Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Bất Ngờ Nghe Ca Vọng Cổ

Tự truyện của soạn giả lão thành Nguyễn Phương


Kim Trúc và Soạn Giả Nguyễn Phương
Nếu các bạn yêu thích Vọng Cổ và cải lương , hẳn các bạn đã nghe tên tuổi của Nhà Soạn Giả Lão Thành " Nguyễn Phương " 1 cây cổ thụ trong bộ môn cổ nhạc  của Việt Nam, tác giả của rất nhiều tuồng cải lương trước 1975, chị em KTruc và KOanh đã may mắn được diện kiến và hát 1 câu vọng cổ cho bác nghe, xin mời các bạn  đọc bài viết rất hay của bác nè gợi nhớ 1 thời vàng son của bộ môn cổ nhạc. Bài viết dưới đây vừa được đăng trong tờ Thời Báo của tuần này đó.

KT xin kèm thêm tiểu sử tác giả ở đây:
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/IntroductionToNguyenPhuong_TQuang-20060219.html

Bất ngờ nghe ca vọng cổ
Như giọt nắng phả vào đông hơi ấm của mùa xuân.

Anh chị Phạm Công Nhựt, bạn đồng môn Hội Ái Hữu Nguyễn Đình Chiểu & Lê Ngọc Hân Mỹ Tho, nguyên giáo sư trường Trung Học tỉnh Rạch Giá, mời tôi và vài bạn đến nhà dùng tiệc « Hội ngộ » đầu xuân.  Anh Nhựt giới thiệu tôi với các bạn mới: ông bà Lê Đình Chơn Tâm & Bảo Phương cựu giáo sư Đại học Sherbrooke, Ông Tân cựu sĩ quan chính trị Hải Đoàn Cần Thơ và phu nhơn Mai Lan Cúc, hai cô Phùng Kim Oanh ở Brossard và Phùng Kim Trúc ở Repentingy, ngày xưa là học trò của anh chị giáo sư Nhựt.
Thầy Phạm Công Nhựt, Cô Đường Năm, Kim Oanh,
Kim Trúc, Chị Mai Lan Cúc

Bữa tiệc rất ngon với nem nướng bánh hỏi, bánh tráng rau sống, bún cá Rạch Giá, bánh canh tôm thịt giò heo, chè đậu xanh hột sen đặc sản An Giang … Bửa tiệc thêm đậm đà hương vị qua những  chuyện tâm tình gợi nhớ thời thơ ấu ở quê hương, những kỷ niệm học đường, chuyện buồn vui của kiếp tha hương…
Cô Phùng Kim Trúc ca một câu vọng cổ. Cô chị Phùng Kim Oanh cũng ca một câu vọng cổ trích trong tuồng Tiếng trống Mê Linh, lớp Trưng Trắc tế chồng trước khi hạ lệnh tấn công quân xâm lược Tô Định.
Không có đờn hoà theo, giọng ca của Kim Oanh và Kim Trúc chân phương, dịu dàng, êm ái. Giọng ca lắng sâu thẳm vào tâm hồn tôi khiến tôi mơ màng tưởng như mình đang tập tuồng trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga dẫu rằng tôi xa quê hương đã hơn một phần tư thế kỷ.
Anh Nhựt hỏi tôi: « Anh nghe hai cháu ca vọng cổ như thế nào ?»
Tôi nói:« Nếu phân tích kỹ, phải có thời gian và nghe đi nghe lại vài lần, nhưng nếu nói cảm xúc của tôi như thế nào thì tôi có thể nói một câu: Bất ngờ nghe ca vọng cổ, như giọt nắng phả vào đông hơi ấm của mùa xuân! »
Về nhà, đêm đó tôi thao thức, không ngủ được. Giọng ca của Kim Oanh – Kim Trúc chân phương, dịu dàng, êm ái gợi cho tôi nhớ lại những giọng ca của nam nữ danh ca ngày xưa… những hình ảnh, những giọng ca ru hồn của các cô Tư Sạng, Tư Bé, Ba Bến Tre… của Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Hồng Nga… giọng ca của các bạn Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Minh Cảnh …
Năm 1938( lúc tôi được 16 tuổi), tôi đã mê nghe giọng ca của cô Tư Sạng, cô Ba Bến Tre, cô Tư Bé…Hãng thu dĩa nhựa Béka, Pathé thu vào dĩa tuồng « Túy Hoa Vương Nữ », « Uyên Ương bạt gió » « Gái trọn nghĩa tình », « Quan Âm Thị Kính », « Hoa Rơi cửa Phật » « San Hậu »… và các dĩa vọng cổ « Đêm khuya trông chồng » « Khóc bạn » « Song the chiếc bóng »…
Giọng ca của cô Tư Sạng, vời vợi xa như kể lể nỗi niềm sầu tư một cách chân chất, ưu phiền mà không bi thương áo nảo. Đêm khuya nhìn bóng vạc, nghe tiếng vạc kêu sương, một mình trong đêm vắng trông đợi người chồng xa, giọng cô Tư Sạng buồn mà không thảm, tha thiết mà không não nùng. Ca sĩ đã bắt được cái mạch của người sáng tác « Đêm khuya trông chồng ».
Đã hơn 70 năm qua rồi, tôi vẫn nhớ câu ca: « Đêm khuya mờ mịt bóng vạc về… Mà người thiếu phụ trông chồng còn lắng ngồi bên nhịp cửa song. Đưa tầm mắt nhìn chiếc vạc, mà mạch cảm hoài tự bao giờ đã chảy…»
Hai từ « đã chảy » cuối câu, cô Tư cất lên thê thiết rồi dần dần chìm trong tiếng đờn, như thể tiếng đờn và giọng ca quyện chặt vào nhau thành một khối u buồn của người thiếu phụ ôm ấp nỗi đau, khiến cho người nghe xúc cảm, xót xa bồi hồi.
Ngay từ nhịp hò đầu, cô Tư buông lơi lơi như giọt sương rơi trên lá: « Đêm khuya mờ mịt bóng vạc về…» Nhịp điệu khoan thai có vẻ mòn mõi ấy cho đến song lang nhứt: « Mà người thiếu phụ trông chồng còn ngồi bên nhịp cửa song…» Dừng một chút ngân nga, cô Tư giản dần mấy nhịp « Đưa tầm mắt nhìn chiếc vạc…» Rồi thẩn thờ buông xuống chữ «…mà…» như tiếng thở dài, để rồi thánh thót cất lên hai từ « đã chảy » làm rúng động tận nơi sâu thẳm lòng người.
Nhớ giọng ca cô Tư Sạng, không chỉ ở giọng ca trữ tình, truyền cảm, chân chất, khoan thai mà chỗ ngân, chỗ nghỉ, chỗ luyến, chỗ lướt, buông rơi…đầy nghệ thuật.
Tôi phân tích một câu ca của cô Tư Sạng để chỉ cho hai cháu Kim Oanh và Kim Trúc thấy rằng trong một câu vọng cổ, từng lời, từng chữ đều ẩn chứa nội tâm của nhân vật hay cái tinh túy của câu chuyện được kể trong bài ca.
Theo dòng thời gian 90 năm phát triển của bài ca vọng cổ, từng thời kỳ, có sự sáng tạo của ca sĩ và sự đóng góp của nhạc sĩ, soạn giả, cách ca vọng cổ có phát triển hay bị thoái hóa do ảnh hưởng của thời cuộc rất nhiều. Vì phạm vi hạn chế của một bài báo nên tôi cô đọng những nét lớn trong cách ca vọng cổ qua các thời kỳ như sau:
1 / - Từ khi được khai sanh đến thập niên 30 – 40, bài ca Vọng cổ với nhịp 2, nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, thường là kể về tâm sự của một nhân vật nào đó, lời văn ngắn nên cách ca rất tự nhiên, dung dị như một người từng trải, cay đắng mùi đời, kể lể nỗi buồn riêng. Giọng ca như kể chuyện có nhạc đệm, mang âm hưởng: Man mác, bâng khuâng, chứa chan, phiền muộn, xót xa. ( các bài Đêm khuya trông chồng, Khóc Bạn, Biệt Ly Sầu, Song the chiếc bóng, Văng vẳng tiếng chuông chùa, …) Khi được đệm với tiếng đàn sến độc chiếc của nhạc sư Sáu Tửng thì lời ca quyện vô tiếng nhạc nghe như tức tưởi, như nấc như nghẹn, như tiếng mưa rơi chậm chạp trên mái lá canh khuya. Như trong bài ca « Khóc Bạn » cô Ba Bến Tre đã ca như kể lễ,  vừa tức tưởi, vừa ngập ngừng, uất nghẹn lời ca Khóc Bạn bên nấm mộ hoang… « Tôi khóc đã lắm phen rồi…mà hồ lệ bên lòng chẳng đặng vơi, Trái tim nát tan, tâm sự đắng cay càng ngày càng cay đắng. » Bến nước làn mây chia rẽ lứa đôi…
2 / - Từ thập niên 50 , 60, 70, chiến tranh Việt – Pháp chấm dứt, thời kỳ hòa bình vừa được lập lại, sân khấu cải lương và trong địa hạt ca vọng cổ thu dĩa xuất hiện nhiều danh ca trẻ, nhiều lối ca mới khi vô vọng cổ hay khi ca trong lòng câu vọng cổ. Các nhạc sư, nhạc sĩ và soạn giả nhận thấy bài vọng cổ khác hơn những bài cổ nhạc khác, được người trong giới nghệ sĩ lẫn khán, thính giả ưa thích hơn những bản cổ nhạc khác.
Vì một lẽ rất đơn giản là chỉ có bài Vọng cổ mới hội đủ các làn điệu: Xuân, Ai, Bắc, Oán, rồi nào là giọng Huế, giọng thơ, giọng thơ Vân Tiên, giọng hò Đồng Tháp, giọng thơ Tao đàn. Cho đến lời ca viết theo điệu hài hước hoặc ghép hai dòng tân và cổ nhạc để tạo thành một loại tân cổ giao duyên, cũng được mọi người ưa thích.
Nếu như Vọng cổ cứ mãi như bài Dạ Cổ Hoài Lang « Từ phu tướng » thì Út Trà Ôn ca cũng vậy, Hữu Phước, Thành Được – Út Bạch Lan ca cũng vậy, nhạc sĩ Sáu Tửng đờn: Hò là xang xê cống, nhạc sĩ Bảy Bá cũng đờn : Hò là xang xê cống, thì không ai thêm thắt gì được. Không ai trổ ngón nghề, hoa lá gì được, mà bài vọng cổ cũng không được nhận là một bản nhạc vua trên sân khấu cải lương.
Về nhịp thì từ nhịp 2 của Dạ Cổ Hoài Lang, khi tiến tới cái danh xưng Vọng Cổ, Vọng cổ đã từng bước thường đến bước chân vạn dặm, từ nhịp 2, rồi nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 đến nhịp 32, 64, 128 rồi định hình ở nhịp 32.
Về nhạc thì nào là hò nhứt, hò nhì, hò ba, hò tư, hò năm, dây Bắc Oán, dây Nguyệt Điều, dây Saigon, dây Rạch Giá, dây Ngân Giang, dây bán Ngân Giang…
Về lời ca thì có biết bao bài ca Vọng cổ như muôn ngàn cánh hoa rực rỡ muôn màu: nội dung xã hội, hương xa, tình sử, quê hương, tâm tình…những bài ca với lời văn chải chuốt, mượt mà, theo gió bay khắp muôn phương, đến mọi miền đất nước và đến cho cả đồng bào tha hương ở hải ngoại.
Về nghệ sĩ, danh ca, mỗi người có một giọng ca đặc biệt, một lối hay riêng, một làn hơi không lẫn lộn với người ca khác. Dù ở xa, nghe ca văng vẳng cũng nhận được giọng người đang ca trong dĩa là ai.
Các giọng ca của nghệ sĩ Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng… mỗi người một vẻ, mỗi người có nét hay riêng, sở trường riêng. Về các giọng ca nữ, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Thanh Nga, Ánh Hồng, Bạch Tuyết… mỗi người có cách ca, cách luyến láy, ngâm nga đặc biệt thu hút người nghe. Chỉ có một điểm giống nhau là ca sĩ nào cũng ca nghe lời văn rõ ràng, làm nổi bật được nội dung bài ca, làm cho câu văn long lanh như sóng gợn biển chiều ít gió, chỉ có làn mây xám ngắt và biển muôn trùng, vời vợi quạnh hiu. Giọng ca nữ ngày xưa như chất chứa bao nhiêu ai oán, ưu phiền. Từng chữ từng lời da diết, thướt tha, sầu muộn. Mỗi người một vẻ, làm cho vườn hoa nghệ thuật cải lương và vọng cổ thêm ngát hương, thắm sắc suốt gần trọn thế kỷ qua.

Tôi giới thiệu một ít bài vọng cổ, câu văn nói lối trước khi vô vọng cổ để các bạn thấy được sự thâm trầm thiết tha trong lời văn ý nhạc vọng cổ;
Trong bài ca « Ông lão chèo đò » có chen vảo lối nói thơ Vân Tiên:

Con nước mơ màng, mây vẩn vơ,
Thì còn lão với một con đò
Có tiền mua lấy vài chai rượu
Nhắp rượu xong rồi, lão nói thơ:
( Thơ Vân Tiên ) Linh đinh trời rộng sông dài
Đò ngang một chuyến lần hồi sớm trưa
Chiều rồi nghỉ một chuyến đưa
Nằm nghe lá rụng như mưa trên đò
Cơm ngày hai bữa cầu no
Dám đâu bàn chuyện cơ đồ viễn vông
Đời nầy có cũng như không
Sớm còn tối mất bận lòng mà chi.

Câu 1 : Còn nước còn non thì nơi bến cũ vẫn còn trơ một ông lão….
Vọng cổ :  đưa…đò…

Một câu nói lối gát vô vọng cổ ( tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga ) Bà cố mẫu sợ Dương VÂn NGa trao quyền cho Thập đạo tướng quân, khi tỳ nữ dâng trà, trước mặt thái hậu Dương Vân Nga, bà đổ nước xuống đất và ca:
« Nước đã đổ rồi, có hốt lại được đâu? Hẳn là con dâu của Mẹ cũng nghe qua lời xưa tích cũ. Kìa, nước thấm thềm hoa, nước đi vào lòng đất để tìm lại gốc cũ người xưa. Con ôi! cội nguồn họ Đinh, xuất phát từ nơi mẹ vừa đổ nước. Trên mảnh đất ướt mà mẹ con ta đang đối mặt nhìn nhau. Nơi đây bây giờ cửa cuốn rèm che, chớ trước kia là hang sâu động thẳm, nơi mà người mẹ góa đầu đội mưa nguồn, chân leo dốc vắng, tháng ngày lặng lẽ, thắt lưng buộc bụng lầm lũi nuôi con cho đến khi con khôn lớn nên….
(Vọng cổ câu 1 ) … người… Chung quanh ta xưa kia hoa lao san sát non ngàn… Nhớ thuở thằng bé bẻ lau làm cờ tập trận. Trâu thả lưng đèo, vắt vẻo tiếng sáo khuya, chỗ nầy xưa kia chỉ là mái tranh nghèo, gió lùa vách núi từng cơn, mẹ góa con côi, sống kiếp mục đồng, học điều nhân nghĩa….
Danh ca Hữu Phước đã ca hai câu vọng cổ, tâm sự của một nhà sư trẻ bị lời quyến rũ của một cô gái đẹp và sang giàu, nhà sư trẻ gởi lòng mình qua hai câu vọng cổ trần tình với cô gái trong tuồng Giữa Chốn Bụi Hồng:
« Tiểu thư ôi! Tôi tự biết mình trí não ngu si nên khó trở thành thoát nhiên đại ngộ. Nhưng mười bốn, tai đã quen hồi chuông tiếng mõ, mũi đã quen mùi hương bông vạn thọ, bông trang, mắt đã quen nhìn loài thỏ múa bâng quơ khi thấy ánh trăng vàng, và bầy hạc rỉa lông dưới cội tùng bình thản. Ngũ Vân Tự sống âm thầm như quên ngày quên tháng, chỉ có bầy dơi quạ đong đưa trên cành vắng, lâu lâu giựt mình buông cánh khi chùa ở non sâu lanh lãnh…
Câu vọng cổ 1 / … tiếng chuông hồi…Với muối dưa rau cỏ, người xuất gia cũng đã quen rồi… Nay Tiểu thơ nỡ nào buộc tôi phải về với thị thiền lắm ngựa nhiều xe thì chẳng khác gì người thả con thuyền không người lái trôi giữa sông mê, chuyện lợi danh như sóng bủa tư bề, còn lòng dục vọng dễ đắm người như con nước xoáy.
Trong thập niên 50, 60, 70, khi thưởng thức những vở tuồng cải lương hoặc nghe ca vọng cổ, khán giả và ký giả kịch trường có quyền phê bình và góp ý với nghệ sĩ hay bầu gánh. Nếu khán thính giả và ký giả kịch trường chê tuồng dỡ, ca sĩ ca vọng cổ không hay, văn chương và nội dung không đáp ứng cảm xúc của khán, thính giả thì đoàn hát sẽ mất khách, nghệ sĩ không được ái mộ; gánh hát có thể rã, nghệ sĩ không được tái kỳ hợp đồng hát cho gánh hát đó. Vì vậy tác giả sáng tác các vở tuồng, các bài ca vọng cổ đều nghiên cứu kỹ, thận trọng, chăm sóc cách hành văn, hoàn thiện cốt truyện và nội dung vở tuồng hay bài ca. Nghệ sĩ không ngừng luyện giọng ca, nghiên cứu cách ca diễn sao cho hay nhất, làm cho khán giả say mê thưởng thức những tuyệt phẩm nghệ thuật sân khấu.
3 / - Thời kỳ sau ngày 30 tháng 4  năm 1975. Miền Bắc chiếm được miền Nam, họ áp đặt một chế độ toàn trị ở miền Nam. Tất cả ruộng vườn, nhà máy, hãng xưởng, mọi phuơng tiện cơ giới giao thông vận tải, chợ búa, các tiệm quán lớn hay nhỏ, trường học, rạp hát, gánh hát, báo chí, đài phát thanh, hãng thu dĩa... đều bị đảng và nhà nước CS tịch thu. Bác Sĩ, kỹ sư, công nhân, giáo chức, công chức, nghệ sĩ đều  phải chịu dưới quyền sai xử của đảng. Vì vậy không có tự do báo chí, không có ai có quyền viết báo góp ý hay phê bình điều chi khác với các quyết định của đảng.
Về sân khấu, đoàn cải lương Trung Hiếu do Sở Công An thành phố dựng lên, đoàn này hát tuồng với hai diễn viên chuyện ca vọng cổ dài hơi là Phượng Hằng và Châu Thanh. Xin trích một câu vọng cổ dài hơi tuồng Vụ Án Mã Ngưu để khán thính giả và độc giả trang báo thưởng thức trình độ văn hóa của các nhà cầm quyền CS:
Phượng Hằng trong vai Thục Oanh trong tuồng Vụ Án Mã Ngưu ca dài hơi vô một câu vọng cổ :

...  Ông ơi!  Thế lực trong tay chung quanh biết bao kẻ chực chờ để cho ông ban cho dịp may hầu hạ chớ có đáng chi một nhan sắc tầm thường mà ông ra tay chiếm đoạt để thiên hạ dèm pha coi thường người hảo hớn để tan nát tình yêu hai mái đầu xanh không phút rời xa đã nguyền thề bao nhiêu không bao giờ thay đổi dù cho non mòn biển cả không phai tình đầu ai nở ngăn đôi làm tội lắm ông ơi tội lắm ông ơi chỉ xin đừng chia rẽ mối duyên...
vọng cổ câu 1 / - ... đầu... Trăm lạy ông ngàn lạy ông xin đừng gây chi cảnh cơ cầu...công ơn ấy như trời như biển như trọn đời tôi ghi tạc trong tim. Xin ông đừng chia rẽ mối lương duyên để cho chúng tôi được tròn hạnh phúc, nếu xảy ra điều bất hạnh sau phúc dày vò giết chết đời con gái..

Câu vọng cổ ca dài hơi 99 chữ mới đến chữ Hò vô vọng cổ. ca sĩ P. H ca như tụng kinh, đi luôn một hơi, không chấm không phết, không cần biết ý nghĩa của câu hát, văn chương của câu vọng cổ nầy và nhiều câu vọng cổ dài hơi trong tuồng Vụ Án Mã Ngưu đã kéo thụt lùi nghệ thuật sáng tác tuồng cải lương đến mức khán giả nghĩ là văn chương cải lương là một thứ rơm rác, hạ cấp. Một thứ văn mà cô đào chánh hát lên không có dấu chấm, dấu phết, ý nọ xen ý kia, nhai đi nhai lại một ý, chỉ nhờ vào cái lạ ca dài hơi của P . H và C . T mà đoàn cải lương của Sở Công An thành Hồ hốt bạc.
Năm 1987, đoàn cải lương Bông Hồng Vàng ở Hậu Giang, hát tuồng Ai Làm Vua, của một cán bộ Sở VHTT tỉnh. có một câu vọng cổ dài hơi khác đáng ghi vào kỷ lục thế giới về tài bôi lọ văn chương cải lương: tuồng kiếm hiệp, cô đào chánh sau 18 năm gặp lại người tình cũ ca dài hơi:

Chàng ơi! chàng ơi! chàng ơi! Dù mười tám năm qua như sông dài biển rộng, em vẫn giữ tình chàng như dù với lọng, như mộng với mơ, như tơ với tóc, như ốc với cua, như ăn với thua, cuộc đời dù có te tua em cũng đành cam chịu, biết liệu làm sao như máy bay bay cao cao vút giữa ....
vô vọng cổ 1 / - ... lưng trời...

Khán giả la lớn: « Chời » ơi! Vọng cổ hay quá « chời »!
Rồi họ ùn ùn ra khỏi rạp vì sợ nhiễm câu ca như ốc với cua như ăn với thua, họ ngồi trong rạp hát xem hết tuồng chắc là phải te với tua!...
Sau năm 1975, báo chí là của đảng, ký giả là cán bộ và đảng viên, họ không có tự do ngôn luận, chỉ được phép viết khen vì đó là định hướng chính trị của đảng, không được phê bình chê, vì vậy mới có lối viết và ca vọng cổ dài hơi như vừa kể.

Nhân nghe hai cháu Kim Oanh, Kim Trúc ca vọng cổ,  tôi có cảm giác âm điệu vọng cổ như có linh hồn, mỗi lần nghe ca, tôi nhớ cha mẹ, bà con thân tộc, nhớ bạn bè nghệ sĩ đồng nghiệp, nhớ cả cái tỉnh Mỹ Tho  xa xôi nghìn trùng… tôi nhớ lại một thời vàng son của sân khấu cải lương trước năm 1975 và nhớ mãi cái thời kỳ giãy chết của sân khấu miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, dưới gọng kềm của các đấng đỉnh cao trí tuệ của loài người!


Nguyễn Phương 03 / 2016


1 nhận xét:

  1. Mới nhìn ảnh Bác sọan gỉa Nguyễn Phương đứng bên cạnh cô Kim Trúc,mình lầm tưởng là Anh Bạn Nguyễn Văn Trực; phu quân của Cô Tường Vi. Giông quá.

    Trả lờiXóa