Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Về Quê Ngoại - Phần Ba

Truyện ngắn của Bạch Huệ


7/-

Tiếng kèn te te dưới bến, tui cất tiếng kêu đứa con gái của chị ba:
- Linh ơi! Ghe hàng hả con?

- Hông phải đâu dì Sáu ơi, ghe thiến heo đó!

Tui cười cười hỏi :
- Con biết thiến heo hả?

Con bé trân mắt nhìn tui.
- Biết... Sáu nè!

Rồi nó ù chạy về nhà.  Tiếng kèn te te từ ngã ba cây sao vọng vô nghe rõ to, con gái chị tui lên tiếng:
- Sáu ơi!  Ghe hàng đó..

- Uh… Sáu biết rồi.

Hai dì cháu ngồi dưới bến chờ ghe cặp vô, tui chia số tiền bán được làm 3 phần.  Mua đồ dùng cho tui và chị ba, còn lại tui đem về cho má.  Cứ vậy cho đỡ ngại, vẹn - vẻ đôi bên.

Má tui không kêu, không biểu nhưng tui tự biết sắp xếp để chị tui vui, con cháu cũng mừng.  Khôn chết, dại chết, biết sống hehehe!  Sáu mà… phải hông?

Cả ngày tôi phải giải quyết biết nhiêu công việc, mé mấy nhánh bình bát để làm củi chụm (cây bình bát tươi vẫn cháy phè phè) mấy trái bình bát chín cây thơm ngát, mấy trái mới ửng vàng tui bẻ bỏ vô khạp gạo chờ nó chín.  Ở chợ thì lấy bình bát dầm đường với đá ăn thì nuốt hột luôn vô bụng chả lẻ nó đâm nhánh lên đầu hay chọt ra lỗ tai…  Mấy đứa cháu đi ngang cho một rổ đọt chại non thiệt là ngon.  Ở đây có nhiều thứ ăn mà ở chợ thèm nhểu nước miếng, bồn bồn tươi xào mỡ, ôi ngon ngọt lắm kìa!  Mưa đầu mùa, cỏ ra chồi non, lũ chuột đồng tha hồ ăn mập thây.  Cứ một hai đêm mấy thằng cháu tui đi bẫy chuột bắt về mấy trăm con, ghé cho Sáu tui mấy chục chiên rôti ăn đã luôn, chuột xào lá cách, chuột nấu canh chua, lại nhểu nước miếng nữa rồi.  Ở chợ hay thành phố ăn chuột có khi gặp chuột nhà xác hay chuột cống lang, ghê ghê!

Tiếng anh rể tui òm òm như trống đồng:
- Mày đi đổi nước ngọt xài hông, có giang cậu út với Quốc Việt kìa, ghe lớn đó!

Tui thích rồi đó, đi với thằng em cô cậu này nó hông để tui làm gì đâu.  Hai chị em cùng tuổi mà.  Tui chạy qua gởi 2 đứa con rồi đi nhờ ghe cậu út tui đổi nước.  Cậu út không đi mà chỉ có thằng Việt đi, sướng luôn.  Ra đó tui đi vòng vòng lô 15 cho biết.  Anh rể tui lăn 3 khạp nước xuống ghe cho tui đổi thêm mấy thùng.  Tui kéo con Linh theo cho vui.  Ghe nổ máy chạy trở ra ngã ba cây sao.  Đi tới đâu Việt cũng nói nói chỉ chỏ cho tui biết:gia đình cậu mợ út tui vẫn còn ở cầu Quằng (Rạch Sỏi), nhưng cậu thường về quê để kiếm củi, kiếm dừa nước, hay dừa khô để chở về ngoài đó xài, hoặc bán, nên thằng Việt nó rành mạch hơn tui.

- Nè! Chị Sáu, ngã ba cây sao nổi tiếng có ma.  Ban đêm không ai dám đi một mình.

- Mày dóc hoài.

Linh nói:
- Thiệt đó Sáu.  Mấy người vô mua lá bị ma nhác rồi đó!

Tui ngắt lời tự trấn tĩnh mình.
- Tào lao, tui hổng có sợ ma đâu nha!  À… chỗ đổi nước gần nhà ông Bảy Đài hông vậy?

- Gần xịt.  Chút em dẫn chị đi.

Ghe đậu cặp vô bến chỗ đổi nước.  Việt nói:
- Anh bơm đầy hết mấy cái khạp và thùng nước trên ghe cho tui nghen!  Tui dắt bà chị qua nhà ông bảy cho biết.

Việt đi trước, tui và Linh lẽo đẻo theo sau.  Tới một căn nhà lá bề ngang chừng 5 mét, không có cửa nẽo gì hết, chỉ ngăn bằng lá vàng bạc lưng lửng.  Nhà trước có bộ ván ngựa.  Uh, có cái buồng nhỏ, và nhà sau thì trống trơn, chỉ có cái giàn bếp đơn sơ.  Nhà không có ai ngoài 4 đứa nhỏ đang ngồi chằm lá trước sân.  Tôi đi quanh nhà và ghé mắt nhìn trộm vô buồng, chỉ có cái giường tre, và cái tủ áo, chấm hết.  Nghèo quá vậy sao?  Tui ra ngoài ngồi nói chuyện với đứa lớn nhất:
- Con là lớn nhất phải hông?

Nó không trả lời chỉ gật đầu, tôi hỏi tiếp:
- Ba má bắt mấy đứa chằm lá, hông cho đi chơi?

Đứa ngồi kế nhanh miệng trả lời.
- Mỗi đứa phải chằm đủ 100 tấm lá mới được đi chơi.

Trời, tui nhủ thầm, “Ác vậy trời!  Bàn tay nó bẻ miếng lá không nổi nữa sao chằm hết?”  Lúc đó ở bến xuồng có tiếng ai kêu ơi ơi!  Thằng bé lớn đứng lên chạy về tiếng kêu.  Việt đứng sau lưng tui nói nhỏ, vợ chồng bảy Đài về rồi đó.  Tôi nhìn mấy đứa nhỏ mà đau lòng.  Đúng là đứa nào cũng đẹp cũng trắng, bất chợt nhìn về cha mẹ nó mà công nhận ông bà này cũng đẹp, nhất là nước da mịn trắng tự nhiên.

Bà cười toe toét, nói:
- Dì Sáu phải hông, hồi nảy đi ngang dì ba có nói.  Mai tui vô đốn lá nghen dì sáu!

- Uhm… chưa già mà ăn trầu bô bô vậy chị bảy?

Bà nhăn răng cười, vôi đỏ ao quanh miệng, gớm thiệt chứ chẳng chơi, còn trẻ mà, tui nói:
- Còn trẻ mà bày đặt ăn trầu.  Có xỉa thuốc hông?

- Hông dì sáu ui!  Tui ăn đậu phọng thôi hè.

- Mấy đứa nhỏ vậy mà giỏi quá, ngồi chằm lá thấy cưng.

- Hehehe… mỗi đứa có chế độ hẳn hòi đó!

Tôi vừa xuống bến, vừa lắc đầu nói:
- Tui về rồi, mai vô hén!

Tui và Linh đi xuống ghe.  Tui dúi vô tay Việt mấy đồng bạc trả tiền đổi nước và tiền đổ dầu.  Nó hông lấy, tui nói:
- Cậu út, ổng trùm sò gần chết, mầy lấy tiền đổ dầu đi, để lần sau chị còn có chỗ đi ké! 

Nó nhìn tui cười cười, nó hỏi :
- Chị ăn dừa nước hông?  Em có mấy quầy vừa ăn lắm.  Ba ổng để dành cho má.

- Cho mợ mà em đưa chị ăn.  Ổng khóc ra tiếng Miên… hihihi.

Công nhận đi ghe mau hơn xuồng bơi.  Tới nhà rồi, bé Thủy đứng trên bộ ngựa nhà chị ba đưa võng cho em ngũ.

Loay quay chuyển nước ngọt lên nhà xong thì cũng chuẩn bị cơm tối.  Chị ba nấu chè đậu xanh nước dừa, kêu con Linh đem qua cho tui và Thủy ăn trước khi vô mùng ngủ.

8/-

Sáng nay không ai kêu réo gì cả….ba mẹ con nằm ngủ quên luôn! Đến khi vợ chồng bảy Đài vô vỗ cửa kêu ầm ỉ tui mới tĩnh giấc. Tiếng bà bảy gọi:

- Dì sáu ơi! Thức dậy đi, mặt trời lên mấy sào rồi kìa.

- Uh! Bữa nay ngủ ngon quá trời. 2 ông bà qua chị ba chơi chút đi; tui phải lo cơm cháo gì nữa mới đi được!

Hai vợ chồng buộc xuồng vô gốc bần rồi đi qua nhà chị ba. Tui ba giò bốn cẳng lo bữa cơm thiệt “thịnh soạn” nhờ có ghe hàng cung ứng các nhu yếu cần thiết (me chín muối phải có, tui không biết ăn “ hèm, cơm mẻ” lại không thích trái bứa, trái giác, trái bần). Canh chua nấu kiểu “xiêm loa” của má tui dạy nè! (hông biết má gọi đúng không nữa!) Cứ thế mà gọi đến bây giờ”.

Đầu khô cá lóc với đầu cá lóc tươi (khúc mình và đuôi cá tươi thì kho tiêu) nấu chua với chuối cây bào (chuối hột) mõng, sả ớt bầm nhuyễn khử mở tỏi và rau ngò gai, lá quế, mò om sắc mịn (khi nhắc nồi canh chua xuống mới bỏ vô) má tui nói cách nấu này là theo người khơme. Cá kho tiêu thì má không cho bỏ hành và ớt. Má tui nói bỏ tùm lum vô là mất mùi thơm (đến bây giờ tui cũng tôn trọng cách làm và cách nấu của má). Tui chắt nước cơm để vô cái ơ đất kho tiêu và bỏ một phần tiêu xay để trên bếp lửa riu riu, nêm gia vị vừa ăn khi nước trong ơ sôi lên, tiêu chín ra màu vàng ươm, tui mới bỏ mấy khứa cá vào. Đến khi ơ cá sền sệt và mùi tiêu bát ngát, tui bắt xuống bỏ một chút mỡ heo thắn sẵn và rắc thêm chút tiêu lên. Chặc! chặc! ngon quá! Tự thưởng và phải biết hưởng thụ bữa cơm ngon từ hôm vô cái xứ nước dưới sông đỏ như máu, mũi bay vèo vèo, đỉa vắt là bạn bè! Ngày nào tui cũng “sát sanh” vài chục con đeo bám và hút máu tui no tròn. Mâm cơm được dọn ra trên tấm cao su, Thủy nhìn đồ ăn đắm đuối. Tui biết nó thèm như tui thôi, bữa này dám chắc ngon hơn ăn đám giỗ trong quê rồi. Tui vừa ăn vừa cho bé Vân bú, phải tranh thủ thôi. Tui thúc giục Thủy ăn lẹ để đưa em, tiếng bà bảy Đài vang lên:

- Thơm quá dì sáu ơi!

Hai vợ chồng đứng ngay cửa nhìn vô. Ông Bảy nhìn con Thủy ăn ngon lành, ông nói:

- Trong đây có tiền muốn ăn ngon cũng khó, vài ngày mới có ghe hàng vô một lần. Dì ở chợ vô chịu nhưng tụi tui ở quê chắc không bền… tội nghiệp!

Hổng biết ổng nói “tội nghiệp” Thủy hay tui nữa? Tui cười cười nói:

- Được mà, hông sao đâu, lâu ngày cũng đóng phèn như dân ở đây thôi! Chị họ tui, con cậu mười, Châu Lộ ngày trước làm việc trong dinh ông Tỉnh Trưởng, về đây ở thời gian cũng phải lặn hụp theo bập bè dừa nước bắt cá dại để ăn, dư thì làm mắm! Phải thích nghi tùy hoàn cảnh thôi.

Tui ăn xong gom chén bát vô cái thao để tối rửa. Bữa nay vô lá trể chắc về không sớm rồi! Tui dặn Thủy đôi điều rồi chạy qua nhờ chị ba lâu lâu thăm chừng 2 chị em nó. Bé Vân ngủ rồi; tui cũng yên tâm vì nó ngủ rất lâu mới dậy. Tui cột cửa xong, đầu quấn khăn rằn, vai mang túi đệm có để cây đèn pin và gói cơm còn hơi ấm. Nướng một khúc khô cá lóc khi bao tử gọi mà ứng phó với chai nước uống, rồi tay cầm cây dao theo để “tự vệ”. Tui bước xuống mũi xuồng ngồi. Bà vợ ngồi giữa sạp xuồng tay đang tem một miếng trầu bỏ vô miệng. Ông chồng chống cây sào đưa chiếc xuồng thon thót vô kinh lá.

Lần này vô tận trong hố bom. Nghe chị ba tui nói, trong đây lá xanh rì dầy đặc. Thời chiến tranh trong này là căn cứ địa của mấy ông cộng sản. Mấy ông quốc gia có bố ruồng gì cũng không dám vô tận đây. Thiệt tình thấy hơi sợ, hông biết có sót bom mìn gì nữa không? Ông Bảy Đài kêu tui ngồi chỗ nào cao ráo. Ông chọn một khoảng đất trống, vị trí này cũng đã có một đóng hom lá khô chất đầy. Hai ông bà men vô trong lá. Tui ngồi nhìn quanh thấy cái hố cũng to rộng, bồn bồn mọc đầy dầy đặc, nhện giăng chằng chịch, dây mây leo um tùm. Hôm nay vợ chồng bảy Đài hơi vất vả vì phải phá hết mấy bụi rán to đùng thông lối đi vào lá. Tui lên tiếng:

- Anh bảy ơi! Hôm nay tui bớt tiền cho hai ông bà nghen, chặt lá sát nách dùm tui với hén, bụi lá nào cũng to hết, vừa đốn lá vừa dọn dẹp luôn đi!

Tiếng anh bảy vội ra:

- Dì sáu khỏi lo, đám lá này dì ba dặn rồi, đốn thì cực nhưng chằm ra lá lắm; thương lái họ cũng chịu. Tụi tui làm hông kỹ dễ gì được độc quyền đám lá này!

- Ờ! Ráng đi, chỉ có 2 ông bà với vợ chồng hai Lợi mua được đám lá nhà tui thôi!

Tiếng tàu lá ngã xào xào, ầm ầm liên tục, bà Bảy bắt đầu kéo lá ra chỗ đất trống tui ngồi cho tui đếm từng tàu một. Tui tranh thủ lấy gói cơm đã nguội ăn với miếng khô cá lóc, canh là chai nước đem theo, chẹp chẹp chẹp, ngon quá là ngon!

Tui nhìn mông lung, tiếng bìm bịp kêu, tiếng chim cú gọi đàn, thỉnh thoảng có con sóc chạy nhanh qua!

- Ui trời! Kiểu này tới lúc về biết đường đâu mà lần.

Tiếng ông bảy gọi bà bảy:

- Bà cứ rọc lá đi, còn bao nhiêu mơi làm tiếp, ráng rọc chừng 20 bó đủ một xuồng lá bỏ cho 4 đứa nhỏ nó ở nhà chằm tiếp mới kịp giao cho lái.

Tôi lắc đầu, tội mấy đứa nhỏ ghê. Mấy đứa này mà ở chợ là “tiên đồng, ngọc nữ” hết cho coi. Tôi nói:

- Chị bảy, đứa con trai lớn của chị bao nhiêu tuổi rồi?

- Hả? Thằng Hai 14 tuổi, thằng ba 12, con tư 8, con năm 7.

- Trời! Đẻ gì dữ vậy?

- Ôi… bỏ mấy đứa nữa đó chứ! Hông thôi là 7 đứa lận.

Tôi há mồm sửng sốt, nói:

- Sợ thiệt! Chừng nào đẻ nữa đây, hay nghỉ luôn?

Chị bảy cười toe toét nói:

- Trời cho bao nhiêu mình đẻ bấy nhiêu dì sáu ơi! Tụi nó vậy đó, một năm mười hai tháng hông biết sổ mũi nhức đầu lần nào đâu? Trời sanh voi sanh cỏ, trời sanh cỏ nhỏ sương mà dì sáu! Đặng hào con thì mất hào của đó, ông bà mình nói vậy mà!

- Sợ bà luôn, lớn hơn tui có mấy tuổi bày đặt ăn trầu chi vậy?

- Mấy đứa con tui, nó giỏi lắm, một ngày 4 anh em nó phải chằm đủ cho tui là 400 lá rồi đi chơi làm gì thì làm.

- Tui thấy con nhỏ xíu chằm sao đủ, nó dùng 2 bàn tay đè miếng lá không nổi phải lấy cái chân đè tiếp, tội quá trời!

- Ối! Dì Sáu lo không hè. Anh em nó làm được hết, khi nào hông có lá để chằm thì đi kiếm củi, kiếm nhiều củi cũng bán được!

- Chặc… khổ quá!

Trời đã xẩm tối, anh Bảy hì hụt bó tiếp vợ mấy bó lá rọc dở dang rồi vác xuống xuồng, chất đầy, còn be thêm mà chỉ được 18 bó.Anh bảy nói:

- Đốn lá trong hố bom sướng thiệt, mệt nhưng ngợi lắm dì Sáu! Lá này đâu chằm lá đốp mà chỉ chằm được lá vàng bạc (lá tấm) giá bán cao hơn lá chằm đốp và lá xé!

- Vậy hả, mai vô đốn tiếp phải hông?

- Dạ! Mai dì thức sớm nghen, vô lá sớm hơn bữa nay nghe. À, dì Sáu ơi! Chút nữa dì Sáu về nhà, đi đường này nè!

- Ừa! Đường nào, xa hông?

- Xa đó, trong này là cuối đám lá nhà dì Sáu rồi! Dì đi theo con rạch này, tới mé kinh, quẹo trái, có đường đê, dì Sáu rẽ bên phải đi hoài hoài tới khi thấy cái nhà của ông Cậu Mười là tới!

- Trời! Dễ đi hông?

- Dễ mà, hơi xa, nhớ quẹo trái rồi đi theo tay phải! Nhớ đó, tay cầm đèn pin và cây dao nghe dì; tự vệ khi cần thiết!

Anh bảy giục chị bảy xuống xuồng chống sào lui ra theo con kinh cũ.

Tui cứ theo lời chỉ của anh Bảy mà đi. Đi tới khi gặp con đường đê, tôi mỏi chân quá! Hông chịu nổi tui phải ngồi bệch xuống đất, co giản một lúc, rồi lần lần theo hướng tay phải đi tiếp. Phải nói, chừng bốn cây số, tui mới nghe tiếng chị tư Nguyệt, con cậu Mười Lộ cười ra rả. Chị tư đẹp và giỏi mà chưa lấy được chồng, tội trên 40 rồi mà nặng gánh gia đình, là gái chợ học cao hiểu rộng mà phải chôn vùi tuổi thanh xuân. Chị ở đây được mà, vậy tui cũng phải cố gắng mới được. Liên mênh mang ý tưởng thì bất chợt tui đạp lên mình con rắn! Ui chao... chân tui vẫn bước; con rắn cứ bò ngang đường đê. Tui chỉ kịp rọi cây đèn pin để nhìn thấy hình dáng con rắn đó thôi. Rồi tui bước đi trong quán tính, chân tui không còn cảm giác đau đớn gì cả... cứ bước, cứ bước. Khi tới nhà anh chị ba, tui bước vô ngồi trên bộ ván gõ vì nghe tiếng bé Vân và Thủy. Tui nhéo mấy cái vô đùi mà không có cảm giác gì cả. Ngồi một lúc tôi mới nói:

- Hồi nãy tui đạp trên lưng con rắn. Hông biết rắn độc không nữa?

Chị ba tui hỏi:

- Mày nhìn thấy hình dáng nó hông?

- Thấy chứ, nó bò chậm rì, đầu đuôi bằng nhau!

Anh ba tui há hốc mồm la lên:

- Mầy nói thiệt hay nói chơi, rắn đầu đuôi bằng nhau là rắn trung đó. Nó cắn là chết liền!

- Chắc tại hôm nay nó ăn chay, với lại tui mang giầy cổ cao mà!

Tui đứng lên, về nhà lo tắm rửa để ẩm 2 đứa con về nhà. Dọn dẹp rửa chén rồi ăn tối, làm xong công chuyện thì chị Ba tui ẩm bé Vân và dắt Thủy qua trả cho tui. Còn lại ba mẹ con, ăn uống xong, giỡn hớt một hồi thì lo giăng mùng để chui vô dù chưa muốn ngủ. Cả thân mình ê ẩm tê buốt; bé Vân bú xong cũng ngủ. Thủy giỡn với Vân một lúc cũng ngủ. Tui chưa ngủ vì nghe tiếng chim bắt muỗi cứ chóc chóc nhặt cá dưới sông… Tui thiếp đi lúc nào không hay biết!

9/-

Trời nắng lên cao rồi mà tôi không ngồi lên nổi; cả mình mẫy như rã rời ra từng đoạn, nhức nhối như chưa từng được nhức. Tui lỳ như trâu bò không rên la hay than thở với ai, đau đẻ còn cắn răng mà chịu... mấy lần sinh con rồi! Nỗi bất hạnh ê chề khi sinh con đã làm tui bị chai sạm, trái tim càng băng giá hơn! Bé Thủy thức dậy đã lâu thấy mẹ nằm ra như vậy nó không dám ngồi lên chỉ nhìn tui chăm chăm, đôi mắt to như hột nhãn của nó thấy tội hết sức. Hôm mới vô đây, vợ chồng anh chị chín Đủ (bà con họ bên ngoại)sống với nhau gần 10 năm mà không có mụn con nào cứ da diết nhờ chị ba tui “làm mai” xin Thủy làm con đỡ đầu. Ngày nào khi tui đi bán lá, 2 ông bà cứ ghé chơi với chị em nó. Nhưng đói khổ cỡ nào tui cũng đâu đành cho con! Biết anh chị thương nó quá (chị chín kêu cho tao nuôi đi, lớn tao trả lại cho gả mà). Tui đâu hy vọng con tui lớn lên trong vùng sông nước này. Tui thì không đẹp đẻ chi mà sinh con đứa nào cũng đẹp thiệt tình luôn, mặt mày sáng như trăng rằm! Tiếng vợ bảy Đài réo từ xa, đàn bà ăn trầu bô bô, giọng như trống đồng, cách cả công đất còn nghe tiếng. Tôi ngồi dậy cho Thủy ra rửa mặt rồi lo cơm sáng. Tranh thủ khi bé Vân chưa thức, sáng nay tui chưng khúc mắm lóc rồi luộc rau chai, và đọt chai, bỏ vô giỏ một phần, vô lá còn lại để ăn sáng và tối, tiếng ai chạy bình bịch rồi la ơi ới.

- Trời ơi! Con Kim Thoa bẻ chuồng ra rồi.

Tất cả đàn ông trai tráng cả xóm đua nhau bắt Kim Thoa lại. Tội nghiệp, con bé là cháu nội của dì bảy tui (vai vế là cháu chứ nó bằng tuổi chị ba tui đó) trước khi nó bị điên là học sinh giỏi, đẹp nhất xóm Am Ông Địa. Năm 17 tuổi tự dưng nổi điên như bị ma nhập. Anh Hai Đức là ba nó, con trai lớn của dì bảy lúc đó là y sĩ cũng bó tay với căn bệnh “trời cho”. Anh đưa nó lên nhà thương điên Biên Hòa hơn 2 năm thấy không thuyên giảm. Lần nào lên Sài Gòn thăm con chị hai ôm con khóc thương vì nó lúc điên lúc tỉnh. Chị về năn nỉ chồng, con Kim Thoa về và đành kiếm thầy bùa thầy pháp trục hồn bắt ma, vẫn vô vọng. Đến sau 1975, anh hai Đức dọn cả nhà về đây sinh sống, và đóng phòng cây tràm kiên cố để nhốt nó lại. Trời oi bức là Kim Thoa bẻ từng cây tràm (bằng bắp tay) to. Không biết tại sao nó có sức mạnh phi thường như vậy? Lao xuống giòng kinh nước đỏ như máu mặn đắng ngời sao. Gần 20 trai tráng mà dí bắt nó cả ngày mới được. Anh bảy Đài cũng tham gia nên ngày nay không đốn lá được; để ngày hôm sau đốn tiếp. Ngày mai có cả 2 cặp vợ chồng vô đốn lá, mệt nha! Cả ngày cứ nhốn nháo chuyện của Kim Thoa, chuyện xa, chuyện xưa, chuyện quả báo nhãn tiền, chuyện vong hồn này, vong linh kia, cứ răm rang và càng làm tui phát sợ cái xứ lá, cái tình người, cái họ hàng, cái thù trước và sau! Câu chuyện được thêu dệt đến tận khuya mà cả nhà anh chị ba tui cùng một số con cháu đầu trên xóm dưới hưởng ứng nhiệt liệt. Tui vừa đưa vừa quạt cho 2 đứa nhỏ ngồi trên võng nhà chị ba, nghe câu chuyện của mọi người kể lễ, chuyện xưa thật là xưa của giòng họ nhà dượng bảy, và tui cũng là người ra về cuối cùng từ nhà anh chị ba! Bé Thủy nắm tay tui. Tui ẩm bé Vân một tay, còn một tay cầm cây đèn Pin rọi đường về. Tiếng gió rít, tiếng lá xào xạc, tiếng chim bắt muỗi cứ chóc chóc và xa xa tiếng chó tru từng cơn, tiếng mái dầm khua nhanh của ai đó, mùa nước mặn nên sao cứ lấp lánh dưới giòng kinh Ngã Cạy!

Tôi đẩy cửa bước vào, đặt bé Vân nằm trên vạt giường rồi thắp ngọn đèn bão treo trên vách. Tui giăng mùng xong, giục Thủy chui vô, Vân ngủ say sưa. Tui và Thủy vẫn còn thức; tui vói tay lấy cái radio nhỏ xíu rà đài nghe nhạc, bất chợt tui hát ru:

Ví dầu tình bậu muốn thôi; bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra!
Bậu ra bậu lấy ông câu, câu con cá bống chặt đầu kho tiêu.

Và tui chìm vào giấc ngủ thật ngon!

10/-

Cả ngày hôm qua không làm gì nhiều nên sáng nay tôi tỉnh táo và thức sớm hơn. Hai đứa con vẫn còn say sưa trong giấc ngủ; tui bắt nồi cơm lên định lấy con mắm trê ra chưng thì nghe tiếng thằng Việt kêu dưới mé sông. 

- Chị sáu ơi! Tui cho chị 10 con chuột mới làm nè. Đừng cho ông Ba tui hay nha! Ổng dặn để đem về cho má. Còn mấy ngày mới về ngoải, gần về thì kiếm cái khác! 

Tui chạy nhanh ra chộp ngay xâu chuột. Chuột đồng mà ngon “bá chấy bò chét”. Thằng Việt biết tánh tui hết trơn. Hai chị em cô cậu cùng một tuổi mà thấy nó tội ghê, bị cậu tui đày đủ thứ loại. Nó có gì ngon thì mau tay giấu để cho chị sáu ăn. 

Tui làm lại cho thiệt sạch 10 con chuột mỡ dầy trắng phao. Chia ra làm 3, một phần chặt đôi ướp chiên giòn, một phần chặt làm tám chiên sơ để kho tiêu, một phần chặt làm sáu chiên sơ xào lá cách băm nhuyễn(phải có đậu phọng rang đâm rắc lên thì ngon hơn nữa). Phải ở chợ thì nấu lẩu chua mới đủ gia vị. Vậy là sáng nay ba mẹ con lại có buổi ăn quá thịnh soạn. Tui đem theo cơm và thịt chuột kho tiêu vào trong đám lá. Công việc xong xuôi thì 2 đứa con cũng vừa thức dậy. Chuẩn bị cho con bú và cho Thủy ăn xong thì tiếng vợ chồng chị Bảy cũng om sòm dưới sông. Lúc đầu tui thấy chị Bảy không mấy cảm tình, nhưng khi tiếp xúc thì chị rất là dễ thương. Phải chi chị ta đừng nhai trầu thì thương bả nhiều hơn. Tui kêu Linh con chị Ba qua chơi với 2 chị em nó rồi khăn gói xuống đi ké xuồng của anh chị Bảy. Tiếng chị Bảy đều đều. 

- Dân chợ về đây chắc khổ lắm. Dì Sáu có tiền thì đở một chút, còn tụi tui làm ngày nào ăn ngày nấy; ăn không đủ thì đừng nói mặc! Không có nghề gì kiếm ra tiền thì đi vay mượn bạc lúa, bạc mùa, ở đây thì sống chết với nghề chằm lá mà thôi. 

- Tuần sau tui về Rạch Sỏi chừng 2 ngày để tui soạn quần áo cũ cho mấy đứa con chị mặc. Thấy tụi nó tơi tả quá! 

Đôi mắt chị Bảy sáng lên niềm vui hiện rõ nét trên khuôn mặt đã có nhiều đường nhăn. Tui không bớt tiền mua lá cho 2 vợ chồng chị Bảy, nhưng thường xuyên mua đồ ăn hay đồ dùng cho bọn nhỏ. Thắm thoát đã gần một tháng, 3 mẹ con tui cũng đã hòa nhập vào nếp ở quê. Tui tập bơi xuồng, tập chằm lá, tập đốn lá, tập chặt củi, dù hổng giỏi nhưng cũng tàm tạm. Ngày nào cũng quá giang xuồng vô lá rồi lội bộ theo con đường đê trở ra. Lúc này mưa vào mùa nên tụi “vắt” được thế thượng phong. Ngày nay nó dám men lên tới lưng quần tui mà hút máu. Đúng là cái bọn ký sinh. Ngày nào tui cũng chặt vài chục con đeo trong ống quần hay lưng quần rồi quăng vào bếp lửa xèo! Thơm chưa? Trời, bắt đầu trút cơn giận dữ, tui ngồi co ro trùm cái miếng cao su đậy lá của chị Bảy Đài. Có nước thì bầy vắt cứng đơ bắt đầu “thức dậy” săn máu tươi. Con nào bám vô chân tui là chết ngay tức khắc, không cho nó hút máu tới tròn vo nữa đâu! Trời mưa càng lớn hơn, tui hỏi: 
- Trời mưa cũng đốn lá luôn hả? 

- Đốn chứ dì, gặp mưa đốn lá khỏe hơn! 

- Ui trời! Lạnh chết. 

- Ngồi không thì lạnh, chứ làm như trâu nằm vũng thì dễ gì biết lạnh, kiếp nghèo là vậy đó Sáu ơi! 

- Tui chịu mưa không nổi đâu. 

- Uh! Dì Sáu mới sinh gần 2 tháng thôi mà, nghĩ cũng tội! 

Tiếng anh Bảy gọi vợ: 

- Mau lên, chỉ chỗ cho Dì Sáu ngồi rồi tiếp tui lẹ lên! 

Hai ông bà làm rất nhanh. Tui xòe tay ra đón lấy ngụm nước mưa trút xuống rồi kê miệng húp, thầm thì trong đầu “ngon ngọt thiệt” tui lấy gói cơm ra ăn vì bao tử réo gọi. Cơn mưa không dứt hạt, kéo dài, và tui nghĩ rằng sẽ bệnh ngay tối nay vì tay tui rất lạnh, chân tui co rút. Lúc sinh Thủy tui đã sốt làm cử gần 2 tuần lễ. Môi tui thâm đen như gan gà. Trận mưa hôm nay Chắc chắn là không ổn. Tiếng anh Bảy giục chị làm lẹ rồi anh nói với tui: 

- Dì Sáu ơi! Trời mưa kiểu này, ban đêm dì ra thăm chừng lá không thôi bọn trộm nó ăn cắp cà bắp là bụi lá mất sức đến cả năm sau đó. 

- Là sao? 

- Thì bọn trộm nó canh. Dây lạt lúc này mắc lắm. Tụi tui chẻ dây tre không hè. 

Tui nghe nói nhưng chưa hình dung được sự việc. Để về nói với anh chị ba coi sao! 

Hai vợ chồng Bảy Đài người rốc, người bó cũng nhanh ghê. Tui thì nhìn đuôi lá đếm. Nước ngập chỗ rốc lá nên 2 vợ chồng cũng dễ dàng đạp đuôi lá để ăn gian mình. Thôi kệ, họ nghèo và vất vả quá tui vờ như chẳng biết gì. Trời mưa đến trời dứt mưa, từ khô đến ướt mà hai ông bà vẫn bình thường như không, tui hỏi: 

- Bây giờ mà về tới nhà, ăn cơm, tắm rửa là nhào vô mùng ngủ luôn được rồi phải hông chị bảy? 

- Trời! Tắm cả buổi trong này rồi, tắm chi nữa? 

- Hả? Vậy là rồi đó hả? 

Chị Bảy gật gù nói: 

- Ông cọp có tắm đâu cũng gọi là ông. Mà tui tắm hoài cũng là Bảy Đài! 

- Ui! Tui sợ thiệt tình nghen, nghe đồn tưởng là nói chơi thôi... ai dè! 

Anh Bảy ôm mấy bó lá đem xuống xuồng vừa nói. 

- Tụi tui không chê nhau là được rồi. 

Pó tay thiệt, hai ông bà trả tiền xong lui xuồng theo con kinh trở ra. Tui thì men theo bờ ruộng lội trở ra, tay cầm đèn pin soi đường, tay cầm cây dao hộ thân. Hết mưa nhưng đường trơn trợt khó đi dù tui đã mang giầy cổ cao, đôi chân rã rời cả thân mình như bị đổ nhào muốn té mấy lần. Tui ngồi xuống cho tỉnh táo lại rồi đứng lên đi tiếp. Xa xa ngọn đèn nhà cậu mười tui càng gần, càng to. Tiếng nói chuyện của chị Tư Nguyệt và anh Út Dũng in ỏi cười ròn rã, kể chuyện ngày trước 1975. Nhớ nhiều vui buồn lẫn lộn một thời vang danh. Thấy ánh đèn pin của tui chị tưởng ai đi qua nên im bặt, tui lên tiếng: 

- Em nè chị ơi! 

- À... tưởng đâu ai, mày trong lá ra tối mịt vậy? 

- Dạ, hôm nay mắc mưa vợ chồng Bảy Đài đốn hơi trể, chịu thôi. 

Tôi đi về phía nhà tui, tắm nhanh để qua nhà chị ba ẩm con về. 

Cây đèn dầu nhà chị ba mở to ngọn. Ánh sáng đủ soi thấy 2 ống chân của tui đầy vết vắt cắn. Tui bắt ra nhiều mà vẫn không khỏi đám hút máu mình. Tui lấy chai dầu thoa vào mấy chỗ có vết đỏ, vừa thoa, vừa hỏi: 

- Tui nghe nói bọn ăn cắp cà bắp chờ trời mưa là... 

Chị ba tui ngắt lời: 

- Chờ có mưa nó vô ruồng cà bắp. Nhà có đàn ông còn lạng ra, lạng vô nó sợ. Một mình mầy, nó ăn cắp xé tại chỗ. 

Anh ba tui nói lớn hơn: 

- Lén phén nó cầm dao chém chết luôn chứ, ai lạ đâu! 

- Sao không đi thưa nó? 

- Bà con giòng họ nhà mình thôi mày ơi! 

Chị ba tui nói: 

- Hôm nào có mất cà bắp đi. Tao chỉ người ăn trộm đó cho. 

Cũng lạ thiệt, anh chị ba tui biết hết vậy ta. Tui nhanh tay ẩm bé Vân và dắt Thủy đi về. 

Căn nhà này giờ quá quen thuộc với 3 mẹ con tui. Từng ngốc ngách, từng chỗ, từng nơi đã quá thân thương. Bước vô nhà, tui đốt ngọn đèn bão treo lên vách và giăng mùng cho 2 đứa con vào đó. Tui đốt bếp lên, và nướng cục gạch tiểu để xông vì biết mình đã cảm lạnh. Từng hồi, từng hồi cơn ớn lạnh cứ chạy dọc theo sống lưng. Tui rùng mình mấy cái, và át xì liên tục. Bé Vân ọ ẹ đòi bú; tui leo lên võng cho con bú và để thêm củi cho cục gạch thật đỏ mới xông được. 

Bé Vân bú một lúc là ngủ say; Thủy nằm trong mùng chơi một lát cũng ngủ. Tui ẩm bé Vân để vô mùng rồi bắt đầu gắp cục gạch đã nướng đỏ bỏ ra cái đĩa đá, rót một cóc rượu gốc, và lấy bọc đựng hột hẹ trùm mền kính hơi. Toàn thân ướt đẫm, hơi nóng của cục gạch hòa mùi rượu cùng hột hẹ làm tui dễ chịu quá. Nước trong người như được lấy ra hết. Tui tỉnh hơn và chờ đến khi cục gạch nguội hẳn tui mới tung mền ra và lao toàn thân. Chừng nửa giờ sau tui vô nằm và ngủ thiếp đi. 

11/-

Sáng nay tui không có vô lá, ngày nay chuẩn bị các thứ cho ngày mai tui về Rạch Sỏi, chỉ ẩm bé Vân thôi, để bé Thủy lại nhờ chị ba giữ dùm. Phải mua một ít đồ dùng, và gởi chút tiền cho má, tiện thể gom một số quần áo cũ không xài cho bà con ở quê cần, nhất là đám con chị Bảy Đài. Trời âm u lại chuyển mưa, mới có hơn 3 giờ chiều mà đã tối mịt, mau quá! Mới đó mà đã 1 tháng, tui ốm và đen hơn trước. Móng tay, móng chân đã đóng phèn rồi. Chiều qua tui tranh thủ nhổ bồn bồn, và hái đọt chại về cho má tui, ở quê thì ra quơ một cái là ăn cả ngày. Ở chợ thì khác dù nhà tui ở Rạch Sỏi, rau đắng, rau má đầy sân. Tui dặn mấy đứa cháu đặt chuột đồng mua hết 50 con rồi làm sạch, và ướp sẵn đem về cho má. Nhà tui có mấy bụi lá cách, xào với thịt chuột thì ngon hơn thịt gà mái dầu luôn nữa. Thằng Việt gởi cho má tui 5 buồng dừa nước, ngon ơi là ngon, Muốn từ chối mà không đành lòng vì vỏ đò đưa khách chạy tới con kinh nhỏ dẫn vô tận mé vườn nhà tui. (cho nó thêm ít đồng). Tay bế, tay bồng, đồ đạt các thứ cũng lùm xùm, cái thân đi ghe xuồng chưa vững vàng như tui cũng hơi ngán. Hành lý xong xuôi thì trời cũng đã tạnh mưa. Anh ba kêu tui ra thăm lá (chủ yếu coi có bị đốn cà bắp không). Tui nói, tối lắm sợ ma lắm, rồi nhìn chị ba. Chị biết ý nên kêu anh ba đi theo tui; vậy là 2 anh em lấy đèn pin ra thăm lá. Mới đi hơn công đất thì tui thấy run vì tiếng lá reo xào xạc. Gió rít nghe ớn lạnh thêm. Anh ba đi trước; tui lẽo đẻo theo sau rọi đèn pin phía dưới chân; còn anh rọi vô trong đám lá, lúc cao lúc thấp. Ui, tui thấy trắng xóa, cà bắp bị đốn, và xé ngay bụi lá! Anh ba tui lớn giọng chưởi thề. 

- ĐM nó! Ngày mai tao coi cái thằng quỷ lỗ mũi két đó chứ không ai? Lá thì không có, chứ đem lạt cà bắp đi bán hoài hoài, nó chờ hớ hênh thì qua đám lá này mà chặt mà chém! 

Tui ngẩn người ra vì ở đây là bà con giòng họ với nhau thôi mà sống với nhau chẳng ra làm sao? Tui kêu anh rể về thôi. Anh ấy vẫn còn lầm bầm tới khi vô nhà, ngồi xuống tấm ván gõ. 

- Sáng mơi ra vòng ngoài lá mới thấy đau lòng, mỗi bụi lá bị đốn như vậy mất sức 2, 3 năm chưa phục hồi lại nữa. 

Chị ba cũng cào nhào chưởi rủa, lũ này, lũ kia. Tui chỉ biết lắc đầu và thông cảm. Tui đứng lên ra về và dặn anh chị ba. 

- Thôi, biết họ như vậy rồi, ăn của người ta cũng có giàu có hơn ai đâu. Tui về ngoải nói lại cho má biết. Anh chị đừng nói gì hết nữa, gây mất tình nghĩa láng giềng, họ hàng với nhau. 

Chị ba tui nói: 

- Nhà cậu 10 có đám cái lũ đó qua cúng cứ đòi làm lớn! Tao cứ kêu bằng thằng, làm gì tao? 

Tui cười hề hề, rồi nhanh chân bước về, tay bế bé Vân đã ngủ, còn Thủy thì theo chân tui đi về phía chòi nhà lá đã hơn tháng gắn bó với 3 mẹ con tui. 

Sáng tui đi sớm nên đã dặn dò chị ba cho bé Linh qua sớm, dẫn Thủy về bên nhà chị. Thủy ngủ rất tốt, sáng dậy trể nên đỡ phải lo. 

Vậy mà vô mùng, tui vẫn trằn trọc không ngủ được. Tiếng chim bắt muỗi cứ chốc chốc phía bờ sông như ru tui vào giấc ngủ, tiếng tò te của chiếc đò khách đang in ỏi từ ngã ba cây sao. Anh chị ba tui cũng thức sớm để đưa tui xuống đò. Lĩnh kỉnh đồ đạt và chị luôn miệng căn dặn bà chủ đò phải đưa tui về tới con kinh nhỏ cặp khu vườn nhà tui ở cầu Rạch Sỏi. Tui ẩm bé Vân ngồi sát phía sau để không có người qua lại. Trời còn tối đen, chiếc đò cặp bến, hay tách bến rất chậm chạp, rước tui xong chiếc đò vẫn chạy vô phía trong để rước thêm một số khách. Vì còn tối không ai thấy ai cả, chiếc đò cứ tấp vô, tách ra chạy như vậy đến trời hửng sáng mới ra tới cầu Bào Môn, lúc đó mọi người mới nhìn ra người quen và râm rang trò chuyện. Bà chủ đò dặn dò khi băng qua sông cái Lớn phải niệm Phật (từ vàm Xẻo Rô qua sông có nhiều chuyện rất huyền thoại). Nào là khi đò qua sông Cái Lớn mà gặp cặp ngỗng thần là nó nhận chìm nhiều tàu bè qua lại! Tôi nghe và rất sợ vì tui hổng biết lội lại có con nhỏ. Tui cứ niệm liên hồi “Cứu khổ, cứu nạn, Đại Từ, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”. Qua sông cái lớn, cả đò cũng nhẹ nhỏm ai cũng huyên thuyên kể chuyện xa xưa. Chuyện cặp ngỗng thần nhấn chìm nhiều tàu ghe và rất nhiều vụ ly kỳ. Tôi hướng mắt nhìn hai bên bờ sông Cái Bé, nước vỗ bì bạch vào mạn đò, hàng dừa nước ru mình trong nắng sớm, từng dề lục bình trôi ngược nước tấp vào bập bẹ dừa nước, theo mé là những hàng lưới cá, và thả đăng ven sông, giòng nước đục ngầu lơ lớ! Trạm Bà Lịch cũng đã thấy từ xa, trên bờ toàn là khóm. Không bao lâu nữa thì cặp bến đò Rạch Sỏi, và tui cũng sắp tới ngôi nhà sàn yêu thương cách xa hơn 30 ngày. Khi đưa khách lên bến Rạch Sỏi, chiếc đò tách bến hướng cầu Rạch Sỏi thẳng tiến. Cầu Rạch Sỏi thân yêu biết dường nào. Mỗi khi nước mặn thì mấy mẹ con nhà tui hay xuống mò cá linh dại, và nhiều loại cá khác. Cả xóm gần cầu Rạch Sỏi này không ai không biết mò cá dại. Chờ đón từng con nước ròng, nước lớn để vớt cá và đem đồ ra tắm, giặt, vui làm sao, nhớ làm sao! Chiếc đò đã giảm tốc độ và tắt hẳn cái máy dầu, chỉ dùng sào để chống vào kinh mương nhà tui. Tiếng reo hò của mấy đứa em và má tui từ trong nhà vọng ra. Đồ đạt các thứ được đưa vào ngôi nhà tôi thương! Tôi đã về.

(Còn tiếp... phần ba)


Bạch Huệ

1 nhận xét: