Thảm Họa Trùng Vây
(Hai Mươi-Hai Mươi)
Tản mạn của Thanh Hà
1/-
Lâu lắm rồi, tôi nhớ man mán có đọc cuốn tiểu thuyết của một văn sĩ Tây Phương dịch
ra tiếng Việt, nhan đề : Tuổi Hai Mươi Lần Thứ Hai Mươi.
ra tiếng Việt, nhan đề : Tuổi Hai Mươi Lần Thứ Hai Mươi.
Tôi không nhớ tên tác giả lẫn nội dung cốt truyện thế nào, chỉ cái tựa sách là còn ở lại với tôi thôi. Chắc do cái tựa khá là kiểu cách, bí hiểm, lập dị mà thực sự giờ đây tôi vẫn không hiểu ý nghĩa của nó là gì ? Hay tác giả cố tình dùng câu văn bóng bẩy hoa mỹ như thể chứa đựng triết lý cao siêu gì đó mà thực ra chẳng có ý nghĩa gì hết, mục đích để loè độc giả và khiến sách bán chạy ? Có khi chính tác giả cũng chả biết mình định nói gì nữa cơ.
Một lần tôi có đọc đoạn phỏng vấn một thi sĩ hay nhạc sĩ V.N nào đó về ý nghĩa của mấy câu thơ hay lời nhạc mà ông ta viết - được nhiều người tấm tắc khen mượt mà, xuất sắc nhưng không hiểu tác giả định nói gì – ông trả lời rằng thì là thấy nó hay hay nên ông chộp vài chữ chỗ nầy vài chữ chỗ kia rồi ghép lại thành lời ca hoặc câu thơ mà chính ông cũng còn chẳng hiểu thì sao người khác hiểu được !
Vậy “Tuổi Hai Mươi Lần Thứ Hai Mươi” nghĩa gì vậy ta ? Hay tại tôi ngốc quá nên không hiểu. Chả lẽ nhân 20 cho 20 kết quả là 400 tuổi ? Không biết nữa. Mà tốt hơn đừng nghĩ xấu cho tác giả chứ , cái nhà ngươi nầy !
Mọi kiến thức , mọi sự kiện trải qua trong đời một người hiện diện trên địa cầu đã quá bán thế kỷ dần dần bị vùi chôn bởi sức nặng của thời gian làm suy yếu trí nhớ. Bởi thêm một ngày mới, thì nhiều sự việc mới đổ ập chồng chất lên ngày cũ, làm sao ai mà nhớ cho hết mọi điều trong dĩ vãng từ thời cổ luỹ cổ lai – ngoại trừ những gì thật đặc biệt–.
Ấy vậy mà có những điều tưởng như nhỏ nhặt đã lãng quên từ lâu, buổi sáng nào tình cờ nghe lại tiếng đàn khẽ rung lên một nốt nhạc quen thuộc ngày xưa từng nghe, hoặc một câu nói bâng quơ nào đó… bỗng đâu từng nhân ảnh, từng kỷ niệm rục rịch bươi đống bụi thời gian chồi lên đòi quyền tái sinh, một cách bướng bỉnh !
2/-
Vì sao tôi tự dưng chỉ nhớ tựa đề cuốn tiểu thuyết trên, mà tuyệt nhiên không nhớ chút nào nội dung câu chuyện ? Chắc vì nó trùng với con số năm 2020 chúng ta đang sống.
Cũng là cách nói đơn giản trong tiếng Anh về con số. Chẳng hạn năm nay là năm 2020 thì họ chia ra hai cụm từ twenty–twenty ( 20–20 ) cho nhanh gọn.
Trong âm nhạc VN có nhiều bài hát nói về con số 20.
Ngày em 20 tuổi, tay cắt mái tóc thề
Giã từ niềm vui nhé, buồn ơi hãy chào mi
Ngày em 20 tuổi, chưa biết nhớ nhung gì
Trên nụ cười mới hé, niềm thương đã tràn mi
( Ngày Em Hai Mươi Tuổi, Phạm Duy )
Hoặc :
Con ơi à ơi, đây là giấc ngủ ban đầu mẹ ru con
Bên ngoài gió thổi Nam non
Hai mươi tuổi đời, mẹ sinh con yêu dấu à ơi
Giấc mộng tuyệt vời, giấc mộng là mộng hai mươi
….Hai mươi năm sau, đón đợi thu vào tầm tay
Rồi con lớn khôn hai mươi tuổi đời
Như mẹ ngày nay…
( Rồi 20 năm sau, Trầm Tử Thiêng & Tấn An )
Hay:
Năm anh 20, em mới sinh ra đời
Ngày anh 40, em mới vừa đôi mươi…
( Hai Mươi Bốn Mươi, Y Vân )
Chuyện tình đôi mươi chan chứa không bao giờ vơi
Như giòng suối tình êm ái
Có anh và em, còn ai còn ai nữa
Đã yêu nhau trong cuộc đời…
( Dấu Chân Kỷ Niệm, Mạnh Phát ( Thúc Đăng ) ).
Rộn ràng lòng cô gái đôi mươi
Thắm trên môi nụ cười
Nhìn toán quân qua rồi
Chợt thấy lòng lưu luyến
Và tâm hồn xao xuyến…
( Đò Chiều, Trúc Phương )
Trong toán học, làm phép cộng trừ nhân chia với số 20 cũng nhanh và ít trật.
Hai mươi là tuổi lý tưởng, là gạch nối giữa sự non nớt trẻ con và sự chín chắn trưởng thành, háo hức mở cánh cửa vào đời, tưởng con đường toàn hoa tươi và màu hồng chờ đón.
Tuổi nuôi nhiều ước vọng và hoài bảo sẽ đem tài năng ra giúp xã hội vô vụ lợi.
Tuổi biết yêu và thánh hoá tình yêu lên ngôi bệ cao nhất.
Ba tôi lúc ở buổi hoàng hôn cuộc đời, thỉnh thoảng trầm tư rồi thốt lên mấy câu , tôi nhớ không chính xác, chỉ đại khái là :
Hai mươi tuổi chưa biết gì
Ba mươi tuổi chưa có gì
Bốn mươi tuổi chưa được gì
Năm mươi tuổi không có gì
Sáu mươi tuổi không còn gì
Nghe mà ngậm ngùi cho một kiếp nhân sinh.
Khoảng năm gần 20 tuổi, tôi có đọc một câu của một ông văn sĩ nào đó triết lý vụn rằng : “Làm cho 20 người đàn ông yêu mình trong một lúc là chuyện dể. Nhưng để làm cho một người–chỉ một người thôi – yêu mình trong 20 năm mới là chuyện khó”.
Thấy chí lý, bèn chép lại vào quyển vở. Hồi ấy tôi hay chép lại nhiều bài thơ , ca dao, ngụ ngôn, giai thoại…gì mà tôi tâm đắc—Tôi cũng thuộc nhóm người mà đầu óc và tâm hồn ở trên mây hơn là dưới trần, bây giờ vẫn còn như vậy,nhưng có hơi tỉnh táo hơn chút xíu—.
Rồi nhiều năm sau về quê, tình cờ lục lọi trong đống sách cũ, bỗng tìm thấy quyển vở. Mở ra đọc hú hoạ, “gặp” lại câu nói trên. Bất giác mĩm cười “khoái chí” vì câu nói nầy chưa chắc đã đúng. Bởi tôi biết không phải một người–mà những vài người cơ– đã đem lòng yêu thương “ai-đó” hơn gấp đôi thời gian 20 năm nữa kia.
Tóm tắt: Con số 20 thường được mọi người xử dụng như một cái mốc để dể đong đếm đo lường trong mọi trường hợp : tuổi tác, thành bại, tình cảm, thời gian, toán học…
3/-
Ấy vậy mà năm nay 2020, thay vì là một năm tròn trịa đẹp đẻ như con số thì toàn thể nhân loại cùng nhau hứng chịu một đại nạn kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử. Kể cả bộ óc siêu việt như Jules Verne, nhà văn viết chuyện khoa học giả tưởng Pháp hay các nhà làm film hoang tưởng ngông cuồng nhất của Hollywood cũng chưa tưởng tượng nổi kịch bản.
Cách nay 20 năm, nhiều người cũng tin địa cầu tận thế đúng vào năm 2000. Cả thế giới xôn xao nhốn nháo, gia đình giàu thì mua các bunker xây ngầm dưới đất, kiên cố chịu được cả bom nguyên tử mà lương thực dự trữ được nhiều năm cho vài chục người với đầy đủ các tiện nghi. Còn thường dân thì lo dự trữ nước uống, lương thực, đồ hộp, muối, nến, giấy WC…
Lúc ấy tôi không hề tin và chỉ thấy buồn cười. Vì nếu thật sự có tận thế , thì mấy tỷ dân sẽ bị tiêu diệt hết, chỉ còn một nhúm nhỏ người trốn dưới bunker nọ, họ sống với ai sau khi đã hết lương thực dự trữ ? Vật vờ lang thang qua các xác chết mục rã và cuối cùng cũng mòn mỏi gục chết ?
4/-
Coronavirus, lúc đầu mọi người gọi tên nó là corona Vũ Hán , bởi nó bắt nguồn từ thành phố mang tên đó của Trung Cộng. Theo thời gian , giờ chỉ còn lại cái tên Covid-19.
Đó là một loại vi khuẩn mà mắt thường không ai nhìn thấy, ngửi được, hoàn toàn vô hình như các loại vi khuẩn gây bịnh khác.
Thế mà từ đầu năm 2020, nó đã gieo rắc kinh hoàng cho toàn nhân loại hơn tất cả các loại vi khuẩn nào, hơn cả bịnh lao, hủi, AIDS…
Nó làm cho bao người vốn đã nghèo khổ càng chìm sâu hơn vào sự khốn cùng. Những người có cuộc sống yên ổn nay lâm vào cảnh mất nhà mất công ăn việc làm. Những xí nghiệp công ty hãng xưởng khánh kiệt phá sản. Kinh tế toàn thế giới như mủi tên lao dốc…
Mọi phép tắc phong tục trật tự xã hội bị nó làm đảo lộn hoàn toàn.
Khi xưa những người thân yêu: ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu, người yêu, bạn hữu…gặp nhau là tay bắt mặt mừng, dang rộng cánh tay ôm chặt nhau. Nếu là dân Thuỵ Sĩ thì tỏ tình thân thiết bằng cái hôn chạm 3 lần vào hai bên má, dân Pháp hôn 2 lần..v…v..
Nếu giữa đàn ông, hoặc ít thân thiết, hoặc chỉ giới hạn trong công việc giao dịch, bác sĩ, văn phòng…thì tay bắt tay.
Thế mà giờ đây, nếu giữa chốn công cộng có kẻ nào dám thò tay ra bắt tay người đối diện, chắc chắn sẽ bị xem là hành động vô trách nhiệm, vô ý thức. Nhẹ thì bị lườm nguýt, nặng hơn sẽ bị mắng chưởi, tệ nhất còn bị gọi cảnh sát tố cáo hành vi cố tình gây nguy hiểm cho người khác, và phải nộp phạt tiền thậm chí vào tù ngồi vài tháng nữa là .
Ngày xưa khi hai người dùng khuỷu tay chạm nhau thay lời chào, đó là lối cư xử giữa thanh niên trẻ trung thân thiết mới thoải mái xuồng xả như thế, chứ người tự nhận lịch sự không ai làm vậy. Cứ như hai đứa trẻ con tức giận”nghinh” nhau, đưa “cù loi” ra khiêu chiến ấy. Chính tôi lúc là nhóc tì 9, 10 tuổi đã từng phản ứng như thế với nhỏ hàng xóm lúc giận nhau vì nó ăn gian trò chơi nhảy dây hay cút bắt gì đó. Hi hi.
Nhưng bây giờ hầu như mọi tầng lớp , ngay cả giới lãnh đạo quốc gia, hàng hoàng tộc xuống dân gian đều áp dụng. Lúc đầu, thấy “du côn” thế nào ấy. Nhưng theo thời gian thì đã quen thuộc nên không còn chướng mắt nữa.
Trên tất cả mọi hỗn độn, covid-19 mang đến Nỗi Bất An, Nỗi Sợ Hãi, Nỗi Ám Ảnh bị lây nhiễm..bao trùm lên mấy tỷ người trên trái đất không chừa một ai. Từ trẻ con đến người già ; từ vua chúa, công nương thái tử dòng dõi hoàng tộc đến tổng thống thủ tướng quan chức cao cấp ; từ tỷ phú đến người khốn khó ; từ tướng lãnh đến quân sĩ ; từ các nhà vô địch thể thao đến tài tử ca sĩ… tất cả đều bình đẳng trước nỗi sợ hãi được chia đều cho mỗi người, không có ngoại lệ.
Nỗi sợ hãi bám dai dẳng vào tâm trí chúng ta, tuy vô hình nhưng hiện diện mỗi khoảnh khắc thời gian, mọi lúc mọi nơi, mọi di chuyển, mọi cử động .
Này là bàn tay ta, này là gương mặt, mắt, môi, mũi ta… giờ đây giống như mỗi tứ chi bị tách rời riêng lẽ. Lý trí ta cấm bàn tay ta không được “sờ soạng, rờ mó” vào làn da mặt mịn màng ( hay sần sùi) của ta nữa. Nhất là mắt, mũi và miệng, lại càng nghiêm cấm. Có nhớ nhung tha thiết cách mấy thì ta chỉ được ngắm nhìn ta qua gương thôi nhé.
Trời hỡi !
Bao giờ mới trở lại nếp sống cũ đây, nhớ tiếc cái thời gian khi mà ta muốn chạy trốn buồn chán bằng việc ra ngoài hít thở không khí trong lành của thiên nhiên , ngắm nhìn trời xanh mây trắng. Hay xoải cánh tay vùng vẫy trong làn nước mát lạnh của biển rộng sông hồ, thì cứ tự do như ý muốn.
Giờ đây cả việc tối thiểu nhất là Thở cũng bị chính chúng ta tự kiểm soát chứ không ai áp đặt. Mỗi khi có ai lướt ngang qua mặt mà không cách xa 2m thì ta phải mím môi nín thở - vì sợ con virus chui vào.
Tôi e rằng nếu cứ tiếp tục suy nghĩ và phản ứng theo kiểu đó , dần dà sẽ hình thành một thói quen xấu. Mà một khi đã trở thành thói quen thì khó mà thay đổi một sớm một chiều. Mà thói quen thời covid thì khiến:
— Người- cách- xa- người (phải đứng xa nhau từ 2m)
— Người-nghi-kỵ-người ( tự hỏi thầm ông, bà, anh, chị, cô, cậu…có đang nhiễm covid không đấy, đừng có mà lây cho tôi đi nhé ! )
— Quên đi những cử chỉ tỏ lòng thương mến ưu ái. Rồi chúng ta sẽ như con ốc thu mình trong vỏ, con rùa trốn trong mai, con thỏ rụt cổ trốn trong góc lồng… Những cảm xúc bị đè nén bởi chính chúng ta, không được bày tỏ qua cử chỉ.
Tôi có bi quan hoá vấn đề không đây ?
5/-
Đó là một đại nạn thế kỷ 21. Lịch sử sẽ ghi chép để cháu chắt đời sau biết thảm hoạ của năm 20-20 nầy.
Giờ tôi thêm một đoạn cho bài viết gần đây ( mà lúc đó chưa biết hết thông tin).
Nhân đọc bài Tản Mạn Đời Thường kỳ 12 Cơn Bão Đời, cô cháu tôi mới nhắc lại chuyện hè vừa qua đồng ruộng miền Tây bị hạn hán khô cạn, ngập mặn lúa chết trụi, thì cũng chính ca sĩ Thuỷ Tiên đã tự bỏ tiền túi và sau đó kêu gọi mọi người cùng tiếp tay vì một mình cô không đủ khả năng, mua máy lọc nước ngọt mang giúp người dân trong tình cảnh khốn đốn nầy.
Lúc đó trùng hợp thời gian cả nước VN bị đóng cửa cách ly, nhiều người bán vé số, hàng rong, sửa vá xe…không mưu sinh được, đã nghèo lại càng nghèo hơn, nên có nhiều mạnh thường quân, các quán ăn tự nguyện nấu tặng bửa ăn cho họ sống sót qua cơn khó ngặt. Các cây ATM gạo ra đời cũng cùng thời gian nầy. Mà tôi chỉ biết tin về hai câu chuyện cây ATM gạo và bửa ăn nên có đóng góp trong khả năng nhỏ nhoi của mình, qua trung gian người cháu ở Saigon.
Lúc ấy cháu có nhắc loáng thoáng về chuyện ca sĩ Thuỷ Tiên với máy lọc nước ngọt, mà tôi không để ý lắm, thậm chí quên luôn cả tên.
Thì ra không phải việc giúp người dân trong cơn lũ lụt là lần đầu Thuỷ Tiên dấn thân, mà cô đã từng làm như thế trước kia rồi. Hơn nữa, có thể trước khi mua máy lọc nước ngọt kia, cô đã âm thầm làm nhiều việc thiện khác nữa mà chúng ta không biết đó thôi.
Thêm một khám phá mới khá thú vị, cô là người- con- gái Kiên Giang, quê hương tôi.
Tôi không quan tâm chuyện cô là nhân vật nổi tiếng như thế nào, cũng chưa hề nghe giọng hát lẫn nhớ đến tên cô trước cơn bão lụt miền Trung.
Tôi ngưỡng phục là ngưỡng phục tấm lòng cô gái trẻ bất chấp nguy hiểm sinh mạng, bịnh tật, đương đầu với gió bão, độc hại vì thường xuyên ngâm mình trong nước dơ, nhất là kẻ gian thừa cơ hội rình rập xách tiền cô mang theo -chắc chắn là có- bỏ ngoài tai lời thị phi bàn ra tán vào về cách cô phân phát quà ( kẻ nhiều người ít, thắc mắc sao không cho đồng đều..v..v..thật nực cười) của kẻ tiểu nhân. Việc cô làm cô cứ làm miễn lương tâm cô trong sạch , là đủ cô nhé.
Chân thành cầu chúc cô Chân Cứng Đá Mềm –dù chắc cô không đọc được những dòng này–.
Thanh Hà
LCDF, Nov.2020
KT rất tâm đắc với bài viết thật sâu sắc của bạn Thanh Hà, và cũng rất hoang mang không biết tương lai rồi sẽ ra sao ?, và thế hệ con cháu mình thế nào nữa? , hỏi chúng nó có còn tình cảm và vẫn còn giữ được những thói quen để bày tỏ, bộc lộ tình cảm như ngày xưa nữa không ? ...
Trả lờiXóahay như bạn nói, sẽ trở thành cái nếp, lúc nào cũng cẩn trọng, rụt rè, đứng xa xa mà nhìn, rồi trở thành một con người sống tự lập, từ gò bó, không mở lòng, không hợp tác !
KT nhớ là lâu lắm rồi mình không được ôm hun các con các cháu và ngược lại.
Những buổi cơm thân mật đầm ấm trong tiểu, đại gđ và cái thói quen cuối tuần nhóm bạn cũng biến mất đâu cả rồi ...
Huhuhu
và còn còn đâu nữa nhiều thứ lắm...
😒😌
Mến chúc bạn luôn vui khỏe và chúc cho bạn, cho tôi và mọi người chúng ta có lại được nghị lực , niềm tin và tìm lại cuộc sống êm đềm, vui vẻ như trước năm hai mươi - hai mươi Thanh Hà hé.
Trả lờiXóaKTP
Chuyển lời chị Thanh Hà:
Trả lờiXóa“ Cám ơn Kim Trúc đã đọc và cùng cảm nhận giống như Thanh Hà về nguy hiểm và hậu quả của đại dịch Covid nầy. Mong rằng đó chỉ là tâm trạng bi quan nhất thời thoáng qua chứ đừng có thành nếp nghĩ dài lâu .
TH cầu chúc cho KT & gia quyến cùng tất cả mọi người thân yêu , bạn bè trên blog THKT đều luôn bình an mạnh khoẻ.
Riêng KT thì phát huy hết tài năng thơ, ca tân nhạc lẫn cổ nhạc ngày thêm xuất sắc cho mọi người thưởng thức nhé. Thương.
T.H