Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 6

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Sau ngày tiếp thu những cơ sở sản xuất hay những đại lý phân phối các mặt hàng nhu yếu phẩm đều bị chánh quyền mới tịch thu đưa vào quốc doanh.
Chỉ những ông bà chủ lớn mới chịu đòn cho trận đánh đầu tiên nầy, nhưng đổi tiền đợt một mới là trận đánh chí tử cho giới trung lưu.
Hầu hết những ai lấy việc đếm tiền làm niềm vui đều bị nếm mùi đau khổ, dở sống, dở chết. Tiền của bao năm cắt củm đề dành bỗng chốc biến thành những tờ giấy lộn. 
Của cải lâu nay gom góp để dành tự nhiên không cánh mà bay. 
Nhưng những tay cán bộ chủ chốt thì bắt đầu giàu. 
Con đường làm giàu của họ còn dài đăng đẳng nhưng tôi xin nhường cho những người khác kể còn tôi chỉ xin kể hầu các bạn nghe chuyện móc ngoặc của thầy Long mà thôi.
Sau trận đổi tiền dân chúng bắt đầu sợ, rồi đây sẽ có lần thứ hai, thứ 3 nên người ta làm ra được bao nhiêu tiền thì họ tìm mua hàng hóa cần thiết mà tích trữ để dành. 
Vàng là món hàng tăng giá khủng khiếp nhất, rồi thượng vàng hạ cám, bất cứ giống gì giá cả cũng nhảy vọt lên tận chín tầng mây. 
Lạm phát phi mã, mà còn phi theo kiểu ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường chạy hết ga nữa chớ...
Cũng bởi hàng hóa khan hiếm cho nên các cửa hàng thương nghiệp không có nhiều hàng như lúc mới thành lập. Bây giờ chánh quyền dẹp bớt lại mỗi xã chỉ chừa một cửa hàng mà thôi.
Cái phòng học bị lấy làm cửa hàng thì hoàn lại cho cố chủ. 
Các cô giáo thầy giáo được tập trung để học chánh trị chuẩn bị cho ngày tựu trường đầu tiên của thời "phải dóng" tuy nó bị trễ khá lâu rồi...
Long đến cửa hàng định từ giã cô thủ trưởng để khăn gói đi học, cũng như cám ơn sự ưu ái và giúp đỡ của nàng ta trong những ngày qua, nhưng cửa hàng vắng tanh, trống rỗng, rác rưởi ngập đầy còn 2 bóng hồng thì mất dạng tự khi nào...
Một nỗi buồn vu vơ, một sự nuối tiếc dâng trào. Long cảm thấy hình như mình bị mất một thứ gì đó, vô hình không diễn tả được...
Nhưng rồi chàng nhủ thầm "Vậy cũng tốt, khỏi phải nhức đầu khó xử với 2 nàng. Nếu một ngày nào đó mình phải yêu thì không biết người còn lại phải giải quyết thế nào cho ổn"...
Vậy là cái móc để móc thuốc hút, móc cà phê, móc rượu đế nhậu bỗng bị người ta kéo vuột mất...
Chàng thở dài quay trở lại nhà...
(Còn cô Vân không biết sau khi rút về chợ thì được phân công tác nơi đâu giữa thời buổi tranh tối tranh sáng đó)...
Chánh quyền CS phân chia đơn vị hành chánh không biết đường đâu mà rờ. 
Trường Mong Thọ 19 trước đây thuộc quận Kiên Tân nhưng khi bắt đầu đi học chánh trị thì nó lại nằm trong danh sách huyện Châu Thành. 
Nơi quy tụ để cho các giáo viên huyện Châu Thành học tập, được tổ chức tại chợ Minh Lương. 
Trong mấy trăm cô thầy từ tiểu học cho tới trung học thì Long hầu như không quen biết ai ngoại trừ những người dạy tại trường Mong Thọ và vài người bạn chung khóa...
Thiệt là tình. Không biết các đồng nghiệp lúc đó đi học chánh trị cảm thấy thể nào chứ riêng đối với Long thì đúng là một đại cực hình. Ngoài việc hai cái lỗ tai bị tra tấn đến phát nổ tung, nó còn làm cho nhức cái đầu. Đôi khi còn bị hoang mang giao động không biết từ trước tới giờ mình học lịch sử có đúng hay không mà bây giờ mọi chuyện đều bị đảo lộn tùng phèo. 
Nhưng cái khổ nhất đó là buồn ngủ. 
Phải công nhận mấy tay cán bộ rất giỏi, giỏi hết chỗ chê. Không biết họ nói cái giống gì, mà khi mở miệng ra thì không thể nào "xì tốp" lại. "Chín chị, mười em" cứ tuôn tràn ra như là ống cống bị bể nước, nó tự do chảy, chảy mãi không ngừng. 
Các học viên dù có muốn nghe hay không cũng phải banh cái lỗ tai ra để cho nó chui vào, rồi lại phải kéo lỗ tai bên kia để cho nó chạy ra, nếu không muốn cho cái đầu mình bị nổ tung. 
Còn hai con mắt thì ối thôi, có ai đó treo hai cục chì vào, lúc nào cũng trĩu xuống chực chờ đưa người ta đi vào giấc ngủ. 
Nhưng mà đố ai dám ngủ.
Cán bộ giảng bài hay tận mạng, anh chị giáo viên không chịu tiếp thu mà lo ngủ thì chỉ có 2 con đường đi, nhẹ thì về nhà đuổi gà, nặng hơn thì ôm gói theo các sĩ quan xuống kinh làng thứ bảy trồng tràm. Cho nên trong túi áo lúc nào Long cũng thủ chai dầu "Nhị Thiên Đường" (thời đó chưa có dầu gió nước xanh hiệu con ó bay) để làm bửu bối hầu đánh tan 2 cái cục chì quái ác trên đôi mắt của mình...
Mỗi buổi sáng Long thức dậy thật sớm để ăn vội vài miếng cơm chiên do mẹ mình làm sẵn rồi bà đưa chàng sang sông để đi học. 
Ngày nào thằng Nghiệp cũng đợi trước cửa nhà chú Sáu Phát nơi chàng gởi xe để đi ké.
Nghiệp khóa 10 quê ở chợ Trà Vinh. Nó có nghề tay trái là sửa đồ điện như radio, ti-vi. Nhưng cái chợ Mong Thọ lúc đó chưa đầy 20 nhà có máy truyền hình trong nhà, mà các băng tần phát sóng lúc đó cũng chả có gì để xem nên dân chúng không mở ti-vi cũng như radio vì thế mà nó thất nghiệp dài dài. Không ai xài máy thì làm sao mà có máy hư để cho nó sửa.
Chưa tới 7 giờ sáng là Long đã đến cửa hàng xăng dầu của cô Thủy để nhận xăng. Lúc chưa đổi tiền thì nàng luồn ra ngoài mỗi ngày 20 lít, đổi tiền xong số lượng bán ra rất hạn chế nên mức hao hụt cũng ít hơn, vì vậy nàng chỉ dám trao cho Long mỗi ngày 10 lít xăng mà thôi.
Giá xăng từ cửa hàng bán ra cũng quy định cao hơn trước quá nhiều. Tiền. Khi mới nghe qua thì giá rất là rẻ, chỉ chưa đầy một đồng lít, nhưng nếu so với trước thì nó mắc gấp 4 lần. 
Thiệt là lột da con người ta mà.
Đem xăng đến nhà cô Hoa rồi trở lại Minh Lương thì đã gần 8 giờ sáng, vừa đúng lúc để đút cái đầu vô chịu hình phạt.
Buổi trưa được nghỉ 2 tiếng đồng hồ để cán bộ đi ăn rồi ngủ trưa cho "phẻ". 
Các học viên cũng đi kiếm một chút gì nhét vô bụng để có sức mà chịu đựng thêm cho hết buổi chiều.
Đến 5 giờ chiều thì được xả cảng như vậy coi như đã qua được một ngày bị tra tấn. 
Long chạy vội ra chợ ghé nhà cô Hoa, lấy cái can không đem trở về trạm xăng dầu giao lại cho Thủy. Mỗi ngày nàng chia cho được $2, tuy không đủ cho 2 thằng ăn cơm trưa...Nhưng được như vậy là quá hên rồi. 
Học chưa hết khóa thì một buổi chiều thứ 7 cô Thủy buồn buồn nói:
- Ngày mai anh không đi học, ở không chở em ra Rạch Giá dùm được hông?
- Cô muốn mấy giờ đi?
- Chừng 10 giờ đi, anh xuống đây chở em nghen.
Sáng mùa thu trời bỗng âm u như chuyển mưa, gió thổi từng cơn làm Long rùng mình. Xe dừng trước trạm xăng, cô Thủy hôm nay diện áo bà ba trắng quần lảnh đen tay cầm chiếc nón lá mới. Long lên tiếng:
- Đi xe honda mà cầm theo nón lá, cô coi chừng sơ ý, gió nó giật cô rớt xuống đường à nghen.
- Nhưng mà trời đang chuyển mưa, rủi mưa thiệt ướt mình hết rồi làm sao?
- Mưa nhỏ cô ngồi sau tôi đâu có bị ướt, còn mưa lớn thì ghé mấy quán cà phê dọc đường hay nhà người ta mà đụt nhờ...

Từ trạm xăng ra Rạch Giá, khúc đường đó cả tháng nay mỗi ngày chàng đều đi đi về về, ngày nào cũng vậy, Long cảm thấy nó xa lắc xa lơ thế mà hôm nay có người ngồi sau lưng với vòng tay êm ái ôm ngang eo ếch, bỗng dưng anh thấy nó thiệt là gần, chạy mới có một tí thì đã tới cổng tam quan rồi. 
- Cô muốn tới chỗ nào nói cho tôi biết để tôi đưa cô tới.
- Anh biết ủy ban phường Vĩnh Hiệp nằm chỗ nào hông dzị?
Phường Vĩnh Hiệp. Ở chợ Rạch Giá, thật ra lúc đó Long cũng đâu có biết nó nằm nơi mô. Chàng chỉ biết những con đường chính trong chợ mà thôi, đôi khi chạy hoài trên một con đường nào đó mà không hề nhìn xem nó tên gì, chỉ biết khúc nào, chỗ nào có cái gì đặc biệt để nhớ mà thôi, còn phường Vĩnh Hiệp trời ơi, cái tên lạ hoắc, cho nên chàng lắc đầu trả lời:
- Phường Vĩnh Hiệp à. Mới nghe cô nói thôi, nhưng mà muốn biết thì cũng dễ, tôi ghé nhà mấy người bạn hỏi thì biết liền chứ gì. Mà cô qua đó chi dzậy?
Thủy không trả lời mà hỏi sang chuyện khác:
- Dzậy chắc là anh biết mấy cái quán ăn ngon phải hông?
Long cười giòn:
- Cô hỏi lộn người rồi. Tôi thiệt tình không biết quán nào ngon hết. Mỗi lần ra chợ gặp quán nào thì tấp đại vô ăn thôi, thường là ghé mấy cái quán dưới mé sông gần cầu đúc, còn hôm nào nổi hứng thì ghé tiệm cơm Hưng Phát mấy nơi đó có chỗ đậu xe, ít khi tôi vô nhà lồng chợ ăn lắm...

Quán Đào Ký gần đầu cầu đúc có mấy cái bàn phía ngoài có thể nhìn xuống mé sông mà xem những dề lục bình trôi ra biển, cũng thơ mộng lắm.
Bên kia cầu những chiếc tàu đánh cá còn thả neo chưa ra khơi. 
Hôm đó trời chuyển mà không mưa nên không khí mát mẻ, đúng là thời tiết lý tưởng để rong xe gắn máy trên đường phố.
Hai dĩa cơm mực xào được đem ra khói còn bốc lên nghi ngút thơm nồng làm Long nuốt nước bọt...
Giờ ăn trưa mà quán cũng hơi vắng khách, vài cái bàn gần mé sông với những chiếc áo vàng vừa ăn vừa cười nói um trời, bên trong cũng có mấy cái nón cối ôm xồm không kém, tuyệt nhiên không thấy một chiếc áo thường dân nào ngoài Long và Thủy ra.
Với cái không khí lạ lùng đó đã làm cho dĩa cơm hấp dẫn bổng chốc biến thành nhạt nhẽo vô vị. Hai người nuốt vội rồi ra đi.
- Để tôi tới nhà người bạn hỏi đường rồi đưa cô qua đó nghen.
Cô Thủy lắc đầu:
- Không cần đâu, em sẽ tới thẳng nhà chú em rồi nhờ họ dẫn lại cho tiện. Còn bây giờ anh chở em một vòng chợ chơi cho biết rồi tìm quán cà phê hay quán kem nào đó để uống cà phê, em sẽ cho anh biết một chuyện đặc biệt...
Chiếc honda 68 từ từ luồn lách qua hết những con đường trong thị xã. Long chở Thủy qua sở học chánh giới thiệu nơi mà trước đó mình đến nhận lương hàng tháng, xuống dinh cựu tỉnh trưởng, qua toà án, sân vận động đến đền thờ cụ Nguyễn đốt một nén nhan, cũng như cho nàng tham quan trường trung học nổi tiếng của tỉnh nhà...
Long định ghé vào một quán cà phê trên đường vô trường nhưng thủy chê:
- Quán nầy không đẹp bằng quán Cây Trâm ở Rạch Sỏi đâu, hay là mình về quán Cây Trâm đi anh.
Quán Cây Trâm vẫn vắng khách vì học sinh chưa trở lại trường. 
Tiếng nhạc điếc tai lúc trước chắc không ai muốn nghe nên cô chủ đã dẹp đi.
Một không gian yên tỉnh, buồn bả. Hai người đến ngồi lại cái bàn mà tháng trước đã ngồi để bàn chuyện móc ngoặc bán xăng. Hai ly cà phê đá được mang ra, vị đắng của cà phê cũng như vị đắng của cuộc đời trôi chầm chậm, từ từ vào thực quản. Long lên tiếng hỏi:
- Lúc nãy cô nói có chuyện đặc biệt muốn kể tôi nghe mà là chuyện gì dzậy? Có phải cô sắp lên chức trưởng ty năng lượng đặc trách phân phối xăng dầu cho toàn tỉnh không?
Một câu nịnh nọt không đúng thời điểm nó sẽ biến thành vô duyên tệ...
Thủy nhìn Long như trách móc:
- Có được lên chức như anh nói hay không thì em không biết. Nhưng bắt đầu ngày mai em bị chuyển công tác về phường rồi mà phụ trách việc gì chú em cũng chưa cho biết nữa.
Long giật thót mình tim nhói đau, chàng không biết nên chúc mừng thế nào hay chỉ lặng thinh trước sự mất mát của mình. Không biết cha nhạc sĩ nào đã đặt ra bài hát:
Tình là tình nhiều khi không mà có...
Tình là tình nhiều lúc có như không...
Nhưng rồi chàng cũng cố an ủi Thủy:
- Cô được điều về thị xã chắc là chú cô tìm cho cô chỗ nào ngon hơn chỗ nầy rồi đó.
Thủy cười:
- Không có chỗ nào ngon hơn chỗ em đang làm đâu anh. Tại hồi trước em nhát nên sợ thôi, hổng dám giao cho anh bán ra ngoài nhiều, em chỉ bán xăng dư nên đâu có kiếm được bao nhiêu tiền. Tới chừng em biết chuyện móc ngoặc ai cũng có làm hết thì em bị chuyển công tác rồi uổng ghê.
Ngưng một chút cho sự tiếc rẻ đi qua Thủy tiếp tục:
- Anh biết hông chị em coi cái cửa hàng ở ấp có chút tí mà hổm rày còn kiếm được 2 ngàn về đưa cho má, còn em coi cây xăng lớn hết cở mà chỉ kiếm đủ xài thiệt là dở hổng còn chỗ chê...
Vậy là cái móc còn lại cũng bị vuột luôn, nhưng buồn cười nhất vẫn là từ hơn tháng nay Long cứ tưởng cô nàng để ý thích mình nên lúc nào cũng dè dặt với cả chị lẫn em, thiệt đúng là dở khóc dở cười...
Long lơ đãng nhìn qua khoảng đất trống kế bên, thằng bé chăn trâu đang hát bài như có bác Hồ. Nó không hát lời nguyên thủy mà hát lời của nhạc sĩ vô danh nào đó đã cải biên:

Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng 
Đời chúng con giờ cay đắng vô vàng 
Khổ chết bà mà lại chẳng dám than 
Ai hé miệng, đi kinh làng thứ bảy 
Làm công an thì thiệt là hết xẩy 
Muốn bắt ai thì cứ đẩy lên xe 
Người có tiền thì chuẩn bị đóng ghe 
Chờ thuận tiện thì hè nhau mà trốn...

(Còn tiếp... mời đón xem kỳ 7)


Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét