Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân
(Trích trong tuyển tập Văn Thơ "Lác Đác Xuân Rơi")
Bây giờ, ở quê nhà đang bước vào hè. Phượng đã bắt đầu đơm bông đỏ ối nơi góc sân trường nào đó. Từ lâu, tôi đã biết thương xót bông Phượng, vì bông Phượng là loài bông vò võ đớn đau, lúc nào cũng muốn rực máu, hình tượng nỗi chia lìa. Tôi không có kỷ niệm ray rức nào về Phượng trong lứa tuổi học trò, nhưng tôi đã có kỷ niệm sâu sắc nhất về Phượng, từ một trại cải tạo tù đày của cộng sản Việt Nam.
Phượng - là tên một thiếu nữ khoảng 20 tuổi, quê Phụng Hiệp, vào làm công nhân viên cho cộng sản ở phi trường Sóc Trăng sau tháng 4 năm 75, vừa lúc chúng tôi bị "tống" tới đây. Chỉ khoảng vài tháng cầm quyền, họ đã nhanh chóng biến phi trường này thành vùng đổ nát, điêu tàn. Cỏ dại mọc đầy hai bên phi đạo, cỏ mọc thành gai, thành lùm, ùn ùn lấn chiếm ra giữa đường bay, leo lên cả những đống concertina vứt chập chùng, quấn kín mít trên cổng đài kiểm lưu đã lật gọng. Chúng tôi tới đây để xóa sạch dấu tích đó, bằng cách biến vùng điêu linh này thành trường "quân chính" cho họ học tập.
Tôi không thể quên đêm khuya mênh mông ngày nọ, không thể quên chiếc GMC lạnh lùng xé nát không gian, vun vút chở 100 tù binh từ trại tù Cao Lãnh về hướng quốc lộ 4. Chiếc xe phủ bạt bít bùng, kinh khiếp như cỗ quan tài khổng lồ, cố sức nuốt chửng 100 tù binh đứng ép vào nhau, dẫm lên nhau, chen chúc, cọ quậy...để tìm phân vuông không khí trong lành. Trời tháng 12 không lạnh, mồ hôi ngai ngái vã ra như tắm, ướt đẫm bộ quần áo đã bạc màu phong sương. Đã vậy, những đôi mắt cú vọ của hai tên vệ binh đeo bên hông xe lúc nào cũng tóe lửa hận thù, tay thì chừng chực họng AK đen ngòm, sẵn sàng nhả đạn.
Tôi không thể quên dãy nhà tiền chế đã quá "đát", bên trong vách cửa tả tơi, lác đác
một vài chỗ xiêu vẹo, nền xi măng luôn đọng những vũng nước mưa đen ngòm. Ban đêm - mùa nước rong - rắn, rít, chuột, côn trùng...về hội tụ dưới chân chúng tôi, như tìm kiếm hơi ấm tình người.
Tôi không thể quên tên cán bộ đội trưởng lùn tịt như dân xứ Eskimo. Mồm hắn lúc nào cũng vẩu ra, chặc chặc : "chưa tốt, chưa tốt" trước công việc của chúng tôi.
Và tôi không thể nào quên Phượng - người thiếu nữ xa lạ đã tự nguyện đi bên tôi, đi bên chúng tôi...trong suốt khoảng đời đày đọa ở trại tù Sóc Trăng...
Chúng tôi có 5 người, bắt đầu vác cuốc xẻng ra "lao động" cho khu nhà bếp. Tên cán bộ đội trưởng lầm lì dẫn chúng tôi đến một khoảnh đất khô khan đầy kẽm gai lùng nhùng. Hắn lấy que tre vạch sơ đồ nguệch ngoạc dưới đất : đây khu chuồng heo, đây hồ cá tra, đây cầu xí ở trên...phải hoàn thành kế hoạch, hoàn thành kế hoạch...
Chúng tôi "khắc phục khó khăn, hoàn thành kế hoạch" với phần bo bo thay cơm, nhóp nhép mỗi ngày. Giờ nghỉ trưa, tôi và Bằng - một sĩ quan không quân, thường ra phía trước nhà bếp, tựa lưng bên gốc phượng, nhìn bâng quơ lên tán lá xanh rì trên cao, đếm ngày tháng qua. Mùa này, phượng loe hoe vài chùm bông đỏ, khiến tôi bâng khuâng nhớ đến ngày từ biệt Tuyết - người vợ mới cưới - nơi góc sân trường.
