Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Du Hành Trong Mùa Coronavirus - Kỳ 2

Ký sự của Thanh Hà

1/-
Tôi viết những lời dưới đây không chỉ với mục đích trao đổi thông tin về Coronavirus mà còn là một kiểu” vật lý trị liệu” tâm hồn. Để giảm bớt sự lo âu hoang mang , trấn an và tự trấn an trước kẻ thù nham hiểm giấu mặt, hoàn toàn vô hình, nhỏ li ti nhưng có thật mà nó có thể tạo ra một hiệu ứng gây kinh hoàng còn hơn trận động đất, cơn sóng thần, núi lửa phun trào, cháy rừng hoặc băng tuyết tan vùi lấp mọi thứ mà nó tràn qua.

Vì những thiên tai ấy chỉ xảy ra ở một phần của quốc gia nào đó, gây chết chóc cho một bộ phận dân chúng nào đó, phần còn lại vẫn bình yên. 

Bom nguyên tử cũng vậy, dù di chứng ảnh hưởng đến vài thế hệ sau nhưng chỉ    gây ra tàn phá chết chóc cho một vài quốc gia như Nhật, Nga Sô cũ ( Chernobyn). Ngay cả hai trận Đại Chiến Thế Giới I và II 1914, 1945 dù binh lính Mỹ, Canada có tham dự, các mặt trận chỉ xảy ra ở châu Âu, Á, Phi mà thôi. Như  Thuỵ Sĩ nhỏ bé thuộc châu Âu, Hitler loại trừ không xâm lấn vì nhiều lý do có lợi cho nước Đức.

Còn đại dịch Covid-19 nầy là một trận chiến khác hẳn với mọi trận chiến trong lịch sử mà nhân loại phải đối phó. Có chăng là so sánh nó với trận dịch Tây Ban Nha 1918-1919 ước đoán chết từ 50 đến 100 triệu người kéo dài khoảng 18 tháng?

Lúc đầu người ta gọi đích danh con virus này là Corona Wuhan (Vũ Hán). Nó tàn bạo nhưng lại đối xử “công-bằng-siêu-tuyệt-đối”bằng cách phân phối nỗi kinh hoàng về sự chết lên toàn thể con-người y hệt nhau không miễn trừ một ai —vua chúa, hoàng tộc, tổng thống, tỷ phú, tăng giới, nghệ sĩ, dân đen, hiền lương hay hung ác, người cao niên hay trẻ trung. Ừ, trẻ trung thì ít nguy cơ bị hạ gục hơn người yếu đuối thể xác, thế thôi—. Nguy cơ lây nhiễm lần nầy được chia đều, tuyệt đối.

Thử đưa ra một vài nhân vật nổi tiếng như Hoàng tử xứ Monaco, vợ chồng tài tử Mỹ Tom Hank, Cố Vấn đặc biệt cho Giáo sĩ tối cao Iran (đã qua đời vì bịnh), bộ trưởng y tế Anh,..vợ chồng tài tử kiêm đạo diễn Pháp Alexia Laroche Joubert, danh sách còn dài những nhân vật quyền lực, tài tử….
Xin đừng nghĩ rằng chúng ta thiện lương thì chúng ta sẽ thoát, chúng ta đọc kinh nguyện cầu thì chúng ta sẽ được cứu nạn. Không, virus nầy là tên đao phủ vô tri, vô giác; chúng bất chấp quyền lực, tiền tài hay đạo đức;  chúng chỉ biết nhào vào bất cứ ai mà vô tình chúng gặp trên đường đi của chúng. Chúng ta chỉ tự bảo vệ bằng cách lẫn tránh với mọi phương tiện tốt nhất như có thể nghĩ ra.

Trong lúc chờ đợi các nhà vi trùng học, các bác học..tìm ra phương thuốc chữa trị, chúng ta chỉ có mỗi một thượng sách trong 36 chước là Lẫn Trốn được chăng hay chớ mà thôi.

Trốn tại gia. Hạn chế chỗ đông người. Rửa tay đều đặn, mỗi lần 20 giây. Ra đường nhớ xử dụng nước khử trùng rửa tay mang theo. Tránh đối diện với những đôi môi xinh xắn của người quen đang nhả ngọc phun châu trực tiếp vào mặt chúng ta. Nếu mắc ho thì dùng khuỷu tay che miệng. (cậu cháu mà tôi kể là nhát gan run không dám bày tỏ mối tình câm với 1 cô gái V n, đùa là cậu dùng cái nách để che miệng khi ho. Chúng tôi nói con virus mà ngửi mùi nách của cậu thì hoặc sẽ rớt xuống đất chết hết hoặc bám vào lông nách và mọc rễ, cậu sẽ biến thành một cái cây- virus gây bịnh khốc liệt nhất). 

Trong những lúc sợ hãi bao trùm, chúng ta rất cần vài giây phút tự trào để giảm bớt căng thẳng.

2/-
Ngày 06.03.2020
Sáng 6:30’ phi trường Zurich.
Hai dì cháu qua cổng hải quan kiểm soát passport,  chả biết họ có gắn máy kiểm nhiệt ở đâu đó không mà không thấy ai cầm máy lăm le soi lên trán đo thân nhiệt, cũng không ai mang khẩu trang. Xong theo đoàn người lại băng tải hành lý chờ nhận valise. Lấy vé xe lửa đi thêm 200 km về nhà. Vì là ngày làm việc nên không ai đi đón. 

Trời lạnh. Tuyết rơi lất phất. -2 độ âm. Chả bù ở VN, nhiệt độ buổi trưa lên đến 35, 36. 
Áo khoác , khăn choàng, nón len, bao tay trùm kín mà vẫn thấm lạnh. Quái, hai tháng ở Vn làm cơ thể mình bớt chịu nổi với giá băng rồi chăng.

Hành khách có vẻ trầm tĩnh, che giấu nỗi bất an. Vẫn không ai mang khẩu trang.
Cháu gái tôi có cái bịnh là say tàu, xe, máy bay đến ói mửa. Nên vẫn mang khẩu trang loại có bộ lọc vi khuẩn tác dụng 36 giờ do bạn cô đặt mua đặc biệt cho chúng tôi trong chuyến bay. Cháu tiếp tục mang, cũng để che bớt gương mặt xanh xao vì mệt. 
Một người cha trẻ Thuỵ Sĩ dắt hai con nhỏ lên tàu. Đứa anh khoảng 4,5 tuổi nhìn cháu tôi lạ lùng trân trối. Cháu tôi kéo mạng xuống mĩm cười với cậu. Ba cậu phân trần vì sự tò mò của con trai:
—Vì trước giờ cháu chưa từng thấy ai che mặt nên lạ. 
Chúng tôi giải thích chúng tôi ở xa mới bay về . Ông hỏi tiếp, lịch sự :
—Vì sao cô phải bịt mặt, có phải cô bị nhiễm virus hay chỉ là phòng ngừa thôi?
—Chỉ là phòng ngừa ạ.
Khi xe lửa về tới ga, tôi kêu cháu gỡ mạng xuống đừng mang, kẻo thiên hạ ngỡ cháu bị nhiễm rồi tránh né sợ hãi.
Không hiểu sao nếu ai mang khẩu trang ra đường thì bị phản ứng tác dụng ngược như thế. Có một phụ nữ mang khẩu trang vào nhà hàng nơi bạn tôi làm, liền bị mọi người xầm xì bất mãn:
—Trời ơi, đã bịnh thì ở nhà đi, đến đây làm chi khiến lây nhiễm cho người khác. 

Nếu cơn dịch đã vô cùng đáng sợ, thì nỗi ám ảnh bị vướng bịnh mới càng đáng sợ gấp nhiều lần hơn chính cơn dịch gây ra. Bởi chúng ta đối mặt với kẻ thù vô hình nhưng lại hiện diện khắp nơi, chung quanh mà chúng ta không nhìn thấy . Rồi cứ tự hỏi thầm nó ở đâu ? Có đậu trên tay nắm cửa hay chiếc caddy bằng kim loại đồng, inox ? Có bám vào trái táo, xoài, dâu, mớ rau, bắp cải, khoai tây ? Có khi vô tình đi ngang một người bị nhiễm rồi nó ranh mãnh nhảy sang núp vào y phục ta mặc ? 

Ôi trời, tôi bắt đầu mad nặng rồi. Sau trận dịch nếu tôi sống sót, chắc tôi bị biến thành kẻ lập dị, gặp gì cũng sợ hãi mất chứ chẳng chơi.
Mấy ngày đầu bắt buộc phải mua thực phẩm, vài thứ cần thiết nên ra ngoài . Từ một tuần nay tôi ẩn nấp kỹ trong nhà để có cảm giác được an toàn.

Tôi bị ám ảnh đến nổi bất cứ dấu hiệu gì cũng đều quy tội cho cái tên corona tàn ác hết. Hơi ho một tiếng, hơi ớn lạnh 1 chút, hơi khan cổ tí tí, hơi nhức đầu… thế là hình ảnh con corona hiện lên rõ nét trong đầu ngay tức khắc.

Rồi nào tách nước sôi thả vào gói trà hoa cúc, vắt nhiều chanh, hai lát gừng, 2 muỗng mật ong…cách 2 tiếng lại một tách nữa…và lập lại nhiều lần như thế trong ngày. May mắn là chanh, gừng chưa bị khan hiếm như thuốc khử trùng tay. 
Nỗi sợ hãi biến tôi thành người lập dị thật sự chứ không chờ đến ngày đẩy lui được kẻ thù. Nghe khuyên đừng uống nước lạnh, nước nóng trên 30 độ thì mới diệt được con virus nếu lỡ nó chui vào cuống họng. Thế là mỗi lần đưa tách nước lên miệng thấy đã nguội thì ý nghĩ “ nước lạnh không làm chết virus” lại hiện ra, nhưng đôi khi lười quá cũng cứ vậy mà uống. Vừa uống vừa nghĩ về Corona !

Nhớ những ngày chót còn ở lại Rạch Sỏi, nhân theo vợ chồng em gái đến pharmacie tìm mua khẩu trang cho gia đình. Có chục người đứng chờ, tất nhiên ai cũng đeo mạng kỷ lưỡng. Bỗng tôi ho lên 1 tiếng. Thế là người phụ nữ đứng cạnh tôi vội dời tít sang phía góc bên kia. Nghĩ cũng buồn cười.
Đúng như câu: “ Tránh như tránh bịnh dịch” người ta hay dùng theo nghĩa bóng    để tỏ ý khinh chê kẻ nào mà mình ghét thậm tệ.
Bây giờ thì mới thật đúng nghĩa đen của nó.

Cháu trai tôi kể, hôm nọ cháu bị cúm, thỉnh thoảng có ho. Vô tình đi ngang một dãy hàng người đang đứng chờ mua khẩu trang ( cũng khẩu trang khan hiếm ), cháu ho vài tiếng. Hết thảy mọi người quay đầu tìm xem ai là tác giả , khiến cháu ngượng ngùng quá đổi vội lẩn đi như một người có tội ấy.

3/-Ngày 10.03.2020
 Mấy ngày về đây chỉ lẩn quẩn ra đến siêu thị Migros mua thực phẩm, đến pharmacie mua nước khử trùng tay . Canh mấy lần mới rinh về được hai chai nhỏ tẹo, một chai 125ml giá 10 đô, bình thường giá 1 đô. Đòi mua hai chai, họ lắc đầu :
—Hàng giờ rất hiếm, mỗi ngày chúng tôi chỉ nhận được số lượng giới hạn nên qui định mỗi người chỉ mua được một chai, xin lỗi !

Nhìn nhau cười thông cảm. Nói : Không sao . Rồi chạy qua pharmacie cách đó 200 m. Họ bảo nước khử trùng tay không còn, chỉ còn thuốc khử trùng vết thương, vết cắt. Chai 50 ml, giá 15 đô. Thôi kệ, có một ít để khử trùng tay khi ra ngoài còn hơn không gì hết. Lẹ làng quay về nhà chứ không dám hẹn gặp bạn bè uống nước tán dóc nữa.

Thử xem với một người yêu thích thiên nhiên, hoạt động thể thao ngoài trời mỗi ngày dạo bộ 10 km là chuyện quá bình thường. Khi đi chơi xa , đến các thành phố lớn —London, Paris, Amsterdam, Budapest, Geneve, Bruxelle …v..v..  20 km “ no problem” . Tôi tắm hồ tuần 3,hay 4 lần mà giờ bị quản thúc tại gia  thì sao  không bứt rứt bồn chồn cho được.
Tôi khác nào chim nhốt trong lồng. Thôi đành quơ tay quơ chân tập thể dục tại nhà, chờ cho qua khổ nạn nầy vậy.

Gặp vài người quen trên phố. Nếu thời bình thì chúng tôi đã ôm hôn ba lần theo phong tục người Thuỵ Sĩ . Nay không buồn bắt tay  chỉ đứng cách nhau trên 1m, (tôi thấy có kiểu chào mới là chạm vào khuỷu tay)  nói dăm ba câu rồi đường ai nấy đi cho nhanh.

Dù mọi người đều được thông tin và ý thức đầy đủ về dịch, nhưng không ai hốt hoảng thu gom hàng mang về nhà, thực phẩm vẫn tràn đầy trên các kệ. 
Khác hẳn vùng Thuỵ Sĩ Đức, bạn tôi nói người ta đã lo dự trữ nhu yếu phẩm từ cuối tháng 2 khiến có những ngày trong siêu thị các kệ hàng trống trơn.

Thuỵ Sĩ là một quốc gia nhỏ tẹo chỉ hơn 8 triệu dân nhưng có 3 thứ tiếng chính thức trong văn bản, giấy tờ: Đức, Pháp, Ý ( không kể thêm một tiếng địa phương ). Ai thuộc vùng nào thì xử dụng tiếng vùng ấy. May mắn tôi ở vùng nói tiếng Pháp nên sang Paris, Bỉ… không thành vấn đề về ngôn ngữ. Ngược lại tôi đến Thuỵ Sĩ-Đức hay Thuỵ Sĩ-Ý thì cứ như đến một quốc gia khác vậy.

4/-
Ngày 16.03.2020
Buổi sáng mắt nhắm mắt mở chưa ra khỏi giường tôi đã vội lấy ipad xem tình hình trận đại dịch bành trướng đến đâu rồi. 
Mỗi ngày, không, mỗi giờ là trang worldometer thay đổi con số đến phát hoảng. Con số người nhiễm, chết…tăng dần đều chứ không hề ngưng.
Bài viết kỳ 1 chưa kịp lên blog thì chúng tôi hay tin đảo Phú Quốc đã đóng cửa chợ đêm và yêu cầu tỉnh không đón khách ngoại quốc vì sợ lây nhiễm thêm, sau khi có hơn 200 người từng tiếp xúc với hai vợ chồng du khách người Latvia là người bịnh thứ 54 đã đến Phú Quốc dạo chơi. 

Thôi thế là Mặt trận miền Tây hết yên tĩnh rồi !
Không biết giờ các quán Hoà Giang, Seaview, Paradise, Ba-lê, Gió Biển, Sophia, Boulevard, King Coffee….và hàng trăm quán ăn, uống khác có còn đông khách như lúc tôi còn ở “bển” ?

Cầu nguyện. Chỉ biết cầu nguyện cho đừng ai bị lây nhiễm, mà lỡ có bị thì cũng sẽ chóng hồi phục.

Nhờ có internet nên tin tức trao đổi cập nhật nhiều lần trong ngày. Biết thì càng hoang mang lo lắng hơn chứ có lợi gì.

Con số người nhiễm virus ở Thuỵ Sĩ vượt qua ngưỡng 1000 , người chết 23.

5/-
Ngày 17.03.2020  

Tình hình mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng

Tối qua Ông Cố Vấn Liên Bang kiêm Bộ Trưởng bộ Y Tế Thuỵ Sĩ lên truyền hình thông báo sẽ áp dụng toàn quốc việc đóng cửa trường học, nhà hàng, khách sạn, các chủ doanh nghiệp nhỏ. Văn phòng chính phủ hay Bảo Hiểm y tế được mở nhưng không tiếp khách, chỉ liên lạc qua điện thoại hay mail. Chỉ các pharmacie và siêu thị vẫn mở bình thường.

Huy động quân đội khoảng 10,000  lính thực tập để sơ cứu người nhiễm bịnh .
Hai phần ba biên giới bị đóng cửa. 
Bước đầu sẽ có 50 tỷ franc (tiền Thuỵ Sĩ cao hơn đô la Mỹ chút ít)  được mang ra trợ giúp những nơi cần thiết trước.

Chuyển sang đài Pháp, cảnh đại lộ Champs-Élysées ngày thường xe cộ, du khách đông đúc nhộn nhịp náo loạn giờ vắng tanh vắng ngắt. Cảnh sát đứng chốt chặn nhiều ngã đường yêu cầu xe dừng để trình giấy cho phép lưu thông trong phố. Vì dân nếu không có việc cần thiết thì phải ở yên trong nhà.
Các bãi biển vắng lặng. Lác đác vài người đi dạo hít thở khí biển, bị cảnh sát chặn lại yêu cầu quay về .
Tình trạng bế môn toả cảng ở châu Âu hiện nay giống hệt như giới nghiêm thời chiến, chỉ còn thiếu không nghe tiếng đạn rơi bom nổ, và xác người thôi. 

6/-
Ngày 18.03.2020

Chừng như tin xấu về đại dịch vẫn chưa đủ, hôm nay lại thêm tin danh ca Thái Thanh đã vĩnh biệt chúng ta về bên kia thế giới! Bà hưởng thọ 86 tuổi.

Bà là một trong những ca sĩ có giọng ca tôi trân trọng yêu thích nhất. Trong lãnh vực âm nhạc người ta dùng danh từ diva để tôn vinh tiếng hát mà họ cho là ở tuyệt đỉnh bất khả so sánh , và chỉ vài người được tôn vinh như vậy trên toàn thế giới. Với cái nhìn riêng tôi về âm nhạc V N, nếu có ca sĩ xứng đáng được gọi là diva thì tôi sẽ nghĩ tới bà đầu tiên chứ không ai khác.

Thái Thanh với những ca khúc bất hủ, từ những tình ca dìu dặt du dương đến nhạc quê hương thấm đậm tình dân tộc. Nhắc đến Thái Thanh là tôi nhớ đến ngay những Tình Hoài Hương :

Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng ruộng vắng
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng, trời về khuya vẳng tiếng sáo đê mê…
….
Quê hương ơi, tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu
Cánh tay êm tựa mái đầu
Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu ( Phạm Duy )

Hoặc Nghìn Trùng Xa Cách:

Nghìn trùng xa cách
Người đã đi rồi
Còn gì nữa đâu mà khóc với cười
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau… ( Phạm Duy )

Nhất là giai điệu thánh thoát du dương của bài Giòng Sông Xanh ( Blue Danube)

Một giòng xanh xanh, một giòng tràn mông mênh
Một giòng nồng ý biếc, một giòng sầu mấy kiếp 
Một giòng trời xao xuyến, một giòng tình thương mến
Một giòng còn quyến luyến, một giòng nhớ
Quay về miền đời lúc mơ huyền…
( Johann Strauss, Phạm Duy phổ nhạc )

Tôi đã một lần được xem live show ban nhạc Thăng Long bà và các anh của mình trình diễn trong đại nhạc hội sân khấu dựng ngoài trời vào năm 1972, 1973…( không chính xác ) theo trào lưu giống các ban nhạc The Beatles, Rock &Roll,…Đã yêu giọng ca mà còn được thấy người trong thực tế, thử tưởng tượng  cảm giác tôi hạnh phúc thế nào.

Mở ngoặc: Nhân nhắc về ca sĩ thời hoàng kim xưa, sẵn tôi khoe luôn là năm ngoái tôi có duyên gặp và gần gũi với một danh ca hàng đầu khác của VNCH nhân dịp cô sang Thuỵ Sĩ thăm gia đình em trai sống cùng thành phố với tôi. Tôi chơi khá thân với vợ chồng cháu ruột gọi cô là cô nên thời gian gần tuần lễ cô ở đây, chúng tôi gặp nhau mỗi ngày. Lúc ở nhà em trai , nhà cháu cô, lúc đến nhà tôi tổ chức tiệc giữa chục thân hữu, lúc đến nhà người bạn khác. Tôi đã ngưỡng mộ tài năng ca hát, diễn kịch, đóng phim của cô nay có dịp chuyện trò tôi càng quí hơn bởi sự giản dị, dễ gần không chút khoa trương ngạo mạn. Cô kêu tôi gọi cô là chị cho thân mật, và tôi giờ kêu cô bằng chị; nhưng ở đây tôi dùng tiếng “cô” để nghe trang trọng hơn. Tôi để dành tiếng gọi “chị” khi truyện trò với chị riêng đời thường. Người này không ai khác chính là ca sĩ Thanh Lan.

Xem tiếp tin tức. Trời ơi, lại thêm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo cũng qua đời. Hưởng thọ 87 tuổi. Thế là một trong những vị tướng của quân lực VNCH lại rời bỏ chúng ta. Lần lượt, lần lượt…

Nén hương lòng cho những người vừa ra đi. Cầu xin họ bình an nơi cõi vĩnh hằng.

7/-
Ngày 20.03.2020

Số người nhiễm bịnh lên đến con số 254.701. Số người chết đã vượt qua ngưỡng 10.447 . Quốc gia bị nó ghé thăm là 183, thêm vào chiếc Diamond Princess vẫn còn lênh đênh trôi nổi ở Yokohama , Nhật với 773 người nhiễm
Còn Thuỵ Sĩ của tôi giờ 4898 người nhiễm, 43 chết.

Tôi phải dừng viết về Wuhan coronavirus ở đây. 
Càng nhắc nó thì nỗi sợ càng tăng, gây khủng hoảng tinh thần chứ không giảm stress.

Cầu mong dịch bệnh sớm ngưng để nhân gian đừng sống trong sợ hãi, lo lắng nữa.

Thanh Hà
La Chaux de Fonds, le 20.03.2020





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét