Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Nàng Thơ

Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân 
(Trích trong tuyển tập Văn Thơ "Lác Đác Xuân Rơi") 

Tôi bắt đầu làm thơ ở tuổi mười lăm. Cái tuổi của mộng mơ, của kiếm tìm. Thực ra, mộng mơ điều gì đó? kiếm tìm điều gì đó? Với tôi, thuở đó –không thể giải bày được. Có lẽ, không thể giải bày được, nên tôi mới lao đầu vào thơ. Tập tành làm thơ. Tìm một “sư phụ” để cố vấn cho ước muốn của mình.
   “Sư phụ” tôi chẳng ai xa lạ, là ông anh láng giềng – anh Lường – lớn hơn tôi khoảng vài ba tuổi. Nhà anh Lường ở mặt tiền. Cửa nhìn ra lộ. Nhìn thẳng phía bên kia, là cây me keo xanh biếc, lúc nào cũng soi bóng mơ màng xuống dòng kinh phẳng lì, nước trong leo lẻo. Nhà tôi nghèo, nằm đằng sau nhà anh, cách nhau bởi một lối đi nhỏ vòng vèo. Anh Lường thường bắt ghế trước hiên, hút thuốc liên miên. Mỗi lần hút thuốc, tôi thấy anh luôn ngó ra dòng kinh, như thả hồn theo gió mây, rồi loay hoay xé bao thuốc lá ra, hí hoáy viết lên trên đó. Mỗi lần viết xong, anh rung đùi liên hồi, đọc đi đọc lại, có vẻ thích thú lắm. Một hôm, sau khi hí hoáy xong, anh khoan khoái áp bao thuốc lá vào ngực, mắt lim dim như đang thả hồn vào cõi bồng lai sâu thẳm nào. Không dằn được tính tò mò, tôi nhẹ nhàng nín thở, lê bước đến gần…
   Chưa kịp xác định được những dòng ngoằn ngoèo kỳ diệu trên bao thuốc, tôi đã bị anh chộp ngực la lớn:
   - Mày…mày định…ám sát tau, phải không?
   Tôi lính quính, đưa hai tay lên trời:
   - Không, oan cho em! Em định đến gần anh để xem anh viết hay vẽ chi trên bao thuốc?
   Anh đẩy tôi té nhào xuống nền đất, rồi dí bao thuốc vào mặt tôi:
   - Tau vẽ bùa, viết phép. Mà không, những cái này còn thiêng hơn bùa phép. Mày còn con nít, chưa hiểu đâu?
   - Em đã quá mười lăm. Lớn chồng ngồng rồi.
   Anh Lường tát nhẹ vào mặt tôi một cái:
   - Lớn chồng ngồng cũng chưa chắc hiểu được. Nếu kẻ đó không biết chi về Thơ!
   Tôi lặng lẽ nhìn anh Lường một cách khâm phục:
   - Thơ? Nhưng tại sao nó thiêng hơn bùa, hơn phép vậy anh?
   - Bùa phép có thể dùng để kiếm tình yêu. Nhưng với Thơ, tự nhiên tình yêu sẽ tìm đến với mình.
   Tôi hí hửng, tuôn trào:
   - Em cũng thích thơ. Anh làm ơn dạy em đi!
   Anh Lường làm thinh, lặng lẽ móc trong túi ra ít tiền, trao tôi:
   - Này, mày đi mua dùm tau nửa gói thuốc!
   Tôi lắc đầu, không nhận. Rồi ba chân bốn cẳng, chạy nhanh đến tiệm, hào phóng mua nguyên gói thuốc thơm cho anh Lường. Tôi hân hoan tặng anh. Hân hoan hối lộ một gói thuốc. Bởi tôi biết, làm thơ chẳng phải dễ. Rất hiếm hoi thi sĩ trên trái đất này, trên cõi đời này. 
   Tôi ngồi bẹp xuống thềm nhà, bên anh Lường, chăm chỉ và chờ đợi những lời chỉ giáo vàng ngọc của anh. Nhưng anh vẫn im lặng, trầm tư nhìn lên cây me keo bên dòng kinh phẳng lặng. Lát sau, thật lâu, anh từ từ rút điếu thuốc ra, lặng lẽ đưa lên môi, bật diêm, khoan thai rít một hơi dài. Lúc làn khói trắng, từ mũi và miệng anh, ẻo lả bay ra, cuồn cuộn lan cao – anh mới thật sự thì thầm:
   - Muốn làm thơ, mày phải có Nàng Thơ.
   Tôi băn khoăn:
   - Nàng Thơ? Em…kiếm ở đâu ra?
   - Ở trong thế gian này, trong cõi đời này, trong xóm này, trong trường mày, trong lớp mày…Trong bất cứ nơi đâu…
   Tôi vẫn băn khoăn:
   - Xin anh nói rõ hơn. Em chưa hình dung được.
   - Gần gũi với mày nhất, là lớp học. Mày nên tìm Nàng Thơ ở trong lớp mày học.
   - Nhưng…Nàng Thơ phải ra sao? Hình dáng như thế nào?
   - Dĩ nhiên nàng phải đẹp, phải mặt hoa da phấn. Dáng dấp phải kiêu sang. Nói năng phải dịu dàng.
   - Nhưng con gái loại đó, làm sao em “cua” được?
   Anh Lường “cốc” lên đầu tôi. Cái mu bàn tay anh cứng quá, làm đau nhói cả vùng thái dương.
   - Mày ngu quá! Ai bảo mày “cua”? “Cua” được thì hết chuyện. Làm thơ chi cho mệt?
   Tôi gãi đầu, xoa xoa chỗ đau:
   - Vậy chớ…kiếm Nàng Thơ để làm gì?
   - Ðể…trồng cây si, để…thất tình. Chỉ có đau khổ, người ta mới làm thơ được. Mày không thấy những thi sĩ nổi tiếng trên trái đất này, đều có trái tim rướm máu như nhau sao?
   Chuyện kiếm Nàng Thơ theo tiêu chuẩn của anh Lường – đối với tôi – khó hơn chuyện mò kim dưới đáy biển. Phái nữ lớp tôi, đa số là dân ruộng, từ quê lên tỉnh học. Chị nào chị nấy đều trải qua quá trình lao động, dãi nắng dầm sương, suốt ngày ngoài đồng. Ðâu có ai còn giữ dáng dấp kiêu sang, mặt hoa da phấn? Vả lại, vì thời cuộc, vì chiến tranh, các chị phải đi học trễ. Nên tuy cùng lớp, họ đã thuộc thế hệ đàn chị, lớn tuổi hơn tôi nhiều.
   Thời gian trôi qua, rất lâu, tôi vẫn chưa kiếm được Nàng Thơ một cách toại nguyện. Các bài thơ vẫn lỡ điệu thất vần. Có câu gượng ép. Có chữ sáo ngữ. Anh Lường hậm hực mỗi ngày, mặc dù trên môi anh, lúc nào cũng có điếu thuốc thơm của tôi thường trực đem đến.
   Chợt một hôm, có chiếc xe Jeep cảnh sát chạy tới, đậu trước cổng trường. Vị sĩ quan trung niên vừa mở cửa bước xuống, lẽo đẽo theo sau là một cô bé tóc dài, thướt tha trong tà áo dài khuê các. Hai người khoan thai bước vào hiên trường, rồi dừng lại trước lớp tôi.
   - Tôi xin giới thiệu. Ðây! Em Công Tằng Tôn Nữ Thư Há vừa theo ba mẹ từ Huế, thuyên chuyển về đây. Chúng ta vỗ tay, hân hoan chào đón bạn mới.
   Thầy tôi vừa dứt lời, Thư Há bẽn lẽn bước đến chỗ ngồi, giữa những tràng pháo tay vang dội khắp lớp. Tôi biết, lời giới thiệu trịnh trọng của thầy tôi, chứng tỏ cô học trò mới thuộc gia đình có thế lực. Hay ít ra – cũng là một tiểu thư lá ngọc cành vàng.
   Trong vườn hoa cằn cỗi, chỉ cần đóa hoa dại nào đó biết thắm sắc tỏa hương, cũng được thiên hạ tôn vinh là đóa hoa đẹp. Thư Há nằm trong tình trạng này. Nàng nghiễm nhiên trở thành thần tượng của bọn con trai. Nàng làm xôn xao trường học. Làm bọn đàn chị ganh tỵ. Làm các bậc tu mi điêu đứng. Làm tôi một phen phải quắt quay, xính vính. Cả lớp học từng có không khí nghiêm trang ngày xưa, bây giờ sôi động hẳn lên, như có giông tố, gió bão từ đâu thổi về.
   Riêng tôi, mừng quá, vì đã kiếm được Nàng Thơ cho mình, theo đúng tiêu chuẩn của anh Lường. Tôi hí hửng tìm sư phụ, báo cáo kết quả.
   - Anh ơi, em đã có Nàng Thơ. Nàng vừa từ xa đến, học lớp em.
   Anh Lường lôi tôi ra cây me keo, ấn tôi ngồi xuống gốc, rồi mơ màng nhìn ra dòng kinh phẳng lặng:
   - Em thế nào? Dung nhan ra sao? Nói rõ ràng đi!
   Tôi cố nhớ hình ảnh Thư Há. Cố nhớ những điều làm tôi rung động, ngay từ lúc nàng rón rén, bước những bước đầu tiên vào lớp học. Nhưng tôi cứ lắp bắp, ấp a ấp úng, không thể nào diễn tả nhan sắc Thư Há một cách xuông xẻ, theo ước muốn của anh Lường.
   - Mẹ, mày ăn nói úp úp mở mở như thế kia, làm sao tau hình dung được cái gì? Ðược rồi, ngày mai tau sẽ đến tận lớp, đứng bên cửa sổ nhìn vô. Mày chỉ nàng cho tau nhé!
   Ngày mai, anh Lường đến lớp thật. Anh đứng tựa cửa, hút thuốc, nhìn chăm chăm về Thư Há, như muốn ăn tươi nuốt sống nàng. Biết có người đang ngắm nghía mình, Thư Há vuốt nhẹ mái tóc, môi dưới trề ra, miệng nở nụ cười mím chi, đôi mắt chớp chớp như cố tình đá lông nheo với anh Lường.
   Chiều về, anh Lường mò đến nhà, lẳng lặng kéo tôi ra sân, thân mật dúi vào tay tôi một điếu thuốc thơm.
   - Nàng Thơ mày quả thật tuyệt vời! Tuy không đẹp như Tây Thi, nhưng có làn da trắng trẻo, đôi mắt lãng mạn, nụ cười đa tình. Ngần thứ ấy, đủ để mày làm thơ suốt đời.
   - Ðôi mắt lãng mạn là thế nào? Nụ cười đa tình là ra sao, vậy anh Lường?
   - Mẹ, mày ngu như bò. Mày không thấy khi nhìn trai, đôi mắt nàng lờ đờ như đôi mắt cá ươn sao? Và nụ cười, nụ cười lúc nào cũng nửa miệng. Như mời gọi, như đón chờ, như đưa người ta vào cõi thôi miên vô tận?
   Tôi vỗ đùi, khoái trá:
   - Ừ, em biết rồi! Như nàng có bùa, phải không? Bọn con trai lớp em mê nàng đến điên cuồng. Thằng nào thằng nấy cũng sẵn sàng nhào vô, chết vì nàng.
   Từ khi có Nàng Thơ, tôi bắt đầu tư lự, bỏ học dài dài. Theo anh Lường, muốn làm thơ hay, phải trồng cây si, phải thất tình. Trồng cây si, với tôi, có khó chi đâu? Buổi sáng, chịu khó ôm cặp, lẽo đẽo theo Thư Há đến trường. Hoặc mỗi đêm, lòng vòng quanh nhà nàng, rồi len lén đứng núp sau hàng rào dâm bụt, nhìn trộm bóng dáng nàng, lung linh lúng lính dưới ánh đèn nơi bàn học. Anh Lường còn nói, thỉnh thoảng phải có chút rượu làm chất xúc tác cho thơ. Rượu là men đời, là thần sầu. Có nó, ta đi vào thơ một cách dễ dàng và kỳ diệu.
   Tôi lại bắt đầu uống rượu. Cái gì, lúc bắt đầu cũng quá khó khăn, khổ sở. Nhưng sau đó, quen dần, quen đến độ như ghiền. Những ly rượu đế cay xè, được bè bạn chuyền tay nhau đưa lên môi, sao khó khăn hơn uống độc dược? Những ngụm rượu đụng vào lưỡi đã tê điếng các giác quan. Nuốt đến cổ, chưa chi đã nóng ran cả lồng ngực, cháy xé cả ruột gan. Vậy mà, chẳng bao lâu, hết xị này đến xị khác, tôi nốc lia chia, cho đến khi hình ảnh Thư Há hiện lên, chập chờn dẫn tôi vào cõi thơ.
   Trong lúc tôi gắn bó với Nàng Thơ, say sưa với ước muốn đầu đời, thì anh Lường – bỗng dưng – biến đâu mất tăm. Nhà anh, suốt ngày, đóng cửa thin thít. Trước hiên, cái ghế anh thường ngồi làm thơ, bây giờ bụi đóng loang loáng. Vài mẩu giấy vụn, quanh đó, vung vãi. Lâu rồi, chúng vẫn còn nằm trơ, y nguyên một chỗ. Chỉ có buổi tối, thỉnh thoảng, rất khuya, bên nhà tôi nhìn sang, mới thấy bóng anh Lường nhấp nha dưới bếp. Anh nuốt vội những thìa cơm nguội muộn màng, để cho kịp giấc ngủ đang chực chờ lao nhanh đến. 
   Cho tới một hôm, bất chợt, có tiếng con gái cười khúc khích, từ trong nhà anh vọng ra. Tiếng cười quen thuộc, thân thương – hình như tôi từng nghe loáng thoáng nơi đâu? Phải chăng, đôi lúc nó vút cao như tiếng chim họa mi cuống cuồng tìm bạn, rồi chợt rơi xuống đến tận cùng âm thanh, tiếng cười bỗng trầm đục như tiếng vỡ của chiếc bình cổ quí giá. Tôi cố lục dần trí nhớ. Ðúng rồi! Tiếng cười của Thư Há. Của thần tượng. Của Nàng Thơ tôi.
   Tôi đứng chết trân trên lối đi vòng vèo, phía sau nhà anh Lường. Tôi cố áp tai vào vách, lắng nghe điều gì sẽ xảy ra, sau cái âm thanh khúc khích kiêu sa đó. Và tôi chỉ nghe hơi thở Thư Há quyện cùng hơi thở anh Lường, lúc dồn dập, lúc khắc khoải, như nhịp đập của trái tim sắp tung ra khỏi lồng ngực.
*
   Tôi đợi con bé ở tầng dưới thư viện. Chắc chắn giờ này, con bé sẽ đến. Cái cầu thang thoai thoải, uốn cong như con rắn khoanh tròn, dường như, nó muốn xoải lưng cất cao, chờ mong bàn chân tiểu thư của con bé dẫm lên. Tôi đứng ở đây, mỗi chiều, vào giờ này, suốt hai tháng trời. Từ khi tôi bắt gặp con bé cầm quyển việt ngữ trên tay, chăm chú đọc từng trang. Từ khi con bé ngước lên nhìn tôi. Mái tóc buông lơi, phất phơ theo gió. Có những sợi tóc mai mỏng mảnh bám nhẹ vào môi. Vành môi đỏ hồng phía dưới trề ra, để lộ nụ cười nửa miệng, nhếch nhác. Cùng lúc, đôi mắt ngơ ngác, nghệch ngạc đến độ gượng gạo. Rồi thình lình, đôi mắt ấy ánh lên một màu vàng đùn đục, tương tự màu nắng hoàng hôn đang lồng lộn giẫy giụa giữa sóng nước trùng khơi. Thoáng chốc, tôi sửng sốt, bàng hoàng, muốn rơi rụng cả chân tay. Con bé như bản copy tuyệt hảo nhất của tạo hóa. Con bé giống Thư Há như đúc, như in.
   - Chú ơi, cháu muốn ra biển với chú, chiều nay.
   Cái cầu thang như lập cập động đậy. Con rắn uốn cong, trở mình. Bàn chân nõn nà vừa dẫm lên, một nấc, hai nấc. Tôi nghe tiếng phần phật từ vạt áo con bé, tự nhiên chạm vào tay tôi, rát rạt.
    - Cháu không ở thư viện đọc sách sao?
    - Ngưng một bữa chú ạ! Cháu vừa có tin vui. Má cháu ngày mai qua đây. Vui quá, cháu chỉ muốn đi lòng vòng, với chú.
   Tôi bỗng muốn quỵ xuống, mừng rỡ đến run cả đôi chân. Mai này, tôi sẽ gặp lại Thư Há. Tôi sẽ thật sự đối diện với Nàng Thơ, mà 42 năm qua, đã có một thời làm ngôn ngữ tôi bật khóc. Rồi trong cơn chập choạng của trí nhớ, tôi luống cuống nắm chặt cánh tay con bé, chạy như bay ra bãi đậu xe.
   Biển, chiều nay, không đẹp. Mây vần vũ bên kia, làm mù đục góc trời. Ngoài khơi, sóng tung tăng như bầy ngựa hung hăng, bờm dựng lên trắng xóa, đua nhau phi thẳng vào bờ. Âm thanh đì đục, đùng đùng, vang dội khắp đất trời, dường như phá tung cả hư không. Tôi cởi giày, chạy theo con bé. Cát mềm nhũn dưới chân. Nó lão nhão, sền sệt như lớp phù sa nào đó, trên đồng bằng Cửu Long ngày trước. Tôi cứ nhắm màu áo con bé chạy tới, cho đến khi con bé lăn đùng bên gờ một đụn cát. 
   - Chú ơi, cháu có đọc thơ chú trên báo. Nhưng bài thơ nào chú cũng viết về biển. Tại sao biển luôn canh cánh trong lòng chú vậy?
   - Ơ, dễ thôi! Vì ngày xưa chú là lính biển. Biển luôn bên cạnh chú, luôn thao thức với chú từng tháng rộng, năm dài.
   - Riêng cháu, cháu ghét biển vô cùng.
   Tôi nhìn vào mắt con bé. Biển lung linh trong đó. Giông tố, bão bùng khuấy động trong đó.
   - Sao vậy cháu? Sao ghét biển đến vô cùng thế?
   - Biển đã cướp mất người cha thân yêu của cháu, trên chuyến vượt biên. Mẹ cháu từng tuyệt vọng, hóa điên cuồng.
   - Nhưng biển đã dẫn gia đình cháu đến bờ bến tự do…
   Con bé gục xuống đụn cát. Cánh tay vươn ra phía trước. Ðôi vai nhô lên như miếng bánh tráng căng phồng trong ngọn lửa. Chiếc cổ nõn nà, phập phều theo tiếng nấc ràn rụa của con bé. Tôi bùi ngùi, loay hoay quỳ xuống đụn cát. Gió thốc tháo, cuồng bạo, hốt tung váy con bé lên cao. Tôi nhắm nghiến mắt lại, để không muốn nhìn thấy đôi chân trắng nõn lộ ra, mềm mại chạy dài lên đến đỉnh đùi. Bỗng dưng, con bé xoay lại, xoải hai cánh tay nuột nà ôm chầm lấy tôi. Hương tóc, hương da thịt…và hình như, cả hương nước mắt nữa…đua nhau xộc vào mũi tôi, khiến tôi cứ lềnh bềnh ngất ngây trôi trên vùng cảm giác tuyệt vời.
*
   Tôi chọn mua bó hoa rực rỡ nhất, rồi lẽo đẽo theo con bé ra phi trường. Lối vào gate đầy người. Ðèn xanh, đèn đỏ nhấp nha nhấp nháy trên các máy rà soát hành lý. Những đôi giày tháo tung. Những chiếc vớ tụt xuống. Những bàn chân trần lộ ra, trước cặp mắt dò xét của security. Ngành du lịch Mỹ đã mất đi vẻ thú vị tự do, sau đại nạn khủng bố năm 2001. Tuy vậy, con bé vẫn lẩn vào đám đông, chen về phía trước, đứng nhấp nhỏm ở lối ra để đón mẹ.
   Tôi co rúm như con sâu, ngồi thu lu nơi góc ghế, chăm chú nhìn theo con bé. Bó hoa hồng rực rỡ đang nằm trong tay. Tôi ôm nó vào lòng, siết chặt, như cảm thấy trái tim Thư Há bên cạnh trái tim mình. Ôi, ấm áp và thân thương biết bao! 42 năm trôi qua, sau cái đêm chợt nghe tiếng cười khúc khích kiêu sa của nàng, vọng ra từ nhà anh Lường. Chúng tôi biền biệt xa nhau. Không gặp nhau lần nào nữa. 42 năm mất Nàng Thơ, thơ tôi mãi đau đáu khơi dòng. Mỗi ý tưởng, mỗi vần điệu vẫn quằn quại bóng dáng nàng, vẫn phảng phất hơi hướm Thư Há. Tôi còng lưng vác túi thơ như vác thập giá đi khắp bốn phương trời. Thần tượng đã sụp đổ. Nhưng nỗi đau sụp đổ mãi còn nằm đó. Nằm trong từng con chữ, từng dấu ấn của thơ.
   Con bé chợt kêu lớn, rồi nhào đến ôm chầm một người đàn bà lạ. Tôi luống cuống đứng dậy. Trái tim tự dưng đập liên hồi. Hai tay run rẩy, đến nỗi bó hoa muốn chực rơi xuống nền gạch. Trời ơi! Thư Há đây sao? Một lão già còm cõi đang khục khặc ho trong vòng tay nhỏ nhắn của con bé. Mùa này, trời đang nóng, thế mà Thư Há khoác trên mình cái áo ấm dày cộm. Ðã vậy, xung quanh cổ còn quấn thêm lớp khăn choàng màu rêu xậm. Tôi cắn chặt vành môi, mở to mắt để cố xác định sự thật phũ phàng. Ðâu rồi bóng dáng kiêu sa với mái tóc thướt tha ngày trước? Ðâu rồi nụ cười nửa miệng, đôi mắt lãng mạn thăm thẳm trời sầu? Tất cả cái đẹp mất hết. Tất cả đều lùi vào quá khứ, chôn kín, mất tăm, theo bóng ma kỷ niệm. Tôi buông bó hoa rơi xuống ghế, lảo đảo ngó Thư Há một lần nữa. Tôi chỉ nhìn thấy cái lưng khom khom của lão già nào đó. Cái khuôn mặt tan tác hom hem của thời gian khắc nghiệt. Và mái tóc bạc phếu xác xơ đang giãy giụa mỏi mòn trên vầng trán khô khan nhựa sống. Bỗng nhiên, tôi nấc lên một hơi dài, rồi ôm mặt chạy như điên ra khỏi phi trường.
   Nắng hừng hực trên các ngọn cây, đổ hào quang xuống thềm đường, lấp la lấp lánh trong những lòng kính nơi parking lot. Chiếc xe, lúc này, nóng phừng phừng như có lửa đốt. Tôi chui vào ghế, gục đầu xuống tay lái, nghe quá khứ và hiện tại đua nhau cấu xé trong lòng. Thần tượng sụp đổ. Nàng Thơ già cỗi. Không lẽ đành để thơ tôi đi vất vưỡng vào ngõ cuối cuộc đời? Tôi chợt nhớ lời nói anh Lường năm xưa. Làm thơ phải có Nàng Thơ. Nàng Thơ phải đẹp, phải mặt hoa da phấn, dáng dấp kiêu sang…Ðúng rồi, muốn cứu thơ tôi ra khỏi cơn hấp hối, tôi đành đi tìm Nàng Thơ khác. Và tôi chợt nghĩ đến con bé. Chỉ có con bé là bản copy tuyệt hảo nhất của tạo hóa. Chỉ có con bé, trong lúc này, mới đủ tầm vóc lên ngôi thần tượng.
   Như có sức mạnh ma quái nào đó kéo tôi bật dậy, tôi mở toang cửa xe, ngó thẳng lên trời cao thăm thẳm. Rồi dường đắc chí điều chi, tôi chợt vuốt râu, cười hào sảng với mình. Phải chi có thuốc cải lão hoàn đồng thật sự, tôi sẽ nhắm mắt tu một hơi, cho trẻ lại như cậu thiếu niên ngày trước.

Phạm Hồng Ân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét