Thứ Ba, 9 tháng 1, 2024

Tản Mạn Khúc Ca Mùa Đông - Phần 6

 Tản mạn của Thanh Hà 


1/-
Nghe gió Đông sang, nhớ về người ngoài biên khu…ú ú ù u ú u u ù…
Hiu hắt trời mây hàng cây xơ xác gió lay
Bên thềm ngập lá thu gầy, lạnh lùng em thương nhớ ai…
…Nghe gió vi vu, gió lạnh từ miền biên khu…ú ú ù u …

…Anh ơi! Gió lạnh mùa đông gió lạnh lòng trai
Đi giữ non nhà trong đêm lạnh giá…
Thương anh dù cho đá mòn
Dù cho bể cạn tình em vẫn không đổi dạ thay lòng…

…Nghe gió Đông sang, nhớ người ngàn dặm quan san…u ú ù u…
Giây phút này đây, niềm thương nguồn nhớ dâng đầy
Dù thời gian kia chóng phai, nhưng lòng em không đổi thay
(Thương về mùa đông biên giới, nhạc Phượng Linh)

Phượng Linh là một bút danh khác của nhạc sĩ Đại Tá Nguyễn Văn Đông viết năm 1968. Ông còn sáng tác bài vọng cổ cùng chủ đề ký tên Đông Phương Tử. Bản nhạc boléro được cô ca sĩ khả ái Hoàng Oanh thu âm đầu tiên vào Dĩa Hát Việt Nam.

2/-
 
Có người con gái đông về đan áo ấm ra sa trường
Ước mơ không nhiều mong niềm vui bé đến phương trời xa
Ai đi trong giá lạnh chẳng nghĩ chuyện người đan áo
Một vầng trăng xẻ bóng chia đôi
Áo đan chưa rồi, lỡ mưa đông về giá lạnh người đi

Mỗi mùa đông đến thêm từng cơn gió rét run vai gầy
Những ai âm thầm gom đầy nhung nhớ viết lên thành thơ…

…Mùa đông ai đan áo gởi đi ?
Mùa đông ai mơ ước đời mặn nồng…
…để em trong bao ngày xa cách
Đan mộng đẹp vào chiếc áo mùa đông…
…lá rơi mấy mùa là mấy đông em chờ
(Chuyện tình người đan áo, nhạc Trường Sa)
Ca khúc được nhạc sĩ Thiếu Tá Hải Quân Trường Sa viết theo điệu Boléro do Tinh Hoa phát hành vào năm 1962, ca sĩ duyên dáng Kim Loan thu thanh vào dĩa Thiên Thai, phần hoà âm Y Vân& ban nhạc.
Trên tờ nhật báo VN xuất bản ở Mỹ có chương mục “nhạc tình mùa chinh chiến”nhằm giới thiệu“nhạc lính”do các“nhạc sĩ dân sự” lẫn“nhạc sĩ quân đội”sáng tác. Tuy gọi “nhạc lính” nhưng ngay cả các nhạc sĩ xuất thân từ quân đội cũng không hề viết một chữ nào nhắc đến “súng đạn, máu me, chém giết, hận thù, hung tàn moi gan mỗ bụng…” mà chỉ toàn những lời lẽ hiền hoà thấm đượm nhân văn“đề cao tình người, tình yêu quê hương, gia đình, cha mẹ… nhất là tình yêu nam nữ giữa người trai tiền tuyến với em gái hậu phương, dẫu không gian ngăn cách nhưng người con gái giữ lòng son sắt hứa hẹn chờ đợi mong ngày đoàn viên trên đất nước thanh bình”.
Bằng chứng là hai ca khúc của hai nhạc sĩ quân đội Nguyễn Văn Đông và Trường Sa.

Cả hai ca khúc mùa đông này đều có chung nội dung người yêu (vợ) ở hậu phương nghĩ về người yêu(chồng) nơi tiền tuyến. Nghe gió Đông vi vu thổi qua, người chinh phụ của nhạc sĩ Phượng Linh (Nguyễn Văn Đông) nhớ ngay đến người yêu (chồng) đang vất vả lăn lộn ngoài chiến trường hứng chịu mưa bay, đêm lạnh giá để giữ gìn bảo vệ nước non:
*Nghe gió Đông sang nhớ về người ngoài biên khu…
…gió lạnh mùa đông/ gió lạnh lòng trai đi giữ non nhà trong đêm lạnh giá…
…Nghe gió Đông sang, nhớ người ngàn dặm quan san…

Nhớ thương lo lắng đến người yêu, nàng hứa dù thời gian có làm vật đổi sao dời nhưng tấm lòng nàng vẫn thuỷ chung son sắt.
…lá rơi mấy mùa là mấy đông em chờ…
…Giây phút này đây, niềm thương nguồn nhớ dâng đầy
…dù thời gian kia chóng phai, nhưng lòng em không đổi thay
(Thương Về Mùa Đông Biên Giới, nhạc Phượng Linh)

*Người chinh phụ của nhạc sĩ Trường Sa thì cặm cụi đan áo cho chồng (người yêu) mỗi khi mùa đông đến, với ước mong chút quà bé nhỏ sẽ mang niềm vui và sự ấm áp cho chàng. Nói chiếc áo là món quà bé nhỏ nhưng thật ra nàng đã gởi gấm một trời yêu thương nhớ nhung vào trong từng mũi len sợi chỉ, để khi chàng mặc vào người thì tức khắc nhớ ngay đến người đan áo (nàng cũng khôn quá trời nhỉ!)

Ước mơ không nhiều mong niềm vui bé đến phương trời xa
Ai đi trong giá lạnh chẳng nghĩ chuyện người đan áo

Thay vì làm thơ tặng thì nàng đan áo để sưởi ấm chàng trong cơn giá rét, có phải thực tế hơn nhiều không 🤪.
Trong tâm tư áo dệt bằng những giòng lệ yêu dấu
Tặng người yêu lạnh giá đêm thâu…

Nàng khéo léo nhắc cho chàng hiểu sự chân tình của mình:
…nhớ mùa đông đến em ngồi đan áo ấm ra sa trường
Áo tuy không dày nhưng lòng thêm ấm mỗi khi hành quân… 

Những ca khúc thời chiến không hề cổ vũ chém giết mà chỉ nói lên tình yêu quê hương; người trai bảo vệ cho muôn người nên ra trận tuyến, người đi lẫn kẻ ở đều khát vọng một ngày đất nước thanh bình, chàng trở về xây đắp hạnh phúc lứa đôi.

Cho em mơ có một chiều nắng đẹp tình đất nước
Người về vui hạnh phúc tương lai
Áo đan xong rồi nhớ cho em gởi muôn vạn niềm thương
( Chuyện Tình Người Đan Áo, nhạc Trường Sa)

3/
a) Từ một ngày xa trước anh đưa em về bóng ngã đam mê
Em dấu son gót mềm nhủ lòng lãng quên mà nhớ đến đêm…

…ôi những câu chuyện lòng làm thơm ngát thêm tuổi hồng
Em ơi yêu đi yêu đi trên đỉnh yêu đương gió toả thêm hương
Ôi những câu chuyện lòng từ lâu vẫn như mùa đông
Em ơi yêu đi yêu đi nếm thử thương đau khi hạnh phúc qua mau…

…kể từ sau đêm đó sân vui đại học mất tiếng chim ca
 Cho dẫu không xoá nhoà
Thì rồi cũng qua tình cũng bay xa…
(Trên đỉnh mùa đông, nhạc Trần Thiện Thanh Toàn)

Thật ra ca khúc Boston Rock trên được viết bởi nhạc sĩ quân đội kiêm ca sĩ Trần Thiện Thanh-Nhật Trường, người được xưng tụng là một trong tứ trụ của làng âm nhạc miền Nam–3 người còn lại là các ca sĩ Duy Khánh, Chế Linh, Giang Tử–. TTT Toàn là tên người con trai lớn của nhạc sĩ TT Thanh. Ông là một người đa tài từ giọng hát truyền cảm nhẹ nhàng êm ái lẫn sáng tác hàng trăm bản nhạc tình, nhạc lính đầy yêu thương, hào hoa, đa cảm, gây xúc động hàng triệu trái tim đủ mọi giới thưởng ngoạn.
  
Trên Đỉnh Mùa Đông là ca khúc viết về chuyện tình yêu của đôi trai gái bắt đầu từ trường Đại Học, chàng nhớ lại một thời đam mê đắm đuối, dắt đưa nhau dưới hàng cây in bóng lá “Từ một ngày xa trước anh đưa em về bóng ngã đam mê…
Theo thời gian, không biết vì chàng phải vào quân ngũ hay nàng lên xe hoa mà tình dang dở. Nhưng chàng vẫn hoài tiếc nhớ:
Xin cho anh thêm một ngày nữa thôi
Xin cho em thêm một đời thương nhớ
Bài hát này ca nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh song ca với ca sĩ Thanh Lan, thật ăn ý và rất thành công. Càng thành công hơn khi ông đem nhạc vào cuốn phim kịch năm 1972 cùng tên Trên Đỉnh Mùa Đông do chính ông làm đạo diễn cùng thủ vai nam chính. Vai nữ chính không ai khác hơn là ca sĩ xinh đẹp Thanh Lan, tả lại câu chuyện tình có thật, đẹp nhưng bi thương của Đại Uý Dù (mũ đỏ) Nguyễn Văn Đương với cô sinh viên ĐH Văn Khoa Nguyễn Thị Lệ. Hai người vượt qua bao ngăn trở để đến được với nhau, nhưng hạnh phúc không bao lâu thì ông tuẫn tiết trên đồi 31 vùng Hạ Lào. Thiên bi hùng ca nầy còn được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác bài Anh Không Chết Đâu Em để khóc thương, truy điệu một anh hùng đưa vào trong phim nữa. Lúc xem clip trên youTube, hình ảnh danh ca Thanh Lan trong bộ áo dài sậm màu, đầu quấn khăn choàng như khăn tang, lối diễn xuất thần, giọng ca đẫm nước mắt bất giác nước mắt tôi cũng tuôn tràn trên má mình tự lúc nào không hay.

b) Ngày nào anh yêu em
Anh đã quên trong cay đắng tuyệt vời
Ngày nào em yêu anh
Em hẳn quên với trời hạnh phúc mới
Em ơi đông lại về từ trăm năm lạnh giá
Tim anh như ngừng thở từ sau ân tình đó
Em nghe không/ Mùa đông mùa đông…

…xưa hôn em một lần mà đau thương tràn lấp 
Anh yêu em một ngày rồi xa em trọn kiếp
Nên anh yêu mùa đông nên anh yêu mùa đông
Ôi mùa đông của anh…

…trời lập đông chưa em/Cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi
Để mặc anh lang thang
Ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới
Đêm chia ly em về đường khuya em bật khóc
Anh xa em thật rồi làm sao quên mùi tóc
Em hỡi em có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian… 
…có phải tình băng giá là tình nồng hai chúng ta…
(Mùa đông của anh, nhạc Trần Thiện Thanh viết năm 1970)

Trên đây là 2 trong số hàng trăm nhạc phẩm của nhạc sĩ để lại cho đời. Hai bản nhạc chủ đề Tình Yêu muôn thuở lồng trong bối cảnh mùa đông. Chàng nhớ lại cuộc tình vào giai đoạn cuối, tiễn nàng về trên đường khuya lạnh lẽo, nhớ hương tóc nàng, nhớ nụ hôn, nhớ nàng đã khóc... từ lúc xa nhau chàng không còn yêu ai khác được nữa:
Đêm chia ly em về, đường khuya em bật khóc…
…Anh xa em thật rồi, làm sao quên mùi tóc
…tim anh như ngừng thở, từ sau ân tình đó…

Ông viết rất nhiều ca khúc tuyệt hay, nhẹ nhàng, giản dị mà không mất đi sự lãng mạn trữ tình. Tôi thường lẩm nhẩm hát nhạc của ông những lúc một mình: ”Chiều trên phá Tam Giang anh sực nhớ em/ Nhớ ôi là nhớ đến bất tận/Em ơi em ơi…
“…Giờ nầy thành phố chợt bùng lên/ Em giòng lệ bất giác chảy tuôn/Nghĩ tới một điều em không rõ/ Nghĩ tới một điều em sợ không dám nghĩ/ Đến một người đi giữa chiến tranh/ Lại nghĩ tới anh…( Chiều Trên Phá Tam Giang, phỏng thơ Tô Thuỳ Yên).

Ông còn viết hàng trăm ca khúc, mỗi bài là mỗi câu chuyện: chuyện đôi lứa với những
nhớ thương, chờ mong, hờn dỗi, chuyện biệt ly bởi chiến tranh…

4/-
Ba nhạc sĩ kể trên là ba trong số những nhạc sĩ xuất thân là lính, họ thấu hiểu tâm trạng cùng những nguy nan khốn khó mà người lính gánh chịu hơn ai hết. Nên các “nhạc tình mùa chinh chiến”của họ có sức truyền đạt sâu đậm chạm đến tận tâm hồn người nghe.
–Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với Chiều Mưa Biên Giới, Nhớ Một Chiều Xuân, Sắc Hoa Màu Nhớ, Hải Ngoại Thương Ca..v..v.

–Nhạc sĩ Trường Sa ngoài Hành Trang Giã Từ còn có nhiều ca khúc rất trữ tình lãng mạn như Một Mai Em Đi, Mùa Thu Trong Mưa, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em… qua giọng hát của danh ca Lệ Thu.

–Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với Chuyện Tình Mộng Thường, Rừng Lá Thấp, Biển Mặn, Hàn Mặc Tử, Chuyện Hẹn Hò, Bảy Ngày Đợi Mong…

Người ta thường gọi các ca khúc trữ tình viết theo thể Boléro, Boston, Rumba là”nhạc vàng”. Danh từ nầy ngày xưa không hề nghe, chỉ mới xuất hiện những năm sau nầy.

5/-
Nói về “nhạc vàng”, tôi có chút ý kiến riêng có thể nhiều người không đồng tình: Tôi thật sự không hiểu vì sao người ta dùng chữ “nhạc vàng”để xếp loại các tuyệt phẩm vượt thời gian, thậm chí còn có thêm từ “nhạc sến”!!. Vài lần tôi giật mình nghe có người khi hát karaoke, ung dung tự giới thiệu sẽ trình bày một bản”nhạc sến”!

Nhạc sến là gì? Theo tôi hiểu chữ sến là ngụ ý chê bai dè bỉu sự lố lăng trong phong cách, cử chỉ, lời nói của người nào đó. Thế mà giờ đây mọi người xử dụng chữ Sến để tả về các bản nhạc ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu nam nữ…là thế nào ? Hay hiện nay ý nghĩa của các chữ đã đảo ngược đen thành trắng, xấu thành tốt ?

Còn Nhạc vàng là gì? Sao không gọi là “nhạc tình, nhạc tình yêu, nhạc tình cảm” để phân biệt với nhạc đồng quê, nhạc trẻ, hùng ca, du ca, dân ca, vọng cổ, hát bội, hát hồ quảng… sao lại gọi là vàng, màu của mùa thu lá úa, của vàng vọt hoàng hôn, của đìu hiu ảm đạm, của cuối nẻo đường trần…?

Wikipedia giải thích :”nhạc vàng là dòng nhạc trữ tình bình dân bắt nguồn từ thời tiền chiến, tiếp tục phát triển ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954–1975, thường được viết với những giai điệu chậm buồn đều đều như Boléro, Rumba, Ballade. Ca từ dung dị dể nghe, dể đi vào hồn tầng lớp bình dân”.
Vào Google, thấy rất nhiều trang mạng khen“nhạc vàng”nhưng đều nhấn mạnh dành cho tầng lớp bình dân. Nếu họ nói bình dân, ắt nhiên là để phân biệt với trung lưu, thượng lưu. Thế lớp “trung lưu, thượng lưu”thưởng thức loại nhạc gì? Một người tự trọng khiêm nhường không bao giờ dám nhận mình thuộc tầng lớp trung, thượng lưu cả. A tôi nhớ rồi, tôi thường xuyên nghe nói về “nhạc thính phòng”.

Wikipedia định nghĩa nhạc thính phòng là loại nhạc bắt nguồn từ thời Trung cổ đến Phục Hưng của Tây phương chỉ diễn trong không gian nhỏ, như lâu đài, cung điện hoặc gia đình, dùng nhạc cụ hoà tấu từ 2–10 nhạc công, mỗi người chơi một bè, mọi bè đều quan trọng ngang nhau. Khác với loại nhạc giao hưởng, opéra…biểu diễn trên sân khấu lớn.
Theo định nghĩa trên, thì nhạc thính phòng thường là nhạc cổ điển chỉ chơi trong lâu đài, cung điện, gia đình, tức hạn chế số người tham gia được chọn lọc kỹ. Nhưng tôi thấy ngày nay nhiều ca sĩ được giới thiệu trang trọng hát “nhạc thính phòng”, trình diễn trong các đại sân khấu trước vài ngàn khán giả, vậy phải hiểu thế nào nhỉ?
 
Ngôn ngữ Việt hiện nay được (hay bị)“sáng chế” rất nhiều. Người ta lạm dụng, xử dụng nhiều từ ngữ một cách méo mó không đúng chỗ. Tôi đoán chắc đầu tiên một số người nào đó viết ra, những người khác tưởng là hay lạ rập khuôn nói theo không thèm tìm hiểu ý nghĩa. Dần dần lan rộng ra đại chúng, mọi người đón nhận như điều hiển nhiên cách vô tư (hay vô tâm). Thật đáng buồn, đáng tiếc cho ngôn ngữ Việt vốn tinh tế phong phú dần dần trở thành nghèo nàn mai một!!!

Thế thì người ta xếp “nhạc vàng” dành cho giới bình dân ít học,“nhạc thính phòng” cho giới cao sang kiến thức rộng? Vậy xin hỏi, theo wikipedia định nghĩa thì nhạc thính phòng thường là nhạc hoà tấu cổ điển không lời. Có chắc gì tất cả “lỗ tai”các nhà tự nhận là ”quí-sờ-tộc”kiên nhẫn hàng giờ lắng nghe và thấu hiểu những âm giai không lời cổ điển ấy? Hay hiện nay người ta hiểu danh từ “nhạc thính phòng” theo nghĩa khác, tức là lời nhạc phải “văn chương bác học, ẩn dụ khúc mắc, càng tối nghĩa càng tốt”, như thế lớp bình dân tính tình giản đơn không thẩm thấu vào màng nhỉ bởi “ít kiến thức”?

Không đồng tình với sự giải thích trên, với tôi không có phân biệt“nhạc bình dân”với “nhạc thông thái”. Bản nhạc nào có sức khuấy động từng sợi thần kinh cảm xúc, ngấm tận sâu vào tâm hồn khiến chúng ta khóc cười theo, đó là một bản nhạc hay, một bản nhạc thành công vậy. Chúng ta nghe âm nhạc bằng trái tim bằng cảm xúc chứ không bằng lý trí, chớ nên dùng trí óc xét đoán phân loại nhạc cao hay thấp, làm ơn đi. Thật là một sự báng bổ. Tôi biết nhiều người kiến thức uyên bác rất mê nghe nhạc tình– bị xếp hạng “nhạc vàng, nhạc sến”–. Ngay bản thân tôi thường xuyên nghe hàng trăm ca khúc tình cảm nầy hoài.

6/-
Trong lúc tìm tài liệu, tôi bỗng bắt gặp có một “Lê Văn Vũ nào đó” trên trang Vidia Shop viết nguyên văn như sau: “nhạc vàng là loại nhạc ra đời ở miền Nam từ khoảng 1954–1975 được các nhạc sĩ VNCH sáng tác với giai điệu trầm buồn như Boléro, Rumba, Chachacha. Những giai điệu tuy gần gũi, dể hiểu song rất sang trọng, lãng mạn…Những ca khúc du nhập mang âm điệu nhẹ nhàng uỷ mị gợi cảm và”ham muốn tình yêu xác thịt, phần đông nghệ sĩ biểu diễn dòng nhạc này là người miền Nam” !!!
Rồi lê văn vũ này giải thích về nhạc sến như sau: “là dòng nhạc xuất phát từ “Marri Sến”* rất phổ biến ở Sài Gòn những năm 50-60 thế kỷ trước. Hơn ai hết người Sài Gòn hiểu rõ cụm từ này, Marri Sến* dùng để chỉ người giúp việc hay con sen được người Bắc di cư mang vào”.

*Mở ngoặc: chữ Marri đúng ra phải viết Marie. Marie là tên con gái thông dụng của người Tây phương, cũng như tên Mai, Lan, Cúc, Trúc…của người Việt. Chỉ nội 1 chữ gồm 5 mẫu tự Marie mà “phê bình gia lê văn vũ”đã viết sai 2 lỗi: 2 lần vần r và thiếu e ở cuối. Bởi nếu chỉ viết Mari thiếu e ở cuối có nghĩa là “người chồng” chứ không còn là tên riêng dành gọi phái nữ nữa.
Tôi viết tên “hắn-này” bằng chữ thường mà không viết chữ in, là cố tình chứ không vì cẩu thả, sơ sót đâu đấy.

Tên lê văn vũ đó nói ca từ “dể hiểu, uỷ mị, ham muốn tình yêu xác thịt” (tức phải hiểu là thấp hèn, hạ tiện) song lại rất “sang trọng lãng mạn”??????. Có ai hiểu “hắn này” định nói gì không nhỉ? Đã thấp hèn sao sang trọng được? Hắn-này thử đưa ra bằng chứng ca từ nào là “uỷ mị, ham muốn xác thịt”coi nào. A trong nhiều bản nhạc thường xuất hiện ca từ“nụ hôn”,”trong vòng tay nhau…” chắc vậy mà hắn-này kết luận “ham muốn tình yêu xác thịt” chứ gì. Thật buồn cười chết mất.

“Hắn này”còn nhấn mạnh nhạc do các nhạc sĩ ở miền Nam sáng tác! Ừ thì sao? Lần này hắn nói đúng. Các nhạc sĩ sinh sống ở miền Nam từ 1954–1975 mới sáng tác được những nhạc phẩm lừng danh trường tồn mãi với thời gian chứ ai nữa.

Tôi muốn hỏi nhạc sến mà sao sau gần nửa thể kỷ chẳng những không bị đào thải biến mất mà mấy năm sau này thịnh hành trở lại, làm mưa làm gió khắp Nam, Trung, lấn sân qua xứ Bắc cũng hò hát mê say còn nồng nhiệt hơn dân miền Nam vậy? Bằng chứng khi tôi du lịch ra Bắc, nghe loại nhạc “vàng, sến” khắp nơi. Ngoài ra các đài truyền hình quốc nội mở nhiều cuộc thi tuyển chọn giọng ca Boléro kéo dài đã nhiều năm nay vẫn còn thu hút hàng triệu triệu khán giả. Nhà nhà, người người, đâu đâu cũng đều hát boléro.

Chúng tôi vô vàn cám ơn “các nhạc sĩ miền Nam viết nhạc tình cảm” đã cống hiến cho đời một kho tàng âm nhạc đồ sộ cả phẩm lẫn lượng. Tài năng, kiến thức và nhân cách của họ đáng cho chúng tôi ngã mũ khâm phục.

Thanh Hà
Jan.2024




4 nhận xét:

  1. Chuyển lời của tỷ Kim Trúc:

    Hi bạn TH thương mến , biết bạn đang khỏe , rãnh và rất sung viết đúng không ? , vì mình thấy lúc này bạn chưa đi du lịch nên KT và độc giả được đọc những bài viết hay phong phú xen lẫn những lời nhận xét rất chính xác .

    Đọc xong bài viết của TH Mình hoàn toàn đồng ý với bạn, những từ như : Nhạc vàng, nhạc sến, ca từ, cụm từ vv… chỉ xuất hiện sau 1975 với KT thật là vô lý và chắc ” hắn “ phát biểu theo nhận xét của riêng hắn, mình cũng thấy tưng tức hihihi.

    Mặc kệ , KT vẫn rất thích , thuộc nằm lòng và luôn thích hát những bài hát lời bình dị , bình dân đi vào tâm hồn trái tim của mình và lời bài hát rất dễ hiểu không cao siêu mệt óc, thật là thoải mái khi được thưởng thức với một trời kỷ niệm .
    Mến chúc bạn luôn vui khỏe viết thêm dài dài nữa TH hé ❤️
    TB : Viết cho bạn mà bên ngoài đang bảo tuyết rất lớn tính từ mùa đông đến giờ.
    Cám ơn TH nhắc về những bài hát về mùa đông làm KT nhớ cũng có 1 bài tân cổ nè :
    Nổi Buồn Đêm Đông, sáng tác của nhạc sĩ Khánh Băng - Anh Minh, mời bạn Thanh Hà và quý thầy cô, bạn hữu và độc giả thưởng thức nha.

    Trả lờiXóa
  2. Đầu tiên TH cám ơn Hoa trang chủ đã chuyển phần comment của KT nghe.
    Kim Trúc thương,
    Cám ơn KT luôn theo dõi bài TH viết – cũng như TH dõi theo giọng hát & thơ của chị em gia đình KT vậy–. Thật vui khi biết KT cũng cùng ý nghĩ với TH về vấn đề TH nêu ra, cũng như nhiều điểm khác từ trước tới giờ qua các bài TH viết, thật là đáng quí, đáng trân trọng biết bao cô bạn phương xa của tôi ơi!

    Đúng là tự nhiên đề tài mùa đông lúc đầu TH nghĩ là sẽ viết 2 phần là hết, nhưng khi bắt tay vào thì nảy thêm ý tưởng nên rốt cuộc giờ đã tới phần 6 rồi mà còn chưa định ngưng nữa nè, thiệt TH nhiều chuyện quá trời hén. Nhưng không biết còn ý tưởng và “sung”–như KT nói–nữa không đây chớ, để rồi xem.

    TH nghe KT hát vọng cổ Nỗi Buồn Đêm Đông với Ngọc Trắng, hai người hát ngọt quá chừng. Đêm đông mà nghe hai người hát thật là phù hợp với cảnh bên ngoài , sầu đứt ruột à. Cám ơn KT và bạn NT.

    Bên KT có bão tuyết thì bên TH cũng đầy tuyết rơi từ hơn tuần nay, trời xuống –8 độ âm C. Có gió thổi mạnh chứ không có bão, vậy bên KT chắc lạnh hơn bên đây. Nhưng chúng mình cũng đã quen rồi hén.

    Chúc KT và gia quyến luôn bình an vui mạnh, hát và làm thơ hoài hoài nhiều vào.
    Hể khi nào KT không thấy bài TH đăng nữa là TH biến đi chu du rồi đó nghe.
    Thương,
    Thanh Hà

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài viết của TH mình chợt tiếc nuối thời vàng son trước 1975 quá! Bây giờ những dòng nhạc tuyệt vời như thế không thể có ở chế độ mới này. Cho nên phong trào nhạc cũ ( nhạc vàng) vẫn tiếp tục bay bổng theo bước chân của từng thế hệ trẻ. Cám ơn bài viết của bạn, nha TH!

    Trả lờiXóa
  4. TH cám ơn anh Ân đã đọc và đồng cảm nghĩ với TH– mà TH đoan chắc còn có rất nhiều người cùng chung ý nghĩ như thế–.
    Nhạc thời hoàng kim trước 1975 là dòng nhạc Nhân Văn (hay Nhân Bản); nói về Tình Yêu quê hương, thanh bình, tình yêu đồng loại, gia đình, nhất là tình yêu đôi lứa. Những gì tốt đẹp thì luôn trường tồn với thời gian, còn những gì đi ngược với Chân, Thiện, Mỹ sẽ tự động đào thải dù có tìm cách níu kéo cũng không được, đúng không anh Ân?!

    Cho nên chúng ta tránh, đừng gọi tên nhạc theo “phong trào” là nhạc vàng, mà nên trân trọng đặt nó lên đúng ngôi vị, đúng danh xưng anh nhỉ.
    Thân mến,
    Thanh Hà

    Trả lờiXóa