Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

Blog THKT, Cuối Năm Nhìn Lại

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng 


Tờ lịch tháng Mười Một buông xuống. Ba mươi mốt ngày của tháng Mười Hai báo hiệu một năm thoáng trôi qua. Con số 2018 sẽ được nhường lại cho 2019. Chỉ là những con số nhưng sao trĩu nặng đời người. Nói như cố thi sĩ Bùi Giáng:
“Xin chào nhau giữa con đường
“Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Chợt bâng khuâng như tiếng reo vui và tiếng thở dài trong cùng một nghĩa. Nhưng thôi, hôm nay tôi xin chọn “tiếng reo vui” cho bài viết này.  Một năm mà tính Blog THKT không thôi, thì có đến cả 365 trang, trung bình 3 bài viết xen lẫn bài hát một trang, tính tựu chung là 1095 bài/năm. Con số thật không nhỏ, phải không các bạn? “Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, khiến chúng ta trân trọng biết chừng nào. Ông “Dám Đốc” điều hành Hoa Trần hình như phải mời thêm cô “Phó Dám Đốc” thiết kế Kim Ba. Các thi nhân tài nữ, các văn sĩ nghiệp dư, các tiếng hát mãi xanh... chụm lại là cả một “hòn núi cao” kỷ niệm. Hình ảnh minh họa đã mang nhiều sắc màu tươi đẹp, độc đáo hơn.  Và điều đáng quý và trân trọng của Blog THKT là có cả thầy ca nhạc sĩ  Vĩnh Trương. Thầy đã phổ nhạc chính các bài thơ của học trò, ghi lại và hát với tất cả tấm lòng yêu mến. 

THƠ

Có lẽ thơ là thể loại phù hợp nhất cho Blog. Ngắn ngọn và dễ cho người đọc. Chừng như thi ca là “máu” của người Việt chúng ta? Từ lọt lòng đã nghe tiếng ru con của mẹ. Khôn lớn, trưởng thành trong biết bao nhiêu câu hát, điệu hò của quê hương, đất nước. Cảm tính đó đã trở thành tự nhiên trong suy nghĩ, biểu cảm và những buồn vui thường tình. Yêu thơ và làm thơ như niềm tin yêu vào con người, cuộc sống. Nếu phải kể tên các bạn thơ trên Blog THKT chắc hết trang của bài viết. Trong sự quý mến, tôi chỉ lược qua những nét chính, nét đẹp một cách chủ quan của mình. Thiếu sót là điều không thể tránh, mong các bạn bỏ trong tình văn nghệ thầy trò. Nét nhìn thấy rõ nhất trong năm là, “âm thịnh dương suy”. Các nhà thơ nữ có thơ tham gia nhiều hơn phía cánh “để râu” thì phải? Lại đáng nói hơn là các nhà “làm thơ” trong nước nhiều và thật hay: Hà Mỹ Nhan, Âu Thị Phục An, Lan Anh Nguyễn, Kim Ba, Thanh Trần, Quý Lê, Sơn Nam, Bá Phước, Lê Tấn Tài,  thầy Lê Văn Được, và nhiều nữa.. . Thơ các bạn như một khối cảm thể được chắt chiu, gạn lọc để nối kết giao lưu với các bạn, thầy cô đang sống bên ngoài quê hương, đất nước. Mỗi lần đọc được bài thơ lạ, hay thật “đời” của các bạn trong nước, tôi thích và vui, lâm nhâm cả ngày. “Ông làm gì lẩm bẩm và vui dữ vậy”, bà xã hỏi. Tôi lôi cái laptop, lướt vào bài thơ mà tôi đọc và tâm đắc hôm nay trong chỗ làm. Nghe tôi đọc xong, bà ấy cười cười, leo nheo con mắt: “Lúc này ông vui nhiều cái lãng nhách nha!”. Đây là câu nói và biểu hiện “điềm lành”. Người đồng hương ở thành phố này nói tôi “quá nể” vợ, dịch tiếng Việt là “ông Hoàng sợ vợ”! Mà thật như vậy, các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, hầu hết những người đàn ông sợ vợ đều là những người thành đạt trong sự nghiệp. Hổng tin các bạn cứ thử Google coi, thì biết liền. Không ngụy biện hay tự “chế” ra đâu. 
Thôi trở lại vấn đề thơ. Tâm cảnh của cảm xúc chắc ở đâu cũng vậy? Khác chẳng là sự biểu hiện bằng ngôn ngữ; ngôn ngữ thì biến chuyển theo thời gian và nền văn hóa xã hội. Nền văn hóa xã hội của con người ngày nay không còn thu gọn vào không gian cá biệt của từng vùng đất nữa. Mạng xã hội và khuynh hướng “hoàn cầu hóa” đã thật sự thay đổi ý niệm kinh tế và cả nét văn hóa xã hội của nhân loại. Suy luận này cũng không phải là quá đáng. Những ngôn từ cảm xúc của cac bạn thơ trong nước đã chạm và đồng hành với mọi xúc cảm đời sống và cả ký ức của tôi. Nói để đưa đến thơ của các bạn ở ngoài quê hương: Lạc Nguyễn, Allen Trinh, Mặc Khách, Trần Phiêu, Phương Phù, Cố Quận, La Thùy, Ngọc Huệ, Thụy Vũ, Thanh Hà, cô Lưu Nga Ánh... cũng hòa chung một dòng cảm xúc không tách rời. “Cho dù hai đứa hai đầu nhớ – Cũng uống chung lòng một nhánh sông”, thiệt mà, phải không các bạn?

NHẠC

Xu thế mạnh nhất của Blog nói chung, là những tiếng hát mãi xanh. Blog THKT cũng không ngoai lệ. Chuyển tải niềm đam mê nghệ thuật bất cứ ở đâu, thời và không gian nào cũng đầy ấp cảm xúc. “Nghe” là cảm xúc nhạy và bén nhất trong các biểu hiện hình thức nghệ thuật. Người sẽ đươc nhắc tới nhiều nhất có lẽ là cô Kim Trúc Phùng (hay còn gọi là cô 5 Rạch Giá). Kim Trúc đa tài và biểu hiện niềm đam mê ca hát với số lượng và chất lượng đáng kể. Từ bolero, nhạc trữ tình, thính phòng,... đến hò lý và cả vọng cổ, Kim Trúc đều “kiêm nhiệm, bao sân”!  Cũng không kém phần, đấng “để râu” Allen Trinh cũng tài hoa không kém. Anh chàng vừa là “người mẫu”, làm thơ và hát những khúc tình ca thật đầm ấm, lãng mạn. Cô Phù Du cũng làm “rúng động” cả không gian với hàng loạt tình khúc trữ tình thật thiết tha chạm trái tim người. Tôi rất thích thú khi nghe Phù Du hát “Chiếc Áo Bà Ba” và cả “Niệm Khúc Cuối” theo nhau thật ngọt, da diết, bùi ngùi. Mềm mại, tơ lụa của Ngọc Sương và Bích Thủy cũng khiến đời người “tựa những chiêm bao”. Và phải nói đến tiếng hát gây “nghiện” của ca sĩ Hoàng Vân. Bà xã và tôi đã xem và nghe đi nghe lại “Mưa Bên Kia Sông” và “Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng” mà không biết chán. Giọng hát anh trầm ấm, nội lực, âm vực rộng tha thiết từng lời từng chữ như không dứt, không buông tha người nghe. Hôm cuối tuần nào, thấy tôi cứ ôm laptop trong phòng (làm việc ở nhà – work from home), là bà xã cứ mở TV, vào youtube và mở bài lớn bài “Mưa Bên Kia Sông” với tiếng hát Hoàng Vân, là tôi hết làm! Và như đã nói trên, thầy ca nhạc sĩ Vĩnh Trương đã phổ nhạc chính các bài thơ của học trò, ghi lại và hát vớt tất cả tấm lòng là điểm son đặc biệt nhất của trang Blog THKT. Âm nhạc làm cho đời sống tươi mát,  thăng hoa. Âm nhạc khiến chúng ta tin yêu, thiết tha cuộc sống. Và hạn hẹp hơn, âm nhạc khiến chúng ta giữ mãi mãi tuổi thanh xuân dù trong bất cứ thời gian và không gian nào.  

VĂN

Văn là số ít và không phải thể loại thế mạnh của Blog. Nhưng ít thì hiếm, mà hàng hiếm là hàng quý. Dài cũng ít nhất đôi ba trang, chữ nhiều nên phải mất nhiều thời gian để đọc, để thưởng thức. Loại viết bài cho Blog, bạn chỉ có 24 giờ cho người đọc. Thêm nữa, đọc trên mạng mà chữ nhiều, người đọc dễ “mỏi” mắt và mất không ít thời gian. Nhưng đây lại là hàng “hiếm”, nên cũng không đến nổi nào “tốn công vô ích” đâu. Trước hết phải kể đến là Hình Toàn (HT) với loạt tự truyện nhiều tập “Tuổi Thơ và Cuộc Đời” (kỳ 73, khi tôi viết bài tùy bút này). Phải có nhiều đam mê và kiên nhẩn lắm HT mới có thể ròng rã viết loạt bài của mình. Là người viết, tôi khâm phục cô ấy vô cùng. Bằng lối viết như kể, HT đưa chúng ta trải qua và trở về biết bao hình ảnh, xúc cảm thuở ấu thơ, trưởng thành và những phát triển chung lẫn cá biệt của người con gái “Minh Hương” tiêu biểu của Rạch Giá... Tuy không xuất hiện nhiều, nhưng ngòi bút của Thanh Hà Switzerland (TH) trong loạt tùy bút “Tản Mạn Đơi Thường” (TMĐT) đã gây cho tôi nhiều thích thú. Lối viết bén nhạy, tinh tế và nhiều nối kết rất ư kiến thức “sách vở”, TH nối kết cuộc sống hiện thực, ý niệm “cuộc đời” trong chuỗi thời gian thoáng chợt. Với TMĐT kỳ 3, TH dã kể lại câu chuyện củ “khoai lang mật” mua từ cô sơn nữ, trong chuyến ghé Lào Cai, Hình ảnh cô sơn nữ và củ “khoai mật giả”, khiến tôi chua xót và buồn vô cùng. Câu hỏi về hiện tượng “xót lòng” này đến từ đâu? Xã hội? Giáo dục? Hay gần mực thì đen, gần đèn thì sáng? Lường gạt tiền thuế dân, tiền “nhà nước”... hàng ngàn ngàn tỷ đồng chừng như lên báo hàng tuần, hàng tháng là điều khiến chúng ta phẩn nộ, căm tức. Nhưng thấy hiện tượng tham nhũng, “ăn bẩn” đó cũng thường tình, dù rằng đáng căng da, phỉ nhổ. Lường gạt một củ khoai mật “để sống” thì... khiến chúng ta đau xót đến ứa nước mắt. Giáo dục, tôi chắc chắn là không. Xã hội thì bao quát quá. Gia đình thì chỉ là đơn vị của xã hội. Tôi nghĩ tới cái đau lòng hơn, cái lý do “thật” và đáng sợ hơn: “văn hóa”. Lừa dối, lường gạt để “mưu sinh” đã trở thành “văn hóa”? Tôi mong đây chỉ là sự suy đoán mù mờ, chủ quan của mình, không có thật. Kế phải kể đến là Lanh Nguyễn với hàng loạt truyện ngắn, tùy bút với nhiều đề tài xã hội, con người và cả tự truyện trải rộng và dài theo biết bao biến đổi của quê hương, đất nước của mình và nối kết đến quê hương thứ hai, những chuổi ngày lưu lạc, tha hương. Anh có lối kể chuyện lôi cuốn, dí dỏm và chút châm biếm rất ư là “miệt vườn” miền Tây (mà nói theo anh là đá “giò lái” trong câu)! Nhờ anh mà tôi ngồi trong phòng làm việc mà tôi vẫn “có mặt” đầy đủ ở mọi cuộc hợp mặt, hội ngộ từ đông sang tây của bạn bè, đồng hương. Bài viết của anh khiến tôi có những cuộc viễn du không cần di chuyển..!

KẾT

Một năm sắp trôi qua và không bao giờ trở lại. Blog THKT tồn tại không chỉ có người viết, mà quan trọng hơn là “khách vãng lai”, là người đọc. Không hiện hữu trực tiếp, nhưng “hơi hám” của người thưởng ngoạn khiến cho vườn hoa nghệ thuật đơm chồi, kết nụ, hoa lá xanh rộ sắc màu hơn. Mọi sự việc, mọi đóng góp trong cuộc đời vô thường này, có được có mất, có thành có bại hay không có kết quả gì hết... Nhưng một điều duy nhất tôi có thể khẳng định với các bạn của Blog THKT là, chúng ta sẽ có được một điều lớn nhất, đẹp nhất trong cuộc sống vô thường, ngắn ngủi này: “KỶ NIỆM”! Hãy cùng nhau gom góp, chia nhau từng giây phút “kỷ niệm” hôm nay và sẽ mãi mai này!  

Thân mến, 
NNH



5 nhận xét:

  1. Thầy Hoàng kính,
    Em chân thành cảm ơn tình cảm Thầy đã dành cho Blog THKT rất nhiều. Bài tùy bút Thầy đã gom góp
    tất cả những tâm tư, tấm chân tình từng mỗi một Văn Thi Sĩ Cây Nhà Lá Vườn của Blog.
    Mượn phần kết của bài cũng xem như là một phần tâm tình gửi gấm cá nhân của em...
    Kính chúc Thầy và gia đình luôn an vui và hạnh phúc nha...

    Kính ái.
    Hoa Trần

    Trả lờiXóa
  2. Nhận Xét của Hình Toàn:

    Cám ơn Thầy thật nhiều khi nhắc đến
    Và cũng không quên cám ơn HoaT, đã chấp cánh ...để tôi bày tỏ nổi lòng những suy tư những trắc ẩn, những sự nghiệt ngã của dòng đời ...đổ xuống một thế hệ chứng nhân (trong đó có tôi)
    Và tôi một thằng con gái cố bơi ngược dòng đời .....cám ơn các bạn đọc đã lắng nghe tâm sự và lối suy nghĩ ấy ...

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Trước hết KT cô 5RG cám ơn HT đã rất công kỷ chịu thương chịu khó tạo cho KT có một “ Sân chơi, sân diễn “ lời của thầy NNH nha, rồi từ đó kết nối được những bậc thầy, cô, người anh, người chị, người em từ khắp thế giới, kết thân một mái gia đình, vui buồn chia sẽ sau một ngày vật lộn với cuộc sống, dù là kẻ tha hương hay người cố quốc

    Cám ơn thầy NNH thật nhiều, bài viết và nhận xét của thầy thật tinh tế, không chỉ riêng thầy, KT cũng ghiền và cũng còn ghiền dài dài, luôn là độc giả trung thành của Blog THKT nè.
    Thầy ơi niềm đam mê ca hát vẫn còn đong đầy trong lòng dù hôm nay KT tóc đã lấm tấm hoa răm rồi...

    Còn một người thơ văn thật hay mà thầy quên kể đến là thầy NNH nữa hé.
    Kính chào thân ái.
    KTP Cô 5 RG

    Trả lờiXóa
  5. Thanh Hà cảm ơn thầy Hoàng đã có nhận xét tốt đẹp về Th.H cũng như về các cô, chú, anh, chị , em, bạn...khác trên blog THKT. Ngược lại, nhân đây Th H muốn nói là văn của thầy mới thật điêu luyện xúc tích và nhân bản lắm ạ.
    Sau phải kể đến công rất lớn của Trang Chủ Trần Hoa ( giống truyện kiếm hiệp quá ) đã kiên nhẫn miệt mài bỏ thì giờ chăm sóc vườn hoa Kiên Thành từ 4 năm nay không mệt mỏi. Nhờ vậy càng ngày càng có nhiều kỳ hoa dị thảo xuất hiện làm phong phú và tươi đẹp cho trang viên của chúng ta vậy.
    Thân chào
    Th.Hà

    Trả lờiXóa