Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

Hội Thân Hữu Kiên Giang Tổ Chức Tất Niên Hội Ngộ 2024

 Lâm Hoài Thạch/Người Việt


Đồng hương đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Đông đảo đồng hương và
quan khách đến dự tiệc Tất Niên Hội Ngộ 2024 do Hội Thân Hữu Kiên Giang Miền Nam California tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng, tại nhà hàng Paracel Seafood, thành phố Westminster.

Đại diện các hội đoàn đến dự có Hội Đồng Hương Bình Thuận Phan Thiết, Hội Đồng Hương Bến Tre, Hội Đồng Hương Hà Tiên, Hội Ái Hữu Gò Công, Hội Đồng Hương Vũng Tàu, Hội Đồng Hương Cà Mau, Hội Đồng Hương Thủ Đức, và còn nhiều hội khác.

Ban văn nghệ Kiên Giang đồng hát bài
“Ly Rượu Mừng.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt) 
Tất Niên Hội Ngộ nhằm tạo cơ hội cho đồng hương và thân hữu

Kiên Giang xa gần có dịp gặp gỡ nhau để hàn huyên tâm sự, chia sẻ nhưng sự vui buồn sau một năm sống trên đất khách. Đây cũng là truyền thống mà hội đã duy trì hơn 30 năm qua để đồng hương Kiên Giang cùng nhau phát triển những sinh hoạt văn hóa dân tộc Việt Nam nơi xứ người.

Trong không khí đầy ắp thân tình, mọi người cùng vui vẻ qua tiếng chào thân thương, niềm vui hân hoan từ tâm tình của những đồng hương đã được sinh ra và lớn lên tại vùng đất biển phù sa Kiên Giang, cùng chúc cho nhau năm mới được nhiều phúc lộc an khang thịnh vượng, dồi dào sức khỏe và may mắn.

Trong diễn văn khai mạc, ông Nguyễn Minh Lương, trưởng ban tổ chức, nói: “Sau đại dịch COVID-19, những sinh hoạt của hội không được đầy đủ như những năm trước. Tuy nhiên, với sự gắn bó và tình cảm của đồng hương Kiên Giang vẫn không suy giảm, bằng chứng là buổi Hội Ngộ Tất Niên hôm nay với sự hiện diện đông đảo của đồng hương Kiên Giang và những hội đoàn bạn…”

Ban tổ chức tặng quà và chúc thọ các bô lão.
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ông Trần Văn Phú, hội trưởng Hội Thân Hữu Kiên Giang Miền Nam
California, cũng có lời chúc Tết và chào mừng mọi người đến dự, và ông cũng không quên cám ơn các thành viên trong ban quản trị của hội về tấm lòng và tinh thần phục vụ cho đồng hương Kiên Giang, nhờ vậy, nên hội được tồn tại và phát triển cho đến bây giờ.

Ban văn nghệ Kiên Giang đồng hát bài “Ly Rượu Mừng.”
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Nhân dịp đón mừng Xuân Giáp Thìn, 2024 sắp đến, Ban Chấp Hành Hội Thân Hữu Kiên Giang không quên nghĩ đến các bậc lão niên trong hội, những người đã đóng góp công sức, cố vấn cho ban chấp hành trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, nên ban tổ chức đã tặng quà và chúc thọ các cụ.

Chương trình văn nghệ được tiếp nối do ban văn nghệ của đồng hương Kiên Giang và thân hữu đóng góp. Đặc biệt với sự hiện diện của ca sĩ Tường Vy và nhóm múa của cựu học sinh Trung Học Lê Ngọc Hân Mỹ Tho.

Cựu học sinh Trung Học Lê Ngọc Hân múa bài
“Mùa Hoa Anh Đào.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Trong số khách mời đến dự, Dược Sĩ Trần Nghĩa Đời, hội trưởng Hội


Đồng Hương Gò Công, nói: “Tiệc mừng Tất Niên và Tân Niên là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hai hội đồng hương Kiên Giang và Gò Công đã từng gắn bó bên nhau trong những dịp lễ lạt truyền thống của mình. Vì thế, tôi hiện diện trong hôm nay để vui mừng cũng đồng hương Kiên Giang trong dịp đón Xuân Giáp Thìn, 2024 sắp đến với đồng hương tại hải ngoại.”

Các phụ nữ đồng hương Kiên Giang.
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Theo ban tổ chức, những người từng được sinh ra và lớn lên tại đất Kiên Giang không phải chỉ có dân bản xứ mà còn những người đã từng đến làm việc hoặc chọn xứ này là nơi làm ăn sinh sống. Vì thế, Hội Thân Hữu Kiên Giang Miền Nam California như một mái nhà để người Kiên Giang và những cư dân đã từng sinh sống tại đây có những buổi họp mặt hàng năm.

Ông Phạm Hữu Hiển tâm tình: “Tôi không phải là dân bản xứ Kiên Giang, nhưng có vợ là người dân ở thị xã Rạch Giá, con của chủ nhân cửa hàng nước mắm Lý Thanh Hưng. Tôi rất thích cuộc sống của đồng bào tỉnh Kiên Giang, vì nơi này có vị trí nằm ở cạnh biển và ruộng đồng bao la, sông ngòi chằng chịt, nên Kiên Giang có rất nhiều loại hải sản như cá đồng, cá biển, tôm, cua, ghẹ, sò huyết. Đặc biệt nhất là sản xuất những loại nước mắm Phú Quốc và Hòn Sơn Rái, đó là những đặc sản của tỉnh Kiên Giang.”

Hội Trưởng Trần Văn Phú phát biểu.
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ông Lê Nở, từ San Diego về tham dự, nói: “Tôi được sinh ra và lớn

lên tại Kiên Giang. Trước năm 1975, tỉnh Kiên Giang rất rộng lớn, có các quận Hà Tiên, Phú Quốc, Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên An, Kiên Bình, Kiên Hưng,… và cũng có nhiều cảnh đẹp như Hòn Rùa, Hòn Sơn Rái, Hòn Nam Du, Thạch Động, Mũi Nai, Hòn Phụ Tử,… Đó là những thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam mình.”

Ông Dư Quốc Tài, cư dân Westminster, cho hay: “Tôi là dân của xứ sở Kiên Giang, nhưng trong thời chiến thì tôi phải rời xa quê hương của tôi một thời gian. Điểm đặc biệt của tỉnh Kiên Giang của chúng tôi là khi du khách đến thăm viếng thị xã Rạch Giá thì sẽ gặp ngay Cổng Tam Quan đầu tiên, một hình ảnh rất đặc biệt của Kiên Giang.”

Ban tổ chức và đồng hương Kiên Giang.
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Cổng Tam Quan chào đón khách viếng thăm thị xã Rạch Giá với hai câu đối “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần.” Hai câu này của cố thi sĩ Huỳnh Mẫn Đạt để ca tụng vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người chỉ huy nghĩa quân của tỉnh Kiên Giang chống thực dân Pháp. Cổng Tam Quan tọa lạc gần sân bay Lạc Hồng ngày xưa được chánh phủ VNCH xây dựng trước 1975 trên 20 năm, và vẫn còn duy trì cho đến bây giờ.

Vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã bị người Pháp hành hình tại Rạch Giá ngày 27 Tháng Mười, 1868, hưởng dương 31 tuổi. Trước khi đầu rơi khỏi cổ, ông đã nói một câu bất hủ, để đời cho hậu thế: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây.”

Trung Học Công Lập Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá là ngôi trường lớn nhất, ngôi trường lấy tên của vị anh hùng dân tộc. Đồng bào thị xã Rạch Giá cũng đã xây dựng đình thần Nguyễn Trung Trực rất khang trang để tưởng nhớ đến vị anh hùng vì nước quên mình.

Hằng năm, Hội Thân Hữu Kiên Giang Nam California có ba kỳ họp mặt chính là Tất Niên Hội Ngộ, được tổ chức vào khoảng trước hoặc sau Tết Nguyên Đán; Hè Hội Ngộ vào khoảng Tháng Sáu, Dương Lịch và Lễ Giỗ Cụ Nguyễn Trung Trực vào khoảng gần cuối Tháng Tám Âm Lịch.

Cũng từ truyền thống đó, mọi người cùng ôm ấp những kỷ niệm xưa ở xứ sở của mình để cùng hòa quyện với nhiều hội đồng hương bạn. Một việc làm rất có ý nghĩa và trong tinh thần đoàn kết trên xứ lạ quê người. [kn] 

Lâm Hoài Thạch/Người Việt






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét