Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Tình Quê (Rạch Giá)

Tùy bút của Hình Toàn 


 Hôm nay tôi muốn nói về tình bạn thời trung học và tình bạn già sau mấy chục năm lưu lạc, bây giờ mới tìm gặp lại nhau 

Tình cờ gặp lại nhau, dường như lâu lắm 
Rất quen nhau gặp lại nhau
Mắt vương niềm đau gặp lại nhau lúc 
Sắp xa nhau gặp lại nhau 
Tóc xanh phai màu 
              
Buồn như lời trong nhạc phẩm “tình cờ gặp nhau” sáng tác Trần Quang Lộc 
Vâng ... nếu mỗi hai năm một lần trung học tỉnh KIÊN GIANG không tổ chức những lần HỘI NGỘ, thì có lẽ các thầy cô và bạn bè của trường trung học tỉnh Kiên Giang (Trường Nguyễn Trung Trực, Lâm Quang Ky, Phó Điều hay trung học Kiên Thành) có cơ hội gặp mặt, khi thì tổ chức tại Hoa Kỳ (xoay vòng các tiểu bang) có khi sang Canada, hoặc Úc Châu ...
Vừa về Hội Ngộ vừa là một chuyến du lịch đi chơi xa, vì giờ đây tất cả thầy trò đều tóc bạc như nhau, tệ lắm cũng từ sáu bó trở lên 
     Thời gian không dừng lại bao giờ, mới ngày nào thầy cô trên bục giảng với lứa tuổi thanh xuân lòng đầy nhiệt huyết, có nhiều thầy cô là người tại quê nhà 
có người từ những tỉnh khác đến, thoạt đầu khi nhận được sự vụ lịnh xuống miền tây vùng ven biển để dạy các thầy hay cô tưởng là bị đày xuống hốc bò tó nào rồi, cái tỉnh gì mà tên nghe lạ hoắc, ở tuốt gần vùng u minh thượng nước mặn đồng sâu ...thì hở ơi, mặt mày bí xị .

       Tỉnh lỵ gì mà nhỏ như lòng bàn tay, chiều xách xe chạy một vòng là hết chỉ có một con đường chính chạy từ cổng Tam Quan đến đầu chợ cá là nhộn nhịp, trường thì như cái trại gia binh, bên nây đường có năm sáu dãy lớp, sang bên kia đường thì thêm văn phòng và lớp học có lầu, nhìn lạ lẫm làm sao trường thì mà cất gần cuối đường đi xuống bờ biển (xóm mộ bia) 
     Còn nói là biển, mà biển thì không thể tắm như biển Vũng Tàu hay biển Nha Trang, chợ thì cặp sát mé biển, dân thì nửa quê nửa chợ, cách nói chuyện thì thiệt thà làm sao, nghĩ sao nói vậy người ơi .
     Quê tôi tuy quê mùa vậy đó . Nhưng lâu dần bén rễ lúc nào không hay 


Có thầy thì se duyên cùng cô giáo vì mỗi ngày gặp mặt nên ý hợp tâm đầu, có những ông thầy trẻ mới ra trường nên đến quê xa xứ lạ, tứ cố vô thân tìm nơi ở trọ và ăn cơm tháng (rồi lâu dần thấy nơi mình ở trọ cũng có cô học trò nhỏ của  mình, vì dạy và học chung trường, và ở trọ trong nhà, nên đi dạy cho học trò quá giang ....kkk ...lữa gần rơm lâu ngày cũng cháy ...nên thôi nộp đơn làm rễ đông sàng, đâu có luật nào ngăn cấm hai trẻ yêu nhau (nếu ai là người trong cuộc thì tự hiểu lấy ...tôi không có ý nha, tui biết cũng năm ba cặp nhưng hỏng tiện nói tên, nhưng tình keo sơn đến bạc mái đầu) 

     Rồi có nhiều người khoái “bún cá Rạch Giá” nên cũng tìm một đầu bếp cho riêng mình tại xứ sở này, mà xứ này chuyên môn “bắt rễ” chớ các nàng hỏng chịu làm dâu, nên thầy bà gì cũng khăn gói từ giã cha mẹ mà dìa ở rễ vùng Rạch Giá, hỏng biết các nàng to nhỏ làm sao mà “thương em quên cả đường đi lối về “ có chàng còn tập nấu món ăn Rạch Giá .

Mà chưa thấy cặp nào là “vòng tay tay học trò” như tác phẩm của Nguyễn thị Hoàng, hay là các cô tự cao vì khi kết tóc xe tơ muốn tìm người cao hơn mình một bậc (dầu thời ấy có nhiều thanh niên vì chiến tranh nên đi học muộn màng dù tuổi đời hơi lớn) 
    Tưởng rằng xuống dạy vài năm rồi xin thuyên chuyển nơi khác, nhưng ngày lại ngày qua thì ở chốn này cho đến ngày xuống bến ra khơi, có những học trò nhà có tàu có ghe đi biển, nên khi vượt trùng dương vẫn không quên thầy cô và bạn bè của mình lại cùng nhau vượt biển đông, thầy trò bè bạn lại sống chết bên nhau hay gặp nhau trên đường tỵ nạn 

     Những tình cảm ấy khó tìm lại được, nay tuổi già sức yếu tóc điểm màu sương, còn gì để mà giận hờn, còn gì để mà trách móc 
Như tôi ..một cô học trò thường hay “cúp cua” và phá phách ....ôm tập đến trường ngồi trong cửa lớp mà hồn cứ để ngoài sân 
Chán môn anh văn, chê môn hoá học, lý hoá bỏ qua, toán thì than mệt óc 
văn chương thì không đầy lá mít, viết thì sai chính tả tùm lum, lỗi thì không chịu bắt, la rầy ăn khẻ thì lại khóc “nắng không ưa mưa hỏng chịu” 
   Đi học thì vái cho thầy cô (bịnh) để được nghĩ học (buổi nào đỡ buổi nấy)
Mà nay đến tuổi già gom nhặt những văn chương chữ nghĩa học thời xa xưa đó 
để viết thành truyện thành thơ ....
Nghĩa là học một thời cũng giữ lại được một ít để đời viết kể chuyện mình kể chuyện thời xưa và nhớ lại quảng thời gian đã mòn mấy đôi guốc đi tìm con chữ 
Nay xin viết lại để đền ơn trả nghĩa cho thầy cô một thời đã dạy cho chúng em thuở cắp sách ngồi dưới mái trường Nguyễn Trung Trực. 
      Nay cũng nhờ thời đại internet nên lại tìm đến nhau trên trang mạng xã hội, qua trang :
⁃ Trung học Kiên Thành (Hoa Trần làm bang chủ nối kết lại các chân tình ở khắp bốn phương) 
⁃ Tha Hương (do cô Hoàng thị Tố Lang điều khiển)
    Những trang mạng này như một sân chơi để tình thầy trò, tình bè bạn khắp mọi nơi trên thế giới liên lạc, thăm hỏi tạo niềm vui trong tuổi xế chiều, thì nên chín bỏ làm mười, đừng nghĩ cái TÔI mình quá lớn ...mà giận hờn nhau, giờ không ai còn nhỏ nữa, còn gì để mất nữa đâu, thầy cô học trò đều xấp xỉ xuống đồi, hỏng biết vài năm hay mười năm ai còn ai mất THÔI cứ vui với hiện tại những gì mình đang có BÓNG THỜI GIAN không níu lại bao giờ .

Tôi một kẻ tha hương ngộ cố tri ...sau vài chục năm miệt mài trả nợ áo cơm, nay tuổi sắp về chiều nên cũng tập tành làm thơ viết truyện, nhưng hỏng phải là văn sĩ chuyên nghiệp, nên hỏng thể đặt lời văn trau chuốt để viết truyện tiểu thuyết, mà chỉ gom góp những câu chuyện đời mình cùng với những suy tư và cảm xúc để làm “văn lẻ” viết lẽ tẻ cho qua tháng ngày xin các bạn thông cảm vì văn chương chữ nghĩa tui học được chỉ bấy nhiêu thôi thì vận nước điều linh  nên thầy trò chúng tôi xuống tàu dong tuốt qua xứ người ...


Mong ngày HỘI NGỘ ... sẽ gặp lại nhau xin  nên trân quý những gì có sót lại (hy vọng một hai năm sau hết cơn khủng hoảng thầy trò và bạn bè sẽ có dịp gặp)

Hình Toàn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét