Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Tản Mạn Đời Thường - Kỳ 5

NHỮNG GIÒNG SÔNG
Tùy bút của Thanh Hà Switzerland

1/-
Cầu Alexandre III bắt ngang sông Seine, Paris
Người bơi thuyền trên giòng sông xanh
Thấy trăng vàng dưới đáy long lanh
Đưa tay bắt vô tình chấn động
Trăng tan rồi sông cũng loanh quanh
            (Chiêm Bao Trắng, Th.H)

Có mấy người nói tôi viết chữ giòng sông là sai rồi, mà phải viết chữ dòng sông mới đúng.

Tôi cãi lại, rằng thì là từ khi tôi đi học biết đọc biết viết đến giờ tôi luôn luôn dùng chữ “ gi” để diễn tả về giòng sông chớ chưa bao giờ dùng chữ “d” hết.

Bằng chứng ư ? Bằng chứng là lúc bắt đầu tuổi con gái dậy thì thích hái hoa bắt bướm, ngắm mây trôi lá rụng rồi buồn vu vơ mà các văn sĩ đặt tên “ tuổi mới lớn “ là tôi cũng bắt đầu chép thơ tình của các thi sĩ nổi danh thời ấy. Trong bộ sưu tập tôi may mắn còn giử lại được đến nay thì tôi luôn luôn viết chữ giòng sông chớ chẳng có câu nào mà tôi viết chữ dòng sông cả.

Mà khi tôi chép lại các bài thơ đăng từ báo chí,hoặc mượn của ai rồi chọn lọc những bài tôi yêu thích, hoặc những quyển sách, quyển truyện được in trước năm 1975 ở miền Nam, tôi viết lại nguyên văn lời thơ của họ chứ không hề chỉnh sửa chữ nào.

Tôi hỏi các người cùng thế hệ với mình, thì có người dùng chữ d nhưng hầu hết đều dùng chữ gi. 
Người tôi tham khảo ý kiến nhiều nhất chính là hai người chị ruột của tôi. Các chị là độc giả đầu tiên và luôn luôn khách quan khi cho ý kiến nên tôi rất tin tưởng vào các nhận xét của các chị.

Còn các tác phẩm văn xuôi, có thể nêu ra vài thí dụ. Chẳng hạn: 
—Giòng Sông Thanh Thuỷ của Nhất Linh
—Theo Giòng của Thạch Lam
—Giòng Nước Ngược của Tú Mỡ
—Bên Giòng Sông Trẹm của Dương Hà
—Hồi ký Bên Giòng Lịch Sử của linh mục Cao Văn Luận, Viện ĐH Huế, ĐH Văn Khoa Saigon.

Hoặc nhạc phẩm trứ danh của Johann Strauss , Blue Danube được dịch sang lời Việt là Giòng Sông Xanh của Phạm Duy

Về thơ, đặc biệt Nguyên Sa Trần Bích Lan ( theo thiển ý của tôi,ông là một trong các thi sĩ viết về tình yêu hay nhất ) mà ông hay nhắc về giòng sông Seine

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?

Em có đứng ở bên bờ sông?
Làm ơn che khuất nửa vầng trăng
Anh về có nương theo giòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng
       ( Paris có gì lạ không em )

Còn một thi sĩ viết về tình yêu cũng rất tuyệt diệu, Hoàng Anh Tuấn:

………………..
Bước nhè nhẹ như bóp mềm hơi thở
Như ngập ngừng chưa nỡ xé chiêm bao
Em có về ăn cưới những vì sao
Để chân bước trên giòng sông loáng bạc
………..
Đừng đẹp quá để lòng anh rối chỉ
Lấy gì đây khâu vá lại tình xưa
Có đi ngang xin chọn lúc bất ngờ
Đừng nói trước để anh buồn vơ vẩn
         ( Còn Lại )

Mở ngoặc: Tôi tự nhận thấy trong các đoản văn mình viết — hầu như chín trên mười— tôi thường đem thơ, nhạc của các thi, nhạc sĩ hoặc tục ngữ ca dao để dẫn chứng cho ý tưởng hoặc điều gì tôi định đề cập mà cả hai có thể bổ sung cho nhau.

Không phải tôi định khoe khoang tài thuộc lòng nhiều thơ , nhạc…đâu ạ.

Mà lý do là chính vì tôi quá bất tài,tự mình không tìm đủ ngôn từ để diễn tả tâm trạng hoặc điều mình muốn chuyển tải đến người đọc ; trong khi kho tàng thi ca, nhạc… của miền Nam VN thời hoàng kim thì quá phong phú đến mức chỉ nghĩ đến một điều gì đó là đã có ngay các thi sĩ nhạc sĩ nói giùm nỗi lòng chúng ta rồi. Những lời thơ tiếng nhạc ấy đủ sức xuyên thủng bức tường âm thanh đi qua mọi ngõ ngách tâm hồn, làm rung động đến từng sợi tơ lòng mong manh nhất.

Những lời thơ điệu nhạc ấy đã luôn luôn khuấy động trái tim cũ kỹ bị chai mòn xơ cứng của tôi thì chắc chắn cũng khuấy động trái tim người khác y như vậy.

Các lời thơ, nhạc, văn quá tuyệt hảo, quá tinh tế, quá truyền cảm đã nói giùm tôi những điều mà theo thời gian, chữ nghĩa kiến thức cùn mòn, rơi rụng dần hết tôi đâu còn đủ khả năng để diễn tả. Nếu để tôi tả thì chắc chả có dây thần kinh cảm xúc nào lung lay đâu, vì quá dở quá cục mịch xù xì.

Có điều tôi luôn ghi rõ xuất xứ và tên tác giả nên không thể nói là tôi “đạo văn” đâu nhỉ.

Thôi thì chấp nhận đó là sở đoản của tôi — người ta có sở trường, tôi thì ngược lại —. Như vậy khi bài tôi viết mà quên đề tên mình thì người đọc cũng đoán “ai trồng khoai đất nầy”liền ấy mà.

Để cho chắc ăn, tôi có tra sách , thì được biết có nhiều văn thi sĩ cũng xử dụng chữ dòng như:
—Dòng Sông Định Mệnh của Doãn Quốc Sĩ
—Tặng Phẩm Của Dòng Sông của Nhật Tiến
V.v..và v..v..

Từ 1975 trở về sau thì hầu như mọi người đều dùng chữ Dòng, thỉnh thoảng mới “bắt gặp” chữ Giòng. Cho nên hể tôi đọc truyện, thơ, bài... của ai mà dùng chữ Giòng sông thì tự nhiên tôi có “cảm tình” ngay lập tức với người viết, xem họ như “friend” “phe nhà” của mình dù rằng tôi không biết họ là ai cả. Buồn cười nhỉ.

2/-
Ai sao thì sao. Riêng tôi vẫn trung thành với giòng sông của mình chứ nhất định không chịu đổi là dòng sông.

Đôi khi ta ứng xử theo trực giác chứ không theo logique. Đừng hỏi tại sao khi nhắc về “một con sông”, “một nhánh sông”, “bờ sông”, “dòng sông”thì đối với tôi nó đơn giản là danh từ chỉ sự vật chứ tôi không có cảm tưởng gì đặc biệt hết. Nhưng chỉ cần đọc hoặc nghe hai chữ “giòng sông” là lòng tôi bỗng rộn ràng nôn nả như gặp lại một điều gì vô cùng thân quen lắm.

Giống như ta tự nhiên nảy sinh cảm tình với người nầy nhiều hơn với người kia mà chả hiểu lý do gì vậy đó.

Theo cảm xúc chủ quan của tôi—một người hoài cổ và … hơi cứng đầu cứng cổ—, giòng là chữ tượng hình thật sống động. Tôi như thấy trước mắt mình một con sông rộng mênh mông dài ngút ngàn vô tận. Hàng hàng đợt sóng lăn tăn lớp nọ xô đẩy trèo lên lớp kia như đùa giỡn như quấn quýt cuộn vào nhau không rời. 

Giòng là tượng trưng cho sự trôi chảy miên man vừa dồn dập mà vừa uyển chuyển lã lướt.”nước sông miên man trôi đi….nước sông reo như ru, cuồn cuộn sóng trôi xa …, lời Phạm Duy)

Là điệu luân vũ du dương réo rắt “một giòng xanh xanh, một giòng tràn mông mênh,một giòng nồng ý biếc, một giòng sầu mấy kiếp….lời Phạm Duy )
 …để gọi mời kẻ thích lãng du bước lên tàu từ từ rời bến lênh đênh trên sóng dập dềnh “ lênh đênh trên sóng nước mông mênh, Lam Phương )

Là sự dâng tràn thúc giục tiến lên tiến mãi về tương lai  “Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn,đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang, lời Nguyễn Đức Quang )


3/-
Trên thế giới có rất nhiều con sông nổi tiếng. 

Ở Việt Nam có sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long ba giòng sông tiêu biểu cho ba miền đất nước.
Hình như các sông ngòi Việt Nam thường lẫn phù sa nên có màu nâu hay đỏ của đất.
Sông Cửu Long được chia thành nhiều nhánh trong đó có Tiền Giang, Hậu Giang mà chúng ta đã đi phà qua lại hằng trăm lần, giòng sông nước đục có nhiều cụm lục bình trôi nổi hiền hoà như tấm lòng chân chất dân miền Tây Nam Bộ.

Sông Hương sông Hồng thì tôi có dịp ngắm mỗi nơi một lần.

Giòng Hương Giang yêu kiều trầm mặc nhìn từ góc chùa Thiên Mụ trong buổi hoàng hôn khiến lòng lữ khách bồi hồi xao xuyến mường tượng ra dáng thiếu nữ đất Thần Kinh e ấp thẹn thùng nằm xoã tóc đợi chờ người chiến sĩ trở về sau trận chiến.

Hồng Hà trong trí tôi là nước sông đỏ lờ mùa lũ của vợ chồng anh phó Thức chị Lạc cùng ba đứa con thằng Bè, cái Nhớn, cái Bé trong truyện ngắn Anh Phải Sống của nhà văn Khái Hưng— một thảm cảnh gia đình nghèo đánh mạnh vào cảm xúc tôi mãi không phai nhạt dù năm tháng chất chồng. 
Nhưng thời điểm tôi đến thì giòng sông phẳng lặng bình yên như ngư dân trong bức tranh Ngư, Tiều, Canh, Mục.

Ở Mỹ có sông Mississippi . Tôi chưa dịp ngắm nhìn nên miễn ý kiến. Tự hứa một ngày nào đó tôi sẽ ghé thăm.

Ở châu Âu có sông Danube và sông Seine.

Tôi yêu sông Seine có lẽ nhờ đọc thơ tình của thi sĩ Nguyên Sa chăng?

Ngày còn ở quê nhà, tôi mơ ước một lần được đặt chân đến đất Pháp, cái nôi của nền văn hoá Tây phương, tiêu biểu cho Tự Do-Công Bằng-Bác Ái. Và Paris-kinh thành ánh sáng- để tận mắt ngắm nhìn các di tích cung điện, viện bảo tàng, tháp... nhất là giòng sông Seine quyến rũ trong mộng tưởng. 
Thế rồi vài mươi năm sau niềm ao ước trở thành hiện thực. Tôi đến,và còn nhiều lần trở lại. Chiêm ngắm, hoà nhập vào dòng người luân lưu không ngơi dứt trên đường. Ngồi du thuyền ( bateau mouche )ngược xuôi nhìn ngó Paris  từ dưới sông , chạy luồn qua các cây cầu nổi tiếng.

Chúng tôi thích đi bộ dọc theo hai bên bờ sông, nơi có các kiosque nho nhỏ bán sách cũ, thiệp cũ..xuất bản từ thời xa xưa. Lần trở lại sau cùng nhằm mùa thu, tôi thoáng ngậm ngùi thấy rất nhiều gian hàng đóng cửa, giờ chỉ còn lác đác vài người bán mà khách chỉ thờ ơ đi qua chứ ít ai đứng lại chọn lựa mua bán gì.

Paris có những cung điện nguy nga, những viện bảo tàng chứa nhiều danh hoạ vô giá, những di tích cổ là di sản thế giới, những nhà hàng khách sạn sa hoa tráng lệ…..đó là bề nổi. Còn bộ mặt chìm của Paris là những khu ổ chuột, những kẻ ăn xin lê lết kiếm chút lòng thương hại, những trò móc túi. Vàng thau lẫn lộn mà bất cứ thành phố đông dân nào cũng cùng chứng ung nhọt giống nhau.


Sông Danube về đêm - Budapest
Và Danube, từ bài hát giai điệu valse của nhạc sĩ Áo Johann Strauss được Phạm Duy phổ lời Việt với giọng hát thánh thót tuyệt vời không ai sánh kịp của ca sĩ Thái Thanh đã chiếm lĩnh hoàn toàn trái tim tôi từ thời biết mộng mơ thiếu nữ. Sau đó, tôi lại được xem phim Sissi Nữ Hoàng Áo Quốc do tài tử yểu mệnh Romy Schneider đóng khiến tôi càng gắn bó với ca khúc Giòng Sông Xanh này hơn. 

Thảo nào thành phố Vienne, Áo được mệnh danh là thành phố của âm nhạc quả không sai. Mà không riêng gì Vienne,âm nhạc tràn lan khắp nơi, như thành phố Salzburg là nơi sinh nhạc sĩ thiên tài Mozart mà có lần chúng tôi may mắn được tham dự buổi hoà nhạc kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông do đại dàn nhạc giao hưởng Vienne đến trình diển. 


Sông Danube về đêm - Budapest
Hàng năm, cứ vào buổi sáng ngày 1 tháng 1 dương lịch là đài truyền hình Thuỵ Sĩ luôn truyền trực tiếp buổi hoà nhạc của Dàn Nhạc Giao Hưởng thành Vienne Áo quốc, chỉ trình diễn đặc biệt nhạc của Johann Strauss vào ngày này.  Tất nhiên không bao giờ thiếu bài hát trứ danh Blue Danube ,
phụ hoạ các phong cảnh nên thơ hai bên bờ sông xanh. 
Chúng tôi gần như không bao giờ bỏ lỡ chương trình đặc sắc đó. Tâm hồn tôi cứ như bay bỗng theo con tàu, theo giòng nước xanh chảy nhịp nhàng, theo điệu luân vũ du dương khi êm đềm khi róc rách khi thì thầm dẫn dụ ta về chốn địa đàng.

Dàn giao hưởng mấy trăm nhạc sĩ đã ngưng tiếng đàn rồi mà chúng tôi vẫn chưa dứt ra được trạng thái tâm hồn lơ lững tận chín tầng trời mây.

 Chúng tôi đến Vienne để tìm Danube mấy năm trước. Vào mùa thu có đoạn hẹp như con kinh đào. Trời ơi, Danube của tôi là vậy đó à ?


Sông Danube, Hung Gia Lợi
Mùa hạ nầy tôi  đến Budapest, Hung-Gia-Lợi để được ngắm giòng Danube ở góc độ khác (con sông chảy qua nhiều quốc gia châu Âu).

Là người hoài cổ, hoài cảm, hoài mộng, hoài….nhiều thứ gì cổ lổ sỉ, thú thực tôi hơi thất vọng khi tận mắt ngắm hai giòng sông Seine và Danube. Vì nước không có màu xanh như tôi tưởng tượng. (Đáng đời cho óc tưởng tượng thái quá của mình nhé). 

Rồi tự giải thích: có lẽ màu nước là nhờ sự phản chiếu của màu trời hoặc cây cối hai bên bờ. Nhưng tôi lại ở giữa kinh thành của hai quốc gia xưa kia từng có vua chúa ngự trị , nhiều đền đài nhà cửa tàu bè dọc bờ thì đâu có nhiều tàng cây xanh soi mình bóng nước mà cho ra màu xanh biếc như được miêu tả trong văn chương thi phú.

Nếu muốn tìm cái màu xanh như ao ước thì tôi phải đến đoạn sông mà hai bên bờ còn cảnh thiên nhiên nguyên thuỷ thì may ra.

4/-
Ở phần 2, tôi viết : khi nói về giòng sông là tôi như bắt gặp cái gì thân quen lắm.
Có gì lạ đâu, vì đó là ý nghĩa cái tên của tôi mà. Ha ha ha…

Khi ba má chọn đặt tên cho tôi, hai người chắc chỉ đơn giản nghĩ đó là cái tên xinh xắn như tên đặt các chị em tôi tuần tự : Thuý Nguyệt, Bích Thuỷ, Thanh Hà, Thu Yên, Anh Tuấn, Thu Thảo. Chứ đâu nghĩ rằng sau nầy lớn lên con gái của họ “ngang nhiên” nhận họ hàng với hai giòng sông nổi tiếng thế giới nhỉ.

Một ngày cũng lâu rồi, có anh chàng mặt mũi tướng mạo khá phương phi tuấn tú tình cờ làm quen với tôi. Khi hỏi tên, tôi nói tên mình. Tức nhiên là hơi khó nhớ so với người nói tiếng Anh, nên tôi bèn khoe khéo là :
—Bạn có biết bài Blue Danube không?

Anh chàng bèn huýt sáo điệu nhạc valse với tất cả lòng ái mộ. Tôi mới hí hửng nói tên tôi nghĩa là giòng sông xanh như trong ca khúc nầy (tự hào gớm). Anh chàng tròn mắt xuýt xoa: wow ( chắc giả vờ để làm vui lòng người đối thoại quá).

Mỗi khi có người bạn ngoại quốc mới quen nào hỏi tên, tôi nói xong, nếu ai thử phát âm hơi khó khăn thì tôi thường hay kèm thêm lời giải thích ý nghĩa của nó. Và gần như mọi người đều nhận xét là tên người Á Đông có nhiều ý nghĩa rất hay rất đẹp.

Mở ngoặc : mình cũng phải quảng bá nét tinh tế của văn hoá Việt (tuy là nhược tiểu) với người Tây phương bằng những điều nhỏ nhặt để bù đắp lại những thua kém khác chứ.

Dù nước sông Seine & Danube không có được màu xanh như tôi tưởng tượng —có tưởng tượng nào mà không thái quá, không huyển hoặc hơn thực tế đâu—tôi vẫn yêu các giòng sông xanh trên quả đất nầy.

Tôi mê giai điệu du dương êm đềm của nhạc valse Blue Danube,nên tôi
yêu mến giòng sông Seine & Danube và từ đó tôi thích cái tên của mình.
Hay chính vì tôi thích cái tên của mình mà tôi đâm ra yêu mến sông Seine & Danube và giai điệu bài Blue Danube ?

5/-
Giòng sông tuổi thơ - Sông Rạch Sỏi bây giờ
Nhưng có một giòng sông thường xuất hiện nhiều nhất trong ký ức của tôi
hơn tất cả các giòng sông nổi tiếng trên thế giới cộng lại, đó là giòng sông tuổi thơ.

Nhà tôi toạ lạc bên bờ sông đục lờ theo thuỷ triều mỗi ngày nước ròng nước lớn từ biển đổ vào. Tuỳ thời điểm trong năm, có những ngày nước mặn đắng,có những ngày nước ngập tràn vào sân sau. Và thường xuyên lẫn lộn những đám lục bình cùng rác rưởi, xác thú vật, xú uế.. trôi nổi bập bềnh.Tàu bè thả hết tốc lực khiến từng đợt sóng vỗ mạnh vào bờ tung toé nước, động cơ vang rền ầm ỉ. 

Tôi nhớ ngày xưa giòng- sông- tuổi-thơ của tôi không có “ xấu xí tầm thường” như thế,nước còn sạch sẽ mọi người đều nấu ăn giặt giũ từ đó.
    
Hồi ấy, bên kia sông có lác đác vài mái nhà lợp lá, và ven bờ thì đầy cây xanh soi bóng cùng nhiều cụm hoa dại màu tím , hồng, trắng vô cùng xinh đẹp dễ thương. Cách vài tháng khi nhà hết gạo ăn, tôi hay theo bà ngoại bơi xuồng chở chục giạ lúa đi vào hướng Cầu Hoằng có nhà máy xay gạo về ăn dần. Bà ngoại ngồi sau, tôi ngồi trước (chủ yếu tôi vọc nước là chính chớ có biết chèo đâu). Càng gần về hướng Cầu Cống, Cầu Hoằng thì nhà càng ít, cây mọc càng nhiều. Tôi thả hồn theo lũ bướm đảo lượn quanh mấy cụm hoa dại hoặc cây bình bát, mù u.. rồi mơ mộng về tương lai thế này thế nọ…

Tóm lại, giờ đây giòng sông quê tôi không còn chút gì thơ mộng lãng mạn để các tâm hồn nghệ sĩ có thể mượn đề tài ca ngợi được.
Sự vô ý thức, cẩu thả của con người đã làm vẩn đục hư hỏng ngay cả một giòng sông.

Nhưng nó gắn liền với các kỷ niệm thời niên thiếu của mình với trò chơi nhà chòi cắt lục bình bán hàng, lén nhảy xuống sông tập bơi,.. nên khi tôi nhớ về quãng đời đã qua thì nó luôn hiện diện cùng, bất khả thiếu.

Nếu chiếc-tủ-kỷ-niệm có thể được chia thành nhiều ngăn, thì chắc chắn sẽ có một ngăn khá trân trọng dành cho giòng-sông-tuổi-thơ của tôi.

Thanh Hà
01, 2019




1 nhận xét:

  1. Có hai nhà sư trên đường về chùa, thấy một cô gái đẹp lúng túng trước lạch nhỏ. Một nhà sư cúi xuống cõng cô gái qua bên kia bờ. Đêm hôm đó, nhà sư kia ngủ không được, đánh thức nhà sư nọ và hỏi: "A-di-đà Phật, nam nữ thọ thọ bất thân, sao huynh lại cõng cô gái qua con lạch nước?". Nhà sư nọ trả lời" "ta đã cõng và để lại cô gái bên con lạch nước kia. Còn huynh 'cõng' và cưu mang cô gái ấy về tận chùa đêm nay".
    Giòng/dòng sông sẽ đưa chúng ta về đâu và để lại những gì trong tâm cảnh. Chữ viết chỉ là phương tiện? T. Hà và các bạn hãy lắng nghe:

    "Giòng/dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
    "Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa
    "Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
    "Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ... (Thu Hát Cho Người - Vũ Đức Sao Biển)

    Dứt câu hát, đọng lại trong tâm hồn chúng ta không phải là chữ "giòng/dòng" nữa..., phải không các bạn? Thân mến, NNH

    Trả lờiXóa