Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Tản Mạn Đời Thường - Kỳ 15

Trở về Tuổi 20
Tản mạn của Thanh Hà 


1/-
Theo thời tiết Tây phương, bây giờ vẫn còn là mùa thu, phải hơn một tháng nữa mới bắt đầu vào đông. 
Mỗi năm hai lần xứ tôi hiện sống phải đổi giờ theo mùa hạ và mùa đông. 
Thế là ta có thể vặn ngược hoặc vặn xuôi cây kim phút để chỉnh đổi thời gian được đấy.

Nhân vật Faust của văn hào Đức Goethe trước khi lìa đời, kêu lên:
—Đẹp quá thời gian ơi, xin ngừng lại.

Giờ đây chúng ta không chỉ làm thời gian ngừng lại mà còn xoay đảo, lùi hoặc tiến 1 giờ như trẻ con chơi trò chơi ấy mà. 

Mùa hạ ngày dài mà ta còn kéo kim chạy tới để cho ngày dài thêm ra. Nên 9g–9:30’ giờ mặt trời còn chói chang quáng loè cả mắt. Sau 10g cảnh vật vẫn sáng trưng.
Mùa đông mặt trời đi ngủ sớm, ta giựt cây kim ngược lại cho ngày ngắn bớt nên mới 4g trời mờ mờ ảo ảo, khoảng 5 hoặc 6g trời đã tối tăm lạnh lẽo, khiến nhiều người bị “trầm-cảm-mùa-đông”. 

Đây là một triệu chứng có thật được giới khoa học ghi nhận, chứng bịnh của những con người rảnh rỗi, nhàn cư vi bất thiện nên mới có dư thừa thời gian mà sinh bịnh (trong đó có tôi) chứ những người bận làm việc tối mắt tối mũi hơi đâu mà “phát minh” thêm chứng bịnh thời đại nữa. Nội covid-19 đã đủ gieo kinh hoàng cho hằng tỷ nhân sinh rồi.

Vậy ai nói thời gian chỉ đi tới chứ không bao giờ lui?

Mở ngoặc: Đây là tôi lý luận gàn dở, theo kiểu nguỵ biện trong phép Tam Đoạn Luận môn triết lớp 12 ngày xưa cho vui đó thôi:
“ Cái gì hiếm thì quí
“Con ngựa què thì hiếm
“Vậy con ngựa què thì quí

Tôi nói cho vui, nhưng ngẫm nghĩ cũng có một phần nào đúng chứ. Bởi tất nhiên chúng ta không thể đảo ngược thời gian theo nghĩa đen nhưng ta vẫn có thể để ký-ức sống trở lại vào bất cứ thời điểm nào mà ta mong muốn- thời niên thiếu, thời mới lớn, thời biết yêu, thời trưởng thành, thời “cày cuốc, cơm áo gạo tiền”…- đúng không .

Thường thường ta nhìn ta trong kính mỗi ngày, đã quen “bản mặt”của mình nên không nhận ra sự thay đổi nào.

Rồi một bữa, ta không có việc gì làm mới lục soạn giấy tờ cũ, lần giở album (hoặc lưu trong máy) xem lại các ảnh chụp từ nhiều năm trước. Bồi hồi… gương mặt ai quen quen mà toát lên vẻ yêu đời trẻ trung thế nhỉ.

Thì là chính ta mấy năm trước chứ còn ai vào đây nữa.
Ủa? Sao mà khác với ta bây giờ quá trời đất vậy. 
Giật mình hốt hoảng nhận ra sao giờ ta xấu xí tàn tạ thế, già quá sức tưởng tượng. 
Cái “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” mà cụ Nguyễn Du tả Thuý Vân đâu rồi ?
Giờ thì:
—Vết chân sư tử trên sóng mũi giữa hai mắt.
—Vết chân chim ở đuôi mắt .
—Ngoặc đơn ngoặc kép vòng quanh hai khoé miệng.
—Tóc sợi trắng nhiều hơn đen..v..v..

Thế là cơn mộng ảo về “ai cũng biết là giòng thời gian luôn luôn trôi chảy, nhưng nó đã bỏ sót T.H, mà ngưng từ lâu rồi “, đó là câu nói nịnh đầm khá văn hoa của người anh họ nhiều năm mới gặp lại nhận xét như thế bỗng tan biến như mây như khói. 
Trở về thực tại chua chát đắng cay!!! Hết tưởng bở nhé. 

2/-

Buổi sáng dậy, uống ly sữa chocolat nóng kèm chút bánh mì với margarine và mứt. 7g màn đêm vẫn còn bao phủ, tôi vừa ăn vừa mở nhạc chọn tình cờ, nghe ca sĩ Lệ Thu hát:

Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn
Chợt nghe mùa thu bay trên trời không
Còn ai giữa mênh mông đời mình
Nỗi đau vùi lấp trên tuổi thơ….
( Xin Còn Gọi Tên Nhau, Trường Sa )

Lời bài ca đưa tâm hồn tôi bay ngược thời gian trở về quá khứ. ( cũng chưa tởn cái kiểu quay ngược giòng-thời-gian nầy nhỉ , ta nói cái người vốn thích mơ mộng thì đến ngày mấp mé thò một chân vào quan tài vẫn mộng mơ như thường mà). 

Tôi lan man nghĩ tới người sáng tác bản nhạc trên. Là nhạc sĩ Trường Sa. 
Rồi tôi nhớ mình được chính nhạc sĩ Trường Sa ký tên tặng tôi bản nhạc nầy. Nhạc dành tặng gồm có hai tờ , tờ bìa và tờ ghi nốt lẫn lời nhạc kẹp vào nhau rất trang trọng.
Mà ông không hề biết tôi là ai, cũng như tôi chưa hề hội kiến với ông bao giờ.

Tôi có một chị bạn gái rất thân thiết, học chung từ lúc vào trung học, đến nay hơn nửa thế kỷ vẫn còn thân.
Mẹ chị có mở quán bán phở Bắc. Hồi ấy cả quận chỉ có độc quán phở của mẹ chị thôi– Hoặc cả tỉnh cũng không chừng–.
Ba chị là sĩ quan hành chính.
Ngoài giờ học, chị về phụ mẹ bán phở. Chị có giọng hát liêu trai, kèm theo vóc dáng cũng liêu trai nốt. Lối nói chuyện rất linh động, dễ thu hút người nghe.
Nên quán phở cũng là nơi tụ hội của bao khách gần lẫn xa , nhất là người lính viễn phương đến thưởng thức phở rất đông.
Lúc ấy nhạc sĩ Trường Sa làm chỉ huy Giang Đoàn Hải Quân đóng ở Rạch Sỏi (tôi chỉ biết lán mán như vậy, chả hiểu có chính xác, nhưng chắc chắn ông là sĩ quan Hải Quân). Ông thường ghé qua quán phở của bạn tôi. 

Tôi rất ngưỡng mộ giọng ca cùng sự bặt thiệp cởi mở của chị bạn, đặc biệt chị hát nhạc Trịnh Công Sơn thì tuyệt vời, bây giờ tôi như vẫn còn nghe văng vẳng tiếng chị dẫn dắt ta vào khung cảnh mưa bay mờ ảo:

Mưa vẫn hay mưa trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu….( Diễm Xưa, TCS )

Ngược lại chị luôn khen tôi về văn thơ (thật tình tôi rất ngượng, vì tôi biết mình không hề có tài cán nào hết). Tôi nhỏ hơn chị đến ba tuổi tuy học cùng lớp, tôi tự thấy mình chỉ là một oắt con so với chị, mà không hiểu sao chị luôn tán dương tôi, hể có dịp nói chuyện với ai thì đều nhắc về tôi với họ (!). 

Thế rồi khi nhạc sĩ tặng bản nhạc cho chị, thì chị lại xin ông tặng thêm cho tôi. Ông cũng chìu lòng cô Bắc Kỳ Hà Nội 54 dễ mến nên ký tặng tôi. Mà tôi vì quá nhút nhát nên chưa bao giờ có ý nghĩ đến gặp ông để cám ơn cả.

Nhiều năm sau, có lần tôi xem băng nhạc Thuý Nga, thấy ông lên sân khấu nói chuyện, biết ông sang định cư ở Canada. Tôi mừng cho ông có cuộc sống an toàn. Tôi nợ ông một lời cám ơn về bản nhạc được tặng - 1 cô gái 15 tuổi mà ông chưa bao giờ nhìn thấy trong cuộc đời.

3/-

Cũng vì Covid-19 mà nhịp sống tôi bị đình trệ, hạn chế việc ra ngoài tung tăng như trước.
Thường xuyên quanh quẩn trong nhà, không biết làm gì cho hết ngày nên tôi hết mở Netflix xem phim lại vào youtube nghe nhạc. 

Tôi tìm xem, nghe lại những phim, nhạc cũ. Vì nó phù hợp với gout của mình.
Hơn nữa, tôi lại là người hoài cổ. 

Chính những cuộn phim, những bản tình ca mình từng xem, từng thưởng thức những năm 70’s thế kỷ trước đã làm thức dậy mảng ký ức nằm yên từ lâu, đem tôi trở về thời đi học, nhắc nhớ tôi bao kỷ niệm- kể cả nhỏ nhặt nhất- chẳng hạn việc được tặng “ké” bản Xin Còn Gọi Tên Nhau .

Hay cảm giác vừa sợ sệt vừa háo hức lần đầu nghe lời dụ dỗ dám trốn học buổi sáng đi xem trình chiếu ngày đầu tiên phim Love Story phỏng theo tiểu thuyết thời thượng của giới trẻ bấy giờ.

Tiết thu. Nhìn lá vàng rơi đầy khắp lối đi, tôi lại nhớ giai thoại mà một bạn thuộc lớp đàn anh (học đã ra trường) nhiều lần kể rằng anh có quen một người bạn si mê ca sĩ Khánh Ly đến mức độ lập dị, bất chấp lũ bạn cười chế nhạo, theo dõi biết con đường mỗi ngày ca sĩ Kh.Ly thường đi qua, anh ta sáng sáng lấy chổi ra quét gom lá vàng (không hiểu là lá bàng hay gì? Những hàng cây Saigon trước năm 75 thường là cây gì nhỉ?) đem rãi trên đoạn đường ấy. 
Lúc đầu bạn bè tưởng anh học nhiều nên hoá rồ, gặng hỏi mãi anh mới chịu thố lộ để “lót lá cho nàng đi”. Miễn là “nàng đi được êm chân, chứ không cần nàng đáp lại tình ta”.
Yêu như thế, thực là yêu cuồng điên ngây dại.
Tôi quên không hỏi là ca sĩ có biết mối tình chân của anh ta, thậm chí có biết anh ta là ai không nữa.

4/-

Bâng khuâng, man mác, luyến tiếc… cảm xúc trộn lẫn vào nhau. 
Hôm trước tôi có nhắc về quyển tiểu thuyết đọc từ rất lâu, Cái Tuổi Hai Mươi Lần Thứ Hai Mươi, mà tôi không nhớ tên tác giả, nội dung câu chuyện, lẫn ý nghĩa của tựa đề định nói gì.

Nhưng mấy hôm nay cứ nghe đi nghe lại những bản tình ca ngày xưa, nhiều kỷ niệm rất nhỏ nhặt tưởng đã quên bỗng bừng sống dậy, tôi nghĩ rằng đã hiểu lờ mờ ý của tác giả, tất nhiên vẫn theo suy diễn chủ quan của mình.

Chắc chắn không phải: Hai mươi lần hai mươi là bốn trăm tuổi như tôi đã hồ đồ phân tích đâu.

Mà có lẽ tác giả định nói: Nếu cho được ở hoài tuổi hai mươi thì tác giả ước chi mình sẽ sống hai mươi lần (hai mươi kiếp) cái tuổi ấy, đừng lớn thêm tuổi nào nữa hết.

Tôi của sáng nay cũng vậy. Tôi ước chi mình có được hai mươi lần (20 kiếp) cái tuổi hai mươi để được sống trọn vẹn cho những dấu ái mà mình chưa đón nhận hết. Hoặc không thể ôm đồm hết.

Chỉ được một lần cái tuổi hai mươi, người ta chưa kịp thực hiện điều mà ta ấp ủ thì nó đã vụt nhảy sang tuổi khác rồi. Nên ta tiếc nuối hoài, ao ước hoài đoạn đời ấy.

Nhiều lần tôi thầm nhủ nếu như được sống trở lại năm hai mươi tuổi thì tôi sẽ sống khác, sẽ cư xử khác, sẽ can đảm hơn, sẽ dấn thân hơn so với cái tuổi hai mươi cũ. 
Thỉnh thoảng hồi nhớ lại thời trẻ trung, tôi luôn tiếc nuối đã bỏ lỡ nhiều điều quí giá bởi cái tính nhút nhát thái quá của mình.

Chẳng hạn tôi muốn mình trở thành văn sĩ ! 
Có lúc tôi lại mơ mình là một nhạc sĩ dương cầm.
Rồi tôi mơ mình là cô gái miền sơn cước trên đường đi tìm măng rừng gặp một chàng lãng tử lạc lối, bên bờ suối …
Hay cô thôn nữ hôm nao có đoàn chiến sĩ hành quân qua làng, trong đó có một chiến binh mắt sáng như sao làm quen…
Lúc khác tôi lại thấy tôi là một cô giáo yêu nghề dốc lòng truyền kiến thức cho lớp người trẻ hơn mình.
Thoáng vài bóng hình mà tôi đã để lỡ…
V…v…
Những mơ ước ấy, sau nầy chả có điều nào thành sự thật hết.
Bởi định mệnh cá nhân dính liền với mệnh nước, nên tuổi hai mươi tôi tàn rụng như hoa mới hé nụ mà chưa kịp nở.

5/-

Nhưng có chắc là tôi sẽ khác hồi hai mươi tuổi nếu được sống trở lại đoạn đời đó, hay vẫn y nguyên như thế ?
Tôi e rằng tôi sẽ không hành động khác đâu.

Ngẫm nghĩ, tôi đã sống qua nhiều giai đoạn thăng trầm cuộc đời. Đã nếm đủ mọi ngọt bùi cay đắng. Đã có hạnh phúc tròn vẹn Tình và Nghĩa.

Vậy có cần phải sống đến hai mươi lần cái tuổi hai mươi không ?!

Thanh Hà
La Chaux- De- Fonds,  Nov. 19. 2020



4 nhận xét:

  1. T. Hà thấy chưa, y bon luôn!:-))

    Lần này chắc chắn phải nhờ Hoa Trần đăng quảng cáo trên THKT:

    Thầy bói Hoàng, chuyên coi số mạng, tư tuởng, ước muốn... từ xa.
    Không cần thấy chỉ tay, chỉ chân hay mặt mũi. Độc giả THKT miễn phí.

    NN Hoàng

    Trả lờiXóa
  2. Chào thầy Hoàng,
    chính điều làm T.H ngạc nhiên, một ngạc nhiên đầy thú vị là cả hai chủ đề TH viết đều trùng với chủ đề thầy viết, mà gần như cùng thời điểm nữa – T.H có thói quen khi xong bài văn hay thơ thì luôn để thêm thời gian vài ngày để xem lại và chỉnh sửa trước khi gởi cho Hoa Trần –. Mà bài của thầy thì đăng trước, còn bài T.H thì “ lẽo đẽo theo sau “ , giống như T.H đạo văn và đạo luôn chủ đề của thầy ấy.

    Có vẻ như thầy kiêm luôn nghề tay trái nầy khá thành công đó nhé. 😜, còn được miễn phí thì chắc “ thầy bói Hoàng” sẽ bận rộn nhiều lắm đây.
    Chúc thầy & gđ một cuối tuần an vui. Thanh Hà

    Trả lờiXóa

  3. Nghe thầy NNH quảng cáo thấy cũng thích, nhưng nếu thầy bói cho KT và các bạn trong nhóm blog THKT chắc thầy sẽ mạc rệp rồi, vì ở tuổi 6 bó trở lên chắc chẳng ai muốn được xem TÌNH DUYÊN GIA ĐẠO, và cũng yên phận an khang rồi và cố gìn giữ sức khỏe, họa chăng thầy nói ...
    ... theo đường chỉ tay, chỉ chân thì số mệnh của bà ( hay ông ) cuối đời sẽ phải ra đi ... thật xa ( đi đâu ai cũng biết rồi , bạn Thanh Hà đã nói vậy ) và bị mất trắng, không ôm giữ được giống gì cả ... ha ha
    Chúc thầy bói luôn an bình và đông khách nha.

    Riêng với KT thì Thanh Hà biết không ? dù biết tuổi 20 là một móc ngoặc thời gian, nhưng KT thích nhứt lứa tuổi từ 15 - 18, bởi sau đó cuộc sống là kinh hoàng, thê thãm cuộc đời bị cuốn theo mệnh nước, gia đình nhà cửa tan hoang, bạn bè ly tán nhớ lại còn nổi da gà ...
    Cám ơn bạn lại cho đọc thêm một bài văn hay, gợi nhớ biết bao kỷ niệm thanh xuân.
    Mến chúc bạn luôn vui vẻ, viết khoẻ nha.
    KTP

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn Kim Trúc đã theo dõi bài viết của T.Hà, chúng ta cùng thế hệ, cùng lớn lên ở miền nam, cùng hưởng nền giáo dục, và T.H đoán là cách nuôi dạy của cha mẹ cũng tương tự nhau nên cách suy nghĩ của chúng ta cũng gần giống nhau, dể thông cảm cho nhau là vậy.

    Nghe lời chúc của KT, để Th.H cố vắt óc tìm đề tài để viết nữa nhé. Chúc KT và ông xã chủ nhật đi dạo thư giản vui vẻ. T.H

    Trả lờiXóa