Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Ông Già Cà Chớn

Truyện hài hước của Phạm Hồng Ân 


Tác giả Phạm Hồng Ân
Lúc Vũ Hán bắt đầu rục rịch về dịch Corona, ở Mỹ vẫn êm ru bà rù, chưa có chuyện gì đáng kể xảy ra. Tôi đi khám bệnh ở clinic Linda Vista, chỉ gặp có một ông đeo khẩu trang, ngồi co ro trong góc phòng đợi. Ai ra ai vô cũng cố tránh ông này, nhất là người Mỹ, họ rất sợ lây nhiễm, nên kéo nhau ngồi tít phía hàng ghế bên kia. Biết ông là người Việt, hơn nữa, vừa thấy tôi trờ tới, ông vội nhích một bên, nhường chỗ cho tôi ngồi xuống. Đáp lại, tôi chào hỏi.
- Hôm nay anh đi khám bệnh?
- Tôi bị sổ mũi, nhức đầu. Sợ vướng Corona, nên đi khám bác sĩ, anh ạ!
Tôi ngó anh, gật đầu.
- Anh lo xa như thế, quá tốt.
Ông ta trỏ ngón tay lên mặt.
- Nhưng khi đến ghi tên, y tá bắt tôi phải đeo cái khẩu trang mắc dịch này nè, khiến ai nấy phải tránh xa, làm tôi ái ngại quá.
- Ô, họ sợ lây bệnh đấy.
Hình như chỉ có tôi, nơi phòng chờ đợi này, là ngồi gần ông và chuyện trò thân mật, nên ông ta vui vẻ xin số phôn, rồi hẹn một ngày nào đó, mời tôi đến nhà chơi.
Trước khi từ giã, tôi niềm nở.
- Tôi tên An. Còn anh, tên chi?
- Xóm tôi, ai cũng gọi tôi là ông già cà chớn. Anh cứ gọi thế. Hôm nào có dịp, mình nói chuyện đời xưa chơi.
Vài hôm sau, ông già cà chớn gọi tôi đến nhà chơi. Nấn ná đến trưa, tôi mới lên xe, phóng một hơi tới khu ông trú ngụ. Khi vợ ông vừa mở cửa, tôi đã thấy ông già nằm chình ình trên giường, ôm một đống cuộn giấy toilet, thản nhiên ngáy khò khò.
Vợ ông mở lời.
- Ổng mới vừa ngủ. Sáng giờ đi giành lộn với mấy mẹ Mể, mệt rồi.
Tôi ngạc nhiên.
- Sao, sao phải giành lộn? Giành cái gì vậy?
- Đấy! Anh thấy đấy! Giấy toilet. Mua nhiều quá, hết chỗ chứa. Ổng phải chất lên giường, ngủ chung đấy!
Lúc này, ông già cà chớn mới giật mình, lồm cồm ngồi dậy, ngó tôi cười cười.
- Mới tới, ông bạn. Xin lỗi. Trưa nào, tôi cũng mần một giấc.
- Ăn được ngủ được là tiên. Mừng cho ông.
Ông già chập choạng bước tới cái bàn, rót tôi một tách trà.
- Uống nước. Lát tôi chia lại mớ giấy toilet về xài.
- Ủa, ông rinh chi cho nhiều thế, rồi bây giờ đòi chia?
Ông già trố mắt, ngó tôi lom lom.
- Trời đất! Anh không hay gì sao? Corona đang tới Mỹ. Họ đang đua nhau kiếm mua nó để trữ đó.
Tôi cũng trố mắt, ngó lom lom ông già.
- Giấy toilet có ảnh hưởng chi tới bệnh dịch?
- Giỡn cha nội. Không ảnh hưởng mà người ta giành nhau, thiếu điều muốn quánh lộn?
- Ông để dành xài đi. Tôi tìm mua những thứ khác, cần thiết hơn.
Ông già cà chớn đưa ngón trỏ ngay mặt tôi, lắc tới lắc lui.
- Từ chối. Sau này đừng hối hận, nha ông bạn!
Mục đích tôi đến đây, chỉ vì tò mò muốn biết tại sao thiên hạ gọi ông là ông già cà chớn. Cái biệt danh kỳ cục đã làm chết đi cái tên cúng cơm của ông trong đời. Cho nên tôi mới vượt đường xa, nhắm mắt quên đi chuyện lây nhiễm quái lạ của virus Corona, để can đảm ngồi trò chuyện với ông.
- Ông kêu tôi tới, nói chuyện đời xưa. Sao lại mãi lo chuyện đời nay?
Ông già liếc qua bà vợ, tủm tỉm.
- Chuyện biệt danh ông già cà chớn, xin cho tôi hẹn dịp khác. Qua dịch, chúng ta sẽ gặp lại, nha ông bạn!
Tôi thất vọng, lầm lủi ra xe. Và trên đoạn đường từ nhà ông đến parking lot, tôi chợt thầm nghĩ, ông già này quả thật là ông già cà chớn.
Loay quay mãi, nước Mỹ cũng bị virus Corona tấn công. Nó tấn công chớp nhoáng và liên tục. Chẳng bao lâu, toàn nước Mỹ, tất cả 50 tiểu bang đều bị dịch tung hoành. Nó tàn phá khốc liệt, gieo tang tóc đau thương khắp nơi.
Dần dà, tới ngày hẹn bác sĩ, bắt buộc tôi phải đeo khẩu trang đến clinic. Tôi lại gặp ông già cà chớn ngồi sẵn trong phòng đợi. Nhưng lần này, mọi người xung quanh đều mang khẩu trang tươm tất, chỉ có ông là trơ trơ cái mặt mộc ra. Thấy bộ mặt câng câng của ông, tụi Mỹ sợ quá. Không ai bảo ai, họ từ từ rút lui thật xa, sau khi nhún vai tỏ thái độ trách móc ông lão. Gặp tôi, mừng quá, ông vội phân bua.
- Tôi tìm mua khẩu trang khắp nơi không có. Xin ở đây, họ nói hết, nên đành chịu anh ạ!
Tôi nhích ngón trỏ lên, chỉ vào mặt tôi.
- Vâng. Tôi hiểu. Khẩu trang này, tôi mua trên mạng. Nhưng hơn một tháng sau, hàng mới tới nhà đấy!
Ông già cà chớn gật gật.
- Tôi lo thủ giấy toilet, quên mẹ cái mặt nạ.
- Ông về kêu cháu lên Amazon mua thử coi.
Ông già bỗng đưa tay vỗ vô đùi bồm bộp.
- Trời ơi! Tôi không nhớ cái vụ Amazon.
Trận dịch càng lúc càng dữ. Việc lây lan đã trở nên nghiêm trọng. Chính phủ khuyên mọi người nên ở trong nhà. Đa số nghỉ việc. Kinh tế xuống nhanh chóng. Một thời gian sau, giấy toilet trong nhà tôi hết sạch. Các cháu nhao nhao lên than trách. Tôi chạy tứ tung, tìm hết chợ này tới chợ khác. Đi chợ nào cũng thấy chỗ đặt giấy toilet trống trơn, không còn một cuộn. Tôi cố gắng thức sớm, mỗi ngày mỗi đi tìm, kết cuộc chỉ trở về tay không, với cặp giò rã rời sắp rụng.
Đuối quá, tôi khuyên các cháu nên dùng nước. Nhưng chẳng có đứa nào dám đưa tay sờ trực tiếp vào đít mình. Trong lúc bí thế, chợt nhớ đến ông già, tôi lật đật bấm điện thoại.
- Ông già ơi! Ông làm ơn chia lại tôi một ít giấy toilet. Các cháu nhà tôi đang cần nó lắm.
Một lát sau, tiếng ông già càm ràm.
- Cái gì? Giấy toilet hả? Còn đâu mà chia với chác. Lúc trước, tôi năn nỉ ông muốn gãy lưỡi, ông nhất quyết từ chối. Ông nhớ không? Tôi đã nói rồi. Sau này đừng hối hận kia mà.
Nói xong, ông cúp điện thoại cái rẹt, làm tôi chới với và bàng hoàng giây lát. Bây giờ, tôi mới chợt hiểu ra tại sao người ta gọi ông là ông già cà chớn. Riêng với tôi, chẳng những ông cà chớn mà còn xứng đáng mang thêm danh hiệu cà cháo nữa.

PHẠM HỒNG ÂN

(21/04/2020)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét