Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Trường Mẹ Và Bản Tình Ca Trên Lúa

 Trầm Vũ Phương 

Bạn  mình,
Thời gian thấm thoát qua mau với bao nhiêu biến đổi nhưng tình cảm thầy trò, đồng môn  hình như vẫn đậm đà nên lâu lâu có cú phone:
_ A lô, Phương đó hả? Biết ai đây không?
Hoặc có khi nhận được một bức hình với lời nhắn:
-Phương nhận ra ai đây không?
Dù nghe qua giọng nói hay nhìn qua hình mình đều đoán phần nhiều là đúng cả, cho nên có thể nói chắc rằng các bạn mình vẫn còn nét ngày xưa.

Để coi mình bắt đầu vào trường mẹ năm 1969, ở chỗ mình tức là Mong Thọ số học sinh học trường mẹ không nhiều, mỗi buổi sáng phải ra đón xe đò từ Long Xuyên đi về Rạch Giá, khi thấy học trò đứng đón xe thì dù xe đông khách hay đang chạy đua với xe khác thì  tài xế cũng ráng ngừng cho học trò lên không thôi trễ học tội nghiệp! Mười một cây số ngàn, đứng tựa vào nhau trong lòng xe chật chội,lắc lư, xung quanh toàn  người đi buôn bán vật lộn với cuộc sống mình mới cảm thấy sức sống của dân  mình, mình ôm cặp sách thật chặt vào lòng mà như ôm trọn mộng ước tương lai. Gió đồng nội buổi sáng tràn vào cửa xe, bên kia sông có hàng dừa cứ lùi mãi phía sau để rồi sau đó mở ra một c ánh đồng lúa xanh rì phía trước, giờ sử  địa mình biết miền bắc có sông Hồng,trung có sông Hương, và miền nam có sông  Cửu Long mang nước ngọt, phù sa bồi đắp cho ruộng lúa nương khoai.

Bến xe Rạch Sỏi nằm trước mặt một dãy phố sầm uất, mình hay nhìn và đọc tên các cửa hàng, quán xá, trong số đó có một sạp bán sách báo và nhạc, cái thời học sinh mơ mộng nghe những bản nhạc thời thượng của Phạm Duy như Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi.... thấy có chút xao xuyến, suy nghĩ bâng quơ.


Khúc  đường đi bộ tới trường dài hơn cây số mà mình không cảm thấy xa, đi với đám bạn thấy vui ghê, qua khỏi khu phố là có dịp thấy đàn trâu, hay đàn cò trắng bay lượn trên cánh đồng lúa  xanh rì. Mình nhớ hoài cái câu simplicité, c’ est la beauté trong giờ Pháp văn. Giản dị là đẹp đấy. Ngôi trường tụi mì nh ở vào trường hợp này. Mình cảm phục và biết ơn những vị ân nhân đã tìm được một nơi xứng đáng để dựng lên trường mẹ.

Khi trường được xây dựng xong hai dãy phòng học khang trang thì cấp lớp mình được vào học đầu tiên. Trường tọa lạc ngay trên ruộng lúa quê hương, sóng lúa đã từng ngày vẫy chào những mầm xanh đất nước.
“ Chuyện Việt Nam ta đã mấy mươi năm, mấy trăm năm nay đã hơn ngàn năm, mấy ngàn năm chưa thấy vẽ vang, trên đường đi vẫn còn bóng tối tăm. Ôi! Quê hương ta đẹp tươi nhất trong trời đất, ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất, yêu giống nòi mình lầm than mãi rồi, yêu thấy lòng chẳng biết sao nguôi. . .” Thầy Ấn dạy lớp mình bài ca này, càng về sau thấy càng hay.

Đặc biệt Đình Giếng Cây Trâm cách trường mẹ khoảng nửa cây số, phía trước là con lộ về Minh Lương, phía sau là ruộng lúa, giếng này là nơi  phó cơ Nguyễn Hiền Điều nằm lại trong một trận đánh dẹp bạo loạn, nước giếng vẫn trong suốt bốn mùa như còn phảng phất hào khí xưa. Học lịch sử nước nhà, trường mẹ lại ở gần di tích lịch sử, há tinh thần tự hào dân tộc chẳng được hun đúc hay sao?

Cái mục đi chơi vườn nó quyến rũ mình quá. Qua khỏi đầu lộ Tà Niên có một vườn trồng cây ăn trái, toàn là đào lộn hột, đi vào đây mà có bạn nữ sinh đi cùng thì tình phải biết, khu vườn râm mát, yên tịnh, từng hàng đào soi bóng bên lạch nước, cứ thả bộ bên những hàng đào, ngồi tâm tình dưới gốc cây đào, rồi ăn thử một trái đào sẽ nếm được tam vị: chát, chua, ngọt. Rất khó tìm một câu đối lại câu này: “ Chở đào đi vườn đào”.

Lúc ban đầu thì ít nhưng sau số lượng học sinh gia tăng cấp số nhân nên cần thêm phòng học, trường được xây dựng thêm, cây lúa rì rào đón đoàn học sinh vào lớp mới. Một sáng kiến độc đáo của Ban Giám Hiệu là thực hiện bảng tên cho học sinh, mỗi một cấp lớp là một màu riêng. Ngoài phù hiệu của trường còn có bảng tên đeo bên phải. Nam sinh đeo bảng tên thì ra vẻ chững chạc, nữ sinh lại thêm duyên dáng, nhất là không cần tốn công dò hỏi ai đó tên gì, học cấp lớp nào, khỏe ru!

Khi học xong lớp chín, nhóm bạn của mình do nhiều lý do đã phải chia tay trường mẹ để ra học các trường ngoài Thị xã, việc này tác động đến mình rất nhiều. Sau cùng mình quyết định cũng chia tay để thi ra trường Nguyễn Trung Trực. Mình nhớ rõ thầy giám thị trao cho mình nguyên tập hồ sơ học bạ, thành tích biểu và nói: 
- Thầy đưa em tất cả học bạ và thành tích biểu theo yêu cầu của em đây nha, em thi rớt thì ráng chịu không trở về đây được đâu.

Lúc đó mình thấy tự tin lắm, chắc như bắp là  mình sẽ đậu.

Về sau này khi nói chuyện với bà xã, nghe bã tiếc hùi hụi như vầy:
- Phải chi anh đừng ra ngoài Nguyễn Trung Trực thì được dự Hội Chợ Tết của trường rồi. Xôm tụ lắm, tụi em được hiền thê thầy hiệu trưởng dạy làm bánh chưng, nấu bánh ngay sân trường, sinh hoạt vui ơi là vui! 

Bốn năm học trường mẹ, thời gian tương đối không dài nhưng kỷ niệm với bạn, với thầy thì khó quên. Một lần đi cắm trại ngoài hòn Sơn Rái do thầy Ấn tổ chức, một lần đi dậm cù bắt chuột ở Mong Thọ với thầy Hộ, một lần ngủ chung một giường với thầy Hiệu ở Thứ Ba. Còn bạn cùng cấp lớp thì có đám ban ở Tà Niên, thường tụ tập đi chơi ở Vườn Ươn hoặc vườn nhà một bạn đồng lớp, có khi cả bọn  rũ nhau từ chợ Tà Niên đi dọc theo con kinh xuống tới Vàm Bà Lịch, đi có ngắm cảnh đâu,chỉ đi bắn chim, bắt bướm. Bản tình ca trên lúa đã chuyển qua cây cầu dừa trước ngõ nhà em, Xóm dệt chiếu nổi tiếng ở Tà Niên khi xưa đã ẩn chứa nét đẹp thần kỳ của Thị Lộ thời nay.

Cấp lớp mình có tới bốn lớp, ba Anh một Pháp. Gặp mấy bạn bên Anh văn mình học được câu You do have, I do theo. Còn bên Pháp văn là lớp mình thì Việt Pháp đề huề: Tous les soi lòng moi tan nát. V ì Jaime toi malade de Coeur.

Dưới mái trường mẹ là đoàn học sinh tụ lại từ khắp mọi nơi chớ không riêng ở đia phương, có người từ Giồng Riềng, Gò Quao, có người từ Xẽo Rô, Kinh cụt. Họ đem về trường những giai thoại làm giàu cho kho truyện dân gian. Thí dụ như ở Giồng Riềng có người nông dân cuốc đất thấy có màu đỏ chảy ra làm người sợ hãi, hôm sau quay trở lại thì chổ đó đã trở thành một vệt ngoằn nghèo, vết tích của một con trăn khổng lồ nằm tu luyện không biết bao nhiêu năm. Con vật tu để hóa kiếp làm người có trong triết lý phật giáo mà khi học sử mình đã biết thời kỳ hưng thịnh nhất là dưới hai triều đại Lý, Trần. Rồi chuyện cặp ngỗng thần xuất hiện mỗi khi có sóng to, gió lớn ở ngã ba Xẽo Rô. Điều này có vẻ huyền hoặc nhưng mang ý nghĩa về cuộc tranh đấu của lưu dân thời nhà Nguyễn nhằm khắc phục sự thịnh nộ của thiên nhiên.

“ Em tan trường về, anh theo Ngọ về. . . .” Giờ tan trường là khoảng khắc vui tươi, rộn rã. Trên con đường về tuy không có cây dài, bóng mát nhưng có ánh nắng vàng mơ và ngọn gió ngập tràn hương đồng cỏ nội. Nào xe đạp, xe Honda tất bật, vội vàng để lại phía sau con đường tình ta đi cùng rất nhiều Hoàng Thị Ngọ, gần trường tiểu học có một con đường đất có bụi đỏ lẫn tiếng chim nằm dưới những hàng cây dịu mát, thơ mộng như trong khung cảnh truyện Dưới Bóng Hoàng Lan của Thạch Lam. 

Hai năm học ngoài trường Nguyễn Trung Trực với bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn, thành tích học tập (nếu có) là do trường mẹ nâng lên, là do công sức chỉ dạy của thầy cô. Khi nói về một ngôi trường người ta hay tìm hiểu trường đó đã đào tạo được bao nhiêu nhân tài. Trường mẹ chúng ta tuy sinh sau đẻ muộn so với các trường khác nhưng có kỳ tích là đào tạo được một tầng lớp cha mẹ của các nhân tài thế hệ sau này. 

Bạn mình đồng ý không?

Trầm Vũ Phương
Mùa tựu trường 2024


1 nhận xét:

  1. Gìö đây tách Bêń, xa Bö
    Nôï trôi Xú La; bö vö Quê Ngüöì!
    Khi vui chưa vẹn tiếng cười
    Lòng đau dạ thắt; nụ cười tät ngay !
    *TP.





    Trả lờiXóa