Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Buồn Vui Ngày làm Việc Cách Ly

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng 

1. Mở Cửa Sau Lệnh Cấm Túc Tại Nhà (Stay-At-Home Order)

Đã hơn hai tháng làm việc tại nhà, vẫn chưa quen, vẫn bồn chồn mong ngày trờ lại phòng làm việc thân quen. “Đâu có thấy ông làm việc gì đâu, toàn là họp cả ngày”, bà xã lên tiếng. Thật vậy, ở nhà làm thì ít mà họp tiểu nhóm qua WebEx, Zoom thì nhiều. Phần nối kết này liên hệ mật thiết với chức năng của phần thiết kế khác. Không đồng nhịp, không nối kết theo đúng quy trình thiết bị là “rối loạn”, vỡ toang những chức năng hạ tầng là tiêu tan cả hệ thống thiết kế… Bây giờ mới thấy nhớ cái ghế, cái bàn, những vật dụng nằm “lộn xộn” quanh tầm tay và những tiếng động lao xao trong chỗ làm. Thay đổi thói quen thật  không dễ chút nào! Nghĩ đến những ngày tháng phải về hưu sau này, chắc sẽ buồn và chưa sẵn sàng chút nào? Chợt thấy ngậm ngùi, đời người chưa làm được gì đã chuẩn bị tới tuổi phải ngồi yên, phải “vui thú điền viên” bất đắc dĩ… Thật ra lứa tuổi 60 trở lên, chúng ta mới thật sự phát triển khả năng chuyên môn và đóng góp “toàn bộ” sức lực tích cực nhất cho xã hội, cho gia đình. Đây là lứa tuổi mà kinh nghiệm tích lũy tràn đầy nhất, là lứa tuổi mà phần lớn con cái chúng ta đã trưởng thành, không còn bận bịu nhiều nữa; lứa tuổi có cái nhìn và cách sống đầm thấm, chín mùi hơn trong quan hệ với người chung quanh. Lứa tuổi mà chúng ta ý thức và quý trọng thời gian từng giờ, từng ngày… bởi thời gian không còn nhiều để do dự và tình toán thiệt hơn. Và chắc các bạn cũng không còn ngạc nhiên khi phần đông các nhà  lãnh đạo giới đều trên 60 tuổi! Lứa tuổi với đóng góp trọn vẹn nhất cho công việc, cho cộng đồng và cho xã hội. Do đó, bà xã cũng dần dà ý thức được và không còn cằn nhằn, hối thúc chồng về hưu nữa!

Sau vài tuần giữ khoảng cách ly xã hội (soxial distancing) ban hành, áp dụng nghiêm ngặt hơn với việc đeo khẩu trang khi ra ngoài, tình hình nhiễm dịch thành phố tôi ở đã thấy có chiều “khựng lại”. Số người tử vong vẫn gia tăng vì tuổi cao có bệnh sẵn, vì đưa tới bệnh viện trong tình trạng phổi đã bị viêm quá nặng bởi cơn dịch coronavirus này. Có hôm tôi nói với bà xã:
-Phải tuân thủ lệnh giữ khoảng cách ly xã hội, bắt đầu tối nay mình phải ngủ riêng!
Đang đọc báo mạng, bỏ iPad xuống bà xã liếc dài:
-Ba láp… Đừng hồng!!!
Sau hai tháng làm việc tại nhà, bà xã than thở:
-Muốn ăn gì anh nói, em hết “bài” rồi…
Mà quả thật như vậy. Thông thường, tôi chỉ ăn buổi cơm chiều ở nhà còn sang và trưa đều trong chỗ làm. Nay thì ngày 3 buổi, sáng trưa chiều chưa kể linh tinh giữa buổi. Thêm vào đó chuyện đi chợ mua thực phẩm lúc có lúc không, thiếu này thiếu nọ lấy đâu ra mà chế biến đồ ăn mỗi ngày. Bao nhiêu tài nghệ tích lũy, học hỏi từ mấy “sư phụ” youtuber mà thiếu nguyên vật liệu thì cũng bằng không. Bà ấy than van cũng phải. Hơn nữa, nhà chỉ có hai mạng già, thường mua đồ ăn ngoài tiệm đôi lần trong tuần cho tiện và đổi khẩu vị. Nay thì hàng quán đóng cửa, có mở thì cũng chỉ lèo tèo mấy món loại “to go”, vài lần là không muốn trở lại. “Thôi thì có gì nấu nấy, hơi đâu mà em lo”, tôi an ủi. Nói vậy nghe vậy, nhưng bà xã vẫn cứ thở dài. Thật là coronavirus quái quỷ này ảnh hưởng toàn bộ từ sinh hoạt xã hội đến cả buổi ăn trong gia đình.

Mấy ngày gần đây, công ty và nhóm tôi họp hành liên tục. Đang có kế hoạch “đi làm trở lại” theo chương trình “nới lỏng” của tiểu bang, dự trù vào ngày 22 tháng 5. Có thể chưa hoàn toàn hẳn, nhưng trong bước “mở cửa giai đoạn 1” dự trù vào khoảng 25% theo đúng tiêu chuẩn chung: đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và vẫn giữ khoảng cách ly xã hội. Như nhóm của tôi sẽ chia làm 2 hoặc 3 tiểu nhóm. Nhóm 1 sẽ trở lại làm thứ Hai và  thứ Tư. Nhóm 2 sẽ là thứ Ba và thứ Năm. Và nhóm 3 ngày thứ Sáu và thứ Bảy chẳng hạn. Cụ thể như thế nào thì vẫn còn nghiên cứu và sẽ có kế hoạch chi tiết cho từng bộ phận, cá nhân. Nhưng một điều chắc chắn là tất cả sinh hoạt của công ty không còn tồn tại như trước nữa. Mọi thói quen làm việc, quan hệ công việc và sinh hoạt giao tiếp chung quanh sẽ thay đổi, hoàn toàn thay đổi.

Chính quyền Hoa Kỳ, đúng hơn nội các tổng thống Donald Trump, đang điều tra nghi vấn coronavirus có khả năng “xuất phát” từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, Trung Quốc. Đồng thời một số quốc gia Âu châu như Anh, Ý, Pháp, Đức… đang tiến hành thủ tục kiện Trung Quốc trước tòa án thế giới vì “che đậy dịch viên phổi Vũ Hán”, để trở thành cơn đại dịch coronavirus toàn cầu. Gần đây có hai giả thuyết rất đáng quan tâm đến cơn đại dịch Coronavirus hiện nay. Giả thuyết thứ nhất: Coronavirus bắt nguồn từ một loài dơi (bat) ở  Vũ Hán, Trung Quốc. Đúng hơn là từ một khu chợ buôn bán thịt của các loài động vật hoang dã tại Vũ Hán. Người dân địa phương này có thói quen rất thích ăn cháo thịt dơi và uống rượu có pha máu dơi. Corona là tên loại virus tìm được từ loài dơi hơn mấy chục năm về trước, nhưng chưa có trường hợp truyền sang người được các nhà khoa học ghi nhận. Nhưng đến ngày 30 tháng 12 năm 2019, TS. Li Wenliang (Lý Văn Lượng), một bác sĩ nhãn khoa ở Vũ Hán, Trung Quốc, đã đăng một cảnh báo cho các bác sĩ từ lớp học y khoa của mình thông qua một diễn đàn trực tuyến WeChat rằng một nhóm bảy bệnh nhân đã không được điều trị thành công vì các triệu chứng viêm phổi do virus. Để cuối cùng bác sĩ Lý Văn Lượng đã qua đời vì chứng viêm phổi Vũ Hán do coronavirus vào ngày 6 tháng 2, 2020 khi mới 34 tuổi!

Giả thuyết thứ hai hay còn gọi là “Thuyết âm mưu”: cơn đại dịch toàn cầu Coronavirus là do con người tạo ra. Giả thuyết này không phải “là tin đồn” không có căn cứ, ngay từ các nhà chuyên khoa y học hiện đại. Dựa vào sự biến dạng của virus Corona từ người sang người, từ quốc gia này sang quốc gia khác và cả từ châu lục địa này sang thềm lục địa kia. Có những trường hợp nhiểm bệnh rất “huyền bí”, vượt qua ngoài mọi suy luận của cơ sở y học hiện đại. Một cách khác hơn, đây là loại chiến tranh vũ khí “sinh học” bị “vô tình” truyền ra bên ngoài phòng thí nghiệm hay được “cố tình” tung ra xã hội con người lây nhiễm. “Vô tình” hay “cố ý” nhằm mục tiêu gì, thì vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng? Ở đây chúng ta chỉ muốn ghi lại một điều: Coronavirus trong cơn đại dịch là do “con người” gây ra!
Cả hai giả thuyết, đúng hay sai – thật hay giả, đều nói lên một vấn đề khiến chúng ta phải cúi đầu suy nghĩ. Trong tất cả loài sinh vật cùng sống chung trên quả địa cầu bé nhỏ này, “con-người- là-sinh-vật-độc-ác-nhất”! Con người chiếm ngự, tàn sát các loài sinh vật khác đang muốn chung sống hòa bình với con người chúng ta! Con người là sinh vật biết nghiên cứu, tìm kiếm những phương thức độc hại nhất, tàn ác nhất để tiêu diệt chính đồng loại của mình!

2. Phía Sau Cơn Đại Dịch Coronavirus

Tính đến hôm nay ngày 21 tháng 5, con số ca nhiễm trên nước Mỹ vượt 1 triệu rưởi và số người chết cơn đại dịch Covid-19 đã lên đến hơn 90 ngàn người:
Việc “nới lỏng” lệnh cấm túc tại nhà (stay-at-home order) trên toàn tiểu bang của Mỹ tạo ra nhiều tranh cải giữa “an toàn” xã hội và phục hồi sinh hoạt đời sống, kinh tế cả nước. Chừng như chính trị vẫn hiện diện trong mọi vấn đề bao gồm lãnh vực y học và ngay cả sinh mạng con người… Trong một đất nước mà ý thức tự do đã ăn sâu vào mọi nếp suy nghĩ, thái độ sống người Mỹ khó lòng chấp nhận sự “kềm chế” của chính quyền, cho dù liên quan đến sống-chết! Lệnh cấm túc tại nhà, cách ly xã hội và đeo khẩu trang nơi công cộng của chính quyền, trong chừng mực nào đó, vi phạm lên quyền tự do của công dân Mỹ… Nhiều cuộc biểu tình chống đối chính quyền về các “lệnh cấm” này sau một thời gian áp dụng… Không cực đoan như một số người dân bản xứ, nhưng tôi cũng thấy ngột ngạt trong không khí bao trùm của sự “sợ hãi”. Đây có lẽ là cảm giác mà tôi thù ghét nhất trong đời, cảm giác “sợ”.

Trong những ngày tháng “tuổi trẻ” làm nghề thầy giáo, tôi “sợ” nhất là cảm giác “nói dối”. Thứ “nói dối” khoa trương, đầu môi chót lưỡi trên lớp học chỉ để sống còn trong giai đoạn lịch sử mới “đổi đời” ngày đó. Sau thời gian mang mặc cảm “sợ”, tôi không thẻ chịu đựng hơn nữa nên “đâm liều”, nói thật và dạy thật trên bục giảng. Ngày một chút, 5 phút một lần rồi tang dần 15 phút cho 1 giờ giảng dạy. Học trò lúc bấy giờ là “đoàn viên”, là con của phòng thương nghiệp, là cháu của công an thị trấn Rạch Sỏi. Nói chung là tôi bị đuổi việc, bị “mời” về đồn công an như chơi! Vậy mà không phải vậy, các em giữ “bí mật” và im lặng tìm hiểu thưởng thức thức về tính nhân văn, sự nhân bản trong văn học và cả đời sống. Tôi bị “nạn”, bị trù ếm là do chính đồng nghiệp của mình, ngày đó còn gọi là “cách mạng 30”! Rồi lại “sợ” bị bắt lại khi xuống tàu vượt biên. “Không sợ chết”, nhưng thật tôi “sợ” vô cùng nếu bị bắt lại. Thầm nghĩ lúc bấy giờ, nếu xảy ra tôi sẽ quyết định “chạy thoát” và chỉ xin vài phát súng là xong. Để không phải tiếp tục sống với cảm giác “sợ” đó nữa!
Bây giờ là cảm giác “sợ” người chung quanh, “sợ” mọi giao tiếp xã hội, cộng đồng và “sợ” ngay cả những người thân yêu của chính mình. Thử hỏi còn cái “sợ” nào đáng “sợ hãi” hơn nữa? Chúng ta đang “sợ hãi” tất cả những thứ “hữu hình” và cả “vô hình”! Cái sợ này còn đáng sợ hơn cái chết. Nếu thật sự cơn đại dịch coronavirus do “con người” tạo ra (loại vũ khí sinh học) thì đây là một chủ thuyết âm mưu “đáng sợ” và “đáng kinh tởm”! Ngoài con số 5 triệu người bị lây nhiễm, hơn 300 ngàn người tử vong, “chủ thuyết âm mưu” tạo ra con coronavirus nhằm “reo rắc cảm giác sợ” trong đời sống nhân loại toàn cầu. Loại vũ khí này độc hại trăm ngàn lần hơn vũ khí nguyên tử! Còn sinh vật nào trên trái đất nhỏ bé này “độc ác hơn con người”?

Tất cả 50 tiểu bang của nước Mỹ sẽ “nới lỏng” lệnh trú ẩn tại nhà bắt đầu vào ngày 22 tháng 5, 2020.
“Cho dù thuốc chủng ngừa có hay chưa có chúng ta vẫn mở cửa đất nước trở lại”, như lời tuyên bố của tổng thống Donald Trump. Có lẽ chúng ta cũng không thể sống mãi trong trạng thái sợ hãi hơn nữa. Cái chết dần chết mòn trong cảm giác “sợ” còn ghê gớm hơn cái chết thật đời này, một lần là hết! Thật khó tưởng tượng sinh hoạt đời sống cộng đồng, xã hội của con người khi mở cửa trở lại, sau cơn đại dịch coronavirus, trong những năm tháng tới đây của chúng ta? Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi chỉ muốn cùng các bạn hãy vượt qua “sự sợ hãi” với môi trường chung quanh, với đồng loại và hơn hết với những người thân yêu của mình! 

Trước khi khép lại bài viết, tôi muốn nói lên một điều: không thể chối cải Việt Nam là một trong vài nước có số ca nhiễm Covid-19 thấp (so với tỉ lệ dân số) và chữa trị thành công (không có người chết) trên thế giới. Tình hình kiểm soát dịch bệnh, biện pháp cách ly hữu hiệu và thêm vào đó thói quen mang khẩu trang (chống ô nhiễm môi trường) đã ít nhiều giúp Việt Nam thành công trong việc chống cơn đại dịch coronavirus Vũ Hán. Xin chúc mừng Việt Nam, chúc mừng quê hương ta và tất cả bà con yêu thương trên quê nhà.

Durham, North Carolina
Nguyễn Ngọc Hoàng 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét