Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 10

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Sáng sớm chú Út đã biểu con Tú đi xóm trên, con Hương đi xóm dưới để mời bà con trong rạch Cái Nước đến nhà chú bàn việc cất trường. 
Thông thường hội họp để học tập các chính sách mới của nhà nước CS, dân trong vùng giải phóng ít ai chịu đi, họ không sợ chánh quyền như dân thành phố. Nhưng cất trường cho con cái mình, đó là niềm khao khát từ lâu nay nên mọi người đi dự rất đông hầu như nhà nào cũng có người đến họp.
Cái sân nhà chú Út chật cứng kẻ đứng người ngồi cười nói vang trời...

Chú Út và Long thay phiên nhau trình bày phương án cất trường rồi kêu gọi mọi người tham gia góp ý kiến.
Ấp Cái Nước với con rạch khá dài mọi người thống nhất ý kiến phải cất 2 điểm trường để cho học trò đi học được gần chứ không thể nào cất 1 cái ngay chính giữa được. Sau khi chọn địa điểm xong rồi, người ta bầu ra 2 ông hội trưởng hội phụ huynh học sinh cho điểm Cái Nước 1&2. Chú Út Nhỏ được bầu làm hội trưởng điểm Cái Nước 1 còn ông Tư Tiều ở gần sông cái thì được bầu làm hội trưởng điểm Cái Nước 2. 
Nhóm cô giáo thầy giáo cũng được tách đôi để lo đi xây dựng trường.
Dân chúng chỉ có khả năng đóng góp tối đa là 50xu cho mỗi em học sinh được ghi danh đi học mà thôi. Người nào không tiền có thể góp lá dừa nước hay dây chại thế tiền...
Cặp bờ sông Cái Lớn hay trong mấy con rạch như rạch Cái Nước, Xẻo Bần, Xẻo Cạn, Lý Thông...Có rất nhiều dừa nước.
Cây dừa nước hay còn gọi là cây lá được trồng hay mọc tự do Long cũng không rõ, nhưng mà nhiều vô số. Người dân đốn lá dừa nước vừa đủ độ già dùng để cất nhà. Lá dừa nước được chế làm 3 loại lá để sử dụng.
Lá chầm. Người ta rọc tàu lá để lấy những chiếc lá riêng ra, rồi dùng cuốn lá chẻ đôi lấy một khoản chừng 1mét 2 tấc. Những chiếc lá được gấp đôi lại rồi dùng dây cũng làm bằng cuốn lá chẻ nhỏ phơi héo mà chầm. Lá chầm dùng để lợp nhà cũng có thể dùng làm vách cho những ngôi nhà sơ xài...
Lá tàu. Lá tàu không tốn công, một tàu lá đốn xong chẻ đôi rồi xấp chúng lại theo chiều lá. Muốn lợp lá tàu căn nhà phải kiên cố, sườn nhà phải chắc chắn không đơn giản như sườn nhà lợp lá chầm. Chỉ có người khá giả, giàu có nhà mới lợp bằng lá tàu...
Lá vàng bạc được chầm đứng bằng những chiếc lá được lựa kỹ lưởng bằng nhau. Lá vàng bạc chỉ dùng đế làm vách buồn trong nhà hay trang trí cho đẹp trước cửa nhà mà thôi.
Ngoài ra trái dừa nước ăn cũng ngon lắm...
Chạy là mội loại dây leo có thân mình dẽo dai rất chắc, dân quê dùng nó thế dây chì để buộc mà cất nhà, nó cũng bền lắm.

Nghiệp, Nhân, Hương, Diễm, Thu và Như được phân công theo ông Tư Tiều đi cất trường phía ngoài. Long, hai anh em nhà họ Phạm, hai chị em bạn dì Phương, Thúy cùng cô Thắm ở lại chiếc ghe của chú Út cùng với bà con ở đó lo dựng trường cho điểm Cái Nước 1.
Người dân thôn quê tuy nghèo nhưng rất hiếu khách và nhất là những thầy cô giáo sắp sửa mở mang trí tuệ cho con mình cho nên kể từ giờ phút đó chuyện ăn ở không còn là vấn đề đối với các cô thầy giáo mới nữa. 
Những đứa học trò tương lai thường đem tới cho cá, rau hay những quày dừa nước vừa ăn... kể cả gạo củi chúng cũng đều cung cấp.
Thanh niên nam, nữ đàn ông đàn bà đều tham gia cất trường, người dọn cỏ đấp nền, người đốn lá để chầm. Cô giáo, thầy giáo cũng hăng hái tham gia nhiệt tình học nghề chầm lá xem ra cũng vui vẻ lắm.
Số tiền thu được không có là bao, cây cối bị kiểm lâm kiểm soát gắt gao đã mắc lại còn mua không được, cho nên chú Tư Tiều và chú Út Nhỏ đề nghị Long nhờ ủy ban xã hổ trợ giúp đỡ.

Thằng Tòng không ngờ dân chúng ấp Cái Nước nhiệt tình trong công việc cất trường. Nó cũng là đứa hồi nhỏ đi học rất ư là cực khổ, nên nó rất nhiệt tình giúp, nhưng ngân sách xã lúc đó chưa có nhiều tiền nên nó đề nghi:
- Hay là mình về huyện nhờ ủy ban huyện cho mình đống cây mà tụi kiểm lâm bắt giữ rồi đem về cất trường đỡ đi, khi nào xã có tiền thì làm trường xây bằng gạch.
Tòng dắt theo 2 em du kích một đứa chạy cái vỏ máy cho Long, một đứa chở nó bằng cái vỏ máy của ủy ban xã, cả bốn người đi xuống huyện để xin cây tràm.
Hai thầy trò vô gặp cha chủ tịch huyện. ThằngTòng chỉ Long giới thiệu:
- Thưa đồng chí chủ tịch. Đây là đ/c Long bên phòng giáo dục đưa qua phụ trách xây dựng trường cho Đông Yên chúng em nhưng mà tụi em kẹt, không có kinh phí để mua vật liệu vậy đ/c chủ tịch có thể nào ra chỉ thị cho trạm kiểm lâm cho lại tụi em số tràm mà trạm đã tịch thu không?
Nghe Tòng giới thiệu mà ốc ác Long nổi cục nhưng không dám hó hé.
Thằng Tòng là một trong những đứa cán bộ người Nam có trình độ văn hóa cao nhất (Lớp 8 dở dang) ở An Biên, nên tiếng nói của nó thường được ủy ban huyện lắng nghe. Cha chủ tịch nhìn Long rồi ra lịnh:
- Các đ/c cứ tới trạm kiểm lâm xem cây nào xài được thì cứ chở về mà cất trường. Sau nầy có chuyện gì cần thiết liên quan tới xây dựng trường học thì cứ đến đây tôi giúp cho.
Cầm cái giấy mà chủ tịch huyện viết cho trạm kiểm lâm, Long lắc đầu ngán ngẫm cho cái ông đứng đầu một quận. Chữ viết ngoằn ngòeo như cua bò, bò từ hàng trên xuống hàng dưới nên đọc không ra chữ. Chỉ có cái mộc đỏ chói và chữ ký của ông ta là rõ ràng thôi. Thằng Tòng thấy Long lắc đầu thì cười nói:
- Thầy xem làm gì cho mệt. Có chữ ký và cái mộc là xong rồi. Xuống dưới đó thầy nói cái gì tụi kia cũng nghe theo hết nó cũng có đọc được đâu mà thầy lo.
Hôm nay em mời thầy ra chợ ăn trưa rồi hãy đi lấy cây về cũng còn sớm chán.
Thằng Tòng mời Long ăn cơm tấm uống cà phê nhưng tiền thì 2 em du kích kia trả. 

Trạm kiểm lâm nằm ở đầu kinh thứ 2 nơi đó họ đón bắt những ai vào rừng đốn tràm lậu đem về khi đi ngang qua trạm mà bị họ phát hiện thì a-lê-hấp tấp vô, lần đầu thì bị tịch thu tràm, nếu còn tái phạm mà bị bắt nữa có thể bị phạt tiền hoặc tịch thu ghe luôn. 
Nơi đó hiện đang có một đống tràm cừ, lớn hơn cái nhà nếu cho lấy hết chắc phải chở từ 4,5 chục vỏ máy trở lên. 
Bốn người đưa giấy của huyện ủy ra cho người trưởng trạm rồi bắt đầu lựa những cây tràm lớn bằng cổ chân trở lên mà lấy. 
Lựa hơn tiếng đồng hồ thì 2 vỏ máy đầy kín, không còn chổ chứa phải lấy dây ràng lại cho cứng mới chở đem về được...

Có cây cất trường rồi dân chúng ấp Cái Nước vui mừng lắm. Chiều đó những người có lòng, có uy tín đều tụ họp lại nhà Chú Út Nhỏ để bàn bạc, tính toán, phân công xem thử coi phải cất như thế nào. Sau đó họ xem lịch chọn ngày tốt để dựng trường...
Số tiền đóng góp được chỉ đủ mua một ít đinh, dây chì và tre gai để dùng làm rui lợp nhà nên sau khi dựng xong 2 phòng học thì sạch sẽ không còn đồng nào.
Có phòng học, có học trò rồi nhưng không thể chọn ngày khai giảng được bởi vì nó lại rơi vào một cái khó khăn nan giải khác...
Bàn để học trò ngồi, bàn, ghế cho cô thầy làm việc và cái bảng đen là những thứ cơ bản không thể thiếu trong một lớp học, nhưng những thứ đó đều không ở hai điểm trường vừa mới cất. Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập để giải quyết vấn nạn đó. Có rất nhiều ý kiến đưa ra nhưng không có cái nào có thể thực hành mà không bị trở ngại...
1- Góp thêm tiền để mua ván, mua đinh đóng dã chiến là giải pháp đầu tiên được đem ra mổ xẻ. Thấy đơn giản nhất nhưng mà dân chúng đã cạn kiệt rồi không còn tiền để góp thêm. họ còn phải mua dụng cụ cho con em đi học cũng không phải là ít tiền nên đành xếp lại cái phương án tốt đó.
2- Tự túc đóng bàn, ai đóng được chổ ngồi cho con cái mình thì được ngồi trên bàn mà học, không có bàn thì ngồi dưới đất, bàn ghế bảng đen của giáo viên thì chánh quyền lo.
Phương án nầy bị chánh quyền bác bỏ vì nó không phù hợp với chủ trương của nhà nước CS...
3- Xuống huyện xin thêm tràm về làm bàn ghế, tuy là nó cấn đít tụi nhỏ nhưng đó là giải pháp duy nhất có thể làm, chỉ có điều còn chút trở ngại đó là mặt bàn viết rất ghồ ghề khi để quyển tập lên rất khó viết...Hơn nữa bàn ghế của giáo viên và bảng đen không biết ủy ban có chịu xuất tiền ra không.
Mọi người còn đang phân vân chưa thống nhất ý kiến thì Tòng và 2 người nữa bước vào nhập cuộc.

Đứa học trò cũ, anh thường vụ xã ủy nầy không biết vì tình nghĩa thầy trò nên tận tâm giúp đỡ hay là đang ngắm nghé mấy cô giáo mới mà có lần thằng Nghiệp nói với Long:
- Ê! Tên học trò của mầy hình như khoái cô Hương rồi đó nghen.
Long nghe xong rồi cũng quên đi nhưng sáng nay gặp lại Nghiệp, nó cũng nhắc chuyên đó nữa nên Long trả lời:
- Nó khoái ai thây kệ nó, hể nó giúp mình được việc là mừng rồi. Hay là mầy cũng cũng khoái Hương nữa nên ghen với nó chứ gì? 
Thằng Nghiệp làm thinh. Bây giờ Tòng bước vô tham gia cuộc họp cùng 2 người nữa làm Long giật mình chợt nghĩ "Chắc là thằng Nghiệp nghi đúng rồi" Chắc thằng Tòng đang mê cô giáo nào chứ hổng có tốt lành gì mà nó theo giúp mình hoài đâu. 
Nhưng nó theo ai thì kệ nó, có nó tới đây thì phải nhờ nó giải quyết, giúp đỡ chứ biết làm sao bây giờ...
Long tổng kết ý kiến của mọi người rồi nhờ Tòng giúp cho kinh phí mua hai bộ bàn ghế giáo viên kể cả 2 tấm bảng đen. Tòng còn đang suy nghĩ chưa biết từ chối thế nào cho khỏi mích lòng cả 2 phía dân chúng và cô giáo thầy giáo nhưng một người đi theo nó lên tiếng:
- Ủy ban làm gì có dư tiền mà chi ra? Cửa hàng thương nghiệp và cửa hàng xăng dầu đang thiếu nợ ở trên huyện, bây giờ đi mua xăng mà còn không tiền trả đủ thì tiền đâu mà xuất ra để giúp cho bên giáo dục? Bà con hãy tự đóng góp mà giải quyết đi, muốn cần gì liên quan tới giấy tờ thì giúp được chứ tiền thì không...
Mọi người nghe xong thì xì xầm thất vọng làm Long phải yêu cầu giải tán tạm thời để trở về phòng giáo dục xin giúp đỡ...
Thằng Tòng gặp Long cố giải thích phân trần:
- Em cũng muốn giúp thầy và mấy bạn kia lắm nhưng mà kẹt quá. Ở Xã chưa có lương còn đang chờ cho nên mấy chú mượn tiền của ban thương nghiệp, của cửa hàng xăng dầu xài trước, bây giờ đến kỳ nhận hàng mới mà không có tiền thanh toán, hơn nữa lúc nầy xăng mắc quá người ta cũng ít dùng máy để đi, họ bơi tay không hà cho nên mình còn tồn kho tới 3 phuy xăng lận. Ở trên huyện  lại không cho mình lấy thiếu mới chết chớ, mà nếu bây giờ mình lấy phân nửa thì kỳ sau nó cắt bớt lại kẹt cho đồng bào ở đây, đến khi họ cần mà không có xăng thì phiền hà lắm. Chứ có phương tiện giúp thì em đâu có từ chối làm gì...
Nghe 3 phuy xăng tồn kho là Long sáng mắt, vậy là mọi chuyện có thể giải quyết ổn thỏa rồi, chàng vừa kéo tay Tòng vừa nói:
- Xuống ghe đi tôi có chuyện muốn thương lượng riêng với em...

(Mời các bạn xem tiếp đoạn kế vào kỳ tới)

Lanh Nguyễn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét