Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Phấn Trắng Bụi Mờ

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng

1. Ký Ức

Tôi về nhận “nhiệm sở”, dạy môn Văn vào khoảng giữa học kỳ năm 1976. Thời gian nầy, trường vừa mới chuyển về cơ sở của trường cấp 1 vài ba tháng. Thầy cô giáo và học sinh vẫn còn tiếp tục sắp xếp phòng học, văn phòng, thư viện và thích nghi với môi trường mới. Thật khó mà diễn tả tâm trạng của tôi trong buổi giới thiệu, gặp gỡ đầu tiên với thầy cô và học sinh của mình. Có chút gì đó băn khoăn, nghi ngại xen lẫn với niềm hân hoan của một thầy giáo trẻ. Giai đoạn chuyển thể, đầy tính “bi-kịch-lịch-sử” của một nền giáo dục mới, học đường mới. Ngôi trường nhỏ, khiêm tốn của tôi cũng ngập đầy không khí sinh họat chính trị. Chính trị xâm nhập vào mỗi tiết học, mọi bộ môn giảng dạy. Sinh hoạt đoàn thể trong học sinh, thầy cô giáo; và hơn thế nữa, sinh họat đoàn thể chung cho cả học sinh và thầy cô giảng dạy của toàn trường. Sinh họat đoàn thể chính trị giữa kiểu nầy đã tạo ra nhiều cảnh “dở khóc dở cười” đầy chua xót.
Sau vài năm, tôi quen thuộc từng khung cửa sổ của mỗi lớp học; những viên gạch thụng nghiêng, sứt mẻ; hay cả những chỗ dột của vài phòng học khi trời đổ mưa dầm. Ngôi trường gồm ba dãy nhà trệt, quay ra phía mặt đường. Dãy giữa dài, gồm sáu phòng học và một phòng cuối làm thư viện, thiết bị. Nối theo đầu nầy, là dãy nhà bốn phòng tập thể cho thầy cô giáo ở  xa. Đối diện phía bên kia là một dãy ba phòng học với nền cao hơn. Phía cuối chừng như là một phòng học dự định xây bỏ dở, chỉ xong phần nền. Chính giữa ba dãy phòng là sân trường, nửa nền xi-măng và nửa nền đất là phần sân cho giờ thể dục của thầy Oanh! Buổi chiều lại biến thành sân bóng chuyền cho cả học sinh và các thầy “thi đấu”. Nối theo phần sân xi-măng là con đường với hai hàng bạch đàn, qua cổng trường dẫn đến con lộ chính. Hai bên phía sau cổng trường, một bên là chái để đậu xe, một bên là văn phòng họp hội đồng và phía sau là bếp ăn tập thể. Con đường “thơ mộng” thêm lên, với hai công trình đào ao của” lực lượng” học sinh và thầy cô cả trường. Trong một thời gian ngắn, bên góc ao đã thắm đầy hoa Súng màu hồng tím thật đẹp. Đối diện trường, bên kia con lộ là vài quán nước nhỏ - chủ yếu bán cho học trò và thầy cô của trường Một trong quán nước đó, có quán cà-phê nhà dì Năm, tôi biết tên qua lời chuyền tai của học trò. Nơi chứng kiến, là nhân chứng biết bao vật đổi sao dời của ngôi trường cấp 3 bé nhò của tôi. 
Buổi chiều trời hanh nắng. Từng cơn gió hắt hiu thổi qua dãy hàng lang trống trải. Ngôi trường nhỏ, nằm khuất phía sau hai hàng bạch đàn càng khiêm tốn, lặng yên. Vài tiếng chim Cu đất gáy xa xa, vọng lại. Tôi xếp vội sấp bài đang chấm dở, định bước ra khỏi lớp học nhưng chần chừ, lại thôi. Vạt nắng chiều xuyên cửa sổ, nằm vắt dọc theo dãy bàn ghế trống phía dưới. Mùi rạ khô sau mùa gặt từ những thửa ruộng bên hông trường, như loang tỏa khắp căn phòng. Tôi muốn ngồi lại, tận hưởng khoảnh khắc tĩnh lặng nầy…... Từng dãy bàn ghế trống không, lặng lẽ phía dưới. Chừng như chúng cũng mang một đời sống riêng; chừng như chúng cũng có một linh hồn. Những buổi chiều như hôm nay, tấm bảng gỗ đen, dãy bàn ghế chợt như thì thầm với tôi, một câu chuyện kể. 

2. Người Thầy Giáo Cũ

Hôm đó, sau tiết dạy lớp 12C, vài học trò nhắn có người muốn gặp mặt tôi ngoài quán nước dì Năm. Hỏi ra mới biết cũng là một thầy giáo đã từng dạy trường Kiên Thành trước kia, nay đổi thành cấp 3 Rạch Sỏi. Người thầy giáo “cũ” đó tên là Phương. (Đến nay tôi không còn nhớ họ tên đầy đũ của thầy. Chỉ nhớ học trò gọi là thầy Phương, dạy lý hóa). Tôi đã nghe các thầy cô trong trường và học trò nhắc nhở nhiều về thầy Phương với những tình cảm trân trọng. Khi tôi về trường, thì thầy Phương đã xin nghỉ dạy? Câu chuyện chung quanh thầy Phương, khiến tôi rất quan tâm và tò mò. Đặc biệt là học trò thường nhắc nhở và thăm viếng sau khi thầy Phương không còn dạy nữa. Muốn gặp mặt chắc là đám học trò đã “tán hưu tán nai” về ông thầy giáo mới về trường, lại dạy môn văn “hổng giống ai” trong thời buổi này. Cũng may mà không bị ty giáo dục cho “nghỉ” việc và chỉ bị anh ba Thái (trưởng đồn công an Rạch Sỏi lúc đó) bắt giữ vài lần về tội “để tóc dài” và tư cách “tiểu tư sản”! 
Việc xin nghỉ dạy của thầy Phương được thầy cô và học trò chuyền nhau kể lại. Nghe câu chuyện tôi rất xúc động và cũng mong được một lần gặp mặt. Chừng như trong thời gian dạy học, thầy Phương phát giác minh có triệu chừng bệnh phong. Để phòng ngừa và chữa trị, thầy Phương cất một căn nhà nhỏ ở tách riêng với gia đình và làm đơn xin nghỉ dạy. Tôi có hỏi thăm các thầy cô, nhưng cũng không biết thêm gì nhiều. Chỉ biết thầy Phương tính tình nề nếp, gương mẫu, rất gần gũi và được học trò quý mến. Cũng có vài dư luận cho rằng, bệnh phong chỉ là cớ để thầy Phương xin nghỉ dạy vì không chấp nhận chương trình giảng dạy của nhà trường trong xã hội mới. Nhưng dù lý do nào, thầy cũng thể hiện sĩ khí của một kẻ sĩ trước những biến động thời cuộc... Ra gặp thầy Phương, ngoài tôi còn có một số học trò đã từng học với thầy và đang học với tôi. Dáng người chắc, da ngâm nắng, khuôn mặt hơi khắc khổ và có nụ cười tươi, gần gũi, thầy Phương hơn tôi chừng 3, 4 tuổi (?). Tôi tự giới thiệu và thân mật đưa tay ra bắt tay anh. Chút ngần ngại, anh chào tôi và mời ngồi nhưng không chịu bắt tay. Cũng không để thầy Phương khó xử, tôi vui vẻ  ngồi xuống bàn và xin được gọi thầy Phương bằng anh. Sau vài phút xã giao ban đầu, không khí và câu chuyện chúng tôi cởi mở hơn. Qua chuyện trò và quan sát gần, tôi không thấy dấu hiệu gì ở thầy những triệu chứng bệnh phong. Trong ánh mắt, tôi nhìn thấy nhiều nuối tiếc và niềm đam mê vẫn còn đó của anh Phương dành cho trường lớp. Bên ly cà phê nóng của quán dì Năm, câu chuyện thầy trò chúng tôi không chừng, không dứt. Khác với cái bất cần, lãng đãng “công tử bột” của tôi, cái bất cần mang nhiều tính hảo hán “Lương Sơn Bạc” của anh khiến người đối diện có nhiều ấn tượng. Giọng nói chậm, rõ chữ và đặc sệt “miệt dưới” anh gây rất nhiều cảm tình cho tôi, Bắt đầu từ trường lớp, đến thời cuộc, xã hội, rồi đến những “thế thái nhân tình”. Từng mảnh vụn cuộc đời trong giọng dường như mang nhiều cay đắng pha lẫn chút xót xa, mai mỉa. Anh nói như nhắn nhủ với tôi những đoạn đường anh đã qua là những gì tôi đang bước tới. Có rất nhiều điều tôi đồng tình, nhưng cũng có ít kinh nghiệm tôi chưa hề nếm trãi. Cho dù thế nào tôi vẫn trân trọng những gì anh muốn gửi gấm, tâm tình. 
Trong đời chúng ta có biết bao nhiêu gặp gỡ, biết bao nhiêu con người, biết bao nhiêu khuôn mặt nhưng chỉ có vài ánh mắt, vài khuôn mặt dù chỉ một lần, ngắn ngũi sẽ ở lại trong ta một đời không quên. Tôi biết chắc cuộc gặp mặt hôm nay sẽ theo tôi nhiều năm tháng mai này. Tôi bắt tay thầy Phương thật chặc, thật lâu trong lời bịn rịn chia tay và hứa có dịp sẽ cùng các em học trò ghé thăm anh tại nhà. Để suốt ngày hôm đó lòng tôi cứ khắc khoải, bâng khuâng về hình ảnh một người “thầy cũ”, một người bạn mới quen; về những cưu mang một kiếp người lắm đổi, giữa bao nhiêu trùng vây đến cuối một dòng đời.  
Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối tôi gặp thầy Phương. Đời sống cứ cuốn trôi không ngừng nghỉ. Một ngày bộn bề hay trống rỗng lần qua, chúng ta không ý thức, không hay biết. Cho đến hôm chợt giật mình nhìn lại, những ngậm ngùi, nuối tiếc thắt chặc trái tim mình! Các bạn đã bao lần lỡ hẹn hay đã bao lần lỗi hẹn? Chắc cũng như tôi, không ít? Để đôi lúc một đời, một phương trời nào đó, có chạnh lòng, loáng thoáng những khuôn mặt của thời gian..?

3. Cô Học Trò “Khách Lạ”

Ra dấu cho cả lớp ngồi xuống, tôi mở sổ nhìn nhanh vào cột điểm hàng tháng, đã gần kín. Hôm nay không phải gọi học sinh hỏi bài, nhẹ nhõm. Với tôi học và dạy môn văn chương là sự cảm nhận không phải thuộc lòng. Khi đã cảm nhận được, thì chỉ sợ khó quên chứ nói gì đến phải “thuộc”. Tôi không “mặn” với vọng cổ, với cải lương. Trong suốt cuộc đời đến nay, tôi chưa hề cầm tay một bài ca vọng cổ nào. Vậy mà chỉ một lần, một lần qua phà Mỹ Thuận, tôi tình cờ nghe cô bé hát dạo bài ca vọng cổ. Mãi đến nay tôi vẫn không thể quên được:
“Em ở nơi nào, em ở đâu
“Lời ca tức tưởi mấy cung sầu
“Quê nghèo, áo nhuộm màu sương gió
“Một kiếp phong trần, mấy bể dâu

“Xe dừng lại bên kia cầu bến Lức
“Nhạc ai làm ray rức cõi lòng ta
“Họ không là những nhạc sĩ tài ba,
“Mà đời gian khổ là bài ca đầy nước mắt.. .   (1)

Viết tựa cho bài giảng hôm nay, tôi chợt có một cảm giác rất lạ phía sau. Giác quan thứ sáu báo tôi là có điều gì đó khác thường trong lớp. Quay lại, tôi chậm trãi nhìn quanh những dãy bàn. Một khuôn mặt lạ ngồi cuối dãy bàn góc phải, ánh mắt đen nháy nhìn tôi bối rối. Một cô học trò “khách lạ” đang ngồi “dự giờ” của tôi đây mà. Không quá ngạc nhiên, vì đây không phải là trường hợp thứ nhất. Đã có vài em học sinh vì lý do gia đình hay lý do nào đó phải nghỉ học, nhớ trường lớp, nhớ bạn bè cũng đã vào lớp giờ của tôi, để làm người học trò “khách lạ”. Hơn ai hết, tôi hiểu và xúc động vô cùng. Cười nhẹ, tôi bắt đầu bài giảng như không hề nhìn thấy cô học trò “khách lạ” đáng mến đó. Thường thì 1 tiết dạy của tôi quan trọng nhất là 15 phút cuối (30 phút cuối cho buổi dạy 2 tiết). Những giây phút cuối của buổi học sẽ để lại cho các em những trãi nghiệm khó quên trong đời. Ít nhất là tôi nghĩ như vậy! Sẽ là những đoạn thơ, những bài thơ trong và ngoài nước hay nhất của dòng văn học hiện đại. Là những câu chuyện kể về huyền thoại và nền văn học hiện sinh của phương Tây ảnh hưởng rộng lớn vào nhân sinh quan của nhân loại. Tôi biết rõ điều này có thể đưa đến việc bị “đuổi việc” hay nặng hơn là bị kết tội giảng dạy nền văn học “phản động”, “đồi trụy” và vào đồn công an Rạch Sỏi như chơi. Nhưng không hiểu sao tôi tin tưởng tuyệt đối vào học trò của mình. Tôi tin các em, trong cảm nhận trong sáng, hồn nhiên đó sẽ cảm thế nào là tính trữ tình, tính nhân bản trân quý. Và thật vậy, niềm tin của tôi đã được các em giữ kín trong lòng. 
Tiếng kẻng hết giờ vang lên, tôi ngỏ lời cám ơn cô học trò “khách lạ” đã đến dự giờ dạy và mong gặp lại bất cứ lúc nào em muốn trở lại! Sau đó tôi được biết tên của cô học trò “khách lạ” là H.P. Trước H.P là một học sinh giỏi và rất ham học vì “hoàn cảnh” gia đình em phải nghỉ học cuối năm lớp 11 để phụ giúp mẹ buôn bán nuôi đàn em nhỏ. Thỉnh thoảng nhớ bạn bè trường lớp, H.P lại làm người học trò “khách lạ” dự những buổi học bất chợt mà em có cơ hội, thời gian. Rồi không đầy một năm sau, tôi nghe học trò báo tin em đã lấy chồng về xứ lạ. Nét hân hoan trên khuôn mặt ái ngại sau giờ học và ánh mắt thơ ngây đã nhuộm phấn bụi đời ở mãi trong trái tim tôi sau những mai này...

4. Dấu Bụi Thời Gian

Cuối tháng Bảy, nơi tôi ở là mùa của những cơn giông từ phía bờ Đại Tây Dương. Buổi chiều mưa như trút nước, gió thổi nghiêng khoảng rừng cây thưa bao quanh chỗ tôi làm. Từ khung cửa kiếng lấm tấm nước, tôi chợt thấy thời gian đang ngưng đọng theo cơn mưa chiều. Những buổi chiều mưa nuối tiếc bóng đời người. Mọi ngập ngừng, bỏ lỡ không bám lại một bến bờ tình cờ nào suốt dòng đời nghiệt ngã, trôi xa. 
“... Mưa rừng ơi! Mưa rừng
“Tìm đâu hỡi ơi bóng người xưa
“Mỗi khi mưa rừng về muộn màng
“Bóng chiều về dần tàn
“Lòng thương nhớ nào nguôi...”  (2)

Đâu bóng người xưa, thôi những bụi mờ phấn trắng. Thấp thoáng trong cơn mưa trút bao nỗi nhớ chiều nay, đâu đó những bóng hình. Một ngôi trường thân thương, nhỏ bé; một khuôn mặt của người thầy cũ mà chỉ một gặp mặt, chạm tay; một ánh mắt hân hoan, ái ngại của cô học trò “khách lạ” một lần, sao như chợt nhớ chợt quên. Cố moi mọi ngõ ngách của tiềm thức, nhưng sao tôi vẫn không hình dung được khuôn mặt của nỗi nhớ. Càng cố gắng, trí nhớ càng phản bội tôi đến tàn nhẩn. Lờ mờ cơn mưa hay mắt tôi chợt lờ mờ trong nỗi nhớ tình cờ, đọng những giọt nước mặn môi, bao dấu bụi đời một thuở... 

 Cuối tháng Bảy, 2018.
NNH

(1) Sầu Vương Ý Nhạc – Viễn Châu

(2) Mưa Rừng – Huỳnh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét