Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

Du Hành Trong Mùa Coronavirus - Kỳ 1

Ký sự của Thanh Hà 

1/-
 Gần cuối 2019 tôi trả lời với gia đình và bạn bè là sẽ không về ăn tết ở VN vì đã dự tính tháng 3 hoặc 4 bay qua Washington D.C ngắm hoa anh đào nở và nếu có thể đi xem giòng sông Potomac nữa. Lăm le nhiều lần rồi mà lần nào cũng có những việc khác cần kíp hơn, chẳng hạn các cháu tôi cứ đúng dịp trước hoặc sau tết là lần lượt vu qui với tân hôn nên không thể không về chung vui với chúng. 

Có lẽ thời tiết lúc đó mát mẻ, khô ráo , thích hợp cho mùa lễ lạt, cưới hỏi, vui chơi nữa.

Tết cũng là khoảng thời gian cho mình họp mặt gia đình thân thích bạn bè để xem ai còn ai mất. Là để tìm về nguồn cội, là thắp vài nén nhang cho người đã khuất. Là xếp lại những ưu phiền xui rủi năm cũ, ước vọng may mắn hơn trong năm mới. Cho nên người người đều chờ đợi Tết để trùng phùng.
Với tôi, tết bây giờ không còn trong ý nghĩa là:

Thịt đỏ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Không rộn ràng đếm ngược ngày chờ quần áo mới, kiểu tóc mới, thực phẩm thoả thuê như thời là một cô bé con lên 10 nữa. 
Cũng không còn sự nao nức ngồi canh nồi bánh tét trong cái lành lạnh đêm ba mươi . Hay thoáng xôn xao khi nhận được một vài tấm thiệp đặc biệt của ..ai đó  trong nhiều thiệp Chúc Mừng Năm Mới, Cung Chúc Tân Xuân của bạn bè thời thiếu nữ.

Mà tết bây giờ mang một ý nghĩa của sự đoàn tụ, điểm danh về sự tồn-tại mỗi phận đời. 
Sự trở về nguồn cội, ráo riết níu kéo thời gian chỉ sợ mai này không còn cơ hội để thấy nhau. Bởi tuổi già, bởi bệnh tật, bởi khoảng cách không gian, hay bởi chiến tranh, thiên tai gì đó (lúc ấy chưa có tin về coronavirus)

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Và về đây nghe lại tiếng xưa
Để nhớ trong tiếng vỡ bờ
( Về Đây Nghe Em, Trần Quang Lộc )

Năm nay tôi cứ nhất định như đinh đóng cột là “không về đâu, về hoài thiên hạ thấy mặt đâm nhàm chán, lần này phải thực hiện cho được giấc mơ nho nhỏ là  tận mắt ngắm hoa anh đào Nhật nhưng trồng ở Mỹ mới thoả nguyện”.

Có chuyến của Swiss Air bay trực tiếp từ Zurich đến Saigon không phải dừng lại quá cảnh, mất thì giờ, rất tiện lợi. Lại cho mỗi người được mang hai kiện hành lý, mỗi kiện 23 ký, tổng cộng 46 ký; tha hồ chở chocolat Thuỵ Sĩ về làm quà. Nếu đặt mua trước vài tháng thì giá lại rất rẻ, bạn rủ quá trời mà tôi cứ nói: 
—Không đâu, ta đi về hướng khác rồi. Nhường chùm khế ngọt cho nhà mi thưởng thức đó.

Cô bạn thân học chung từ năm lớp 6, thân từ hơn nửa thế kỷ, từ V N gọi điện qua hỏi:
—Sao? Tết nay có về không cô nương ?
—Không. Sang năm mới về.
—Ê đừng nói trước nghen. Chờ giờ chót mới biết. Hình như năm nào tui cũng nghe bồ nói là không về , mà năm nào cũng lọt tọt có mặt cả.
—Hi hi hi. Lần nầy tui không về thật mà.
—Để chờ xem.

Lời cô ấy nói vậy mà linh. 

Đầu tháng 12 dương lịch…
Tôi xem thử vé đi Washington D.C, chưa kịp đặt thì giờ chót phải rút quyết định đổi hướng trực chỉ Vietnam nữa. Lý do nghe ra rất ngớ ngẩn, là tháp tùng về để ủng hộ tinh thần một cậu cháu (con người bạn thân) đã và đang…yêu mà chưa dám ngỏ lời với cô gái nọ, biết nhau từ ba năm rồi !

Mối tình câm nầy khiến mọi người liên tưởng như nhân vật trong bài thơ mà nhà văn Khái Hưng dịch :

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay
(Tình Tuyệt Vọng, Khái Hưng dịch theo bài thơ Un Secret của Felix Arvers )

Chuyện yêu thầm mà không dám tỏ ở vào thế kỷ 21 của một chàng trẻ tuổi đẹp trai, tự tin, thông minh, sự nghiệp ở buổi bình minh đầy hứa hẹn, sinh ra trên đất châu Âu…đầy đủ yếu tố để đốn ngã bao trái tim kiều nữ; thế mà lại nhát run trước một cô gái ở VN, đúng là khó tin, vậy mà có thật chứ.

Allez hop! quyết định xong, đặt vé liền qua online, mua cận ngày nên đắt hơn bình thường, mặc kệ. Thông báo cho gia đình và vài người bạn biết.
Bất ngờ mà cũng không bất ngờ với họ. Bởi biết tính tôi rất nặng tình nghĩa. Mà đã có ý gì rồi thì không chần chờ, do dự.

2/-
Lúc chưa đi tôi có đọc báo, xem tin tức nói sơ về dịch Corona nhưng không để ý lắm. Vì nó bắt nguồn từ Trung Hoa. Nhớ nhiều năm trước châu Âu cũng từng có dịch Bò Điên, mọi người tránh không ăn thịt bò trong nhiều tháng. 

Rồi nào là cúm gia cầm, gà vịt mắc toi bắt nguồn từ châu Á—nếu tôi nhớ không lầm cũng từ ông-bạn-vàng kia phải không—đem thiêu huỷ hàng triệu triệu con.

Rồi nào là cúm H1N1 cho người.

Qua năm 2019, lại tiếp dịch heo lỡ mồm long móng. Hú hồn lúc đó tôi vừa từ V N trở về Thuỵ Sĩ được vài hôm thì dịch bắt đầu. Được biết nó cũng xuất xứ từ Trung Hoa, rồi lây lan sang. Hậu quả kéo dài đến tận năm 2020 giá thịt vẫn còn tăng cao ngất, khiến những người nghèo càng khốn khổ thêm.

Tôi đi đúng ngày 1 tháng 1 tết dương lịch. Không cố ý. Chỉ là nghiên cứu bảng giá của Qatar Airline, ngày đó giá hơi hạ hơn so với những ngày khác.
Trưa ngày 2 về đến phi trường Tân Sơn Nhất. Người đi đón thân nhân đứng hai bên lối ra chật cứng.

Ngó dáo dác, có hai cánh tay giơ lên vẫy vẫy. Tôi nhận ra cô cháu đang mĩm cười tươi tắn ngay bởi dù cháu đứng hơi xa “hàng rào danh dự” nhưng nhờ dáng cao vượt hơn người khác nên tôi vẫn nhìn thấy. Kể ra cao lớn vừa lợi vừa hại. Lợi là khi cần tìm giữa đám đông là dể nhận ra ngay. Hại là khi định trốn không cho ai thấy cũng không núp được đằng nào hỉ.

Tôi nhắn gia đình cần một người ra đón thôi vì không dám và cũng không nhớ đường về nhà cô cháu, đừng dắt nguyên một phái đoàn đi chen chúc mệt mỏi.     Chứ ở bên đây dạo sau nầy tôi cũng xách valise đi, về một mình quen rồi có cần ai đưa đón ?
Ở lại Saigon vài hôm để thăm viếng họ hàng, người quen. Rồi vợ chồng em gái đem xe lên chở về Rạch Sỏi.

Mấy năm liên tiếp tôi về VN , mỗi lần ở lại 2 hoặc 3 tháng nên giờ đã bớt hoảng sợ với lưu lượng giao thông dầy đặc và cách lái xe luồn lách bất chấp luật lệ phải trái, đèn xanh đỏ, thậm chí xe hai bánh thản nhiên leo hẳn lên lòng đường dành cho bộ hành. Và tiếng ồn chói tai điếc óc của mọi âm thanh động cơ xe, tiếng nhạc karaoke. Chả bù hai năm trước, mỗi khi ngồi sau lưng chiếc moto , tôi cứ hết ẹo người qua trái, ẹo qua phải, hoặc co rúm lại hay ôm ghịt bấm eo người lái, mắt nhắm tịt mỗi khi có xe nào phóng qua bên cạnh.

Cái gì cũng do thói quen thật. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Nếu mỗi ngày cứ tiếp xúc, sống trong môi trường hoặc xã hội mà đa số đều hành xử như nhau dù biết là sai trái, chỉ cần chép môi: ôi ai sao mình vậy luôn đi, việc gì suy nghĩ cho mệt, 1 cánh én thì đâu có làm nên mùa xuân thì chính mình cũng thoái hoá tâm hồn luôn.

Lúc đầu dị hợm, lâu dần thành quen nên hết thấy sốc nữa. Chẳng hạn người ta mở cửa kính bên hông xe quăng bịt rác ra lề đường trong lúc xe đang chạy. Hoặc chiếc xe chở khách này thản nhiên qua mặt chiếc camion kia bằng làn đường bên phải vậy. 

Ở Rạch Sỏi, nhà chúng tôi nằm cạnh con đường liên tỉnh chạy về sân bay, về Giục Tượng, Mong Thọ, Tân Hiệp, Saigon… xe cộ nườm nượp không ngừng, mỗi lần muốn qua đường là cả một nan đề. Giờ tôi vẫn chưa quen, phải cần người dắt. Tiếng ồn ào đến tận khuya thế mà tôi cũng ngủ được chứ. 

Nhớ hồi xưa đường vắng vẻ, ít xe qua lại. Thỉnh thoảng mới có lác đác vài người đi bộ, hể mỗi lần có mấy anh chàng đón đường đi theo làm quen lúc tan trường, tôi run muốn chết. Vì lỡ dọc đường hàng xóm nhìn thấy dèm pha, nhất là lỡ ba tôi đi làm chạy xe về mà bắt gặp thì chắc tiêu đời. Thế mà nay mật độ dân ở đâu đông quá sức.

3/-
Tin tức về coronavirus—lúc đầu gọi là dịch Vũ Hán, hình như giờ đây danh từ này trở thành “tiếng lạ” bị nghiêm cấm rồi —tăng dần mức độ nghiêm trọng mỗi ngày. Người ta hể thức dậy là bàn tán, kể cả trẻ con cũng được cha mẹ giải thích nên cũng ý thức về vệ sinh và sự tiếp xúc nguy hiểm.
Bình thường từ nhiều năm nay hể ra đường là mọi người hay mang khẩu trang che mũi miệng để ngừa bụi bặm, khói xe. Giờ số người mang tăng lên nhiều hơn. 

Chương trình tôi định sau khi ăn tết xong là đi Phú Quốc chơi trước khi hòn đảo nổi tiếng sản xuất nước mắm ngon bị biến thành đặc khu cho người- nước- lạ dầy xéo chia sẻ.

Thú thật tôi là dân Kiên Giang mà vẫn chưa bao giờ đặt chân đến PQ, trong khi nhiều người bạn Thuỵ Sĩ chính gốc đã đến thăm vài lần rồi.

Gia đình tôi nói đang có dịch, ra ngoài ấy nguy hiểm vì rất nhiều khách phương xa tìm đến. Thế nên tôi đổi hướng, sẽ đi thăm cô bạn quen từ hơn 40 năm trước ở Saigon, sau theo chồng về cố hương lập nghiệp mà chúng tôi vẫn giữ liên lạc luôn luôn.
Cô gốc Huế nhưng vào Saigon từ nhỏ nên nói giọng Saigon rất dễ thương. Thế nhưng khi cô theo chồng ra Đà Nẵng sống được vài năm thì nói sệt giọng ngoài nớ, đến tôi nghe mà giật mình. Vẫn là thanh giọng của cô ấy, nhưng phát âm lạ lẫm. Phải mất một thời gian tôi mới quen được.

Kể cho vui, chẳng hạn lần tôi ghé ĐN cách nay 5 năm đi với các cháu 6 người. Dặn chồng cô đặt sẵn phòng khách sạn trước khi tôi về VN. Khi chúng tôi đến, sau cuộc truyện trò sôi nổi mừng vui buổi tái ngộ , cô bỗng nói ( tức nhiên giọng Đà Nẵng ):
—Mình gởi cho bồ cái “ giái” ( hay dái gì đó ) nè nghen.
—Bồ gởi cho mình cái gì? Tôi không hiểu hỏi lại
—Cái giái ( dái )khách sạn đưa. Cô lục trong xách tay đưa cho tôi tờ biên lai trả tiền phòng.
À thì ra là cái tờ giấy.

Đứa cháu trai sau chuyến đi miền Trung về cứ nhắc lại những giai thoại về cách họ phát âm mà chúng tôi không hiểu rồi xúm nhau cười bò lăn bò càng.

Các chị em tôi khi nghe ý định của mình là đi Đà Nẵng thì ngăn cản tiếp. Nói tránh Phú Quốc mà ra Đà Nẵng , Hội An thì còn nguy hiểm hơn nữa. Mấy chỗ đó khách quốc tế đến còn gấp mấy lần Phú Quốc, phải suy nghĩ cho cặn kẻ.

Những nơi nầy tôi đã đến rồi, mà lần này chủ yếu muốn thăm cô bạn là chính. Việc ngoạn cảnh nếu có thời giờ hoặc hứng thú thì thực hiện, còn không thì cũng chẳng sao. 

Sau khi hội ý với cô ấy về vấn đề corona, vợ chồng cô trấn an là tin tức trên mạng nói như vậy, nhưng không phải nơi nào ở Đà Nẵng cũng bị ảnh hưởng hết đâu phải ai sống ở Đà Nẵng thì đều nhiễm bịnh, mình cứ tránh chỗ đông người thì được mà. 
Lúc ấy dịch chưa bành trướng mạnh mẻ tràn lan nhiều, có người còn nói năm nào dịch cúm mùa đông dù có thuốc trị nhưng số người chết vài ngàn trên toàn thế giới, ai lo sợ gì . Nghe thuyết phục cũng hợp lý nên tôi nhờ cháu đặt mua vé online, chờ ăn tết xong đến rằm tháng giêng là đi.

Ở xa nghe tin thì lúc nào cũng khiến ta sợ hãi hơn sự thật. Ừ thì giống như lúc ấy nhỏ bạn từ Mỹ gọi về hỏi :
—Ê mầy, giờ mầy lưu lạc tới xứ mô rồi ?
—Tao ở Rạch Sỏi, vẫn còn sống nè.
—Nghe mầy nói định đi Phú Quốc hay Đà Nẵng gì đó, có đi không ?
—Đi Đà Nẵng, đã đặt vé rồi mà.
—Trời nhỏ nầy gan. Thôi huỷ vé đừng đi mầy ơi. Tao nghe tin virus đã bành trướng dữ dội và lây tới VN rồi. Ông chồng tao kêu tao gọi ngăn mầy đừng đi đó.
Tôi đùa:
—A thì ra nhỏ nầy sợ tao chết không còn ai cãi lộn với mầy, mầy sẽ buồn hả
—Ừ đúng rồi, chứ sao nữa. Con quỉ.
—He he he. Chắc không sao đâu. Tao ra đó chỉ thăm bạn là chính. Tránh không đến chỗ đông người là được.
Cô bạn vẫn chưa yên tâm, cứ nằn nì mãi. Tôi nói để gần tới lúc đó xem thế nào rồi quyết định.

4/-
Các bạn ở Thuỵ Sĩ, Pháp, Canada gọi về tới tấp. Không gặp thì nhắn tin lại. Khuyên là đừng đi du lịch đâu hết, mà liệu bề thu xếp đổi vé về Thuỵ Sĩ cho sớm.
Họ nói người ở VN đã quen thời tiết, khí hậu, thực phẩm vùng nhiệt đới nên cơ thể đã có sẵn virus miễn nhiễm may ra cầm cự được với corona. Còn dân sống vùng ôn đới môi trường tinh khiết trong sạch, cơ thể không còn kháng thể nên hể virus mà xâm nhập thì tôi sẽ có tên trong số người về cõi vĩnh hằng đầu tiên.

Ngẫm nghĩ thấy cũng có lý. Lại có lý nữa, tôi thật ba phải ! 
Bằng chứng là tôi vẫn không hiểu sao mỗi ngày khi mặt trời vừa bắt đầu lặn về tây thì tôi đều bị muỗi tấn công châm chích mặt, cánh tay, chân đầy dấu đỏ. Bất luận tôi ở đâu: nhà chị em gái, nhà bạn, bà con, restaurant, cafétéria…hể tôi ở nơi bóng mát bất luận ngày hay đêm là y như rằng lát sau có muỗi bám vào tôi mà hút máu. Bữa lại thăm chị bạn, mọi người bắt ghế ra giữa sân ngồi cho mát, khoảng 5 phút sau tôi bắt đầu bị muỗi tấn công lia lịa, bạn phải đem nhang chống muỗi đốt lên mới tạm đẩy lùi bè lũ vô lương tâm hút máu người nầy. Mà chỉ đặc biệt tấn công mỗi mình tôi mới kỳ.

Dù tôi mang chai thuốc trị muỗi loại mạnh để xịt khắp tay chân, nhưng chỉ được chút là hết tác dụng. Nhưng với người khác thì không hề hoặc chỉ thỉnh thoảng mới bị châm đốt sơ sơ thôi.

Tính đến thời điểm tết nguyên đán, coronavirus lây nhiễm sang vài chục quốc gia rồi.  Phía VN tập trung tỉnh Vĩnh Phúc và phía Bắc chủ yếu. 

Nhưng “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” ! 
Đây là tựa đề quyển tiểu thuyết của nhà văn Đức Erique Maria Remarque viết về đệ nhị thế chiến giữa quân Đức và Nga. 
Tương tự, Coronavirus nầy cũng có khác chi quân thù xâm lăng, tiến chiếm lãnh thổ như vết dầu loang, chầm chậm mà quyết liệt.

Vết dầu chưa loang đến miền Tây Nam Bộ nên dân Kiên Giang vốn bản tính vô ưu chịu chơi sợ thì có sợ nhưng các tụ điểm ăn uống karaoke phố xá vẫn rộn ràng đông đúc giai nhân tài tử dập dìu. Tha hồ cho các quán chặt chém tăng giá. Nghĩ rằng miền Tây còn cách Vĩnh Phúc hàng ngàn cây số, con virus nếu có đến thăm vẫn còn lâu, giờ vui được lúc nào cứ tận hưởng. Lỡ mai mắc dịch chết cũng không phải làm ma đói hay ma thèm khát nữa.

À , phải ghi nhận một khía cạnh tích cực, là cảnh sát kiểm soát gắt gao việc uống rượu. Nếu khi lái xe mà bị phát giác nồng độ cồn trong người cao ngoài định mức cho phép thì sẽ bị phạt tiền thật nặng, thậm chỉ rút luôn bằng lái. Đáng lẽ điều đó phải thực hiện từ lâu rồi chứ. Nhờ vậy, tết năm này ở VN ít nghe chuyện tai nạn xe do say rượu tự giết bản thân đã đành mà còn gây cái chết oan uổng cho người vô tội. Chỉ có chủ các quán bar, quán nhậu ngồi buồn xo vì thất thu.

5/-
Ngày 07.02.2020
Tin xấu mỗi ngày mỗi tăng dần. Đỉnh điểm là câu chuyện thương tâm về bác sĩ Li Wenliang qua đời làm bùng nổ một làn sóng phẩn nộ, tiếc thương không riêng gì người Trung Hoa mà toàn thế giới đều ngưỡng mộ xem như một vị bác sĩ anh hùng can đảm. 

Tôi không bắt chước gọi ông là vị anh hùng, mà tôi kính trọng xem ông là một bác sĩ có lương tâm, đúng như câu “Lương y như từ mẫu”. Chắc chắn lúc ông lên tiếng cảnh báo chuyện tồn vong nhân loại cho đồng nghiệp, ông không hề nghĩ đó là một hành động anh hùng, mà ông chỉ thực hiện đúng trách nhiệm và bổn phận của một người chân chính theo lời thề Hyppocrates khi ông giơ tay thề để nhận bằng tốt nghiệp lúc ra trường.

Dân chúng hoang mang cực độ. Tự hỏi đâu là sự thật giữa những gì “chỉ-được-biết” với những gì ”lẽ ra phải-được-biết”. Đây không còn là nội bộ của một quốc gia nào, mà là sự Sống, Còn của toàn nhân loại. Sẽ bị gọi đích danh là Tội-Ác-Diệt-Chủng nếu cứ cố tình bưng bít sự thật.

Trường học thông báo cho học sinh nghỉ thêm hai tuần, các nhân viên công tư sở, ngân hàng, restaurant, tàu chở khách, bảo vệ…bắt buộc mang khẩu trang 100% . 
Giờ hầu như 95% người lái xe đều bịt mặt. 

Đại Hàn tuyên bố dịch đã vào thăm đất nước họ. 

Chiếc tàu du lịch Diamond Princess tổng cộng gần 3700 hành khách lẫn nhân viên đang bị cô lập ngoài biển Nhật Bản. Không quốc gia nào dám cho đổ bộ du khách lên bờ. Số người chết tăng dần đều mỗi ngày. Hãy tưởng tượng chúng ta trong số những người hiện diện trên tàu để hiểu cảm giác kinh hoàng của họ ra sao.

Tôi gọi cho cô bạn Đà Nẵng là tôi quyết định huỷ chuyến đi. Bạn nói ừ an toàn là trên hết. Tình thế biến chuyển ngày càng nghiêm trọng quá rồi, không thể coi thường được.

Hai vợ chồng em trai ở Canada đặt vé từ mấy tháng trước định gần cuối tháng 2 sẽ về VN chơi 1 tháng cũng huỷ vé. 

Có một cô giáo ở Gia Lai ( hình như vậy ) làm thơ ca ngợi nhà lãnh đạo đã nhân hậu tử tế dang tay đón nhận một tàu du lịch cho phép cập bến trong khi họ bị từ chối ở các quốc gia khác. Ngoài ra còn ca ngợi bộ đội đã chịu vào rừng sống nhường chăn êm nệm ấm cho dân gì đó. Bài thơ này được vinh danh và cô giáo được thưởng bằng danh dự ( hoặc huân chương ! )
Cộng đồng mạng mới tìm hiểu xem chiếc tàu mà cô nói tên gì, của quốc gia nào. Bao nhiêu người tìm mà vẫn không thấy dấu vết. Vậy chắc là con tàu ma rồi.
Còn bộ đội của đơn vị nào đã vào rừng nằm gai nếm mật nhường chỗ ở cho dân? Cũng không biết luôn.

Cuối cùng, bài thơ biến mất tiêu sau vài ngày dấy lên làn sóng chưởi mắng  mỉa mai của Cộng đồng mạng. Đã vậy còn bị cho là lời nhại bài thơ của một cô giáo khác ở Hà Tĩnh với bài thơ nổi tiếng “ Đất nước mình ngộ quá phải không anh “ viết 4 năm trước. Có điều nội dung thì hoàn toàn tương phản.

6/-
Trung tuần tháng 2. 2020
Phải đổi lời bài hát : “Mỗi ngày tôi nhận một niềm vui” thành “ Mỗi ngày tôi nhận một niềm lo”. Số quốc gia có người nhiễm bịnh tăng thêm đến bàng hoàng chóng mặt . 
Giờ đã lan đến Iran 
Lần lượt đến Ý….
Rồi dần dần thêm các nơi khác

Mấy hôm trước tôi tuy lo nhưng vẫn còn chút tin tưởng là châu Âu an toàn. Nhưng nay biết Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Đức…cũng có người nhiễm, niềm tin tôi lung lay. 
Và tôi thực sự bấn loạn khi hay tin Thuỵ Sĩ đã bắt đầu gia nhập hàng ngũ!
Chỉ còn khoảng 10 ngày là tôi trở về rồi. Sao không chờ tôi vậy ?
Hình như thấy sự lo sợ vẫn chưa đủ dose, một tuần trước chuyến bay, phi trường Hamad, Qatar là nơi tôi quá cảnh cũng tuyên bố 2 ca nhiễm đầu tiên .

Chuẩn bị tinh thần đi thôi.  

7/-Thứ năm, ngày 05.03.2020
Hồi hộp. Hồi hộp quá.
Phi trường Tân Sơn Nhất.
Bịt mũi và miệng bằng khẩu trang. Người lớn thì đã giã từ tại gia, chỉ hai đứa cháu đưa đi, khiêng valise xuống xong kêu về ngay đừng bịn rịn tiễn như mọi lần. Nhìn màn hình điện tử , thấy tất cả các chuyến bay qua Thái Lan, Đài Loan đều hoãn. 
Người sắp hàng chờ check-in qua ngã Doha dài bất thường. Nhiều người bịt mặt, nhưng đa số dân Tây thì không. Ngạc nhiên.

Đến phi trường Hamad, Doha. Kiểm soát như thường lệ. Không có vụ đo thân nhiệt trên trán ai hết.
Qua một cửa ải. Nửa chặng đường.

Nửa chặng sau. Số người mang khẩu trang trên máy bay chỉ còn lác đác đếm không hết hai bàn tay.
Đến phi trường Zurich 6h30’ sáng. Giờ thì hầu như không thấy ai mang khẩu trang hết.
Qua trạm kiểm soát passport, mất chừng 5 giây. Ra cổng. Cũng chả ai buồn bấm máy đo nhiệt độ. 

Trận dịch đáng sợ thật. Nếu nỗi sợ coronavirus là một, thì nỗi ám ảnh về kẻ thù lẩn khuất, không hình dạng nhưng chực chờ nhảy bổ vào mũi, miệng, mắt, tay, cổ họng…bất cứ lúc nào đã ám ảnh nặng nề về mặt tâm lý, khiến cái sợ càng tăng lên gấp đôi gấp ba lần bản thân của nó.

Bài viết cuối năm ngày 30.12.2019 trước khi về thăm quê hương chùm khế ngọt tôi kết luận sau :
“Tôi tự cầu chúc tôi ra đi thượng lộ bình an và trở về Thuỵ Sĩ bình an thượng lộ”
Chẳng qua chỉ là lời chúc thông thường trước mọi chuyến viễn du. Ai dè bây giờ thật sự là Lời-Cầu-Nguyện !

Lời cầu nguyện chân thành trên đã được chứng giám. Tôi về đến nơi an toàn , không gặp trở ngại nào ở bất cứ phi trường nào. Hiện tự cách ly tại nhà để bảo vệ sức khoẻ cho người khác và chính mình . 
Vì thế mới có thời gian mà viết bài đây.
Cầu xin cho những người thân yêu của tôi và… chính tôi sống sót qua trận đại dịch nầy.
Tin giờ chót ngày 16.03.2020 theo Worldometers.info thì đã có
—162.386 người bị nhiễm
—5.984 người qua đời
—156 quốc gia , thêm vào chiếc tàu Diamond Princess vướng phải.

La Chaux-De-Fonds, le 16.03.2020
Thanh Hà








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét