Thứ Tư, 7 tháng 8, 2024

Viễn Du Ký Sự - Phần 30

Lầu Ông Hoàng- Tháp Chàm Po Sah Inư
Ký sự của Thanh Hà


1/- Tháp Chàm Po Sah Inư
Ngày 06/03/2024

*Trăng!Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
          Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
  (Trăng Vàng Trăng Ngọc, thơ Hàn Mặc Tử)

  *Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
    Lầu ông Hoàng đó thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua…
      (Hàn Mặc Tử, nhạc Trần Thiện Thanh)

Trước khi rời Phan Thiết, chúng tôi sẽ đi tìm Lầu Ông Hoàng, nơi ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử từng hẹn hò với người yêu Mộng Cầm, được ca-nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh viết thành ca khúc nổi tiếng để đời.

Ngày xưa mấy vùng (tỉnh) bắt đầu bằng chữ Phan đều thuộc đất người Chăm. Sau người Việt đến định cư mới dần chuyển thành tên tiếng Việt:
*-Panduranga hay Mang Lang thành Phan Rang thuộc tỉnh Ninh Thuận
*-Panrik hay Mang Lý thành Phan Rí thuộc tỉnh Bình Thuận
*- Hamu Lithit hay Mang Thít thành Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận.
Ba địa danh nầy gọi chung là Tam Phan.

Phan Thiết cũng có nước mắm Phan Thiết nổi tiếng– như Rạch Giá thì có nước mắm Phú Quốc nổi tiếng vậy.
Tôi chơi thân với một đại gia đình gốc Bắc di cư vào từ năm 1945, chọn Phan Thiết làm nơi tạo dựng cơ nghiệp, sinh sản thêm nhiều con cháu. Theo mệnh nước, thêm một lần nữa họ bỏ lại hết cơ đồ sang định cư Thuỵ Sĩ hơn 45 năm. Bởi ông bà cha mẹ vào Nam năm 1945, nhiều năm sau các bạn tôi mới được sinh ra, vậy có thể bảo họ dân Phan Thiết cũng chẳng sai. Thoạt mới quen tôi tưởng họ gốc miền Nam, bởi cách phát âm của người Phan Thiết nhiều chữ giống giọng dân miền Tây Nam bộ rặt, như tr thành ch, r thành d…vv.. 

Các bạn của tôi rất dễ thương có máu hài hước, đặc biệt thích nói lái. Nhiều buổi họp mặt gia đình, thân hữu- thường xuyên có tôi-ông xã của bạn nói lái mà nét mặt tỉnh bơ. Những câu nói lái thì nhiều lắm tôi không nhớ hết, nhưng câu chuyện dưới đây thì tôi nhớ (ai đọc xong thì quên đi nhé, bởi chuyện này là “nói bậy”, mà lạ thật hể cái gì bậy bạ thì lại nhớ dai hơn nói năng nghiêm trang nhỉ). 
Những câu chào từ giã(tạm biệt) trong vòng thân mật thường rút gọn trong 1 chữ. Thí dụ trong tiếng Anh thì: Bye. Tiếng Pháp Adieu, hoặc Ciao như tiếng Ý. Tiếng Việt là Chào. Tôi không hiểu tiếng Đức nên khi họ chào từ giã: Tschuss (đọc trại ra Chít-s) anh chồng của bạn đáp liền tức khắc: Đọt*. Anh vừa dứt lời thì gian phòng nổi lên một tràng cười như pháo tết.

*Thuỵ Sĩ tuy là quốc gia bé tẹo từ diện tích lẫn dân số nhưng có đến bốn(4) ngôn ngữ cho mỗi vùng: Đức, Pháp, Ý, và Romanche. 
Trong khi ai nấy cười ròn rã nghiêng ngã, tôi ngớ ngẩn hết nhìn người này sang người nọ không hiểu sao họ lại cười. Bạn không giải thích chỉ kêu tôi ghép hai chữ với nhau rồi đọc lái ngược. Tôi vốn không quen kiểu nói lái nên cứ ngồi lẩm nhẩm một lát mà vẫn chưa “dịch nghĩa”được. Cuối cùng cháu gái ngồi cạnh thì thầm vào tai lời giải đáp, đầu óc tôi mới thấm. 

Thảo nào ở Phan Thiết có giòng sông tên Cà Ty. Nghe giai thoại (không biết có xác thực hay cũng đùa cho vui?) vì sông có lúc nước lờ lợ, có lúc nước mặn, người dân thấy kỳ lạ nên hay nói :”kỳ ta, kỳ ta!!”, nói lái lại thành Cà Ty.
Chắc là kể cho vui. Bởi những con sông gần cửa biển chảy vào vài km đầu tiên đều pha chút vị lợ.
Cũng thêm một giai thoại khác về tên con sông này. Là cứ mỗi trận mưa đầu mùa thì cá tôm say nước lăn quay mòng mòng, có con bị chết. Người ta hỏi:”sao kỳ vậy ta?”lượt bớt thành “Kỳ ta=Cà Ty”.

Tuy họ phát âm gần giống giọng dân Nam Bộ chân chất, nhưng cũng có 1 danh từ địa phương không nơi nào có, đó là NGẢNH Tam Tân, thị xã La Gi, Bình Thuận. Ngảnh đồng nghĩa với mõm, phần đất đá từ bờ biển nhoi ra, không lớn không dài.

Lâu lâu có vài chữ họ “quên sửa” nên phát âm theo giọng Phan Thiết mà vợ con của họ thỉnh thoảng đem ra trêu chọc:
—Ba con lâu lâu nói giọng Phan Thiết. Ăn cơm ba kêu là “ăn cum”, lúc đầu con còn không hiểu ba nói gì lạ quá.
Lại có nguyên các gia đình anh chị em, con cháu khác gốc Phan Thiết– cũng chơi rất thân với tôi, kể cả các cháu sinh ở bên nầy– đều dùng chữ NHẬP để diễn tả trạng thái nổi giận không kềm chế được. Lúc đầu tôi cứ tưởng họ kể là họ bị Ma Nhập hay Lên Đồng !!!

*6g20’
Các cháu mở GPS tìm đường đến Lầu Ông Hoàng.
Toạ lạc ở phường Phú Hài cách Phan Thiết 7 km. Từ quốc lộ nhìn xa xa thấy khu di tích nằm trên ngọn đồi Bà Nài, rẽ theo con đường nhỏ một đoạn thì tới nơi. Thoạt đầu hơi ngờ ngợ tưởng đâu nhầm chỗ, mặc dù theo đúng bảng chỉ đường, bởi đầu tiên chúng tôi thấy có người ngồi trong căn nhà nhỏ cạnh cổng bán vé vào viếng cụm tháp Chăm Công chúa Pô Sah Inư. Hỏi thì họ xác định đúng đây là nơi kết hợp vào thăm viếng các tháp Chăm lẫn Lầu Ông Hoàng.

Qua cổng, bắt buộc chúng tôi “gặp” các tháp trước tiên. Thế cũng hay, lúc đầu chỉ nhắm một mục đích mà rốt cuộc được ngắm hai di tích cận kề nhau.

Tháp Chăm Poh Sah Inư

Cụm đền tháp Chăm xây dựng từ thế kỷ IX, đặt tên công chúa Pô Sah Inư, là người tài đức được dân yêu quí. Chính bà truyền cho dân cách trồng lúa nước, dệt vải thổ cẩm, trồng trọt, chăn nuôi.
Hiện chỉ còn lại ba toà tháp: 
–Tháp A thờ thần Shiva, tháp B thờ thần bò Nandin, tháp C thờ thần Lửa. Theo phong cách người Champa. Tháp Shiva có ba tầng, cao khoảng 15 m. Tháp xây bằng những viên gạch xếp đặt thật khéo không cần có chất kết dính nào mà rất chắc chắn. Cửa tháp có nhiều hoạ tiết chạm khắc tinh xảo. Chỉ còn tháp A tương đối nguyên vẹn.

Nơi đây vào tháng 10 hàng năm có lễ hội dân gian Kate rất nhộn nhịp để tưởng nhớ công chúa Pô Sah Inư, và cầu nguyện may mắn bình an cho dân Chăm.

Lầu Ông Hoàng:

Từ chỗ tháp, theo bảng chỉ dẫn chúng tôi men theo con đường tráng xi măng đi sâu 100m, bắt gặp lô cốt bằng phiến đá hay xi măng hình chữ nhật mỗi cạnh chừng 2,5–3m, có chừa mấy khoảng trống để người ngồi bên trong quan sát và đặt súng, nằm xen lẫn với nhiều nhánh cây nhỏ khô rụng hết lá trơ cành trông rất thảm não. Những vỏ chai nước vương vãi chung quanh. Chúng tôi há hốc mồm kêu: trời! Lầu ông Hoàng là đây sao? Rồi bàn với nhau: không phải đâu, đây chỉ là một lô cốt quân sự chớ Lầu ông hoàng có nghĩa là lầu của… ông hoàng nào đó, làm gì mà tệ vậy.

Chúng tôi thử tiếp tục bước đi giữa mấy cành cây khô nằm che kín lối thêm một đoạn nữa dẫn lên ngọn đồi thì hiện ra một khối gạch chữ nhựt ước mỗi cạnh 5-6m, cao 20 m hoặc hơn, nhám nhúa màu thời gian sừng sửng trơ trụi trên nền xi măng loang lỗ lẫn đất cát. Trên bức tường có một khoảng trống từng là cửa ra vào cách mặt đất vài tấc, phía mặt kia bức tường trên cao cũng có một khoảng trống chắc từng là nơi ra vào, chung quanh mấy lỗ châu mai hình chữ nhật. Nhiều vết đạn còn lỗ chỗ trên tường. Đứng từ đây phóng tầm mắt xa xa là biển mênh mông.

Bên trong “toà nhà” một đống gạch vụn hoang tàn đổ nát nằm chất chồng trên nền. Có tấm bảng cắm giải thích sơ lược là năm 1945 Pháp xây dựng hệ thống đồn bốt để canh giữ vùng Phan Thiết. Lầu ông Hoàng trở thành nơi xảy ra nhiều trận đánh dữ dội nên ngôi lầu bị tàn phá đổ nát, mà không nói rõ đây chính là phế tích của Lầu hay chỉ là vọng canh.

Hoang mang!! Làm sao mà cái “khối gạch cũ nát xấu xí hình chữ nhật nhỏ tí tẹo nầy”có thể gọi là lâu đài của hoàng tử con vua Pháp được chứ? Bởi nếu có đổ nát chăng nữa, thì cấu trúc sơ đồ của một ngôi nhà có người cư ngụ cũng nhận biết được. Đàng này chỉ là một khối hình trụ, vuông các cạnh, tuyệt đối không có chút dấu vết nào của một căn nhà-. Trong nghề nuôi chim yến hiện nay, người ta xây căn nhà để dụ dỗ chim yến về làm tổ còn xinh xắn hơn cái Lầu Ông Hoàng nầy rất nhiều lần! 

Lẩn thẩn tự hỏi: Lầu trăng là đây ư? Nơi mà thi sĩ Hàn Mặc Tử hẹn hò cùng người yêu Mộng Cầm để tình tự ngắm trăng đó ư? Ông tìm thấy nét lãng mạn trữ tình nào trong cái khối gạch chữ nhật ấy?
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết…
…Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng.
(Phan Thiết! Phan Thiết! Thơ Hàn Mặc Tử)

Chắc chắn đó không phải “từng là” lâu đài(hay biệt thự)của một ông hoàng được. 
Thất vọng tràn trề. Tuy thế, lỡ đến rồi thì cũng chụp vài tấm hình đứng dựa vào tường gạch làm bằng chứng là có đến tận nơi.

Sau tôi về giở sách tìm hiểu về Lầu Ông Hoàng. Sách viết rằng:
Vào năm 1911 Công tước Antoine De Montpensier* con út vua Louis Philipe I Pháp sang Việt Nam du lịch, săn bắn. Thấy phong cảnh hữu tình, nên mua mảnh đất rộng 530 m2 trên khu vực đồi Bà Nài cao 105m so với mặt biển để xây biệt thự. Đó là một ngôi biệt thự sang trọng 13 phòng tiện nghi, có máy phát điện, bể chứa nước dùng đủ nguyên năm…Móng nền đúc bằng đá hộc xanh cao 2 m, lót gạch bông. Phía trên nóc là các phiến đá xanh, tác dụng giữ mát bên trong dù bên ngoài nhiệt độ có nóng thiêu.

Vài năm sau công tước đem bán lâu đài cho 1 chủ khách sạn người Pháp, rồi người này sang lại cho vua Bảo Đại. Năm 1945 người Pháp trở lại, chiến tranh xảy ra, họ cho xây nhiều đồn bốt lô cốt chung quanh lầu ông Hoàng– nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt. Do bom đạn, ngôi biệt thự bị phá huỷ không còn dấu tích nào. Cái khối hình hộp mà chúng tôi đứng chụp hình chỉ là phế tích của vọng gác (đồn canh) thôi.
 
 *Tôi được thấy Lầu Ông Hoàng, có hai tầng rất thanh lịch sang trọng nhưng chỉ qua hình ảnh lưu lại.

**Ngẫu nhiên lúc tôi viết câu chuyện nầy, tôi đang đọc quyển sách kể về Saigon xưa của nhiều tác giả, mới khám phá thêm 1 điều thú vị. Là khách sạn & nhà hàng Continental ở góc đường Catinat (thời Pháp), sau đổi tên Tự Do, giờ đổi tên gì đó…thuộc quận 1 Saigon được xây năm 1880 do nhà sản xuất vật liệu xây dựng người Pháp Pierre Cazeau xây, sau bán lại cho Công Tước De Montpensier chủ nhân Lầu Ông Hoàng-Phan Thiết. Đến năm 1930 thì Công tước sang lại cho chủ mới cũng người Pháp.

*Ông công tước nầy kể ra có cái nhìn nhạy bén về các “kiến trúc nhà cửa”. Cũng ”khoái mần kinh doanh mua đi bán lại bất động sản” đó chứ!🤪🤫.
Tiếc là lũ hậu duệ chúng ta không có may mắn được ngắm công trình Lầu Ông Hoàng của ông ấy nhỉ.

*Khách sạn Continental đã từng đón tiếp nhiều nhân vật lừng danh thế giới văn chương:
*–Thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, tác giả quyển thơ gối đầu giường Tâm Tình Hiến Dâng giải Nobel văn chương năm 1913.
*–Văn sĩ kiêm nhà lý luận Pháp André Malraux, tác giả quyển Thân Phận Con Người, giải thưởng Goncourt 1933(La Condition Humaine) từng làm Bộ trưởng văn hoá. 
*–Căn phòng 214 của khách sạn từng là nơi văn sĩ Mỹ Graham Greene trú ngụ và  thai nghén quyển tiểu thuyết Người Mỹ Trầm Lặng(The Quiet American).

Trở lại với câu chuyện:
Vì không được giải thích hướng dẫn rõ ràng nên ai cũng tưởng lầm cái phế tích lỗ chỗ vết đạn xấu xí nầy là lâu đài Ông Hoàng, thực ra chỉ là cái vọng gác.

Vào trang mạng du lịch của các nhà lữ hành, thấy họ đưa hình”cái khối chữ nhựt”nơi chúng tôi đứng dựa vào tường chụp hình, quảng cáo là Lầu Ông Hoàng. May tôi nghi ngờ cái nơi từng chứng kiến câu chuyện tình diễm mộng sao lại”trần tục”chẳng chút gì quyến rũ để đôi tình nhân dắt nhau đến hẹn hò– nhất là với một tâm hồn thi nhân như Hàn Mặc Tử– nên chịu khó lục lọi tìm hiểu mới khám phá sự thật chứ không thì cũng hố to, đinh ninh là mình đã từng đặt chân đến nơi kỷ niệm thiên tình sử đẹp nhưng kết cuộc bi thương.

Trên đường mòn trở ra cổng chúng tôi gặp hai vợ chồng trung niên lặn lội đi vào, chặn chúng tôi hỏi có biết Lầu Ông Hoàng nằm đâu? Cháu dâu chỉ đường cặn kẻ.
Đi thêm một đoạn, lại gặp hai vợ chồng khác cũng tuổi trung niên hỏi câu tương tự. Họ bảo là từ tỉnh xa đến đây, muốn tìm thăm Lầu ông Hoàng cho thoả nguyện.
Các cháu tôi nói:
–Thì ra những người thời của m4 đều biết câu chuyện nầy. Nếu m4 không nói thì chúng con đâu có biết, chỉ tưởng viết nhạc là do tưởng tượng.

Tôi thử đoán cảm tưởng của hai đôi vợ chồng trên khi nhìn thấy phế tích, đinh ninh đó là lầu ông Hoàng (như chúng tôi đã tưởng), và về kể lại cho người thân, bạn hữu nghe với nỗi thất vọng (hay vỡ mộng) tràn trề. 
Và có bao người đã, đang, sẽ còn tìm tới nơi để chiêm ngắm cái-khối-gạch-tưởng-là Lầu Ông Hoàng ???

Năm 2022, tôi có ghé thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang ở Hải Lăng–Quảng Trị, nơi Đức Mẹ rất hiển linh. Trước khi đến, tôi đã biết nhà thờ cũ bị tàn phá tiêu huỷ bởi bom đạn chiến tranh, chỉ còn giữ được một bức tường có tháp chuông, nên mục đích là viếng thăm bức tường ấy. Còn đây thì khác, tưởng là Lầu ông Hoàng vẫn tồn tại, nào ngờ chả còn sót lại chút dấu tích gì, mà chỉ là hai cái lô cốt quân sự quanh đó, mỗi cái cách nhau chừng 100m. 

Từ đó nghiệm ra: nếu muốn biết chính xác điều gì, hãy đích thân đến tận nơi chứng kiến.

Dì cháu tôi hổ tương cho nhau. Tôi cung cấp cho cháu những thông tin về di tích, lịch sử, giai thoại của tiền nhân... Ngược lại các cháu giúp tôi thực hiện ước mơ, chở tôi đến tận nơi, chiêm ngắm tận mắt mới rõ thực hư.

LCDF, 03/08/2024
Thanh Hà





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét