Thứ Tư, 3 tháng 1, 2024

Tản Mạn Khúc Ca Mùa Đông - Phần 5

 Tản Mạn của Thanh Hà  


1/-
Đa số ca khúc mùa đông–ngoại trừ nhạc Thánh ca– thường tả nỗi buồn, sầu viễn xứ, nhớ người yêu, thất tình, duyên lỡ làng, ly biệt…ít khi chúng ta được nghe khúc hoan ca rộn rã Tình Yêu như trong Một ngày vui mùa đông, Đêm chợ phiên mùa đông của ca nhạc sĩ Lê UyênPhương, đôi tình-nhân-vợ-chồng từng gây xôn xao làng ca nhạc Việt một thời. 
Trong Một Ngày Vui Mùa Đông, nhạc sĩ kể câu chuyện hẹn hò của hai người lúc mới bắt đầu yêu rất dể thương – cũng là chuyện muôn thuở của hết thảy những cặp tình nhân trên trái đất–. Nàng hẹn mai sẽ lên thăm chàng, chàng sống trong tâm trạng hồi hộp mong chờ từng giây, tiết đông mà tưởng chừng đã vào xuân:

Em lên ngày mai/ Đường gió trăng cài
Mong em từng giây/ Rộn ràng ngất ngây
Ô hay mùa đông/ Mà xuân đã lâng lâng
Ô hay mùa đông/ Mà mai đã lên bông 
Vì gót chân in dấu ân tình
Hoa lá ngỡ như mùa xuân, mùa xuân ái ân…
(Một ngày vui mùa đông)

Hay điệu valse trong Đêm chợ phiên mùa đông:
Hoa ngân vang lời ái ân
Môi say cười gió đông
Em mơ lời thiết tha ân cần…
…Mơ môi em hoa thơm trinh nguyên
Mơ tay em mang bao yêu thương
Biết đâu rằng rồi mờ hơi sương…
( Đêm chợ phiên mùa đông, nhạc Lê Uyên Phương)

Thế rồi không biết vì lý do gì mà nàng không đến được như đã hẹn, khiến chàng thất vọng nhìn đời hết bằng lăng kính màu hồng:
Nhưng trên thềm gác chờ đến trăng tà
Em ơi vì đâu hẹn rồi thờ ơ
Xuân sang rồi sao mà hoa nở không tươi
Xuân qua rồi sao mà tim đã đơn côi…

Qua hôm sau nàng vẫn biệt tăm, chàng nhìn đâu cũng thấy toàn sắc màu ủ dột: mây trắng không màu, nắng phai, gió thoảng bay mau, thềm ga quạnh vắng:
khi không yêu đâu biết nắng hay phai nhanh
…rồi đến ngày kia ga buồn chờ mãi người yêu/ thềm ga quạnh vắng…
Rồi nàng đến! Chỉ chậm trễ mấy ngày do bị gia đình ngăn cấm, cuối cùng họ cũng thất bại dưới mãnh lực Tình Yêu, mừng quá chàng viết nốt câu chuyện đẹp như mơ:
ai như người yêu màu áo mây chiều
Ai như người yêu lạnh lùng cô liêu
—Ô hay vì sao mà em đến nơi nầy
Ô hay vì sao mà em nhớ hôm nay
Nàng trả lời: 
—Vì trót yêu anh 
áo vai gầy không nỡ để anh mùa xuân
mùa xuân nhớ mong
(Một ngày vui mùa đông)

Vào những năm đầu thập niên 1970, một hôm tôi được nghe một bài hát có lời sau:
Như hoa đem tin ngày buồn
Như chim đau quên mùa xuân
Còn trong hôn mê buồn tênh
Lê mãi những bước ê chề
Xin cho thương em thật lòng/ Xin cho thương em thật lòng
Còn có khi lòng thôi giá băng…
(Tình khúc cho em, nhạc Lê Uyên Phương)

Không nhớ chính xác nghe từ nguồn nào trước: trên đài truyền hình, đài phát thanh hay từ giọng hát hoà cùng tiếng đàn guitar bập bềnh của các “nghệ sĩ tài tử”HQ trong những đêm trăng thanh gió mát tụ tập bên nhà hàng xóm vọng sang? Chắc từ tổng hợp các nguồn, chỉ nhớ là khi nghe những ca từ là lạ hay hay tôi đã chú ý tức khắc. Hỏi thầm bài hát tên gì, người sáng tác, đôi song ca nam nữ là ai..v..v.. tìm hiểu biết đó là Tình Khúc Cho Em, tác giả Lê Uyên Phương, được hát bởi chính hai người.
Thế là tên tuổi hai ca sĩ bắt đầu len lỏi trong tôi từ đấy. Hôm trước tôi hoàn toàn chưa nghe nói gì về họ, hôm sau chỉ mới được thưởng thức vài đoạn khúc “thương em khi yêu lần đầu/ thương em lo âu tình sau…xin cho yêu em nồng nàn/ dù tháng năm buồn vui nồng nàn…” tôi tức khắc đón nhận họ vào trong nhóm nhạc yêu thích khiêm tốn của mình.
Không phải chỉ mình tôi chú ý đến giòng nhạc nầy mà hầu như đôi vợ chồng Lê Uyên Phương đã chinh phục hàng vạn trái tim người nghe từ những bản nhạc đầu tiên. Họ đem luồng gió mới cộng thêm vào kho tàng âm nhạc miền Nam vốn đã rất phong phú với nhiều nhạc sĩ tài năng sáng tạo bao nhiêu nhạc phẩm bất hủ để đời.
 
Thuở ấy tôi chỉ mới ngập ngừng đặt chân lên ngưỡng cửa ngăn cách hai vùng trời: một bên là vùng của tuổi thơ-ngây, bên kia dành cho người-lớn; còn ngỡ ngàng e dè chưa có“kinh nghiệm” yêu đương gì thế mà đã bị thu hút bởi những ca từ đẹp khác hẳn với“ngôn ngữ truyền thống”, phong thái trình diễn, gương mặt người nam nhuốm chút lãng tử, còn người nữ thật liêu trai với mái tóc dài, hai con mắt “rộng, dài, đen”giọng ca trầm khàn hoà theo tiếng đàn guitar là một hấp lực khiến chúng tôi muốn khám phá, muốn nghe thêm nhiều hơn nữa. Tình Khúc Cho Em, Cho Lần Cuối, Vũng Lầy Của Chúng Ta, Dạ Khúc Cho Tình Nhân…những bản nhạc do chính người chồng sáng tác.

Đó là đôi vợ chồng yêu nhau bằng mối tình say đắm, mãnh liệt quen nhau từ thành phố ngàn hoa Đà Lạt; đã vượt qua bao rào cản gia đình khắc khe nhất để cuối cùng chiến thắng và song hành trên bước đường nghệ thuật. 
Có thể nói thời ấy, Lê Uyên Phương là hình mẫu về đôi tình nhân lãng tử đối với bao trái tim trẻ trung đầu óc lơ ngơ trong thế giới viễn mộng, ao ước được sống đời sống giống như họ– trong đó có tôi, ắt hẳn rồi. Nhưng chỉ mơ để tư tưởng được trốn đi hoang ra ngoài vòng nho giáo khắc khe của ba má vài giây phút thế thôi chứ đâu dám dấn thân thật sự–* 

Tôi thích nghe nhạc Lê Uyên Phương nhưng cũng thấy lạ, là nội dung các nhạc phẩm hầu hết đều ca ngợi hạnh phúc si mê cuồng nhiệt ở đoạn đầu nhưng về sau bàng bạc những khắc khoải chia lìa mất mát. Không biết có phải vì người chồng– Phương–lúc còn là thanh niên vốn mang trong mình mầm bệnh khó chữa có thể ra đi bất cứ lúc nào nên nhạc sĩ luôn chuẩn bị tinh thần cho một cái kết ly tan chia cách ?
*Cho em môi hôn vội vàng
Cho em quen ân tình sâu
Dù em không mong dài lâu…
…Xin cho yêu em nồng nàn
Dù tháng năm buồn vui bàng hoàng…(Tình khúc cho em)

*Đôi khi ta thấy lòng héo hon
Như cây hạnh phúc buồn chợt ngưng lá xôn xao
Đang nắm tay nhau mà như đã xa nhau mà như đã quên nhau
Tìm chết trong giòng đời (Đôi Khi Hạnh Phúc Buồn)

*Giờ nầy còn gần nhau
Gần thắm thiết trong mối sầu
Gần bối rối biên giới từ lòng đau…
…Giờ này còn cầm tay 
Cầm chắc mối duyên bẽ bàng
Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng 
Cầm giá buốt thương đau   
Ngày mai ta không còn thấy nhau (Cho lần cuối)
 
2/-
Ngoài đôi ca nhạc sĩ Lê Uyên Phương hát nhạc do chính người chồng sáng tác thì làng âm nhạc miền Nam còn có đôi ca nhạc sĩ khác nổi danh không kém, hai vợ chồng cũng đều là ca sĩ, cũng hát nhạc do người chồng sáng tác, là Từ Dung &Từ Công Phụng*
*Tôi bắt chước Tây, galant nhắc tên phụ nữ trước để tỏ sự đoàn kết vì cùng phái😋.
Có một nhạc sĩ năm 18 tuổi, viết một bản tình ca được giới học sinh, sinh viên đón nhận nồng nhiệt:
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi/ Cách nhau một lần thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ đôi…

…Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em
Anh đi tìm mùa xuân trên đời
Mùa đông chết đi rồi mùa xuân/Mắt em đẹp trời sao
Cho mình thương nhớ nhau…

…Mai đây anh đưa em đi về
Mưa giăng chiều nắng tàn
Cho buốt lạnh chúng mình
Em ơi thôi đừng hờn anh nữa
Nhìn nhau buồn vời vợi
Để mùa đông buốt giá bờ vai mềm…
(Bây giờ tháng mấy, nhạc Từ Công Phụng)

Nhạc sĩ Từ Công Phụng sáng tác ca khúc này năm ông 18 tuổi, tuổi của những rung động đầu đời. Nội dung kể chuyện tình yêu thời mới lớn, với những giận hờn vu vơ khiến chàng trai ước chi nàng đừng dỗi thì cả hai tâm hồn đâu bị lẻ loi. Chàng thử dỗ nàng bằng cách tìm hoa cho nàng cài lên tóc (hay áo), giai điệu nhẹ nhàng ngọt ngào như lời ru.

Kỷ niệm đêm hai chị em đi xem vợ chồng ca nhạc sĩ Từ Dung&Từ Công Phụng trình diễn ở ngoài thật–chứ không phải qua đài truyền hình–hát cho sinh viên nghe mà lâu quá không nhớ nhân dịp nào, ở hội trường nào. Đêm ấy chúng tôi được xem cả vở kịch Những Người Không Chịu Chết của Phùng Khắc Khoan do Thanh Lan, Lê Cung Bắc đóng nữa. Thật là một đêm đáng nhớ !
Ngày ấy chỉ được nghe giọng hát ca sĩ, nghệ sĩ qua làn sóng radio, nhìn thấy họ diễn trên truyền hình. Muốn xem tận mắt ngoài đời thì đến các vũ trường ca nhạc, mà mấy chỗ ấy thì tầng lớp sinh viên nữ chúng tôi làm gì dám bén mảng tới ngoại trừ được “các ông anh nhà binh” về phép dẫn đi thôi. Có hai lý do: thứ nhất học sinh không có đủ tiền vào nơi sang trọng, thứ hai người ta quan niệm những nơi ấy dành cho “người lớn có tiền ăn chơi”chứ “đồ học sinh miệng còn hôi sữa” thì đừng tơ tưởng. Vì vậy nếu chúng tôi được nhìn thấy các văn nghệ sĩ nổi tiếng hoà lẫn trong dòng người trên đường phố thì là cả một niềm vui phơi phới. Như có lần chị em tôi đứng sắp hàng ở rạp Rex chờ vào xem phim xuất sau, trong số người đứng chờ có ca sĩ Chế Linh đi với vợ (hay người yêu), mọi người kháo nhau rồi cứ lén lút quan sát ông ấy. Ngày ấy giới văn nghệ sĩ rất được ưu ái ngưỡng mộ, như thể họ thuộc về một thế giới đầy bí ẩn mê hoặc đối với người-bình-thường chúng tôi.

Hình ảnh ca sĩ Từ Dung dáng đài các trong chiếc robe soirée, nhạc sĩ Từ Công Phụng thanh lịch trong bộ vest thắt cravate in sâu vào lòng cô SV tỉnh lẻ, tôi nhớ hoài không quên. Được biết ca sĩ Từ Dung là con gái của văn sĩ Hoàng Đạo, bác là văn sĩ Nhất Linh, chú là văn sĩ Thạch Lam trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Hình như tối đó hai người hát Tuổi xa người: 
Một chiều êm tay đan tay dìu nhau trên lối
Đưa em đi nhè nhẹ vào đời
Bằng vòng tay tôi nâng niu mùa thu thức giấc
Đưa em vào ngày tháng vỗ về…
…Ngày đó khi một lần, một lần tiếng hát
Đồng loã đưa em vào vùng trời lấp lánh
Bằng những cánh sao trời đầy đôi mắt ngước trìu mến…

…Một mình đi lang thang trong mùa đông rét mướt
Nghe bơ vơ hồn mình lạc loài…
…Trời mùa đông hong khô đi niềm tin sỏi đá
trên đôi tay này mình còn gì?
Và giòng sông trôi đi vô tình mang tất cả
cuộc đời này của người hay tôi…
(Tuổi xa người, nhạc Từ Công Phụng)

Giai điệu mượt mà, êm ái, nhẹ nhàng mà sâu lắng dìu hồn người theo từng lời ca nốt nhạc. Ông còn nhiều ca khúc rất nổi tiếng khác: Mắt Lệ Cho Người, Trên Ngọn Tình Sầu, Tình Tự Mùa Xuân, Giữ Đời Cho Nhau…
Như Lê Uyên Phương, nhạc sĩ Từ Công Phụng chuyên sáng tác Tình Ca để ca ngợi Tình Yêu. Ông nói:“Tình ca là con đường tôi chọn và cưu mang một đời. Nếu chim muông có 1 thời để ca hát, cỏ cây có 1 thời để xinh tươi, và loài người chỉ có một thời để sống, một thời để chết thì hãy hát lên những nhạc tình ngợi ca 1 thời để sống trước khi bước vào những nỗi khốn cùng buồn thảm của cái chết lẻ loi”.
Hôm rồi nghe trên youTube, một trung tâm nhạc làm chương trình Trên Ngọn Tình Sầu đặc biệt cho ca khúc của ông được hai thế hệ ca sĩ trình diễn, ông cũng được mời hát vài bài. Giọng ông vẫn nhiều nội lực, ấm áp, truyền cảm không hề thay đổi dù bao nhiêu năm tháng chất chồng lên đời. Thật ngưỡng mộ!!

3/-
Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em…
…tựa vai nhau cho nhau yên vui ấm áp cuộc đời
Tìm môi nhau cho nhau rã nát rã nát tim đau…
…nhìn em, nhìn em giây phút, muốn nói yêu em…(Niệm Khúc Cuối)

Nếu chú tâm lắng nghe từng lời thủ thỉ qua tiếng dương cầm êm êm hoà
cùng giọng hát trầm ấm, theo dõi từng cử chỉ, phong cách thanh lịch hào hoa, ngắm nhìn–không chớp mắt🤫– gương mặt điển trai, đôi mắt đầy biểu cảm, mái tóc bồng bềnh của ca sĩ thiếu tá Không Quân Sĩ Phú nhả từng lời tỏ tình gởi gấm đến hàng ngàn khán giả mà như thể chỉ gởi riêng một người duy nhất, tôi chắc giây phút huyền diệu ấy không phụ nữ nào mà không rung cảm, nghĩ nhớ về một bóng hình nào đó đã từng qua trong đời 
“Dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em…/Nhìn em giây phút muốn nói yêu em…
Ai viết bản nhạc mà ca sĩ Sĩ Phú hát thế? A thì ra Ngô Thuỵ Miên với Niệm Khúc Cuối.

Tôi rất thích tiếng hát trầm buồn êm ái của ca sĩ Sĩ Phú, trong Cô Láng Giềng, Tà Áo Xanh, Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa…Tôi cũng rất thích nhạc Ngô Thuỵ Miên– Một cách”ba phải” tôi thích đủ thể loại nhạc của tất cả các nhạc sĩ từ tình ca, quê hương, hùng ca, du ca, dân ca... Bởi mỗi ca khúc đều có cái độc đáo riêng, không thể so sánh cao thấp hay dở được.
Vì vậy tôi đón nhận nhạc Ngô Thuỵ Miên như một điều tự nhiên, tôi chăm chú lắng nghe Tuổi Mười Ba, Áo Lụa Hà Đông được ông phổ từ thơ Nguyên Sa, nhớ lại thời 13–16 tuổi của mình. Tôi rất thích những ca từ trong Bản Tình Cuối:
*Mưa có rơi và nắng có phai
Trên cuộc tình yêu em ngày nào…( Bản tình cuối)
Mới chỉ 1 lần gặp mà như đã quen tự thuở nào, như đã quen từ rất lâu:
…Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào
Một lần gặp gỡ nhưng tình ngỡ xa xưa…( Bản tình cuối)

*Tình yêu đó cho em
tháng năm trên từng phím xuân lay…
…Mùa thu lá heo may gọi về
Mùa đông nắng hanh trên tuổi thề…
…Mùa thu vẫn chưa nguôi giận hờn
Mùa đông vẫn chưa thôi lạnh lùng
Giòng nhạc cuốn em mang- trôi dài mãi trôi
( Tình khúc mùa xuân)

Mắt Biếc là 1 trong những ca khúc ông tâm đắc nhất: 
Nhớ tới năm xưa bên nhau
Bước trong chiều mưa phím ru nhẹ đưa…
…Mắt biếc năm xưa nay đâu
Bến ga tịch liêu vắng xa người yêu
Lá úa đơn côi bơ vơ
Cuốn theo chiều rơi người xa cách rồi…( Mắt Biếc)

Đó là một bản nhạc buồn về mối tình dang dở. Nhưng trong cuộc sống ông đã có một
cuộc tình đẹp, tuy hai lần bị ngăn cách bởi hoàn cảnh nhưng cuối cùng tái hợp sau 10 năm trắc trở, luôn hạnh phúc bên nhau đến tận bây giờ.
Ông nói rằng “ông chỉ viết tình ca vì thích hợp với cá tính của mình. Xin được nhớ đến như một người viết Tình Ca đôi lứa là quá đủ cho ông”.

Thanh Hà
Jan.2024






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét