Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Tản Mạn Ngày Thường

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng


Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng
Những dòng tín liệu màu trắng, xanh, vàng, tím chạy không ngừng trên màn hình xanh đậm, quen thuộc và nhàm chán. Tôi nhìn như không nhìn và nhìn cũng như không thấy! Một ngày bắt đầu và chấm dứt như nhau. Đó chỉ là hiện thực. Một thứ hiện thực xuôi vào quá khứ trong từng sát-na (ksana) hay một đơn vị thời gian của tin học ngày nay nanosecond (nsec – một phần tỉ của giây)! Tôi chợt nhớ hình ảnh của vị thiền sư đối mặt vách núi, nhìn vào sâu thẳm của tâm thức để “ngộ” được cảnh giới của cõi niết bàn. Khác với hình ảnh cao đẹp đó, tôi đối mặt với những tín liệu, con số vô hồn đó để có được đời sống đầy hệ lụy, hữu hạn và vô thường. Một hệ lụy mà con người cưu mang, không muốn từ bỏ, trong đó có cả tôi! Phải “diệt” quá nhiều để được cái “không”, thôi thà cứ “lụy” tất cả để được cái “có”, có còn hơn không! Một dãy tín liệu màu tím chạy dài, chuyển sang màu đỏ và dần dần chuyển sang màu vàng. Tôi bất chợt trở về thực tại, chăm chú hơn. Vài giây sau, dòng tín liệu màu vàng chuyển dần sang màu xanh xen kẻ với những dòng chữ màu xám nhạt. Tôi thở nhẹ, buông thả. Tím: nhận được sai xót – Đỏ: kiểm chứng và xác nhận – Vàng: phân tích, so sánh và nhận dạng vị trí sai xót – Xanh: tự sửa sai, tái kiểm chứng và gửi đi. Sự chuyển động màu sắc của những dòng tín liệu trong vài giây là cả một thời gian dài miệt mài, nghiên cứu, thử nghiệm và cuối cùng là tóm đọng với vài trăm dòng thiết bị của thiết kế phần mềm. Nhận, phân tích và tự sửa chữa những lỗi sai của tín liệu chuyển tải, kể cả chú thích phần sai sót tìm thấy trong thời gian không quá 10 giây! Điều đáng tiếc là, tôi đã viết phần mềm để định vị những sai sót, kiểm chứng, phân tích và tự sửa lỗi cho cả hệ thống kiểm soát bộ nhớ thông minh. Vậy mà, tôi không viết được phần mềm nầy cho chính bản thân mình. Những sai sót, lầm lỗi chứa đầy cả bộ nhớ của mình, đã gần cuối đời, tôi vẫn chưa tự sửa chữa được. Có lẽ một phần do sự ích kỷ và phần lớn khác là sự hèn yếu của mình. Đôi khi tôi tự bào chữa: “nếu chẳng phải đi xa/nói chi buồn viễn xứ/nếu chẳng sống thiết tha/đời có gì hệ lụy”!
Cuộc sống hiện đại đang chuyển hàng trăm, hàng ngàn, ngàn triệu thông tin dữ liệu cho chúng ta chỉ bằng một cái “nhấp chuột”, phải không các bạn? Con người chỉ muốn nhận hưởng và phàn nàn cho sự nhanh chậm, bao nhiêu phần đúng phần sai, xa gần, sử dụng được hay phải bỏ lướt qua..v..v..  . Thật có mấy khi, ai đó dừng lại, tự hỏi: đã có bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu con người, bao nhiêu thiết bị để bạn nhận hưởng hảng ngàn, triệu thông tin đó trong dòng vài giây? Cuộc sống, theo tôi cũng không khác hơn. Chúng ta chừng như qúa dễ nhận hưởng, phàn nàn hoặc oán trách hiện tại. Nhưng có đôi lúc chúng ta tự hỏi, đã có bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu con người, bao nhiêu hy sinh cống hiến,... để mình có được hiện tại để tận hưởng, để phàn nàn và oán trách! Tất nhiên, tất cả những điều đó đang dần đi vào quá khứ trong mỗi sát-na.    

Hai “tiểu chủ” của tôi (bà xã và con gái) thường nói, “nghĩ lung tung nhiều quá nên sống mà không đi chạm mặt đất”. Nên “nhiều” thỉnh thoảng, cả hai phải kéo đôi chân tôi đi chạm đời thường. Một thời gian dài, có chừng đến 10 năm, tôi không viết hoặc tham dự vào sinh họat chữ nghĩa nữa. Tôi dành nhiều thời gian để chu du đây đó ta bà. Một phần do công việc, một phần thỏa mãn chân rong. Càng đi tôi thấy mình càng muốn về. Về với mệm giường quen mùi, về với hiên thềm cũ thân, về với tô canh cải đắng và về với mọi thói quen đời rêu phong. Nếu đi để thấy thế giới quanh ta bao la biển rộng. Thì về để hiểu sâu thêm mọi kỷ niệm vời vợi, không cùng. Để một lần, trong chỗ làm, tôi tình cờ rong ruỗi qua trang nhà của blog Trung Học Kiên Thành. Những hình ảnh, bài viết mộc mạc, ngây thơ... của những ngày xưa học trò “sân trường, bảng lớp”, cho dù thời gian đã quá nửa đời người. Tuy không nhiều, nhưng các bạn tham gia với đầy tình cảm trân trọng và đam mê. Thế là những kỷ niệm một thời lại ồ ạt gọi về. Ngôi trường nhỏ nhắn nằm im lặng, khiêm nhường với bạch đàn dọc theo con đường vào sân trường. Những lớp học thấp, bàn ghế thô sơ với những ánh mắt trong sáng, thơ ngây nhuốm chút bâng khuâng của tuổi học trò. Tuổi của mộng mơ, của hoài nghi, của ước vọng và có cả chút nổi loạn. Thời kỳ của những đổi thay khốc liệt nhất của xã hội, con người và đất nước. Đời sống pha trộn tất cả bao nghịch lý, mâu thuẩn, mất mát đến tàn nhẩn... Tất cả cũng trở thành kỷ niệm. Kỷ niệm của bến đò chiều qua An Hòa, chợ Giữa. Kỷ niệm của ngõ rẽ về kinh Cụt ngày mưa. Kỷ niệm của Tắc Cậu, Tà Niên bữa cơm chiều đạm bạc chỉ với món khóm xào hành nước mắm. Với đường vào Mong Thọ, vườn nối vườn cây trái dọc bờ nương. Với Gò Quao, với hun hút những xã, làng của huyện Giồng Riềng trong những ngày thầy trò tham gia công tác “diệt dốt” ở huyện Giồng Riềng. Với Vàm Răng, ăn bờ ngủ bụi, những bàn tay lấm đất có một lần mong ngăn nước mặn không vào bờ đất, ruộng đồng. Hay một buổi chiều lộng gió ở Xẻo Rô, bên tô canh chua bông Điên-điển đầu cá lóc và niêu cá linh kho mặn. Những chén cơm đầy, một đời không quên. Nhiều và rất nhiều kỷ niệm mà đã hơn 30 năm tôi cất giữ trong ngăn đời cơm áo. Tôi muốn nhân dịp nầy ghi lại ít nhiều trên trang blog THKT. Tôi ghi lại bằng những bài thơ với nhiều cảm xúc và viết thật dễ dàng. Thấm thóat cũng đã hai năm. Tôi đọc và trân trọng các bài viết của các bạn đóng góp, bằng cảm xúc và thời gian đáng quý của nhau. Bên cạnh Kim Ba, Kim Hương, Thanh Hà, Thụy Vũ, Trần Phiêu, Ngày Xưa Hoàng Thị,.. . là một Âu Thị Phục An với mhiều âm điệu mới, hình tượng sáng tạo và xúc tích; một Lanh Nguyễn viết rất nhiều, mạnh dạn tạo cho blog THKT sinh họat sắc màu của chữ nghĩa và kỷ niệm. Gần đây lại thêm vài tiếng hát, thường xuyên và lảnh lót nhất là Nhạn Hồng Rạch Giá, “tiếng hát mãi xanh” Kim Trúc Phùng. Tôi thích chất giọng mộc, chân  phương,  chông chênh nhưng ầy xúc cảm của bạn. Những bài hát của Kim Trúc làm cho “một ngày như mọi ngày” của tôi trong căn phòng thí nghiệm điện tóan nầy nhiều ý nghĩa, lâng lâng và trôi qua nhanh hơn. Đời cơm áo gạo tiền đã là khó, nhưng “nghề chơi” lại khó nhọc cũng không vừa. Nghề chơi cũng lắm công phu, phải không các bạn? Đó là chưa kể, ông “chủ nhà” Hoa Trần phải mài mò sớm hôm gà gáy (5 – 6 giờ sáng) để đưa bài cùng minh họa lên trang blog. Nếu không có được niềm vui, niềm đam mê thì khó lòng mà đeo đuổi trò chơi chữ nghĩa, văn nghệ nầy. 

Tất cả như đang quay lại, đang trở về. Như hầu hết các kênh truyền hình trong nước hiện nay, phát động, cổ vũ rầm rộ phong trào nhạc tình, thể điệu boléro. Thể điệu của một thời bị lên án: nhạc ủy mị, đồi trụy và phản động. Cứ thử tưởng tượng vào những năm 1976 - 1980, các bạn đi ngang đồn công an Rạch Sỏi cất giọng ngân nga, “con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê. Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe, chuyện tình ta đã ghi...” (Con Đường Xưa Em Đi - Châu Ky & Hồ Đình Phương).  Chắc chắn là “đồng chí” ba Th. sẽ mời bạn vào đồn công an để tâm sự. Bây giờ đâu đó (nếu còn sống), cả nhà ba Th. hằng đêm hẳn quay quần bên chiếc truyền hình LED hiện đại, thưởng thức chương trình: Tình Boléro, Solo Cùng Boléro, Thần Tượng Boléro, gì gì đó boléro.. . Nhắm không chừng anh ba còn rưng rưng nước mắt xúc động khi nghe ca sĩ Lệ Quyên hát Tình Lỡ (nhạc sĩ Thanh Bình) hay Nguyễn Thị Thúy Huyền hát bài Ai Cho Tôi Tình Yêu  của nhạc sĩ Trúc Phương. Bên cạnh những “đồi trụy”, “phản động” ngày nào đang trở thành cao trào âm nhạc hái ra tiền của cả nước. Chúng ta khó lòmg để không thấy được sự nghèo nàn, tha hóa của nền văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng của đất nươc sau hơn 40 năm xây dựng. Tính quần chúng, nhân bản được nhắc đến và ca ngợi qua những bản nhạc boléro trong thập niên 1960 – 1970 trên các kênh truyền hình từ bắc chí nam. Đây cũng là thời kỳ mà cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Tính trữ tình và nhân bản bàng bạc trong mỗi lời ca, ý nhạc.  Mong rắng đây không chỉ là một hiện tượng, một thứ “trăm hoa đua nở” của thuở nào. 
   
Thời gian đang xuôi một dòng không trở lại. Khi bạn đọc đến đây thì tất cả những dòng chữ trên đã trở thành quá khứ. Hy vọng dòng quá khứ đó mang lại ít nhiều kỷ niệm với bạn và tôi... Những dãy tín liệu màu xanh và xám chạy không ngừng trên màn hình nhỏ. Mọi sự kiện chừng như ổn định hơn. Con số đồng hồ cuối góc đã báo hơn sáu giờ chiều. Tôi thu dọn để rời chỗ làm. Ngày đang lùi dần vào đêm nơi nầy, lại là bình minh nơi quê hương tôi bên kia biển rộng. Ý niệm thời gian trở thành sự chuyển vận của trái đất và hệ mặt trời. Chúc bạn một cuối ngày bình yên. Chúc bạn một ngày mới tươi đẹp!


Nguyễn Ngọc Hoàng  

6 nhận xét:

  1. Chuyển lời của Thanh Hà (Switzerland):

    "Thầy viết về cảm nghĩ riêng nhưng gần như Thầy nói dùm cho rất nhiều người khác — trong đó có Thanh Hà — . Là một người nhìn "ly nước còn đầy một nửa" đồng thời cũng mang nặng hoài cổ tính, TH luôn quan niệm "không có Quá Khứ thì không có Hiện Tại , và không có Hiện Tại thì không thể có Tương Lai vậy ".
    Cám ơn Thầy đã đọc các bài viết trên THKT , mà trong số đó có TH được Thầy nhắc )): . Chúc Thầy và gia quyến sống trọn vẹn trong từng sát na hiện tại . Thân kính . TH "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu “cám ơn” TH đã đồng cảm với tôi qua bài viết thì thật sáo rỗng! Mong sẽ cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc trong những bài viết của TH trong những ngày phía trước... NNH

      Xóa
  2. Kim Trúc Ca Nước Đá xin chân thành cám ơn thầy NNH, bài viết hay ghê thầy ơi, thực ra cuộc sống đôi khi đúng là như thầy viết " Một ngày như mọi ngày ", nên chỉ xin được đóng góp chút gì đó như bao nhiều người đã làm trong trang blog THKT, cũng tiện đây KT xin cám ơn HT Blogthkt RachSoi đã chịu thương chịu khó tạo điều kiện cho thầy trò , bạn bè xa gần được xích lại gần nhau, được bày tỏ tâm tình, hay nhắc lại bao kỷ niệm vui buồn tuổi học trò, đó là một việc làm hay tốt và lợi ích cho mọi người, đáng được khen ngợi và ngưỡng mộ nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sáng đầu tuần nghe Kim Trúc đưa tôi về “Vùng Lá Me Bay”, sao mà thương nhớ.. . bâng quơ!:-)) Của một thuở, về một người hay cũng chỉ là tiếc nhớ xa xăm một nơi chốn đã qua và đã... NNH

      Xóa
  3. Thầy ơi!
    Cho em gọi lại tiếng thầy
    Một thời ngổ ngáo đậm đầy phiêu lưu!
    Bốn mươi năm ấy cho dù
    Đổi thay cách trở phù du mấy màu
    Giọng thầy trầm ấm ngọt ngào
    Đưa em về bến mơ ngào ngạt hương
    Dù cho cách biệt muôn phương
    Thầy ơi,
    kỷ niệm học đường không phai!
    (Xin được lặp lại lời chúc của anh TH: Chúc Thầy và gia quyến sống trọn vẹn trong từng sát na hiện tại. Em LHD.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã cố gắng, nhưng vẫn không kếm chế được niềm xúc động khi đọc những dòng thơ trên. Lý Hữu Di thân mến, mọi ngôn ngữ đôi khi bất lực, như một lớp áo phù du tạm bợ bên ngoài. Mong rằng Di cũng sẽ cảm nhận được những xúc cảm hiện nay của tôi. Thấm thóat đã 40 năm lặng lẽ trôi, mà cứ như hôm qua. Tuổi true của các em, của tôi như cuốn hút vào cơn lốc của thời đại, của lịch sử. Tôi và bà xã đã xúc động vô cùng khi nghe tiếng hát của Di trong “Tình Anh Bán Chiếu”.. . Mong sẽ giữ mãi cảm xúc và liên lạc nầy trong những ngày tới! NNH

      Xóa