Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2024

Viễn Du Ký Sự - Phần 32

Cam Ranh, Hòn Bà- Bác sĩ Alexandre Yersin
Ký sự cùa Thanh Hà 


Ngày 07/03/2024

1/- 
Cam Ranh

Tiếng Êđê, Jarai, Chăm gọi là Kăm Mran, có nghĩa nơi dừng bến của tàu thuyền.
Xưa kia Cam Ranh thuộc đất của người Chăm. Người ta khai quật ở khu Xóm Cồn nhiều cổ vật rìu đá, gốm, xương thú, đồ trang sức vỏ các nhuyễn thể biển từ 4 ngàn năm trước…lần lượt gần đây các nhà khảo cổ còn tìm thấy mộ chum, di vật bằng đá, đồng, sắt, thuỷ tinh, mã não có niên đại 2 ngàn năm gọi là văn hoá Sa Huỳnh.

Là thành phố ven biển thuộc tỉnh Khánh Hoà, cách Nha Trang 45 km về phía nam. Vịnh Cam Ranh được xem là vịnh có độ sâu tốt nhất vùng Đông Nam Á. Với lợi thế đó nên Cam Ranh từng là căn cứ hải quân qua nhiều thời kỳ Pháp, Nhật, Hoa Kỳ. Sau này Nga tiếp tục thuê cho đến năm 2002 thì ngưng.

Nơi đây có phi trường quốc tế. Khách đến Nha Trang, Ninh Thuận bằng đường hàng không đều phải đáp ở phi trường Cam Ranh. Năm 2018 gia đình và bạn hữu tôi gần 20 người rủ nhau đi chơi Nha Trang, vì không tìm được vé cùng chuyến nên chia nhiều tốp cho nhiều chuyến bay vào những giờ khác nhau. Nhóm tôi may mắn đi chuyến sáng đầu tiên, đáng lẽ trưa đã an vị ở Nha Trang, nhưng mãi tối mịt mới đến. 
Lý do: đúng chuyến bay là 9 hoặc 10 g sáng (không nhớ chính xác), nhưng họ dời chuyến bay 3 lần nên buổi chiều phi cơ mới cất cánh, rốt cuộc chúng tôi thành kẻ đến sau cùng !*

*Ở VN, việc trễ giờ hẹn bắt người khác chờ đợi là chuyện bình-thường đến nổi chẳng ai thấy là bất-bình-thường. Ngoại trừ dân ngoại quốc hoặc mấy “kẻ lưu lạc cầu bơ cầu bất xứ người”như tôi là kêu ca bất mãn, vì bên này người ta luôn tôn trọng giờ giấc chính xác đến từng phút –trong 5 lần tôi đi máy bay quốc nội thì hết 3 lần bị dời chuyến, mà cái chuyến Saigon-Cam Ranh nầy bị dời những 3 lần cơ đấy–.
 
*Thảo nào người Việt “được” rèn luyện ở mọi nơi chốn nên phát huy tính kiên nhẫn chịu đựng đáng khâm phục. Và vì đã quen, đã thấy bình thường với việc không được tôn trọng giờ nên đến phiên họ, đa số– đa số chứ không phải ai cũng vậy– toàn xài giờ dây thun một cách vô tư. Ngộ là dây thun có khuynh hướng theo chiều Giãn chứ không Co đâu nhé.

Cam Ranh có nhiều bãi biển, hòn đảo rất đẹp, vẫn còn nét hoang sơ thiên nhiên. Chúng tôi đi cả ngày đường 300 km, leo trèo lên triền cát Bàu Trắng, Mũi Né nắng nóng thiêu đốt, dừng lại ở nhiều bãi biển ngắm trời mây non nước… xét thấy tạm đủ nên mang hành lý vào khách sạn, tắm rửa cho trôi bụi bặm cùng mệt nhọc. Sau đó đi dạo một vòng thành phố, cũng dọc theo bờ biển, tìm chỗ ăn uống xong trở về nghỉ ngơi chứ không có ý định thăm các hòn đảo ở Cam Ranh. Chẳng hạn đảo Bình Ba, Bình Hưng với món tôm hùm, sò huyết…,với lại đã vào đêm rồi.

Cam Ranh có nhiều đặc sản, tôi kể vài món tiêu biểu:
–Bánh căn: giống bánh khọt miền Nam với nhân tôm, trứng cút, thịt bằm, mực…tuỳ theo khách lựa chọn, chứ không ăn theo kiểu bánh căn Phan Thiết (có thêm tô nước chấm cá nục kho !). Ở Đà Nẵng bánh căn cũng giống ở Cam Ranh.
–Bánh xèo: giống bánh xèo chúng ta thường ăn. Nhìn cái bánh màu vàng xếp làm đôi nho nhỏ gọn gàng rất bắt mắt.
–Nem nướng:ở Thuỵ Sĩ tôi đã thưởng thức nem nướng chính gốc Bình Thuận Nha Trang mấy lần. Phải khen là rất ngon, lạ miệng với món nước chấm sền sệt đặc biệt không phải pha từ nước mắm mà từ vài gia vị hoà bột nếp xay nhuyễn, ăn kèm rau thơm, salad…v..v..
–Có chục món khác nữa như: tôm hùm, bánh xoài, gà chỉ, mì Quảng, sò huyết, yến sào…

Cháu trai tôi không thích dạo chơi thuyền bè trên sông biển dù bơi lội rất giỏi. Lý do cháu nói nhiều năm trước đi tàu từ Rạch Giá ra Phú Quốc, cái thời tàu còn thô sơ chậm chạp mất nhiều thời gian, chạy từ chiều nay tới sáng hôm sau mới đến nơi. Tàu lắc lư chòng chềnh cháu bị say sóng ói mửa mấy ngày sau vẫn còn ngất ngư mệt mỏi nên bị ám ảnh*
*Hiện nay có tàu vận tốc cao, đường Rạch Giá-Phú Quốc chỉ mất 2 tiếng rưỡi mà lướt đi rất êm dịu.

2/-
Bác sĩ Alexandre Yersin–Hòn Bà

       Kiều rằng:những đấng tài hoa
       Thác là thể phách, còn là tinh anh
( Kiều, thơ Nguyễn Du)

Từ Cam Ranh chúng tôi theo quốc lộ 1A đến Hòn Bà cách 55 km định viếng căn nhà gỗ nơi làm việc và nghiên cứu của bác sĩ Alexandre Yersin, vị bác sĩ đáng kính được dân trong vùng gọi bằng cái tên trìu mến “Ông Năm”*

*Có tài liệu khác gọi là ông Tư. Vậy thì ông Tư hay ông Năm? Sao chỉ Tư hay Năm mà mỗi tài liệu gọi cũng không đồng nhất vậy kìa. Tôi thắc mắc, sẵn dư thời gian nên“bới móc” tìm hiểu, nhận thấy tài liệu nào cũng có lý cả.

Nầy nhé, theo tiểu sử ông có ba anh chị em, ông là nhỏ nhứt nên kêu theo thứ tự cách xưng hô miền Nam thì anh(chị) hai, anh(chị) ba, ông là thứ tư. Nhưng thường người ra đời sau chót thì kêu là út. Vậy phải kêu ông út mới đúng hơn ông tư nhỉ !
Còn tài liệu khác gọi ông Năm thì họ giải thích là gọi theo quân hàm của Pháp, vì ông từng gia nhập quân đội Pháp, cấp bậc Đại Tá quân y. Quân hàm Đại tá có 5 vạch màu vàng. Trung tá cũng 5 vạch, nhưng 3 vạch vàng 2 vạch trắng xen kẽ nhau.

Hòn Bà ở độ cao 1500m nằm giữa hai xã Khánh Phú và Suối Cát, nơi có rừng nguyên sinh hùng vĩ với nhiều loại thực vật đa dạng, chưa có nhiều bước chân loài người dẫm đạp nên còn đậm nét hoang sơ thoáng đãng*. Trên đường chúng tôi đi, thấy lác đác hơn chục du khách, toàn các thanh niên Tây phương, họ đi tour trekking thám hiểm ở Kong Forest Hòn Bà quanh đó, như vượt suối băng đèo, ngủ lều, leo núi..v.v..

*Mỗi khi đến một địa điểm mà phong cảnh vẫn còn giữ nét tự nhiên nguyên thuỷ như rừng núi, biển hồ… luôn luôn trong đầu tôi loé lên câu hỏi:”Khi nào thì nơi đó sẽ bị con người lùng sục, xâm lấn, xây cất (hay tàn phá) bởi sự vô ý thức, vô tâm?”.

Tôi mừng là mình kịp thực hiện các chuyến du lịch không quá trễ, may mắn 
được chiêm ngắm khá nhiều thắng cảnh ít người biết tới, chưa trở thành trào lưu (danh từ mới xuất hiện: hot trend, ngày xưa gọi là thời thượng) vẫn còn đậm nét nguyên sơ, hoang dã chưa bị chỉnh sửa hay xây dựng công trình bắt chước ngoại lai giả tạo kỳ cục–mà tôi đã chứng kiến kha khá ở các địa điểm du lịch nổi tiếng*
*Chắc tôi là kẻ hủ lậu bảo thủ, chớ mấy địa điểm mà tôi “phê bình chê bai” thì mọi người lại trầm trồ khen ngợi, tấp nập đổ xô tìm đến.

Chúng tôi đậu xe dưới chân núi, men theo con dốc leo lên được một đoạn thì thấy tấm bảng ghi trạm kiểm soát của ban quản lý Khu Bảo Tồn có chắn dây cấm vào. Thì ra nơi đây đang trong giai đoạn trùng tu. Thật tiếc! Đến tận nơi rồi mà không được nhìn thấy ngôi nhà gỗ nơi bác sĩ từng làm việc*

*Ông Năm có nửa dòng máu Thuỵ Sĩ, vậy nhà gỗ chắc chắn xây theo kiểu mẫu chalet Thuỵ Sĩ mà tôi nhìn thấy hằng ngày quá quen thuộc. Nhưng lạ là khi tôi đi sang các quốc gia khác- nhất là Canada-, thỉnh thoảng bắt gặp các ngôi nhà gỗ của kiều dân Thuỵ Sĩ, trên nóc cắm lá cờ hình vuông màu đỏ, chữ thập trắng ở giữa (quốc kỳ Thuỵ Sĩ) là lòng tôi gợn lên nỗi lâng lâng vui mừng, cảm giác thân thuộc như bắt gặp quê hương ruột thịt của mình vậy. 
À mà đó chính là quê hương thứ hai của tôi chứ còn gì!!!

Bác sĩ Yersin sinh 22/09/1863 Aubonne-Morges thuộc canton Vaud, Thuỵ Sĩ, mang hai giòng máu Pháp (mẹ), Thuỵ Sĩ (cha, giáo sư Khoa Học Tự Nhiên), mất 01/03/1943 ở Nha Trang*

*Ah,“thấy người sang bắt quàng làm họ” đây. Tôi cũng có thể hãnh diện khoe rằng tôi là đồng hương, lại cùng quê quán Vaud với nhà bác học Yersin.
Bởi chồng tôi nguyên gốc Vaud như bác sĩ (gọi là dân Vaudois), chỉ ở khác xã -Aigle- khi tôi lấy chồng tự động họ ghi nguyên quán theo chồng, nên trên các giấy tờ tôi là dân Vaudoise (phái nữ nên chữ cuối thêm e). Chính trên giấy tờ ghi quê quán cộng với họ của chồng nên mỗi lần về VN, trình passport ở cổng hải quan, tôi luôn bị hỏi có nói được tiếng Việt không? Sinh quán ở đâu ?

Chúng tôi vẫn thường về thăm quê Aigle của chồng và ghé Morges, Aubonne (quê bác sĩ Yersin) nơi họ hàng chồng tôi sinh sống. Canton Vaud đặc biệt trồng nho, sản xuất rượu nho nổi tiếng. Từ năm 1797–cách nay 217 năm, lần đầu tiên tổ chức Fêtes Des Vignerons (Lễ Hội Người Trồng Nho), từ đó cứ mỗi 25 năm một lần ở Vevey– nơi tài tử Charlie Chaplin đóng vai hề trứ danh Charlot từng sống lưu vong–*

*Thể thao Olympique cứ 4 năm một lần đã thấy lâu, mà Lễ Hội này cách những 1/4 thế kỷ. Cho nên một đời người may mắn lắm chỉ được tham dự 3 hoặc 4 lần. Độc đáo chưa.

Thuỵ Sĩ vốn nhiều đồi núi chứ không bằng phẳng nên có nhiều vườn nho được trồng kiểu bậc thang uốn lượn theo sườn đồi hình cánh cung xinh xắn–như miền bắc Việt có ruộng lúa, bắp bậc thang– Chúng tôi chạy xe trên đường cao tốc giữa một bên là vườn nho cành trĩu nặng chùm tuỳ loại xanh, tím sẫm. Một bên là hồ Léman nước xanh ngăn ngắt, thấp thoáng nhiều chiếc du thuyền nho nhỏ giương cánh buồm lững thững dạo chơi trên mặt hồ gợn sóng nhè nhẹ. Lâu đài Chillon nằm trên hồ cách bờ bằng chiếc cầu bắc qua trông tôn nghiêm huyền bí. Xe chạy thêm đoạn đường, bỗng bắt gặp giữa lòng hồ nổi lên một cồn đất tí hon, chỉ vừa đủ chỗ cho cây cổ thụ đâm cành trỗ nhánh cùng vài loại cây hoa dại để tô điểm bức tranh thiên nhiên thêm thơ mộng, cồn đất ấy đơn sơ không hiểu sao lại mang cho tôi nỗi thú vị mới lạ chứ.

*Ủa, sao tôi chưa bao giờ viết về phong cảnh đẹp tuyệt vời Thuỵ Sĩ vậy. Một quốc gia trung lập bé nhỏ từ diện tích lẫn dân số nhưng được sự ưu đãi của Mẹ Thiên Nhiên, khiến cả thế giới phải ganh tỵ về phong cảnh đẹp siêu thực ngỡ như tranh vẽ.
Hứa một ngày nào đó tôi sẽ viết khoe về quê hương thứ hai của mình.

Không được lên đồi thăm ngôi nhà gỗ Thuỵ Sĩ của ông năm, chúng tôi đành bằng lòng với việc viếng mộ nhà bác học vậy.
Từ đỉnh Hòn Bà chạy theo con đường ngoằn ngoèo vài chục km(không nhớ chính xác).Khu mộ nằm trên ngọn đồi nhỏ tại thôn Suối Dầu, xã Suối Cát-Cam Lâm, cách Nha Trang 20km.

Theo tiểu sử, bác sĩ Yersin đến Nha Trang lần đầu năm 28 tuổi. Tám năm sau ông trở lại đó để thành lập viện Pasteur. Gần 50 năm dành trọn cuộc đời sống độc thân cống hiến cho khoa học, ông nghiên cứu tìm ra huyết thanh trị bịnh dịch hạch, ký ninh trị bịnh sốt rét, độc tố bịnh bạch hầu…v..v..

Theo di nguyện, ông “muốn được chôn cất ở Suối Dầu. Mọi tài sản xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những cộng sự. Đám táng giản dị, không điếu văn”.
Nhưng rất đông người dân Xóm Cồn và Nha Trang đến than khóc để tang ông hàng dài hơn ba cây số.

Bác sĩ Alexandre Yersin không chỉ là một khoa học gia ưu việt, ông còn là nhà thám hiểm, nhà khí tượng học, nhà nông học… chính ông tìm ra cao nguyên Lâm Viên, thiết lập thành phố Đà Lạt. Mang cây cao su vào trồng. Sáng lập viện Pasteur Nha Trang năm 1895. Mở trường đại học Y Hà Nội năm 1902, và còn nhiều tài năng khác nữa…

Lúc chúng tôi đến sau mấy hôm thời điểm tổ chức lễ tưởng niệm 81 năm ngày mất của ông, các vòng hoa tươi đặt chung quanh mộ vẫn còn tươi mới. Buổi sáng thời tiết mát mẻ, trong lành. Cổng vào bị khoá, loay hoay không biết làm sao vào được thì bỗng đâu một người đàn ông chạy xe gắn máy xuất hiện, giới thiệu là người trông nom khu tưởng niệm (bao gồm nguyên quả đồi). 

Ông mở cổng rồi cùng chúng tôi leo lên chỗ ngôi mộ cách khoảng 1km, vừa lan man trò chuyện về người đã khuất lẫn về cuộc sống của riêng ông (phần này là do cháu dâu tôi đặt câu hỏi).

Đường lên đồi một bên là ruộng mía, một bên là rừng cây. Có đoạn được lót đá, đoạn chỉ toàn đất. Trước khi đến mộ, có một nhà nghỉ chân để vách trống, mái lợp ngói khá khang trang sạch sẽ, đặt cái bàn đá và hai băng đá.
Mộ xây chìm dưới đất, bề mặt bằng xi măng khắc nổi hàng chữ đơn giản: Alexandre Yersin 1863–1943 sơn màu xanh. Đầu mộ có tấm bia đá viết hai thứ tiếng Việt, Pháp
sơ lược tiểu sử của ông. Bên trái cách mộ vài thước là miếu thờ nho nhỏ đặt bộ lư cắm nhang, một hộp quẹt gaz. Một bó hoa cúc vàng trong bình. Một dĩa trái cây gồm bưởi, thanh long, chuối sứ.

Chúng tôi đốt nhang chắp tay xá ông Năm, như một lời chào thăm kính cẩn đối với bậc vĩ nhân sống hết lòng vì đồng loại, lại muốn gởi nắm xương tàn nơi đất Việt.

Chú trông nom phần mộ chờ chúng tôi ra đi để khoá cổng. Nhớ chú kể về đồng lương khiêm nhường, chúng tôi tặng chú một ”tờ giấy”để cám ơn. Và chú cũng cám ơn chúng tôi lại.

Thanh Hà
LCDF, 15/08/2024



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét