Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Đình Công

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Ngày 8 tháng 11 năm 2016 sau cái kết quả bi thảm cho đảng dân chủ. Con Voi chứng Đỗ Nam Trump đã ném tung con lừa Hill xuống đồi cỏ non để một mình thông thả bước vào tòa nhà trắng.
Theo truyền thống dân chủ lâu đời của nước Mỹ trong lúc vận động tranh cử các đối thủ có thể chọi vào nhau đủ thứ trên đời, từ bùn đen, cà chua, trứng thối thậm chí bôi cả kít lên người của nhau, để hầu đánh gục đối phương. Nhưng sau đêm kiểm phiếu rồi thì người thua cũng như bên thắng phải cắn răng nuốt lệ làm vui mà chúc mừng cho nhau. Họ phải bắt tay và nắm chặt tay nhau để cùng phục vụ cho tổ quốc Hoa Kỳ.
Chuyện đã choảng nhau trong lúc tranh cử phải được xếp lại, đóng băng đó cho đến 3 năm sau mới khui trở lại để vào năm thứ tư thì tiếp tục chơi tiếp.
Lần nầy phe dân chủ đã phá luật chơi khiến cho nhiều người nghi ngờ nền dân chủ của Mỹ quốc. 
Hillary & Obama bị đo ván trên mọi mặt trận từ hành pháp đến lập pháp. Thua đậm nên người dân chủ không muốn chấp nhận cái kết cuộc bi thảm đó. Họ làm đủ trò tồi bại từ việc đòi kiểm phiếu lại cho đến việc xúi giục bọn vô lại biểu tình rầm rộ chống đối phe Cộng Hòa, chống từ lúc Trump chưa chính thức nhậm chức.
Trải qua 44 đời tổng Thống. Mỗi ông đều có thời gian 100 ngày trăng mật. Tức là phe đối nghịch trong quốc hội phải để yên cho vị tân tổng thống tự do làm việc 100 ngày đầu theo đường lối mới của ông ta. Sau đó họ mới xem xét kết quả mà đưa ra ý kiến hay kiến nghị mới. 
Trump thì vừa mới đắc cử là bị đám người dân chủ biểu tình rầm rộ chống đối từ những tiểu bang đa số là phe dân chủ rồi. 
Những tên khùng đó cứ trương cao khẩu hiệu. "Không Phải Tổng Thống Của Tôi". Nhưng họ quên một điều ông ấy lại là Tổng Thống của Nước Mỹ được đại đa số dân Mỹ bầu ra trong một cuộc bầu phiếu công bằng và hợp pháp. Còn họ chỉ là cái thiểu số lẻ loi mà thôi và nếu như họ không chấp nhận ông ta tức là họ không chấp nhận nền dân chủ của nước Mỹ thì họ đâu còn là người Mỹ nữa. 
Nhưng phe chống đối cứ tiếp tục lộng hành mà cảnh sát của Obama vẫn để yên cho họ đập phá tanh banh nhiều cửa hàng, lại còn đốt cả xe, chận cả xa lộ liên tục mấy đêm liền cả vùng vịnh bị xáo trộn cuộc sống, làm nhiều người Việt Nam hoang mang..
Hôm 2 tháng 2 năm 2017 Milo Yannopoulos một bình luận gia của đảng Cộng Hòa tổ chức một buổi diễn thuyết tại đại học UC Berkeley nơi có truyền thống tự do ngôn luận. Nhưng đêm đó lại xảy ra một cuộc bạo động khủng khiếp khiến Milo không thể nào nói chuyện được. Đành phải hủy bỏ buổi thuyết trình. 
Ạ. Thì ra tự do phát biểu ở đây có nghĩa là bạn tự do nói theo đảng dân chủ, tự do chống đối Trump còn nói theo đường lối chủ trương của Trump thì "NO WAY".
Không có chỗ đứng cho bạn, đừng hòng. 
Chẳng những vậy đêm đó chúng còn đập cửa kính cướp đồ trong các cửa tiệm, đốt thùng rác và cả xe hơi, dùng trứng thúi cà chua tấn công cả cảnh sát nhưng cảnh sát chỉ rút đầu trốn chứ chẳng làm gì khiến cho Kiên hôm đó đã nổi nóng la lên:
- Tụi quỷ nầy đang làm cái giống gì kì vậy kìa? Sao mà giống y như là bọn ăn cướp giựt đồ của người ta quá dzậy, làm thế sao có thể coi là biểu tình hay đình công được? Anh nghĩ xem tui nói có đúng không? Nhưng mà ở đây xứ Mỹ chứ đâu phải là Việt Nam, sao tui thấy tụi nó làm giống y kỳ người dân mình biểu tình ở Bình Dương quá dzậy. 

Thật ra xứ nào cũng có kẻ tốt người xấu. Không hẳn là dân Tây Phương hoàn toàn tốt mà dân Á Châu thì xấu tệ. 
Trong đoàn biểu tình cũng có kẻ lợi dụng thời cơ để cướp của người ta, chứ thiệt ra họ cũng chẳng phải là người thiết tha với chính chị mười em gì cả. 
Những người thực sự quan tâm tới bầu cử họ đã thể hiện sự quan tâm của mình qua lá phiếu của chính mình rồi. 
Còn bọn vô lại kia chắc gì chúng có đi bầu đi bán đâu?
Thật tình mà nói ở cái xứ sở mà hơn 60 % theo đảng dân chủ, mình muốn chọn một đảng viên Cộng Hòa cũng đành phải bó tay chấm cơm. 
Vì vậy ít khi Long có ý kiến về các ứng cử viên trong những mùa bầu cử nhưng đem so sánh giữa Việt Nam với Hoa kỳ thì quả là không đúng rồi. Vì 2 sự việc hoàn toàn khác nhau.
Bọn công an ở xứ ta không đứng về phía dân chúng, không bảo vệ dân chúng mà bọn họ chỉ bảo vệ đảng và những người theo đảng CS mà thôi. 
Cảnh sát Mỹ ở đây thì khác hơn, họ đứng về phía lẽ phải bảo vệ luật pháp. Đâu đâu cũng có máy ghi hình những tên phá hoại trước sau gì rồi cũng bị tóm cổ. 
Long không hứng thú bàn về chuyện Việt Nam như Kiên nên anh trả lời câu hỏi của Kiên xoay qua vấn đề khác:
- Chuyện ở Bình Dương năm rồi khác với chuyện biểu tình chống Milo ở đây xa lắm, mà 2 chuyện đó cũng không phải là đình công đình kiết gì đâu. Việt Nam mình gọi là xuống đường, biểu tình, chống đối. Còn Mỹ thì gọi là protest. Còn đình công thì nó gọi là On Strike khác hơn nhiều.
Kiên hỏi tới:
- Vậy có phải mấy tháng trước anh Hòa hùa theo người ta gọi bệnh ở nhà không thèm chạy xe bus nữa, làm xe bus thiếu người chạy quá xá, quà xa. Cái đó thì mới kêu là đình công đúng không?
Long thấy gió đã xoay chiều rồi nên cũng vui vẻ trả lời:
- Ạ! Cái vụ xe bus không chạy đó hả? Cái đó cũng không phải là đình công đâu. Mấy tháng trước Union còn đang thương lượng công tra mới với thành phố, chưa ngã ngũ mà, không biết tên nào xúi dại chơi cái màng Sick-Out để hù  thiên hạ, không dè bị dân chúng phản đối quá trời. Đúng là làm chuyện "ruồi bu ".
- Ủa! Sick-out là cái gì vậy? Em thấy ảnh ở nhà không đi làm thì tưởng là đình công thôi, ai biết nhiều tên gọi quá vậy đâu nè.
Long cười, cười nửa đùa nửa thật:
- Em từ ngày qua Mỹ tới nay, đi làm thì làm tiền mặt, mở tiệm bán bánh cũng lấy tiền mặt, mướn người thì cũng trả tiền mặt, vậy muốn biết về Union để làm cái gì?
Kiên cười hì, hì:
- Biết chơi cho vui vậy mà, nói về tình hình chính trị hoài sợ anh chán hổng có người tán dóc, thì đời buồn như là con Cóc phải bỏ cái hang rồi đi lang thang ngoài đường, thế nào cũng bị thiên hạ bắt đem đi lột da nấu cháo ăn...
Long phì cười rồi giải thích về chuyện sick-out cho Kiên nghe:
- Thông thường những hãng nào có Union trong đó thì mỗi tháng có một ngày nghỉ bệnh. Nếu chưa bị đau thì những ngày đó để dành cho đến lúc hữu sự. Khi mà bị bệnh thì sẽ dùng nó. Nếu bị bệnh 3 hôm thì phải có giấy chứng nhận của bác sĩ, nếu không có giấy bác sĩ thì coi như nghỉ không lý do, tiền không được lãnh mà có khi còn bị đuổi cảnh cáo, hoặc là đuổi luôn nếu đã tái phạm nhiều lần. 
Sick-out là cả đám hè nhau gọi bệnh một lượt. Làm như vậy tuy là không bị đuổi vì nghỉ đúng quy định "Bịnh Mà" nhưng đâu có khi nào bịnh một lượt mấy trăm người. Như em thấy đó, chuyện lớn như vậy đâu có cha bác sĩ nào dám chứng ẩu, cho nên hết 2 ngày, đến ngày thứ 3 là cả đám đút đầu vô làm hết rồi có ảnh hưởng khỉ khô gì đâu, vì thế cho nên anh mới nói tụi đó làm chuyện "ruồi bu".
- Vậy còn đình công là thế nào?
Long ngó Kiên thắc mắc:
- Em từ hồi nào tới giờ chỉ biết lo làm giàu, bộ hết chỗ chứa tiền rồi hay sao mà bây giờ lại quan tâm tới việc ngoài đời vậy?
- Thì cũng phải tìm hiểu cho biết chứ anh, mà nói thiệt nghen, bây giờ em cũng hết ham làm rồi. Mấy đứa nhỏ không có đứa nào chịu theo nghề làm bánh của em hết. Học xong thì tụi nó vọt ra ngoài tìm nhà ở riêng với bồ bịch, rốt cuộc chỉ còn lại hai con "khỉ già" trong căn nhà rộng thênh thang. Đi vô, đi ra, đụng mặt bả hoài riết rồi em phát ớn.
- Vậy thì em tính chừng nào nghỉ làm?
- Em đang tìm người sang lại mấy cái tiệm bánh, rồi "gác kiếm" về hưu non cho khoẻ, coi thử xem có hưởng được cái gì không. Chứ để tới lúc như anh bây giờ chỉ có hưởng "thuốc" không thôi. Mỗi ngày nhìn thấy cả đống thuốc, thì chán chết đi được.
Long cười lớn:
- Uống thuốc mà mỗi ngày có cô vợ đem tới nhắc nhở cũng không tệ nghe em, chỉ sợ cu ki một mình với đống thuốc như cái núi mới là chán mớ đời thực sự.
Kiên cũng cười:
- Thì nhờ anh hên, nên mới lấy được chị Lan nếu mà ôm nhằm bà Liên thử coi bây giờ có nằm với cái đống thuốc đó không cho biết. Nhưng mà anh không tính nói chuyện đình công sao? Cứ lái qua vấn đề khác hoài vậy? 
 - Chuyện đó thì có gì hay ho đâu mà hỏi, nhưng em muốn biết thì kể cho nghe cũng được. Quởn mà.
Trong hầu hết các nhà máy lớn, công xưởng, nhà thương, trường học, khách sạn, hệ thống siêu thị v..v.. Đâu, đâu cũng có mặt công đoàn kể cả những nhà hàng lớn có từ 10 nhân viên trở lên, thường bị dụ dỗ vô công đoàn.
Kiên thắc mắc:
- Như vậy có Union là tốt, hay không có Union, cái nào tốt hơn?
- À! Vấn đề nầy thì không ai khẳn định được. Nhưng mà càng về sau nầy, Union càng yếu thế hơn, không như 40 năm về trước.
Là một thành viên của Union bổn phận đầu tiên là phải đống tiền nguyệt liễm hàng tháng khi có việc làm, thứ đến là một vài quy định phải tuân thủ khi có tranh chấp đình công với chủ. 
Còn quyền lợi thì cũng nhiều. Căn bản là chủ không thể xử ép thành viên Union được, mọi việc làm đều có ghi trong hợp đồng.Tất cả mọi người đều làm việc như nhau, nếu có bị xếp xử ép thì ban đại diện sẽ đến can thiệp liền. Ngoài ra lương bổng, phụ cấp, bảo hiểm, tiền hưu trí v... v... đều được Union đòi hỏi trong khi làm hợp đồng. Nếu lỡ bị thất nghiệp Union sẽ tìm cho mình việc mới mà khỏi phải trả tiền lệ phí...
- Vậy thì vô Union đã quá còn gì bằng. 
- Thấy thì đã, nhưng lại không đã chút nào hết. Là Union member, thì rất đã cho mấy tay lười biếng còn kẻ giỏi thì họ không cần Union làm gì, bởi vậy trong một công ty lúc nào cũng có hai phe, Union member và Non Union. Phe Union thì đông vì toàn là công nhân, còn phe Non Union là phe chủ, toàn là xếp các ngành và nhân viên văn phòng. Mình lúc đầu cũng tưởng Union đòi hỏi cho công nhân nhiều quyền lợi, nhưng thật ra Non Union quyền lợi còn nhiều hơn. Chỉ có điều chủ mà buồn tình muốn đuổi lúc nào thì "A Lê Hấp" cứ cuốn gói mà đi, không có đôi co, nói năng xin xỏ gì ráo trọi. Nhưng mà nếu mình làm giỏi biết nghe lời thì sợ cóc gì.
Một nhà máy mà có Union thì tất cả công nhân bắt buộc phải gia nhập Union, không có ai được ngoại lệ cả, chỉ trừ supervisor thì khỏi phải vô.
Kiên cắt ngang:
- Nhưng mà thế nào mới gọi là đình công? Anh lúc nào cũng vài dòng lòng thòng cả.
- Còn em già rồi cũng còn nôn nóng như xưa. Ở không chứ bận rộn cái gì mà gấp gáp vậy?
Kiên làm thinh, không chen vào nữa vì nó biết nói hoài câu chuyện sẽ đi theo hướng khác. Long thấy vậy thì lại bắt đầu nói tiếp:
- Khi công tra cũ sắp hết hạn thì giữa đại diện công ty và Union sẽ hợp nhau, bàn thảo, lập ra một bản dự thảo hợp đồng mới, kế đó toàn thể Union member sẽ bỏ thăm nếu trên 50% chấp thuận thì cứ theo đó mà thực hành cho đến hết thời gian hợp đồng. Còn không chịu cái hợp đồng mới đó thì kéo nhau ra cầm bảng đình công.
- Vậy trong thời gian anh làm cho Gallo anh đi cầm bảng bao nhiêu lần vậy? Kiên hỏi.

Một câu hỏi đơn giản mà làm cho chàng chạnh lòng nhớ lại biết bao nhiêu là nỗi đắng cay tủi nhục. Hơn hai mươi năm với 3 lần đình công mà có khi nào Long cầm tấm bảng ON STRIKE đi lòng vòng trước cổng Gallo đâu.
Những Union member khác, ai làm ca nào, giờ nào, đúng thời gian đó đều phải đến trước hãng cầm bảng nối nhau, đi chung quanh trong yên lặng, cho đến hết giờ làm của mình thì mới ra về. Nói một cách khác họ vẫn đi đến chỗ làm đúng giờ, nhưng không phải làm việc hằng ngày của mình mà chỉ là ở không, đi chung quanh vậy thôi vì thế mới gọi là đình công.
Tháng tư năm 1983 khi đứa con trai vừa hơn tháng tuổi cũng là lúc hợp đồng cũ hết hiệu lực. Union và luật sư đại diện cho Gallo còn đang bàn cải gây go về hợp đồng mới thì Long được (hay bị) Ernie mời lên văn phòng, người chủ tịch trẻ nầy tự tay pha cà phê còn mời hút thuốc. Long linh cảm là có vấn đề lớn sắp xảy ra, nhưng chưa biết chuyện gì. Ernie chỉ hỏi thăm về gia đình, về công việc, tuyệt nhiên không hé lộ vấn đề gì mới lạ, cho đến khi Long từ giả để xuống làm, thì ông ta mới hỏi:
- Anh vào làm cho công ty chúng tôi bao lâu rồi vậy?
- Dạ, là 2 năm, 4 tháng rồi thưa ông.
Ernie cười giòn:
- Anh nhớ rõ lắm, nhưng không hiểu lúc tôi và anh nói chuyện về vấn đề đình công, anh có còn nhớ hay không?
Long sau một phút ngỡ ngàng trả lời:
- Nhớ chứ! Người Việt chúng tôi luôn, luôn giữ lời mà. Nếu có đình công xảy ra, luật cho phép Union member đi làm thì tôi giữ đúng lời hứa của mình, sẽ đi làm.
Ernie đứng lên bắt tay:
- Mong là như vậy. Tôi cũng không muốn chuyện đình công xảy ra, nhưng mà lần nầy chắc khó tránh rồi. Tôi chỉ mong anh nhớ những gì anh đã hứa.
- Ông an tâm, tôi sẽ làm đúng những gì mình đã hứa.

Buổi thảo luận trước khi bỏ thăm lần nầy vô cùng gây cấn, có 3 sự khác biệt giữa công đoàn và công ty mà khoảng cách còn xa tích mù khơi. Hợp đồng mới bây giờ thời hạn là 3 năm.
Thứ nhất tiền lương công đoàn đòi mỗi năm tăng 50 xu vì vật giá, tiền lời lúc nầy tăng phi mã quá, công ty chỉ chịu tăng có 25 xu mà còn hạ thêm mức lương người mới vào thêm một bậc nữa.
Thứ nhì mỗi một kỳ lương, công ty buộc nhân viên phải trả phụ 10$, tức là mỗi tháng phải trả phụ 40$ cho tiền bảo hiểm sức khoẻ. Union không đồng ý, đòi loại bỏ điều khoản nầy .
Thứ ba tiền Pension trước đây công ty đóng vào quỹ Pension cho công nhân, mỗi giờ là 1$50 xu, bây giờ họ chỉ muốn đóng vào đó 1$10 xu mà thôi.
Ba vấn đề tưởng chừng như là chuyện nhỏ, nhưng khi thảo luận thì đúng là chuyện lớn. Tính kỹ ra thì trong 3 năm tới lương đã không lên mà còn bị sụt mất, vì vậy chuyện đình công không thể tránh khỏi. 
Ban đại diện Union đã chuẩn bị hàng mấy trăm tấm bảng, nào là On Strike, Unfair Labor. We need pension, Health care for us…
Đúng 6 giờ sáng thứ hai khi mà ca đầu tiên bắt đầu, thay vì họ ở trong nhà máy, bây giờ họ tụ tập ngay trước cổng, mỗi người đến ghi tên mình rồi tự động cầm một cái bảng đi lòng vòng trước cửa nhà máy. Cái vòng tròn bằng con người đó gọi là "Picked line". 
Luật Union quy định. Là Union member bất cứ ở địa phương nào cũng không ai được phép đi cắt ngang qua cái vòng tròn làm bằng con người đó, để vào bên trong cả. 
Nói cụ thể hơn khi một siêu thị đang đình công, thì người công nhân của Gallo không được phép cắt ngang cái vòng người đó mà vào bên trong mua đồ. Nếu bị phát hiện thì Union sẽ phạt mỗi lần đi cắt ngang như vậy là 100$, ngược lại Gallo đang đình công thì không một Union member nào khác, có thể đi ngang qua để vào bên trong được, vì thế khi đình công còn có thêm một cách gọi khác nữa là "Lock-out".
Kiên đang hồi họp nghe cũng phải chen vào:
- Vậy khi đình công Gallo chết chắc rồi. Không còn cách nào hoạt động được nữa.
Long cười hì, hì:
- Trên nguyên tắc là vậy, nhưng mà tụi công ty, là dân tư bản tính toán cũng đâu có vừa. Hơn nữa nước mình đang ở là xứ tự do không có cái gì là bắt buộc hoàn toàn cả, cho nên khi mà có tranh chấp đình công, ai không muốn cầm bảng thì phải đi ra khỏi Union, cái đó gọi là Resign Union membership.
Kiên kêu lên:
- Chà, chà, lại có những chuyện như vậy nữa sao. Vậy phải là người vô Union mới biết rõ hết mọi thứ. Kể tiếp đi, để lúc em về Việt Nam, em có chuyện nói phét cho người quen nghe.
Thì trưa thứ hai hôm đó anh và chị dâu em đang nựng con thì ông Bob nhà ta gọi tới. Nghe giọng thất thần của chả anh cũng phải tức cười:
- Tụi nó bắt đầu đình công sáng nay rồi, mầy biết chưa?
Long cười pha trò:
- Làm sao mà tui không biết được? Hôm qua kiểm phiếu chỉ có 1 thăm thuận là của tôi thôi, còn bao nhiêu thăm khác đều “Said No" cả mà.
- Vậy tao tới nhà chở mầy đi vô Union nộp cái giấy Resign membership của mầy ngay bây giờ nghen.
Long la lên:
- Làm gì mà gấp dữ vậy? Phải cho tôi nghỉ 1 ngày cho trọn tình với bạn bè chứ.
Bob la lớn:
- Mầy muốn nghỉ mấy ngày cũng được, nhưng phải nộp cái thư đó cho tao thấy, tao mới tin. Tao bây giờ sẽ tới nhà mầy liền đây. Nói xong anh ta cúp máy không cho Long đôi co thêm tiếng nào nữa.

Long đến trụ sở của Union nộp cái đơn xin Resign membership của mình, anh tổng thư ký cố thuyết phục nhưng chàng ôn tồn nói:
- Con tôi mới sanh hơn tháng, cần tả, cần sữa, rồi tiền nhà, tiền chu cấp cho cha mẹ, anh em ở Việt Nam, vợ tôi thì con còn nhỏ chưa đi làm được, tất cả chỉ trông vào tiền lương ít ỏi đó. Anh nghỉ xem tôi phải xoay sở thế nào khi đi đình công đây?
Daniel (tổng thơ ký lúc đó) thông cảm hoàn cảnh khó khăn của Long nhưng cũng cố vớt vát:
- Tôi mong anh suy nghĩ lại, bây giờ tuy chúng ta có thiệt thòi, nhưng sau đó thì có nhiều quyền lợi hơn.
- Điều đó tôi biết chứ. Nhưng mỗi người có một hoàn cảnh, nhà tôi đang sắp cháy tới nơi mà chờ vài tháng sau thì nó rụi mất rồi còn đâu?
Mới hơn chín giờ sáng hôm sau Bob lại réo nữa:
- Mầy hôm nay đi sớm được không? Nghỉ hết 2 ngày rồi.
Long cười hì hì :
- Mới có 1 ngày hôm qua thôi, bộ anh tính kể luôn ngày chủ nhật sao? Mà vô sớm làm gì? Tôi 6 giờ chiều mới làm mà, bây giờ mới có 9 giờ sáng thôi, vô sớm để ngóng sao?
- Thì mầy cứ nghe tao vô đi. Tới giờ nầy mà cả đám chỉ đứng ngóng thôi, chưa có đứa nào dám mở máy cả. Ai cũng sợ trách nhiệm hết. Mấy Forepersons của tụi nó không có ai chịu resign cả.
Long than thầm "thế nầy thì bỏ bố rồi mình đúng là kẻ phản bội" nhưng mà mọi chuyện đã lỡ rồi, lỡ hứa, lỡ Resign thôi đành cho lỡ luôn chớ biết làm sao mà bồi lại bây giờ. Chàng vội thay đồ đi làm mà không mang cơm theo như mọi ngày. Vừa đến gần Picked-line thì gặp Gino fore-men của kitchen department:
- Mầy làm gì mà hăng hái quá vậy? Hay là sợ ban đêm đứng một mình buồn nên giờ nầy đến đứng chung với tụi tao cho vui chứ gì?
Long gãi đầu xin lỗi, rồi lại đem bài ca con cá hôm qua hát lại cho Gino nghe. Anh ta không thông cảm như Daniel mà còn la lớn:
- Đồ phản bội, đồ hèn nhát, đồ con quạ.
Cả cái Picked-line cũng hùa nhau chửi như tát nước vào mặt, làm cho mấy tay bảo vệ đứng trước cổng phải tới can thiệp và hộ tống chàng vào bên trong. 
Đúng ra Long cũng chỉ muốn làm tròn lời hứa của mình thôi, không có ý định giúp hết mình cho Gallo nhưng những tên mắc gió kia chửi quá làm chàng đổ quạo. Vừa vào nhà máy thì gặp ngay Bob và Ernie đang nói về mình. Long kể sơ về tình hình vừa xảy ra trước cổng. Ernie nói:
- Anh khỏi lo, tôi sẽ mướn xe đến nhà đón anh, làm xong xe đó sẽ đưa anh về tận nhà. Cái quan trọng bây giờ là anh có thể sử dụng tất cả máy móc ở đây không?
- Trên căn bản thì biết hết, nhưng Nick chắc là rành hơn tôi vì anh ta là supervisor ở khu đó.
Ernie như còn đang bực mình vì mấy tay kia chỉ rành về lý thuyết suông, còn làm thì chả biết khỉ gì nên nói:
- Nếu mà anh ta biết rành thì đã hoạt động từ sáng rồi, đâu có chờ tới bây giờ.
Long biết mấy tay kia ai cũng rành việc hết nhưng họ lại sợ trách nhiệm khi mà làm không xong có thể bị Ernie cho về vườn, chỉ có mình là Union member thì không sợ, nên họ dồn trách nhiệm mở máy qua mình. Đúng lý ra đó không phải là phần việc mình phụ trách, nhưng những thằng phải gió kia đã chửi mình thậm tệ cho nên để trúc cơn giận Long vui vẻ nhận lời:
- OK, tôi sẽ làm hết mình còn kết quả ra sao thì không có bảo đảm, ông thấy thế nào?
Ernie như trút đi gánh nặng cười nói:
- Anh cứ làm đi, thành công hay thất bại tôi đều cám ơn anh mà.
Long xem lại công thức trộn thịt lần nữa rồi đem xe Forklif vô nhà lạnh xúc thịt thùng ra. Chàng giải thích chỉ cho hơn 20 nhân công mới chưa từng được huấn luyện qua ngày nào xem. Long khởi động cái máy xắc thịt để cho nó nuốt được 3 khối thịt rồi tắt máy. Quay sang đám người mới Long hỏi:
- Có ai muốn chạy thử không?
Ba, bốn cái miệng nhao nhao lên:
- Tôi, tôi, để tôi làm thử cho.
Long chọn một tay Á Châu đứng gần nói:
- Vậy thì mời bạn thử xem.
Anh ta cũng là người sáng ý nhìn qua là biết làm liền, cứ như vậy từ máy nầy qua máy khác một giờ sau thì đã có hơn 10 người bắt đầu làm việc. Tuy là chưa thành thục lắm nhưng cũng tạm ổn. Ken Supervisor của Slicing department không còn e ngại trách nhiệm nữa nên cũng kéo đi một mớ người mới để huấn luyện. Như vậy coi như nhà máy hoạt động được 15%.
Ernie hỏi:
- Phần anh thì cần cho tối nay mấy người?
- Tối nay, không có sử dụng nhiều máy, tôi chỉ cần 2 người, ngày mai thì thêm 2 người nữa. Chừng nào hoạt động đầy đủ thì mới gọi thêm vào. Nhiều người quá dạy họ không kịp đâu.
Qua tới tuần thứ nhì Gallo hoạt động được hơn 40% nhưng năng xuất rất kém vì toàn là người mới chưa có kinh nghiệm, trở ngại nhất là shipping chỉ có một mình tên supervisor, công đoàn xe vận tải chỉ đem hàng đến ngoài cửa kho chứ không lái vào trong cũng không xuống hàng chất vào kho. Paul Codero năn nỉ Long đi sớm phụ lái Porklift xuống hàng và lên hàng giúp anh ta. Vậy là mỗi ngày phải làm 16 giờ coi như toàn thời gian đều ở trong hãng, mọi ăn uống đều đặt từ ngoài đem vào chỉ có ngủ là về nhà mà thôi. Bước sang tuần thứ 3 thì dân đình công đã có người lâm nợ không chịu nổi nên lác đác vài người ở kitchen department vào làm, nhưng nhiều nhất là slicing department hầu hết những người Tàu đều bỏ cái Picked-line mà trở vô. Gallo đã hoạt động được khoảng 65%. Nhưng các xếp thì đã mỏi mòn không còn sức chịu đựng được nữa. Người cũ vô làm cũng chỉ là làm đủ việc hằng ngày mà thôi chẳng khá hơn người mới bao nhiêu. 
Thật ra nếu cuộc đình công lúc đó kéo dài thêm nữa thì kết quả ra sao chưa ai biết. Nhưng mỗi ngày cái picked-line càng thưa dần cho nên sau 5 tuần đình công hai bên đã thống nhất cho cái hợp đồng mới, và thứ 7 kế lại bỏ thăm lần nữa. 
Lần nầy thì chỉ có 2/3 đi bỏ phiếu, 1/3 kia resign nên mất quyền đi bầu.
Sau 5 tuần thì cuộc đình công kết thúc, Union tuyên bố thắng. Công ty cũng tuyên bố thắng vì 3 điểm cách biệt kia đã được giải quyết như sau: 
- Thứ nhất tiền lương 2 bên gặp nhau tại 35 xu (Union tăng được 10xu nên cho là thắng ,công ty bớt được 15 xu nên cũng nói mình thắng).
- Thứ nhì mỗi tuần công nhân bị trừ đi 5$ cho tiền bảo hiểm sức khỏe.
- Thứ ba tiền pension công ty trả 1$ 40 xu cho mỗi giờ. 
Kiên thắc mắc: 
- Vậy rốt cuộc bên nào thắng?
- Không ai thắng cả, trận đấu đó coi như hòa, chỉ có công nhân thua mà thôi. Nhiều người lâm nợ vì 5 tuần lễ không lương, cũng không thể đi xin tiền thất nghiệp được, nhưng thua đậm nhất vẫn là mấy tay foreperson. Họ từ từ bị các supervisor tìm cách cho xuống chức trở về làm nhân viên thường ráo trọi. 
Chuyện đó công ty làm cũng đúng thôi, đâu có ai muốn tay trái, tay phải của mình đấm vô đầu, vô ngực mình bao giờ?
- Vậy còn anh? Sau lần đó chắc là thằng cha Ernie khoái lắm phải hông?
- Thì cũng vậy thôi, có điều anh ta dụ dỗ bằng cách cho nghỉ xả hơi 1 tuần có lương, rồi tăng thêm 2$ một giờ ngoài hợp đồng vậy thôi.
Kiên hỏi tiếp:
- Vậy còn lần nhì thì sao?
- Trận chiến thứ hai thì dài hơn nhiều. Ba năm sau hai bên đều chuẩn bị kỹ lưởng hơn. Công ty sau hai năm yên bình, thì mỗi department đều mướn vào một phụ tá cho supervisor và cho ra rìa các foreperson đã từng đi cầm bảng. Khi còn cách thời điểm chấm dứt hợp đồng 4 tháng là họ âm thầm mở một văn phòng chuyên thu người mới, họ phỏng vấn, huấn luyện sẵn mấy mươi người để lấp chỗ khi có đình công. Còn Union thì kêu gọi mấy người resign trở vào lại công đoàn, khỏi bị phạt tiền. 
Vì có chuẩn bị kỹ nên lần đình công lần thứ nhì Gallo chẳng hề hấn gì ráo mà vẫn vận hành tốt, tuy sản phẩm xuất xưởng không bằng lúc trước nhưng coi như đạt 70% vì vậy sau 8 tuần đình công thì union coi như đầu hàng, tuy hợp đồng có khá hơn chút ít nhưng bị xem như là thua cháy túi. Còn lần thứ 3 thì thảm hơn nữa, lần nầy tổng công đoàn tài trợ 100 $ cho mỗi tuần lễ đình công, nhưng Ernie với kinh nghiệm của 2 kỳ trước anh ta mướn rất nhiều người Việt vào làm, khi đình công xảy ra, chả có người Việt nào tham gia cả, vì trong 8 deparment đã có 4 người Việt làm foreperson rồi. Xếp Việt không cầm bảng nên nhân viên người Việt chẳng có ngoe nào dám bỏ đi hết. Mỹ trắng, Mỹ đen và Mễ sau gần ba tháng đi rong ngoài trời đã lặng lẽ từ từ trở vô làm, có người bỏ luôn đi tìm việc làm nơi khác...
Từ đó đến nay 2 tiếng đình công, nhân viên Gallo không còn ai nhắc tới nữa...

Lanh Nguyễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét