Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Tản Mạn Khúc Ca Mùa Đông - Phần 7

 Tản mạn của Thanh Hà 


1/-
Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu
Mưa mù lên mấy vai gió mù lên mấy trời
Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt
Vàng xưa đầy dấu chân đen tối vùng lãng quên
(Người Đi Qua Đời Tôi, nhạc Phạm Đình Chương, phổ thơ Trần Dạ Từ)

Ngoài ca khúc nầy được viết năm 1970, phổ từ bài Thơ Cũ Của Nàng của thi sĩ Trần Dạ Từ. Trần Dạ Từ là phu quân của nữ văn sĩ Nhã Ca, bà viết nhiều tác phẩm như Cổng Trường Vôi Tím, Tình Ca Trong Lửa Đỏ…

Thời xưa không ai mà không biết ban hợp ca Thăng Long với 3 anh em ca, nhạc sĩ mà tên tuổi trở thành huyền thoại: Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), danh ca Thái Thanh. Thỉnh thoảng còn có sự góp mặt ba thành viên lừng danh ngang ngửa của gia đình là ca sĩ Thái Hằng (chị ruột ca sĩ Thái Thanh, vợ nhạc sĩ Phạm Duy), ca sĩ Khánh Ngọc (vợ Phạm Đình Chương), và chính nhạc sĩ Phạm Duy.

Ban nhạc Thăng Long những năm đầu 1960 trình diễn tân nhạc theo lối Tây phương đã thổi đến một luồng gió mới đối với khán giả miền Nam vốn yêu thích cổ nhạc, cải lương, hát bội. 
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác nhiều tuyệt phẩm bất hủ như Trường ca Hội Trùng Dương, Ly Rượu Mừng, Mộng Dưới Hoa, Xóm Đêm…nhạc ông phần nhiều là những ca khúc vui tươi, rộn ràng lạc quan về quê hương về tình yêu đôi lứa. Ông đã từng sống trong hạnh phúc với người vợ ca sĩ kiêm tài tử tài sắc vẹn toàn Khánh Ngọc.

Tài năng sự nghiệp của họ đang toả sáng, trên đỉnh cao danh vọng kéo dài 7,8 năm thì mối lương duyên của hai người tan vỡ trong sự bất ngờ tiếc nuối của giới mộ điệu, khiến nhạc sĩ Phạm Đình Chương sống gần như ẩn dật một thời gian khá lâu. Phải vài năm sau, ông mới viết trở lại đa số nhạc buồn nói về chia ly, ngăn cách, nhớ thương. Người Đi Qua Đời Tôi, Nửa Hồn Thương Đau là 2 trong các nhạc phẩm được viết 10 năm sau khi gia đình ông tan vỡ. Cả 2 bài hát đều được đưa vào phim nổi tiếng Chân Trời Tím do Kim Vui và Hùng Cường đóng vai chính. 

Lời trong thơ của thi sĩ Trần Dạ Từ sao mà trùng hợp với tâm sự nhạc sĩ, kẻ bị tình phụ nhưng sự nhớ thương người tình vẫn chưa nguôi, vẫn nhớ tiếng hát, và dấu chân kỷ niệm in đầy trong mảng thời vàng son cũ:
Người đi qua đời tôi…
…Vàng xưa đầy dấu chân…
…Tiếng hát nào hơ nóng
Và ai qua đời tôi chiều âm vang ngàn sóng
Trên lối về nghĩa trang…

Thi sĩ Trần Dạ Từ nói giùm cho nỗi lòng nhạc sĩ, vẫn còn yêu còn thương tiếc, hỏi người xưa có còn nhớ chút gì không, lời than thở hoà lẫn trong điệu Slow da diết
Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người
mưa nào lên mấy vai, gió nào lên mấy trời.
Người đi qua đời tôi đường xưa đầy lá úa
Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên…

Câu cuối chợt cao giọng chứ không còn thầm thì, là tiếng kêu thống thiết bi thương, không gọi bằng tiếng“người”xa lạ, mà chuyển sang tiếng “em” gần gũi.

Em đi qua đời anh, không nhớ gì sao Em?

Nếu “người xưa” còn lưu chút ân tình, không biết có ray rứt trăn trở trong những chiều đông sầu?!

2/-
Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly…

…Tuyết rơi mỏng manh buồn ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc nói chi cũng muộn màng…

…tuyết rơi phủ con tầu trong toa em lạnh đầy
Làm sao em không rét cho ấm mộng đêm nay?
(Tiễn em, thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy)

Bài thơ gốc mang tựa “Chưa Bao Giờ Buồn Thế”, khi phổ thơ nhạc sĩ Phạm Duy đề nghị thi sĩ đổi sang tựa là Tiễn Em.
Tôi có đưa bài thơ nầy vào trong tản mạn Thi Ca Mùa Đông phần I nên giờ không nhắc lại nhiều. Nhắc lại cũng thừa bởi có ai mà không từng vu vơ ngân nga “lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Paris suốt đời làm chia ly” tên thi sĩ Cung Trầm Tưởng gắn liền với tên nhạc sĩ Phạm Duy. Theo ý tôi thì “ông nhạc sĩ” lẫn “ông thi sĩ”vốn đã nổi danh thì qua bài thơ phổ nhạc này (hoặc nhạc phổ từ thơ) đã khiến hai ông càng nổi danh hơn nữa. 
Và cũng chính những bài thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa nhắc nhiều về Paris, về giòng sông Seine, về khu vườn Luxembourg…đã khiến bao trái tim thanh thiếu nữ đan mơ dệt mộng về xứ sở của St-Exupéry với câu chuyện Hoàng Tử Bé, của Victor Hugo với Những Người Khốn Khổ. 

Nơi em có trăng soi, anh một mình ở lại
Trời mùa đông Paris suốt đời thèm trăng soi.

Thi sĩ lúc ấy là sinh viên sang Pháp du học, có yêu một cô gái quê miền Nam Pháp. Cô người yêu vốn thể chất không khoẻ mà cái rét buốt mùa đông Paris rất khắc nghiệt, bác sĩ khuyên cô nên về vùng Địa Trung Hải ấm áp. Ông lấy cảm hứng chuyện tiễn cô lên xe lửa ở ga Lyon mà viết thành bài thơ lãng mạn để đời. 

Vài lần tôi sang Paris–mệnh danh kinh thành ánh sáng–vào dịp cuối năm dương lịch thăm họ hàng nhân ngắm hàng vạn ánh đèn lung linh trên đại lộ Champs-Élysées và trên tháp Eiffel. Trời hỡi, tôi là dân sống xứ lạnh cao nguyên, lúc nào nhiệt độ nơi đây cũng thấp hơn vùng bình nguyên vài ba độ C. Mùa đông kéo dài 4,5 tháng, trừ–10,15 độ âm C là chuyện bình thường. Khi tôi đến Paris không nhằm lúc tuyết rơi, thế mà cái lạnh xâm nhập vào cơ thể run cóng không thể nào chịu nổi dù trang bị các loại áo khoác ngoài, áo len mặc trong, khăn quàng cổ, mũ đội đầu, gant tay, bottes…không thiếu món nào. 
Cô em họ chọc: “thế mà là dân sống miền núi đấy”.
Về sau hỏi lại nhiều người sống cùng miền cao nguyên như tôi, họ cũng nói chả hiểu sao cơ thể không chịu nổi cái lạnh mùa đông Paris.

3/-
Chiều nay gió đông về dừng chân trên bến xưa
Đời trai gió sương về thăm cố hương
Tìm bao nhớ thương mà sao phố phường vắng
Tình sầu lạnh buốt đêm trường

Ngại ngùng bước chân buồn, em đã sang ngang rồi
Đành thôi nhớ mong gởi theo gió đông
Tình yêu giá băng vào nơi cuối trời nhớ
Sầu đông còn đến bao giờ
(Sầu đông, nhạc Khánh Băng)

Nhạc sĩ Khánh Băng viết Sầu Đông theo điệu Twist, loại nhạc thịnh hành thời thập niên 1950–1960. Nhạc Twist còn có tên khác là“nhạc kích động” bởi sự sôi nổi, tiết tấu nhanh rất được nhiều người yêu thích. Chính nhạc sĩ còn viết thêm lời Pháp lấy tên Johnny Mon Amour.

Trong dịp cuối năm về thăm quê ở Vũng Tàu, ông có ý ghé thăm người yêu cũ, nhưng đến nơi thì mới hay cô gái đã có chồng con rồi. “Em đã sang ngang rồi”. Nên”đành thôi nhớ mong gởi theo gió đông”.
Bài hát được công chúng đón nhận nồng nhiệt, nên có nhiều nhà xuất bản đề nghị ông viết tiếp Sầu Đông 2, nhưng ông từ chối. 

Ông còn 1 ca khúc khác giai điệu rất nồng nàn dìu dặt Đôi Ngã Chia Ly:
Em ơi nép vào lòng anh má kề bên nhau
Anh nhắc chuyện ngày qua cho mối duyên thêm mặn mà
Em ơi nếu mà sau nầy giấc mộng không thành
Thì đành đôi ngã chia ly chớ đừng u sầu làm chi…

…Em ơi có ngờ đâu rằng
Khúc nhạc chưa tàn mà vội xa cách em ơi
Đôi ngã biết tìm về đâu….
(Đôi ngã chia ly, nhạc Khánh Băng)

4/-
Anh ơi có phải ngoài trời đang mưa
Anh ơi có phải trời đã sang đông
Mùa đông giá băng em đang chờ
Mùa đông ái ân em đang tìm
Tìm màu áo cưới cho em
(Chờ đông, nhạc Ngân Giang)

Thêm 1 ca khúc lạc quan, chuyện người thiếu nữ đang nao nức tìm chọn màu áo cưới trong bối cảnh mùa đông, dù là một “mùa đông giá băng”nhưng là“mùa đông ái ân” hạnh phúc. 

Ta quen biết nhau khi tàn xuân
Ta yêu thiết tha khi hè sang
Và khi thu đến em gom ánh sao
Cho đêm đen kết thành vương miện
Để mùa đông đám cưới đôi mình
(Chờ đông, Ngân Giang)

Chuyện tình hai người trải dài bốn mùa, bắt đầu vào cuối xuân, sang hè tình đã nồng thắm, đến thu thì cô gái mơ gom ánh sao trên trời kết thành vương miện để đội trong lễ cưới lúc đông đến. Chuyện tình kết thúc có hậu này là của chính nhạc sĩ Ngân Giang
viết tặng vợ. Hai người có 5 người con, gắn bó nhau cho đến ngày ông qua đời năm 2009 tại tiểu bang Arkansas, Mỹ.
Ngoài Chờ Đông, ông còn viết rất nhiều nhạc rất tình cảm như: Đường Tình Đôi Ngã, Tôi Vẫn Nhớ, đặc biệt Tình Nào Trong Mắt Em (Đôi Mắt Người Xưa) là ông nhắc về mối tình cũ ông yêu khi còn trẻ, nhưng gia đình cô gái chê ông nghèo không chấp thuận. Nhiều năm sau tình cờ gặp lại, nhìn ánh mắt người xưa biết là cô vẫn còn yêu nên ông sáng tác ca khúc trên. Tuy lời ca giản dị nhưng rất cảm động.

5/-
—Tombe la neige/ Tu ne viendra pas ce soir
Tombe la neige/ Et mon cœur s’habille de noir
Ce soyeux cortège/ Tout en larmes blanches
L’oiseau sur la branche/ Pleure le sortilège
(Tombe la neige, nhạc Pháp, Salvatore Adamo)

Lời Việt:
—Ngoài kia tuyết rơi đầy
Em không đến bên anh chiều nay
Ngoài kia tuyết rơi rơi
Trong băng giá tim anh tả tơi
Đâu đây đám tang u buồn
Mắt ai vương lệ thẫn thờ
Lũ chim trên cành ngu ngơ
Khóc thương ai đời bơ vơ…
(Tuyết rơi, Hùng Lân dịch lời Việt)

Nhạc phẩm lời Pháp do một ca, nhạc sĩ gốc Ý sáng tác và chính ông trình diễn vào năm 1963. Bản nhạc nổi tiếng được nhiều danh ca thế giới hát, dịch ra nhiều ngôn ngữ từ Tây sang Đông, từ Âu sang Á. Lời tiếng Việt có nhạc sĩ Hùng Lân, Phạm Duy dịch.

Giai điệu chậm buồn, tả về nỗi thất vọng của chàng trai trong đêm đông tuyết rơi chờ đợi người yêu nhưng nàng không đến, khiến trái tim chàng như nhuốm màu đen tối. Nhìn chung quanh từ đám tang cho đến bầy chim trên cành đều mang vẻ tang tóc bi thương.. 
Không có em vuốt ve đêm nầy
Môi mắt anh xanh xao hao gầy
Tuyết vẫn rơi đều trên cây
Giông tố như vô tình qua đây

Tuyết vẫn rơi, chàng vẫn tiếp tục mong chờ nàng:
Tuyết vẫn rơi rơi
Chiều nay sao em không đến bên anh?…
…nỗi cô đơn nào không đau
Nhớ thương bao giờ qua mau, la la la…

Theo tôi, hai thập niên 1960-1970 là thời hoàng kim của nhạc Việt lẫn Pháp. Chúng tôi được thưởng thức bao nhiêu ca khúc giá trị dù lúc ấy chưa hiểu nhiều tiếng Pháp. Sau nầy có dịp nghe nhiều nhạc Pháp, tôi ít tìm thấy ca khúc gây nhiều cảm xúc như các bản nhạc xưa nữa. Các ca sĩ Pháp hiện giờ cũng ít được “biết tiếng” như các ca sĩ thế hệ cũ.

6/-
Người tình đi xa tít, mãi nơi chân trời
Trời thì u tối, mùa đông đang đi tới ngày thì dài quá dài
Mưa vẫn rơi mù khơi, mưa tơi bời
Từng giọt mưa rơi trên mái ngói nghe như lời
Lời tôi khóc cho tôi…
( Hận Tình Trong Mưa, nhạc Nhật, lời Việt Phạm Duy)
Bài hát còn có tên khác Người Yêu Dấu Ơi, tôi từng nghe rất nhiều lần mà cứ đinh ninh đó là một bản nhạc Pháp cho mãi đến thời gian gần đây mới biết nguồn gốc đến từ xứ Mặt- trời-mọc.

Người tình ơi hỡi ơi, trở về đây với tôi
Nép bên bờ vai bên tôi hay ngồi và nói những câu buồn vui
Và vuốt mái tóc cho tôi , dù chỉ là những câu nói dối với tôi
Nói lên câu ân tình, tình đã chết nơi xa vời

Dựa theo lời Việt, thì bốn câu trên nghe xa xót cho cô gái quá. Mong mỏi người tình quay về ngồi dựa vai nhau, vuốt tóc cho nàng, và cứ nói lời ân tình dù toàn những lời dối gian. Nàng tiếp tục ngồi chờ tiếng chân ai về, để nàng không còn mỗi đêm khóc lóc như mưa nữa. Thật tội nghiệp! Đã gọi là tình yêu thì không thể đem lý trí mà nói lý lẽ được. Cho bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào.

Một mình ngồi chờ mong bước chân ai về
Người về bên tôi một đêm không mưa gió cuộc tình não nề
Cho hết đi sầu thương tôi không còn
Còn lặng câm đêm đêm khóc như mưa dầm
Tình chưa chết trong tim…

Thanh Hà
Jan.2024






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét