Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 9

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Xã hội thời nào cũng được cấu tạo bởi nhiều thành phần khác nhau.
Thời VNCH, những thanh niên có học thức cũng chia ra không biết bao nhiêu hạng. 
Người có tinh thần trách nhiệm, yêu nước, yêu dân tộc thì vào trường VBQG chọn cuộc đời binh nghiệp. Kẻ vào Chiến Tranh Chánh Trị, Cảnh Sát...
Người tiếp tục việc học nhưng rồi tới một giới hạn nào đó họ cũng phải vào trường bộ binh Thủ Đức để thi hành nghĩa vụ quân dịch.
Người sợ chết thì lết vô những cơ quan phục vụ cho xã ấp ở vùng nông thôn để được hoãn dịch khỏi phải đi lính...
Những người kém may mắn, ít học hơn thì đi quân dịch, hay đăng ký các binh chủng khác nhau từ Dù, Biệt Động, Thủy Quân Lục Chiến...cho đến Nghĩa Quân.
Cũng có không ít thành phần trốn lính hay tệ hơn nữa là bỏ trốn theo phía bên kia.

Thời CS cũng vậy sáng ngày 30-04 đã có không biết bao nhiêu kẻ trở cờ mang miếng vải đỏ trên tay để biến mình thành đám cách mạng 30.
Những thanh niên không theo CS thì "ĐƯỢC" cho gia nhập thanh niên xung phong đi nếm mùi rừng thiêng nước độc, làm mồi hiến máu cho muỗi mòng, rắn đĩa...
Những người nhát gan thì tìm các ban ngành mà chui vào trốn...

Còn cái thời 9 năm Kháng Chiến thì khác hơn. Người dân Việt Nam vì muốn bảo vệ quê hương, đất nước, dành lại từ tay người Pháp cho nên mọi thành phần dân chúng đều tham gia. Nhưng khi hòa bình thì sinh ra nhiều vấn đề phức tạp. 
Người theo CS thì tập kết ra Bắc hay là đổi vùng để hoạt động chờ ngày cướp chánh quyền.
Người theo Quốc Gia thì ra làm việc cho chánh phủ Ngô Đình Diệm. Ra sức bảo vệ phần đất tự do.
Nhưng cũng có rất nhiều người chỉ muốn đuổi giặc Pháp dành lại quê hương mà thôi, họ không theo bên nào cả, cũng không chừng những người đó đã nhìn ra cái bản mặt thật của CS trước rồi, cho nên họ chọn con đường rút lui...
Chú Út Nhỏ thuộc thành phần sau cùng. Chú đã tham gia Kháng Chiến chống Pháp và đã từng có giữ chức vụ quan trọng trong thời kỳ đó, nhưng sau năm 1954 chú chọn con đường rút lui và đem gia đình sống trên một chiếc ghe tam bản rất lớn có sức chở cả tấn...
Khi CS chiếm miền Nam chú cũng từ giã nghề buôn bán rồi lên bờ cất nhà trong kinh Cái Nước...

Thằng Tòng dẫn phái đoàn tới nhà chú thì đã hơn 5 giờ chiều. Nhà chú Út Nhỏ không lớn lắm chỉ vùa đủ cho gia đình 5 người. Trong buồng có một cái chõng cây, phía trước có 2 bộ ván ngựa. 
Nhà thật đơn giản nhưng rất sạch sẽ. Chú có 3 đứa con đã quá tuổi đi học nhưng trên chiếc ghe lớn đó thím Út đã dạy được cho ba đứa nó biết viết và biết đọc mặt chữ rồi...
Mười hai người gồm 7 cô giáo và 5 ông thầy được chú Út cho xuống cái ghe lớn ở tạm. Cái ghe nầy có mui bằng ván dầu được lót sạp từ trước ra sau, tuy nó không cao lắm muốn đi lại trong mui phải bò bằng 2 đầu gối còn không thì phải leo lên trên mui mà đi. Nhưng phần lớn mấy người kia không ai có thể di chuyển trên mui ghe được...
Tòng nhờ một em du kích mang đến cho táo gạo, nó còn chuyển lời của "ngài chủ tịch" xã:
- Ủy ban chỉ có thể giúp được bao nhiêu đó thôi. Mọi thứ khác đều phải xuất tiền túi mà mua. Còn muốn mua thứ gì thì gặp thường vụ để xin giấy.
Long than thầm:
- Lương thì chưa có, trường sở cũng không, học trò chưa có một móng chỗ ở thì có cũng như không, đang long bong trên mặt nước. Bây giờ thì đúng thiệt là phận lục bình đang trôi nổi trên sông rồi. Hay là nghe lời thằng Nghiệp bỏ chạy quách cho xong chuyện...

Long nhờ thím Út mượn thêm nồi để chia đám người ra làm 2 nhóm mà nấu cơm chiều, rồi kêu gọi mọi người cùng nhau hùn tiền lại nhờ em Tú con chú Út xem trong xóm có ai bán cá hay hột gà hột vịt gì đó mua về mà ăn đỡ hôm nay...
Mười giáo viên mới chắc có chuẩn bị tinh thần hay đã được thông báo trước về nhiệm sở của mình rồi nên không thấy ai xầm xì to nhỏ. Long đang vắt óc xem phải làm gì thì thằng Nghiệp tới hỏi:
- Mầy còn thuốc hông? Cho tao ít điếu hút với 3 thằng kia coi. Dù sao bây giờ tụi mình cũng cùng hội cùng thuyền mà.
- Đem theo có 1 cây, mà 2 hôm rồi dứt hết 4 gói, vài bữa nữa treo mỏ cả lũ bây giờ.
Thằng Nghiệp bổng nổi hứng ngâm thơ:

Hút thuốc đi anh cho đời bớt khổ 
Hút cho nhiều ai khổ mặc ai 
Còn thì ta cứ lai rai 
Hết thì ta cứ đi nài, đi xin 

Hành trang của nhà giáo thời "phải gióng" chỉ có một cái ba lô, trong đó chứa một chiếc mùng lưới, tấm cao su 1mét x 2mét. Vài bộ quần áo và vật dụng cá nhân cần thiết để làm vệ sinh buổi sáng. Các cô giáo chắc cũng không khá hơn bao nhiêu có điều các nàng để chúng trong túi xách nhìn lịch sự hơn nhiều. 
Tất cả 12 người đều được dồn vô chiếc ghe, 7 đứa con gái ở phía sau 5 thằng đực rựa chiếm phía trước.
Trong 3 ông thầy mới thì Nhân là người miền Nam ở Rạch Giá có máu văn nghệ nên ngoài cái ba-lô anh ta còn vác theo cây đờn. Phạm Công Bình và Phạm Đăng Lưu anh em chú bác ruột ở ngoài kinh F. Là dân Bắc kỳ di cư 54. Cô Phương quê Cái Vồn Bình Minh, Cô Thúy người Rạch Giá, hai người là bà con bạn dì với nhau, cô Thắm ở Tắc Cậu cô Hương & cô Diễm ăn giá sống chắm nước mắm nhĩ còn hai cô Như và Thu là Bắc di cư 54.
Mười hai người đang ngồi quây quần phía trước mũi ghe thi nhau đấu láo về thời sự, về số phận của 12 tản lục bình với tình hình hiện tại, rồi đây chúng sẽ trôi về đâu. 
Bỗng Nhân nổi hứng đem cây đàn ra, mới đầu nó chỉ là đệm những bản nhạc vàng nhưng một hồi sau thì cả bọn ngứa miệng thi nhau hát làm Long hoảng quá phải kêu họ vô trong mui đóng cửa lại rồi ở trong đó tự do mà hát cho đã cái miệng, còn chàng thì leo lên bờ đi tìm chú Út Nhỏ vừa nói chuyện vừa canh chừng những người cách mạng...

Chú Út Nhỏ thời 9 năm kháng chiến cũng có chút ít thành tích nhưng chú không ưa CS cho nên tiếp thu xong chú không chịu kể công cũng như không muốn trở lại tham gia vào chánh quyền địa phương. Chú kể chuyện đánh giặc thời xưa, chuyện buôn bán trên sông, chuyện tương lai sắp tới rồi sẽ ra sao, cuối cùng thì cũng tới chuyện mấy cái trường học mà Long chỉ cho chú xem trên bản đồ.
- Cái thằng nào mà vẽ cái bản đồ nầy cho thầy chắc là bị điên. Muốn cất trường học thì phải cất ngay chính giữa để học trò ở hai đầu đi lại cho gần. Cất cái kiểu nầy mấy đứa ở đầu phía xa làm sao mà đi nổi? Đường xá mương rạch cũng chưa chịu bắt cầu cho liền với nhau. Tụi quỷ nầy lo làm chuyện gì đâu không hà. Rồi thầy giáo định làm sao đây?
Cái câu hỏi nầy đúng là nhức óc, từ khi tới đây đến giờ không lúc nào nó ngưng chạy trong đầu:
- Tụi cháu tưởng đến đây có trường học sẵn chỉ mỗi việc thu học sinh rồi khai giảng niên học mới cho tụi nhỏ. Chứ đâu có ai nói với cháu chưa có trường lớp đâu mà cháu biết đường mò. Mà cho dù họ có nói thì cháu cũng đâu biết làm cách nào mà cất được trường đây? Phải có tiền thì mới làm được không tiền thì chịu thôi chứ còn biết làm sao mà chú hỏi.
Chú Út Nhỏ làm thinh như đang suy nghĩ, hồi lâu chú mới nói:
- Nói thiệt với thầy, thằng hai Mập bí thư xã nầy nó mời tui tham gia chánh quyền mấy lần mà tui có thèm đâu. Tui chán cái tụi nầy lâu rồi. Lúc nó cần thì nhờ vả khi hết cần thì nó đá mình ra như đá trái banh cũ. Nhưng mà nếu là chuyện học hành cho tụi nhỏ, trong đó cũng có 3 đứa con tui cũng như đám cháu bà con ở đây thì tui giúp ý kiến như vầy.
Ở đây tiền thì người ta không có nhiều, sau lần đổi tiền càng hiếm hoi hơn nhưng mà chuyện học hành cho con cái họ thì ai cũng sẵn lòng, có cái gì thì họ gom góp cái đó. Vậy tui sẽ đứng ra kêu gọi mọi người đóng góp công sức, tiền bạc mà cất cái trường tại chỗ nầy thầy giáo nghĩ sao?

Nghĩ sao? Một câu hỏi thật đơn giản mà nó làm cho Long nhớ lại cả một quãng đời thơ ấu của mình...
Một thằng nhóc 7 tuổi đầu đã phải rời xa tổ ấm gia đình, một thân một mình đến ăn nhờ ở đậu nhà người ta mà đi học. Mỗi tuần lễ phải đi ké xuồng rồi băng mương vượt qua những cây cầu khỉ cheo leo trở về thăm nhà...
Nhưng xét cho cùng nó vẫn còn may mắn hơn các em nhỏ nơi đây...
Những thanh niên nam nữ thì mù chữ, các em nhỏ rồi thì cũng ngấp nghé theo sau bén gót. Vậy thì tương lai chúng sẽ đi về đâu?
Long chợt muốn làm một cái gì đó cho thời thơ ấu của mình, dù biết rằng việc làm đó cũng chỉ là việc làm của con dã tràng se từng hạt cát xây nhà trên bãi biển...
- Được! Nếu có chú đứng ra giúp đỡ kêu gọi sự đóng góp của mọi người thì cháu sẽ "động viên" tinh thần anh em cố gắng cùng bà con ở đây cất cho tụi nhỏ một mái trường để có chỗ cho chúng học hành...
Hai người bắt đầu thảo luận, bàn bạc  phân công với nhau để sáng hôm sau bắt tay vào việc cất trường...
(Xin mời các bạn xem những tấm lòng nhiệt tình với sự nghiệp giáo dục vào kỳ sau)


Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét