Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Đoạn Dạo Đầu, Khúc Hùng Ca

Hồi ký của Phạm Hồng Ân 


          (Gởi Kalee xa xăm)

Tg Phạm Hồng Ân
Chiếc Boeing 707, sau khi vượt qua chặng hành trình dài 12,000 dặm, đã ngạo nghễ đáp xuống phi trường Newyork an toàn. Nước Mỹ rực rỡ hiện ra trước mắt chúng tôi. Tất cả đều mới lạ, đẹp đẽ, và văn minh một cách tuyệt vời.    
Trường U.S. Naval Officer Candidate nằm ở tiểu bang Rhode Island, trong thành phố Newport, thuộc khu vực vịnh Narragansett. Đó là điểm cuối cùng chúng tôi phải đến, để chịu thời gian thụ huấn, cách đây thêm 2 giờ xe nữa. 
Chiếc bus quân sự màu xám tro, dềnh dàng như tòa nhà hình hộp, đang nằm sẵn chờ chúng tôi bên vệ đường. Cô tiếp viên Mỹ xinh xắn, nở nụ cười thật tươi thắm, đưa tay chào đón chúng tôi một cách nồng nàn.
Chúng tôi là Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân từ Việt Nam sang Hoa Kỳ học hải nghiệp. Những khuôn mặt ngơ ngáo, chưa biết mùi đời. Vừa rời ghế nhà trường, tình nguyện vào lính, bởi chiến tranh càng lúc càng dâng cao đến độ nóng sốt. 
Có lẽ, lần đầu, chúng tôi đi xa. Trải qua cuộc du hành dài lê thê, nhưng rất ngoạn mục. Chúng tôi tiếp cận ánh sáng văn minh, từ: Narita (Nhật), rồi Alaska, đến Newyork (Mỹ)... Ở đâu, người ta cũng đều lịch sự và ấm no như trong cõi thiên đàng. Nhìn lại, đất nước tôi, biết bao năm vùi mình trong đói nghèo và chiến tranh - mà xót xa, tội nghiệp biết chừng nào!
 Chiếc bus lướt êm ái qua cầu Jamestown cong vút. Cây cầu tuyệt diệu bắc qua một eo biển rộng. Từ xa, nhìn lại, nó cao và nhô lên như mảnh trăng lưỡi liềm. Nó khiến tôi nhớ đến cây cầu ô thước trong truyện cổ tích, do bầy quạ khổng lồ chỉ bắc mỗi năm vào mùa mưa ngâu, cho đôi Ngưu Lang và Chức Nữ gặp gỡ. 
Qua cầu, trường bắt đầu hiện ra trong ánh nắng nhàn nhạt của buổi chiều. Buổi chiều chớm thu. Thế mà trời lạnh như cắt. Cái lạnh muốn cắt sâu vào da thịt. Cắt sâu vào ruột gan nỗi khắc khoải nhớ nhà.
Chúng tôi sắp hàng dài, đứng nép vào nhau truyền hơi ấm, chờ đợi các Barman dẫn vào Hall. Mới chớm thu, có dăm đứa trong chúng tôi đã ọc máu mũi. Không biết mùa đông sắp tới. Khi tuyết bắt đầu rơi lả tả, số phận chúng tôi sẽ ra sao?
Ở Newport, có rất nhiều trường Hải Quân nổi tiếng, như: U.S. Naval War College (thành lập năm 1885), Naval Education and Training Center, Naval Undersea Warfare Center (1934)... Trường chúng tôi thuộc Naval Education and Training Center. 
Phạm vi trường rất rộng, trải dài theo vịnh Narragansett. Có những khu vực huấn luyện trang bị tối tân và những Hall xây cất bề thế. Trong đó có Ney Hall, là một nhà ăn rất lớn, có thể chứa được hàng trăm thực khách.
Tôi đến Ney Hall mỗi ngày ba lần, và lần nào cũng là người khách cuối cùng rời quán. Tôi thích không khí nơi đây. Buổi chiều, trời se se lạnh, ngồi nhấm nháp ly cà phê nóng một mình, rồi tưởng đất nhớ trời... cũng thấy ấm lòng đôi chút. Tôi nhớ những ngày lang thang ở Sài Gòn, những khúc bánh mì thay cơm, những dòng chữ tuôn rơi như dòng nước mắt ràn rụa trong đầu. Nhớ cú đấm của tên khách dâm đãng ở bar Thiên Đường, tiếng hằn học chói tai của người chủ bar và tiếng mưa lạnh lùng giữa đêm khuya trước hiên nhà Lý. Nhớ Má, Ba, Dì, anh chị tôi và cả Nguyệt, Lan, Lý...Những tấm lòng vàng. Những người đã đùm bọc, che chở tôi trong năm tháng cơ hàn. Nhưng cuối cùng, sự học cũng dở dang, tôi phải vào lính. Không đem được kiến thức mình ra giúp ích xã hội, thì xông pha nơi chiến trường, cũng là một thái độ anh hùng, bảo vệ nền tự do cho đồng loại. Có điều, tôi đã mất Út. Mất Út trong nỗi hoài nghi, cay đắng ngút ngàn. Tự dưng, nàng bỏ đi, không từ giã đôi lời. Hay nàng muốn để lại trong tôi một nguồn thơ, phong phú niềm đau? 
Khóa học càng lúc càng thú vị. Ngoài chuyện "huấn nhục" do khóa đàn anh bày ra, chúng tôi đến trường tươm tất như những chàng công tử ngày xưa lên triều thành ứng thí. Giảng viên đều là người Mỹ. Những ông Mỹ này đã từng lặn lội ở chiến trường Việt Nam trong quá khứ. Chỉ những lần học chuyên môn về hàng hải, chúng tôi phải lần mò trong tự điển trước cho tường tận vấn đề, để sáng mai an tâm bước vào giảng đường với giáo sư phụ trách. Mỗi tuần, nhà trường đều tổ chức "tour" đi đó đi đây để sinh viên giải trí. Ngoài các "tour" ở Newport, Newyort,  Massachusetts, Boston...Các nơi thăm viếng khác, như: tổng hành dinh Liên Hiệp Quốc, tượng Nữ Thần Tự Do, các quân trường, các bảo tàng viện...Tôi muốn dừng chân ở Old Sturbrige Village thật lâu, thật chậm - để ngắm cảnh đồng quê của nước người, mà tưởng nhớ đến quê hương mình - một quê hương tội nghiệp đang trầm luân trong khói lửa. Làng Sturbrige ở Massachusetts, đầu thế kỷ 19,  là một nông trại của David Wight. Chính phủ Hoa Kỳ đã mua lại trang trại này làm một bảo tàng sống cho đến ngày hôm nay. Ở đây, người dân sống hòa mình với thiên nhiên thanh bình. Kể cả súc vật, từng đàn bò sữa tung tăng trên cánh đồng cỏ non bạt ngàn. Năm 1970, tôi đến làng này, đeo bên vai một máy chụp ảnh Canon. Các cô sơn nữ ở đây đã rủ nhau, túa ra xem máy ảnh. Họ cầm máy ngắm nghía, trầm trồ một cách say đắm, như trong đời họ chưa từng được nhìn thấy sản phẩm này bao giờ. Chẳng biết hôm nay, gần 50 năm qua, các cô sơn nữ cận đại có còn giữ vẻ mộc mạc và quê mùa như ngày xưa không? Sturbrige Village còn có ba nhà máy chạy bằng hơi nước, và một trang trại làm việc đêm ngày, góp phần đưa bảo tàng sống này thành một điểm du lịch rất hấp dẫn cho du khách thế giới.
Mùa hè, tôi thường ra biển chơi. Bãi biển chỉ cách phòng vài phút đi bộ. Bãi tuyệt vời. Cát vàng óng ánh. Nước biển trong xanh, thỉnh thoảng có vài ngọn sóng vỗ nhẹ vào bờ. Từ xưa đến nay, đi khắp nơi, tôi chưa thấy có nơi nào êm ả, thanh bình như ở đây. Màu biển và màu mây xanh thẫm, dưới ánh nắng êm dịu của mùa hè, thiên nhiên dường im vắng, lạ thường. Tôi thả bộ trên cát vàng. Chim hải âu từ đâu xà xuống, nhảy lò cò theo bước chân tôi. Chim làm quen với người. Chim quay mỏ ngó tôi, chim-chíp kêu nhẹ, như bày tỏ sự thân thiện. Và bỗng đâu, có đôi chân trần cũng tiến tới êm êm, dừng lại bên đàn chim, nhoẻn miệng cười với tôi.
- Chào anh. Sáng Chúa Nhật, trời đẹp. Anh không đi bờ sao?
Tôi quay lại. Một cô gái Mỹ. Một cô gái rất bình thường, nhưng làm rúng động tôi ngay từ lúc đầu. Mái tóc hoàng kim tha thướt chấm vai. Và đôi mắt long lanh... xanh thẫm nghìn trùng! Tôi lặng lẽ chiêm ngưỡng. Như đã từng lặng lẽ đi theo các cô nữ sinh ở quê nhà. Lặng lẽ, rồi về nhà làm thơ, cà lơ phất phơ với nỗi buồn riêng tư. Tôi e dè với vốn liếng Anh văn của mình, đành lí nhí.
- Chào cô. Tôi ra phố mới về. Mà...mà cô ở đâu vậy?
- Em ở khu bên kia. Nữ quân nhân.
Theo ngón tay cô gái, tôi thấy những khu nhà khang trang phía trái, vượt lên nền trời. Nơi có chiếc cầu Mount Hope, treo vời vợi trên mỏm núi đằng xa.
- Ô. Vậy chúng ta cùng là chiến sĩ?
Cô gái cười, phô hai hàm răng đều đặn, trắng như ngọc.
- Chiến sĩ biển cả.
Người Mỹ tự nhiên thật. Chưa chi cô gái đã sánh vai tôi, đồng hành đi dọc theo bãi.
- Tôi tên Kaylee. Rất hân hạnh quen biết với anh.
Tôi chỉ vào bảng tên tôi đang đeo trước ngực, rồi run run thốt một câu, chẳng ăn nhập vào đâu.
- Nắng ấm...mà sao gió hôm nay lạnh quá!
Vốn liếng Anh ngữ của tôi ít ỏi, không thể nghe và hiểu được nàng nhiều. Nhưng, với giống đực và giống cái, dường như có giác quan rất đặc biệt. Nó hiểu và cảm thông nhau ở cách thế khác. Vả lại, có ông thi sĩ nào đó đã nói: "Thương nhau là từ hai hướng khác nhau, cùng nhìn về một hướng". Thế đấy! tôi và Kaylee quen nhau từ lúc ấy. Từ buổi sáng Chúa Nhật lãng mạn ấy.
Thời gian êm đềm trôi qua, cho đến một hôm, ngày mãn khóa đã tới. Chúng tôi phải rời trường, trở qua California, thực tập ở Slough vài tuần nữa, trước khi về nước. Kaylee khóc cạn nước mắt. Tội nghiệp, nàng bên tôi không rời, suốt mấy giờ qua. Chiếc bus chực sẵn bên ngoài, cứ bóp còi inh ỏi. Bạn bè tôi la ó vang rân, hối thúc liên hồi. Kaylee mềm nhũn trong vòng tay tôi. Nàng thì thào qua hơi thở: "Tốt nghiệp, em sẽ tình nguyện sang Việt Nam, chiến đấu với anh."
Slough là một con sông dài 7 dặm, có cửa sông tại vịnh Monterey ở hạt Monterey, California. Khung cảnh ở đây giống hệt những dòng sông tử thần vùng U Minh Cà Mau, nghĩa là nó hoang dã, đầy lùm bụi, bãi lầy và vô số địch quân. Chính những nguy hiểm như vậy, cho nên chúng tôi phải thực tập, trước khi trở thành sĩ quan chỉ huy thực thụ. Hằng ngày, chúng tôi leo lên những giang đỉnh đủ loại, để tập lái, tập ủi bãi, cặp bến, di hành, truy kích, khai hỏa và ngăn chận địch. Người nhái Mỹ sẽ giả dạng địch quân, rút vào rừng cây, lâu lâu dùng B.40 tấn công chúng tôi. Nửa đêm, họ làm đặc công, mò mẫm vào căn cứ, bắt trói vài ba người. Về đây, chúng tôi ốm lại, tinh thần xuống dốc vì cơ cực, thiếu thốn và chạm trán quá nhiều tình huống bất ngờ. Từ một sinh viên sĩ quan no cơm ấm cật, sáng nào cũng có ly cà phê và ba trứng gà ốp-la, trưa nào cũng có thịt bò và tôm hùm, chiều nào cũng có cơm chiên Hồng Kông...hôm nay trở thành một tên lính chiến gian lao, mỗi ngày chỉ có khẩu phần đồ hộp, vừa đủ nhét bao tử. Từ một sinh viên sĩ quan nệm ấm chăn êm...giờ đây căng lều ngủ giữa rừng hoang, trên một nền cỏ đầy đất hòn đá cục. Ban đêm phải tạo tiền đồn, chia nhau canh gác cẩn thận. Vậy mà vẫn ngủ không yên, lòng cứ hồi họp, sợ đặc công đột nhập bất ngờ.
May thay, những tuần gian truân ở Slough cũng dần qua. Chúng tôi lại tề chỉnh như cũ, vui vẻ trở về nước. Ngày đó, tôi bước xuống Sài Gòn với tâm trạng nôn nao, khác hẳn với tâm trạng ngày xưa, lúc tôi lên Sài Gòn học đại học. Bây giờ, dường như Sài Gòn mở rộng vòng tay chào đón chúng tôi. Mọi người xung quanh dừng lại công việc, ngẩn ngơ ngắm chúng tôi trong bộ tiểu lễ trắng phau, một cách hãnh diện. Các bóng hồng thấp thoáng từ xa, nhẹ nhàng rơi xuống từng đứa. Họ ôm nhau, mừng rỡ, giọt vắn giọt dài. Chỉ trừ tôi, bất chợt cô đơn giữa dòng người đầy ắp thương yêu. 
Ôi! Út ơi, em đã bay cao? Ôi! Kaylee ơi, em đã nghìn trùng xa cách. 


Phạm Hồng Ân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét