Hồi ký của Phạm Hồng Ân
Ba bỏ Cà Mau đi, vài năm sau, má tôi sa sút một cách nhanh chóng. Những căn nhà lần lượt bán. Tiền bạc cũng không đủ để nuôi một bầy con và bầy cháu ăn không ngồi rồi. Chị Mau chỉ biết nấu nướng và chăm sóc cho từng đứa, là đã hết thời gian trong ngày. Cuối cùng, chị đành kiếm chồng. Một ông lính trong sư đoàn 21 thương chị, chịu đưa gia đình chị về Chương Thiện sinh sống. Chị Mau đi, má thêm vất vả. Cái quán ế nhệ. Vì những cái quán mới mọc lên, bao vây chung quanh. Vì rạp Huỳnh Long đóng cửa, người chủ rạp xoay qua kinh doanh cho hàng không Air Việt Nam. Thất bại, má bán luôn cái quán, rồi dọn nhà tới sát trại lính, pha cà phê kiếm sống. Khu trại lính này, ngày xưa là khu dinh điền rộng lớn dưới trào Ngô Đình Diệm. Nay, trong chế độ của tướng lãnh, nó biến thành trại địa phương quân, súng ống rợp trời.
Gia đình càng lúc càng kiệt quệ, túng quá, anh Hiệp tôi đành tới ban tuyển mộ, đăng lính Biệt Động Quân. Trên Sài Gòn, anh Nghĩa tôi dở dang việc học, cũng chui vào Thủ Đức. Em Báu tôi học chữ hết vô, xin má về tá túc với cô tôi, học nghề điện ở Bạc Liêu. Pha cà phê cho lính, không dễ kiếm ăn. Đa số lính đều uống ghi sổ, tới kỳ lương mới trả. Ban đêm ngủ cũng chẳng yên. Nửa khuya, họ đổi gác, gõ cửa xin mua một ly cà phê đen. Những ly cà phê đen nhỏ nhoi, tính lại, không đủ để nuôi tôi và thằng út ăn học, nên má làm thêm xíu mại bán cho lính ăn sáng. Tôi lại phải dậy sớm, đi bộ đến lò bánh mì, quảy một bao bánh trên vai, ba chân bốn
cẳng chạy về cho kịp giờ đi học. Xíu mại má tôi làm rất ngon. Ăn một chưa đã, muốn kêu thêm hai. Ăn hai, muốn trở lại ngày hôm sau để gọi thêm phần nữa. Chiều nào, má cũng mua thịt về bằm lụp cụp. Xong, trộn thịt với tiêu, tỏi, hành, bột ngọt...rồi vò từng viên tròn cho vào nước nêm, chưng cách thủy. Trong lúc má bằm lụp cụp thì tôi ngồi học bài ở sau nhà. Cái bàn tròn của ba để lại, nay là bàn học của tôi. Cái rương sách cồng kềnh của anh Nghĩa, nay là chỗ ngồi để tôi ôn bài hay làm thơ. Thơ bắt đầu bộc phát từ đó. Từ nỗi đau của gia đình. Từ những khoảng trống mà người thân bỏ lại. Sau này, thơ thêm sắc thêm màu, nhờ bóng dáng trinh nguyên học trò, nhờ những tà áo dài màu trắng phất phơ mỗi ngày. Nhờ Nguyệt, cô gái ở pharmacy Cà Mau, có lần tiễn tôi ra bến xe đi thi tú tài, rồi khi xe bắt đầu chuyển bánh, nàng đã lẳng lặng trao tôi một phong thư, trong đó có xấp tiền dày cộm. Nhờ Út, cô gái thề non hẹn biển với tôi, và vẹn tròn khí tiết cho đến ngày tôi bỏ xứ không về. Tôi rời xóm Huỳnh Long ra đi, như bỏ lại tuổi thơ dữ dội ở đó. Tôi về xóm trại lính an cư, như nung đúc tuổi thanh niên vừa chớm, thêm sức sống cho đời. Tôi biết nỗi bất hạnh đang vây lấy tôi. Tôi biết phiền muộn đang nẩy mầm trong tôi, và sẽ tượng thành cây, thành trái độc dược. Tận dụng tất cả cố gắng, tôi lao vào học. Học, học, học. Thế rồi, trời không phụ lòng người, tôi đậu trung học đệ nhất cấp, đậu tú tài một và ôm luôn mảnh bằng tú tài hai. Ở Cà Mau, lúc đó, không có hội đồng thi tú tài. Muốn thi, phải lên Cần thơ. Chiến tranh, bấy giờ, đang hồi ác liệt. Quốc lộ 4, ban ngày quốc gia giữ, ban đêm việt cộng vào. Họ vào để đắp mô, đặt mìn hoặc dựng cờ giải phóng. Xe đò bị trúng mìn, lật nhào thường xuyên. Người chết, người bị thương cứ xảy ra không ngớt. Đoàn học sinh đi thi, dù sợ, mỗi năm vẫn phải lên đường. Đầu óc non nớt của đứa trẻ bắt đầu bám víu vào Trời Phật, như một cứu cánh của sự sống.
Trong lúc má tôi khổ sở bán nhà liên tu, thì được tin ba tôi yên bề gia thất với một người đàn bà khác ở xóm Chùa Tân định. Xóm Chùa là xóm nghèo, tập trung dân lao động tứ xứ, trong đó có những băng đảng, những tay anh chị khét tiếng ở Sài Gòn. Cảnh sát ít tới đây dòm ngó, ngoại trừ lâu lâu có một cuộc hành quân tổng hợp qui mô. Dựa thế, ba tôi trà trộn vào đó. Và nhờ sự giới thiệu của vợ chồng anh hai Đạm, ba tôi được một người đàn bà ở đây đùm bọc. Sau này vì tình nghĩa sâu đậm, cả hai đã kết thành vợ chồng. Ba tôi có với người này hai con trai: Phạm văn Đức và Phạm Chính Hiền. Khi về phép thăm má, anh Nghĩa đã kể lại, dì ấy rất hiền, có hai đứa con đều ra riêng, chồng mất đã lâu, nay gặp ba, lo cho ba từng chút, nên rất mừng. Chính Dì và ba đứng ra làm lễ cưới cho anh Nghĩa và chị Liên - người đã từng ở trọ nhà dì. Cưới xong, hai vợ chồng kéo nhau về tá túc trong nhà má chị Liên ở Phú Nhuận.
Đậu tú tài hai, có thể, tôi sẽ học sư phạm, ra thầy giáo, về lại trường trung học Cà Mau dạy học. Hoặc nộp đơn vào tòa hành chánh tỉnh làm công chức sống qua ngày. Nhưng trước tình cảnh gia đình như thế này, tôi mặc cảm, không thể vô tư làm việc ở tỉnh nhà. Tôi biết, má tôi đang mang một số nợ to lớn. Mặc dù má giấu, nhưng qua cách nói chuyện với các bà hàng xóm, qua những giọt nước mắt âm thầm trong đêm, tôi đã hiểu tất cả sự việc. Má tôi đã vay nợ cho tôi đi thi hai lần tú tài. Tôi nhớ, khi lên Cần Thơ thi, thí sinh phải ở lại khoảng tuần lễ hay mười ngày. Ai cũng mướn phòng trọ sớm, càng gần trường thi càng tốt, vì dễ dàng cho việc đi lại. Chỗ càng gần càng đắt. Rồi phải mướn người nấu cơm ngày hai bữa, cộng với một bữa ăn sáng. Nếu ra quán ăn, thí sinh tốn tiền hơn và mất thêm thì giờ. Như vậy, số nợ má tôi vay không ít. Chắc chắn trả góp, chủ nợ sẽ tính thêm tiền lời. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi quyết định lên Sài Gòn tiếp tục đại học. Khi tốt nghiệp, chắc chắn sẽ thay đổi hoàn cảnh, má sẽ không bao giờ đau khổ nữa.
Tôi lên Bạc Liêu thăm Cô tôi, sẵn dịp thăm em Báu, trước khi rời Cà Mau. Trong bộ quần áo nhem nhuốc dầu nhớt, Báu dẫn tôi ra quán cà phê tâm sự. Báu nhắp từng ngụm cà phê, nhưng hút thuốc lia chia. Điếu này vừa tàn, chụp vội điếu khác. Và cứ thế, mồi lửa, rít một hơi dài. Báu đen đúa thấy rõ, nhưng hai bắp tay cộm lên, trông có vẻ khỏe mạnh. Tôi mừng, vì em đã có một nghề. Mà nghề này, cô dượng và cả anh Đài tôi, hiện đang đi xe hơi, ở nhà lầu. Nhưng Báu lắc đầu, em muốn đi lính, đó đây, để phóng tầm nhìn ra cuộc đời. Bó chân một chỗ, hàng ngày nghe tiếng máy chạy nhức óc inh tai, em chịu không nổi. Tôi biết, đó chưa phải là lý do chính để Báu rời khỏi đây. Cô dượng tôi không thích con trai, nên rất khó với đám cháu trai. Khó, nhưng không ghét bỏ. Khó, vì muốn đứa trai giống như đứa gái: hiền lành, dễ dạy và xinh đẹp. Có lần, má kể về cô tôi với giọng điệu thương xót. Hai ông bà ao ước có đứa con gái, nhưng không bao giờ có được. Biết rõ điều này, có một cô gái nhà quê vừa sinh xong, vội bồng con đến, gạ bán cho cô tôi. Nhìn đứa bé gái dễ thương, ọ ọe trong vòng tay mẹ, cô tôi chấp nhận ngay. Cô đặt tên đứa bé là Vân, rồi mướn vú nuôi, nâng niu như trứng mỏng. Vân lớn lên như một tiểu thư, có kẻ hầu người hạ. Mỗi kỳ nghỉ hè, dượng tôi chở đi du lịch Vũng Tàu hoặc Đà Lạt. Sống quen trong nhung lụa, Vân êm ái trầm mình trong thế giới thượng lưu, không hề quan tâm đến những hoàn cảnh cơ cực bên ngoài, kể cả cái quá khứ đau thương của Vân, lúc thiên hạ bàn tán xôn xao.
Cô tôi có một căn nhà, nằm trong con hẻm trên đường Phạm ngũ Lão, ngang chợ Thái Bình. Căn nhà hai tầng, phía trước có cây sứ, tới mùa rộ hoa, thơm ngát một vùng. Căn nhà này dành cho dượng tôi nghỉ chân, khi ông lên Sài Gòn lấy hàng về bán. Và cũng là nơi dành riêng cho Vân, khi nàng lên đại học. Không hẹn nhau, tôi cũng lên đại học, cùng chung năm với Vân. Sẵn dịp, thấy hoàn cảnh bi đát của má tôi, cô quyết định dành cho tôi một chỗ trong căn lầu đó, trong thời gian đi học. Mừng quá, tôi vội thu xếp hành trang để đi Sài Gòn. Lần này, tôi được ngồi máy bay Air Việt Nam, bởi số tiền cô cho và bởi quốc lộ 4 đầy mìn bẩy, có thể nguy đến tính mạng. Hôm đó, má bận bán, Quí bận học. Chỉ có Út, lặng lẽ tiễn tôi. Út ngồi xe lam, ra phi trường trước. Tôi qua chợ Cà Mau, leo lên xe khách của Air Việt Nam, đi sau. Xe vừa đến cổng, tôi đã thấy tà áo bà ba trắng của nàng, phất phơ trong phòng đợi. Xúc động quá, nhưng biết nói gì đây ở tâm cảnh này? Chỉ có thơ. Thơ đang tượng hình trong tim, trong hồn. Những con chữ đang nhào lộn cảm xúc, biến đột thành ngôn ngữ thi ca. Hãy để nó tự do, bay nhảy và dẫn dắt.
Lên Sài Gòn, được ở nhờ nhà cô tôi, là vinh dự rất lớn cho tôi. Từ một tên nghèo, nhà dột cột xiêu - tự dưng thành nhân số của ngôi biệt thự sang trọng. Vui quá, tôi bắt đầu lêu lổng rong chơi trong thành phố mới mà nhịp sống mỗi nơi mỗi vẻ, thôi thúc tuổi trẻ tôi khám phá và hòa nhập. Chua xót thay, niềm vui chưa được bao lâu, nỗi buồn chợt kéo đến. Vân vai em tôi, vì cô tôi là em ruột ba tôi. Nhưng Vân lúc nào cũng tỏ ra đàn chị, hoặc người chủ trong gia đình. Sau khi thi rớt các chuyên khoa, Vân ghi danh vào khoa học, và bắt tôi phải cùng học chung ngành với nàng. Tôi từ chối, vì tôi không thích khoa học, tôi chỉ thích văn. Thế là, tôi và nàng bắt đầu có những dị biệt với nhau từ đó. Với lại, trong nhà, chỉ có tôi là đàn ông, còn bao nhiêu là đám nữ sinh ở Bạc Liêu lên trọ học, cộng với một người vú nuôi, cũng là đàn bà. Bơ vơ giữa vườn hoa đầy quyến rũ, tôi cảm thấy sợ sệt, sợ mất đi những hơi hướm tình yêu mà tôi đã thật thà trao hết cho Út. Nghĩ thế, tôi vội vàng xách hành lý, âm thầm qua Gia Định sống với đám bạn bè Cà Mau, lên đây trọ học ở xóm Cầu Mới. Căn nhà lá chật hẹp, chứa sẵn ba thằng: Thượng, Dân và Quyên. Nay có thêm tôi, nhường nhau, cũng vừa vặn. Nhà chỉ có một cái giường, Thượng và Dân đã chiếm trước. Quyên đành trải chiếu dưới đất làm giang sơn của nó, bây giờ lại đành chia tôi một nửa. Cửa nhà quay ra một lối đi nhỏ, bên cạnh con mương đen ngòm, lúc nào cũng bốc lên mùi sình hinh hỉnh. Mùi này làm tôi nhớ đến mùi kinh mười sáu, một mùi hinh hỉnh thân quen đã cùng hòa quyện với tôi trong suốt thời trung học. Cái mùi bắt đầu vọng vào mũi, vào tim, vào ký ức tôi - từ lúc má tôi dời nhà về bên bờ kinh, kề bên trại lính để bán cà phê. Vì thế, ở đây, ăn chay nằm đất với bạn, tôi thấy ấm áp và dễ chịu, hơn là sống lạnh lùng trong ngôi biệt thự mênh mông, nhưng quá xa lạ và lẻ loi.
Nghe tin tôi rời nhà cô, anh Nghĩa tức tốc đi tìm em. Anh hỏi thăm các bạn Cà Mau, lùng sục khắp nơi, cuối cùng gặp tôi, ngay trước cổng văn khoa. Hai anh em lặng lẽ nhìn nhau, nước mắt lăn dài. Sau vài lời thăm hỏi, anh dắt tôi vào tiệm phở, gọi cho một tô xe lửa. Lần đầu, ăn phở, ngon quá! Nước xúp béo ngậy, cộng với mùi thơm của húng quế, ngò gai...làm bụng tôi vẫn còn cồn cào. Cà Mau, không có tiệm phở. Chỉ có tiệm mì, hủ tiếu. Hoặc những gánh hàng rong ngoài trời, có thêm: cháo gà, cháo lòng, bún nước lèo...Anh Nghĩa đã đãi tôi một bữa ăn để đời. Đó cũng là một trong các lý do tôi tạc dạ ghi ơn anh. Trở lại Gia Định trên chiếc PC50 của anh, khi nhìn căn nhà ẩm thấp, lè tè bên góc mương - anh Nghĩa bỗng lắc đầu quầy quậy. Không được, không được. Em phải về Phú Nhuận với anh ngay. Ở đây, tù túng thế này, không học hành được đâu. Đi mau. Đừng cãi.
Căn nhà anh chị Nghĩa Phú Nhuận cũng chẳng khác căn nhà ở Gia Định chút nào. Cũng nhỏ nhoi, chật hẹp, đi ra đi vào phải lom khom như người bị lưng gù. Chỉ có điều, nhà anh chị tôi sạch sẽ hơn, không có mùi hương bùn cỏ ngoại. Thật ra, nhà này là nhà của má chị Liên. Bà ở đây từ lâu, ngày xưa chồng mất, bà đi làm cho Pháp để nuôi hai con ăn học. Lớn lên, người con trai tình nguyện vào trường võ bị Đà Lạt. Xấu số thay, ra trường chỉ được vài năm, anh tử trận. Buồn quá, chị Liên qua nhà dì tôi học thêu, và gặp anh tôi tại đó. Chỗ chật, cái giường của anh chị tôi đã chiếm hơn một phần ba căn nhà. Phía dưới là nơi nấu ăn. Người nấu, lúc nào cũng phải lom khom để khỏi bị đụng đầu. Chính giữa nhà, có một tủ thờ cao. Trên đó, bà đặt di ảnh của chồng và con. Đêm nào, bà cũng vái van, khói hương nghi ngút. Chỉ còn khoảng trống nhỏ, đủ cho bà mở chiếc giường xếp nhà binh ra ngủ, khi đêm về. Còn tôi, mỗi tối, anh tôi dẫn qua ngủ nhờ bên sân hiên cô hàng xóm. Sân hiên nhà giàu có khác. Trên cao là mái tole che mưa nắng hai mùa. Xung quanh, hiên được bao bọc bởi một hàng rào bằng cây vững chắc. Còn có một bộ ván đặt giữa hiên, dành riêng cho tôi nghỉ lưng. Còn có đôi mắt trong veo của cô chủ nhỏ tên Lan soi mói, khi bốn vách mùng của tôi chưa được gấp cẩn thận vào trong mép chiếu. Vài tuần sau, anh Nghĩa cảm thấy không ổn, nên dẫn tôi đi mướn một cái gác trong khu nghĩa trang Phú Nhuận. Nhìn sơ qua căn nhà, tôi đã sợ rùng mình. Bao quanh nhà, là hằng hà sa số những ngôi mộ chập chùng. Trong nhà, cũng có vài nấm mộ đá, lâu đời. Nhưng, ở đây, vợ chồng chủ nhân đã sống biết bao năm qua. Họ nói, họ chẳng bao giờ thấy bóng dáng của con ma nào hiện ra quấy rầy? Họ nhường tôi một căn gác, trên đó chưa có người ở, chỉ có một bàn thờ Phật, lâu lâu má của cô chủ đến thắp nhang. Anh Nghĩa và tôi leo thang lên gác. Gác trống cheo leo. Bụi loang loáng ván. Phía cuối, nổi bật một bàn thờ. Không thấy hình ông Phật nào trên đó. Chỉ có những tấm giấy màu vàng, vẻ chữ hán đỏ ngầu như máu - giống như bùa - dán lung tung lên vách.
Tôi hiểu, lương lính của anh Nghĩa đâu có bao nhiêu, nay gánh thêm tôi ăn học, tội nghiệp cho anh chị biết chừng nào? Nghĩ vậy, tôi đành gật đầu chấp nhận, mặc dù trong lòng không muốn ở nơi đây. Ngày tháng trôi qua, tôi vẫn nuốt chữ một cách gượng gạo. Căn gác tồi tệ, đầy bóng đen, không thể giúp tôi thoải mái trong kiếp thư sinh. Đêm đêm, mưa gió phũ phàng, giữa nỗi cô đơn vắng lặng, tôi tưởng mình đang bị chôn sống nơi đây - nơi cái nghĩa trang âm u và ghê rợn này. Chẳng bao lâu, ba tôi nhận được tin, vội tức tốc qua gặp tôi, bắt tôi thu dọn hành lý, theo ba về xóm Chùa. Xóm Chùa thuộc Tân Định, nằm cuối đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ở đó có hai con hẻm tách riêng. Nhà dì tôi nằm bên hẻm trái. Một căn nhà nhỏ nhắn, chật chội, giống như những căn nhà của dân lao động khác, mọc lên một cách e dè trong các con hẻm u tối ở ngoại vi Sài Gòn. Nhưng nhà dì tôi có thêm căn gác phía trước, dành riêng cho ba tôi. Dì nhường tôi một phòng nhỏ bên hông nhà. Phòng vừa đủ đặt một bộ ván và một bàn học. Cửa sổ sát bên con hẻm. Buổi chiều, tôi có thể ung dung ngồi ngắm thiên hạ đi qua đi lại. Chỉ vài tuần ngắn ngủi, tôi quen dần với chỗ ở mới, quen dần với cách sinh hoạt của dì tôi và những sở thích của hai đứa em. Ba tôi đi làm mỗi ngày. Ba đi làm cho một hãng bảo hiểm của người Pháp trên đường Nguyễn Huệ. Sáng nào, dì tôi cũng pha cho ba một ly cà phê nhỏ. Trong lúc ba uống, tôi nhanh nhẹn dẫn chiếc mobylette ra sân, kịp lúc cho ba lên đường. Sau đó, tôi mới khăn gói phóng lên xe đạp, vội vã nhắm hướng văn khoa chạy tới. Bữa trưa, ba và tôi cùng về một lượt. Cả nhà ngồi bẹp xuống nền xi măng dùng cơm. Thức ăn rất giản dị. Thường thì dì tôi mua cá hấp ngoài chợ, rồi đem về chiên. Có thêm một món canh khoai môn hoặc rau muống với tép, và một dĩa đậu xào. Dì nấu ăn rất ngon, chẳng thua má tôi. Có điều, dì nấu theo kiểu miền bắc, má tôi nấu theo kiểu người nam. Ăn xong, ba tôi nghỉ trưa một lát, rồi dậy đi làm. Còn tôi kêu thằng em ra xe, chở nó đi học. Buổi chiều, tôi đạp xe đến văn khoa một lần nữa. Nếu có giờ học, theo các bạn lên giảng đường. Nếu không, kéo nhau vào thư viện, mở sách để ôn bài.
Có chỗ ở chắc chắn, tôi liền viết thư báo tin cho Út. Chẳng bao lâu, tôi nhận được hồi âm. Cứ thế, chúng tôi liên lạc với nhau, thư qua thư lại. Những khi rảnh rỗi, tôi thường dành tâm trí để nghĩ về má và Út. Má thì đương nhiên rồi. Một người mẹ có ngôi vị đặc biệt trong trái tim tôi. Còn một cõi riêng nữa. Một cõi riêng dành cho người tình, dành cho Út. Út ít nói, gặp tôi, nàng chỉ lẳng lặng nhìn nhau, bằng đôi mắt nhuốm buồn. Tôi không hiểu nàng thật sự thương tôi, hay thương những bài thơ tôi làm? Thương tôi? Thương một đứa con trai tầm thường, nghèo đói, cơm chưa đủ ăn, áo không đủ mặc sao? Tôi chỉ giàu thơ. Sẵn sàng dâng cho bất cứ em nào một bài thơ để bày tỏ tình cảm của mình. Út quen tôi qua thơ. Những bài thơ đăng báo. Và gặp nhau, trong các buổi tan trường. Ngoài đời, Út trầm lặng. Hình như nàng chưa bao giờ thố lộ yêu tôi, giữa những lần hai đứa đối diện. Nhưng trong thư gởi tôi, lúc tôi xa Cà Mau, nàng nói rất nhiều. Nàng viết đến đỗi tôi nghĩ nàng là một người viết văn, hơn là một người viết thư tình. Nàng say sưa dệt gấm thêu hoa, vun đắp cho mơ ước của nàng. Nàng đưa tôi vào cõi thiên đường - thiên đường của tình yêu trăm năm. Tôi ra đi, nhưng hồn vẫn gởi cho nàng ấp ủ. Út ở lại, nhưng hồn cứ mãi theo tôi ủi an.
Thời gian lặng lẽ trôi, bỗng dưng, có một ngày, tôi không nhận được thư của Út nữa. Chờ hoài, đợi mãi, vẫn bặt tin. Tôi thất vọng. Tôi đau khổ. Và bắt đầu bỏ học, lang thang khắp đường phố Sài Gòn. Để lấp khoảng trống, tôi chúi mặt vào thơ. Tôi làm thơ như điên. Làm thơ bất cứ ở đâu: trong công viên, trong thư viện, trong quán cà phê, trong cả cầu tiêu...Buồn quá, nhân mấy tháng nghỉ hè, tôi trốn quân sự học đường, xin phép ba tôi ra Vũng Tàu tìm việc làm thêm, viện cớ kiếm tiền cho mùa học sắp tới. Loanh quanh vài ngày nơi xứ biển, tôi được nhà hàng Thiên Đàng bố thí cho một chân bồi bàn, phục vụ cho cái bar trên tầng thượng. Đây là nơi giải khuây của lính Mỹ. Họ đến đây để uống rượu, kiếm gái hoặc khiêu vũ...sau khi kết thúc các cuộc hành quân đẫm máu trên chiến trường. Nên không gian nơi này luôn chìm trong bóng tối, chỉ có ánh đèn mờ ảo tỏa ra thứ ánh sáng hỗn loạn, điên cuồng chấp chới trên sàn nhảy. Nhiệm vụ của tôi là bưng rượu và thức ăn cho khách. Nhưng đôi khi cũng dắt gái cho Mỹ và đổi tiền đô, ăn ké hoa hồng với cave. Đám bồi bàn và cave ở Thiên Đàng đông như gánh cải lương. Buổi trưa, giờ cơm, chúng tôi phải tụ lại một chỗ, chờ nhận phần ăn từ người đầu bếp. Ăn uống đã có nhà hàng lo, chỉ còn vấn đề quan trọng: ban đêm, mình ngủ ở đâu? Tôi ngỏ lời với đám bồi đồng nghiệp, nhưng ai cũng lơ là. Chỉ có một em cave tên Lý, ngó tôi, gật đầu. Lý hứa, chiều nay, nàng sẽ dẫn tôi về nhà.
Chỗ ngủ của tôi là tấm ván vừa đủ một người nằm, được kê cao và đặt trước hiên nhà Lý. Ban đêm, nàng khóa chặt cửa, còn lại mình tôi bơ vơ giữa không gian lạnh lẽo của đêm tàn. Trong nỗi cô đơn mênh mông, tôi chợt nhớ cô hàng xóm Lan. Cô hàng xóm mà anh Nghĩa dẫn đi ngủ nhờ, lúc còn ở Phú Nhuận. Cũng cùng một cái hiên, nhưng hiên của Lan ấm cúng hơn, vì có hàng rào bao bọc, vì có đôi mắt lá răm trong veo của Lan soi mói nửa đêm. Ôi! đôi mắt tuyệt đẹp đã bừng những tia lửa nhân hậu, sưởi ấm trái tim trần trụi của tôi. Ban đêm, trời khô ráo, tôi như lung linh theo những vì sao trên cao. Trong đó, có vài vì sao cực nam đang phát sáng, dường như hiện thể của má tôi, của Út, của em tôi, của bạn bè tôi...đang réo gọi tôi trở lại quê hương. Khốn khổ nhất là trời mưa, nước tạt vào mùng, ướt nhem một bên chiếu, tôi phải ngồi dậy, co ro trong giá lạnh, lắng nghe tiếng côn trùng hòa với tiếng lòng mình...nức nở trong đêm dài.
Công việc đều đặn mỗi ngày. Bỗng một hôm, có hai gã người Việt vào bar. Họ chệnh choạng kéo ghế ngồi, rồi ngoắc tôi lại gần. Mùi rượu phà vào mũi tôi, cùng với giọng ồ ề.
- Mày gọi con nhỏ đó cho tau. Tụi tau muốn "đi" nó.
Gã chỉ thẳng về phía Lý và gằn mạnh.
- Nghe chưa? Sao mày lờ rờ quá vậy? Bộ mới vô làm hả?
Tôi chạy đến bên Lý, nói cho nàng nghe điều này. Bất ngờ, Lý xụ mặt, đưa tay vuốt bụng nàng. Em đang có bầu, không tiếp khách được. Nói với họ, em bệnh. Kiếm con khác. Tôi chăm chăm ngó Lý. Trời ơi! Lý có bầu? Thiệt sao?
Chưa kịp cho gã hay thì gã đã lù lù tiến tới bên Lý. Gã choàng tay qua vai nàng, rịt sát vào lòng. Lý vùng vẫy kịch liệt. Nàng cố sức đẩy gã ra để bỏ chạy. Nhưng gã vẫn điên cuồng lao vào nàng như con hổ đói. Tới nước này, tôi không nhịn được, chẳng thể khoanh tay đứng nhìn kẻ ngang tàng ức hiếp một phụ nữ cô thế. Tôi nhào tới từ phía sau, nắm chặt cổ áo gã, kéo giật ngược. Tôi cố kéo lê gã bật ngửa xuống nền quán, cho Lý đủ thời gian trốn thoát. Bỗng dưng, có cú đánh mạnh, phạt vào gáy tôi. Cú đánh như trời giáng, khiến tôi gục xuống, như một thân cây bị đốn.
Chiều đó, tôi ra bến xe trở lại Sài Gòn. Tôi bị chủ nhân Thiên Đàng đuổi việc ngay sau đó, vì cố tình gây sự và đánh khách. Lý đưa tôi lên xe với nét mặt ủ dột, như một cánh hoa đang úa tàn. Xe chạy, tôi vẫn ngoái đầu nhìn lại phía sau. Lý đó. Lý đứng đó với một bào thai vô thừa nhận. Một bào thai của khách làng chơi đã thề non hẹn biển với nàng, để rồi bay đi như cánh chim hoang, và không biết bao giờ mới trở lại tổ ấm?
Bữa cơm nhà dì vẫn đông đủ, âm thầm và đậm đà. Nhưng tôi biết, dì đang vất vả dè sẻn từng phần ăn. Ba tôi phải nhịn ăn sáng. Các em tôi phải vơi đi tiền quà. Nhiều lúc thèm cà phê, chờ ba nghỉ trưa, tôi lục bóp kiếm ít tiền. Lần nào cũng thấy vỏn vẹn chỉ có tờ giấy mười đồng. Chắc ba để dành đổ xăng. Nghĩ thế, tôi đành trả lại y nguyên chỗ cũ. Đồng lương của ba tôi quá ít, không đủ để trang trải trong gia đình. Trước hoàn cảnh bi đát như vậy, tôi không thể an tâm đến trường, mặc dù tôi đã lấy xong chứng chỉ II ở phân khoa báo chí Vạn Hạnh. Đêm đó, tôi đạp xe qua cầu chữ Y, kiếm thằng bạn ở bến Phạm Thế Hiển. Hai đứa rủ nhau ra quán cóc dưới dốc cầu, uống rượu tới khuya.
Và sáng hôm sau, tôi đến ban tuyển mộ hải quân, tình nguyện gia nhập quân đội.
Phạm Hồng Ân
(Hiên Thư Các, 26/03/2017)
Thân mẫu của Tg Phạm Hồng Ân |
Gia đình càng lúc càng kiệt quệ, túng quá, anh Hiệp tôi đành tới ban tuyển mộ, đăng lính Biệt Động Quân. Trên Sài Gòn, anh Nghĩa tôi dở dang việc học, cũng chui vào Thủ Đức. Em Báu tôi học chữ hết vô, xin má về tá túc với cô tôi, học nghề điện ở Bạc Liêu. Pha cà phê cho lính, không dễ kiếm ăn. Đa số lính đều uống ghi sổ, tới kỳ lương mới trả. Ban đêm ngủ cũng chẳng yên. Nửa khuya, họ đổi gác, gõ cửa xin mua một ly cà phê đen. Những ly cà phê đen nhỏ nhoi, tính lại, không đủ để nuôi tôi và thằng út ăn học, nên má làm thêm xíu mại bán cho lính ăn sáng. Tôi lại phải dậy sớm, đi bộ đến lò bánh mì, quảy một bao bánh trên vai, ba chân bốn
cẳng chạy về cho kịp giờ đi học. Xíu mại má tôi làm rất ngon. Ăn một chưa đã, muốn kêu thêm hai. Ăn hai, muốn trở lại ngày hôm sau để gọi thêm phần nữa. Chiều nào, má cũng mua thịt về bằm lụp cụp. Xong, trộn thịt với tiêu, tỏi, hành, bột ngọt...rồi vò từng viên tròn cho vào nước nêm, chưng cách thủy. Trong lúc má bằm lụp cụp thì tôi ngồi học bài ở sau nhà. Cái bàn tròn của ba để lại, nay là bàn học của tôi. Cái rương sách cồng kềnh của anh Nghĩa, nay là chỗ ngồi để tôi ôn bài hay làm thơ. Thơ bắt đầu bộc phát từ đó. Từ nỗi đau của gia đình. Từ những khoảng trống mà người thân bỏ lại. Sau này, thơ thêm sắc thêm màu, nhờ bóng dáng trinh nguyên học trò, nhờ những tà áo dài màu trắng phất phơ mỗi ngày. Nhờ Nguyệt, cô gái ở pharmacy Cà Mau, có lần tiễn tôi ra bến xe đi thi tú tài, rồi khi xe bắt đầu chuyển bánh, nàng đã lẳng lặng trao tôi một phong thư, trong đó có xấp tiền dày cộm. Nhờ Út, cô gái thề non hẹn biển với tôi, và vẹn tròn khí tiết cho đến ngày tôi bỏ xứ không về. Tôi rời xóm Huỳnh Long ra đi, như bỏ lại tuổi thơ dữ dội ở đó. Tôi về xóm trại lính an cư, như nung đúc tuổi thanh niên vừa chớm, thêm sức sống cho đời. Tôi biết nỗi bất hạnh đang vây lấy tôi. Tôi biết phiền muộn đang nẩy mầm trong tôi, và sẽ tượng thành cây, thành trái độc dược. Tận dụng tất cả cố gắng, tôi lao vào học. Học, học, học. Thế rồi, trời không phụ lòng người, tôi đậu trung học đệ nhất cấp, đậu tú tài một và ôm luôn mảnh bằng tú tài hai. Ở Cà Mau, lúc đó, không có hội đồng thi tú tài. Muốn thi, phải lên Cần thơ. Chiến tranh, bấy giờ, đang hồi ác liệt. Quốc lộ 4, ban ngày quốc gia giữ, ban đêm việt cộng vào. Họ vào để đắp mô, đặt mìn hoặc dựng cờ giải phóng. Xe đò bị trúng mìn, lật nhào thường xuyên. Người chết, người bị thương cứ xảy ra không ngớt. Đoàn học sinh đi thi, dù sợ, mỗi năm vẫn phải lên đường. Đầu óc non nớt của đứa trẻ bắt đầu bám víu vào Trời Phật, như một cứu cánh của sự sống.
Trong lúc má tôi khổ sở bán nhà liên tu, thì được tin ba tôi yên bề gia thất với một người đàn bà khác ở xóm Chùa Tân định. Xóm Chùa là xóm nghèo, tập trung dân lao động tứ xứ, trong đó có những băng đảng, những tay anh chị khét tiếng ở Sài Gòn. Cảnh sát ít tới đây dòm ngó, ngoại trừ lâu lâu có một cuộc hành quân tổng hợp qui mô. Dựa thế, ba tôi trà trộn vào đó. Và nhờ sự giới thiệu của vợ chồng anh hai Đạm, ba tôi được một người đàn bà ở đây đùm bọc. Sau này vì tình nghĩa sâu đậm, cả hai đã kết thành vợ chồng. Ba tôi có với người này hai con trai: Phạm văn Đức và Phạm Chính Hiền. Khi về phép thăm má, anh Nghĩa đã kể lại, dì ấy rất hiền, có hai đứa con đều ra riêng, chồng mất đã lâu, nay gặp ba, lo cho ba từng chút, nên rất mừng. Chính Dì và ba đứng ra làm lễ cưới cho anh Nghĩa và chị Liên - người đã từng ở trọ nhà dì. Cưới xong, hai vợ chồng kéo nhau về tá túc trong nhà má chị Liên ở Phú Nhuận.
Đậu tú tài hai, có thể, tôi sẽ học sư phạm, ra thầy giáo, về lại trường trung học Cà Mau dạy học. Hoặc nộp đơn vào tòa hành chánh tỉnh làm công chức sống qua ngày. Nhưng trước tình cảnh gia đình như thế này, tôi mặc cảm, không thể vô tư làm việc ở tỉnh nhà. Tôi biết, má tôi đang mang một số nợ to lớn. Mặc dù má giấu, nhưng qua cách nói chuyện với các bà hàng xóm, qua những giọt nước mắt âm thầm trong đêm, tôi đã hiểu tất cả sự việc. Má tôi đã vay nợ cho tôi đi thi hai lần tú tài. Tôi nhớ, khi lên Cần Thơ thi, thí sinh phải ở lại khoảng tuần lễ hay mười ngày. Ai cũng mướn phòng trọ sớm, càng gần trường thi càng tốt, vì dễ dàng cho việc đi lại. Chỗ càng gần càng đắt. Rồi phải mướn người nấu cơm ngày hai bữa, cộng với một bữa ăn sáng. Nếu ra quán ăn, thí sinh tốn tiền hơn và mất thêm thì giờ. Như vậy, số nợ má tôi vay không ít. Chắc chắn trả góp, chủ nợ sẽ tính thêm tiền lời. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi quyết định lên Sài Gòn tiếp tục đại học. Khi tốt nghiệp, chắc chắn sẽ thay đổi hoàn cảnh, má sẽ không bao giờ đau khổ nữa.
Tôi lên Bạc Liêu thăm Cô tôi, sẵn dịp thăm em Báu, trước khi rời Cà Mau. Trong bộ quần áo nhem nhuốc dầu nhớt, Báu dẫn tôi ra quán cà phê tâm sự. Báu nhắp từng ngụm cà phê, nhưng hút thuốc lia chia. Điếu này vừa tàn, chụp vội điếu khác. Và cứ thế, mồi lửa, rít một hơi dài. Báu đen đúa thấy rõ, nhưng hai bắp tay cộm lên, trông có vẻ khỏe mạnh. Tôi mừng, vì em đã có một nghề. Mà nghề này, cô dượng và cả anh Đài tôi, hiện đang đi xe hơi, ở nhà lầu. Nhưng Báu lắc đầu, em muốn đi lính, đó đây, để phóng tầm nhìn ra cuộc đời. Bó chân một chỗ, hàng ngày nghe tiếng máy chạy nhức óc inh tai, em chịu không nổi. Tôi biết, đó chưa phải là lý do chính để Báu rời khỏi đây. Cô dượng tôi không thích con trai, nên rất khó với đám cháu trai. Khó, nhưng không ghét bỏ. Khó, vì muốn đứa trai giống như đứa gái: hiền lành, dễ dạy và xinh đẹp. Có lần, má kể về cô tôi với giọng điệu thương xót. Hai ông bà ao ước có đứa con gái, nhưng không bao giờ có được. Biết rõ điều này, có một cô gái nhà quê vừa sinh xong, vội bồng con đến, gạ bán cho cô tôi. Nhìn đứa bé gái dễ thương, ọ ọe trong vòng tay mẹ, cô tôi chấp nhận ngay. Cô đặt tên đứa bé là Vân, rồi mướn vú nuôi, nâng niu như trứng mỏng. Vân lớn lên như một tiểu thư, có kẻ hầu người hạ. Mỗi kỳ nghỉ hè, dượng tôi chở đi du lịch Vũng Tàu hoặc Đà Lạt. Sống quen trong nhung lụa, Vân êm ái trầm mình trong thế giới thượng lưu, không hề quan tâm đến những hoàn cảnh cơ cực bên ngoài, kể cả cái quá khứ đau thương của Vân, lúc thiên hạ bàn tán xôn xao.
Cô tôi có một căn nhà, nằm trong con hẻm trên đường Phạm ngũ Lão, ngang chợ Thái Bình. Căn nhà hai tầng, phía trước có cây sứ, tới mùa rộ hoa, thơm ngát một vùng. Căn nhà này dành cho dượng tôi nghỉ chân, khi ông lên Sài Gòn lấy hàng về bán. Và cũng là nơi dành riêng cho Vân, khi nàng lên đại học. Không hẹn nhau, tôi cũng lên đại học, cùng chung năm với Vân. Sẵn dịp, thấy hoàn cảnh bi đát của má tôi, cô quyết định dành cho tôi một chỗ trong căn lầu đó, trong thời gian đi học. Mừng quá, tôi vội thu xếp hành trang để đi Sài Gòn. Lần này, tôi được ngồi máy bay Air Việt Nam, bởi số tiền cô cho và bởi quốc lộ 4 đầy mìn bẩy, có thể nguy đến tính mạng. Hôm đó, má bận bán, Quí bận học. Chỉ có Út, lặng lẽ tiễn tôi. Út ngồi xe lam, ra phi trường trước. Tôi qua chợ Cà Mau, leo lên xe khách của Air Việt Nam, đi sau. Xe vừa đến cổng, tôi đã thấy tà áo bà ba trắng của nàng, phất phơ trong phòng đợi. Xúc động quá, nhưng biết nói gì đây ở tâm cảnh này? Chỉ có thơ. Thơ đang tượng hình trong tim, trong hồn. Những con chữ đang nhào lộn cảm xúc, biến đột thành ngôn ngữ thi ca. Hãy để nó tự do, bay nhảy và dẫn dắt.
Lên Sài Gòn, được ở nhờ nhà cô tôi, là vinh dự rất lớn cho tôi. Từ một tên nghèo, nhà dột cột xiêu - tự dưng thành nhân số của ngôi biệt thự sang trọng. Vui quá, tôi bắt đầu lêu lổng rong chơi trong thành phố mới mà nhịp sống mỗi nơi mỗi vẻ, thôi thúc tuổi trẻ tôi khám phá và hòa nhập. Chua xót thay, niềm vui chưa được bao lâu, nỗi buồn chợt kéo đến. Vân vai em tôi, vì cô tôi là em ruột ba tôi. Nhưng Vân lúc nào cũng tỏ ra đàn chị, hoặc người chủ trong gia đình. Sau khi thi rớt các chuyên khoa, Vân ghi danh vào khoa học, và bắt tôi phải cùng học chung ngành với nàng. Tôi từ chối, vì tôi không thích khoa học, tôi chỉ thích văn. Thế là, tôi và nàng bắt đầu có những dị biệt với nhau từ đó. Với lại, trong nhà, chỉ có tôi là đàn ông, còn bao nhiêu là đám nữ sinh ở Bạc Liêu lên trọ học, cộng với một người vú nuôi, cũng là đàn bà. Bơ vơ giữa vườn hoa đầy quyến rũ, tôi cảm thấy sợ sệt, sợ mất đi những hơi hướm tình yêu mà tôi đã thật thà trao hết cho Út. Nghĩ thế, tôi vội vàng xách hành lý, âm thầm qua Gia Định sống với đám bạn bè Cà Mau, lên đây trọ học ở xóm Cầu Mới. Căn nhà lá chật hẹp, chứa sẵn ba thằng: Thượng, Dân và Quyên. Nay có thêm tôi, nhường nhau, cũng vừa vặn. Nhà chỉ có một cái giường, Thượng và Dân đã chiếm trước. Quyên đành trải chiếu dưới đất làm giang sơn của nó, bây giờ lại đành chia tôi một nửa. Cửa nhà quay ra một lối đi nhỏ, bên cạnh con mương đen ngòm, lúc nào cũng bốc lên mùi sình hinh hỉnh. Mùi này làm tôi nhớ đến mùi kinh mười sáu, một mùi hinh hỉnh thân quen đã cùng hòa quyện với tôi trong suốt thời trung học. Cái mùi bắt đầu vọng vào mũi, vào tim, vào ký ức tôi - từ lúc má tôi dời nhà về bên bờ kinh, kề bên trại lính để bán cà phê. Vì thế, ở đây, ăn chay nằm đất với bạn, tôi thấy ấm áp và dễ chịu, hơn là sống lạnh lùng trong ngôi biệt thự mênh mông, nhưng quá xa lạ và lẻ loi.
Nghe tin tôi rời nhà cô, anh Nghĩa tức tốc đi tìm em. Anh hỏi thăm các bạn Cà Mau, lùng sục khắp nơi, cuối cùng gặp tôi, ngay trước cổng văn khoa. Hai anh em lặng lẽ nhìn nhau, nước mắt lăn dài. Sau vài lời thăm hỏi, anh dắt tôi vào tiệm phở, gọi cho một tô xe lửa. Lần đầu, ăn phở, ngon quá! Nước xúp béo ngậy, cộng với mùi thơm của húng quế, ngò gai...làm bụng tôi vẫn còn cồn cào. Cà Mau, không có tiệm phở. Chỉ có tiệm mì, hủ tiếu. Hoặc những gánh hàng rong ngoài trời, có thêm: cháo gà, cháo lòng, bún nước lèo...Anh Nghĩa đã đãi tôi một bữa ăn để đời. Đó cũng là một trong các lý do tôi tạc dạ ghi ơn anh. Trở lại Gia Định trên chiếc PC50 của anh, khi nhìn căn nhà ẩm thấp, lè tè bên góc mương - anh Nghĩa bỗng lắc đầu quầy quậy. Không được, không được. Em phải về Phú Nhuận với anh ngay. Ở đây, tù túng thế này, không học hành được đâu. Đi mau. Đừng cãi.
Căn nhà anh chị Nghĩa Phú Nhuận cũng chẳng khác căn nhà ở Gia Định chút nào. Cũng nhỏ nhoi, chật hẹp, đi ra đi vào phải lom khom như người bị lưng gù. Chỉ có điều, nhà anh chị tôi sạch sẽ hơn, không có mùi hương bùn cỏ ngoại. Thật ra, nhà này là nhà của má chị Liên. Bà ở đây từ lâu, ngày xưa chồng mất, bà đi làm cho Pháp để nuôi hai con ăn học. Lớn lên, người con trai tình nguyện vào trường võ bị Đà Lạt. Xấu số thay, ra trường chỉ được vài năm, anh tử trận. Buồn quá, chị Liên qua nhà dì tôi học thêu, và gặp anh tôi tại đó. Chỗ chật, cái giường của anh chị tôi đã chiếm hơn một phần ba căn nhà. Phía dưới là nơi nấu ăn. Người nấu, lúc nào cũng phải lom khom để khỏi bị đụng đầu. Chính giữa nhà, có một tủ thờ cao. Trên đó, bà đặt di ảnh của chồng và con. Đêm nào, bà cũng vái van, khói hương nghi ngút. Chỉ còn khoảng trống nhỏ, đủ cho bà mở chiếc giường xếp nhà binh ra ngủ, khi đêm về. Còn tôi, mỗi tối, anh tôi dẫn qua ngủ nhờ bên sân hiên cô hàng xóm. Sân hiên nhà giàu có khác. Trên cao là mái tole che mưa nắng hai mùa. Xung quanh, hiên được bao bọc bởi một hàng rào bằng cây vững chắc. Còn có một bộ ván đặt giữa hiên, dành riêng cho tôi nghỉ lưng. Còn có đôi mắt trong veo của cô chủ nhỏ tên Lan soi mói, khi bốn vách mùng của tôi chưa được gấp cẩn thận vào trong mép chiếu. Vài tuần sau, anh Nghĩa cảm thấy không ổn, nên dẫn tôi đi mướn một cái gác trong khu nghĩa trang Phú Nhuận. Nhìn sơ qua căn nhà, tôi đã sợ rùng mình. Bao quanh nhà, là hằng hà sa số những ngôi mộ chập chùng. Trong nhà, cũng có vài nấm mộ đá, lâu đời. Nhưng, ở đây, vợ chồng chủ nhân đã sống biết bao năm qua. Họ nói, họ chẳng bao giờ thấy bóng dáng của con ma nào hiện ra quấy rầy? Họ nhường tôi một căn gác, trên đó chưa có người ở, chỉ có một bàn thờ Phật, lâu lâu má của cô chủ đến thắp nhang. Anh Nghĩa và tôi leo thang lên gác. Gác trống cheo leo. Bụi loang loáng ván. Phía cuối, nổi bật một bàn thờ. Không thấy hình ông Phật nào trên đó. Chỉ có những tấm giấy màu vàng, vẻ chữ hán đỏ ngầu như máu - giống như bùa - dán lung tung lên vách.
Tôi hiểu, lương lính của anh Nghĩa đâu có bao nhiêu, nay gánh thêm tôi ăn học, tội nghiệp cho anh chị biết chừng nào? Nghĩ vậy, tôi đành gật đầu chấp nhận, mặc dù trong lòng không muốn ở nơi đây. Ngày tháng trôi qua, tôi vẫn nuốt chữ một cách gượng gạo. Căn gác tồi tệ, đầy bóng đen, không thể giúp tôi thoải mái trong kiếp thư sinh. Đêm đêm, mưa gió phũ phàng, giữa nỗi cô đơn vắng lặng, tôi tưởng mình đang bị chôn sống nơi đây - nơi cái nghĩa trang âm u và ghê rợn này. Chẳng bao lâu, ba tôi nhận được tin, vội tức tốc qua gặp tôi, bắt tôi thu dọn hành lý, theo ba về xóm Chùa. Xóm Chùa thuộc Tân Định, nằm cuối đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ở đó có hai con hẻm tách riêng. Nhà dì tôi nằm bên hẻm trái. Một căn nhà nhỏ nhắn, chật chội, giống như những căn nhà của dân lao động khác, mọc lên một cách e dè trong các con hẻm u tối ở ngoại vi Sài Gòn. Nhưng nhà dì tôi có thêm căn gác phía trước, dành riêng cho ba tôi. Dì nhường tôi một phòng nhỏ bên hông nhà. Phòng vừa đủ đặt một bộ ván và một bàn học. Cửa sổ sát bên con hẻm. Buổi chiều, tôi có thể ung dung ngồi ngắm thiên hạ đi qua đi lại. Chỉ vài tuần ngắn ngủi, tôi quen dần với chỗ ở mới, quen dần với cách sinh hoạt của dì tôi và những sở thích của hai đứa em. Ba tôi đi làm mỗi ngày. Ba đi làm cho một hãng bảo hiểm của người Pháp trên đường Nguyễn Huệ. Sáng nào, dì tôi cũng pha cho ba một ly cà phê nhỏ. Trong lúc ba uống, tôi nhanh nhẹn dẫn chiếc mobylette ra sân, kịp lúc cho ba lên đường. Sau đó, tôi mới khăn gói phóng lên xe đạp, vội vã nhắm hướng văn khoa chạy tới. Bữa trưa, ba và tôi cùng về một lượt. Cả nhà ngồi bẹp xuống nền xi măng dùng cơm. Thức ăn rất giản dị. Thường thì dì tôi mua cá hấp ngoài chợ, rồi đem về chiên. Có thêm một món canh khoai môn hoặc rau muống với tép, và một dĩa đậu xào. Dì nấu ăn rất ngon, chẳng thua má tôi. Có điều, dì nấu theo kiểu miền bắc, má tôi nấu theo kiểu người nam. Ăn xong, ba tôi nghỉ trưa một lát, rồi dậy đi làm. Còn tôi kêu thằng em ra xe, chở nó đi học. Buổi chiều, tôi đạp xe đến văn khoa một lần nữa. Nếu có giờ học, theo các bạn lên giảng đường. Nếu không, kéo nhau vào thư viện, mở sách để ôn bài.
Có chỗ ở chắc chắn, tôi liền viết thư báo tin cho Út. Chẳng bao lâu, tôi nhận được hồi âm. Cứ thế, chúng tôi liên lạc với nhau, thư qua thư lại. Những khi rảnh rỗi, tôi thường dành tâm trí để nghĩ về má và Út. Má thì đương nhiên rồi. Một người mẹ có ngôi vị đặc biệt trong trái tim tôi. Còn một cõi riêng nữa. Một cõi riêng dành cho người tình, dành cho Út. Út ít nói, gặp tôi, nàng chỉ lẳng lặng nhìn nhau, bằng đôi mắt nhuốm buồn. Tôi không hiểu nàng thật sự thương tôi, hay thương những bài thơ tôi làm? Thương tôi? Thương một đứa con trai tầm thường, nghèo đói, cơm chưa đủ ăn, áo không đủ mặc sao? Tôi chỉ giàu thơ. Sẵn sàng dâng cho bất cứ em nào một bài thơ để bày tỏ tình cảm của mình. Út quen tôi qua thơ. Những bài thơ đăng báo. Và gặp nhau, trong các buổi tan trường. Ngoài đời, Út trầm lặng. Hình như nàng chưa bao giờ thố lộ yêu tôi, giữa những lần hai đứa đối diện. Nhưng trong thư gởi tôi, lúc tôi xa Cà Mau, nàng nói rất nhiều. Nàng viết đến đỗi tôi nghĩ nàng là một người viết văn, hơn là một người viết thư tình. Nàng say sưa dệt gấm thêu hoa, vun đắp cho mơ ước của nàng. Nàng đưa tôi vào cõi thiên đường - thiên đường của tình yêu trăm năm. Tôi ra đi, nhưng hồn vẫn gởi cho nàng ấp ủ. Út ở lại, nhưng hồn cứ mãi theo tôi ủi an.
Thời gian lặng lẽ trôi, bỗng dưng, có một ngày, tôi không nhận được thư của Út nữa. Chờ hoài, đợi mãi, vẫn bặt tin. Tôi thất vọng. Tôi đau khổ. Và bắt đầu bỏ học, lang thang khắp đường phố Sài Gòn. Để lấp khoảng trống, tôi chúi mặt vào thơ. Tôi làm thơ như điên. Làm thơ bất cứ ở đâu: trong công viên, trong thư viện, trong quán cà phê, trong cả cầu tiêu...Buồn quá, nhân mấy tháng nghỉ hè, tôi trốn quân sự học đường, xin phép ba tôi ra Vũng Tàu tìm việc làm thêm, viện cớ kiếm tiền cho mùa học sắp tới. Loanh quanh vài ngày nơi xứ biển, tôi được nhà hàng Thiên Đàng bố thí cho một chân bồi bàn, phục vụ cho cái bar trên tầng thượng. Đây là nơi giải khuây của lính Mỹ. Họ đến đây để uống rượu, kiếm gái hoặc khiêu vũ...sau khi kết thúc các cuộc hành quân đẫm máu trên chiến trường. Nên không gian nơi này luôn chìm trong bóng tối, chỉ có ánh đèn mờ ảo tỏa ra thứ ánh sáng hỗn loạn, điên cuồng chấp chới trên sàn nhảy. Nhiệm vụ của tôi là bưng rượu và thức ăn cho khách. Nhưng đôi khi cũng dắt gái cho Mỹ và đổi tiền đô, ăn ké hoa hồng với cave. Đám bồi bàn và cave ở Thiên Đàng đông như gánh cải lương. Buổi trưa, giờ cơm, chúng tôi phải tụ lại một chỗ, chờ nhận phần ăn từ người đầu bếp. Ăn uống đã có nhà hàng lo, chỉ còn vấn đề quan trọng: ban đêm, mình ngủ ở đâu? Tôi ngỏ lời với đám bồi đồng nghiệp, nhưng ai cũng lơ là. Chỉ có một em cave tên Lý, ngó tôi, gật đầu. Lý hứa, chiều nay, nàng sẽ dẫn tôi về nhà.
Chỗ ngủ của tôi là tấm ván vừa đủ một người nằm, được kê cao và đặt trước hiên nhà Lý. Ban đêm, nàng khóa chặt cửa, còn lại mình tôi bơ vơ giữa không gian lạnh lẽo của đêm tàn. Trong nỗi cô đơn mênh mông, tôi chợt nhớ cô hàng xóm Lan. Cô hàng xóm mà anh Nghĩa dẫn đi ngủ nhờ, lúc còn ở Phú Nhuận. Cũng cùng một cái hiên, nhưng hiên của Lan ấm cúng hơn, vì có hàng rào bao bọc, vì có đôi mắt lá răm trong veo của Lan soi mói nửa đêm. Ôi! đôi mắt tuyệt đẹp đã bừng những tia lửa nhân hậu, sưởi ấm trái tim trần trụi của tôi. Ban đêm, trời khô ráo, tôi như lung linh theo những vì sao trên cao. Trong đó, có vài vì sao cực nam đang phát sáng, dường như hiện thể của má tôi, của Út, của em tôi, của bạn bè tôi...đang réo gọi tôi trở lại quê hương. Khốn khổ nhất là trời mưa, nước tạt vào mùng, ướt nhem một bên chiếu, tôi phải ngồi dậy, co ro trong giá lạnh, lắng nghe tiếng côn trùng hòa với tiếng lòng mình...nức nở trong đêm dài.
Công việc đều đặn mỗi ngày. Bỗng một hôm, có hai gã người Việt vào bar. Họ chệnh choạng kéo ghế ngồi, rồi ngoắc tôi lại gần. Mùi rượu phà vào mũi tôi, cùng với giọng ồ ề.
- Mày gọi con nhỏ đó cho tau. Tụi tau muốn "đi" nó.
Gã chỉ thẳng về phía Lý và gằn mạnh.
- Nghe chưa? Sao mày lờ rờ quá vậy? Bộ mới vô làm hả?
Tôi chạy đến bên Lý, nói cho nàng nghe điều này. Bất ngờ, Lý xụ mặt, đưa tay vuốt bụng nàng. Em đang có bầu, không tiếp khách được. Nói với họ, em bệnh. Kiếm con khác. Tôi chăm chăm ngó Lý. Trời ơi! Lý có bầu? Thiệt sao?
Chưa kịp cho gã hay thì gã đã lù lù tiến tới bên Lý. Gã choàng tay qua vai nàng, rịt sát vào lòng. Lý vùng vẫy kịch liệt. Nàng cố sức đẩy gã ra để bỏ chạy. Nhưng gã vẫn điên cuồng lao vào nàng như con hổ đói. Tới nước này, tôi không nhịn được, chẳng thể khoanh tay đứng nhìn kẻ ngang tàng ức hiếp một phụ nữ cô thế. Tôi nhào tới từ phía sau, nắm chặt cổ áo gã, kéo giật ngược. Tôi cố kéo lê gã bật ngửa xuống nền quán, cho Lý đủ thời gian trốn thoát. Bỗng dưng, có cú đánh mạnh, phạt vào gáy tôi. Cú đánh như trời giáng, khiến tôi gục xuống, như một thân cây bị đốn.
Chiều đó, tôi ra bến xe trở lại Sài Gòn. Tôi bị chủ nhân Thiên Đàng đuổi việc ngay sau đó, vì cố tình gây sự và đánh khách. Lý đưa tôi lên xe với nét mặt ủ dột, như một cánh hoa đang úa tàn. Xe chạy, tôi vẫn ngoái đầu nhìn lại phía sau. Lý đó. Lý đứng đó với một bào thai vô thừa nhận. Một bào thai của khách làng chơi đã thề non hẹn biển với nàng, để rồi bay đi như cánh chim hoang, và không biết bao giờ mới trở lại tổ ấm?
Bữa cơm nhà dì vẫn đông đủ, âm thầm và đậm đà. Nhưng tôi biết, dì đang vất vả dè sẻn từng phần ăn. Ba tôi phải nhịn ăn sáng. Các em tôi phải vơi đi tiền quà. Nhiều lúc thèm cà phê, chờ ba nghỉ trưa, tôi lục bóp kiếm ít tiền. Lần nào cũng thấy vỏn vẹn chỉ có tờ giấy mười đồng. Chắc ba để dành đổ xăng. Nghĩ thế, tôi đành trả lại y nguyên chỗ cũ. Đồng lương của ba tôi quá ít, không đủ để trang trải trong gia đình. Trước hoàn cảnh bi đát như vậy, tôi không thể an tâm đến trường, mặc dù tôi đã lấy xong chứng chỉ II ở phân khoa báo chí Vạn Hạnh. Đêm đó, tôi đạp xe qua cầu chữ Y, kiếm thằng bạn ở bến Phạm Thế Hiển. Hai đứa rủ nhau ra quán cóc dưới dốc cầu, uống rượu tới khuya.
Và sáng hôm sau, tôi đến ban tuyển mộ hải quân, tình nguyện gia nhập quân đội.
Phạm Hồng Ân
(Hiên Thư Các, 26/03/2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét