Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Quê Hương Bỏ Lại

Tự truyện của Bích Thủy


Bích Thủy 
Ngày 13 tháng 12 năm 1978 là ngày cả gia đình mình cùng vài gia đình khác đã đưa nhau xuống chiếc ghe đánh cá KG 0180 để VƯỢT BIÊN TÌM TỰ DO.
Thắm thoát vậy mà đã 40 NĂM LÀM NGƯỜI VIỄN XỨ!!! Ngày ra đi mình chỉ là con bé 17, đến nay đã lên chức làm BÀ NGOẠI. Dù cho đã trải qua một thời gian dài như vậy mà sao mình vẫn không thể hội nhập hoàn toàn vào môi trường mới mà lại cứ mãi vấn vương về CỐ HƯƠNG XA XÔI BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG!!!
Nhớ lại lúc đó Ba Má đâu cho mình biết trước, vì vậy mà trong những ngày tham gia cuộc thi HÁI HOA CHẤT LƯỢNG (Hỉ Loan nhắc lại là HÁI HOA TRẮC LƯỢNG) mình vẫn vô tư vui vẻ bên bạn bè cùng Thày Cô dưới mái trường NGUYỄN TRUNG TRỰC.
Trước ngày ra đi một ngày Ba Má mới cho hay và bảo mình cùng các em vẫn cứ đến trường như thường lệ để tránh bị nghi ngờ.
Hôm ấy mình đến trường như kẻ mất hồn, đâu còn tâm trạng để nghe Thầy Cô giảng dạy nên mình đã rủ cô bạn thân là NGUYỄN THỊ THU VÂN cùng mình CÚP CUA đi loanh quanh trong chợ nhà lồng, tìm mua một mớ thiệp GIÁNG SINH và rồi hai đứa ngồi hàng giờ trên bãi cỏ nhìn giòng nước SÔNG KIÊN lững lờ trôi mang theo những cụm hoa lục bình trôi ra biển rộng. (đây là lần thứ nhì mình mang tội cúp cua trong suốt 12 năm làm học trò, lần đầu tiên cúp cua là để theo cả lớp đến nhà bạn PHAN PHÚ PHƯỚNG để chia buồn cùng gd anh vì sự HY SINH CỦA ANH TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TẠI TỈNH HÀ TIÊN !)
Khi trở về trường để lấy tập vở thì đã quá giờ tan trường, gặp bộ ba MINH TRƯỚC, HUỲNH TUYẾT và LÊ VĂN HOÀNG còn lảng vảng trước cổng trường, dường như các bạn ấy đã mang dùm tập vở của T ra khỏi lớp để đưa lại T. Hôm ấy là lần cuối cùng cả bọn cặp kè nhau đi bộ từ trường về nhà!!!

Về đến nhà, T ăn vội chén cơm rồi cũng người chị thứ Năm là kim Loan, hai đứa đội nón lá dắt nhau đi đến một căn nhà xa lạ, ngủ đêm lại đó, sáng sớm hôm sau thì xắn quần lội nước từ sàn nhà bì bờm lội nước bước lên chiếc ghe đánh cá nhỏ để được mang ra ghe lớn.

Mình nhớ lại khi ấy trời tối đen, chỉ biết đi và làm theo lời của một người nào đó mà mình không nhìn thấy mặt. Lúc lội nước để leo lên chiếc ghe nhỏ, mình nhớ có nghe tiếng sóng vỗ và tiếng chó sủa. Leo được lên chiếc ghe (chiếc VỎ DỌT ???), người ta kêu mình nằm xuống trên sàn ghe rồi họ quăng lưới lên trên để che dấu mình.
Khi ra tới ghe lớn thì khi ấy trời đã sáng tỏ, mình mừng rỡ gặp lại Ba Má cùng các anh chị em. Mình được “ thả” xuống một cái hầm (sau này biết ra là hầm chứa tôm chứa cá), mình không nhớ trong hầm đó còn có ai khác, nhưng nhớ rất rõ là mình ngồi kế bên thằng em trai thứ mười. Hai chị em đã ngồi ôm nhau và ói mửa lên nhau đi say sóng, nhớ lại còn thấy gớm ( xin lỗi nha). Đây cũng chính là lần đầu tiên trong đời biết được cái cảm giác “ÓI RA MẬT XANH “ là như thế nào.!!!
Trên boong tàu (ghe) những người ngư phủ đi lại mang cho người dưới hầm thức ăn và nước uống. Có vài lần nghe tiếng nói qua nói lại với người trên ghe khác. Tuyệt nhiên họ làm như đang ra khơi đánh cá như thường lệ.
Thú thật là lúc đó mình rất mong bị bắt lại vì mình không muốn rời xa BA MÁ NUÔI của mình (BA NUÔI CHÍNH LÀ EM TRAI CỦA ÔNG NỘI). Ngày đó mình còn khờ khạo, đâu biết nếu bị bắt lại là sẽ bị ngồi tù, của cải tài sản bao nhiêu năm cực nhọc gây dựng sẽ bị tịch thu hết. Bị bắt lại thì kể như sẽ phải sống đời sống vô gia cư, không biết cuộc đời mình sẽ như thế nào đây???
Không nhớ rõ là phải trải qua bao lâu thì ghe mới ra khỏi hải phận. Chỉ nhớ là nghe tiếng người cho hay đã AN TOÀN RA KHỎI HẢI PHẬN, người dưới hầm cá được phép cho lên boong ngồi hít thở không khí trong lành ngoài biển khơi. Thật hạnh phúc biết bao khi có thể thoát ra cái hầm nực nồng mùi hôi thối! Mình nhớ người trên ghe đã cười đùa vui vẻ khi có bầy cá ngược bơi cập theo hai bên hông tàu Ai đó luôn miệng hét to: NƯỢC, ĐUA NƯỢC, ĐUA !
Một đêm nọ đang ngủ ngon lành trên sàn tàu thì trời đổ cơn mưa. Tháng Mười Hai mưa nửa khuya lạnh “thấu xương”, những hạt mưa chạm vào người cho ta biết được cảm giác của “kim đâm muối chích“ là như thế nào.
Có một lần không nhớ là lúc ghe đang tiến vào bờ nên gặp sóng to hay là lúc ghe còn tuốt ngoài khơi, chỉ nhớ là có lần ghe chông chênh lắc lư bởi những ngọn sóng to liên tục ập vào. Mà chẳng hiểu sao lúc ấy mình không hề biết hoảng sợ mà chỉ lo ngắm nhìn những CON SÓNG BẠC ĐẦU Đẹp hùng vĩ như trước đây chỉ thấy qua tranh ảnh, lúc bấy giờ lần đầu tiên trong đời được chính mắt nhìn thấy con sóng to cao vươn lên rồi ập xuống như muốn nuốt trửng chiếc ghe, mình vô cùng thích thú thay vì lo sợ.
Nhìn quanh đâu đâu cũng là trời mây nước biển vây quanh, bốn phương tám hướng chỉ thấy CHÂN TRỜI . Không nhớ đã trải qua mấy ngày thì nhìn thấy đất liền. Ghe từ từ tiến về phía đất liền, cuối cùng thì cặp bến. Một bến nào đó thuộc vùng đất của THÁI LAN.
Mọi người không ai được lên bờ. Có một vài người ngoại quốc xuống ghe nói chuyện cùng CHÚ BA NGHĨA và ANH BA SAN (anh rể thứ ba của mình), nghe nói lại thì họ cho biết đây là lãnh thổ Thái Lan. Chính phủ không cho phép tiếp nhận tàu (người) vượt biên nữa, họ cung cấp thêm thực phẩm nước uống và nhận chuyển thơ từ giùm người trên ghe, sau đó chỉ đường cho đi qua MÃ LAI.
Trong thời gian ghe dừng lại nơi ấy, mình thấy có rất nhiều người đàn ông Thái bước xuống ghe đi lại trên ghe. Mãi sau này khi vô được trại tị nạn nghe người ta nói lại có thể họ là đồng bọn của những tên cướp biển, bọn chúng xuống ghe để dọ xét tình hình ghe có bao nhiêu người, có vũ khí hay không ...
Nghĩ lại thì có lẽ là đúng như thế thật vì sau khi ghe của mình quay ngược ra biển để tiếp tục đi qua Mã Lại thì có hai ba chiếc ghe của ngư dân (hay cướp biển) cũng chạy cặp theo ghe của mình. Nhưng có thể là nhờ có chiếc máy bay trực thăng bay phía trên dẫn đường cho ghe mình nên bọn chúng không thể dỡ trò cướp bóc. 
Ngày ấy mình ngu ngốc có biết gì đâu về những nguy nan có thể xảy ra cho người vượt biển. Vô đến trại tị nạn rồi mới hay mới biết những tình cảnh thương tâm đã xảy ra cho biết bao nhiêu người vượt biển. Nhiều ghe tàu đã bị cướp bóc không phải một lần mà có khi bị qua nhiều lần. Bọn cướp biển nào chỉ cướp của thôi là do bọn chúng còn có CHÚT LƯƠNG TÂM. Phần nhiều bọn chúng cướp của và làm nhục phụ nữ ngay trước mặt chồng con của họ, có những người cha hay chồng của nạn nhân vì không chịu nổi cảnh tượng đó đã nhào đến chống trả mong cứu lấy vợ con mình đã bị bọn cướp đánh giết rồi quăng xác xuống biển !!!
Cũng có những trường hợp ghe chết máy, hay bị hư hỏng gì đó cứ phải lênh đênh trên biển nhiều ngày dẫn đến tình trạng thiếu ăn thiếu uống, kinh khủng nhất là vì quá đói khát con người mất cả lý trí, họ trở thánh cầm thú ăn cả xác người để được tồn tại !!!! Mình nhớ suốt đời câu nói của Ba mình nói với những người kể lại những chuyện thương tâm trên, Ba mình nói: “ TUI RA ĐI MANG THEO CÁC CON, MÀ HẾT 7 ĐỨA LÀ GÁI. TỤI NÓ MÀ BỊ GÌ CHẮC TUI TỰ TỬ CHỚ KHÔNG SỐNG NỔI”
Quay lại tiếp, sau khi rời Thái Lan, nhờ có chiếc trực thăng bay theo phía trên chỉ đường nên ghe mình qua tới được vùng đất MÃ LAI mà không bị hải tặc Thái Lan tấn công. Trên bờ lính Mã Lai cầm súng khoát tay không cho ghe tiến vào bờ. Trong lúc còn đang tiến thoái lưỡng nan thì người chú họ của mình rớt khỏi ghe, chú ấy ráng lội vô bờ. Ba mình và chủ tàu quyết định cho ghe cập bờ . Mặc dù lính Mã Lai ôm súng hăm dọa nhưng họ không hề bắn để ngăn cản. Do đó ghe cập bờ an toàn, mọi người trên ghe được đưa lên bờ và bắt ngồi yên tập trung một chỗ. Đến gần chiều tối thì có vài chiếc xe đến chở mọi người nhập trại KOTA BHARU (đất liền chứ không phải đảo như những trại tị nạn khác). Trước khi cho vào trại, họ bắt mọi người phải kê khai tài sản, tất cả vàng bạc, tư trang đều bị họ giữ lại chứ không được mang theo vào trại, khi nào tới ngày lên đường định cư họ sẽ hoàn trả lại. 
(sau này nghe nói lại thì nếu những ai tới ngày được đưa ra phi trường đi định cư nếu không biết sẽ không được hoàn trả, chỉ những ai cương quyết không chịu lên máy bay cho tới khi họ hoàn trả của cải thì mới lấy lại được của cải của mình)
Đến khi vô được tới trại thì trời đã tối. Người trong trại đã nấu sẵn cơm và cháo cho người mới tới. Người trên ghe được chia ra ở tạm trong căn lều che tạm ngoài sân cát, ban ngày nóng cháy da nhưng đêm về thì lạnh cóng, nhưng có lẽ do quá mệt mỏi nên ai nấy đều lăn ra ngủ say sưa.
Chiếc ghe KG0180 của mình chỉ mang theo vỏn vẹn 47 người, ghe may mắn được nhận cho nhập cư là vì trước đó khoảng một tuần có một chiếc ghe chở theo mấy trăm người vượt biên theo diện đăng ký khi vào tới Mã Lai đã bị chính quyền đuổi trở ra biển vì lúc đó họ đã quyết định không tiếp nhận thêm người vượt biên. Khi bị kéo trở ra biển thì không may tàu bị chìm, nhiều người chết đuối , số người còn sống sót lúc bấy giờ mới được cho vô trại tị nạn (REFUGEE CAMP) Ghe mình là chiếc ghe kế tiếp cặp bờ cùng chỗ với chiếc “TÀU CHÌM “ ấy, nhân lúc người của CAO UỶ TỊ NẠN đang đến trại để tiến hành việc điều tra lý do TÀU CHÌM nên họ cho người của ghe mình được nhập trại luôn. Đúng là DO MAY MẮN 

CHIẾC TÀU CHÌM mà mình vừa nhắc đến chính là chiếc tàu chuyên chở NHÀ VĂN KIÊM MC NỔI TIẾNG NGUYỄN NGỌC NGẠN.
Chiếc tàu ấy chở mấy trăm người đi theo diện đăng ký ra đi chính thức. Do bị chính quyền Mã Lai ra lệnh kéo chiếc tàu trở ngược ra biển, tàu bị sóng đánh chìm, người chết rất nhiều. Hầu như bất kỳ người nào còn sống sót được đưa vào trại tị nạn cũng đều có ít nhất một người thân bị chết !!! Ông Ngạn đã mất vợ và đứa con trai còn nhỏ tuổi.
Mấy chị em mình có theo học Anh Văn với THẦY NGẠN một thời gian, sau đó phải tìm học với thầy khác vì Thầy Ngạn được mời vô làm việc chung với BAN ĐIỀU HÀNH của trại nên Thầy nghỉ dạy
Ghe mình vô trại tị nạn giữa tháng 12, đó là thời gian người dân trong trại chuẩn bị LỄ GIÁNG SINH. Chiều chiều mình đi xem các anh chị em tập múa tập hát, khi ấy có CÔ CA SĨ HẢI LÝ trong ban văn nghệ. Mình cũng có biết qua một số các bài hát mừng ngày CHÚA SINH RA ĐỜI (do hồi nhỏ hay theo các chú lính dắt đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật), nên hay nhẩm hát theo .
Lúc mới vô trại vì còn phải lo thích ứng với môi trường mới lại nhằm lúc cả trại rộn rịp đón mừng LỄ GIÁNG SINH nên không thấy buồn gì lắm. Nhưng rồi bắt qua đầu năm 79, TẾT VN GẦN KỀ, thì CHỜI ƠI nỗi buồn NHỚ NHÀ NHỚ NƯỚC NHỚ NGƯỜI THÂN QUEN ÙA VỀ BUỒN KHÔNG THỂ TẢ !!!

T xin chấm dứt bài viết về NGÀY 13 THÁNG 12 NĂM 1978 tại đây. Khi nào có nguồn cảm hứng sẽ viết bài kể lại ĐỜI SỐNG TRONG TRẠI TỊ NẠN KOTA BHARU MALAYSIA 12,1978-5,1980.

Bích Thủy




8 nhận xét:

  1. Nhin Bich Thuy quen quen,co le anh hoc truoc vai lop

    Trả lờiXóa
  2. Chuyển lời giùm của Bích Thủy:
    Dạ. đừng nói là em thiếu tiền anh nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chac thieu may ly banh lot tiem ong giao

      Xóa
    2. Bichthuy Tran XIN TRẢ LỜI ANH TAM NGUYỄN: “ HỒI ĐÓ THUỶ ĐÂU CÓ TIỀN GHÉ QUÁN ÔNG GIÁO. CHỈ ĐỦ TIỀN MUA CHUỐI NƯỚNG VỚI LẠI ĐÁ BÀO SI RÔ THÔI HÀ!!!

      Xóa
  3. Làm gì mà ở Kota Bharu lâu dữ dzậy chời. Không thua những kẻ được hốt rác ở Pulau Bidong chút nào.
    Vậy là Bích Thủy thời gian vượt biên cũng như qua Mỹ gần giống như tui rồi. Tui cũng đi cuối năm 1978 và đến Mỹ đầu năm 1980 trước chừng 2 tháng thui.

    Trả lờiXóa
  4. Ngồi buồn nhớ lại Bi-Đong
    Ngồi trên Khu F, nhớ trông Quê Nhà
    Xót xa thương Mẹ cùng Cha
    Nhớ Con, thương Vợ; lệ nhoà thâm bâu !

    Trả lờiXóa
  5. Đọc bài viết của BT làm chị hồi tưởng lại thời gian và và làm người tỵ nạn, mỗi người 1 hoàn cảnh, một số phận, khi bước xuống tàu là đã phó thác sinh mệnh cho ông Trời rồi, nghe Ba Thuỷ nói chị cảm động quá em à.
    Nhớ kể tiếp nha BT, chị chờ đó

    Trả lờiXóa
  6. Neu ACE nao da tung o Kota Bharu hay da tung vuot biet xin ghe tham FB minh thanh lap hom nay nha https://www.facebook.com/groups/1095824661719867

    Trả lờiXóa