Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Một Vài Hồi Tưởng Về Thầy Nông Thành Lợi

Hồi tưởng của Trầm Vũ Phương 


Thầy Cô Nông Thành Lợi và cựu HS-THKT
Có thể nói học sinh Trường Trung Học Kiên Thành ( Rạch Sỏi) không ai mà không biết Thầy Nông Thành Lợi, giáo sư dạy môn toán. Hồi đó Thầy là người rât nghiêm nghị, không thấy Thầy cười bao giờ, giờ toán của Thầy đối với tôi thật căng thẳng, nhưng nếu chịu khó theo dõi thì thấy dễ hiểu, lối giảng của Thầy rất mạch lạc và giúp học sinh từng bước nắm vững các quy tắc để có thể giải được bài toán. Một điểm nữa Thầy rất rộng rãi khi chấm điểm, em nào giải đúng mà nhanh thì lãnh 20 điểm ngay tức thì. No Matter What ! 

Thời gian học toán với Thầy tổng cộng được bốn năm, sau đó tôi lỡ dại nghe theo bè bạn rút hồ sơ để thi ra trường Nguyễn Trung Trực ( Rạch Giá). Ra trường tỉnh oai thì có oai nhưng cái mà tôi thấy thiếu là vắng những giờ học toán sôi động của Thầy. Nhớ dáng vóc dong dỏng cao, nhớ giọng nói sang sảng giọng miền nam gạo trắng nước trong của Thầy và suốt thời gian bốn năm đó, hè nào cũng có mặt tôi trong các lớp hè của Thầy. Nhiều khi tôi tự hỏi sao mình không có chút cảm tình về môn toán, nó khô khan quá, nó đầy vẻ tính toán, nó dày đặc những hình và số không hồn nhưng sao mình vẫn ôm lấy nó, mình vẫn đi với nó trên những đường phân giác, mình vẫn chạy theo nó trên vòng tròn ngoại tiếp rồi có khi phải vấp ngã bởi cái góc lồi. Sau cùng tôi mới nghĩ ra trong lúc dạy Thầy rất khắt khe nhưng lúc nghỉ thì Thầy là nguời bạn thân thiết của mình. Nhớ có lúc Thầy trò quần áo bê bết bùn đất khi ra đồng bắt cá, đập chuột ở Mong Thọ quê tôi, có lúc ngồi quây quần chén chú, chén anh ở Bờ Kinh Xáng. Cho nên tôi đã mạnh dạn chọn đi Ban B khi ra trường tỉnh, sau này bà xã hay trêu ghẹo tôi: " Trời ơi!, thích văn chương mà dám chọn ban B ". Biết nói gì đây?

Khi còn ở California, đứa em viết thư cho tôi nói rằng có gặp gia đình Thầy đang ở Trại tỵ nạn Thái Lan. Có thể nói rất bất ngờ và cảm thấy một niềm vui ập đến, trong hoàn cảnh còn đang vật lộn với cuộc sống mới, tâm tư còn hướng về những người thân yêu bên kia bờ đại dương, tôi như vớ được cái phao tinh thần. Thầy Cô cùng các em không khác chi gia đình ruột thịt của tôi lúc bấy giờ, tôi biên thư thăm Thầy, chia sẽ những khó khăn thiếu thốn trong thời gian chờ đợi đi định cư, Thầy giúp việc trong Ban Điều Hành Trại, cô tần tảo nấu cơm tháng để có chi phí lo cho các em Tuấn, Nhàn, Thái, Nhung.

Rồi cũng đến ngày đi định cư, gia đình Thầy được một Hội bảo lãnh qua Florida, trong khi gia đình Thầy còn chưa ổn định được đời sống thì tôi cũng giả từ California để về Louisiana ký giấy sống chung trọn đời với Hằng, nghe cô kể lại Thầy qua dự lễ cưới của hai đứa thật vất vã, lái xe mười mấy tiếng đồng hồ với thằng học trò. Tội nghiệp Thầy, tôi với bà xã đâu ngờ có ngày Thầy dạy toán ngày xưa bây giờ trở thành ông mai, rồi trở thành chủ hôn của hai đứa đều là học trò của mình. Bà xã thì thích môn toán cho nên khi nhắc tên các giáo sư của Trường Kiên Thành thì y như rằng nhắc tên Thầy Lợi trước nhất.

Từ đó về sau này tôi với bà xã thường lái xe qua Florida thăm Thầy Cô cùng các em. Có một lần vì muốn tạo sự ngạc nhiên cho Thầy Cô nên tụi này không báo trước, khi qua tới địa phận tiểu bang Florida thì trời đã tối, thuở đó chưa có iphone hay GBS như bây giờ chỉ trông cậy vào cái bản đồ giấy trong xe, chạy lạng quạng thế nào không biết mà xuống lộn exit. Con đường tối om, chẳng có xóm làng gì hết mà lúc đó thì xe gần hết xăng. Ráng chạy thêm một khoảng nữa thì may quá có trạm xăng. Hú hồn, hú vía! Cho đến khi đến được nhà Thầy thì không có ai ở nhà. Tháng mười hai trời lạnh, lại phải chạy tìm khách sạn, khi lấy phòng xong mới gọi lại cho Thầy. Khi rõ sự tình thì Thầy lo lắng bảo hai em trả phòng lại đi về nhà Thầy .


Cựu HS-THKT và vườn cây trái nhà Thầy Lợi
Thầy thích trồng cây, nhà hồi trưóc cũng vậy mà nhà sau này cũng bao bọc các loại cây ăn trái. Những lần học trò họp mặt đông đủ ở nhà Thầy sau khi Thầy trò nói chuyện với nhau xong thì tới tiết mục kéo nhau ra vườn, nhìn ngắm thỏa thích  nào là xoài, mít, bưởi, nhản, mía đủ hết. Thầy trồng mía, ép lấy nước để vào tủ lạnh, học trò nào đến thì Thầy tặng cho một chai. Gần đây nhất là vào dịp dự đám cưới con của bạn Phước, tụi này được Thầy cho hai trái mít to mang về.

Những lúc tâm tình Thầy hay kể về những người học trò ngày xưa, trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc đổi đời mà thấp thoáng đâu đó vẫn còn đậm tình sư đệ nghĩa thầy trò. Thầy Cô trân quý điều đó nên dù thế nào cũng không vắng mặt trong các sinh hoạt  Liên Trường Kiên Giang hay sinh hoạt của cựu Giáo sư và học sinh Trung Hoc Kiên Thành. 

Người Việt mình đi đến đâu thì mang theo quê hương đến đó, Thầy trồng lại trên đất mới những cây trái quê mình, chiều chiều bóng dáng Thầy chông chênh đi ra cầu thủy tạ nhìn hồ nước mênh mông, khoảnh khắc đó bây giờ không còn nữa, Thầy mang kiến thức vốn có của mình truyền lại cho con cháu, tấm bảng con treo nơi bàn ăn là nơi Thầy dạy toán cho các cháu, con của em Nhàn vào mỗi dịp hè, lúc đầu chưa quen nhưng lòng thương con mến cháu đã cảm hóa được chúng để mỗi dịp hè chúng đều muốn ba mẹ đưa về cho ông ngoại dạy học. Ngoài ra học trò nào cần hỏi điều gì liên quan tới toán để giúp con em làm bài tập thì có dịp để hỏi Thầy.

Tình Thầy trò vẫn đươm hoa kết trái, các cựu học sinh Kiên Thành khắp nơi đều mong có điều kiện để Thầy trò gặp nhau, ngoài những buổi hội ngộ đưọc tổ chức ở Cali hay nơi khác, nhà Thầy ở Winter Haven, Florida là nơi quy tụ những buổi họp mặt tràn trề kỷ niệm. Ngày xưa Thầy rất nghiêm khắc vì muốn các em đạt được kết quả tốt trong học tập, bây giờ Thầy vui vẽ thương mến các em như một người anh cả trong gia đình, tấm lòng Thầy thuơng mến không chỉ dừng lại ở cửa nhà trường mà còn vươn tới những mãnh đời kém may mắn nơi quê nhà.

Không biết các bạn nghĩ sao chớ riêng tôi Thầy Lợi là điểm tựa tinh thần. Học hỏi và sống cuộc đời dung dị như Thầy không phải dễ đâu. Lúc Thầy ra đi, không biết trong hoàn cảnh khó khăn lúc này có đứa học trò nào đến để chào vĩnh biệt Thầy không?

Trầm Vũ Phương

New Orleans, ngày 25 tháng 3 năm 2020 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét