Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 4

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Long đưa cái đơn xin học khóa sư phạm cấp tốc cùng mẫu sơ yếu lý lịch cho em mình:
- Một lát sau anh hai chở em xuống nhà Nguyệt Cầm chơi. Em đưa cái đơn nầy cho nó dùm anh, anh đi ngoài chợ thăm mấy người bạn chừng nào về anh ghé rước em.
Con Vân giương cặp mắt ngạc nhiên nhìn Long hỏi lại:
- Đơn gì dzậy anh hai?
Long thuật lại chuyện Nguyệt Cầm đang phơi nắng bơm xăng cho em mình nghe con Vân chắc lưỡi than:
- Tội nghiệp con Cầm quá. Mà sao anh hai hổng xin luôn đơn cho em với.
- Ai biết ngứa đâu mà gãi. 
Nói xong chàng cười giòn tiếp lời:
- Nói chơi thôi, trong đó có tới 3 cái đơn lận, 2 đứa viết kỹ thì còn dư, viết ẩu, viết tả hư lên hư xuống là anh không có đi xin nữa đâu đó...

Xe vừa ngừng trước nhà,  Nguyệt Cầm chạy ào ra, 2 đứa con gái ôm nhau mừng rỡ nhảy lưng tưng như khỉ ăn ớt. Còn 2 cái miệng thì nói liền tiếng, hổng lành da non cho nên Long phải "xì tốp" chúng lại:
- Nè! Em ở đây chơi với Nguyệt Cầm nghen. Anh hai qua cửa hàng xăng dầu một tí rồi mới ra Rạch Giá thăm bạn, tối tối anh mới về rước. Hai đứa cứ thong thả mà tám chuyện thiên hạ đi, không có ai dành nói với tụi em đâu...
Nguyệt Cầm nghe chàng nói thì cong mỏ lên cự liền:
- Anh hai qua cửa hàng giờ nầy làm cái gì? Người ta đóng cửa rồi. Hổng lẽ anh muốn qua bển để cua con quỷ nhỏ đó?
- Cua với cá cái gì, số là lúc trưa khi mua xăng anh có hứa chừng nào có dịp đi ngang qua thì ghé thăm, bây giờ thì chỉ là muốn giữ lời hứa của mình thôi. Mà nè! Em đừng gọi cô ta bằng con quỷ nữa, lỡ hôm nào cô ta nghe được là sanh phiền phức lớn, ráng nhịn đi, tới chừng nào có thể lớn tiếng với cô ta mà cô ta không làm gì được em thì chừng đó em muốn chửi bằng tiếng gì cũng hổng có sao.
Nguyệt Cầm vẫn còn ấm ức:
- Chừng nào là chừng nào mới được chứ?
-Thì đến khi nào mà em làm chức lớn hơn cô ta chứ còn chừng nào nữa?

Nhà của cô Hoa ở trên trục lộ chính, khoảng giữa từ cổng Tam Quan với cầu đúc. Trước đó gia đình cô làm đại lý phân phối nước mắm Phú Quốc còn cô thì dạy ở trường TH tỉnh hạt Kiên An. Long đến nhà cô phụ làm bảng chiếc tính dạy giờ cũng nhiều lần rồi, nên rất quen với gia đình. Vừa đậu cái xe lên cửa hàng ba, chàng giật mình. 
Những "can", những tĩn, những chai nước mắm trước đây được chưng bày đầy phía trước, bây giờ trống trơn thế vào đó là một tủ thuốc lá đủ hiệu, nhưng mà nhìn kỹ trong tủ thì chỉ có bịch  không còn thuốc thì không thấy đâu, dưới chưn tủ có để cái chai lít không...
Tưởng là khách tới mua thuốc cô Hoa từ phía trong nhà đi ra vừa nói:
- Anh muốn mua gì dzậy?
- Cho tui một gói ruby "quân tiếp vụ" đi cô chủ.
Cô Hoa vừa ra tới đã tía lia phản công lại liền:
- Cái anh nầy về nhà rồi biệt vô âm tín, bộ quên hết bạn bè rồi sao? Đợi tới hôm nay mới ra làm bảng chiết tính hả? Nhưng mà tui báo cho anh một tin buồn hai tháng của tam cá nguyệt sau cùng nầy hổng có ai trả tiền đâu, cho nên mình khỏi mất công làm chiết tính...
Rồi cô nhỏ giọng:
- Muốn lãnh tiền thì đi tìm cụ Hồ mà đòi...
Hai người "tào lao bác đế" một hồi thì có người ghé hỏi mua xăng. Khi người khách mua xăng đi rồi, Long không kềm được thắc mắc nên hỏi cô Hoa:
- Làm sao người ta biết cô có bán xăng mà ghé mua dzậy?
Cô cười hồn nhiên:
- Anh thiệt hổng có chút thông minh nào hết trơn. Có thấy cái chai không để dưới tủ thuốc chưa? Đó là dấu hiệu bán xăng lẻ đấy. Còn những gói thuốc không trong tủ nầy cũng là dấu hiệu của những thứ thuốc mà mình có bán đó hiểu chưa.
- Vậy cô lấy hàng ở đâu ra để mà bán dzị? Chứ tôi thấy các tiệm bán sỉ bị nhà nước niêm phong hết trơn rồi. Chỉ còn lại các cửa hàng thương nghiệp mà thôi.
Cô Hoa cười lớn:
- Anh đúng là ngây thơ thấy sợ. Thì lấy hàng của các nhân viên làm việc trong mấy chỗ đó đem ra chứ còn ở đâu nữa...

Long đảo một vòng quanh chợ thăm lại các bạn từng dạy chung trường lúc trước ở Kiên An, ở Xẻo Rô, vài đứa học cùng khóa, cuối cùng ghé nhà Trí trước đó làm cảnh sát bên Tắc Cậu. Trí là bạn nhậu chí cốt của chàng và Bảy Bữu. 
Hơn chục gia đình, đa số không ai còn tinh thần mà chờ trở lại nhiệm sở cũ, họ tìm những việc làm tạm để kiếm sống. 
Có tổng cộng 3 tủ thuốc bán lẻ còn kèm theo bán xăng, đó là của Cô Hoa, của chị Hiền chị thằng Đức chung khóa, và của vợ Trí cựu cảnh sát.

Sau một vòng tham quan trở về. Nghe bạn bè luận bàn về thời thế, về thực trạng xã hội Long ngao ngán cho những ngày sắp tới của mình, còn đang nằm suy nghĩ vớ vẫn thì thằng Tài tay cầm chai rượu bước qua:
- Ê! Nhà mầy có cái gì làm mồi hông? Tao mới mua chai rượu nè, hai thằng mình lai rai chơi cho đời bớt khổ.
- Lúc nầy hổng có làm gì ra tiền còn bày đặt nhậu nhẹt tao rầu mầy ghê.
Tài cười hề hề:
- Có làm ra tiền mới dám nhậu chớ mậy, mà lần nầy còn làm khỏe re nữa kìa. Nhưng mà bên mầy có mồi hông?
- Hồi chiều con Vân rinh ở nhà Nguyệt Cầm về một bịch ổi xá lỵ tổ chảng. Làm đỡ với ổi đi chứ hổng có cái gì khác hơn nữa...
Thấy chai rượu còn phân nửa Long hỏi:
- Bộ mầy ăn cắp rượu của chú Út hả? Sao có nửa chai dzị?
- Ê! Đừng nghĩ xấu chớ bạn. Là tao sớt lại phân nửa cho ổng đó. Hồi sáng tao mang can xăng về thì gặp thằng Tồn, nó thấy tao có can xăng đầy nên nài chia lại phân nửa, nhưng mà tao nhớ Ba Gà Mổ chỉ chứng cho mình mua có 6 lít xăng thôi, nên tao chia lại cho nó 4 lít.
Long la lên:
- Trời ơi! Sao mầy ngu quá dzậy? Xăng dầu bây giờ hiếm lắm, mua được thì để dành cho chú Út có chuyện cần, ổng có mà xài, mầy tài khôn đem chia lại cho người ta, tới hồi ổng cần mà hổng có xăng, rồi ổng hay mày chia cho người khác thế nào ổng cũng cạo đầu khô mầy cho coi.
- Mầy hổng nói làm sao ổng biết được? Hơn nữa tao đâu có chia không lại cho nó, tao bán mà.
- Chia hay bán cũng giống nhau, còn cãi chầy cãii chối làm cái gì. Lỡ rồi thì thôi, mai mốt đừng có tài lanh nữa.
Thằng Tài cười hì hì:
- Tao đâu có ngu mậy. Tao bán lại cho nó giá gấp đôi lúc mình mua ở cửa hàng xăng dầu, dzị mà nó còn cám ơn tao nữa đó.
Long cười lớn:
- Nó cám ơn mầy là đúng rồi. Mầy tưởng bán lại cho nó $200 một lít là ngon lắm sao? Hồi chiều nầy tao ra chợ chơi, thấy thiên hạ mua xăng lẻ tới $300 một lít lận kìa.
Thằng Tài trợn mắt hỏi lại:
- Mầy nói thiệt hả? Xăng mà tới $300 một lít thiệt sao? Dzậy thì thấy ông bà ông dãi hết trơn cả đám rồi, chắt chết cả lũ chứ sống làm sao nổi với tình hình vật giá mắc mỏ như vậy?
Thằng Tài ngồi trầm ngâm suy tư rồi bỗng nhớ ra việc gì quan trọng lắm nên đứng bật dậy kéo tay Long nói:
- Vô lấy ít trái ổi đi rồi tao nói mầy nghe chuyện nầy đã lắm...

Có nửa lít rượu mà tới hai đứa chia, cho nên xoay qua xoay lại, chưa gì đã sạch nhách rồi. Long hỏi:
- Hồi nãy mầy nói cái gì đã dzậy?
Thằng Tài cười hì hì:
- Thì hồi sáng con nhỏ ở cửa hàng xăng dầu nó quên lấy cái đơn của mầy đó, mầy đưa lại cho tao đi, tao xuống dưới mua rồi đem đi bán lại, chắc kiếm cũng được hơn một ngàn...mua rượu, mua mồi nhậu đã luôn chứ còn gì nữa...
Long đem gói capstan còn mới nguyên ra khui. Thằng Tài ngạc nhiên hỏi:
- Mỗi người mua được có 2 gói thuốc, mầy hút cách nào mà 1 tuần rồi chưa hết dzị?
- Hỏi làm cái gì? Có thì hút đi vài hôm nữa cũng treo mỏ như người ta thôi.
Thằng Tài rít vài hơi thuốc bỗng cặp mắt nó sáng lên rồi nhìn chầm chầm vào mặt Long nói:
- Chuyện nầy tao nghi lắm nghen. Mầy cua con nhỏ ở cửa hàng phải hông? Chắc nó khoái mầy nên bán thêm chứ gì? Khai thiệt đi không thì tao mét bác hai.
Long ôm bụng cười rũ rượi:
- Mầy làm như tao là con gái sống ở thế kỷ trước hổng bằng. Nó có khoái tao hay không, tao còn hổng biết vậy lào sao mà mầy biết được để đi mét. Mà có mét thì tìm ba nó mà mét, mét ba tao làm cái gì???
Hai đứa nói phét một hồi thì thím Út kêu thằng Tài về. 

Long ngồi lại một mình ôn lại những gì xảy ra ngày hôm nay. Những nhận xét của mấy người bạn kể luôn cả thằng Tài coi vậy mà chí lý, đúng với thực trạng bây giờ. Nhu yếu phẩm bị chánh quyền quản lý, không người nầy luồn ra ngoài thì người khác cũng làm. "Có cầu thì ắc phải có cung". Mình không làm thì đứa khác cũng làm. Nếu mình làm thì còn giúp được phương tiện cho bạn bè qua ngày. Vậy thì tại sao không? Mọi việc buôn bán cứ sòng phẳng đi, miễn là mình không lợi dụng ai hết thì không có gì phải bận tâm. 
Suy nghĩ thông suốt rồi Long quyết định nhập cuộc với đám bạn...

Sau khi hợp đồng giá cả xong xuôi Long hứa với mọi người nếu móc ngoặc được với nhân viên các của hàng thì chàng sẽ để lại cho họ giá rẻ hơn giá hiện tại họ đang mua vô. 
Chiều hôm đó Long mua ít trái cây và đồ ăn vặt cho con gái rồi trên đường về anh ghé qua cửa hàng xăng dầu để tìm Thủy.
Năm giờ chiều là cửa hàng đã đóng cửa rồi, cô Thủy đang ngồi cộng lại các phiếu xăng còn nàng kia chắc đang nấu cơm chiều. Vừa thấy chàng bước vào cô nàng đã lên tiếng:
- Anh thầy giáo lại đi Rạch Giá nữa hả?
- Không phải. Hôm nay tôi đến thăm cô, tại ngày hôm qua hứa ghé chơi mà không có ở chơi lâu được vì bận nên hôm nay đến thăm bù hổng biết có được không?
Cô Thủy vừa xếp vội mớ phiếu mua xăng vô hộp vừa than:
- Ra phiếu, thu tiền em không ngán em chỉ ngán cộng phiếu mà thôi. Mấy con số nầy làm em nhức đầu quá.
- Tôi có một phép, chỉ cho cô làm 5 phút là xong, bảo đảm đúng 100% không sai chút nào hết.
Cô cửa hàng trưởng xăng dầu mừng như trúng số:
- Cách nào mà lẹ dzậy? Chớ em cộng đi, cộng lại ngày nào cũng mất cả tiếng đồng hồ.
- Có 2 cách tôi kể cô nghe rồi tùy cô chọn. Thứ nhất cô mua một cái máy tính rồi tôi chỉ cô sử dụng, mỗi ngày cô dùng máy để cộng vừa chắc ăn không bị lộn vừa nhanh vừa gọn, ít phiếu thì 5 phút còn hôm nào nhiều quá thì 10 phút là cùng. Còn cách thứ 2 thì...
Long ngập ngừng nhìn cô cười cười không nói. Cô Thủy nóng ruột hỏi dồn:
- Cách thứ 2 như thế nào mà anh thầy giáo nín khe hổng chịu nói dzậy?
Long nhìn cô Thủy một hồi rồi mới từ từ nói:
- Cách thứ nhất dễ dàng quá, vậy mà cô còn muốn biết thêm cách thứ 2 nữa làm gì? Nhưng nếu cô muốn biết thiệt thì đi theo tôi uống cà phê rồi tôi chỉ cho.

Quán cà phê Cây Trâm nơi hẹn hò, nơi giải trí của học sinh Kiên Thành đúng lý ra mỗi chiều đều chật kín ít khi còn chỗ trống nhưng từ ngày giải phóng đến nay nó vắng một cách lạnh lùng, tàn nhẫn, lưa thưa còn vài cặp cố tìm lại chút kỷ niệm đã qua. 
Tiếng nhạc êm dịu bị cấm thay vào đó băng nhạc chói tai "bụp bùm bum" của tiếng chày trên sóc bom bo, của trường sơn đông, trường sơn tây hay là nửa rên nửa khóc của bài vàm cỏ đông, nghe nhai đi nhai lại mà phát chán. 
Long gọi 2 ly cà phê dùm luôn cho cô Thủy rồi nhờ cô chủ quán hạ nhỏ tiếng nhạc giọng ca xuống tới mức tối thiểu...
Uống lưng gần phân nửa ly cà phê mà Long chưa biết cách nào để bắt đầu câu chuyện, phải đợi đến khi cô Thủy hỏi:
- Anh thầy giáo nói cách thứ nhì cho em nghe thử đi.
Long cười cười:
- Cách thứ nhì càng dễ hơn nữa... Cô chỉ cần mướn tôi mỗi ngày làm sổ sách cho cô là êm chuyện. Cô khỏi làm gì cả.
Thủy cười thành tiếng:
- Cách nầy thì em thích lắm đó, khỏi tốn công, nhưng hơi kẹt. Em đi làm mà hổng biết người ta có phát lương cho không nữa, lấy tiền đâu mà mướn lại anh thầy giáo???
Đúng là trời giúp mình rồi. Đi làm mà chưa có lương thì lấy gì sống? Không chuồn hàng ra chợ đen chỉ có người tu hay là người điên thôi. Nhưng cách mạng 30 thì 2 loại người đó tuyệt đối không có...Nhưng để cho chắc Long hỏi kỹ lại:
- Cô nói chơi hoài, cán bộ công nhân viên mà hổng có lương thì làm sao mà sống?
- Em nói thiệt mà, ở phường người ta triển khai như vậy đó. Họ nói ít nhất cũng vài tháng sau mới vào nề nếp, chừng đó mới phát lương còn mỗi tháng được bao nhiêu thì tụi em hổng biết.
Long kéo sát ghế mình gần Thủy rồi nhỏ tiếng:
- Tôi có đề nghị nầy muốn nói với cô nhưng nếu cô không đồng ý thì coi như tôi chưa nói...
Thủy chớp cặp mắt đen huyền nhìn vào ly cà phê đá gần cạn còn tay thì đang khuấy vòng vòng mấy cục nước đá cho nó xoay tròn cất tiếng nhẹ nhàng:
- Anh cứ nói đi cái gì em cũng đồng ý hết...
Hổng lẽ cô cán bộ 30 đang chờ anh thầy giáo Ngụy tỏ tình. 
Long thu hết can đảm bắt đầu trình bày cho Thủy nghe dự tính của mình kể cả những chi tiết nhỏ, cuối cùng chàng hỏi:
- Cô thấy thế nào tiền chênh lệch mình chia ra 5 phần cô 2 tôi 2 còn nhân viên làm chung với cô thì cũng nên ém miệng cho cô ta một phần như vậy thì không sợ lộ chuyện...
Cô Thủy hình như không mấy vui mà chỉ trả lời xuôi chiều theo ý Long:
- Anh thầy giáo tính sao cũng được hể lỡ khi trên phường xuống kiểm tra mà họ không phát hiện thì được rồi.
Long cười trấn an:
- Mình không cần đem ra ngoài nhiều đâu. Mỗi ngày 20 lít thôi. Số lượng đó chưa bằng cái mà ở phường quy định bị hao hụt đâu mà cô lo.
Cô Thủy giật mình hỏi lại:
- Làm sao anh thầy giáo biết được dzậy? Hổng lẽ con sư tử đó nó đã nói cho anh nghe rồi?
Long cười cười ghẹo nàng:
- Con sư tử cô nói là ai dzậy?
- Thì là con nhỏ con ông chủ cây xăng hồi trước chứ còn ai vô đây. Chiều hôm qua em thấy anh ghé nhà nó mà...
Đó là cái móc nhỏ đầu tiên đã móc cuộc đời của một anh thầy giáo từ chỗ yêu nghề, tận tụy với đám học trò trước năm 1975 đã biến thành kẻ "mất dạy"...
Rồi hôm sau chàng lại đem trái cây và đồ ăn vặt qua cửa hàng thương nghiệp hát lại bài hát mà chàng đã hát với cô cửa hàng xăng dầu hôm qua để lập thêm cái móc thứ nhì...
Hai cái móc đã làm cho chàng bị kẹt cứng một thời gian khá dài...
(Hai cái móc nhung chỉ là bước khởi đầu mời các bạn xem những bước dài sắp tới ở các kỳ sau)


Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét