Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

COVID-19: Từ Vũ Hán Đến Toàn Cầu

Bài viết của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng 

1. Chứng Viêm Phổi Vũ Hán:

Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc là thành phố lớn thứ bảy ở Trung Quốc, với dân số hơn 11 triệu
người. Nơi đây là một trung tâm giao thông lớn của đất nước, và trung tâm đường sắt Vũ Hán là một trong 4 trung tâm đường sắt quan trọng nhất Trung Quốc. Thành phố nằm cách khoảng 700 dặm (1,120 km) về phía Nam của Bắc Kinh, 500 dặm (800 km) về phía Tây của Thượng Hải và 600 dặm (960 km) về phía Bắc của Hồng Kông. Các chuyến bay thẳng từ Vũ Hán cũng kết nối với các thành phố lớn của châu Âu và Bắc Mỹ: sáu chuyến mỗi tuần đến Paris, ba chuyến hàng tuần đến London và năm chuyến hàng tuần đến Rome.
Ngày 30 tháng 12 năm 2019, TS. Li Wenliang (Lý Văn Lượng), một bác sĩ nhãn khoa ở Vũ Hán, Trung Quốc, đã đăng một cảnh báo cho các bác sĩ từ lớp học y khoa của mình thông qua một diễn đàn trực tuyến WeChat rằng một nhóm bảy bệnh nhân đã không được điều trị thành công vì các triệu chứng viêm phổi do virus. Bởi vì những bệnh nhân này không đáp ứng với các phương pháp điều trị truyền thống, họ đã được cách ly trong một phòng cấp cứu của một bệnh viện Vũ Hán. Trong diễn đàn WeChat, một số bác sĩ đã suy đoán liệu cụm bệnh nhân này có bị nhiễm SARS hay không? Tối hôm đó, 8 bác sĩ tham gia diễn đàn WeChat này đã bị Cảnh sát Vũ Hán bắt giữ và buộc tội "có hành vi bịa đặt bất hợp pháp, lan truyền tin đồn và phá rối trật tự xã hội…”.

Bác Sĩ Nhãn Khoa Lý Văn Lượng
Ngày 8 tháng 1 do khám cho một nữ bệnh nhân nhiễm virus corona, bác sĩ Lượng bị ho hai ngày sau đó và đến ngày 30 tháng 1 được xác định nhiễm virus corona của Vũ Hán. Truyền thông Trung Quốc cho biết bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời lúc 21h30, ngày 6/2/2020 khi mới 34 tuổi. Bác sĩ Lý để lại người vợ đang mang thai cũng bị nhiễm dịch coronavirus.

Ngày 7 tháng 2 năm 2020, Ủy ban kiểm tra và kỷ luật trung ương Trung Quốc đã ra thông báo về việc sẽ cử một nhóm điều tra về các vấn đề liên quan đến bác sĩ Lý Văn Lượng, sau khi anh qua đời vì bị lây nhiễm virus corona từ một trong những bệnh nhân của mình.
Theo thông báo trên kênh truyền hình Vũ Hán, Sở Lao động và Xã hội Vũ Hán cho biết, gia đình của bác sĩ Lý Văn Lượng sẽ nhận được 820.000 nhân dân tệ. Trong đó, 785.000 nhân dân tệ là tiền bồi thường và 35.000 nhân dân tệ là chi phí hỗ trợ mai táng. Sở Lao động và Xã hội Vũ Hán cũng gọi cái chết của bác sĩ Lý là “sự hy sinh vì công vụ” và bày tỏ chia buồn cùng gia đình Lý Văn Lượng.
 Michael Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp y tế thuộc WHO, viết trên Twitter sau khi có thông tin bác sĩ Lý qua đời: “Chúng tôi đau buồn sâu sắc trước sự ra đi của bác sĩ Lý Văn Lượng. Tất cả chúng ta cần ghi nhận công lao của anh trong dịch Covid”.

2. Trang Nhật Ký Vũ Hán:

Nhà văn Phương Phương. Ảnh QQ
Nhà văn Phương Phương sinh năm 1955, tên thật là Uông Phương. Bà sinh ra ở Nam Kinh, theo cha
mẹ đến Vũ Hán, Trung Quốc sống từ lúc 2 tuổi. Năm 1978, bà học đại học Vũ Hán, trở thành phóng viên, biên tập viên đài truyền hình Hồ Bắc sau khi tốt nghiệp. Bà viết tiểu thuyết, tản văn từ cuối thập niên 1980. Năm 2012 tiểu thuyết “Vạn kiếm xuyên tâm” của bà được chuyển thành phim điện ảnh cùng tên, kể về cuộc đời một thiếu nữ Vũ Hán.
Dưới đây là vài đoạn trích nhật ký của nhà văn Phương Phương (được dịch giả Lương Hiền chuyển ngữ):

------------
Ngày 28/1
Không thể ra ngoài, người nhà có cơ hội nói chuyện với nhau nhiều hơn, nhưng những trận cãi vã cũng không ít, đặc biệt là những nhà chật chội. Dù sao, người già trẻ nhỏ, chưa từng có đợt ngày nào họ cũng dính nhau như sam thế này... Bất luận thế nào, cũng phải kiên trì ở trong nhà đủ 14 ngày. Có bác sĩ dặn dò: Chỉ cần trong nhà có gạo, ăn cơm trắng cũng được, không nên ra ngoài. Ừ thì, nghe lời bác sĩ.

……..
Ngày 2/2
Hôm nay mùng chín, chúng tôi đã chịu đựng bao nhiêu ngày rồi? Tôi cũng lười tính. Hôm nay thứ mấy? Khó mà nói ngay được. Ai còn nhớ hôm nay là thứ mấy.
Thời tiết Vũ Hán bắt đầu âm u, buổi chiều, trời mưa. Những bệnh nhân đang lê lết ngoài kia sẽ càng đáng thương. Đường phố Vũ Hán, người ít đèn sáng, mọi thứ vẫn có trật tự. Về cơ bản, nhu yếu phẩm hàng ngày không thiếu. Chỉ cần gia đình không ai mắc bệnh, cả nhà sẽ yên ổn chứ không phải địa ngục như người ngoài tưởng tượng. Nhưng nếu gia đình có người bị bệnh, mọi thứ sẽ hỗn loạn.
Điều làm tôi đau lòng nhất hôm nay là khi xem video cô con gái gào khóc sau xe chở thi thể của mẹ. Mẹ cô ấy chết, cô ấy chẳng thể đưa tang.
Buổi chiều, trò chuyện với một phóng viên, cậu ấy nói bất lực. Mọi người chỉ nhìn thấy những con số nhưng đằng sau các con số đó là gì? Những người trẻ đang trải qua giai đoạn không dễ dàng. Họ phải đối diện sự thật tàn khốc: sự giằng xé, chết chóc và cả những chỉ thị của cấp trên.

………
Ngày 12/2 
… Ngày 12 tháng 2-2020, ngày thứ 21 thành phố đóng cửa. Hơi hoang mang. Đã đóng cửa thành phố chừng đó ngày rồi kia à? Chúng ta vẫn có thể cười đùa trong các nhóm? Vẫn có thể trêu chọc nhau? Vẫn thảnh thơi bình bầu chọn món? Thật đáng nể.


Tôi nằm trên giường, mở điện thoại di động, thấy đồng nghiệp đăng status mới. Cô ấy khoe chạy được 3km từ phòng bếp ra phòng khách. Nể quá! Vì nó hoàn toàn khác với cảm giác khi chúng ta vừa chạy vừa ngắm cảnh ven hồ. Tôi nghĩ, nếu là mình, chắc chắn sẽ chóng mặt quay cuồng mà ngất mất.

Hôm nay trời rất trong. Xế chiều có ló ra chút nắng, mùa đông bớt ảm đạm hơn.
Lệnh phong tỏa đến từng tiểu khu từ hôm qua. Không ai được ra ngoài. Lệnh phong tỏa này nhằm mục đích cách ly nghiêm ngặt hơn. Bao ngày trôi qua, chứng kiến bao bi kịch, mọi người đều hiểu, và vì thế, đều chấp nhận.

Ai cũng cần ăn cơm, nên cứ cách dăm ba ngày, mỗi hộ được phép cử một người ra ngoài mua thức ăn cho cả nhà trong ít ngày. Vậy nên, mấy bữa nay, người Vũ Hán đều đổ ra đường, chia nhau đi các ngả mua sắm và tích trữ lương thực. Hôm nay, đồng nghiệp cắt cử ông xã làm “thiên sứ”, ra ngoài mua đồ ăn cho gia đình cô ấy, nhân tiện cũng mua giúp tôi và gia đình Sở Phong mỗi nhà một túi lương thực. Anh ấy còn nhiệt tình ship đến tận cửa. Tôi thuộc nhóm dễ lây nhiễm, Sở Phong thì đau lưng, khó đi lại. Vì thế chúng tôi trở thành đối tượng được chăm sóc.Trong túi lương thực có đủ thịt, trứng, cánh gà, rau và hoa quả. Trước thời điểm đóng cửa thành phố, nhà tôi chưa bao giờ nhiều đồ ăn đến thế. Tôi vốn ăn ít, chừng này đủ cho tôi dùng trong 3 tháng.

Anh cả của tôi bảo, khu nhà anh ấy sống, người ta chỉ mở một cổng ra vào. Cách ba ngày mỗi hộ được cử một người ra ngoài. Còn ở khu nhà anh út tôi, có một anh chàng shipper, chuyên nhận đơn và đi mua đồ ăn cho các hộ gia đình. Anh út có order anh chàng shipper mua một túi lớn rau cỏ, trứng gà, gia vị, nước khử trùng, và mỳ tôm. Nhờ thế, gia đình anh có thể ở yên trong nhà dăm bảy ngày nữa. Khu nhà anh út nằm đối diện Bệnh viện Trung tâm (thành phố Vũ Hán), là tiểu khu mà mấy hôm trước bị liệt vào khu vực nguy hiểm nhất. Anh tôi bảo: “Chúng ta phải cố gắng và kiên trì, mong là cuối tháng hai sẽ có chuyển biến tốt.”
Vâng, có lẽ tất cả mọi người đều nguyện cầu như vậy.
 
Thời điểm gian khó, người thiện lương vẫn rất nhiều. Nhà văn Trương Mạn Lăng từ Vân Nam gửi cho tôi một đoạn clip, quay lại hành trình chị ấy về huyện Doanh Giang quyên góp cứu tế cho Hố Bắc năm xưa, được gần trăm tấn khoai và gạo. Chị ấy bảo nơi đó là quê hương của “Lễ tế thanh xuân”. “Lễ tế thanh xuân” là bộ phim mà những người thuộc thế hệ tôi đều yêu thích. Vì đó là cuốn nhật ký tuổi thanh xuân của chúng tôi. Tôi tới Vân Nam nhiều lần, nhưng chưa từng ghé Doanh Giang. Giờ thì tôi không thể quên địa danh này.

Tôi vừa ăn cơm vừa lướt mạng. Đa số vẫn là những tin tức cũ. Tin giật gân thì tất nhiên vẫn rất nhiều. Bạn bè nhiệt tình post, share, tô hồng, bôi đen, giăng mắc đủ cả. Điện thoại hết cả dung lượng, tôi đành học theo các đồng chí cảnh sát mạng, delete như vũ bão.
Rất ít tin tức mới. “Tình hình dịch bệnh đã có chuyển biến tích cực. Con virus bất trị có vẻ như đã bắt đầu mệt mỏi. Mặc dù, số ca tử vong không ngừng tăng, nhưng chúng ta sẽ sớm được thấy ánh sáng cuối đường hầm,…”. Vậy nhưng, tôi lại thấy bất an.

Tiếng còi cấp cứu đã thưa hơn, nhưng người Vũ Hán cũng đã thôi hài hước. Điều này cho tôi hai cảm nhận: Một là, mọi thứ đã có trật tự hơn, công tác kiểm soát dịch bệnh đã đi vào quỹ đạo. Chỉ cần gọi cấp cứu là có người chịu đến giúp bạn. Và hai là, người Vũ Hán, dường như đã trở nên trầm tư hơn. Ở chỗ chúng tôi, thâm tâm ai cũng đều chịu tổn thương. Sự thực này không thể quanh co chối cãi. Dù đó là nhóm người khỏe mạnh đã giam mình trong nhà hơn 20 ngày (gồm trẻ em), hay những người nhiễm bệnh vật lộn trên đường phố giữa trời mưa gió, hay những người còn sống, đăm đắm dõi theo những chiếc xe cà tàng chở từng bao tải đựng xác người thân của mình ra khỏi thành phố, hay những nhân viên y tế bất lực chứng kiến từng bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng… Vân vân và vân vân.

Những thương tổn này, có lẽ sẽ còn ám ảnh chúng tôi trong nhiều năm tháng nữa. Nếu ngày nào đó dịch bệnh kết thúc, tôi nghĩ Vũ Hán cần rất rất nhiều bác sỹ tâm lý. Nếu được, nên chia từng tốp bác sỹ theo từng tiểu khu, tiến hành điều trị tâm lý cho từng người dân. Chúng tôi cần giải tỏa, cần gào khóc, cần giãi bày, cần an ủi. Hô hào khẩu hiệu không làm vơi bớt nỗi đau của người Vũ Hán.

Tâm trạng của ngày hôm nay, chất chứa nhiều nỗi niềm, tôi đã cố nén nhưng quả thực không hề dễ chịu.

Nhiều thành phố đã cử cán bộ nhân viên đến hỗ trợ các Đài hóa thân ở Vũ Hán. Nhóm tình nguyện
giương cao cờ tổ quốc và biểu ngữ, chụp hình lưu niệm rầm rộ, rồi nhiệt thành đăng tải lên mạng xã hội. Họ đông lắm, nhìn mà lay động tâm can, nhưng cũng nổi cả da gà. Cảm ơn họ đến cứu trợ chúng tôi, nhưng cũng xin thưa: Không phải việc gì cũng nên dong cờ đánh trống. Xin đừng làm chúng tôi sợ.

Chính phủ yêu cầu cán bộ nhân viên của mình về hỗ trợ tuyến dưới là việc tốt. Và tôi cũng tin rất nhiều người trong số họ đã tận tâm tận lực. Nhưng bạn tôi có gửi cho tôi clip ghi lại hình ảnh những người đó, họ giương cao cờ tổ quốc, dàn hàng chụp hình lưu niệm, như thể, họ sắp đến một địa điểm du lịch, mà không phải đến làm việc tại một vùng dịch cực kỳ nghiêm trọng và nhiều khổ nạn. Chụp hình xong, họ xé bỏ quần áo bảo hộ, vứt vào thùng rác ven đường. Bạn tôi hỏi, họ làm gì vậy? Sao tôi biết được. Tôi nghĩ, có lẽ họ đã quen như vậy. Họ đã quen làm việc gì cũng phải theo nghi lễ, nghi thức, cao giọng biểu dương khen ngợi. Nếu xuống tuyến dưới công tác là việc làm thường xuyên, như hàng ngày họ xách cặp đến cơ quan, thì có cần phải giương cờ gióng trống như vậy không?

Tôi còn chưa viết xong đoạn trên đã lại nhận được một clip khác bạn bè gửi trong group. Càng xem càng thấy nhức nhối. Ở một bệnh viện dã chiến nào đó, hình như có lãnh đạo đến thị sát. Mấy chục người đứng nghiêm trang, trong đó có cả quan chức, nhân viên y tế, và có lẽ cả người bệnh. Tất cả đều đeo khẩu trang, đứng quay mặt về phía giường bệnh mà bệnh nhân đã nằm kín chỗ, cao giọng hát bài “Không có ĐCS thì không có Trung Quốc đổi mới”. Tuy ai cũng thuộc lời, nhưng có cần hát vang trong phòng bệnh không? Họ có để tâm đến cảm giác của người bệnh không? Đây là bệnh truyền nhiễm kia mà? Bệnh này gây khó thở kia mà?

Vì sao đại dịch ở Hồ Bắc lại ngày càng nghiêm trọng như vậy? Vì sao quan chức Hồ Bắc bị cư dân mạng phỉ báng như vậy? Vì sao các biện pháp của Hồ Bắc lại liên tục mắc sai lầm như vậy? Sai lầm nối tiếp sai lầm, khiến nhân dân khổ chồng thêm khổ. Đến lúc này mà chưa vị nào chịu tỉnh ngộ ư? Chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhân dân vẫn đang chịu khổ, bao người phải giam mình trong nhà, sao đã vội giương cờ, hát vang, ca tụng?

Tôi còn muốn nói thêm: Khi nào thì cán bộ viên chức bỏ những nghi lễ ra quân rầm rộ kia? Khi nào thì họ thôi chụp ảnh lưu niệm? Khi nào lãnh đạo đi thị sát không cần hát ngợi ca. Khi nào không cần diễn kịch làm màu nữa? Khi ấy, có lẽ chúng ta mới hiểu những điều cơ bản, mới biết thế nào là người thực việc thực. Bằng không, nỗi khổ của quần chúng biết đến khi nào mới chấm dứt?”…
  [Hết trích dẫn nhật ký của nhà văn Phương Phương]

3. Đến Dịch COVID-19 Toàn Cầu: 

Qua đoạn nhật ký đầy hình ảnh và cảm xúc của nhà văn Phương Phương phần nào đã nói lên nhiều sự thật và vai trò của chính quyền Trung Quốc trong cơn dịch tại Vũ Hán, COVID-19. Đầm thấm, nhẹ nhàng pha chút đùa cợt trong hoàn cảnh “bi đát” của người dân Vũ Hán, bà là biểu trưng của sự đấu tranh dịu dàng giữa nhiều vai trò của người phụ nữ Á châu: gia đình, xã hội và nghề nghiệp bản thân. Tuy không dùng những từ ngữ “to lớn” nhưng nhà văn Phương Phương cho người đọc những cảm giác tinh tế của giá trị nhân bản trong một đất nước mang nặng nề dấu ấn chính trị và công quyền của ĐCS Trung Quốc. Bưng bít, dấu diếm và che đậy sự thật trong xã hội với nền công nghệ hiện đại là đồng lõa với tội ác. Nếu chính quyền địa phương của Vũ Hán nói lên sự thật ngay từ đầu và nếu chính quyền trung ương của Trung Quốc công bố chính xác tình hình dịch bệnh COVID-19 thì có lẽ cả thế giới sẽ không phải đương đầu và có nguy cơ “đại dịch toàn cầu”. 

Tính đến hôm nay, ngày 10 tháng 3 năm 2020 đã có trên 70 quốc gia có người nhiễm COVID-19 với tổng cộng được South China Morning Post (Hồng Kông) ghi nhận:


 Điều đáng chú ý là tại các quốc gia như Mỹ (525), Hàn Quốc (7,513), Ý (9,172) và Iran (8,042) đã có con số vượt quá xa Việt Nam (34) về số người bị nhiễm COVID-19. Mặc dù trong tuần lễ vừa qua con số ca nhiễm của Việt Nam đã tăng từ 16 -> 34 nhưng về địa lý, Việt Nam là nước có cùng biên giới và có mhiều người Trung Quốc làm việc, sinh sống trên cùng khắp lãnh thổ. Đã vậy, lại liên tục xảy ra nhiều trường hợp thật khó hiểu, từ ca nhiễm số 17 của cô N.H.N, ca nhiễm số 21 ông N.Q.Th. trên cùng chuyến bay VN0054 từ London về Hà Nội. Cả hai đều “vượt qua” thử nghiệm tại sân bay Nội Bài và liên tục di chuyển, tiếp xúc với biết bao nhiêu người khác trước khi được xác nhận dương tính COVID-19 và cách ly. Cuối cùng là một trường hợp rất ư là “cực kỳ khó hiểu” và nghiêm trọng khi ông L.T.H, chủ tịch HĐQT công ty CP điện gió H.T đã cho nhân viên thuộc cấp của mình đi cách ly thế??? Còn ông L.T.H thì “thay-thế-thần-chết” đi truyền lan dịch nhiễm COVID-19 cho mọi người trong cộng đồng, xã hội chung quanh mình??? Thật buồn lắm thay!


Durham, North Carolina
Nguyễn Ngọc Hoàng


1 nhận xét:

  1. Khi bài viết này lên khung, hôm nay thứ Tư ngày 11 tháng 3, 2020:

    WHO (World Health Organization) chính thức tuyên bố Coronavirus là “Đại Dịch Toàn Cầu”.

    Trả lờiXóa