Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Giọt Nước Mắt Bị Bỏ Quên

Tùy bút của Phạm Hồng Ân 


Vài năm trước, tôi có nhận được cú điện thoại thống thiết của thằng cháu ruột, từ Việt Nam.
   – Chú ơi! Hồ sơ của Ba cháu, chú đã mang theo qua Mỹ gần 15 năm rồi. Chú có nộp vào các chương trình nhân đạo của Mỹ chưa chú? Tụi con bây giờ nghèo khổ lắm! Tụi con muốn qua Mỹ làm ăn để phụ giúp gia đình. Ở đây bây giờ khó kiếm việc làm. Muốn vào hãng xưởng, mình phải có thân thế, hoặc có tiền hối lộ …chú ơi!
Tôi lặng lẽ giây lát, rồi bùi ngùi nói với cháu:
   – Hoàn cảnh gia đình cháu không nằm trong diện nào của chương trình nhân đạo Mỹ. Chú đã tìm mọi cách để giúp đỡ các cháu, nhưng cuối cùng đành bó tay. Hơn nữa, bây giờ kinh tế Mỹ đang bị suy thoái một cách trầm trọng. Tìm kế sinh nhai ở bên này cũng rất khó cháu ạ!
Cú điện thoại chấm dứt, nhưng tôi vẫn còn cầm ống nghe, thẫn thờ như kẻ mất hồn. 17 năm qua, hồ sơ của anh tôi vẫn nằm yên trong ngăn tủ. Một hồ sơ của tên lính, một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa… đã gục ngã ở nơi nào đó trên đường rút quân kinh hoàng vào tháng 3 năm 1975. Tôi đau khổ kéo ngăn tủ. Đây rồi. Tấm ảnh mặc quân phục oai nghi của anh tôi, vừa rơi ra, từ mảnh bằng tốt nghiệp khóa Chiến Tranh Chính Trị. Và kia là bản Tướng Mạo Quân Vụ. Tất cả, với thời gian trôi qua, chất chồng… màu giấy đã xao xác ố vàng. Đại Úy Phạm Hữu Nghĩa, sư đoàn II bộ binh, Bộ Tư Lệnh đóng tại Quảng Ngãi. Với tôi, anh Nghĩa vẫn còn là một quân nhân tại ngũ. Bởi anh chưa trút bỏ quân phục, chưa đào thoát, chưa cam chịu ngục tù, chưa cao bay xa chạy ra nước ngoài. Anh đã hiên ngang nằm xuống cho quê hương, nằm với linh cảm cuối cùng: hy sinh vì đất nước…
Dòng chữ cứng cáp và rõ nét của anh vẫn mồn một trên tờ “sơ mi” màu xanh: ngày 10 tháng 2 năm 1975 thuyên chuyển về Quảng Ngãi, em và các con thân yêu: Vũ, Thụy, Uyển và Ngạn ở lại an bình. Lời viết như một trăn trối cuối cùng. Như một định mệnh trớ trêu, tạo hóa an bài.
Ngày anh về Quảng Ngãi, chị Liên (vợ anh) vừa sanh cháu Thục Ngạn được 6 tháng. Cháu lớn nhất là Thạch Vũ, chỉ mới 5 tuổi đầu. Bốn đứa con còn quá nhỏ. Chị Liên không đủ sức đùm bọc. May có bà mẹ ở chung, dù Bà đã gần 70, nhưng mỗi sáng vẫn đội thúng bánh chưng trên đầu, khom lưng đi khắp chợ Phú Nhuận để bán dạo.
Tôi vẫn còn nhớ con hẻm chật chội dẫn vào nhà chị Liên trên đường Nguyễn Huỳnh Đức. Con hẻm đã chật chội, nhà chị Liên lại càng chật chội hơn, Căn nhà quá nhỏ bé, chỉ đủ kê được một chiếc giường con, và khoảng trống nhỏ vừa vặn chiếc ghế bố nhà binh cho bà cụ. Anh Nghĩa, chị Liên và cháu út thì được ngủ trên giường. Còn 3 đứa lớn thì nằm lăn xuống nền xi măng, ôm nhau dỗ giấc. Căn nhà may mắn có thêm 1 gác xép tí tẹo. Tất cả mọi vật dụng dồn hết lên đó, kể cả những quyển sách thơ văn của tôi mà anh cố tình giữ lại.
Anh về sư đoàn II vỏn vẹn vài tuần, chưa kịp gửi thư về thăm vợ con, thì chiến tranh bất thần bùng nổ. Sư đoàn đang chuẩn bị chiến đấu, trớ trêu thay, có lệnh rút quân. Quân rút, dân chạy theo. Cuộc hỗn loạn xảy ra. Cộng quân lợi dụng tình thế bất ổn, trút vào đám đông di tản những tràng pháo kích dã man cùng cực.
Sư đoàn II về được Sài Gòn, sau những ngày rút quân kinh hoàng. Sư đoàn tạm trú trong các trường học trên đại lộ Trần Quốc Toản. Chị Liên bồng bé Thục Ngạn, dắt theo ba đứa con nheo nhóc tìm chồng. Chị hỏi cấp chỉ huy. Chị xuống nước năn nỉ từng người lính vừa từ địa ngục trở về. Ở đâu, người nào cũng chỉ trả lời một cách vắn tắt, mập mờ. Cũng không trách họ được. Họ đang mệt mỏi. Họ mới thoát khỏi cái chết trong đường tơ kẽ tóc. Hơn nữa, họ đang quấn quít, mừng vui xum họp gia đình. Bỏ quên một người đàn bà dẫn bốn đứa con tìm cha, trong lúc này, là điều tất nhiên.
Sư đoàn II tạm trú ở Sài Gòn bao nhiêu ngày thì chị Liên dẫn con đi tìm cha bấy nhiêu ngày. Sáng sớm, chị túm vội ít bánh chưng vào bọc nylon. Rồi, một tay bồng, một tay dắt bầy con leo lên xe buýt, xuống tận cổng tạm trú của sư đoàn II, chờ các xe nhà binh chở lính từ miền trung trở về. Ngày nào chị cũng đứng đợi cho đến khi đèn đường thắp sáng, cho đến khi các đứa con khóc thét dữ dội, chị mới chịu tất tả về nhà.
30 tháng 4 năm 1975. Quân đội Sài Gòn bị bức tử. Tất cả đơn vị tan hàng. Một số ruổi dong ra nước ngoài. Một số tuẫn tiết. Một số rút về rừng sâu, nuôi mộng phục quốc. Số còn lại bị cộng quân lùa vào trại tù, phân tán khắp nơi từ Nam ra Bắc. Tháng 5, trước khi vào trại tập trung, tôi đến thăm các cháu và từ giã chị Liên. Chị Liên ốm hẳn. Xương cổ lồi ra. Hai nhánh tay khẳng khiu như hai que củi. Các cháu đứa khóc, đứa la, đứa xà vào lòng mẹ nũng nịu đòi ăn. Bà Má vừa đội thúng bánh chưng ra khỏi cửa.. Nhìn Bà còng lưng, chậm chạp lê từng bước chân trên con hẻm ngoằn ngoèo, lòng tôi chợt quặn lên một niềm đau khó tả. Giờ này, chị Liên vẫn trông chồng từng phút từng giây. Chị bùi ngùi với hàng nước mắt lã chã trên má:
– Anh tư của em vẫn sống. Nhất định anh tư phải sống. Người ta không dễ gì giết anh ấy được đâu. Chị tin chắc như vậy. Em cũng tin như vậy, phải không?
Ở trại tù vài năm, một hôm, vợ tôi báo cho biết một tin buồn: Mẹ chị Liên giã từ cõi thế. Đêm đó, tôi không tài nào ngủ được. Tôi lo cho số phận chị Liên và các cháu. Làm thế nào các cháu tôi sống an bình, trong một xã hội mất đi nhân tính. Nghề thủ công thêu thùa của chị Liên, liệu có thể nuôi nổi một bầy con còn quá thơ dại? Mất Ngoại. Mất đi một cánh tay mưu sinh đắc lực cho gia đình, các cháu tôi như một bầy gà xao xác, và chị Liên sẽ thui thủi một mình với phần số cô độc.
Vì thế, sau 7 năm tù, khi cộng quân vừa thả ra, tôi vội vã đến thăm chị. Cháu Vũ chỉ 12 tuổi, tiếp tục nối nghề Ngoại: bán bánh chưng nuôi bầy em. Những đứa còn lại, có đứa ở đợ cho hàng xóm kiếm cơm, có đứa đặt vài lọ kẹo bánh ở hiên để bán cho trẻ em qua lại. Chị Liên dẹp nghề thêu, vì dân Sài Gòn bận kiếm ăn, không còn thì giờ để khoe khoang quần là áo lụa nữa.
Chị Liên bây giờ có dạng tâm thần. Tóc tai xổ tung. Áo quần xốc xếch. Gặp tôi, chị hét lên, rồi bù lu bù loa than khóc một hơi. Than khóc xong, chị bỗng dậm chân xuống nền xi măng túi bụi, rồi chỉ thẳng vào mặt tôi, hét lớn:
– Anh tư ở chung tù với em phải không? Hai anh em sống với nhau mấy năm trời mà không cho chị hay biết. Bây giờ, em giấu anh tư ở đâu, nói mau?
Chị nắm áo tôi lôi mạnh. Chị lôi tôi khắp nhà. Vừa lôi, vừa tru tréo thảm thiết. Các cháu chạy vội lại can ngăn, chị mới buông tha, rồi ngồi phịch xuống nền nhà.
Chị cúi gầm mặt xuống, lầm thầm:
– Xin lỗi. Chị mệt quá! Chị buồn quá, em ơi!
Cháu Uyển rót cho tôi một ly nước, nức nở kể chuyện về người Mẹ cho tôi nghe:
– Mẹ cháu lúc tỉnh lúc điên chú ạ! Ban đêm, Mẹ trốn nhà, lang thang ngoài đường phố nửa khuya. Có khi, tụi con hay được, bủa nhau đi tìm Mẹ. Mẹ thường ra đống rác ở ngoài chợ ngồi khóc than rên rỉ. Hoặc xuống chân cầu Kiệu la lối, múa tay múa chân trong bóng tối.
Cháu Thụy tiếp lời:
– Tụi con phải cột Mẹ vào chân giường. Đi không được, Mẹ la hét suốt đêm, không ai ngủ được. Hàng xóm than phiền lắm chú ơi!
Vài năm sau, trong lúc tôi đang cầy thuê cấy mướn ở quê vợ, thì nhận một tin buồn từ cháu Vũ gửi tới. Chị Liên bị stroke, liệt nửa người, không còn nói năng như trước nữa. Tất cả gánh nặng gia đình đều dồn lên vai bốn mái đầu xanh. Các cháu vừa bươn chải kiếm sống, vừa khổ sở nuôi thêm một bà mẹ bệnh tật.
Trước khi qua Mỹ, theo diện HO, tôi có ghé thăm các cháu lần cuối. Đêm đó, tôi nằm lăn xuống nền xi măng ngủ với các cháu. Tôi ôm hôn từng đứa, vỗ về chúng kể lể về chính mình. Chẳng có đứa nào than thân trách phận cả. Chúng chỉ nói về Mẹ, dồn tất cả tình thương về Mẹ, và cầu mong Trời Phật giúp Mẹ chúng mau mau lành bệnh. Đêm đó, dưới ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn nhỏ trên bàn thờ Mẹ chị, tôi thấy chị Liên bức tóc xổ tung, la hét khóc than suốt đêm. Tiếng nức nở của chị trong đêm thanh vắng nghe rờn rợn, nghe thê lương ai oán biết chừng nào. Và trước khi leo lên máy bay, tôi gom tất cả giấy tờ còn lại của anh Nghĩa, với mục đích duy nhất là tìm mọi cách để đưa gia đình các cháu qua Mỹ, theo một diện nhân đạo nào đó của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ.
35 năm trôi qua, hồ sơ của anh tôi vẫn còn nằm lạnh lùng trong ngăn tủ. Các diện nhân đạo của chính phủ Mỹ không có diện nào dành cho thân nhân tử sĩ, những thân nhân đang chịu oan khiên và đau khổ cùng cực dưới chế độ cộng quân. Hoàn cảnh các cháu tôi nằm ngoài lề lòng nhân đạo của mọi người, mặc dù thế giới ngày nay, nhân loại đang cổ súy cho TÌNH YÊU THƯƠNG.
Các cơ quan thiện nguyện, các hội đoàn từ thiện, công lý, lương tâm, nhân quyền… mọc lên như nấm trên khắp thế giới. Người ta hảo tâm cho trẻ tật nguyền, trẻ mồ côi, trẻ phạm pháp, thương phế binh, đồng ngũ, đồng hương… còn kẹt lại Việt Nam. Người ta làm phúc cho chùa chiền, nhà thờ, nạn nhân thiên tai… Thậm chí họ còn giúp tiền cho những tay cộng sản gộc, hiện nay vì bất mãn quyền lợi nào đó, nên trở thành đối lập với nhà cầm quyền Hà Nội. Không có ai để ý hoặc ghé mắt đến TỬ SĨ, đến thân nhân cũa họ đang lâm nạn trên chính quê hương mình. Và cứ thế, đã 35 năm trôi qua, những giọt nước mắt như vậy… mãi bị bỏ quên…


Phạm Hồng Ân 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét