Hồi ký của Phạm Hồng Ân
(Nhân ngày giỗ Mẹ)
Vừa tan sở, tôi chạy thẳng lên Santa Ana cho kịp dự buổi họp mặt đồng hương Cà Mau.
Hôm qua, thằng Kiên – bạn học cũ –đã gọi điện thoại nhắc nhở trước:
- Kỳ này, mày phải đến dự nghe thằng quỷ! 40 năm rồi không gặp , bạn bè không thể đoán được mặt mày bây giờ dài ngắn thế nào? Con Thùy Nhan nó nhắc mày hoài. Nó nhớ những bài thơ si tình mày làm tặng nó lúc còn đi học…
40 năm xa cách, kể từ năm 1968, tôi rời Cà Mau lên Sài Gòn và không trở lại nữa. Năm đó, cầm mảnh bằng tú tài II trên tay, mỗi đứa trôi dạt mỗi nơi. Ðứa tiếp tục đại học. Ðứa đi lính. Ðứa lấy chồng. Ðứa chui vào mật khu…Cho đến năm 1975, miền nam biến động, chúng tôi hoàn toàn mất tích nhau luôn. Vậy mà, trên cái đất Mỹ xa lạ này, sau 40 năm, chúng tôi lại hội ngộ nhau với đàn con cháu dài thòng như các toa xe lửa.
Những năm trước, năm nào cũng vậy, tôi cứ tìm cách từ chối lời mời họp mặt của Kiên, bởi nhiều lý do chính đáng. Tôi qua Mỹ quá muộn, quá muộn khi tuổi đời chồng chất, nên mặc cảm không còn cơ hội vươn lên như các bằng hữu qua trước. Rồi nghề nghiệp, rồi tài sản…cũng chẳng có gì. Trong lúc bạn bè đã làm nên sự nghiệp. Ðứa kỹ sư, đứa giám đốc, đứa chuyên viên, đứa chủ tiệm…Ðứa nào đứa nấy đều có nhà cao cửa rộng, xe trước xe sau mới toanh bóng loáng.
Năm nay, thằng Kiên nhất định gặp tôi cho bằng được. Nó gọi điện thoại hết ngày tới đêm. Rỉ rả, dặn dò đủ thứ. Nói riết, rồi tôi cũng xiêu lòng. Ðịnh bụng, thử đi một chuyến xem sao?
Cuộc họp mặt được tổ chức ấm cúng ở nhà thằng Hiển. Tất cả không muốn ra nhà hàng. Vì ở đó, phần nào, giảm bớt sự tự do. Và thức ăn, quanh đi quẩn lại, cũng chừng ấy thôi, thưởng thức riết rồi cũng chán phèo. Vợ chồng Hiển khéo léo chọn những bà nội trợ tài giỏi nhất trong đám phu nhân Cà Mau. Các thức ăn quê hương đậm tình dân tộc được lên chương trình gửi đến tận tay mỗi người. Nào: canh chua cá bông lau, cá kho tộ, bún nước lèo, cua lột lăn bột, lẩu lươn…và thêm hàng chục các thức ăn chơi khác mà công tử Bạc Liêu đã từng lịch lãm nếm qua thời xa xưa.
Vòng vo lên xuống một đoạn, tôi cũng mò ra nhà Hiển, sau khi cặp mắt muốn nổ đôm đốm vì quá chăm chú đếm từng bảng số nhà. Nhà Hiển khang trang, có khoảnh sân trước xinh xắn, bao bọc bởi những loài hoa hương sắc lộng lẫy. Một gã đàn ông đầu bạc trắng đang dang rộng vòng tay đón tôi trước cổng.
-Ê! Phải mày không Ân? Tau, Kiên đây!
Tôi nhìn chăm chăm thằng Kiên. Ðầu bạc trắng. Da đồi mồi. Mặt nhăn như mặt khỉ. Trời ơi! Thằng Kiên lóc chóc của 40 năm về trước thật sao? Tôi ôm chầm Kiên, nước mắt tự dưng ứa ra.
-Mày là thằng quỉ Kiên? Thay hình đổi dạng quá! Gặp ngoài đường, chắc hai đứa làm ngơ, không nhận nhau được đâu?
-Mày cũng vậy. Ngày xưa ốm nhom ốm nhách. Bây giờ thù lù và chậm chạp như một lão già nghiện rượu.
Kiên đưa tôi vào nhà giới thiệu từng người. Nếu không nhờ cái tên, tôi sẽ không bao giờ nhận ra được ai. Thời gian như một tay họa sĩ độc ác, dùng nét cọ của tạo hóa, chấm phá những sắc màu xấu trên từng chân dung con người. Tôi ngỡ ngàng khi gặp lại Thùy Nhan. Nàng cũng tàn phai nhan sắc, bèo nhèo như một cánh hoa tả tơi trước gió chiều. Nhưng lối nói trêu cợt, vẫn là nét đặc trưng của Thùy Nhan, mãi mãi không đổi thay.
-Thi sĩ đây ư? Người luôn luôn xức dầu gió bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông đây ư?
Thằng Kiên chen vào:
-Nó đấy! Cái thằng lúc nào cũng kè kè chai dầu gió trong người đấy!
Cả nhóm nhìn tôi cười vang. Những kỷ niệm học trò chợt ùa về trong mỗi người.
Thùy Nhan không tha:
-Ngày xưa, nếu Ân không có mùi dầu gió, có thể Thùy Nhan đã trở thành người nâng khăn sửa túi cho Ân lâu rồi.
Thằng Hiển và mọi người cùng ồ lên:
-Tại sao? Tại sao?
-Vì những bài thơ tình của Ân. Những bài thơ não nuột và bi ai quá cỡ thợ mộc. Nó đã đụng vào trái tim của Thùy Nhan.
Mọi người chọc ghẹo:
-Thế thì bây giờ…Nếu không còn mùi dầu gió, trái tim của hai người có sẵn sàng hòa chung một nhịp chưa?
Thùy Nhan luống cuống. Cô tiểu thư kiêu hãnh ngày xưa không ngờ bạn bè lại quay ngược mũi chĩa, chĩa vào nàng. Thằng Kiên chĩa thêm:
-Trước khi qua Mỹ, thằng quỉ sứ này đã vứt bỏ chai dầu lạc hậu nơi xó xỉnh nào bên Việt Nam rồi, phải vậy không Ân?
Tôi cúi đầu không nói, lặng lẽ moi từ túi quần ra chai dầu Nhị Thiên Ðường, nhẹ nhàng đặt lên bàn ăn. Mọi người cùng ồ lên, trố mắt nhìn chai dầu, rồi nhìn tôi lắc đầu. Thùy Nhan đắc chí, ôm bụng cười ngửa nghiêng.
-Trời ơi! Giờ này mà còn mang kè kè trong mình chai dầu bệnh hoạn. Mình đưa hai tay lên đầu hàng. Hết ý kiến rồi Ân ơi!
Tôi lại cúi đầu, ôn tồn nói với bạn bè, và cũng như nói với chính mình:
-Chai dầu gió, đối với tôi như một báu vật, một tài sản tinh thần mà Mẹ tôi đã thiết tha để lại cho tôi.
Thằng Hiển xoay tròn một vòng.
-Báu vật? Mày có điên không Ân? Chai dầu này ở đây chỉ đáng giá vài đồng bạc.
Tôi lại cúi đầu, buồn bã nhìn từng người bạn.
-Thôi, sau tiệc, tôi sẽ kể cho các bạn nghe vì sao tôi coi chai dầu như báu vật. Bây giờ, trước khi nhập tiệc, chúng ta hãy nhắc và tưởng tiếc đến các bạn vắn số đã nằm xuống thời gian qua.
Nhóm Cà Mau lần lượt nhắc lại cái chết hào hùng của các bạn thơ : Dạ Linh Phương (Nguyễn văn Ðắc), Chu Thiên ( Cao văn Chiến), Trầm Uyên Mỵ (Tăng quang Minh), Diễm Ca Hồng (Lý Cá Hai), Huỳnh Thiên Lượng, Nguyễn văn Tuấn…Ðặc biệt, bạn thơ Chu Thiên đã tình nguyện xung phong vào Lực Lượng Ðặc Biệt, từng nhảy toán nhiều lần ra Bắc, và đã gục ngã ở một nơi nào đó trong sào huyệt địch. Trầm Uyên Mỵ nằm xuống trên đỉnh Tô Châu, trên tay còn cầm bài thơ viết dở dang cho người tình. Gần đây nhất, tại Washington D.C., bạn thơ Giang Hữu Tuyên, chủ nhiệm kiêm chủ bút Hoa Thịnh Ðốn Việt Báo đã đột tử vì căn bệnh hiểm nghèo.
Bữa tiệc vơi dần. Nhưng bạn bè vẫn còn ngồi đó đông đủ. Họ chưa muốn vội chia tay. Họ muốn ôn kỷ niệm, cố níu kéo nhau để giữ lại thân tình. Họ cũng muốn tôi kể lại báu vật chai dầu gió. Vâng, hãy để quá khứ quay về, quay về một cách tự nhiên…
Ngay từ lúc ra đời, tôi đã là một thằng bé èo uột, khó nuôi. Mẹ tôi tất tả ngược xuôi, chạy thầy chạy thuốc khắp nơi để mong tôi thoát khỏi bệnh tật. Tôi lớn lên như một cọng cỏ tong teo, chỉ cần chút gió nhẹ thổi qua là đã muốn ngã quỵ. Chạy tây y không xong, Mẹ tôi chạy qua đông y, rồi thầy bùa, thầy pháp…Tôi được trao thẳng cho ông thầy pháp làm con nuôi, được đặt tên riêng là Săng Mây. Nghe Mẹ kể lại, mỗi lần tôi khóc nhè, ông thầy đặt tôi lên chiếc bàn cao lêu nghêu, rồi hô phong hoán vũ, dùng roi mây đập tứ tung xung quanh, miệng không ngớt lâm râm án nị cà ra nà…Nhưng thật lạ thay, sau một thời gian làm đệ tử thầy, bệnh tình tôi đã mười phần thuyên giảm còn ba. Tôi không còn khóc đêm nữa. Các bệnh yếu ớt vặt vãnh cũng bớt đi, chỉ khi nào tiết trời thay đổi, tôi mới bị cảm lạnh chút ít. Có lẽ, khi nhìn thấy bộ mặt vằn vện và thái độ hung dữ của ông pháp sư, các virus trong người quá sợ hãi, nên đã ngã lăn ra chết queo. Lớn lên một chút, khi tôi biết nói, và bước chân vào tiểu học, Mẹ tôi mới phát giác ra tôi bị đau bụng đêm. Thế là, chai dầu gió được gắn liền với đời tôi , ngay từ lúc đó.
Thập niên 50, thị xã Cà Mau nhỏ xíu như một cái bánh bao. Ngôi chợ thấp lè tè. Ði vòng vo vài ba phút đã hết các con đường. Ba tôi là một công chức trong sở cảnh sát tỉnh. Ba giỏi tiếng Pháp. Lúc trẻ đã có một thời làm thông ngôn cho người Pháp. Ngược lại, Mẹ tôi học rất ít, chữ viết nguệch ngoạc, và làm toán bằng cách tính nhẩm theo các đầu ngón tay. Vậy mà những bài vỡ lòng đầu tiên , kể cả cuốn giáo khoa thư…Mẹ tôi đã dạy tôi thuộc làu, trước khi bước chân vào lớp học. Tôi còn nhớ chai dầu nhị thiên đường màu nâu đậm, mùi nồng cay, nhưng ấm áp một cách an lành. Lần nào cũng vậy, sau khi mặc vào bộ đồng phục học trò, Mẹ vén áo tôi lên, xoa dầu vào rún, rồi vào hai bên thái dương, xong cẩn thận đặt chai dầu vào túi quần tôi, âu yếm nói :
- Con giữ chai dầu, đừng làm mất. Tuy nó nhỏ nhoi, đơn sơ – nhưng là thần hộ mạng cho con, cho mọi người đấy! Khi ra ngoài trời, con nhớ xoa dầu vào hai bên thái dương, xoa dưới cổ và phía sau ót để ngừa cảm mạo thương hàn. Khi đau bụng, xoa vào rún. Khi té, trặc chân tay, xoa vào các vết trặc. Sau này lớn lên, Mẹ sẽ chỉ cho con các huyệt đạo, để lỡ gặp tai ương, con có thể tự cứu mình, cứu người.
Thật vậy, nhờ chai dầu gió, cơn đau bụng đêm oằn oại của tôi đã dịu đi và mất hẳn. Tôi cũng vơi dần những cơn cảm mạo khó chịu mỗi khi trái gió trở trời. Tôi lướt qua tuổi thiếu niên, rồi tuổi thanh niên vùn vụt đến. Tôi đi khắp chốn, đến Cần Thơ thi tú tài, lên Sài Gòn vào đại học. Chỗ nào, nơi đâu…chai dầu gió của Mẹ tôi cũng được cẩn thận nằm trong túi quần.
Năm 1970, chiến tranh bùng nổ khắp miền nam. Tôi chán học, tình nguyện vào lính. Ngày vào quân trường, Mẹ tôi bùi ngùi tiễn tôi lên đường. Nhà nghèo, hành lý mang theo chẳng có gì đáng giá. Nhưng khi xách lên tay, tôi chợt có cảm giác nằng nặng.
- Mẹ ơi! Tối qua Mẹ đã cho con tiền rồi. Hôm nay Mẹ lại để gì nằng nặng trong túi con thế này?
- Có mấy lố dầu nhị thiên đường Mẹ mua cho con, để dành mà phòng gió sương cảm mạo. Con thường đau bụng, nhớ mỗi tối xoa vào rún trước khi đi ngủ. Các bạn lính của con, ai trúng gió trúng sương, con làm phước cạo gió và xoa dầu vào các huyệt đạo cứu họ.
Tôi rưng rưng nước mắt nhìn Mẹ. Tự dưng tôi muốn chùng bước, muốn quay trở lại mái nhà thân yêu, muốn ngã vào vòng tay ấm áp của Mẹ, bỏ ý định đi lính. Nhưng …quay trở lại…để làm gì? Ðể tiếp tục sống bám vào những ly cà phê Mẹ bán từng đồng từng cắc hay sao? Năm 1963, nền đệ nhất cộng hòa xụp đổ, quyền lực tập trung vào tay các Tướng lãnh tự xưng là Cách Mạng. Tổng Thống bị giết, kéo theo các viên chức thân cận bị trù dập hoặc bị cầm tù. Ba tôi là một trong những viên chức thân cận của nền đệ nhất cộng hòa phải bỏ việc chạy trốn. Ông chạy trốn khắp nơi và cuối cùng đành vĩnh viễn bỏ vợ và các con ở lại Cà Mau. Từ đó, gia đình tôi bắt đầu suy sụp. Và một tay Mẹ buôn gánh bán bưng, nuôi các anh em tôi đều học hết bậc trung học.
Chai dầu gió theo tôi trôi giạt các chiến trường. Nó theo tôi bồng bềnh ra Phú Quốc, lăn lóc về Hà Tiên, đêm đêm nằm trên duyên tốc đỉnh đếm các cụm mây lang thang ngang các hòn đảo lạ lùng. Ðêm đêm xoa dầu vào bụng, mùi dầu nồng nồng cay cay trộn lẫn với tình Mẹ cao thượng, làm lòng tôi chợt ấm áp vô cùng. Ðêm đêm, mùi dầu như ngọn lửa thiêng xua tan đi giá lạnh, sưởi nóng tâm trạng cô đơn bệnh hoạn của tôi một cách diệu kỳ. Rồi có một lần, tôi chưa kịp đem chai dầu gió làm phước cứu đồng đội, thì tôi là người ngã quỵ trước tiên giữa cơn bão điên cuồng thổi băng qua Bắc Ðảo. Duyên tốc đỉnh nhỏ bé không có y tá đi theo, chỉ có những dụng cụ cứu thương sơ sài. Ðồng đội phải xúm lại hô hấp nhân tạo, rồi dùng chai dầu của tôi cạo gió, xoa bóp các huyệt. Và thật là kỳ lạ, mùi dầu nồng nàn cộng với mùi tình Mẹ ấm áp đã đánh thức tôi dậy, tiếp tục chuyến viễn du cuộc đời.
Tháng 4 năm 1975, nền đệ nhị cộng hòa tan rã. Như một định mệnh – tương tự trường hợp Ba tôi ngày trước – tôi và đồng đội lần lượt vào các trại tù. Lần này, số phận gia đình tôi bi thảm hơn nhiều. Người anh thứ tư mất tích vĩnh viễn trên đường rút quân của sư đoàn II bộ binh. Các anh em khác chịu chung cảnh ngộ cá chậu chim lồng. Mẹ tôi chạy loạn tứ tung, cuối cùng về Chương Thiện tá túc với người chị bà con, trông ngóng từng đứa con thất lạc trở về. Tôi gặp Mẹ tôi trong màn nước mắt ngậm ngùi. Tôi ôm thân xác còm cõi của Mẹ vào lòng mà tưởng chừng hàng nghìn đớn đau đang gặm nhấm trái tim mình. Gia cảnh của chị tôi cùng chịu chung số phận khổ đau. Cái bàn thờ giữa nhà khói nhang còn nghi ngút, bên cạnh là di ảnh cháu tôi, vừa được gia đình thương tiếc đặt lên. Cách đây vài hôm, ở sân vận động Cần Thơ, việt cộng đã xử bắn một nhóm quân nhân (họ cho là phiến loạn), trong đó có đứa con đầu lòng của chị tôi.
- Mẹ ơi! Chị ba đang gặp cảnh đau buồn. Gia đình mất hết công ăn việc làm. Mẹ ở đây, làm sao sống được?
- Con đừng lo. Mỗi ngày Mẹ làm bánh, bưng đi bán từng nhà. Người ta thấy Mẹ lụm cụm, họ thương tình…mua sạch trơn.
Nói xong, Mẹ nhìn tôi, âu yếm nở nụ cười thật tươi trên đôi môi khô héo. Tôi biết Mẹ cố gắng trấn an tôi, chớ thời buổi bây giờ bữa đói bữa no, thiên hạ làm gì có tiền để mua bánh Mẹ hàng ngày.
- Mẹ ơi! Ngày mai con sẽ về Mỹ Tho trình diện cải tạo. Không biết thời gian trong đó bao lâu? Có lẽ chỉ ngắn hạn thôi. Mẹ ở lại bình an và gắng giữ gìn sức khỏe nha Mẹ! Khi có dịp, con sẽ biên thư đều đều về cho Mẹ.
- Ði đâu, lên rừng hay xuống biển, con cũng nên nhớ để chai dầu trong túi hộ thân và làm phước cứu người nha con! Mẹ chỉ cho con các huyệt đạo căn bản, con còn nhớ không? Ðây, khi gặp ai ngất xỉu, dù ngất xỉu vì bất cứ trường hợp nào, con cố gắng đặt họ nằm thẳng người ra, bình tĩnh dùng kim châm vào nhân trung, rồi khéo léo nặn máu của bệnh nhân ra. Vài giây sau, nếu họ vẫn bất động, con tiếp tục châm kim vào mười đầu ngón tay, và cũng nặn máu ra như huyệt trên. Chậm lắm là vài phút sau, họ sẽ tỉnh dậy. Chiều nay, Mẹ sẽ tìm cho con 1 số dầu, mang vào trại tù để phòng ngừa bệnh hoạn nha con!
Hành trang vào tù của tôi vỏn vẹn chỉ có cái mùng nhà binh, một tấm drap làm mền, vài bộ đồ cá nhân và những lố dầu lỉnh kỉnh của Mẹ, Nhưng nặng nề nhất, trong trái tim tôi đã mang theo tình thương bao la của Mẹ, tình yêu của người vợ trẻ và đứa con trai dễ thương chỉ vừa tròn 6 tháng tuổi. Vào tù, tôi học thêm khoa châm cứu từ người bạn tù rất thân. Chúng tôi lấy dây điện thoại cắt rời ra để làm những ngọn kim châm cứu dã chiến. Từ đó, chúng tôi thay phiên nhau đi khắp trại tù làm phước cho những tù nhân đau yếu, bệnh tật. Khi cứu giúp ai, hình ảnh bác ái của Mẹ tôi chợt hiện ra hiền hậu trong tim, khiến cõi lòng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Ðiều làm xót xa nhất, mà mãi cho tới giây phút này tôi vẫn còn xốn xang, ray rức – đó là hình ảnh Mẹ tôi lội nước thăm nuôi ở trại tù Cai Lậy, lúc trận lụt năm 1978 là trận lụt lớn nhất lịch sử, so với các trận lụt từ trước tới nay trên đồng bằng sông Cửu Long. Năm đó, lụt lớn, lũ tràn đầy. Nước dâng ngập đường đi. Nước leo lên quốc lộ 4. Nước đẩy các sam tù ngửa nghiêng theo sóng. Tù nhân suốt ngày dầm mình dưới nước: chống, đỡ, buộc, rịt…các cột kèo sắp bị sức nước cuốn phăng. Ban đêm, trèo lên mái sam phơi gió phơi sương, ngủ chung với rắn, rít, chuột, dán…Ngày, nước dâng đến đỉnh cao nhất lại là ngày thăm nuôi. Nơi cao ráo nhất là con lộ nằm trước cổng trại tù. Vậy mà Mẹ tôi đứng đó, nước đã mấp mé khỏi bụng. Mẹ ướt loi ngoi từ bao giờ. Có lẽ dầm nước lâu rồi, nên Mẹ mới đánh bò cạp, toàn thân run lẩy bẩy. Chiếc xuồng kế bên chất đầy bao bị thăm nuôi của thân nhân. Họ đứng xung quanh xuồng chờ đợi tù nhân ra gặp mặt. Họ là những người vợ trẻ chắt chiu nuôi chồng. Dù sao họ vẫn còn khỏe mạnh, chỉ có Mẹ tôi là già yếu đang run rẩy chờ con trong dòng lũ giá lạnh. Thế mà khi gặp tôi, Mẹ vẫn nở nụ cười phúc hậu trên đôi môi đã xanh mét. Cái bao thăm nuôi của Mẹ ngoài các thức ăn khô và mớ thịt chà bông hảo hạng, còn có món quà nặng nhất – là những chai dầu gió và những lời nhắn nhủ đậm đà. Không, tôi đã quên một điều, món quà nặng nhất là tình thương sâu thẳm của Mẹ đang đầy ắp trong cái bao thân yêu này.
Rồi 6 năm nặng nề trôi qua, nhốt chán, họ cũng thả tôi ra. Bơ vơ không cửa không nhà, đành theo vợ về quê cuốc giồng trồng khoai sống tạm qua ngày. Mẹ tôi lại lên thăm đều đều. Lần thăm nào Mẹ cũng nhét vào túi tôi mấy chai dầu và các thức ăn khô đủ loại. Rồi có một hôm, nhân dịp tết nguyên đán, cả nhà quây quần bên nhau đón giao thừa. Ông anh vợ tôi quá chén, say bí tỉ. Sáng hôm sau, cả nhà đều thức dậy, nhưng chỉ riêng anh tôi vẫn còn nằm im trong phòng. Ðến trưa, cửa phòng vẫn khép kín. Một nỗi vắng lặng trùm phủ xung quanh. Cả nhà hoảng hốt, tông cửa vào. Anh tôi đã nằm bất động từ lúc nào, tay chân lạnh ngắt như ướp nước đá, phía dưới đất có một đàn kiến đang đua nhau bò lên thân thể anh. Người ta vội la to. Cả nhà chạy gọi y tá và các thầy đông y trong xóm. Y tá làm hô hấp nhân tạo. Các thầy đông y bắt mạch, cạo gió, cắt giác…đủ thứ. Cuối cùng, họ bó tay, ngậm ngùi chia buồn với chủ nhà:
- Thôi, thằng hai đã yên phận rồi. Cả nhà hãy gạt buồn đau để lo cho nó đi!
Vợ tôi vừa chùi nước mắt vừa tức tốc chạy ra giồng khoai kiếm tôi:
- Anh ơi! Anh ơi! Về mau, về mau. Anh Hai mất rồi.
Tôi quăng vội cây cuốc vào góc chuối, la lên:
- Sao? Ðêm qua ảnh còn cụng ly với tui kia mà?
- Về mau. Ở đây mà còn đôi co trăng với sao chi nữa?
Tôi phóng một mạch về đến nhà. Nhảy thẳng lên giường áp tai vào ngực anh tôi. Tôi nghe trái tim đập thoi thóp, thoi thóp. Lồng ngực còn âm ấm, có nghĩa là anh tôi chưa thật sự về với ông bà. Tôi lật đật móc chai dầu ra, và réo to lên:
- Ðưa dùm tui cái kim may, mau lên. Anh hai chưa chết đâu. Còn nước còn tát bà ơi!
Hình ảnh phúc hậu của Mẹ tôi chợt hiện ra. Những lời nhắn nhủ bác ái của Mẹ chợt văng vẳng bên tai. Ðây, huyệt nhân trung. Tôi xoa dầu vào huyệt, châm mạnh. Tôi kiên nhẫn dùng hai đầu ngón tay bóp mạnh vào chỗ vừa châm. Bóp, nặn. Nặn, bóp… lúc lâu – một giọt máu bầm đen mới trồi lên khỏi huyệt. Tôi chùi máu, đợi chờ. Cả nhà nín thở nhìn vào anh không chớp mắt. Có người nức nở cầu nguyện. Có người đau đớn, khóc than. Năm phút, mười phút trôi qua…Anh tôi vẫn bất động. Tôi nhào xuống hai bàn tay, kéo những đầu ngón tay đặt ngửa lên đùi mình. Rồi xoa dầu. Rồi châm kim thẳng vào. Rồi nặn máu thật mạnh. Mười đầu ngón tay nhô lên mười giọt máu hồng. Tôi chùi máu, xoa dầu…rồi tiếp tục nặn máu. Năm phút, mười phút trôi qua…Anh tôi vẫn bất động. Cả nhà tuyệt vọng, ngã gục xuống, than khóc. Nhưng, như có một phép mầu kỳ diệu, hai bàn tay của anh tôi bỗng dưng ngo ngoe, cử động. Rồi toàn thân anh tôi lăn nghiêng qua một bên. Lúc đó, khuôn mặt anh tôi nhăn nhó, mắt mới hé mở, và miệng mới bắt đầu thì thào:
- Ôi, ôi! Ðau mình quá! Cho tôi xin miếng nước uống đi!
Cả nhà reo vang, mừng rỡ. Cả nhà kéo lại, vây quanh anh tôi bóp tay nắn chân, cười nói huyên thiên. Họ đã quên tôi. Họ không biết tôi đang ôm hôn chai dầu gió với niềm hạnh phúc dâng tràn.
Năm 1993, diện HO lan rộng. Tôi đành chia tay với Mẹ, cùng với vợ con sang Mỹ lập nghiệp. Ðất lạ, người mới, cộng với nền văn minh cực thịnh của một cường quốc nổi tiếng, tôi cảm thấy bơ vơ và lạc lõng ở nơi đó vô cùng. Tôi cũng không đem được Mẹ tôi theo để khi hoạn nạn có nhau, để khi khổ đau còn có tình thương Mẹ an ủi, đắp bồi. Trước khi gia đình tôi lên đường, Mẹ tôi từ Chương Thiện về Bến Tre chơi với chúng tôi vài tháng. Trong vài tháng này, Mẹ sử dụng tất cả tài năng về gia chánh mà Mẹ đã học hỏi từ ngày còn thiếu nữ, mỗi ngày một món ăn ngon để gia đình tôi bồi dưỡng. Mẹ sợ, khi qua Mỹ, tôi sẽ không còn dịp được thưởng thức những đặc sản quê hương. Mẹ lo cho con dâu, cho cháu nội từng manh quần tấm áo, như vá lại những mảnh rách, khâu lại từng chiếc mùng, chiếc mền…
Ngày tiễn ra phi trường, Mẹ cứ lấy khăn quàng vai chậm lên mắt. Lúc này, nhìn kỹ, tôi đã thấy Mẹ lụm cụm và già yếu lắm rồi. Nhưng Mẹ vẫn giả vờ vui vẻ, cười nói huyên thiên để tôi an tâm lên đường.
- Ðêm qua, Mẹ đã nhét vào túi xách con những lố dầu Nhị Thiên Ðường. Qua đó, nhớ giữ bên mình, phòng khi trái gió trở trời. Bà con đồng hương, hay dân bản xứ cũng vậy, hễ ai mắc bệnh dọc đường dọc xá, con làm phước cứu họ. Xài lâu, gần hết dầu, nhớ biên thư cho Mẹ. Mẹ sẽ tìm cách gửi dầu qua cho con. Nhớ nha!
Lời Mẹ dặn, tôi vẫn ôm theo trong lòng. Chai dầu gió, tôi vẫn kè kè trong túi. Tôi mang chai dầu đi khắp bốn phương, dong ruổi qua các tiểu bang, làm việc trong nhiều hãng xưởng. Mỗi sáng sớm đến sở làm, trời lạnh căm, trước khi lái xe đi, tôi mở chai dầu xoa lên mũi, xoa lên thái dương, xoa trước cổ, xoa sau ót...như lời Mẹ tôi căn dặn từ thuở ấu thơ đến giờ. Khi mùi dầu bay lên nồng nàn và ấm áp, tự nhiên hình ảnh bác ái của Mẹ hiện ra một cách tin yêu, khiến hạnh phúc bỗng dưng trào dâng, xua tan đi cái giá lạnh rét mướt của mùa đông xứ người. Và ở đây, nơi đất Mỹ xa lạ, tôi cũng đã từng cứu được một đồng nghiệp người Mễ tên Daniel, khi tên này bị một cú “sốc” bởi cholesterol ngã quỵ trên sàn máy.
Mãi đến năm 2001, tôi mới trở lại Việt nam thăm Mẹ. Lúc này, Mẹ tôi đang nằm bệnh viện vì chứng suy tim trầm trọng. Người ta dành cho Mẹ tôi một căn phòng nhỏ đủ để kê chiếc giường cá nhân, và một lối đi hẹp dành cho bác sĩ đến khám bệnh. Anh tôi trải chiếu xuống lối đi đó, mỗi đêm, săn sóc và canh chừng Mẹ tôi. Tôi đến khi Mẹ còn say ngủ. Tội nghiệp, chưa đầy 10 năm, Mẹ tôi đã thay hình đổi dạng một cách rất đau lòng. Ðó là một cụ già da bọc xương, nằm co quắp, tay chân rút lại như tấm hình nộm. Tôi sững sờ nhìn Mẹ, nước mắt tự nhiên tuôn tuôn, không kiềm chế được.
- Mẹ ơi! Con về bên Mẹ đây này! Mẹ có nhận ra con không?
Mẹ tôi từ từ mở mắt ra, nụ cười méo xệch nở trên đôi môi héo hắt. Mẹ đưa cánh tay khẳng khiu về phía tôi, nước mắt trào ra.
- Mẹ nói đi, con nghe. Trong người Mẹ bây giờ thế nào? Có khỏe không?
Mẹ tôi mở miệng định nói, nhưng không thể nói được. Hình như hàm Mẹ tôi bị cứng và hệ thống thanh quản có vấn đề. Mẹ chỉ còn biết nhìn tôi, gật gật đầu. Tôi mở túi xách lôi ra vô số thuốc men, nào là : thuốc bổ, thuốc dưỡng tim, thuốc đau nhức, sữa ensure, sâm đại hàn …Mẹ tôi nhìn vào số thuốc lỉnh kỉnh, lắc đầu buồn rầu. Tiếng anh tôi phía sau vọng lại:
- Mẹ không còn nhai được nữa em ạ! Nuốt cũng rất khó khăn. Bác sĩ cho uống viên thuốc chỉ lớn bằng đầu đũa, anh phải tán ra thành bột, rồi pha nước, đút từng chút cho Mẹ uống.
- Thế...bác sĩ không có cách nào khác sao?
- Họ nói, chỉ có cách cho Mẹ ăn thức ăn lỏng và đút từ từ thôi.
Mẹ tôi trở mình, vói tay lên đầu giường, cầm lấy chai dầu gió đưa ra trước mặt tôi. Như một tín hiệu thân thương, tôi cũng móc chai dầu gió từ túi quần đưa thẳng trước mặt Mẹ.
- Mẹ đừng lo. Con luôn luôn vâng lời Mẹ. Báu vật này con mãi giữ bên mình. Con vẫn làm phước cứu người trong lúc nguy khốn.
Mẹ tôi gật đầu, cười trọn vẹn. Rồi Mẹ ngoắc tôi đến gần, lần tay xuống gối móc ra một gói giấy nhỏ. Tôi nhận gói giấy, tò mò và hồi hộp mở ra. Ðó là một tờ giấy được xé ra từ cuốn tập học trò. Mẹ tôi đã viết đầy trên đó, rồi cẩn thận xếp nó lại làm sáu làm bảy, giấu trong lần gối. Tôi run run trải tờ giấy ra, chăm chú đọc từng dòng. Thằng bảy mượn 3 chỉ vàng, thằng Út mượn 300 đô, vợ thằng bảy mượn 200, con Xuân mượn 500, chồng con Ðông thế chiếc xe đạp lấy 200…Toàn bộ số tiền thằng Ân gửi về cho Mẹ từng đợt, tụi nó đã hỏi mượn và chưa ai trả cho Mẹ.
Trời ơi! Có thật sự anh em, họ hàng tôi đã nghèo nàn đến thế sao? Những lần tiền tôi gửi về giúp Mẹ, lần lượt rơi vào tay của họ mất rồi.Mẹ tôi , ôi! người Mẹ đã có tấm lòng bao la như biển cả.
Gần một tháng bên Mẹ, những đồng đô la của tôi vung ra tứ tung…vẫn không làm sức khoẻ của Mẹ tôi khả quan hơn. Thất vọng, tôi đành phó thác cho số mệnh, trở về Mỹ tiếp tục công ăn việc làm. Một tháng sau, Mẹ tôi mất. Dù chuẩn bị trước chuyện buồn sẽ xảy ra, nhưng tôi vẫn rời rã khổ đau, không làm được việc gì suốt mấy tháng trời. Mẹ tôi mất đi, hình như chưa thật sự an tâm nhắm mắt. Ðám táng cử hành rất kỳ lạ. Người chị tôi theo Phật giáo, chị rước một ông sư về tụng kinh siêu thoát cho Mẹ tôi. Còn ông anh tôi theo Tin Lành thì mời Mục sư về cầu nguyện cho Mẹ sớm về cõi Thiên Ðàng. Hai bên chống cự , phản đối nhau quyết liệt. Không bên nào chịu nhường bên nào. Họ sợ linh hồn Mẹ tôi vất vưởng phiêu linh, lạc mất lối về. Tôi gọi điện thoại cho chị tôi giải thích và đưa ra một ý kiến công bình. Từ năm 1980, Mẹ theo đạo Tin Lành. Mẹ đã làm lễ Báp Têm và xức dầu Thánh rồi, chị hãy để cho Mục Sư cử hành đám táng cho Mẹ đi.
Chai dầu gió luôn luôn nằm trong túi quần tôi. Tôi mãi khư khư giữ nó cho đến giờ phút tôi trở về cát bụi. Mặc ai phản đối, mặc ai trêu chọc, nó vẫn luôn là Thần Hộ Mệnh cho tôi, cho gia đình tôi, và cả cho những ai không may gặp hoạn nạn dọc đường.
Phạm Hồng Ân
*Escondido, 23/01/2011
(Nhân ngày giỗ Mẹ)
Dầu gió Nhị Thiên Đường |
- Kỳ này, mày phải đến dự nghe thằng quỷ! 40 năm rồi không gặp , bạn bè không thể đoán được mặt mày bây giờ dài ngắn thế nào? Con Thùy Nhan nó nhắc mày hoài. Nó nhớ những bài thơ si tình mày làm tặng nó lúc còn đi học…
40 năm xa cách, kể từ năm 1968, tôi rời Cà Mau lên Sài Gòn và không trở lại nữa. Năm đó, cầm mảnh bằng tú tài II trên tay, mỗi đứa trôi dạt mỗi nơi. Ðứa tiếp tục đại học. Ðứa đi lính. Ðứa lấy chồng. Ðứa chui vào mật khu…Cho đến năm 1975, miền nam biến động, chúng tôi hoàn toàn mất tích nhau luôn. Vậy mà, trên cái đất Mỹ xa lạ này, sau 40 năm, chúng tôi lại hội ngộ nhau với đàn con cháu dài thòng như các toa xe lửa.
Những năm trước, năm nào cũng vậy, tôi cứ tìm cách từ chối lời mời họp mặt của Kiên, bởi nhiều lý do chính đáng. Tôi qua Mỹ quá muộn, quá muộn khi tuổi đời chồng chất, nên mặc cảm không còn cơ hội vươn lên như các bằng hữu qua trước. Rồi nghề nghiệp, rồi tài sản…cũng chẳng có gì. Trong lúc bạn bè đã làm nên sự nghiệp. Ðứa kỹ sư, đứa giám đốc, đứa chuyên viên, đứa chủ tiệm…Ðứa nào đứa nấy đều có nhà cao cửa rộng, xe trước xe sau mới toanh bóng loáng.
Năm nay, thằng Kiên nhất định gặp tôi cho bằng được. Nó gọi điện thoại hết ngày tới đêm. Rỉ rả, dặn dò đủ thứ. Nói riết, rồi tôi cũng xiêu lòng. Ðịnh bụng, thử đi một chuyến xem sao?
Cuộc họp mặt được tổ chức ấm cúng ở nhà thằng Hiển. Tất cả không muốn ra nhà hàng. Vì ở đó, phần nào, giảm bớt sự tự do. Và thức ăn, quanh đi quẩn lại, cũng chừng ấy thôi, thưởng thức riết rồi cũng chán phèo. Vợ chồng Hiển khéo léo chọn những bà nội trợ tài giỏi nhất trong đám phu nhân Cà Mau. Các thức ăn quê hương đậm tình dân tộc được lên chương trình gửi đến tận tay mỗi người. Nào: canh chua cá bông lau, cá kho tộ, bún nước lèo, cua lột lăn bột, lẩu lươn…và thêm hàng chục các thức ăn chơi khác mà công tử Bạc Liêu đã từng lịch lãm nếm qua thời xa xưa.
Vòng vo lên xuống một đoạn, tôi cũng mò ra nhà Hiển, sau khi cặp mắt muốn nổ đôm đốm vì quá chăm chú đếm từng bảng số nhà. Nhà Hiển khang trang, có khoảnh sân trước xinh xắn, bao bọc bởi những loài hoa hương sắc lộng lẫy. Một gã đàn ông đầu bạc trắng đang dang rộng vòng tay đón tôi trước cổng.
-Ê! Phải mày không Ân? Tau, Kiên đây!
Tôi nhìn chăm chăm thằng Kiên. Ðầu bạc trắng. Da đồi mồi. Mặt nhăn như mặt khỉ. Trời ơi! Thằng Kiên lóc chóc của 40 năm về trước thật sao? Tôi ôm chầm Kiên, nước mắt tự dưng ứa ra.
-Mày là thằng quỉ Kiên? Thay hình đổi dạng quá! Gặp ngoài đường, chắc hai đứa làm ngơ, không nhận nhau được đâu?
-Mày cũng vậy. Ngày xưa ốm nhom ốm nhách. Bây giờ thù lù và chậm chạp như một lão già nghiện rượu.
Kiên đưa tôi vào nhà giới thiệu từng người. Nếu không nhờ cái tên, tôi sẽ không bao giờ nhận ra được ai. Thời gian như một tay họa sĩ độc ác, dùng nét cọ của tạo hóa, chấm phá những sắc màu xấu trên từng chân dung con người. Tôi ngỡ ngàng khi gặp lại Thùy Nhan. Nàng cũng tàn phai nhan sắc, bèo nhèo như một cánh hoa tả tơi trước gió chiều. Nhưng lối nói trêu cợt, vẫn là nét đặc trưng của Thùy Nhan, mãi mãi không đổi thay.
-Thi sĩ đây ư? Người luôn luôn xức dầu gió bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông đây ư?
Thằng Kiên chen vào:
-Nó đấy! Cái thằng lúc nào cũng kè kè chai dầu gió trong người đấy!
Cả nhóm nhìn tôi cười vang. Những kỷ niệm học trò chợt ùa về trong mỗi người.
Thùy Nhan không tha:
-Ngày xưa, nếu Ân không có mùi dầu gió, có thể Thùy Nhan đã trở thành người nâng khăn sửa túi cho Ân lâu rồi.
Thằng Hiển và mọi người cùng ồ lên:
-Tại sao? Tại sao?
-Vì những bài thơ tình của Ân. Những bài thơ não nuột và bi ai quá cỡ thợ mộc. Nó đã đụng vào trái tim của Thùy Nhan.
Mọi người chọc ghẹo:
-Thế thì bây giờ…Nếu không còn mùi dầu gió, trái tim của hai người có sẵn sàng hòa chung một nhịp chưa?
Thùy Nhan luống cuống. Cô tiểu thư kiêu hãnh ngày xưa không ngờ bạn bè lại quay ngược mũi chĩa, chĩa vào nàng. Thằng Kiên chĩa thêm:
-Trước khi qua Mỹ, thằng quỉ sứ này đã vứt bỏ chai dầu lạc hậu nơi xó xỉnh nào bên Việt Nam rồi, phải vậy không Ân?
Tôi cúi đầu không nói, lặng lẽ moi từ túi quần ra chai dầu Nhị Thiên Ðường, nhẹ nhàng đặt lên bàn ăn. Mọi người cùng ồ lên, trố mắt nhìn chai dầu, rồi nhìn tôi lắc đầu. Thùy Nhan đắc chí, ôm bụng cười ngửa nghiêng.
-Trời ơi! Giờ này mà còn mang kè kè trong mình chai dầu bệnh hoạn. Mình đưa hai tay lên đầu hàng. Hết ý kiến rồi Ân ơi!
Tôi lại cúi đầu, ôn tồn nói với bạn bè, và cũng như nói với chính mình:
-Chai dầu gió, đối với tôi như một báu vật, một tài sản tinh thần mà Mẹ tôi đã thiết tha để lại cho tôi.
Thằng Hiển xoay tròn một vòng.
-Báu vật? Mày có điên không Ân? Chai dầu này ở đây chỉ đáng giá vài đồng bạc.
Tôi lại cúi đầu, buồn bã nhìn từng người bạn.
-Thôi, sau tiệc, tôi sẽ kể cho các bạn nghe vì sao tôi coi chai dầu như báu vật. Bây giờ, trước khi nhập tiệc, chúng ta hãy nhắc và tưởng tiếc đến các bạn vắn số đã nằm xuống thời gian qua.
Nhóm Cà Mau lần lượt nhắc lại cái chết hào hùng của các bạn thơ : Dạ Linh Phương (Nguyễn văn Ðắc), Chu Thiên ( Cao văn Chiến), Trầm Uyên Mỵ (Tăng quang Minh), Diễm Ca Hồng (Lý Cá Hai), Huỳnh Thiên Lượng, Nguyễn văn Tuấn…Ðặc biệt, bạn thơ Chu Thiên đã tình nguyện xung phong vào Lực Lượng Ðặc Biệt, từng nhảy toán nhiều lần ra Bắc, và đã gục ngã ở một nơi nào đó trong sào huyệt địch. Trầm Uyên Mỵ nằm xuống trên đỉnh Tô Châu, trên tay còn cầm bài thơ viết dở dang cho người tình. Gần đây nhất, tại Washington D.C., bạn thơ Giang Hữu Tuyên, chủ nhiệm kiêm chủ bút Hoa Thịnh Ðốn Việt Báo đã đột tử vì căn bệnh hiểm nghèo.
Bữa tiệc vơi dần. Nhưng bạn bè vẫn còn ngồi đó đông đủ. Họ chưa muốn vội chia tay. Họ muốn ôn kỷ niệm, cố níu kéo nhau để giữ lại thân tình. Họ cũng muốn tôi kể lại báu vật chai dầu gió. Vâng, hãy để quá khứ quay về, quay về một cách tự nhiên…
Ngay từ lúc ra đời, tôi đã là một thằng bé èo uột, khó nuôi. Mẹ tôi tất tả ngược xuôi, chạy thầy chạy thuốc khắp nơi để mong tôi thoát khỏi bệnh tật. Tôi lớn lên như một cọng cỏ tong teo, chỉ cần chút gió nhẹ thổi qua là đã muốn ngã quỵ. Chạy tây y không xong, Mẹ tôi chạy qua đông y, rồi thầy bùa, thầy pháp…Tôi được trao thẳng cho ông thầy pháp làm con nuôi, được đặt tên riêng là Săng Mây. Nghe Mẹ kể lại, mỗi lần tôi khóc nhè, ông thầy đặt tôi lên chiếc bàn cao lêu nghêu, rồi hô phong hoán vũ, dùng roi mây đập tứ tung xung quanh, miệng không ngớt lâm râm án nị cà ra nà…Nhưng thật lạ thay, sau một thời gian làm đệ tử thầy, bệnh tình tôi đã mười phần thuyên giảm còn ba. Tôi không còn khóc đêm nữa. Các bệnh yếu ớt vặt vãnh cũng bớt đi, chỉ khi nào tiết trời thay đổi, tôi mới bị cảm lạnh chút ít. Có lẽ, khi nhìn thấy bộ mặt vằn vện và thái độ hung dữ của ông pháp sư, các virus trong người quá sợ hãi, nên đã ngã lăn ra chết queo. Lớn lên một chút, khi tôi biết nói, và bước chân vào tiểu học, Mẹ tôi mới phát giác ra tôi bị đau bụng đêm. Thế là, chai dầu gió được gắn liền với đời tôi , ngay từ lúc đó.
Thập niên 50, thị xã Cà Mau nhỏ xíu như một cái bánh bao. Ngôi chợ thấp lè tè. Ði vòng vo vài ba phút đã hết các con đường. Ba tôi là một công chức trong sở cảnh sát tỉnh. Ba giỏi tiếng Pháp. Lúc trẻ đã có một thời làm thông ngôn cho người Pháp. Ngược lại, Mẹ tôi học rất ít, chữ viết nguệch ngoạc, và làm toán bằng cách tính nhẩm theo các đầu ngón tay. Vậy mà những bài vỡ lòng đầu tiên , kể cả cuốn giáo khoa thư…Mẹ tôi đã dạy tôi thuộc làu, trước khi bước chân vào lớp học. Tôi còn nhớ chai dầu nhị thiên đường màu nâu đậm, mùi nồng cay, nhưng ấm áp một cách an lành. Lần nào cũng vậy, sau khi mặc vào bộ đồng phục học trò, Mẹ vén áo tôi lên, xoa dầu vào rún, rồi vào hai bên thái dương, xong cẩn thận đặt chai dầu vào túi quần tôi, âu yếm nói :
- Con giữ chai dầu, đừng làm mất. Tuy nó nhỏ nhoi, đơn sơ – nhưng là thần hộ mạng cho con, cho mọi người đấy! Khi ra ngoài trời, con nhớ xoa dầu vào hai bên thái dương, xoa dưới cổ và phía sau ót để ngừa cảm mạo thương hàn. Khi đau bụng, xoa vào rún. Khi té, trặc chân tay, xoa vào các vết trặc. Sau này lớn lên, Mẹ sẽ chỉ cho con các huyệt đạo, để lỡ gặp tai ương, con có thể tự cứu mình, cứu người.
Thật vậy, nhờ chai dầu gió, cơn đau bụng đêm oằn oại của tôi đã dịu đi và mất hẳn. Tôi cũng vơi dần những cơn cảm mạo khó chịu mỗi khi trái gió trở trời. Tôi lướt qua tuổi thiếu niên, rồi tuổi thanh niên vùn vụt đến. Tôi đi khắp chốn, đến Cần Thơ thi tú tài, lên Sài Gòn vào đại học. Chỗ nào, nơi đâu…chai dầu gió của Mẹ tôi cũng được cẩn thận nằm trong túi quần.
Năm 1970, chiến tranh bùng nổ khắp miền nam. Tôi chán học, tình nguyện vào lính. Ngày vào quân trường, Mẹ tôi bùi ngùi tiễn tôi lên đường. Nhà nghèo, hành lý mang theo chẳng có gì đáng giá. Nhưng khi xách lên tay, tôi chợt có cảm giác nằng nặng.
- Mẹ ơi! Tối qua Mẹ đã cho con tiền rồi. Hôm nay Mẹ lại để gì nằng nặng trong túi con thế này?
- Có mấy lố dầu nhị thiên đường Mẹ mua cho con, để dành mà phòng gió sương cảm mạo. Con thường đau bụng, nhớ mỗi tối xoa vào rún trước khi đi ngủ. Các bạn lính của con, ai trúng gió trúng sương, con làm phước cạo gió và xoa dầu vào các huyệt đạo cứu họ.
Tôi rưng rưng nước mắt nhìn Mẹ. Tự dưng tôi muốn chùng bước, muốn quay trở lại mái nhà thân yêu, muốn ngã vào vòng tay ấm áp của Mẹ, bỏ ý định đi lính. Nhưng …quay trở lại…để làm gì? Ðể tiếp tục sống bám vào những ly cà phê Mẹ bán từng đồng từng cắc hay sao? Năm 1963, nền đệ nhất cộng hòa xụp đổ, quyền lực tập trung vào tay các Tướng lãnh tự xưng là Cách Mạng. Tổng Thống bị giết, kéo theo các viên chức thân cận bị trù dập hoặc bị cầm tù. Ba tôi là một trong những viên chức thân cận của nền đệ nhất cộng hòa phải bỏ việc chạy trốn. Ông chạy trốn khắp nơi và cuối cùng đành vĩnh viễn bỏ vợ và các con ở lại Cà Mau. Từ đó, gia đình tôi bắt đầu suy sụp. Và một tay Mẹ buôn gánh bán bưng, nuôi các anh em tôi đều học hết bậc trung học.
Chai dầu gió theo tôi trôi giạt các chiến trường. Nó theo tôi bồng bềnh ra Phú Quốc, lăn lóc về Hà Tiên, đêm đêm nằm trên duyên tốc đỉnh đếm các cụm mây lang thang ngang các hòn đảo lạ lùng. Ðêm đêm xoa dầu vào bụng, mùi dầu nồng nồng cay cay trộn lẫn với tình Mẹ cao thượng, làm lòng tôi chợt ấm áp vô cùng. Ðêm đêm, mùi dầu như ngọn lửa thiêng xua tan đi giá lạnh, sưởi nóng tâm trạng cô đơn bệnh hoạn của tôi một cách diệu kỳ. Rồi có một lần, tôi chưa kịp đem chai dầu gió làm phước cứu đồng đội, thì tôi là người ngã quỵ trước tiên giữa cơn bão điên cuồng thổi băng qua Bắc Ðảo. Duyên tốc đỉnh nhỏ bé không có y tá đi theo, chỉ có những dụng cụ cứu thương sơ sài. Ðồng đội phải xúm lại hô hấp nhân tạo, rồi dùng chai dầu của tôi cạo gió, xoa bóp các huyệt. Và thật là kỳ lạ, mùi dầu nồng nàn cộng với mùi tình Mẹ ấm áp đã đánh thức tôi dậy, tiếp tục chuyến viễn du cuộc đời.
Tháng 4 năm 1975, nền đệ nhị cộng hòa tan rã. Như một định mệnh – tương tự trường hợp Ba tôi ngày trước – tôi và đồng đội lần lượt vào các trại tù. Lần này, số phận gia đình tôi bi thảm hơn nhiều. Người anh thứ tư mất tích vĩnh viễn trên đường rút quân của sư đoàn II bộ binh. Các anh em khác chịu chung cảnh ngộ cá chậu chim lồng. Mẹ tôi chạy loạn tứ tung, cuối cùng về Chương Thiện tá túc với người chị bà con, trông ngóng từng đứa con thất lạc trở về. Tôi gặp Mẹ tôi trong màn nước mắt ngậm ngùi. Tôi ôm thân xác còm cõi của Mẹ vào lòng mà tưởng chừng hàng nghìn đớn đau đang gặm nhấm trái tim mình. Gia cảnh của chị tôi cùng chịu chung số phận khổ đau. Cái bàn thờ giữa nhà khói nhang còn nghi ngút, bên cạnh là di ảnh cháu tôi, vừa được gia đình thương tiếc đặt lên. Cách đây vài hôm, ở sân vận động Cần Thơ, việt cộng đã xử bắn một nhóm quân nhân (họ cho là phiến loạn), trong đó có đứa con đầu lòng của chị tôi.
- Mẹ ơi! Chị ba đang gặp cảnh đau buồn. Gia đình mất hết công ăn việc làm. Mẹ ở đây, làm sao sống được?
- Con đừng lo. Mỗi ngày Mẹ làm bánh, bưng đi bán từng nhà. Người ta thấy Mẹ lụm cụm, họ thương tình…mua sạch trơn.
Nói xong, Mẹ nhìn tôi, âu yếm nở nụ cười thật tươi trên đôi môi khô héo. Tôi biết Mẹ cố gắng trấn an tôi, chớ thời buổi bây giờ bữa đói bữa no, thiên hạ làm gì có tiền để mua bánh Mẹ hàng ngày.
- Mẹ ơi! Ngày mai con sẽ về Mỹ Tho trình diện cải tạo. Không biết thời gian trong đó bao lâu? Có lẽ chỉ ngắn hạn thôi. Mẹ ở lại bình an và gắng giữ gìn sức khỏe nha Mẹ! Khi có dịp, con sẽ biên thư đều đều về cho Mẹ.
- Ði đâu, lên rừng hay xuống biển, con cũng nên nhớ để chai dầu trong túi hộ thân và làm phước cứu người nha con! Mẹ chỉ cho con các huyệt đạo căn bản, con còn nhớ không? Ðây, khi gặp ai ngất xỉu, dù ngất xỉu vì bất cứ trường hợp nào, con cố gắng đặt họ nằm thẳng người ra, bình tĩnh dùng kim châm vào nhân trung, rồi khéo léo nặn máu của bệnh nhân ra. Vài giây sau, nếu họ vẫn bất động, con tiếp tục châm kim vào mười đầu ngón tay, và cũng nặn máu ra như huyệt trên. Chậm lắm là vài phút sau, họ sẽ tỉnh dậy. Chiều nay, Mẹ sẽ tìm cho con 1 số dầu, mang vào trại tù để phòng ngừa bệnh hoạn nha con!
Hành trang vào tù của tôi vỏn vẹn chỉ có cái mùng nhà binh, một tấm drap làm mền, vài bộ đồ cá nhân và những lố dầu lỉnh kỉnh của Mẹ, Nhưng nặng nề nhất, trong trái tim tôi đã mang theo tình thương bao la của Mẹ, tình yêu của người vợ trẻ và đứa con trai dễ thương chỉ vừa tròn 6 tháng tuổi. Vào tù, tôi học thêm khoa châm cứu từ người bạn tù rất thân. Chúng tôi lấy dây điện thoại cắt rời ra để làm những ngọn kim châm cứu dã chiến. Từ đó, chúng tôi thay phiên nhau đi khắp trại tù làm phước cho những tù nhân đau yếu, bệnh tật. Khi cứu giúp ai, hình ảnh bác ái của Mẹ tôi chợt hiện ra hiền hậu trong tim, khiến cõi lòng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Ðiều làm xót xa nhất, mà mãi cho tới giây phút này tôi vẫn còn xốn xang, ray rức – đó là hình ảnh Mẹ tôi lội nước thăm nuôi ở trại tù Cai Lậy, lúc trận lụt năm 1978 là trận lụt lớn nhất lịch sử, so với các trận lụt từ trước tới nay trên đồng bằng sông Cửu Long. Năm đó, lụt lớn, lũ tràn đầy. Nước dâng ngập đường đi. Nước leo lên quốc lộ 4. Nước đẩy các sam tù ngửa nghiêng theo sóng. Tù nhân suốt ngày dầm mình dưới nước: chống, đỡ, buộc, rịt…các cột kèo sắp bị sức nước cuốn phăng. Ban đêm, trèo lên mái sam phơi gió phơi sương, ngủ chung với rắn, rít, chuột, dán…Ngày, nước dâng đến đỉnh cao nhất lại là ngày thăm nuôi. Nơi cao ráo nhất là con lộ nằm trước cổng trại tù. Vậy mà Mẹ tôi đứng đó, nước đã mấp mé khỏi bụng. Mẹ ướt loi ngoi từ bao giờ. Có lẽ dầm nước lâu rồi, nên Mẹ mới đánh bò cạp, toàn thân run lẩy bẩy. Chiếc xuồng kế bên chất đầy bao bị thăm nuôi của thân nhân. Họ đứng xung quanh xuồng chờ đợi tù nhân ra gặp mặt. Họ là những người vợ trẻ chắt chiu nuôi chồng. Dù sao họ vẫn còn khỏe mạnh, chỉ có Mẹ tôi là già yếu đang run rẩy chờ con trong dòng lũ giá lạnh. Thế mà khi gặp tôi, Mẹ vẫn nở nụ cười phúc hậu trên đôi môi đã xanh mét. Cái bao thăm nuôi của Mẹ ngoài các thức ăn khô và mớ thịt chà bông hảo hạng, còn có món quà nặng nhất – là những chai dầu gió và những lời nhắn nhủ đậm đà. Không, tôi đã quên một điều, món quà nặng nhất là tình thương sâu thẳm của Mẹ đang đầy ắp trong cái bao thân yêu này.
Rồi 6 năm nặng nề trôi qua, nhốt chán, họ cũng thả tôi ra. Bơ vơ không cửa không nhà, đành theo vợ về quê cuốc giồng trồng khoai sống tạm qua ngày. Mẹ tôi lại lên thăm đều đều. Lần thăm nào Mẹ cũng nhét vào túi tôi mấy chai dầu và các thức ăn khô đủ loại. Rồi có một hôm, nhân dịp tết nguyên đán, cả nhà quây quần bên nhau đón giao thừa. Ông anh vợ tôi quá chén, say bí tỉ. Sáng hôm sau, cả nhà đều thức dậy, nhưng chỉ riêng anh tôi vẫn còn nằm im trong phòng. Ðến trưa, cửa phòng vẫn khép kín. Một nỗi vắng lặng trùm phủ xung quanh. Cả nhà hoảng hốt, tông cửa vào. Anh tôi đã nằm bất động từ lúc nào, tay chân lạnh ngắt như ướp nước đá, phía dưới đất có một đàn kiến đang đua nhau bò lên thân thể anh. Người ta vội la to. Cả nhà chạy gọi y tá và các thầy đông y trong xóm. Y tá làm hô hấp nhân tạo. Các thầy đông y bắt mạch, cạo gió, cắt giác…đủ thứ. Cuối cùng, họ bó tay, ngậm ngùi chia buồn với chủ nhà:
- Thôi, thằng hai đã yên phận rồi. Cả nhà hãy gạt buồn đau để lo cho nó đi!
Vợ tôi vừa chùi nước mắt vừa tức tốc chạy ra giồng khoai kiếm tôi:
- Anh ơi! Anh ơi! Về mau, về mau. Anh Hai mất rồi.
Tôi quăng vội cây cuốc vào góc chuối, la lên:
- Sao? Ðêm qua ảnh còn cụng ly với tui kia mà?
- Về mau. Ở đây mà còn đôi co trăng với sao chi nữa?
Tôi phóng một mạch về đến nhà. Nhảy thẳng lên giường áp tai vào ngực anh tôi. Tôi nghe trái tim đập thoi thóp, thoi thóp. Lồng ngực còn âm ấm, có nghĩa là anh tôi chưa thật sự về với ông bà. Tôi lật đật móc chai dầu ra, và réo to lên:
- Ðưa dùm tui cái kim may, mau lên. Anh hai chưa chết đâu. Còn nước còn tát bà ơi!
Hình ảnh phúc hậu của Mẹ tôi chợt hiện ra. Những lời nhắn nhủ bác ái của Mẹ chợt văng vẳng bên tai. Ðây, huyệt nhân trung. Tôi xoa dầu vào huyệt, châm mạnh. Tôi kiên nhẫn dùng hai đầu ngón tay bóp mạnh vào chỗ vừa châm. Bóp, nặn. Nặn, bóp… lúc lâu – một giọt máu bầm đen mới trồi lên khỏi huyệt. Tôi chùi máu, đợi chờ. Cả nhà nín thở nhìn vào anh không chớp mắt. Có người nức nở cầu nguyện. Có người đau đớn, khóc than. Năm phút, mười phút trôi qua…Anh tôi vẫn bất động. Tôi nhào xuống hai bàn tay, kéo những đầu ngón tay đặt ngửa lên đùi mình. Rồi xoa dầu. Rồi châm kim thẳng vào. Rồi nặn máu thật mạnh. Mười đầu ngón tay nhô lên mười giọt máu hồng. Tôi chùi máu, xoa dầu…rồi tiếp tục nặn máu. Năm phút, mười phút trôi qua…Anh tôi vẫn bất động. Cả nhà tuyệt vọng, ngã gục xuống, than khóc. Nhưng, như có một phép mầu kỳ diệu, hai bàn tay của anh tôi bỗng dưng ngo ngoe, cử động. Rồi toàn thân anh tôi lăn nghiêng qua một bên. Lúc đó, khuôn mặt anh tôi nhăn nhó, mắt mới hé mở, và miệng mới bắt đầu thì thào:
- Ôi, ôi! Ðau mình quá! Cho tôi xin miếng nước uống đi!
Cả nhà reo vang, mừng rỡ. Cả nhà kéo lại, vây quanh anh tôi bóp tay nắn chân, cười nói huyên thiên. Họ đã quên tôi. Họ không biết tôi đang ôm hôn chai dầu gió với niềm hạnh phúc dâng tràn.
Năm 1993, diện HO lan rộng. Tôi đành chia tay với Mẹ, cùng với vợ con sang Mỹ lập nghiệp. Ðất lạ, người mới, cộng với nền văn minh cực thịnh của một cường quốc nổi tiếng, tôi cảm thấy bơ vơ và lạc lõng ở nơi đó vô cùng. Tôi cũng không đem được Mẹ tôi theo để khi hoạn nạn có nhau, để khi khổ đau còn có tình thương Mẹ an ủi, đắp bồi. Trước khi gia đình tôi lên đường, Mẹ tôi từ Chương Thiện về Bến Tre chơi với chúng tôi vài tháng. Trong vài tháng này, Mẹ sử dụng tất cả tài năng về gia chánh mà Mẹ đã học hỏi từ ngày còn thiếu nữ, mỗi ngày một món ăn ngon để gia đình tôi bồi dưỡng. Mẹ sợ, khi qua Mỹ, tôi sẽ không còn dịp được thưởng thức những đặc sản quê hương. Mẹ lo cho con dâu, cho cháu nội từng manh quần tấm áo, như vá lại những mảnh rách, khâu lại từng chiếc mùng, chiếc mền…
Ngày tiễn ra phi trường, Mẹ cứ lấy khăn quàng vai chậm lên mắt. Lúc này, nhìn kỹ, tôi đã thấy Mẹ lụm cụm và già yếu lắm rồi. Nhưng Mẹ vẫn giả vờ vui vẻ, cười nói huyên thiên để tôi an tâm lên đường.
- Ðêm qua, Mẹ đã nhét vào túi xách con những lố dầu Nhị Thiên Ðường. Qua đó, nhớ giữ bên mình, phòng khi trái gió trở trời. Bà con đồng hương, hay dân bản xứ cũng vậy, hễ ai mắc bệnh dọc đường dọc xá, con làm phước cứu họ. Xài lâu, gần hết dầu, nhớ biên thư cho Mẹ. Mẹ sẽ tìm cách gửi dầu qua cho con. Nhớ nha!
Lời Mẹ dặn, tôi vẫn ôm theo trong lòng. Chai dầu gió, tôi vẫn kè kè trong túi. Tôi mang chai dầu đi khắp bốn phương, dong ruổi qua các tiểu bang, làm việc trong nhiều hãng xưởng. Mỗi sáng sớm đến sở làm, trời lạnh căm, trước khi lái xe đi, tôi mở chai dầu xoa lên mũi, xoa lên thái dương, xoa trước cổ, xoa sau ót...như lời Mẹ tôi căn dặn từ thuở ấu thơ đến giờ. Khi mùi dầu bay lên nồng nàn và ấm áp, tự nhiên hình ảnh bác ái của Mẹ hiện ra một cách tin yêu, khiến hạnh phúc bỗng dưng trào dâng, xua tan đi cái giá lạnh rét mướt của mùa đông xứ người. Và ở đây, nơi đất Mỹ xa lạ, tôi cũng đã từng cứu được một đồng nghiệp người Mễ tên Daniel, khi tên này bị một cú “sốc” bởi cholesterol ngã quỵ trên sàn máy.
Mãi đến năm 2001, tôi mới trở lại Việt nam thăm Mẹ. Lúc này, Mẹ tôi đang nằm bệnh viện vì chứng suy tim trầm trọng. Người ta dành cho Mẹ tôi một căn phòng nhỏ đủ để kê chiếc giường cá nhân, và một lối đi hẹp dành cho bác sĩ đến khám bệnh. Anh tôi trải chiếu xuống lối đi đó, mỗi đêm, săn sóc và canh chừng Mẹ tôi. Tôi đến khi Mẹ còn say ngủ. Tội nghiệp, chưa đầy 10 năm, Mẹ tôi đã thay hình đổi dạng một cách rất đau lòng. Ðó là một cụ già da bọc xương, nằm co quắp, tay chân rút lại như tấm hình nộm. Tôi sững sờ nhìn Mẹ, nước mắt tự nhiên tuôn tuôn, không kiềm chế được.
- Mẹ ơi! Con về bên Mẹ đây này! Mẹ có nhận ra con không?
Mẹ tôi từ từ mở mắt ra, nụ cười méo xệch nở trên đôi môi héo hắt. Mẹ đưa cánh tay khẳng khiu về phía tôi, nước mắt trào ra.
- Mẹ nói đi, con nghe. Trong người Mẹ bây giờ thế nào? Có khỏe không?
Mẹ tôi mở miệng định nói, nhưng không thể nói được. Hình như hàm Mẹ tôi bị cứng và hệ thống thanh quản có vấn đề. Mẹ chỉ còn biết nhìn tôi, gật gật đầu. Tôi mở túi xách lôi ra vô số thuốc men, nào là : thuốc bổ, thuốc dưỡng tim, thuốc đau nhức, sữa ensure, sâm đại hàn …Mẹ tôi nhìn vào số thuốc lỉnh kỉnh, lắc đầu buồn rầu. Tiếng anh tôi phía sau vọng lại:
- Mẹ không còn nhai được nữa em ạ! Nuốt cũng rất khó khăn. Bác sĩ cho uống viên thuốc chỉ lớn bằng đầu đũa, anh phải tán ra thành bột, rồi pha nước, đút từng chút cho Mẹ uống.
- Thế...bác sĩ không có cách nào khác sao?
- Họ nói, chỉ có cách cho Mẹ ăn thức ăn lỏng và đút từ từ thôi.
Mẹ tôi trở mình, vói tay lên đầu giường, cầm lấy chai dầu gió đưa ra trước mặt tôi. Như một tín hiệu thân thương, tôi cũng móc chai dầu gió từ túi quần đưa thẳng trước mặt Mẹ.
- Mẹ đừng lo. Con luôn luôn vâng lời Mẹ. Báu vật này con mãi giữ bên mình. Con vẫn làm phước cứu người trong lúc nguy khốn.
Mẹ tôi gật đầu, cười trọn vẹn. Rồi Mẹ ngoắc tôi đến gần, lần tay xuống gối móc ra một gói giấy nhỏ. Tôi nhận gói giấy, tò mò và hồi hộp mở ra. Ðó là một tờ giấy được xé ra từ cuốn tập học trò. Mẹ tôi đã viết đầy trên đó, rồi cẩn thận xếp nó lại làm sáu làm bảy, giấu trong lần gối. Tôi run run trải tờ giấy ra, chăm chú đọc từng dòng. Thằng bảy mượn 3 chỉ vàng, thằng Út mượn 300 đô, vợ thằng bảy mượn 200, con Xuân mượn 500, chồng con Ðông thế chiếc xe đạp lấy 200…Toàn bộ số tiền thằng Ân gửi về cho Mẹ từng đợt, tụi nó đã hỏi mượn và chưa ai trả cho Mẹ.
Trời ơi! Có thật sự anh em, họ hàng tôi đã nghèo nàn đến thế sao? Những lần tiền tôi gửi về giúp Mẹ, lần lượt rơi vào tay của họ mất rồi.Mẹ tôi , ôi! người Mẹ đã có tấm lòng bao la như biển cả.
Gần một tháng bên Mẹ, những đồng đô la của tôi vung ra tứ tung…vẫn không làm sức khoẻ của Mẹ tôi khả quan hơn. Thất vọng, tôi đành phó thác cho số mệnh, trở về Mỹ tiếp tục công ăn việc làm. Một tháng sau, Mẹ tôi mất. Dù chuẩn bị trước chuyện buồn sẽ xảy ra, nhưng tôi vẫn rời rã khổ đau, không làm được việc gì suốt mấy tháng trời. Mẹ tôi mất đi, hình như chưa thật sự an tâm nhắm mắt. Ðám táng cử hành rất kỳ lạ. Người chị tôi theo Phật giáo, chị rước một ông sư về tụng kinh siêu thoát cho Mẹ tôi. Còn ông anh tôi theo Tin Lành thì mời Mục sư về cầu nguyện cho Mẹ sớm về cõi Thiên Ðàng. Hai bên chống cự , phản đối nhau quyết liệt. Không bên nào chịu nhường bên nào. Họ sợ linh hồn Mẹ tôi vất vưởng phiêu linh, lạc mất lối về. Tôi gọi điện thoại cho chị tôi giải thích và đưa ra một ý kiến công bình. Từ năm 1980, Mẹ theo đạo Tin Lành. Mẹ đã làm lễ Báp Têm và xức dầu Thánh rồi, chị hãy để cho Mục Sư cử hành đám táng cho Mẹ đi.
Chai dầu gió luôn luôn nằm trong túi quần tôi. Tôi mãi khư khư giữ nó cho đến giờ phút tôi trở về cát bụi. Mặc ai phản đối, mặc ai trêu chọc, nó vẫn luôn là Thần Hộ Mệnh cho tôi, cho gia đình tôi, và cả cho những ai không may gặp hoạn nạn dọc đường.
Phạm Hồng Ân
*Escondido, 23/01/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét