Bàu Trắng, Vĩnh Hảo- Bình Thuận
Ký sự của Thanh Hà 1/-
Ngày 06/03/2024. 6g:20’. Lên đường tiếp.
Vườn thanh long
Nhờ đi, tôi có dịp học hỏi và khám phá nhiều điều mới mẻ thú vị ở mỗi địa phương mà xưa nay mình không mấy quan tâm chú ý, hoặc chỉ biết một cách hời hợt.
Tỉnh Bình Thuận nói chung, Phan Thiết nói riêng đâu chỉ có biển với đặc sản nước mắm. Phan Thiết bây giờ còn được mệnh danh là “Tiểu sa mạc Sahara” đầy nắng gió với các triền đồi cát vàng cát trắng.
Ngoài ra, còn nổi tiếng nơi trồng trái thanh long lớn nhất nhì Việt Nam, hơn 20 ngàn mẫu. Tập trung nhiều ở Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam.
Đất vùng nầy phù hợp trồng cây thanh long là loại cây leo cùng họ cây xương rồng. Có 7 loại trái, màu trắng, tím, hồng… ở VN đã trồng được 4 loại. Tôi thích nhất vỏ hồng ruột đỏ tím to và ngon ngọt nhất.
Hoa thanh long màu trắng nhuỵ vàng tương tự hoa quỳnh nhưng to hơn. Lần đầu tôi thấy là nơi sân nhà Tuyết Mai, cô bạn chơi từ thời trung học nhân dịp tôi sang California thăm. Những cánh hoa nở to đẹp tinh khiết, toả mùi hương dể chịu quyến rũ bầy ong đến hút mật không ngừng. Hình như “cô nàng bắt chước” hoa quỳnh, không chịu “khai hoa nở nhuỵ” vào ban ngày, “mắc cỡ” sợ thiên hạ dòm ngó chờ ban đêm mới nở bung hết cánh. Hoa đẹp mơn mởn mà tôi cũng chỉ đứng cách cả thước mà nhìn chứ không dám xáp lại gần bởi sợ lũ ong chờn vờn chung quanh chích nọc độc.
Trên đường đi, tôi được dịp say mê ngắm no mắt những vườn thanh long bạt ngàn tăm tắp vườn này nối tiếp vườn kia đẹp mê hồn dù chưa kịp ra hoa. Mỗi gốc thanh long được trồng trên một trụ không quá cao, nhánh cành toả đều buông rủ chung quanh như thể mái tóc màu xanh của người khổng lồ trong truyện cổ tích.
Khi ánh hoàng hôn tắt lịm, chủ vườn thắp sáng các gốc cây để kích thích cho cây mau ra hoa bằng những ngọn đèn điện nhỏ khiến khu vườn càng thêm quyến rũ, tưởng như lễ hội hoa đăng lung linh mờ ảo. Trời ơi, sao mà quang cảnh thiên nhiên cây cối hoa lá đẹp quá chừng thế. Giờ là đầu tháng 3, tới hè- tháng 8,9- mới là thời vụ thu hoạch trái.
Đôi lúc những phát minh quan trọng được khám phá do sự tình cờ. Như giai thoại về khoa học gia Newton ở thế kỷ 17 tìm ra định luật về lực hấp dẫn của vạn vật nhờ thấy quả táo rơi từ trên cây xuống đất. Ông tự hỏi vì sao táo rơi thẳng xuống đất mà không bay ngang hoặc bay lên. Từ đó ông kết luận rằng mọi vật đều bị hút về phía Trái Đất bởi luật hấp dẫn.
Tương tự với thanh long, giai thoại kể rằng vào khoảng thập niên 1990’s một nông dân ở Hàm Thuận Bắc treo đèn để sưởi ấm cho đàn vịt ông nuôi trong vườn thanh long, thì phát giác những cây thanh long ở cạnh các bóng đèn đều sớm ra hoa. Từ đó họ áp dụng kỹ thuật chong đèn kích thích cây ra hoa sớm để cho trái quanh năm thay vì chỉ đúng 1 mùa.
2/- Bàu Trắng-“Tiểu sa mạc Sahara”
Địa điểm dừng chân kế tiếp là Bàu Trắng cách Phan Thiết 65 km về hướng Đông Bắc, xã Hoà Thắng-Bắc Bình-Bình Thuận. Cách Mũi Né khoảng 30 km.
Tiếng địa phương Bàu có nghĩa là Hồ nước. Bàu chia thành hai phần bởi đồi cát vắt qua, gọi là Bàu Ông và Bàu Bà. Bàu Bà rộng hơn và nước ngọt hơn Bàu Ông, có trồng rất nhiều sen để lấy hạt và ngó sen. Vì nằm giữa những triền cát trắng nên người ta thường gọi là Bàu Trắng, tên phổ biến hơn.
Cảnh Bàu Trắng quả giống như lạc vào sa mạc châu Phi với những đồi cát trắng (ủa, tôi nhớ có đoạn triền cát màu vàng nữa cơ mà, hình chụp tôi đủ kiểu đứng ngồi vẫn còn đây) chập chùng tiếp nối chạy dài dường như vô tận. Chúng tôi đậu xe bên vệ đường rồi dắt díu nhau từng bước leo lên đồi.Từ dưới chân lên đến đỉnh khá xa–chắc 500, 600 m–mỗi bước đi với đôi giầy thể thao cứ lún xuống cát trở nên nặng nề. Có một ít người cũng đang “lăn lộn” trên đồi cát tìm góc cạnh đẹp làm dáng chụp hình.
Lúc chúng tôi đến, gặp một nhóm trai gái trẻ gần chục người đang dừng xe 4x4 cạnh đường. Tất cả dàn hàng ngang trước mũi xe lần lượt làm các động tác do một bạn “đạo diễn” để chụp hình, kế ngõ ý nhờ cháu tôi chụp cho cả nhóm. Nhìn phong cách dáng dấp các cô cậu hồn nhiên, tự tin nhớ lại mình cũng từng một thời tuổi trẻ sống động như họ mà vui lây.
Đúng trưa, ông mặt trời chiếu ngay giữa đỉnh đầu. Khi xem lại hình chẳng hề thấy cái bóng của mình phản chiếu lên cát đâu cả. Nhiệt độ vốn đã nóng, gặp cát nung nóng giữa ngọ càng hừng hực. Mồ hôi thấm đẫm người. Hơi chán, mệt nhưng đã đặt chân đến sa-mạc-cát rồi thì cũng phải leo lên tận đỉnh (như các nhà thám hiểm leo lên đỉnh Everest) để tự hào -với chính bản thân- là đã chinh phục mọi khó khăn gian khổ.
Vài chục cây số quanh đó chả có bóng nhà dân. Chỉ một hay hai chiếc lều đơn sơ bên kia đường bán nước giải khát, cà phê, nước dừa…may là chúng tôi luôn dự trữ mấy chai nước lọc bên mình. Muốn tìm chỗ ăn trưa nhưng không thấy, nên chỉ uống nước lạnh cho đỡ khát rồi đi tiếp đến Phan Rí.
Chúng tôi chạy trên con đường nhựa dài tăm tắp, có đoạn hai bên toàn đồi cát, có đoạn một bên nhô lên vài cây cối mọc thưa thớt, xa hơn phía ngoài là biển. Để ý mới thấy không có cột đèn đường nào cả, nghĩ lẩn thẩn nếu lỡ chết máy đoạn nầy phải dắt bộ đi tìm chỗ sửa chắc mệt xỉu. Rồi hồi tưởng cái đêm hai năm trước chỉ hai dì cháu chạy từ Hà Giang về Bắc Cạn trên con đường một bên là rừng sâu vực thẳm, một bên vách núi hoang vu u ám tối đen dài vài chục km, lâu lâu mới gặp xe bốn bánh vượt qua hoặc đối diện vài giây, tổng cộng đếm chưa đầy bàn tay. Lỡ tai hoạ xảy ra: xe chết máy, gặp cướp…mới thấy mình quả là liều mạng!
3/- Nước Suối Vĩnh Hảo
Dọc theo quốc lộ 1A, chúng tôi đi thêm 60 km thấp thoáng bãi biển Vĩnh Hảo một bên đường, một bên là nhà dân thuộc xã Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận.
Đến Vĩnh Hảo mới nhớ nước khoáng cùng tên rất nổi tiếng, thành lập từ năm 1928. Nhưng ít ai biết câu chuyện thú vị về nguồn gốc tên Vĩnh Hảo, từ đó khơi gợi lại trang sử cả ngàn năm trước.
Nhớ lúc nhỏ trong gia đình tôi khi có người đau bịnh, ngoài việc được săn sóc thuốc men ăn uống chu đáo, má còn mua chai nước suối Vĩnh Hảo uống kèm thêm để mau lại sức. Tôi nhớ lần bịnh thương hàn khá nặng, được má cho uống nhưng không thích bởi nó là loại có ga, vị hơi mằn mặn. Trẻ con nào cũng chỉ thích ngọt chua như kẹo, sirop, bánh biscuit, trái tầm ruột, ổi, cóc, me…
Nước khoáng Vĩnh Hảo ít phổ biến rộng rãi trên toàn quốc bởi giá mắc gấp đôi các hiệu nước khoáng khác, nhưng người dân các vùng chung quanh đây vẫn xử dụng nhiều.
Chúng tôi không có đến tận suối, mà chỉ thấy bãi biển Vĩnh Hảo.
Ngày xưa-lâu lắm- nơi đây là vùng đất của người Chiêm Thành, có suối nước nóng Eamu mà họ xem như nước thánh bởi chứa nhiều chất khoáng trị các bệnh xương khớp, hệ tiêu hoá, tăng cường sức đề kháng... Thế kỷ 14, vua Chiêm là Chế Mân đem hai châu Ô*, Lý* dâng cho vua Trần Anh Tông để cầu hôn với em của vua là công chúa Huyền Trân**
Trong một lần vua Chế Mân cùng Huyền Trân công chúa ngao du sơn thuỷ bên giòng suối Eamu, thấy non nước hữu tình nên công chúa đặt tên Vĩnh Hảo, ước mong tình giao hảo giữa hai nước mãi vững bền.
Khi người Pháp vào Việt Nam, có phân tích phẩm chất nước suối Vĩnh Hảo ngang với nước suối Vichy của họ nên gọi nước suối Vĩnh Hảo là Vichy Đông Dương.
*Châu Ô nay từ đèo Lao Bảo đến sông Thạch Hãn, phía nam Quảng Trị.
*Châu Lý ngày nay là tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và bắc Quảng Nam.
**Huyền Trân là công chúa con vua Trần Nhân Tông (sau đi tu ở núi Yên Tử, là ông tổ của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử), bà là em gái vua Trần Anh Tông.
Trong thi ca dân gian, có hai câu thơ cho là nói lên sự tiếc thương công chúa Huyền Trân, một cành thiên hương quốc sắc mà phải chịu hạ mình làm vợ ông vua Chiêm:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo*
Nhưng có sử khác chép rằng hai câu thơ ấy đã xảy ra từ đời nhà Lý, trước đó khoảng 300 năm rồi. Là nói về các cuộc hôn nhân của các vị công chúa, lần lượt con các vua Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông gả cho các vị tù trưởng sắc tộc khác.
Một sử gia thêm rằng, hai câu ca dao sau đây mới liên quan đến công chúa Huyền Trân:
Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Đã vò nước đục lại vần lửa rơm*
*Chúng ta thường lên án một số người da trắng tự cho mình là giống nòi thượng
đẳng coi khinh người da màu, da đen. Ngẫm lại, người Việt cũng kỳ thị chủng tộc thua gì ai đâu, mà óc kỳ thị đã có tự mấy thế kỷ trước rồi. Hơn nữa, chính sách gả cưới giữa công chúa quốc gia này với hoàng đế quốc gia nọ đã có từ mấy ngàn năm trước ở châu Âu, Mông Cổ, Trung Đông… chứ không riêng gì nước Việt. Thậm chí họ còn cưới giữa anh chị em ruột, họ hàng với nhau để gìn giữ đế chế- đọc sử về nước Hy Lạp, Ai Cập cổ sẽ thấy đầy dẫy các trường hợp loạn luân-.
Bài ca “Nước Non Ngàn Dặm” theo điệu Nam Bình, có người cho rằng chính công chúa soạn lúc trên đường sang Chiêm, tôi ghi lại chứ không biết thực hư:
Nước non ngàn dặm ra đi
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Lý
Xót thay vì, đương độ xuân thì
Số lao đao hay là nợ duyên gì?…
Nhạc sĩ Pham Duy có bài Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi:
Nước non ngàn dặm ra đi
Dù đường thiên lý xa vời
Dù tình cố lý chơi vơi
Cũng không dài bằng lòng thương mến người…
Ngoài ra ông Phạm Duy còn nhắc đến công chúa trong 1 bài Trường Ca:
Năm tê trong lúc sang xuân
Tôi theo công chúa Huyền Trân tôi lên đường
Đường máu xương đã lắm oán thương
Đổi sắc hương lấy cõi giang san
Tôi đi theo bước ái tình
Đi cho trăm họ được hoà bình ấm no
Đèo núi cao nghe gió vi vu
Thổi phấn son nay tới kinh đô…
(Trường Ca Con Đường Cái Quan, nhạc Phạm Duy)
“Mở ngoặc: Đọc câu chuyện về công chúa Huyền Trân, tôi tưởng như đọc các vở bi kịch của William Shakespeare, hoặc các tuồng cải lương với đủ tình tiết éo le, diễm mộng, ngang trái, anh hùng, chính trị, lòng hy sinh cao cả..v..v..nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã bác bỏ giả thuyết đồn đại thiếu chứng cứ về chuyện tình của Bà với tướng Trần Khắc Chung, để trả lại Sự Thật và danh dự cho Bà”.
Ánh tà dương đã xuống thấp nên chúng tôi chỉ dừng lại chốc lát ngắm cảnh rồi đi cho kịp đến Cam Ranh–thêm 100 km– trước khi trời tối.
Thanh Hà
LCDF, 10/08/2024
Cút cu cô bạn thương
Trả lờiXóaThêm một lần nữa KT lại theo chân bạn TH đi ngao du sơn thủy, người ta đồn nước Việt Nam mình … GÌ CŨNG CÓ, giờ thì KT tin rồi .
Bạn ơi sao mà tài giỏi quá, đã kể chuyện thật hấp dẫn với một trí nhớ siêu phàm, lại còn thuộc nhuần nhuyễn thơ nhạc và sử tích khắp nơi, KT đọc mà thích và phục bạn quá chừng luôn nè , mình đồng ý là bạn phải tra tìm và nhờ bác Google giúp đỡ, nhưng trước tiên phải có ý nghĩ và sự liên tưởng thì mới tìm đúng không?
Mình thấy bạn thật may mắn vừa có sức khỏe và điều kiện để đi thăm viếng nước VN mến yêu của mình , vì không phải ai muốn mà được, hãy tận hưởng và về kể lại cho mọi người nghe bạn TH nhé .
Thương chúc bạn luôn có nhiều sức khỏe và niềm vui nha.
❤️🌹 Kim Trúc Phùng
Chào Kim Trúc, cô bạn thân thiết dễ thương lúc nào cũng ủng hộ vào đọc bài TH. Đó là sự khích lệ lớn lao để TH tiếp tục, mà đôi lúc viết xong một đề tài, đọc lại và tự hỏi không biết mình viết có quá dở, quá nhàm chán? Thôi kệ, khả năng chỉ được tới ngần ấy thôi, có muốn hay hơn nữa cũng đâu có được 🤭🤪.
Trả lờiXóaThật nghen, đi một ngày đàng học một sàng khôn, lời cổ nhân nói không sai. Qua mỗi chuyến đi chơi, thì TH được học hỏi, khám phá thêm nhiều điều mà phải tận mắt mới cảm nhận hết cái hay hay dở của nơi đó.
TH đâu có nhớ từng chi tiết của chuyến đi mà để hoàn thành một bài viết TH cũng phải dựa vào sổ tay ghi nhật ký mỗi ngày mình đi đâu, có gì đặc biệt, vào mấy hình chụp còn lưu lại, hỏi các cháu đã cùng đi chơi với TH. Bí quá thì vào google, tìm tài liệu ở nhiều nguồn. Và đúng như KT nói, là khi TH viết về 1 đề tài gì thì có những giai thoại haY thơ, nhạc…tương tự, tự động hiện ra trong trí TH. Chắc nhờ TH đã có sự đam mê đọc sách ngay từ khi còn nhỏ, hể vớ được quyển sách nào - đủ loại-là đọc ngấu nghiến, tích tụ lâu ngày trong bộ nhớ. Nó nằm im đó chớ không hẳn biến mất, khi bị “đụng” đến là trồi ra đó thôi.
Kể ra đọc sách nhiều cũng có lợi hén.
TH cũng chỉ cầu mong là mình luôn mạnh khoẻ để còn đi du lịch dài lâu nữa. Cám ơn về lời chúc của KT. TH cũng chúc Tam Kim nhà bạn luôn lạc quan yêu đời, cống hiến cho mọi người những bài hát , bài thơ thật ngọt ngào nhé.
Thương ,
Thanh Hà