Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

Viễn Du Ký Sự - Phần 29

Vũng Tàu–Phan Thiết
Ký sự của Thanh Hà  


*Ngày 05/03/2024

1/-
Đúng 6h25’ sáng. Chúng tôi xuất phát từ Saigon, bắt đầu cho chuyến ngao du sơn thuỷ.
Chương trình lần nầy chúng tôi vẫn sẽ đi ra miền Trung nhưng chọn hướng biển thay vì theo đường cao nguyên như chuyến đi hai năm trước, áp dụng câu Nam Nữ Bình Đẳng cho công bằng theo truyền thuyết người Việt Nam vốn nguồn gốc Con Rồng Cháu Tiên.

Truyện kể về ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ chắc chắn ai cũng biết. Ông Lạc Long Quân vốn nguồn gốc loài rồng, cưới bà Âu Cơ thuộc giống tiên. Bà Âu Cơ có thai sinh ra cái bọc chứa một trăm trứng. Mỗi trứng nở ra một bé trai. Cả trăm bé trai lớn nhanh như thổi, tất cả đều khoẻ mạnh xinh xắn thông minh.

Ông Lạc Long Quân mặc dù có cuộc sống hạnh phúc đầm ấm bên vợ đẹp con ngoan nhưng vốn gốc gác rồng sống dưới đại dương, lòng luôn nhớ mong hoài vọng thuỷ phủ (tương tự chuyện hai ông Lưu Thần, Nguyễn Triệu vào núi chơi gặp Tiên, ở lại kết duyên cùng tiên nữ nhưng lòng trần còn tơ vương nên từ giã cõi thiên thai quay lại trần thế. Hỡi ơi! Thời gian 1 ngày trên cõi tiên bằng cả chục, cả trăm năm dưới thế. Hai ông ở trên ấy đã nửa năm nên khi về trần đà qua bao thế kỷ, không còn ai quen biết. Hối hận tìm đường quay lại cõi tiên thì không sao được nữa).

Trở lại câu chuyện chính: thời gian sau ông Lạc Long Quân quyết định từ giã bà Âu Cơ đem năm mươi con về miền biển, còn bà Âu Cơ đem năm mươi con lên núi. Vợ chồng từ đây vĩnh viễn cách chia.
Trăm người con nầy trở thành tổ tiên người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu làm vua nước Văn Lang, lấy hiệu Hùng Vương.
Mỗi năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ tổ Hùng Vương của người Việt.

Từ Saigon ra Vũng Tàu đi theo quốc lộ 51, khoảng 90km về phía Đông Nam thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. 
Theo tài liệu từ thế kỷ thứ I đến đầu thế kỷ thứ 7 vùng đất này thuộc vương quốc Phù Nam, kế bị sáp nhập vào nước Chân Lạp.

Đến thế kỷ 16-17, triều đình Chân Lạp dần suy vong tạo cơ hội cho Chúa Nguyễn Đằng Trong đặt chân đến. Chiến tranh, nội loạn khiến người Việt từ các vùng Bình Thuận-Quảng phiêu bạt vào sinh sống. Các thương nhân châu Âu: Bồ Đào Nha, Ý, bắt đầu vào buôn bán, truyền đạo khoảng thời gian nầy… Đến thế kỷ 18,19 người Pháp mới đến sau; gọi Vũng Tàu là Cap Saint-Jacques (tức Mũi đất của Thánh Jacques-Gia-cô-bê).

Tôi nhớ ngày xưa có hai địa điểm lý tưởng để đi du lịch và thư giản mà mọi người nhắc đến nhiều nhất là Đà Lạt và Vũng Tàu-còn gọi là Ô Cấp-. Vũng Tàu gần Saigon chỉ mất khoảng 2 giờ, có thể đi ra tắm biển rồi về trong ngày nên là lựa chọn ưu tiên hơn Đà Lạt. Đà Lạt thường dành cho tầng lớp trung, thượng lưu, thương gia…hơn nữa ở cách xa Saigon, đường đi lại mất an ninh. Hồi ấy, ai đã từng có dịp đến Đà Lạt cũng giống như bây giờ người Việt đi Thái Lan, Tân Gia Ba vậy. Hoặc còn khó hơn nữa.

Hình như đây là lần thứ ba tôi đến Vũng Tàu. 
Lần đầu tiên tôi đến với Ba và cậu em trai nhân dịp gì quên mất. Tôi nhớ được là nhờ tấm hình màu người thợ chụp lấy liền còn lưu lại, dưới chân tượng nằm Thích Ca Phật Đài. Trong hình có Ba, em trai, tôi và một hay hai chú, bác bạn của Ba cùng chú tài xế. Không hiểu sao không có Má và chị em nào khác. Mà bình thường dể gì ba đi đâu xa lại không có má-ngoại trừ ba theo học các khoá tu nghiệp hay công vụ-.

Lần thứ nhì vào cuối thập niên 1980’s với một người bạn. Trong trí nhớ tôi chỉ lờ mờ lưu lại hình ảnh tượng Thích Ca Phật Đài, tượng Chúa Kitô, Bãi Trước, Bãi Sau, và con đường dọc theo bờ biển với nhiều hàng quán hãy còn thô sơ đơn giản. Hết !
Tôi vốn dốt đặc về phương hướng địa điểm, nếu nói lần nầy là lần đầu tôi nhìn thấy Vũng Tàu cũng không sai. Đã mấy chục năm, biết bao vật đổi sao dời rồi.

Nhận xét đầu tiên là thành phố hôm nay mang bộ mặt sạch sẽ tối tân với nhiều khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu sang trọng. Du khách Tây, Á dập dìu qua lại tới lui. Nhưng các khách sạn, cửa hiệu nguy nga đồ sộ, đa số tên viết bằng “tiếng Tây tiếng U” hay những món hàng xa hoa lộng lẫy chưng bày trong tủ kính không phải là điều đập vào mắt gây cho tôi sự chú ý, mà chính sắc tím fushia của hoa giấy, sắc vàng của hoa hoàng lan trồng ở giải phân cách ngăn chia hai làn đường ngược xuôi, kéo dài hàng chục cây số từ thành phố ra…không biết tới đâu mới khiến tôi cứ mê mải quan sát không chớp mi. 

Sắc màu rực rỡ tím vàng của hoa, xanh của cây lá choáng ngập cả con đường chính  mang lại vẻ tươi mát dịu dàng thành phố, truyền sức sống lạc quan cho người chiêm ngắm. Trong lúc dạo quanh phố thị, có một nơi khá yên tịnh, bên cạnh bức tường bỗng nổi lên hai cây bông giấy trồng cách nhau khoảng vài mét, cành mọc vươn xích lại gần nhau, nở hàng ngàn đoá hoa tuyệt đẹp. Chúng tôi bèn ngừng xe lần lượt đứng chụp hình (cái khoản chụp hình nầy thì không bao giờ bỏ sót!).

Tất nhiên rồi. Thiên nhiên đã tặng không cho chúng ta hằng hà sa số những tạo vật mỹ miều mà chúng chỉ tồn tại một thời gian nào đó rồi tàn lụi trở về với cát bụi. Vậy sao chúng ta không lưu giữ chúng cất vào ngăn kỷ niệm, thỉnh thoảng lần giở ra xem để nhớ lại thời khắc mà chính ta có may mắn giao hoà với chúng nhỉ?
Chả bù với đoạn đường từ Trung Lương đi Saigon họ bày bán từng đàn chuột sống đặt trong lồng sắt cạnh vệ đường, giờ nhắc lại vẫn còn rùng rợn !!!

Chúng tôi lần lượt ghé qua các địa điểm đáng xem như Đèo Nước Ngọt, Hồ Tràm, Hồ Cốc…Nấn ná mỗi nơi một chốc rồi đi tiếp.
Tôi hơi thắc mắc không hiểu sao gọi là Hồ, Đèo mà những địa điểm ấy toàn nằm sát cạnh biển?

Như Đèo Nước Ngọt cách Vũng Tàu 25km, cách biển Long Hải 2km. Thì ra đèo đó nằm trên cung đường chữ C dài 5km ven biển, là khúc cua mà dân lái moto thích tìm cảm giác mạnh, mạo hiểm rất ưa chuộng. Giống như ngoài Trung có khúc cua đèo Hải Vân. Bắc có khúc đèo Mã Pí Lèng vậy.

Sở dĩ có tên Nước Ngọt do câu truyện truyền miệng là gần đó có cái giếng nước ngọt cách mặt biển vài bước chân sâu khoảng 1 m. Nước không bao giờ cạn, cũng không bao giờ đầy. Người dân thử đào các giếng khác nhưng nước không được ngọt bằng nơi đây.

Từ Vũng Tàu tới Hồ Tràm 40km- một bãi biển kết hợp với hai bãi biển lân cận Bình Châu và Long Hải. Bãi cát vàng mịn. Có mở khu nghỉ dưỡng, nơi cắm trại ngoài trời, sân golf, các trò giải trí khác…hôm tết vừa qua mấy người bạn ở Mỹ về trước tôi, nói là tiếc không chờ để rủ tôi cùng đi vì họ chỉ về có 3,4 tuần nên phải thu xếp đi chơi trước. Các cháu tôi đã lên chương trình sẽ đưa tôi đến những nơi nầy rồi, nên nếu họ có đợi thì tôi cũng không tháp tùng cùng với họ được.

Lần đầu mới nghe tên Hồ Tràm, tôi tưởng địa điểm đó nằm quanh hồ như Rừng Tràm Trà Sư tình An Giang. 
Tiếp tục đi thêm 20 km là tới Hồ Cốc-Bình Châu, còn được mệnh danh là Nàng Công Chúa ngủ trong rừng Bà Rịa. Cả ba địa điểm Đèo Nước Ngọt, Hồ Tràm, Hồ Cốc đều được giới thiệu là còn giữ nét đẹp thiên nhiên chưa bị gót chân người làm xáo trộn lem luốc nhiều (!)* 
*Nhưng chắc sẽ không còn bao lâu nữa đâu.
Ở Hồ Cốc có suối nước khoáng tự nhiên nóng duy nhất của Vũng Tàu, nhiệt độ từ 37–82oC có thể luộc trứng được.

2/-
Lợi thế của các vùng ven biển miền Nam là khí hậu nhiệt đới ôn hoà, gần như không bị cản trở bởi gió lạnh mùa đông như biển miền Bắc hay mưa bão như biển miền Trung. Chúng tôi lại chọn đầu tháng 3 dương lịch, thời tiết lý tưởng.
Chúng tôi tiếp tục đi theo đường ven biển Long Hải–Hồ Tràm–Bình Châu–La Gi–Kê Gà–Mũi Né, Hàm Tân -Bình Thuận.

–Mũi Kê Gà là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 500m còn gọi Hòn Bà. Có hình dạng mũi đất giống đầu con gà cách trung tâm Phan Thiết 20 km. Khi thuỷ triều rút thì có dải cát nổi lên nối với đất liền có thể đi bộ ra tận nơi. Thời Pháp có dựng một ngọn hải đăng bằng đá hình bát giác, chiếu rọi xa hơn 20 hải lý. Là ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam (xây năm 1897).

Chung quanh Mũi là bãi biển cát dài. Ngoài khơi nhiều tàu đánh cá thả neo, trên bãi nhiều chiếc thuyền thúng bằng nhựa đỏ, xanh lục, xanh dương, đường kính ước chừng 2–2,2m; tôi không thấy chiếc nào đan bằng nan tre, lác hết. Có lẽ để tiện lợi, an toàn, khỏi lo ngấm nước. Giữa lòng thúng có bắc một băng ghế gỗ để ngồi.Một mái chèo, một động cơ chạy xăng (hay dầu)…
Nhiều người đàn ông tụ tập mang lưới chất lên các chiếc thuyền thúng chắc để chuẩn bị chờ trời tối ra khơi, mặc kệ dì cháu tôi leo trèo lên mấy chiếc thuyền thúng tha hồ chụp hình, chả ai buồn dòm ngó. Chỉ nơi chúng tôi đậu xe cách đó một khoảng thì vài ba chiếc gắn máy do các thanh niên hay thiếu nữ lái, mon men lại mời chào chúng tôi giữ chỗ khách sạn hoặc đi ăn ở nhà hàng nào đó. Chúng tôi cám ơn nói là còn đi tiếp đến Phan Thiết. Nghe vậy họ lên xe chạy đi chứ không chèo kéo kèo nài.

–La Gi (phát âm La-yi) có thành lập điểm du lịch Bãi Biển Coco Beach với các trò chơi lướt ván, diều, ca-nô trên biển…Trại Coco Beach có các bungalow và các lều sát biển phục vụ khách.

–Ngoài ra ở La Gi còn có bãi biển Cam Bình phù hợp cho người thích dã ngoại. Bãi biển Đồi Dương, trồng cây phi lao (dương) từ lâu để ngăn xâm thực của cát v..v..

Từ Vũng Tàu-Phan Thiết 173 km, nếu đi không ngừng nghỉ khoảng trên dưới 3 giờ. Tới trung tâm thì thành phố đã lên đèn mặc dù vẫn còn thấy rõ mặt người.

3/-
Tối 05/03/2024
Bánh Căn Phan Thiết

Nhận phòng khách sạn, tắm rửa sạch sẽ khoẻ khoắn xong chúng tôi ra phố ăn tối. 
Lượn xe vài vòng xem có gì đặc biệt. Nghe đồn món đặc sản bánh căn Phan Thiết – trong Nam gọi là bánh khọt–nên thoáng thấy tấm bảng quảng cáo dựng bên vệ đường chúng tôi bèn vào thử đặc sản nầy xem sao.

Quán là một khoáng không gian thoáng đãng, có đặt vài cái bàn cùng ghế nhựa thấp màu xanh, xem ra vẫn còn mới và sạch sẽ. Sau nói chuyện thì quả chủ quán tiết lộ quán mới mở chừng mươi ngày, vợ đứng nấu chồng chạy bàn, vẻ niềm nở.

Có vài người khách. Chủ quán mời chúng tôi ngồi cạnh hai khách phụ nữ đã đến trước. Tôi chào hai chị và hỏi chúng tôi có thể ngồi cạnh được không? Một chị gật đầu rồi dọn dẹp bớt các dĩa đã ăn xong còn bày trên bàn lấy chỗ trống cho chủ đặt phần ăn của chúng tôi lên.

Tôi có thưởng thức qua món bánh khọt Vũng Tàu rồi. Bây giờ đến bánh khọt-mà họ gọi là bánh căn- miền Trung vùng Phan Thiết. Thật mỗi vùng mỗi cách làm khác nhau. Trong các chuyến đi tôi thường chỉ “tường thuật” sơ sơ việc ăn uống trong vài hàng ngắn ngủi, nhưng lần này tôi sẽ kể lại chi tiết hơn. Vì nó đặc biệt, hay chính xác hơn là bởi sự lạ lùng!!

Đầu tiên khi đặt hàng, chủ quán hỏi chúng tôi có ăn kèm với cá kho không. Nghĩ thầm: ồ, ăn bánh khọt với cá kho ư? Ngạc nhiên nhưng không để lộ, chỉ trả lời là không. Chờ một lát chủ quán tuần tự mang ra 1 dĩa bánh kèm theo hai tô thức khác cho mỗi phần ăn. A, cái gì đây? Chúng tôi chăm chú quan sát, chưa phân biệt được món gì, thấy thế chị khách ngồi cạnh mới giải thích hộ. Nầy nhé:
– Một dĩa bánh căn gồm 8 -10 cái bánh tròn y hệt như bánh khọt miền Nam, có rắc lá hành xắt nhỏ trên mặt.
–Một tô nước sốt màu đỏ tươi hạt điều, 1 hay 2 viên xíu mại (không nhớ chính xác), hành phi giòn, một cái trứng vịt luộc to tướng- chắc chắn là trứng vịt nên mới to gần gấp đôi trứng gà như thế, cùng mấy miếng da heo luộc dầy cui.
–Một tô nước chấm cũng màu hạt điều có xoài xanh xắt sợi.

Đi cả ngày mệt đói nên cậu Sơn – người đi chung nhóm- chén ngon lành, kêu thêm hai phần nữa. Phải rồi, sức trẻ ăn vậy đã thấm vào đâu. Bánh căn y hệt bánh khọt Rạch Giá –chỉ thiếu nước cốt dừa, tôm thịt và rau–, nhúng vào hai tô nước màu hạt điều, ăn kèm trứng, da heo, xoài xanh…

Tôi nhường hết da heo cho Sơn, nửa cái trứng, viên xíu mại. Còn phần xoài xanh tôi giữ lại ăn hết. May là chúng tôi không kêu phần cá nục kho!!

Nếu được hỏi ý kiến bánh căn Phan Thiết thế nào, tôi sẽ trả lời là:“được”, chẳng qua là cách ăn khá lạ lùng với cá kho, trứng vịt luộc, da heo luộc, thịt bầm viên thế thôi.

Mấy năm trước ở Rạch Giá có một nhà hàng bán bánh khọt Vũng Tàu, chúng tôi có đến ăn thử. Không biết giờ còn mở cửa? Cũng không biết có đúng bánh khọt nguyên thuỷ Vũng Tàu? Họ đổ bột vào khuôn, cho tôm hoặc tép lên mặt bánh. Chờ cho bột chín thì họ đổ một lớp dầu phủ lên hết mặt chảo cho ngập tất cả các chiếc bánh trong dầu. Đợi đến khi chiếc bánh vàng như chiên cá thì mới hoàn tất mang cho khách.
Bánh ăn với nước mắm pha ngọt cùng dĩa rau đủ loại hấp dẫn. Thoạt đầu bánh còn nóng nên ăn giòn ngon. Nhưng sau vài cái, hơi nóng bay hết thì bánh trở nên khô cứng. Tiếc !

4/-
Như thường lệ, mọi người đã ăn xong từ lâu, chỉ còn tôi ngồi nhơi sau chót. Tôi tự nhận xét một điều: tính tôi xưa vốn khép kín, nhút nhát nhưng từ lúc tách rời gia đình sống tha phương thì bỗng trở nên cởi mở. Gặp người lạ thoáng chốc trong quán ăn, hay trên đường…tôi bắt chuyện làm quen dể dàng, thoải mái. Điều này là giống tánh cháu dâu tôi đây. Tôi thật là “nhiều chuyện”gớm a!! 
Nên khi chị khách ngồi kế bên bắt chuyện, tôi liền hưởng ứng ngay🤪😃.

Nghe giọng miền Nam của chúng tôi chị nhận ra, và nói rằng chị biết bánh căn (khọt) miền Nam có nước cốt dừa ăn kèm với rất nhiều rau thơm. Rằng người anh của chị cưới vợ dân Rạch Giá, chị có đến RG chơi rồi. Dân ở đó rất thân thiện, món ăn thì phong phú lắm. Ủa, sao mà trùng hợp có chị dâu người Rạch Giá vậy ta. Rằng tôi chắc cũng từ phương xa về chơi chứ không phải sống trong nước. Cháu tôi ngạc nhiên sao chị biết dì con sống ở xa, hay vậy. Chị nói thì nhìn phong cách và trò chuyện với tôi là đoán được ngay thôi..vv..vv..

Trời, mình đã hoá thân, phục trang đơn giản nhất cho hoà đồng với mọi người thế mà họ cũng nhận ra chân tướng là sao nhỉ? Mới tối hôm qua ở Saigon cô chủ quán bánh canh cùng nhận xét, tối nay nữa.

Chắc phải tập dùng ngôn ngữ Việt quốc nội thời nay mới được. Đùa thôi, chứ những danh từ tôi được học thời xưa đã ngấm vào máu vào óc tôi “thâm căn cố đế” rồi, sao mà nói kiểu khác được. Hơn nữa, tôi nào có ý định thay đổi “cách nói”mà mình đã hấp thụ hồi nào đâu.

Chúng tôi về phòng ngủ. Sáng mai còn đi thăm vài nơi trước khi rời Phan Thiết.

Thanh Hà
LCDF, 31/07/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét