đến tinh thần "văn nghệ", đọc thơ nghe nhạc... Rồi cũng phải thành quen, thành nếp của bao thói quen mới. Hôm nay tôi tập thức dậy sớm hơn: 4:30 và bắt đầu ngày mới lúc 5 giờ sáng. Dành trọn một giờ vào mạng đọc bài và nghe các bài hát vừa "lên sóng" của những giọng ca đời thường "giữ mãi thanh xuân". Tôi dừng lại và lắng nghe "Ai Cho Tôi Tình Yêu" (Trúc Phương) với tiếng hát quen thuộc của cô Kim Trúc. 

https://trunghockienthanh.blogspot.com/2020/08/ai-cho-toi-tinh-yeu.html
Vẫn chất giọng nhiều xúc cảm, tròn câu rõ chữ, tiếng hát KT trong những bài hát năm xưa, luôn mang đến cho tôi bao kỷ niệm "đời thường" một thuở. Riêng với bài hát này, cô KT hát có "thêm chữ" đó nghen, thay vì lơi nhịp để "luyến" nối câu. Đây có lẽ là bài hát "duy nhất" nhạc sĩ Trúc Phương dùng từ ngữ của xứ Huế, để nói đến một người con gái của đất thần kinh? Cũng vì lý do này, chữ thêm vào bài hát của KT nói lên tính chất miền tây nam bộ, như một lần tôi đã không quên!


Thập niên 1960 - 1970 có lẽ là thời kỳ "hoàng kim" của nền âm nhạc miền Nam VNCH. Hàng ngàn sáng tác âm nhạc và hàng trăm bài hát thịnh hành mang giá trị nghệ thuật và nhân bản vang lên cùng khắp đất nước. Bài hát "Ai Cho Tôi Tình Yêu" (Trúc Phương), tôi nghe lần đầu lúc đang học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) do ca sĩ Thanh Thúy hát. Nhưng đây không phải là lý do để bài hát đã trở thành kỷ niệm đầy ấp trong tôi... Thật ra lúc đó boléro không phải là loại nhạc tôi yêu thích, mà là Trịnh Công Sơn. Tôi là "tín đồ" của nhạc Trịnh suốt thời gian mới lớn và cả những năm lang thang các giảng đường đại học Sài Gòn. Cuối năm đệ nhị là kỳ thi tú tài 1, ít nhiều quyết định con đường "tương lai". Rớt là phải vào Đồng Đế, chỉ lon trung sĩ. Còn đậu, thì tệ gì cũng Thủ Đức, ra trường là chuẩn úy ngay. Nếu tiếp tục đệ nhất, đậu tú tài 2 thì sẽ vào đại học và nếu có đi lính cũng võ bị Đà Lạt, sĩ quan cảnh sát hay quốc gia hành chánh, lon trung úy là cầm chắc trong tay! Nói như vậy, biết như vậy nhưng để thực hiện được ở tuổi "làm người lớn" lúc bấy giờ không phải dễ. Chừng như trong thời kỳ chiến tranh, thế hệ chúng tôi già dạn trước tuổi rất nhiều. Học với tâm trạng "nặng nề" của kỳ thi cuối năm, mà hồn lúc nào cũng để ngoài cửa sổ. Tuổi mà "em mới yêu lần đầu, tôi đã yêu lần sau", xém chút nữa thi rớt tú tài 1.

  " Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
  Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
  Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
  Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
  Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
  Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa        qua

  Trên bước chân em âm thầm lá đổ
  Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa..."            (Diễm Xưa - Trịnh Công Sơn)

Tiếng hát trầm buồn, chân phương của Tấn tràn đầy trong căn phòng nhỏ chỉ với chiếc guitar thùng mộc mạc. Học chung lớp, tôi, Phương và Tấn thường tụ họp đàn hát ở nhà Phương cho đến giờ giới nghiêm mới chịu về học thi. Nhà có sân vườn kiểng, hai gian rộng rãi lại có tinh thần văn nghệ, nên đàn hát không phiền hà, mà còn được hoan nghênh. Gần như mỗi đêm, hết ca hát là tán ngẫu bao chuyện trên trời dưới đất mà chẳng thấy chán. Một phần bè bạn ham vui, một phần là cô em gái của Phương, Phạm Thị Ngọc Yến, nhỏ hơn một tuổi và học dưới bọn tôi một lớp. Yến có nét đẹp đầy đặn dễ thương, mà tôi và Tấn ví như Thúy Vân "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang". Nhất là đôi mắt đen tròn nằm dưới hai vệt chân mày đen rậm vắt ngang. Đêm nào gặp mặt và được nàng liếc nhìn hay khẻ cười chào hỏi, là về mơ mộng, trằn trọc biếng ngủ. Hôm đó là tối thứ bảy, khi tôi đến thì đã thấy Yến, Tấn, Phương ngồi sẵn. Cơ hội ngàn vàng, cả Tấn và tôi đề nghị Yến hát một bài góp vui (đề nghị mà như năn nỉ). Chút chần chừ, rồi Yến nhận lời. Điều bất ngờ là không phải một bài hát của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy hay Vũ Thành An... như lệ thường của bọn tôi, mà "Ai Cho Tôi Tình Yêu"  của Trúc Phương. 
" ... Nằm nghe cô đơn, thoáng bước trong buồn
Giá buốt về tìm, sao rơi cuối đêm
Nhà vắng mang nhiều cay đắng, xua hồn đi hoang

Ai cho tôi tình yêu, để làm duyên nụ cười
Tôi xin dâng tình tôi trọn đời
Người ơi người, xin đừng e ấp,
làm tim nghẹn ngào ...."    (*)

Tiếng hát khi vút cao, lúc trầm buồn dạt dào xúc cảm như lôi cuốn người nghe vào tâm sự của người con gái mới lớn. Từng câu từng lời, giản dị dễ hiểu Yến làm tôi có cái nhìn khác đi với dòng nhạc boléro mang nhiều tính "bình dân" này. Bài hát đã hết nhưng âm điệu trong tiếng hát "đời thường" của Yến vẫn ngân vọng đâu đó chưa muốn dứt. Đêm mới bắt đầu và tình yêu chưa mở lối. Tấn vừa nhìn Yến vừa chớp mắt cười cười:
- Yến có hát thêm chữ cho bài nhạc này phải hông?
- Sao anh Tấn biết hay dzậy?
- Đừng tưởng bở nghen, nhạc Trúc Phương một bụng đây nè..! Chữ của Yến thêm là theo cách ngắt câu và ý của người miền tây nam bộ mình. Chứ theo câu nói người Huế là phải hết câu, hổng có ngắt khoảng mà dấu luyến cho bài hát.
Thật tình nghe Tấn nói đến đây, tôi vẫn chưa hiểu gì vì không biết và không thuộc lời bài hát. Mãi vài ngày sau, tôi hỏi riêng Tấn, thì mới biết đó là câu nào và chữ Yến hát thêm là gì! Có thêm chữ hay hát đúng theo câu, bài hát từ giọng Yến với tôi lúc nào cũng hay và cũng có ý nghĩa của nó. Mặc dù lúc bấy giờ trái tim tôi đã trao hết cho người con gái bên kia sông miền quê nội! 

Rồi cuộc sống cứ lặng lẽ trôi nhanh. Tôi đậu tú tài 1, rồi tú tài 2 và tiếp tục vào đại học. Cả Tấn và Phương thi rớt tú tài 2, vào Thủ Đức. Chuẩn úy bộ binh Phương về đóng quân ở Đức Hòa, Đức Huệ. Còn chuẩn úy biệt động quân Tấn thì rày đây mai đó khắp miền đông đất đỏ đến mọi vùng cao nguyên lửa khói. Khi tôi đang học năm thứ nhất đại học sư phạm thì Ngọc Yến lập gia đình. Chồng nàng tên Trung là một trung úy công binh, có nét dày dạn phong trần của một quân nhân, quê ở Long An. Ngày dự đám cưới, tôi nhìn thấy được niềm vui thật viên mãn trên khuôn mặt và trong nụ cười của Yến. Gần tàn tiệc cưới, tôi hỏi đùa Yến: "Bây giờ chắc Yến không còn hỏi 'Ai Cho Tôi Tình Yêu' nữa rồi phải không?". "Mà Yến có hỏi, thì anh có cho đâu!", Yến trả lời tinh nghịch.

Hơn một năm sau tôi bàng hoàng khi hay tin chồng Yến tử trận khi đang xây dựng lại cầu đường ở Di Linh. Nhìn người thiếu phụ tuổi đôi mươi trong bộ tang phục, đứng thẩn thờ bên chiếc quan tài chồng, tôi thấy cả vùng nước mắt của một thế hệ chúng tôi đang chảy nghẹn ngào vào biển mặn. Người ra đi, người ở lại, cả hai tuổi đời chưa quá ba mươi. Bức ảnh của Trung, bộ đồ tang trắng của Yến là thảm kịch của cuộc chiến tranh tàn khốc. Mỗi thân phận con người thật nhỏ bé và bị cuốn hút, nhận chìm trong chiều dài nỗi đau thương đất nước. Đêm vẫn qua cho dù những ai không chờ sáng; ngày vẫn lên như đẩy cuộc sống lao về phía trước của ngày mai.

Có hằng chục, hằng trăm bài hát hay mang đầy giá trị nghệ thuật được đưa vào "kho tàng" âm nhạc của dân tộc. Chúng ta lắng nghe, trân trọng và bảo tồn như từng viên ngọc quý của quê hương. Những bài hát đó chúng ta lắng nghe như người thưởng thức món ăn tinh thần của đời sống tâm hồn... Nhưng chỉ vài hoặc một bài hát ở lại và theo ta suốt hành trình của đời người, vì nó gắn liền với kỷ niệm. Bài hát có thể không được ưa chuộng, ngay cả chẳng mang giá trị nghệ thuật gì nhưng với ta là cả một phần đời luôn mãi cưu mang... Cuộc chiến bất ngờ kết thúc, nén mỗi thân phận con người vào những bi kịch khác. Cùng khắp quê hương, cùng khắp mặt địa cầu bao kiếp đời lưu lạc. Lần cuối tôi được tin về Phương, Yến khoảng 2009, hơn 40 năm sau. Tấn thì biệt vô âm tín, không ai biết chút tin tức nào? Phương làm thợ sửa đồng hồ, cùng gia đình sinh sống ở chợ Bà Chiểu, Sài Gòn. Còn Yến thì đã lập gia đình thứ hai và đang sinh sống ở Cần Giuộc, Long An. Không biết bây giờ Yến còn nhớ bài hát của những ngày xưa? Chắc là không? Thôi thì tôi mong như vậy. Hãy quên đi nghen Yến, thảm kịch của một thời con gái? Hãy vui sống với "hiện tại" đang có và tôi tin với khuôn mặt đó, nụ cười đó, tâm hồn đó Yến sẽ có cuộc đời yên bình, hạnh phúc hôm nay và những mai này. Hãy để chỉ một người phương xa còn nhớ, còn cưu mang tiếng hát, bài ca kỷ niệm một thời mới lớn không quên:  

"Nhưng biết chỉ là mơ... 
Nên lòng nức nở, thương còn đi yêu thì chưa đến
Tên gọi tên tình chưa đỗ bến (biết) nẻo mô mà tìm?..."   (*)

Durham, North Carolina
Nguyễn Ngọc Hoàng
(*) Ai Cho Tôi Tình Yêu - Trúc Phương 



   

2 nhận xét:

  1. Trước hết KT xin cám ơn thầy đã nghe em hát, rất thích và trân trọng những lời bình luận của thầy, luôn làm cho cô 5 thấy vui và có nghị lực tiếp tục ca hát và thơ thẩn ... ( trước khi mình đi vào lứa tuổi mà dù có thích hát biết mấy thì chất giọng cũng sẽ bị mai một, ai thì cũng sẽ đi tới giai đoạn này mà thôi ).

    Thầy đoán quả không sai, KT đã hát dư 1 chữ , BIẾT ...NẼO MÔ MÀ TÌM , chữ Mô tự nó đã nói lên chất Huế trong bài hát, và suýt chút nữa KT lại hát dư thêm một chữ vào cuối bài hát rồi đó... CHỚ LÀM TIM NGHẸN NGÀO...

    Dù là tình cờ nhưng nhờ vậy KT và các độc giả lại có dịp được đọc một bài viết thật hay, một kỷ niệm đẹp của riêng thầy, rồi nhớ lại quê hương mình trước 75 mà thấy cảm thương cho tuổi trẻ và kính phục những người đã hy sinh để bảo vệ quê hương miền nam Việt Nam của mình...

    Kính chúc thầy và gia đình luôn vui khỏe, mong cho vấn nạn thế giới về cơn đại dịch sẽ qua nhanh để mọi người được trở lại cuộc sống bình thường như ngày xưa.
    Thân mến
    KT
    Tb : Trước khi hát bài này KT đã có tìm và thấy bản gốc không có chữ “ Biết” bản sau này thì lại có, rồi không hiểu sao khi hát mình lại hát dư, có lẽ sẽ dễ hát hơn nên mới có câu chuyện “Bài Ca Kỷ Niệm” hé.
    Đây là lời của Google viết
    Ai Cho Tôi Tình Yêu
    Trúc Phương
    Ai cho tôi tình yêu
    Của ngày thơ ngày mộng
    Tôi xin dâng vòng tay mở rộng
    Và đón người đi vào tim tôi
    Bằng môi trên bờ môi
    Nhưng biết chỉ là mơ ...
    Nên lòng nức nở, thương còn đi chứ yêu thì chưa đến
    Nên gọi tên tình chưa đỗ bến, (biết) nẻo mô mà tìm?
    Nằm nghe cô đơn, thoáng bước trong buồng
    Giá buốt về tìm, sao rơi cuối đêm
    Nhà vắng mang nhiều cay đắng, xua hồn đi hoang
    Ai cho tôi tình yêu, để làm duyên nụ cười
    Tôi xin dâng tình tôi trọn đời
    Người ơi người, xin đừng e ấp,
    Làm tim nghẹn ngào ...

    Trả lờiXóa
  2. K. Trúc thân mến,

    Mãi đến bây giờ tôi mới nhận ra đây không phải là bài hát dễ hát và không dễ hát hay. Có quá nhiều luyến láy, thay tone đổi nhịp. Để thấy tiếng hát của KT vẫn còn nhiều cảm xúc và "thanh xuân"...

    KT còn cho tôi biết thêm một điều hay hơn nữa, có thêm chữ (biết) "có lẽ sẽ dễ hát hơn"! Đây là điều lý giải hợp lý nhất cho người hát trong trường hợp này..!

    Tôi cứ luôn nhớ lời người bạn (Tấn rất giỏi nhạc lý và guitar), thì chữ "(biết) nẻo mô mà tìm"... là cách ngắt câu theo kiểu người miền tây nam bộ của mình!

    Chúc KT luôn nhiều sức khỏe, vui tươi để niềm đam mê ca hát luôn mãi thanh xuân!



    NN Hoàng

    Trả lờiXóa