- Anh ấy ơi! Vào đây...Em cho cái này...
Khuôn mặt con gái thò ra cửa sổ. Bàn tay trắng muốt vẫy vẫy về phía chúng tôi. Thấy người đẹp, Bằng tinh quái vỗ vai tôi, rồi lanh lẹ đẩy tôi vào trong. Thiếu nữ mặc áo bà ba hoàng yến, tóc thề ngang vai, chìa ra một dề cơm cháy vàng ánh bốc khói thơm lừng :
- Em tên Phượng. Em tặng anh và các bạn đây. Còn anh, tên chi?
Tôi vội ôm dề cơm vào lòng như báu vật, lúng túng giới thiệu tên...và bắt đầu quen Phượng từ đấy.
Và từ đấy, cứ mỗi sáng, khi chiếc xe lam lạch tạch ở chợ về, Phượng thường nhảy xuống xe trước, kín đáo "tiếp tế" chúng tôi từng lọn cải xanh, vài bó rau muống, ít ký khoai lang...hoặc miếng thịt nạc...cá đồng...Lần nào "tiếp tế", Phượng cũng hỏi han dăm ba câu và nhìn tôi bằng đôi mắt trĩu nặng cảm tình.
Ngày nọ, tên cán bộ đội trưởng lò dò đến tán tỉnh Phượng. Hắn đeo nàng suốt ngày như "đỉa", khiến phần lương thực buổi đó không đến tay chúng tôi được. Hôm sau, Phượng thức thật sớm, lúi húi cầm dao khoét một hang dưới gốc phượng, xong nàng lấy ván đậy lại, rồi phủ lớp cỏ khô ngụy trang bên trên. Từ đấy về sau, mỗi ngày,nàng kín đáo đặt "phần lương thực" tiếp tế ở đó. Buổi trưa, chúng tôi thản nhiên đến gốc phượng nghỉ lưng, rồi ung dung "tẩu tán" lương thực một cách bí mật.
Thời gian "độn" bo bo kéo dài dằng dặc, cho đến một hôm Bằng bị đau dạ dày kịch liệt. Chàng ta ôm bụng nhăn nhó, lăn lộn suốt đêm, rồi chảy nước dãi...bỏ ăn mấy ngày. Xin đi khám bệnh, cán bộ bệnh xá khuyên viết thư bảo người nhà gởi bột nghệ vào uống. Bằng quê miền trung, vợ con chưa có, thân sinh già yếu, từ ngày vào đây chưa hề được thăm nuôi, thì...ai có đủ khả năng lo việc này?
Khi nghe tin Bằng như thế, Phượng tức tốc đến bệnh xá, giả vờ đau dạ dày khám bệnh, mục đích lấy thuốc đem về cho Bằng. Khi nhận những lọ thuốc tình nghĩa đó, Bằng rưng rưng nước mắt, ôm choàng lấy tôi như cùng nhau chia xẻ nỗi cảm thông đầy ắp tình người.
Kế hoạch nguệch ngoạc của tên cán bộ đội trưởng làm tổ tôi phải đổ mồ hôi gần hai tháng trời. Giờ đây, nó đã hoàn thành một cách tươm tất. Khu chuồng heo khang trang có thể chứa được bầy heo ủn ỉn độ vài chục con. Hồ cá tra kế đó, cầu xí bên trên, nhất cử lưỡng tiện, cá tra "đớp" phân heo, "đớp" luôn phân người, vừa hợp vệ sinh vừa vỗ cá chóng béo - làm thức ăn nuôi dưỡng lại "cán bộ". Bằng cũng dứt cơn đau dạ dày, bởi những lọ thuốc tràn trề tình nghĩa của Phượng. Hắn được tên cán bộ đội trưởng cho làm "việc nhẹ" bằng cách cắt cử coi chuồng heo. Mỗi ngày Bằng chỉ "xách nước kỳ cọ tắm rửa vài chục con heo", chỉ đi xa vài cây số tìm thân chuối vác về thái nhỏ cho heo ăn, chỉ quét dọn phân heo luôn để chuồng được sạch sẽ ngăn nắp.
Nếu "đồ tiếp tế" của Phượng càng ngày tăng dần theo cấp số cộng, thì tình cảm giữa tôi và nàng lại càng lúc càng tăng theo cấp số nhân. Phượng viết cho tôi những bức thư tình ướt át, trong đó có lời lẽ âu yếm tràn đầy trang giấy. Thư tình chưa đủ, nàng lại hẹn tôi ra cầu xí buổi trưa để gặp tận mặt cho vơi nhớ thương., vì dù sao cầu xí là chỗ hẹn hò tương đối kín đáo và an toàn nhất. Cầu xí có bên nam, bên nữ, chúng tôi ngồi vào đó - bên nhau, chỉ cách có tấm vách lá mỏng manh để tâm tình. Thật chưa có một cuộc hẹn hò nào kỳ lạ, hồi hộp và đầy khó khăn như vậy.
Cuộc hẹn hò của tôi và Phượng chưa đến độ gắn bó chặt chẽ, bỗng gặp trở ngại dọc đường. Tên cán bộ đội trưởng si tình đã đánh hơi sự việc, hắn bỏ công rình mò một thời gian, bắt gặp quả tang tôi và Phượng cầm tay nhau trao thư trong cầu xí. Tôi bị lập biên bản về tội quan hệ bất chính với công nhân viên, bị tống giam vào conex.
Có nằm trong conex mới thấy thấm thía nỗi khổ. Ban ngày sức nóng làm mồ hôi vả ra như tắm, rít rịt các lỗ chân lông. Tôi phải trút hết quần áo, trần truồng như nhộng, rồi lê về phía vách conex tìm những lỗ thủng nho nhỏ để hít lấy không khí từ bên ngoài vào. Trái lại, ban đêm lạnh căm căm. Chiếc nóp tù binh làm bằng bao cát Mỹ, hai lớp hẳn hoi - vẫn không thấy ấm. Trong đêm đen tối mịt mùng, một mình trơ vơ giữa conex hoang vắng, tôi càng cảm thấy căm thù tên cán bộ đội trưởng - và nghĩ về Phượng - như một mối cảm thông vô cùng tận.
Giữa lúc tôi đang chịu cực hình đày đọa, đêm nọ, thình lình cửa conex bật mở. Phượng bỗng hiện ra với tên vệ binh - giống trong cơn mơ - dưới ánh sáng đèn chong mờ mờ. Ngoài trời, mưa gió tuôn chảy. Mưa quất hạt vào cửa conex nghe lùng bùng, có hạt rớt vào chân tôi, buốt như mũi kim châm. Gió cuốn tả tơi bên ngoài. Gió vặn vẹo mỗi thân cây, bật tung vòm lá, hòa hợp với âm thanh của sấm chớp, ầm ì suốt đêm khuya. Mưa gió kinh hoàng như thế, Phượng lại lặn lội đến đây thăm tôi, sao không tưởng là cơn mơ được?
- Em thăm anh. Có khỏe không anh?
Phượng sà vào lòng tôi như đôi chim bồ câu lạc bầy gặp nhau. Nàng mân mê bàn tay tôi, mặc kệ tên vệ binh chết tiệt đang co ro phía góc conex. Tôi băn khoăn :
- Phượng vào đây thăm anh, bằng cách nào thế?
Nàng ngước mặt nhìn sâu vào mắt tôi, rưng rưng nói qua màn lệ :
- Bằng lời hứa. Em hứa sẽ nhận lời lấy tên cán bộ đội trưởng. Nhưng anh đừng bận tâm. Trước sau em cũng yêu anh. Đó chỉ là lời hứa suông. Thất hứa với kẻ chuyên gieo rắc kinh hoàng cho người khác - Em nghĩ, không có gì là tội cả.
Tôi cảm động, ghì sát mái tóc nàng. Phượng còn cho tôi biết, ngày mai chúng tôi sẽ chuyển trại đi xa, về một khu rừng xa lắc nào đó ở miền đông. Có lẽ sau khi tôi đi, Phượng sẽ nghỉ làm trở về quê với ba mẹ. Nàng sẽ như người vọng phu, son sắt một lòng chờ ngày tôi được trả tự do.
Bên ngoài gió vẫn hú, mưa vẫn rơi suốt đêm. Chúng tôi ngồi nghe gió hú mưa rơi...như ngẩng mặt thách thức với đời thường.
Trời vừa hừng sáng, chiếc GMC lại lồng lộn lao đi, đưa tôi và bè bạn ngược vùng Xuyên Mộc. Khi xe phóng nhanh ra cổng phi trường, tôi thấy thấp thoáng bóng nàng đứng dưới gốc phượng vẫy tay đưa tiễn. Các anh em chúng tôi đều buồn bã, ai cũng đưa tay cao vẫy lại. Bằng tẩn mẩn lọ thuốc dạ dày, bùi ngùi nhắc đến ơn sâu của Phượng. Tổ lao động "nhà bếp" chạnh nhớ, tiếc rẻ những bữa bo bo lắm rau đầy thịt, do Phượng chắt chiu "tiếp tế".
Một vùng đất khổ ải lại đến với chúng tôi, nơi phương trời xa lạ. Xuyên Mộc rừng bạt ngàn. Rừng che khuất trời, âm u như địa ngục giữa trần gian. Dòng sông Đrây đổ xuống từ thượng nguồn ầm ập ngày đêm. Nước chứa đựng hằng hà sa số lá rừng thối rữa quanh năm, nên lúc nào sông cũng tanh tưởi và đục ngầu như máu - vậy mà là nguồn nước duy nhất cho chúng tôi ăn uống, rửa ráy hàng ngày. Chúng tôi sốt rét, tiêu chảy, lâm bệnh nặng...rồi nằm xuống vĩnh viễn nơi vùng đất này rất nhiều.
Về đây, chịu đọa đày vài tháng, Bằng cùng một số anh em được gọi lên trả tự do. Đêm cuối, tôi trao cho Bằng lá thư dài dằng dặc của Phượng, dặn dò và gửi gấm đủ điều :
- Tau có vợ, không thể lừa dối Phượng mãi được. Mày về Phụng Hiệp gắng tìm nàng nói hết mọi chuyện. Gắng an ủi và chia xẻ với nàng. Tau hy vọng...sau đó sẽ tốt đẹp. Mày và Phượng sẽ yêu nhau, tau hy vọng thế. Đường về miền Trung quá xa xôi, thế thì hãy nhận Phụng Hiệp làm quê hương thứ hai. Chúc may mắn. Chúc mày và nàng yêu nhau đến răng long tóc bạc, trăm năm hạnh phúc. Đây là địa chỉ tau. Tau nghĩ, hôm nay mày về, một thời gian nữa, tau cũng sẽ về. Có gì, liên lạc với nhau. Hoặc thuận tiện, dắt Phượng về thăm tau. Nhớ nha!
Vài tháng sau, tôi cũng được thả về. Khoảng một năm nữa, tôi nhận được thư Bằng, trong đó có đoạn kinh hoàng như sau :
"...Tau hứa sẽ tìm Phượng đến cuối đất cùng trời, và tau đã tìm được nhà Phượng, một ngôi nhà xinh xắn nằm trên mảnh đất màu mỡ của Phụng Hiệp. Nhưng trời ơi ! một bàn thờ ở góc nhà cùng với hình Phượng, khiến tao linh cảm như vĩnh viễn không gặp được nàng để kể hết mọi chuyện. Ba Phượng cho biết, tên cán bộ đội trưởng khốn kiếp đã rút kíp lựu đạn, điên cuồng xông vào Phượng, sau khi nàng khăng khăng từ chối không chịu lấy hắn. Quả lựu đạn nổ tung...đã đưa hắn và Phượng vào cõi vô hình...”
Đọc hết đoạn khủng khiếp này, tôi đau khổ đến nghẹn cả tim, như có ai vò nát cõi lòng. Phượng là một nỗi đoạn trường, một dấu ấn vào tâm tư tôi từ đó...
Nếu quan niệm NGƯỜI LÍNH là người luôn bảo vệ chế độ, lúc nào cũng đùm bọc chở che cho đồng đội, và sẵn sàng hy sinh trong mọi tình huống trắc trở...thì Phượng quả xứng đáng là một NGƯỜI LÍNH trọn vẹn. Xin Tổ Quốc hãy ghi công nàng. Xin lịch sử hãy choàng vòng hoa vinh quang lên thân thế Phượng.
Riêng tôi, 20 năm qua vẫn chưa có dịp gặp lại Bằng, vẫn chưa một lần ghé chân về Phụng Hiệp, đặt trên nấm mồ nàng bó hoa để tạ tội cùng cố nhân. 20 năm thoáng như chớp mắt. Và Bằng ơi, dù ở cách nhau vạn dặm xa xôi, sau khi đọc được những dòng này, mày có bằng lòng với tau, hãy tìm một quán rượu lặng lẽ nào đó, ngồi thâu đêm độc ẩm...
Phạm Hồng Ân
(Trích trong tuyển tập Văn Thơ "Lác Đác Xuân Rơi")
Bây giờ, ở quê nhà đang bước vào hè. Phượng đã bắt đầu đơm bông đỏ ối nơi góc sân trường nào đó. Từ lâu, tôi đã biết thương xót bông Phượng, vì bông Phượng là loài bông vò võ đớn đau, lúc nào cũng muốn rực máu, hình tượng nỗi chia lìa. Tôi không có kỷ niệm ray rức nào về Phượng trong lứa tuổi học trò, nhưng tôi đã có kỷ niệm sâu sắc nhất về Phượng, từ một trại cải tạo tù đày của cộng sản Việt Nam.
Phượng - là tên một thiếu nữ khoảng 20 tuổi, quê Phụng Hiệp, vào làm công nhân viên cho cộng sản ở phi trường Sóc Trăng sau tháng 4 năm 75, vừa lúc chúng tôi bị "tống" tới đây. Chỉ khoảng vài tháng cầm quyền, họ đã nhanh chóng biến phi trường này thành vùng đổ nát, điêu tàn. Cỏ dại mọc đầy hai bên phi đạo, cỏ mọc thành gai, thành lùm, ùn ùn lấn chiếm ra giữa đường bay, leo lên cả những đống concertina vứt chập chùng, quấn kín mít trên cổng đài kiểm lưu đã lật gọng. Chúng tôi tới đây để xóa sạch dấu tích đó, bằng cách biến vùng điêu linh này thành trường "quân chính" cho họ học tập.
Tôi không thể quên đêm khuya mênh mông ngày nọ, không thể quên chiếc GMC lạnh lùng xé nát không gian, vun vút chở 100 tù binh từ trại tù Cao Lãnh về hướng quốc lộ 4. Chiếc xe phủ bạt bít bùng, kinh khiếp như cỗ quan tài khổng lồ, cố sức nuốt chửng 100 tù binh đứng ép vào nhau, dẫm lên nhau, chen chúc, cọ quậy...để tìm phân vuông không khí trong lành. Trời tháng 12 không lạnh, mồ hôi ngai ngái vã ra như tắm, ướt đẫm bộ quần áo đã bạc màu phong sương. Đã vậy, những đôi mắt cú vọ của hai tên vệ binh đeo bên hông xe lúc nào cũng tóe lửa hận thù, tay thì chừng chực họng AK đen ngòm, sẵn sàng nhả đạn.
Tôi không thể quên dãy nhà tiền chế đã quá "đát", bên trong vách cửa tả tơi, lác đác
một vài chỗ xiêu vẹo, nền xi măng luôn đọng những vũng nước mưa đen ngòm. Ban đêm - mùa nước rong - rắn, rít, chuột, côn trùng...về hội tụ dưới chân chúng tôi, như tìm kiếm hơi ấm tình người.
Tôi không thể quên tên cán bộ đội trưởng lùn tịt như dân xứ Eskimo. Mồm hắn lúc nào cũng vẩu ra, chặc chặc : "chưa tốt, chưa tốt" trước công việc của chúng tôi.
Và tôi không thể nào quên Phượng - người thiếu nữ xa lạ đã tự nguyện đi bên tôi, đi bên chúng tôi...trong suốt khoảng đời đày đọa ở trại tù Sóc Trăng...
Chúng tôi có 5 người, bắt đầu vác cuốc xẻng ra "lao động" cho khu nhà bếp. Tên cán bộ đội trưởng lầm lì dẫn chúng tôi đến một khoảnh đất khô khan đầy kẽm gai lùng nhùng. Hắn lấy que tre vạch sơ đồ nguệch ngoạc dưới đất : đây khu chuồng heo, đây hồ cá tra, đây cầu xí ở trên...phải hoàn thành kế hoạch, hoàn thành kế hoạch...
Chúng tôi "khắc phục khó khăn, hoàn thành kế hoạch" với phần bo bo thay cơm, nhóp nhép mỗi ngày. Giờ nghỉ trưa, tôi và Bằng - một sĩ quan không quân, thường ra phía trước nhà bếp, tựa lưng bên gốc phượng, nhìn bâng quơ lên tán lá xanh rì trên cao, đếm ngày tháng qua. Mùa này, phượng loe hoe vài chùm bông đỏ, khiến tôi bâng khuâng nhớ đến ngày từ biệt Tuyết - người vợ mới cưới - nơi góc sân trường.
- Anh ấy ơi! Vào đây...Em cho cái này...
Khuôn mặt con gái thò ra cửa sổ. Bàn tay trắng muốt vẫy vẫy về phía chúng tôi. Thấy người đẹp, Bằng tinh quái vỗ vai tôi, rồi lanh lẹ đẩy tôi vào trong. Thiếu nữ mặc áo bà ba hoàng yến, tóc thề ngang vai, chìa ra một dề cơm cháy vàng ánh bốc khói thơm lừng :
- Em tên Phượng. Em tặng anh và các bạn đây. Còn anh, tên chi?
Tôi vội ôm dề cơm vào lòng như báu vật, lúng túng giới thiệu tên...và bắt đầu quen Phượng từ đấy.
Và từ đấy, cứ mỗi sáng, khi chiếc xe lam lạch tạch ở chợ về, Phượng thường nhảy xuống xe trước, kín đáo "tiếp tế" chúng tôi từng lọn cải xanh, vài bó rau muống, ít ký khoai lang...hoặc miếng thịt nạc...cá đồng...Lần nào "tiếp tế", Phượng cũng hỏi han dăm ba câu và nhìn tôi bằng đôi mắt trĩu nặng cảm tình.
Ngày nọ, tên cán bộ đội trưởng lò dò đến tán tỉnh Phượng. Hắn đeo nàng suốt ngày như "đỉa", khiến phần lương thực buổi đó không đến tay chúng tôi được. Hôm sau, Phượng thức thật sớm, lúi húi cầm dao khoét một hang dưới gốc phượng, xong nàng lấy ván đậy lại, rồi phủ lớp cỏ khô ngụy trang bên trên. Từ đấy về sau, mỗi ngày,nàng kín đáo đặt "phần lương thực" tiếp tế ở đó. Buổi trưa, chúng tôi thản nhiên đến gốc phượng nghỉ lưng, rồi ung dung "tẩu tán" lương thực một cách bí mật.
Thời gian "độn" bo bo kéo dài dằng dặc, cho đến một hôm Bằng bị đau dạ dày kịch liệt. Chàng ta ôm bụng nhăn nhó, lăn lộn suốt đêm, rồi chảy nước dãi...bỏ ăn mấy ngày. Xin đi khám bệnh, cán bộ bệnh xá khuyên viết thư bảo người nhà gởi bột nghệ vào uống. Bằng quê miền trung, vợ con chưa có, thân sinh già yếu, từ ngày vào đây chưa hề được thăm nuôi, thì...ai có đủ khả năng lo việc này?
Khi nghe tin Bằng như thế, Phượng tức tốc đến bệnh xá, giả vờ đau dạ dày khám bệnh, mục đích lấy thuốc đem về cho Bằng. Khi nhận những lọ thuốc tình nghĩa đó, Bằng rưng rưng nước mắt, ôm choàng lấy tôi như cùng nhau chia xẻ nỗi cảm thông đầy ắp tình người.
Kế hoạch nguệch ngoạc của tên cán bộ đội trưởng làm tổ tôi phải đổ mồ hôi gần hai tháng trời. Giờ đây, nó đã hoàn thành một cách tươm tất. Khu chuồng heo khang trang có thể chứa được bầy heo ủn ỉn độ vài chục con. Hồ cá tra kế đó, cầu xí bên trên, nhất cử lưỡng tiện, cá tra "đớp" phân heo, "đớp" luôn phân người, vừa hợp vệ sinh vừa vỗ cá chóng béo - làm thức ăn nuôi dưỡng lại "cán bộ". Bằng cũng dứt cơn đau dạ dày, bởi những lọ thuốc tràn trề tình nghĩa của Phượng. Hắn được tên cán bộ đội trưởng cho làm "việc nhẹ" bằng cách cắt cử coi chuồng heo. Mỗi ngày Bằng chỉ "xách nước kỳ cọ tắm rửa vài chục con heo", chỉ đi xa vài cây số tìm thân chuối vác về thái nhỏ cho heo ăn, chỉ quét dọn phân heo luôn để chuồng được sạch sẽ ngăn nắp.
Nếu "đồ tiếp tế" của Phượng càng ngày tăng dần theo cấp số cộng, thì tình cảm giữa tôi và nàng lại càng lúc càng tăng theo cấp số nhân. Phượng viết cho tôi những bức thư tình ướt át, trong đó có lời lẽ âu yếm tràn đầy trang giấy. Thư tình chưa đủ, nàng lại hẹn tôi ra cầu xí buổi trưa để gặp tận mặt cho vơi nhớ thương., vì dù sao cầu xí là chỗ hẹn hò tương đối kín đáo và an toàn nhất. Cầu xí có bên nam, bên nữ, chúng tôi ngồi vào đó - bên nhau, chỉ cách có tấm vách lá mỏng manh để tâm tình. Thật chưa có một cuộc hẹn hò nào kỳ lạ, hồi hộp và đầy khó khăn như vậy.
Cuộc hẹn hò của tôi và Phượng chưa đến độ gắn bó chặt chẽ, bỗng gặp trở ngại dọc đường. Tên cán bộ đội trưởng si tình đã đánh hơi sự việc, hắn bỏ công rình mò một thời gian, bắt gặp quả tang tôi và Phượng cầm tay nhau trao thư trong cầu xí. Tôi bị lập biên bản về tội quan hệ bất chính với công nhân viên, bị tống giam vào conex.
Có nằm trong conex mới thấy thấm thía nỗi khổ. Ban ngày sức nóng làm mồ hôi vả ra như tắm, rít rịt các lỗ chân lông. Tôi phải trút hết quần áo, trần truồng như nhộng, rồi lê về phía vách conex tìm những lỗ thủng nho nhỏ để hít lấy không khí từ bên ngoài vào. Trái lại, ban đêm lạnh căm căm. Chiếc nóp tù binh làm bằng bao cát Mỹ, hai lớp hẳn hoi - vẫn không thấy ấm. Trong đêm đen tối mịt mùng, một mình trơ vơ giữa conex hoang vắng, tôi càng cảm thấy căm thù tên cán bộ đội trưởng - và nghĩ về Phượng - như một mối cảm thông vô cùng tận.
Giữa lúc tôi đang chịu cực hình đày đọa, đêm nọ, thình lình cửa conex bật mở. Phượng bỗng hiện ra với tên vệ binh - giống trong cơn mơ - dưới ánh sáng đèn chong mờ mờ. Ngoài trời, mưa gió tuôn chảy. Mưa quất hạt vào cửa conex nghe lùng bùng, có hạt rớt vào chân tôi, buốt như mũi kim châm. Gió cuốn tả tơi bên ngoài. Gió vặn vẹo mỗi thân cây, bật tung vòm lá, hòa hợp với âm thanh của sấm chớp, ầm ì suốt đêm khuya. Mưa gió kinh hoàng như thế, Phượng lại lặn lội đến đây thăm tôi, sao không tưởng là cơn mơ được?
- Em thăm anh. Có khỏe không anh?
Phượng sà vào lòng tôi như đôi chim bồ câu lạc bầy gặp nhau. Nàng mân mê bàn tay tôi, mặc kệ tên vệ binh chết tiệt đang co ro phía góc conex. Tôi băn khoăn :
- Phượng vào đây thăm anh, bằng cách nào thế?
Nàng ngước mặt nhìn sâu vào mắt tôi, rưng rưng nói qua màn lệ :
- Bằng lời hứa. Em hứa sẽ nhận lời lấy tên cán bộ đội trưởng. Nhưng anh đừng bận tâm. Trước sau em cũng yêu anh. Đó chỉ là lời hứa suông. Thất hứa với kẻ chuyên gieo rắc kinh hoàng cho người khác - Em nghĩ, không có gì là tội cả.
Tôi cảm động, ghì sát mái tóc nàng. Phượng còn cho tôi biết, ngày mai chúng tôi sẽ chuyển trại đi xa, về một khu rừng xa lắc nào đó ở miền đông. Có lẽ sau khi tôi đi, Phượng sẽ nghỉ làm trở về quê với ba mẹ. Nàng sẽ như người vọng phu, son sắt một lòng chờ ngày tôi được trả tự do.
Bên ngoài gió vẫn hú, mưa vẫn rơi suốt đêm. Chúng tôi ngồi nghe gió hú mưa rơi...như ngẩng mặt thách thức với đời thường.
Trời vừa hừng sáng, chiếc GMC lại lồng lộn lao đi, đưa tôi và bè bạn ngược vùng Xuyên Mộc. Khi xe phóng nhanh ra cổng phi trường, tôi thấy thấp thoáng bóng nàng đứng dưới gốc phượng vẫy tay đưa tiễn. Các anh em chúng tôi đều buồn bã, ai cũng đưa tay cao vẫy lại. Bằng tẩn mẩn lọ thuốc dạ dày, bùi ngùi nhắc đến ơn sâu của Phượng. Tổ lao động "nhà bếp" chạnh nhớ, tiếc rẻ những bữa bo bo lắm rau đầy thịt, do Phượng chắt chiu "tiếp tế".
Một vùng đất khổ ải lại đến với chúng tôi, nơi phương trời xa lạ. Xuyên Mộc rừng bạt ngàn. Rừng che khuất trời, âm u như địa ngục giữa trần gian. Dòng sông Đrây đổ xuống từ thượng nguồn ầm ập ngày đêm. Nước chứa đựng hằng hà sa số lá rừng thối rữa quanh năm, nên lúc nào sông cũng tanh tưởi và đục ngầu như máu - vậy mà là nguồn nước duy nhất cho chúng tôi ăn uống, rửa ráy hàng ngày. Chúng tôi sốt rét, tiêu chảy, lâm bệnh nặng...rồi nằm xuống vĩnh viễn nơi vùng đất này rất nhiều.
Về đây, chịu đọa đày vài tháng, Bằng cùng một số anh em được gọi lên trả tự do. Đêm cuối, tôi trao cho Bằng lá thư dài dằng dặc của Phượng, dặn dò và gửi gấm đủ điều :
- Tau có vợ, không thể lừa dối Phượng mãi được. Mày về Phụng Hiệp gắng tìm nàng nói hết mọi chuyện. Gắng an ủi và chia xẻ với nàng. Tau hy vọng...sau đó sẽ tốt đẹp. Mày và Phượng sẽ yêu nhau, tau hy vọng thế. Đường về miền Trung quá xa xôi, thế thì hãy nhận Phụng Hiệp làm quê hương thứ hai. Chúc may mắn. Chúc mày và nàng yêu nhau đến răng long tóc bạc, trăm năm hạnh phúc. Đây là địa chỉ tau. Tau nghĩ, hôm nay mày về, một thời gian nữa, tau cũng sẽ về. Có gì, liên lạc với nhau. Hoặc thuận tiện, dắt Phượng về thăm tau. Nhớ nha!
Vài tháng sau, tôi cũng được thả về. Khoảng một năm nữa, tôi nhận được thư Bằng, trong đó có đoạn kinh hoàng như sau :
"...Tau hứa sẽ tìm Phượng đến cuối đất cùng trời, và tau đã tìm được nhà Phượng, một ngôi nhà xinh xắn nằm trên mảnh đất màu mỡ của Phụng Hiệp. Nhưng trời ơi ! một bàn thờ ở góc nhà cùng với hình Phượng, khiến tao linh cảm như vĩnh viễn không gặp được nàng để kể hết mọi chuyện. Ba Phượng cho biết, tên cán bộ đội trưởng khốn kiếp đã rút kíp lựu đạn, điên cuồng xông vào Phượng, sau khi nàng khăng khăng từ chối không chịu lấy hắn. Quả lựu đạn nổ tung...đã đưa hắn và Phượng vào cõi vô hình...”
Đọc hết đoạn khủng khiếp này, tôi đau khổ đến nghẹn cả tim, như có ai vò nát cõi lòng. Phượng là một nỗi đoạn trường, một dấu ấn vào tâm tư tôi từ đó...
Nếu quan niệm NGƯỜI LÍNH là người luôn bảo vệ chế độ, lúc nào cũng đùm bọc chở che cho đồng đội, và sẵn sàng hy sinh trong mọi tình huống trắc trở...thì Phượng quả xứng đáng là một NGƯỜI LÍNH trọn vẹn. Xin Tổ Quốc hãy ghi công nàng. Xin lịch sử hãy choàng vòng hoa vinh quang lên thân thế Phượng.
Riêng tôi, 20 năm qua vẫn chưa có dịp gặp lại Bằng, vẫn chưa một lần ghé chân về Phụng Hiệp, đặt trên nấm mồ nàng bó hoa để tạ tội cùng cố nhân. 20 năm thoáng như chớp mắt. Và Bằng ơi, dù ở cách nhau vạn dặm xa xôi, sau khi đọc được những dòng này, mày có bằng lòng với tau, hãy tìm một quán rượu lặng lẽ nào đó, ngồi thâu đêm độc ẩm...
Phạm Hồng Ân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét