Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Tiếp Nối Một Gia Phả

Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân 

Bữa tiệc bắt đầu náo nhiệt. Nhà hàng vốn yên tĩnh nhất, bỗng sôi sục, xé tung đất trời bằng
hàng tràng pháo dài như đạn tiểu liên. Khoảnh sân rộng rãi phía trước, lố nhố xe du lịch đời mới đủ loại. Trên sân rộng thênh thang, dưới bóng một tấm bạt xanh lơ, những dãy bàn chạy dài, chen chúc đám đông ngồi túm tụm chuyện trò, chờ đợi một độ nhậu "quắt cần câu".

Người anh cả đại diện gia đình, trịnh trọng trong bộ âu phục tân thời, lắc lư khuôn mặt phì nộn, đỏ tía như mồng gà:
- Thưa quí vị, hôm nay là ngày giỗ cha tôi. Trước hết, thành thực cám ơn sự tham dự nhiệt tình của đông đảo quí vị. Kế đến, tôi xin thắp một nén hương tưởng niệm người quá cố. Sau đó, chúng ta thoải mái nhập tiệc, thoải mái vui chơi...cho tới khi rượu cạn quán.

Tiếng vỗ tay trườn lên, mạnh mẽ hơn tràng pháo đón khách.Những cái miệng hô hố há lớn, tung ra giọng cười rờn rợn khoái trá, khi thức ăn bốc khói nghi ngút, được nối đuôi bày biện. Nén nhang cháy tích tắc, tàn vừa cong xuống hình lưỡi câu, người anh cả lật đật xá xá, tuyên bố nhập tiệc. Bộ sa-lông dành riêng cho thượng khách, chiếm lĩnh giữa nhà hàng. Trên đó, lù đù một ông đầu hói, khuỳnh khuỳnh cái bụng gần đụng cạnh bàn. Ngồi bên phải, gã nhỏ thó hơn, lưng khom khom, đầu gật gật, lúc nào cũng cười khục khặc trong cổ họng. Người anh cả sà xuống chiếc ghế trống. Thùng bia lon hấp tấp kéo ra. Từng sơn hào hải vị được chủ nhân khéo léo, lịch lãm mời mọc.
- Ê, thằng tư! Anh hai khâm phục chú mày. Đám giỗ giảm nhiều nghi thức rườm rà.
Khuôn mặt phì nộn rúng rính, nụ cười toe ra, muốn toét mang tai.
- Thời đại mà anh hai! Ở các nước phương tây, người ta đâu cần phải nhiều nghi thức, xưa quá!
Gã nhỏ thó gật gật, "vuốt" theo câu nói chủ nhân:
- Anh tư đã giảm nhiều nghi thức rườm rà. Xưa quá.
Họ vừa vuốt ve, vừa cụng ly, vừa ngồm ngoàm nhai thức ăn. Chẳng mấy chốc, thùng bia khác kéo ra, và ...thùng khác lại kéo ra. Sơn hào hải vị được khéo léo "châm" tiếp tục, chẳng bao giờ vơi.
- Này, mỗi người đều phải "leo" đủ ba chuyến xe quan trọng nhất trong đời. Chuyến xe nôi lúc đẻ ra. Chuyến xe hoa khi trưởng thành, và chuyến xe tang cuối cùng. Lão già nếm mùi đời rồi. Giờ ngồi yên trên bàn thờ, ngó bọn mình lũ lượt bước theo.
Ông đầu hói khề khà lý sự:
- Đúng. Tất cả ba chuyến xe. Chuyến cuối cùng vào lòng đất.
Gã nhỏ thó đang "gặm" đùi gà, vội nhép nhép, gật gù.
Bữa tiệc bắt đầu nhốn nháo. Vài người đã lớn tiếng thô lỗ, tay chân vung ra, múa may loạn xạ. Có kẻ nôn tại chỗ, khuôn mặt co rúm, nhăn nhó một cách lố bịch. Tuy vậy, khuất lấp đâu đó, vẫn còn lí nhí giọng nói chúc tụng, tâng bốc nhau thấu tận mây xanh.

*
Đêm mênh mông. Thành phố đang chìm sâu trong giấc ngủ yên lành. Ngôi nhà có bữa tiệc sáng rực ánh đèn. Trước bàn thờ sực nức trầm hương, một thiếu phụ duyên dáng, ngồi trầm tư trên ghế, đôi mắt đỏ hoe. Cạnh đó, người anh cả đang ngậm tẩu, đi đi lại lại quanh phòng, chập chờn khói thuốc.
- Năm tới, xin phép anh cho em được giỗ ba riêng.
Không khí ngôi nhà ngột ngạt. Khuôn mặt đỏ tía như mồng gà, chợt tái lại.
- Hử? Em không về giỗ ba như thường lệ, vui vẻ hơn?
- Buồn thảm hơn. Em nghĩ, ngày giỗ để tưởng nhớ người quá cố.
Người anh cả khoát tay, hằn học cắt lời em gái.
- Chính do thế, tôi mời bà con đông đảo để...
- Để nhậu. Để tâng bốc, nịnh hót lẫn nhau. Để thưởng công, khoe khoang cá nhân. Để mạt sát, thóa mạ, quay cuồng trong men rượu, ngợp ngụa bên mâm cao cỗ đầy.
Cái tẩu ném phụp xuống bàn, vung vãi những tàn thuốc dở dang. Đôi mắt trừng lên, sáng loáng như một lưỡi dao, cứa vào vành môi khả ái của thiếu nữ.
- Vậy, cả lũ phải dập đầu khóc lóc, ôm mặt nức nở...mới gọi là tưởng nhớ?
- Tại sao anh không dành những giây phút nghiêm túc nào đó để đọc lại gia phả, nhắc lại tiểu sử ba cho con cháu noi theo? Tại sao anh lại biến ngày thiêng liêng này thành bữa tiệc nhậu rất phàm tục? Mười năm, hai mươi năm nữa...Các con, cháu, chắt, chít...sẽ biết gì về ông ngoại, nội, sơ...của chúng nó?
Cú đá bỗng tung rầm. Chiếc ghế vô tội nằm lăn kềnh giữa nhà. Người anh cả dồn mọi căm tức vào đôi chân, run bần bật.
- Gia phả hử? Tiểu sử hử? Vỏn vẹn chỉ là một lão giáo mạt rệp.
- Lão giáo mạt rệp? Đúng! Nhưng lão giáo thanh cao, trong sạch suốt đời. Lúc lâm bệnh phải nằm nhà thương thí, trong khi con vung vít, tiệc tùng ngày đêm nơi các quán nhậu. Lúc ba thở hơi cuối cùng, anh làm đám tang trọng thể, cốt lấy tiền phúng điếu để vun quén riêng tư.
Những cái tát nẩy lửa, đột ngột giáng mạnh vào đôi má, giáng mạnh vào trái tim thiếu phụ.
- Câm ngay! Đồ nữ sanh ngoại tộc.
Thiếu phụ bật mạnh như lò xo, đầu đập vào thành ghế, mái tóc xổ tung, phất phới như những sợi mưa đen huyền. Trước khi gục mặt vào đôi tay yếu đuối, tức tưởi - hình như nàng cố ném vào đêm đen, lời phản kháng quyết liệt.
- Không, tôi không ngoại tộc. Tôi có dòng họ, cha mẹ, anh em, họ hàng...

*
Gia phả. Người ta tiếp nối một gia phả như thế. Người ta dùng nhiều từ ngữ hào nhoáng như : trào lưu, hiện đại, mô-đen, thời thượng...để muốn bôi xóa, quên lãng đi ý nghĩa đích thực của con người. Chắc chắn, cuộc tranh cãi giữa anh em nhà nọ còn diễn ra gay gắt, dữ dội. Vì một bên đại diện cho đạo lý, một bên đại diện cho tân thời. Bên nào cũng có sức mạnh của nó.

(San Diego 06/1995)

PHẠM HỒNG ÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét